Những bức thư của tình thương

Phạm Xuân Nguyên

TÔI BỊ CẤM DỰ HỘI THẢO VÕ HỒNG

Đây là bản tham luận của tôi gửi tham dự hội thảo “Hoài cố nhân – kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng”. Hội thảo do Đại học Phú Yên cùng mấy cơ quan phối hợp tổ chức lẽ ra đã diễn ra trong năm 2021, đúng 100 năm sinh nhà văn. Nhưng vì đại dịch Covid-19 nên năm nay mới tiến hành vào ngày 24/4/2022 tại thành phố Tuy Hoà (Phú Yên).

Tôi được ban tổ chức mời tham dự và đã gửi tới hội thảo bản tham luận này viết về những bức thư nhà văn Võ Hồng gửi cho tôi trong thập niên 1990. Ban tổ chức hội thảo cho biết tôi có trong danh sách những người phát biểu tham luận. Và tôi đã mua vé máy bay Hà Nội – Tuy Hoà (các diễn giả tự túc đi lại) và Tuy Hoà – TPHCM (kết hợp công việc cá nhân). Chuẩn bị cho hội thảo tôi còn mua hai tập truyện của nhà văn Võ Hồng do Nxb Kim Đồng in năm 2021 để mang đi.

Nhưng sáng thứ Sáu (22/4/22) tôi nhận được điện gọi của người trong ban tổ chức báo là công an tỉnh Phú Yên yêu cầu họ không được để tôi và hai người nữa (trong đó có nhà văn miền Nam cũ Nguyễn Lệ Uyên tức Đoàn Việt Hùng) tham dự hội thảo, bài của cả ba không được đưa vào kỷ yếu. Lý do bên an ninh đưa ra, theo người của ban tổ chức cho biết, là do tôi tham gia “Văn Đoàn Độc Lập”.

Tôi không lạ và không bất ngờ trước sự việc này đối với mình. Nhưng đây là một hành động thô bạo của công an Phú Yên can thiệp vào một hội thảo khoa học quốc gia về một nhà văn nổi tiếng của tỉnh nhà. Họ sợ cái gì cơ chứ? Trong khi cuối tháng Ba vừa rồi tôi đã được Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM mời và tôi đã tham dự và chủ trì (theo hình thức trực tuyến) một tiểu ban trong hội thảo quốc tế kỷ niệm 50 năm mất Kawabata Yasunary, nhà văn được giải Nobel đầu tiên của Nhật Bản.

Tôi không buồn cho mình, chỉ buồn cho tỉnh Phú Yên. Mà hình như ở xứ “hoa vàng cỏ xanh” những việc chơi không đẹp với văn chương như thế không phải là chuyện lạ. Tôi nhớ vụ việc năm nào với truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng đã in sách nhưng khi đăng báo “Phú Yên” bị phê phán kịch liệt làm ông Tổng biên tập Phạm Ngọc Phi phải lao đao khốn đốn. Bạn bè văn nghệ trong tỉnh đã kêu tôi lên tiếng giúp đỡ. Và tôi đã viết bài bảo vệ cho cái truyện ấy và việc đăng nó trên báo “Tuổi Trẻ”. Liên hệ giữa hai việc năm trước và năm nay, chẳng lẽ xứ nẫu lại “thù” tôi dai vậy?

Và đây là toàn văn bản tham luận của tôi.

Phạm Xuân Nguyên

Có thể là hình ảnh về văn bản

 

Cuộc sống khốn đốn, giữ cho được cái nhân cách tối thiểu.”

