Nhà thơ Phạm Thiên Thư: Ngày xưa Hoàng Thị…

Nguyễn Linh Giang

Có lẽ, trong ký ức người yêu thơ đều “nằm lòng” những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Thiên Thư: Ngày xưa Hoàng Thị, Động Hoa Vàng… Giai điệu quyến rũ từ những vần thơ của Phạm Thiên Thư càng bay bổng, lan toả, từng làm ngẩn ngơ, xao xuyến bao trái tim khi những bài thơ đó được nhạc sỹ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc. Tuy nhiên, đời thơ của Phạm Thiên Thư còn có hàng chục tác phẩm khác, là những viên ngọc lung linh kỳ lạ; ông đã từng được trao hai Kỷ lục Việt Nam về thơ và còn nhiều kỷ lục về thơ khác chưa được ghi nhận. Một chiều cuối năm Canh Dần, trong tiết trời se lạnh hiếm hoi ở đất Sài Gòn, chúng tôi tìm đến quán cà phê Hoa Vàng để gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư. Trước cổng cà phê Hoa Vàng (tên quán đặt theo tên một bài thơ của Phạm Thiên Thư), mặc cho dòng đời xuôi ngược, ồn ã, một ông già trên 70 tuổi như ngồi thiền, trầm tư nhả những vần thơ minh triết.

SỰ HÒA QUYỆN BAY BỔNG GIỮA THƠ VÀ NHẠC

Nói đến nhà thơ Phạm Thiên Thư, bạn đọc yêu thơ liên tưởng ngay đến tuyệt phẩm Ngày xưa Hoàng Thị. Phạm Thiên Thư kể: “Tôi sinh năm 1940, quê cha ở Thái Bình. Năm 14 tuổi, tôi theo cha mẹ vào miền Nam, ngụ ở căn nhà nhỏ nằm sau chợ Tân Định, học tú tài ở Trường trung học Văn Lang. Trong lớp học, tôi chú ý đến cô bạn Hoàng Thị Ngọ, người gốc Hải Dương. Ngọ đẹp, mái tóc dài buông lơi, che bờ vai mảnh dẻ. Nhà Ngọ ở trên đường Trần Quang Khải. Tan trường, Ngọ ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau, dưới bóng hàng cây xiên nắng. Chỉ là tình học trò câm lặng”. Học xong tú tài, Phạm Thiên Thư theo học Trường Phật học Vạn Hạnh, gửi hồn mình vào lời kinh tiếng kệ. Thế nhưng, mỗi khi đi qua con đường cùng Ngọ ngày trước, những cảm xúc lại trào lên, để rồi một lần cảm xúc trào dâng, Phạm Thiên Thư đã viết nên Ngày xưa Hoàng Thị: “Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ Chim non giấu mỏ/ Dưới cội hoa vàng”. Một mối tình học trò, phải 10 năm ấp ủ mới bật lên một tác phẩm thơ. “Mười năm rồi Ngọ/ Tình cờ qua đây/ Cây xưa vẫn gầy/ Phơi nghiêng dáng đỏ/ Áo em ngày nọ/ Phai nhạt mấy màu…”.

Sau đó, bài thơ được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc. Lời ca bay bổng, thánh thiện của Ngày xưa Hoàng Thị đã làm nên một hiện tượng ca nhạc ở miền Nam những năm 70. Ca sỹ Thanh Thuý là người đầu tiên hát Ngày xưa Hoàng Thị. Nhà thơ Phạm Thiên Thư nói: “Tôi cũng bất ngờ khi nghe lại bài thơ của mình đã phổ nhạc. Nhạc sỹ đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng”. Nhà thơ Phạm Thiên Thư kể: Nguyên mẫu Hoàng Thị Ngọ nay vẫn còn sống, sau này cô đi định cư ở Mỹ và hiện là tiến sỹ ở Mỹ. Tuy nhiên, có những chi tiết thú vị vô cùng! Sau này, có hơn 10 cô gái, có người tìm đến gặp nhà thơ và nhận mình là cô Ngọ. Chỉ mới cách đây vài tháng, có một cô mới 30 tuổi, đến gặp Phạm Thiên Thư và nhận mình là… cô Ngọ (!). Khi kể chuyện này, tôi thấy nhà thơ Phạm Thiên Thư nheo mắt cười ý vị.

Cũng trong thời gian đi tu, ngấm giáo lý nhà Phật, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã viết trường thi Động Hoa Vàng. Động Hoa Vàng gồm 400 câu thơ lục bát, như một câu chuyện cổ tích, khói sương bàng bạc, kể về một nhà sư giũ áo đến chốn Thiên Thai: “Ta về giũ áo mây trôi/ Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan/ Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say…”. Phạm Thiên Thư hồi tưởng: cảnh giới huyền mộng, đầy sắc hoa vàng là hình ảnh quê hương đã in đậm trong ông từ ngày thơ ấu, khi theo cha lên đồi khai thác đá trắng, nơi ấy ngợp hoa dại màu vàng. Khi làm thơ, ký ức thơ ấu đã ùa về. Động Hoa Vàng mang đậm tính Phật, đánh dấu bước tiến của nhà thơ trên thi đàn, làm nên thương hiệu Phạm Thiên Thư. Năm 1971, nhạc sỹ Phạm Duy đã chọn một số câu trong Động Hoa Vàng phổ thành ca khúc Đưa em tìm động hoa vàng: “Nhớ xưa em chửa theo chồng/ Mùa xuân may áo, áo hồng đào rơi/ Mùa thu em mặc áo da trời/ Sang đông lại khoác lên người áo hoa/ Thôi thì thôi để mặc mây trôi/ Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan/ Thôi thì thôi chỉ là phù vân/ Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi”.

