Những ngày đói cơm

Hà Nhật

Có một câu từng như ngạn ngữ: Cái mặt như thằng mất sổ gạo!

Sổ gạo là cái sổ được cấp để hàng tháng mang ra cửa hàng lương thực xếp hàng mua gạo.

Mất sổ gạo thì đói thôi. Muốn trừng phạt ai, cách hiệu nghiệm nhất là cắt sổ gạo!

Mấy năm đầu, tiêu chuẩn cho mỗi người là 15kg. Trẻ con thì ít hơn. Một số công việc được ưu đãi, chẳng hạn như giáo viên thể dục. Bởi vậy có câu trong ngành giáo dục: Dạy Toán, học Văn, ăn Thể dục.

Trong cái tiêu chuẩn gạo ấy, thỉnh thoảng cũng có biến đổi: đến mùa khoai sắn, thì phải độn thay gạo, ba khoai hoặc bốn sắn quy thành một gạo!

Vậy mà cũng đến lúc tiêu chuẩn 15 kg phải hạ xuống còn 13,5 kg. Riêng vùng khó khăn thì chỉ còn 13 kg.

Tôi nhớ một kỷ niệm xót lòng. Hôm ấy, giữa trưa nắng, tôi đạp xe từ xa về, ghé nhà ông cậu họ. Cậu hỏi: “Ăn chưa, để cậu nấu cho lon gạo?”.

Tôi vừa suýt nói chưa, thì chợt nhớ ra rằng trong nhà cậu có con cháu bé ba tuổi, nếu tôi ăn thì chắc chắn nó nhịn.

Vậy là tôi nói ngay: “Dạ con mới ăn đằng kia còn no cậu à”.

Nghe thế cậu tôi cũng im luôn.

Có một điều lạ: nông dân hợp tác xã, người trực tiếp làm ra hạt lúa thì chỉ được chia cho theo chuẩn 15 kg lúa một tháng. Tức là chỉ khoảng 7 kg gạo một tháng. Vậy thì họ ăn gì? Lấy sức đâu mà còng lưng trên cánh đồng? Chắc người ta nghĩ: rau củ trong vườn thiếu gì!

Kết quả là, được đãi ngộ thế nào thì bỏ sức ra như thế ấy. Cứ phát động thi đua, tăng năng suất, khai hoang phục hoá… mọi chuyện cứ ỳ ra. Cả nước thiếu gạo, đói ăn.

Rồi bất ngờ xảy ra “khoán chui” của ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú. Kết quả diệu kỳ.

Nhưng ông Ngọc bị quật ngay! Khoán, điều không thể có được, đó là phi xã hội chủ nghĩa, là tư bản chủ nghĩa.

Tôi đã nghe bài xã luận trên đài đập không thương xót cái ông bí thư tỉnh phi xã hội chủ nghĩa ấy.

May mà đến lúc cái ông cực kỳ xã hội chủ nghĩa ấy hết thời, người ta trộm vía ông mà thực hiện cái điều gọi là phi xã hội chủ nghĩa!

Ôi, người nông dân thì có hiểu gì chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ đâu! Họ cần được lao động để sống như từng đã sống! Họ cần được tự do trên mỗi luống cày.

Kết quả là: trên cái đất nước năm nào cũng thiếu gạo, đến lúc lúa gạo ăn không hết, phải tìm đường mà xuất khẩu.

Mỗi người cũng không cần nghĩ mỗi tháng cần mua bao nhiêu kg gạo. Có ăn bao nhiêu đâu!

Vậy thì rõ rồi nhé! Lý thuyết vừa vừa thôi! Các thứ chủ nghĩa, đúng hay sai, do dân đánh giá, do dân quyết định nhé!

Bây giờ thì nhiều vị có vẻ thấu hiểu. Họ kêu gọi: lấy dân làm gốc, rồi còn: từ nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân!

Nhưng nói thì hay, không biết họ có làm theo không?

Hãy đợi đấy!

Comments are closed.