Võ Hồng

*

Tôi biết nhà văn Võ Hồng từ năm 1988. Khi đó Ban Văn học Việt Nam hiện đại thuộc Viện Văn Học phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh (nhập hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) làm cuốn sách chân dung văn học của các nhà văn nhà thơ gốc quê ở vùng đất này. Tôi được Trưởng ban Phong Lê giao trách nhiệm như kiểu bây giờ là “điều phối viên” giữa Ban và Hội. Vì vậy tôi có khoảng thời gian khá dài đi lại vào ra và lưu trú tại thành phố biển Nha Trang. Cùng với tôi còn có Phạm Phú Phong, giảng viên Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế hồi đó, một công tác viên của Ban. Chúng tôi làm việc với lãnh đạo Hội Văn Nghệ lên danh sách những người được viết và những người viết, phân công trách nhiệm tổ chức bản thảo và xuất bản sách giữa hai bên, gặp gỡ nhân vật và tác giả, lấy tài liệu, sách báo… Trong quá trình làm việc với Hội Văn Nghệ tỉnh Phú Khánh, chúng tôi cũng làm việc với cả Hội Văn Nghệ thành phố Nha Trang, chủ yếu là với nhà văn Thế Vũ, thư ký tòa soạn của tạp chí Văn Nghệ Nha Trang (còn tờ tạp chí của Hội tỉnh mang tên “Cánh én”). Hội thành phố có trụ sở ở 6 Lý Tự Trọng. Đó là một tòa nhà hai tầng xinh xắn, rộng rãi, phía trước có cái sân rộng làm quán cà phê sách báo của vợ chồng nhà thơ, dịch giả Lê Ký Thương là chỗ tụ họp gặp gỡ của anh em văn nghệ sĩ. Tại đây nhà văn Võ Hồng cũng thường lui tới như ông có nói trong các bức thư gửi tôi.

Bây giờ tôi không còn nhớ rõ là tôi đã diện kiến nhà văn Võ Hồng lần đầu tiên là ở đâu, tại Hội hay tại nhà ông. Chỉ biết là khi lập danh sách các nhà văn Phú Khánh để viết chân dung thấy có tên ông tôi đã tò mò, Rồi tôi tìm hỏi. Và tôi muốn được gặp trực tiếp. Dần dà sau vài lần gặp thì tôi đã được ông mời đến nhà ở 53 Hồng Bàng, Nha Trang. Hồi đó tôi có cảm giác là nhiều anh em văn nghệ trong đó cũng ít giao tiếp với ông, mà ông cũng không mặn mà tiếp xúc với mọi người. Tôi cảm thấy như vẫn còn một không khí e ngại, xa cách giữa hai bên. Ông có đến 6 Lý Tự Trọng thì thường cũng chỉ nói chuyện nhiều hơn với các anh Thế Vũ, Lê Ký Thương… “những người cũ”. Cho nên mấy lần đầu đi cùng tôi đến gặp nhà văn chỉ có Phạm Phú Phong, Đặng Minh Châu (nhà thơ, biên kịch điện ảnh, hồi đó đang làm ở công ty phát hành phim và chiếu bóng tỉnh, sau này đã chuyển thể tiểu thuyết “Thiên đường ở trên cao” của ông thành phim truyền hình). Về sau cứ có dịp là tôi đến một mình.

Tôi được ông tiếp đón ân cần. Cuộc chuyện trò của hai người văn chương: một Nam một Bắc, một già một trẻ, một sáng tác một phê bình, diễn ra thoải mái, tự nhiên. Ông cẩn trọng chu đáo từ cách xưng hô, và trong các thư cho tôi về sau ông luôn viết hoa chữ Anh. Tôi gọi ông bằng Bác, sau quen thuộc hơn thì xưng là Thầy và Con. Sự giao cảm và tình quý mến của nhà văn và tôi đã đọng lại trong những bức thư ông viết mà tôi may mắn còn giữ được.

Tôi và nhà văn Võ Hồng gửi thư cho nhau khá đều đặn trong mấy năm đầu quen biết nhau. Các bức thư tôi gửi ông thì hẳn không còn nữa vì năm 2013 ông mất, gia đình thân thích không có ai bên cạnh nên chắc các giấy tờ tư liệu của ông đã thất tán. Về phần các thư ông gửi tôi thì hiện tôi còn giữ được 12 bức cùng với các phong bì dán tem. Trong 12 bức này thì bức sớm nhất đề ngày 22.9.1989, bức muộn nhất ngày 8.8.1993. Trong 4 năm đó nhà văn đã viết cho tôi: năm 1989 (3 bức), 1990 (2 bức), 1991 (2 bức), 1992 (4 bức) và 1993 (1 bức). Thư ông viết phần nhiều trên giấy pơ-luya (pelure) màu xanh, đề ngày tháng rõ ràng. Có một vài bức ông dùng chì màu xanh đỏ vẽ một bông cúc, một bông đào. Nét chữ ông mềm mại, ngay ngắn, chân phương của một nhà giáo. Thỉnh thoảng ông có chen tiếng Anh, Pháp, Hán, Nhật khi kể chuyện dạy trẻ con học hay nhớ lại một kỷ niệm nào đó (tôi có chú dịch trong ngoặc vuông.)

Kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn Võ Hồng, đọc lại những bức thư ông viết cho tôi, tôi cảm nhận được từ đó những tình cảm yêu thương chân tình, thắm thiết. Đó là những bức thư đầy tình thương của một con người và một nhà văn đối với cuộc sống và văn chương.

THƯƠNG TRẺ NHỎ

Nhà văn nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần. “Tôi yêu con nít dưới 3 tuổi.” (Thư 23.10.1989). Tôi càng nhiều tuổi, càng chỉ chơi với con nít.” (Thư tết Tân Mùi 1991). “Tôi càng lớn càng thích chơi với trẻ con, nhất là con gái 2 tuổi, 4 tuổi.” (Thư 5.9.1991). “Khi già, người ta thích chơi với con nít.” (Thư 16.1.1992).

Gần như thư nào ông cũng đều kể chuyện cuộc sống hiện tại của mình thích vui chơi với những đứa con nít như những người bạn nhỏ đưa lại niềm vui sống cho ông. “Mới hôm 21.10, tôi ra đứng nhìn cành khế, nhìn cái trái nhỏ, dài 0,5cm giữa chùm hoa li ti, nhớ con bé gái hàng xóm tên Cụi thỉnh thoảng chị nó bế lại để tôi được ngồi cạnh, một buổi. Và tôi chảy nước mắt, vì nhớ đã bế nó đứng chỉ hoa khế cho nó coi.” (Thư 23.10.1989). Chính tình cảm vừa ông cháu vừa bạn bè đó với trẻ nhỏ, nên ông đã muốn có tấm ảnh đứa con gái nhỏ của tôi, “Anh nhắc tới cháu bé. Có lẽ suốt bức thư tôi chỉ đọc có câu “cháu bé của thầy ngoài này vẫn ngoan, khỏe.” (Thư tết Tân Mùi 1991). Và khi có rồi thì ông đã dành rất nhiều yêu mến cho đứa cháu chỉ thấy hình chưa gặp mặt. “Tôi lồng ảnh cháu dưới tấm gương nơi tôi viết. Tôi phải che cái đồ chơi nhựa xanh để nhìn cháu. Đồ nhựa, kinh tế thị trường! Đáng lẽ chỉ để Hoa Bươm Bướm. Hồn nhiên. Giá được ở cạnh, tôi sẽ thích chơi với cháu.” (Thư 5.6.1992).

Nhà văn chơi với trẻ nít và bày cho chúng học ngoại ngữ theo một cách rất Võ Hồng tức là chỉ vào vật cụ thể và đọc lên cái từ gọi sự vật đó bằng tiếng Anh. Đứa trẻ nghe và đọc theo, hôm sau chỉ lại vật đó nó sẽ đọc lại từ đó, như phản xạ có điều kiện. Ông coi đó là một cách chơi mà học, học mà chơi. Tôi rủ nó cùng nhìn ra đường, nói bicycle kia” và nó nói theo khi thấy cái xe đạp đi tới “đó, bicycle nữa đó. Ồ! Cái bicycle kia nữa”. Đưa trái chuối, bắt nói “bờ-né-nờ”, nhưng về Phú Vinh, – chị nó kể, – hỏi lại thì nó nói là “bờ-né… bờ-né… chuối”. (Thư 9.4.1990).

Hiện giờ thì đứa bé gái 1 tuổi 4 tháng (con của đứa cháu gọi tôi bằng Bác ruột) là đứa tôi cưng nhất. Sáng sáng cha nó bế lên, tôi nói Coffee nó chìa tay cho tôi bế. Đút nó 1 muỗng, bảo “nói đi” thì nó “Chính chinh” (nghĩa là Thank you!). Nói “the fan” nó ngửa mặt nhìn lên cái quạt trần. Nói “the lamp” nó chỉ cái đèn trên vách.” (Thư tết Tân Mùi 1991).