PHẠM THIÊN THƯ VỚI NHỮNG KỶ LỤC VỀ THƠ

Có người nói rằng: Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Phạm Thiên Thư lý giải: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”. Và quả thật, trong thời gian đi tu (1964- 1975), Phạm Thiên Thư đã làm được một khối lượng công việc đồ sộ: sáng tác 10 bài Đạo ca (Phạm Duy phổ nhạc); Việt hoá 7 bộ kinh Phật giáo bằng thơ (chuyển kinh Kinh Kim Cương thành tập thơ “Qua suối mây hồng”, Kinh Hiền Ngu thành tập thơ “Hội Hoa Đàm”, Kinh Pháp Cú Dhammapada thành tập thơ “Suối nguồn vi diệu”…); Từ điển cười (Tiếu liệu pháp) với 5.000 ngữ nghĩa vui cười và 24.000 bài thơ tứ tuyệt, định viết từ A đến Z, mới dừng ở A-B-C đã có gần ngàn trang sách; cuốn Hát ru Việt sử thi với độ dài 2.324 câu thơ lục bát, mở đầu từ thời thượng cổ và kết thúc vào thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ.

Vào năm 1969, Phạm Thiên Thư đã viết truyện thơ Đoạn trường vô thanh, được xem như hậu Truyện Kiều. Tác phẩm này đã đoạt giải Nhất văn chương năm 1971. Truyện Kiều của Nguyễn Du lấy cốt truyện từ Đoạn trường tân thanh; Truyện Kiều có 3.000 câu thơ lục bát, thì Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư có tới 3.254 câu thơ lục bát. Nhà thơ Phạm Thiên Thư tâm sự: “Tôi có tham vọng nối dài đời sống của Kiều. Cuộc đời Kiều đã phải mang nhiều đau khổ không thể bộc lộ hết được. Vô thanh là lý do như vậy. Đoạn trường vô thanh: nỗi đau không thể thốt nên lời! Tôi muốn viết Đoạn trường vô thanh mang thuần tuý hồn vía Việt Nam. Tôi viết Đoạn trường vô thanh, mượn đoạn sau của đời Kiều để mô tả cõi “phù du mộng”, cái vô tướng, vô ngã của cuộc đời thông qua từng nỗi đau nhân thế cũng như thân phận của con người: “Giam trong tài mệnh giả chân/ Trăm năm hồ dễ một lần bay cao”, “Cây cầu lửng giữa chiêm bao/ Phải chăng cửa ngõ đi vào huyền căn/ Tiếng tơ kết kén ôm tằm/ Biết đâu hoá bướm trăm năm một lần…”, “Cuộc đời chớp loé mưa bay/ Càng đi càng thấy dặm dài nỗi không/ Thân tâm bạch, nghiệp trần hồng/ Lênh đênh trầm nguyệt bềnh bồng phù vân”. Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học thì Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư có cốt truyện hấp dẫn và nghệ thuật thơ lục bát đâu có thua kém gì Truyện Kiều! Nhà thơ Phạm Thiên Thư cho biết: Đoạn trường vô thanh đã được tái bản sáu lần (hai lần ở Việt Nam và bốn lần ở Mỹ).

Ở tuổi 71, nhà thơ Phạm Thiên Thư vẫn miệt mài sáng tác. Hàng ngày, có một ông già ngồi trước cổng quán cà phê Hoa Vàng, bên cội cây mai tứ quý bốn mùa hoa vàng rực, mặc cho ồn ào phố xá, với một cây bút và mấy tập vở học trò, ông trầm ngâm nhả chữ. Phạm Thiên Thư đang viết cuốn Giai điệu Kinh Ca dao Việt Nam với khoảng 10.000 câu thơ lục bát (đủ 64 tỉnh thành trên cả nước). Ông làm thơ như từ vô thức, chữ viết đẹp, không chút tẩy xoá. Như đây là bài ở Tiết 81 Tiếng Sông Hồng: “Tiếng nàng như gió như mây/ Bâng khuâng hạt nước, mênh mông gió trời/ Ta về nhớ mãi nhớ ơi/ Tiếng ai hơi thoảng, thơm lơi Hàng Đào”. Có lẽ, rồi đây sẽ có một kỷ lục về thơ được ghi nhận. Trước đó, vào năm 2007 Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận Phạm Thiên Thư là “người Việt Nam đầu tiên sáng tác Từ điển cười bằng thơ”, và năm 2009 tác phẩm Kinh Hiền Ngu của ông đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “tác phẩm thi hoá theo thể thơ lục bát dài nhất Việt Nam”.

Nếu có dịp đến quán cà phê Hoa Vàng (đường Hồng Lĩnh, Cư xá Bắc Hải, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), khách văn chương sẽ được chủ quán mở cho nghe các nhạc phẩm Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng… Và khi tiếng hát liêu trai của ca sỹ Thanh Thuý cất lên, ở một góc quán, nhà thơ Phạm Thiên Thư dừng bút; ông như trẻ lại, thả hồn về với kỷ niệm một thời hoa niên.

Sài Gòn, tiết Noel 2010*

clip_image001

Phạm Thiên Thư qua nét vẽ của Trịnh Công Sơn.

 

clip_image003

Nhà thơ Phạm Thiên Thư và nhà báo Nguyễn Linh Giang.

*Bài đăng trên Báo Công Lý số Xuân Tân Mão 2011.

Comments are closed.