NHỮNG HÀNG CÂY NGÃ XUỐNG

Trần Mộng Tú

Ngày xửa ngày xưa. Nơi tôi ở có một khúc đường nhỏ rất thơ mộng nằm băng ngang giữa hai ngã tư của hai con đường chính. Con đường có hai hàng bạch dương.

Thật ra chỉ mới cách đây trên mười năm thôi. Nhưng nhắc lại chuyện chặt cây tôi thấy như là chuyện cổ tích. Và đã là chuyện cổ tích thì bao giờ cũng bắt đầu như thế.

Con đường đó thơ mộng vì hai bên có hai hàng cây bạch dương (Paper White Birch). Cây bạch dương thân trắng, vỏ cây mỏng, đôi khi có thể bóc ra như trang vở học trò. Lá cây bạch dương nhỏ, có khía răng cưa, xanh như ngọc vào mùa xuân và vàng như kim nhũ vào mùa thu.

Đã rất nhiều lần thả con đến trường xong, tôi lái xe thật chậm đi dưới hai hàng cây chụm đầu vào nhau đó. Vào một thời điểm nào đó trong năm, tôi không nhớ rõ rệt, tôi có thể bóc nhẹ một lớp vỏ của cây, như giở một trang giấy trong cuốn vở học trò.

Đã rất nhiều lần, sau khi tan Lễ, tôi rủ chồng để xe trong sân nhà thờ đi bộ ra đó. Rồi chúng tôi hai người đi hai bên đường, đếm xem được bao nhiêu gốc cây. Đếm sai, lại quay đầu về góc đường, đi lại, đếm lại. Cái thú được đếm đi đếm lại đó, chúng tôi làm nhiều lần. Cuối cùng chúng tôi đếm được 102 cây bạch dương.Tôi yêu những cây bạch dương này lắm và nhận con đường này là của riêng tôi, tôi chỉ cho chồng đếm ké, hưởng ké mà thôi.

Những cây bạch dương này là những người bạn thân của riêng tôi, những bài thơ của tôi.

Mùa xuân tôi đi dưới tán lá xanh ngọc, cứ qua mỗi thân cây tôi lại đặt bàn tay lên cây như đặt lên vai người bạn, lắng nghe chùm lá rung nhẹ dưới nắng xuân ấm áp, thì thầm tình tự. Mùa thu từ xa tôi đã thấy cả một vòm kim nhũ lấp lánh dưới nắng thu như những bàn tay vẫy tôi lại gần. Đôi khi một thân cây như nghiêng xuống với tôi, tôi bóc lớp vỏ cây mỏng như lụa, tưởng tượng ra, bạn đang cho mình một chiếc khăn tay. Rồi mơ mộng xa hơn nữa:

Mình về ta chẳng cho về/Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ

Bỗng một ngày các con học xong Tiểu Học, chuyển ra trường khác. Mỗi ngày tôi không đi qua con đường thơ mộng đó nữa, trừ cuối tuần.

Bỗng một ngày tôi đi qua đó, ghé thăm con đường không phải là ngày cuối tuần, thấy mấy cái xe cần cẩu, với một toán thợ đang từ đầu con đường thơ mộng, dùng cưa máy, đốn những cây bạch dương của tôi.

Tôi bàng hoàng cả người, xuống xe chạy tới can thiệp, nghĩ rằng mình sẽ cứu được những người bạn của mình. Tôi níu lấy tay một người thợ đang đứng ở vòng ngoài hỏi:

– Tại sao lại cắt cây?

– Để mở rộng đường?

– Cắt bao nhiêu cây?

– Cắt hết, vì làm lại cả con đường. Mở rộng thêm lối đi hai bên.

Tôi đứng chết lặng, ngực tôi như có tẳng đá đè lên, nước mắt tôi trào ra. Tôi hấp tấp quay vào xe, lái sang góc đường bên cạnh. Tôi không muốn gây ngạc nhiên cho người thợ. Tôi đậu xe lại, gục đầu trên tay lái, thở không ra hơi.Mỗi lần tôi nghe tiếng cây đổ, tiến cành con gẫy vụn, tôi nghe như có ai chặt những ngón tay mình.

Ôi! 102 cây bạch dương, 102 người bạn thân, 102 bài thơ của tôi! Làm sao tôi cứu được bây giờ?

Anh,

Chiều nay người ta đốn/ nguyên cả hàng Bạch Dương/ những thân cây nằm xuống/ như những nấm mộ buồn/một trăm lẻ hai cây/em đếm hoài trong trí/những thân cây lụa trắng/bao lần em gỡ ra/ những thân cây trăng ngà/bao lần em bóc mảnh/ những thân cây trang sách/em xé ra từng tờ/những thân cây cuốn thơ/em chọn bài hay nhất/ em bóc cây, bóc cây/ cây không bao giờ khóc/vẫn một lòng bao dung/tặng em từng lớp mỏng/không một lời trách móc /mùa xuân cho lá ngọc/mùa thu cho lá vàng/toàn thân cây quấn bạc/ trao em nỗi bàng hoàng/mỗi lần đi dưới cây/ máu loãng ra một chút/tim đập nhịp nồng nàn/hai bàn chân cuống quít/đất trời cũng mang mang/bây giờ người ta chặt/ những nhát dao vào cây/em đau như bị cắt /hết cả mười ngón tay/Bạch Dương ôi! Bạch Dương/gọi tên, em bật khóc/những ngón tay đâu rồi/làm sao mà úp mặt.