Kề tôi, con của đứa cháu (gọi tôi bằng Bác), tôi chuyên môn nói… tiếng Anh với nó để thử trí khôn của nó. Lên 1 tuổi, tôi bế nó, lại bụi trúc, thấy lá trúc có đẫm nước mưa, tôi lật ngửa tay nó, kéo một lá trúc, để rơi trên tay nó 1 giọt nước, và tôi nói “Water”, nói 3-4 lần. Hôm sau nó nghe nói water là lật ngửa tay. Nay nó lên 1 tuổi rưỡi thì nó biết nói: the fan, the key, flower beautiful và I’m sorry. Đứa cháu vừa 5 tuổi thì, muốn được coi tivi phải nói I like watching TiVi. Sau đó tôi bắt nói tiếng… Nhật (vì tôi dạy ba nó mà ba nó lười). Phải chào trong tư thế người Nhật: Konichiwa… Sayonara, Arigato, Oyasuminasai. Hôm mê coi TiVi Tây Du ký, tôi tiến xa hơn, bắt viết tên tác giả bằng chữ Nho!” (Thư 5.9.1991).

Nhà văn phân trần trong thư: “Tính tôi nghịch chơi vậy mà, chớ không phải vọng ngoại đâu.” Ông già bảy mươi nghịch dạy chữ Nho cho đứa trẻ hai tuổi rưỡi viết chữ Tử (Con) bằng cách bắt ba nó nằm xuống sàn nhà rồi vẽ bên cạnh con số 3 và rồi đặt lên lưng người cái gậy thì vạch một nét ngang vào giữa số 3. Thế là được chữ Tử tiếng Hán (Thư 5.6.1992). Ông nghịch bày cách gọi tên con vật: “Con chó của lũ nhỏ đứa thì kêu Mino, đứa thì kêu Mina. Tôi nói “Nó giống con Gấu Trúc, biểu tượng Thế vận Asiad 90, Vậy đặt tên Xẻo Chè nghĩa là “Tiểu thư” (chó cái mà!). Có bất ngờ không, cuối cùng ai cũng kêu Xẻo Chè!” Thế là nhà văn chiêm nghiệm được một điều: “Té ra ai cũng ưa hài hước! Té ra cái nghiêm chỉnh là cái impersonnel.” Ông còn nghịch tới mức “Thằng bé 4 tuổi rưỡi ở dưới nhà thì tôi bắt tán phụ nữ bằng câu Ce que femme veut, Dieu le veut.” (Thư 16.1.1992).

Và khi bày trò chơi cùng trẻ nhỏ nhà văn bảy mươi tuổi ngậm ngùi “chúng ta bỏ phí không biết Chơi với trẻ con, bày trò trẻ con Chơi thú vị.” Ông còn ngẫm ngợi xa hơn về cuộc đời khi những đứa trẻ chơi cùng ông phần nhiều là bé gái. “Những đứa nhỏ 4-5 tháng cho tới 4-5 tuổi tôi thương con gái hơn con trai. Những bé gái, sự dịu dàng, và xa hơn, sự thiệt thòi. Có Hiếu với cha mẹ là con gái, chịu thiệt thòi là con gái, là phụ nữ.” (Thư 9.4.1990).

THƯƠNG TIẾNG VIỆT

Khi nói về việc bày cho trẻ nhỏ học tiếng Anh như một trò chơi, nhà văn Võ Hồng đã nói rõ là không phải ông vọng ngoại. Ngược lại trong suốt cả cuộc đời dạy học và viết văn của mình, ông đã là một người rất chăm chút cho tiếng Việt. Thư ngày 28.2.1992 ông kể chuyện nhân năm Nhâm Thân ông có viết mấy bài về Khỉ theo kiểu đồng thoại. “Để cho các con vật nói ngôn ngữ quê mùa của quê tôi, thật dễ thương lạ, tôi yêu cái ngôn ngữ đó hơn ngôn ngữ bác học vốn đang phát triển, dẫu sự phát triển đó là hợp lý, là cần thiết.”

Năm 1992 ông dự định ra tập sách “Trầm tư”. Đó là những suy nghĩ nhỏ, bất chợt ông thường hay ghi sổ tay, nhật ký, cùng những câu ông nghe thấy lượm lặt được trong cuộc sống thường ngày ở những người xung quanh mình, nay ông chọn lọc lại, xén cắt, trang điểm, thành ra những câu như cách ngôn, châm ngôn. Trong thư đề ngày 5.6.1992 ông có gửi kèm cho tôi bản đánh máy mấy lời dự định làm lời nói đầu cho tập sách “Trầm tư” này. Đọc nó thấy được lòng ông yêu tiếng Việt thế nào.

