Thảo luận “Vấn đề dạy chữ Hán trong nhà trường“ (8)

Về việc học chữ Hán trong nhà trường Việt Nam hiện nay

Trần Đình Sử

 

Trước hết cần phân biệt học chữ Hán và học ngoại ngữ. Về ngoại ngữ Việt Nam chỉ nên bắt buộc học tiếng Anh, các ngôn ngữ khác nếu cần thì tự chọn, không bắt buộc. Do đó cần gạt bỏ việc học tiếng Trung trong nhà trường phổ thông.

Thứ hai, để giữ gìn tiếng Việt không nhất thiết phải học chữ Hán. Thành phần Hán Việt trong tiếng Việt chỉ chiếm 60 – 80% từ vựng tiếng Việt. Trong số 80% ấy có một bộ phận không nhỏ từ Hán Việt là do người Việt cấu tạo bằng yếu tố Hán, chứ tiếng Hán không có nghĩa ấy. Nếu học tiếng Hán tràn lan thì hiểu sai tiếng Việt.

Di sản Hán Nôm đã cách tiếng Việt hiện đại một khoảng cách rất lớn. Không riêng Việt Nam ngay Trung Quốc cũng vậy. Sinh viên văn khoa Trung Quốc tốt nghiệp đại học cũng không phải nhất loạt đều đọc được chữ Hán cổ. Sinh viên chỉ học một giáo trình của Vương Lực, mà cũng không học hết, nghĩa là giáo viên tự chọn để cho học, vì không có giờ. Giải pháp của họ như sau: 1. Dịch các văn bản cổ sang Trung văn hiện đại để mọi người tìm đọc. 2. Ai nghiên cứu văn học cổ thì phải được đào tạo riêng, thêm.

Bây giờ học chữ Hán trong nhà trường có mấy cái hại: 1. Thêm môn học, 2. Đào tạo và trả lương thêm cho một loại giáo viên. 3. Học sinh thêm gánh nặng vốn đã quá tải. 4. Mà hiệu quả chắc chắn thấp hoặc không có. Nhà nước và xã hội đều tốn kém thêm mà nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Quan điểm của tôi: Tăng cường dạy từ Hán Việt trong nhà trường phổ thông. Sách Hán Nôm cổ quyển nào có giá trị xin phiên âm hoặc dịch ra tiếng Việt hiện đại để phổ biến. Tuyệt đối không nên thêm môn học trong nhà trường.

Câu chuyện về tiếng Hán Việt cứ nên bàn cho ra nhẽ, thoải mái.
Chúc vui trong ngày Quốc Khánh.

Nguồn: FB Trần Đình Sử

Comments are closed.