Anh còn bàn tay nguyên/mở ra cho em khóc(*)

Mấy tuần nay trong nước xôn xao về việc hạ đốn cây ở thành phố.

Nhiều người phản đối vì tiếc thương những cây bị chặt. Lý do duy nhất là do tình cảm gắn bó của người với cây. Mỗi thân cây ở mỗi con phố mang biết bao kỷ niệm. Nhiều người lớn lên cùng tuổi với cây. Khóc cười, mưa nắng, hẹn hò với hàng cây.

Trong chiến tranh, núp bom đạn cũng chạy vào gốc cây khi không tìm ra được nơi nào an toàn hơn nữa.

Cây gắn bó với người như bạn. Cây được mang vào trong tình yêu, âm nhạc và tiểu thuyết. Và không cần phải có xương da, máu thịt như súc vật. Con người cũng nghĩ cây cỏ có tâm linh và rung động với mình.

Nay bỗng nhiên thấy cây bị hạ xuống, tránh xao không xúc động.

Ta có tránh được nỗi buồn nhìn cây bị chặt không? Chắc là không?

Cây vẫn tự mọc lên hay được trồng xuống và bị chặt đi mỗi ngày trên mặt đất với nhiều lý do khác nhau. Chặt cây để mở mang thành phố hay nối dài mở mang một con đường, bắc một chiếc cầu, xây một cao ốc mới. Chặt cây vì cây đó đang mục rỗng, bị sâu ăn, để tránh cây bên cạnh bị lây. Chặt cây để xử dụng vào việc xây cất nhà cửa, làm đồ đạc hữu dụng. Cây cũng được xay ra làm giấy. Công dụng của giấy thì muôn vẻ, muôn hình.

Ở nước Trung Hoa người ta còn đốn rất nhiều cây để làm đũa. Trung Hoa có diện tích 3.705 triệu dặm vuông(9.597 triệu cây số vuông). Trong đó có rất nhiều rừng. Dân số của họ là 1.35 tỷ người. Để cung cấp đủ số đũa cho người dân mỗi năm họ cần sản xuất khoảng 80 tỷ đôi đũa gỗ loại dùng xong một lần, vứt đi.

Theo tường trình của New York Times (vào năm 2011), để sản xuất 57 tỷ đôi đũa gỗ, dùng xong là vứt đi này, người ta phải hạ đốn 3.8 triệu cây.

Đây mới là nói đến việc làm đũa gỗ, nhẹ hều, vứt đi không tiếc. Chưa nói đến việc dùng gỗ cho công việc xây cất nhà cửa, đóng đồ đạc cho ngần ấy con người của nước này.

Cây cỏ đối với người Trung Quốc có ý nghĩa lắm chứ. Trong văn chương của họ cây cối cũng có hồn, có trái tim. Thế mà họ có ngừng được việc chặt cây đâu.

Bây giờ những cây xưa, bóng cũ trong thành phố của Hà Nội, Sài Gòn không còn nữa. Chúng theo nhau gục ngã dưới những lưỡi cưa.

Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ trong nước: Hà Nội con số cây bị chặt lên tới 6,700 cây. Trong đó có tới 550 cây cổ thụ, thuộc các vùng Thái Hà, Láng và Nguyễn Trãi.

Sài Gòn, trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất 116 cây xanh sẽ bị đốn.

Kon-Tum hàng chục cây cổ thụ, gỗ quý như cây gỗ dông và xà cừ cũng bị đốn.

Người dân có tìm ra được chỗ cây ngã xuống được đem tới hay ai sẽ tham dự vào việc mua bán những thân cây đó cũng chẳng ích gì. Vì họ không được lợi nhuận gì vào những việc đó. Họ chỉ biết tiếc cho đời cây và buồn như chia tay những người bạn cũ thân quen. Họ phản đối, họ biểu tình. Cây vẫn bị chặt, gỗ đi về đâu?

Nhà nước có lý do chính đáng của nhà nước. Muốn mở đường rộng, muốn làm trạm xe hỏa, xe đò, thì phải đốn cây. Cây già, mục rỗng hay có mối sâu cũng phải đốn. Toàn những lý do chính đáng. Nhưng ai cũng lo sợ vì nhiều lý do chính đáng quá mà có nhiều cây bị chết oan.

Những hàng cây theo nhau ngã xuống đó làm cho bao nhiêu trái tim thổn thức.

Như tôi ở bên này trái đất cũng nao lòng nhìn hình ảnh những hàng cây xanh nơi quê nhà đang bị chặt đốnkhông thương tiếc như hàng bạch dương đáng thương của tôi.

T.M.T.

Tháng 4/2015

(*) Thơ-Hàng Bạch Dương-2005

Comments are closed.