Yêu nên “Có những câu chợt hiện ra không do hoàn cảnh cụ thể nào hết. Như câu 420 “Tôi ghét chữ “hiền thê” nhưng bởi tánh vợ tôi quá hung dữ nên không dám dùng chữ khác để thay”. Do tính nghịch ngợm cố hữu nơi tôi mà ra.”

Yêu nên nghe thấy cô chị la cô em: “Bếp núc bỏ bừa bãi. Rờ đâu cũng bụi bặm” nhà văn cười thầm: “Đã mệt ngất ngư mà còn từ hoa: bụi bặm”. Từ hoa ông nói đây chính là từ láy. Câu rầy la đó khiến ông chợt nghĩ tới một quy luật tiết kiệm trong ngôn ngữ. “Và tôi viết câu trầm tư số 521: “Sắp tới ngày mà ngôn ngữ cũng phải chịu ảnh hưởng của luật Kinh tế: bụi không bặm, chậm không chạp, vui không vẻ, buồn không

Trong tập này có câu tôi thích nhất và thường nhắc lại nhiều lần: “Từ khi có đồng hồ con người thêm lật đật / Từ khi biết xem lịch cuộc đời như ngắn đi”. Ngắn gọn, giản dị mà sâu sắc, câu viết như châm ngôn như thơ này của Võ Hồng đã giúp tôi sống thoải mái thảnh thơi trên dòng và theo dòng thời gian.

Yêu tiếng Việt nên yêu cuộc sống của người dân Việt. Ông có thổ lộ với tôi một mong muốn này: “Bao nhiêu năm rồi tôi cứ ước ao được gặp mấy nhà Lãnh đạo lớn, đề nghị quý ngài cho phát động 1 phong trào “mời các người có biết chữ viết tất cả những gì họ nghe, họ thấy, họ nghe kể… từ khi có trí khôn cho tới bây giờ… đặc biệt là các người ở nhà quê. Viết lại. Đừng có phân biệt nó là phản chánh sách, là mê tín, là phong kiến v.v…Chánh quyền Xã sẽ đong lúa mà tạ cho họ, 50 giạ, 100 giạ cũng được. Tập trung tất cả đem về lưu trữ. Đâu có phổ biến ngay mà sợ. Tôi thiết tha nghĩ đến công việc này là bởi tôi muốn viết tiếp những kỷ niệm ngày nhỏ nhưng liền đụng phải “nhiều cái mình không biết”. Phụ lòng công lao của tổ tiên biết bao!” (Thư 9.11.1989). Thoạt nghĩ mong muốn này như ngây thơ. Nhưng là người viết văn ông muốn biết tận tường những nguồn sống của người dân quê để những trang văn của mình cụ thể, chân thực và sống động.

Những điều ông nói trong thư với tôi là nhất quán thái độ yêu quý trân trọng tiếng Việt đã có ở ông từ lâu. Ngay trước 1975 khi chứng kiến cơn sốt học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, ở các đô thị miền Nam đến mức chà đạp lên tiếng mẹ đẻ ông đã phải lên tiếng báo động: “Là nhà văn, chúng tôi yêu mến tiếng Việt hơn ai hết, phụng sự cho tiếng Việt hơn ai hết. Nhưng khi dạy tiếng Việt cho học sinh thì thật là nản. Đến nỗi có lần tôi đã nửa đùa nửa thật mà nói với một lớp nữ sinh: "Đối với tiếng Việt, các cô là những bà mẹ chồng. Các cô hành hạ nó, giày xéo nó, vùi dập phũ phàng nó. Câu văn viết sao cũng được, bất chấp văn phạm, bất kể chánh tả. Trong khi với tiếng Anh tiếng Pháp, các cô chiu chít nâng niu, sai một giới từ nhỏ, thiếu một chữ s chữ e các cô xuýt xoa đấm đầu bứt tai như vừa phạm tội trọng.[*]

Lời báo động này của ông đến nay vẫn cứ là thời sự cấp bách.

THƯƠNG VĂN CHƯƠNG

Trong những cuộc gặp chuyện trò cũng như qua các bức thư, nhà văn Võ Hồng có một tâm sự sâu kín thổ lộ với tôi. Đó là những suy nghĩ băn khoăn, lo lắng cho số phận sáng tác của mình trước 1975. Ông sợ chúng bị cái nạn “phần dư” (đốt sách). Ông thất vọng, đau khổ sợ các sách của mình sẽ bị mất hết, sẽ không còn được in. Ông muốn chúng được in lại, dù chỉ như là những sử liệu. “Không đề cập đến nghệ thuật, hãy cứ nghĩ đến những truyện dài truyện ngắn mô tả vô tình các lề lối làm ăn, suy nghĩ… của đồng bào thời xưa, thời cũ đó. Tôi cứ nhìn chúng là những sử liệu. Bởi, cứ đọc lại một truyện nào, cách nay 30-40 năm là ta đã ngạc nhiên coi như cái cách làm ăn sinh sống đó xa lạ quá.” (Thư 16.1.1992). Tôi biết khi nói thế ông đã phải hạ mình rất đau khổ. Ông càng đau buồn hơn khi thấy độc giả ít chịu đọc truyện ngắn mặc dù ông tự nhận thấy “những truyện ngắn của mình đã vẽ lại rất trung thực những mặt sinh hoạt của bà con Miền Nam Trung Bộ chặng 1930 – 1975, suốt 45 năm.” (Thư 9.11.1989).

Cho nên ông chi chút mừng khi được tin ở đâu đó sách của Võ Hồng được in lại, được đọc, được vào bài thi bài luận. Với ông “Những niềm vui nho nhỏ này làm vui ta một chút, một chút… giữa cái khổ nhân sinh.” Nhưng oái ăm là vào khoảng thời gian thư từ của nhà văn Võ Hồng với tôi thì những tin ông “khoe” với tôi trong thư lại đến từ nước ngoài. Đầu năm 1989 ông gửi nhà thơ Giang Nam mang ra Hà Nội cho tôi tập truyện “Trầm mặc cây rừng” và cuốn tạp chí “Văn” số đặc biệt về Võ Hồng. Thư ông viết: “Trong cuốn TMCRừng có truyện Chuyến về Tuy Hòa mà một cô học sinh cũ của tôi ở Australia biên thư nói “… có một bà VN mượn đọc ở thư viện Australia. Bà ta lén xé truyện đó bỏ vô xắc. Bị thư viện bắt được. Họ rao sự việc lên bản thông cáo. Bà ta khóc v.v…” (Thư 22.9.1989). Rồi ở Pháp “Cái truyện “Trầm mặc cây rừng” trong cuốn đó cũng được nhiều người sinh viên Vietnam ở Pháp ghé lại đọc ở thư viện Đại học Jussieu thích (tôi nghe mét vậy chớ đâu có biết cái Đại Học đó).” (Thư 23.10.1989).

Ba năm sau, ông lại báo tin: “Có anh bạn 16 năm không thư từ, tháng trước từ Illinois viết về cái thư nói “xúc động khi đọc truyện “Lâu đài trên cát” của anh”. À, chắc anh ta đọc Mỹ Thuật Thời Nay số Xuân, tôi kể chuyện Con Khỉ Già! nhằm năm Khỉ mà. Cô học trò cũ lập nghiệp ở Australia thì nói lớp 12 bên đó lấy tiếng Việt làm 1 sinh ngữ nên học trò Vietnam đỗ nhiều. Chúng nó có học V.H. và nói “đọc có chỗ ổng tả cái vũng nước ở Nhatrang thiệt ngộ. Ở Úc không có”. (Thư 23.9.1992)

Do vậy ông nhiều lần mong mỏi tôi và Phạm Phú Phong (nghĩ mà thương nhà văn, hai chúng tôi có là gì đâu!), rộng ra là Viện Văn Học, có động thái gì để giúp ông và các đồng nghiệp văn chương miền Nam trước 1975 được hiện diện trở lại trong đời sống văn học nước nhà. “Tôi nghĩ đến Anh, người bạn trung thực quen thuộc của Miền Nam Trung Việt, tôi thấy ngoài việc nghiên cứu Văn Học, Anh và các bạn cùng thế hệ nghĩ dùm đến hoàn cảnh văn học bị đốt rụi ở Miền Nam. Cuộc sống khốn đốn, giữ cho được cái nhân cách tối thiểu.” (Thư 5.6.1992)

Đến khi sách của mình được in lại thì ông thực sự mừng. Dù có khi in thiếu câu thiếu đoạn và lại in sai nhiều. Dù có khi in với số lượng ít. Miễn là sách được in ra lại, còn như nếu nhà xuất bản kẹt tiền thì ông sẽ xin con mình góp tiền vô. “Tôi chỉ cần sách được in, vài ngàn cuốn mỗi tirage, bởi chưng tôi già quá rồi mà, bệnh để chết thì dễ quá.” (Thư 5.9.1991). Đọc lời nhà văn bảy mươi tuổi nói vậy mà thương cảm, xót xa. Nhưng ông vẫn tin là sáng tác của mình dần dần sẽ được in lại hết vì “Tôi viết mấy cuốn mô tả thời kháng chiến, nói cái gì thiệt nhất, dễ thương nhất mà ai cũng phải công nhận.” (Thư 5.9.1991)

Cũng trong mạch suy nghĩ này, nhà văn Võ Hồng nói đến nhà thơ Tương Phố khi tôi gửi cho ông mấy tư liệu của vợ tôi ghi chép về bà. Bà Tương Phố (1896 – 1973, tên thật là Đỗ Thị Đàm) nổi tiếng với bài thơ “Giọt lệ thu” khóc chồng, từ 1945 sống ở Nha Trang, do đó giữa bà và nhà văn Võ Hồng có sự quen biết. Ông nói đến Tương Phố cũng là nói về mình, để nói cái hoàn cảnh thời đại của nhà văn. “Như bà Tương Phố, nếu bà không di cư vào Nam, nếu bà cứ ở ngoài Bắc thì bao nhiêu vòng hoa dành cho Bà. Mà sự di cư hay ở lại, rất nhiều trường hợp là do hoàn cảnh. Tôi thấy: làm dân VN thì ai cũng ghét thực dân, cũng hoan hô Kháng chiến. Chỉ có nhát hay có gan. Chỉ có gặp dịp hay không gặp dịp.” (Thư 5.9.1991).

THƯƠNG MÌNH

Ngay trong bức thư thứ nhất ngày 22.9.1989 (tính theo số thư tôi còn lưu lại được) nhà văn Võ Hồng đã tiết lộ cho tôi một chuyện riêng của ông ở Hà Nội. Đầu những năm 1940 ông đã từng ra Hà Nội học tú tài và tại đây ông đã có bóng hình một người con gái tên là Bảo Loan, được mẹ của cô coi như con. Ông nhờ tôi chuyển hai cuốn sách do nhà thơ Giang Nam mang ra đến cho cô Vương Thị Oanh là vợ của anh Xuân Hà em ruột của cô Bảo Loan. Khi được tin này tôi đã “vận động” nhà văn ra thăm lại Hà Nội cảnh cũ người xưa, nơi ông đã rời đi từ 1943. Và tôi đã dự định một chương trình đón tiếp ông. Lúc đầu ông rất vui và đã có ý thực hiện chuyện này. Thư ông viết ngày 23.10.1989: “Rất cảm động, rất xúc động khi nghe Nguyên bảo là sẽ cùng “bạn bè” tổ chức 1 chương trình vãn cảnh. Xúc động chân thành bởi, Nguyên ơi, Nguyên đâu có hiểu được hoàn cảnh buồn của mình. Nhưng ở bức thư ngay sau đó (9.11.1989) ông đã từ chối chuyến đi lại quá khứ ấy: “Vậy là tôi không ra được Hanoi chơi với Anh. Tôi rất sợ cái cô đơn. Nhìn cảnh cũ, mình cảm thấy biết bao lẻ loi. Tôi có viết thư cho Vương Thị Oanh và cũng tạ từ như vậy. Nguyên còn nhớ truyện Hoài Cố Nhân? Má của Bảo Loan đã từ trần năm 1987 rồi. Giá cụ còn thì tôi phải ra ôm cụ để cụ có dịp ôm tôi mà khóc. Cho dẫu cháu ngoại của cụ đã cưới vợ sinh con rồi mà viết thư cho tôi vẫn cứ xưng “Mợ” gọi “Con”.

Hoàn cảnh buồn của ông đến từ rất sớm. Vẫn trong thư ngày 9.11.1989 ông cho biết: “Ngày vợ tôi mất, tôi 35 tuổi, ở vậy nuôi con, mượn văn chương làm bạn.” Vì vậy “Có những buổi chiều chạng vạng chầm chậm xuống thang lầu nhìn qua phía tả phía hữu… nhà ai cũng quây quần xúm xít, cười nói, mâm bát…” khiến ông cảm thấy cô đơn, quạnh quẽ, nhưng ông vẫn ở vậy gà trống nuôi con, không đi bước nữa. Sau này khi con cái đã lớn, định cư cả ở nước ngoài, “chúng nài tôi đến ở để chúng săn sóc hầu hạ nhưng tôi lại cứ thương cái quê mùa của vietnam” (Thư 5.9.1991) nên ông đã ở lại đất nước, dù vẫn mang tâm trạng buồn. Ông thương mình và nghiêm khắc giữ mình như ông viết cho tôi: “Luôn luôn giữ tâm liêm khiết, nghiêm với mình mà khoan với người, từ chối bổng lộc (như người ta, như nhiều người thì e rằng tôi phải trị tôi nhiều phen, bởi thời cuộc ưa đẩy tôi “lên voi”, nhưng căn cơ của tôi chỉ cho tôi làm tới chức “trâu”, nặng tai, bước chậm và tiếng kêu chỉ “nghé nghé” trong họng.)”

Mười hai bức thư của nhà văn Võ Hồng gửi cho tôi trong bốn năm (1989 – 1993) mà tôi còn lưu giữ được có ý nghĩa rộng hơn ngoài quan hệ cá nhân của hai người chúng tôi. Ông đã tin cậy tôi như một người bạn để chia sẻ tình thương và gửi gắm hy vọng. Tiếc rằng tôi đã chưa làm gì được cho đời văn của ông. Một thời gian dài sau những bức thư này tôi đã không liên hệ gì với nhà văn. Có lẽ hồi ấy tôi còn trẻ nên còn mải mê nhiều việc khác. Tôi cũng chưa có một bài viết nghiêm chỉnh về sáng tác của ông, mặc dù sau chuyến vào Nha Trang làm sách đó nhà văn Thế Vũ đã mấy lần có thư ra Hà Nội giục tôi bài viết về một cuốn sách của ông để in tạp chí văn nghệ của thành phố. Bài viết này tôi xin làm một nén hương tạ lỗi với ông – nhà văn Võ Hồng.

*

Ông mất ngày 31.3.2013. Khi đó tôi đang có mặt ở Nha Trang khai mạc trại viết của Hội Nhà Văn Hà Nội. Trong chuyến đi ấy tôi đã có kế hoạch đến thăm ông, và có thể mời ông đến nói chuyện với các nhà văn hội viên dự trại viết. Nhưng khi tôi đến 53 Hồng Bàng thì đã là đám tang nhà văn. Tôi đã đến chậm, không được gặp ông lần cuối. Thay mặt các nhà văn thủ đô tôi đã làm một vòng hoa đề: Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội – Kính viếng nhà văn Võ Hồng. Mọi người trong gia quyến và đám tang khi ấy đều bất ngờ, không ai biết tôi là ai, quan hệ thế nào với nhà văn. Tôi đứng lặng trước nhà ông bồi hồi và ân hận.

Năm nay nhà văn Võ Hồng tròn trăm tuổi (5/5/1921 – 2021). Nhớ ông tôi đọc lại những bức thư của ông nghe như ông đang nhẹ nhàng trò chuyện, giọng điệu có lúc cao thấp, lúc vui buồn, nhưng nhiều ý nhị, tinh nghịch, hài hước. Mỗi bức thư cho tôi nhớ lại căn nhà ông có cây cối tỏa bóng, có cái chuông ống bơ dòng dây cho trẻ nhỏ giật, có cái bàn nước trên lầu một nơi ông và tôi từng nhiều lúc ngồi trò chuyện. Nhớ cả số nhà 6 Lý Tự Trọng và nhà văn Thế Vũ ở đấy mà cũng đã đi xa nhiều năm. Tất cả đã lùi xa. Tất cả đều đã “trong vùng rêu im lặng”, như tên một tác phẩm của ông. Nhưng các sách của nhà văn Võ Hồng đã được in lại, đó có thể là một an ủi cho ông nơi “thiên đường ở trên cao”, lại tên một tác phẩm ông in mới sau 1975.

Hà Nội 19.5 – 6.12 / 2021

pxn


[*] “Phỏng vấn Võ Hồng”, tạp chí Văn số 32 (15/3/1974) số đặc biệt Võ Hồng, tr. 13-14.

Comments are closed.