Nửa đời nhìn lại và nửa đời còn lại

Tiêu Dao Bảo Cự

Văn Việt: “Nửa đời nhìn lại” là tác phẩm tiểu thuyết của Tiêu Dao Bảo Cự từ trong nước gởi ra được Nhà xuất bản Thế Kỷ, Hoa Kỳ ấn hành năm 1994 (với Lời Tựa của Đặng Tiến và Lời Bạt của Hà Sĩ Phu) được dư luận chú ý, đã gây tiếng vang và một số cuộc tranh luận trong giới nhà văn hải ngoại. Bài viết sau đây của Tiêu Dao Bảo Cự nói thêm về đặc điểm, việc hình thành tác phẩm và đặc biệt quan điểm sáng tác của tác giả trong bối cảnh phức tạp của một đất nước thời hậu chiến và thiếu vắng tự do cho người cầm bút.

Khoảng một năm sau khi anh Lân mang bản thảo đi, cuốn tiểu thuyết của tôi được xuất bản ở Mỹ với tựa đề “Nửa đời nhìn lại”. Ban đầu tôi định đặt tên là “Phản bội” vì tôi muốn qua cuốn tiểu thuyết lý giải về sự phản bội và cả sự tự phản bội trên nhiều lãnh vực làm cho cuộc sống con người trở nên cay đắng và khốn khổ. Tuy nhiên tựa đề đó hơi có vẻ chính trị và tầm thường. Mặt khác tâm trạng của nhân vật chính trong tác phẩm là tâm trạng của chính tác gỉa nên cuối cùng tôi đổi tựa đề là “Nửa đời nhìn lại”. Tựa đề này đã gây nên thắc mắc nơi một số nhà phê bình và độc gỉa khi họ không hiểu đây là tiểu thuyết hay hồi ký hoặc họ muốn tác phẩm phải thuộc một trong hai thể loại một cách rõ ràng.

Anh Lân là môt người cẩn thận, nhiệt tình và đã làm hết sức mình cho tác phẩm ra đời. Thực ra khi tôi đưa cho anh mang đi, tác phẩm chưa hoàn tất. Sau khi đọc, anh và chị Mỹ Lan rất thích nên viết thư về khuyến khích tôi viết nốt phần cuối để anh chị có thể giúp xuất bản. Từ khi tôi có điện thoại, anh gọi về thường xuyên để thúc giục tôi và hỏi lại tôi những chỗ không rõ trong bản thảo. Chính anh trực tiếp đánh máy vi tính cuốn sách vì anh bảo tự đánh lấy sẽ bảo đảm chính xác, ít sai sót hơn và đỡ tốn kém khi xuất bản. Quả thật, sau này tôi thấy cuốn sách hầu như không có lỗi chính tả, văn phạm, điều mà các sách tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài hay có sai sót. Chỉ một bản sách duy nhất được gởi đến tay tôi theo một đường vòng kỳ lạ. Đó là đường đi hay số phận cuốn sách của một tác gỉa ở trong nước nhưng chỉ có thể xuất bản ở nước ngoài.

Cuốn sách của tôi do Hà Sĩ Phu, bạn thân của tôi ở đây viết lời bạt. Đặng Tiến, một nhà phê bình văn học ở Pháp, người quen của anh Lân viết lời tựa, lại được một nhà xuất bản ở Mỹ xuất bản, quả là một sự kết hợp khá lạ lùng. Việc cuốn sách được ra mắt độc gỉa đã giải tỏa được phần nào tâm trạng khá u uất của tôi trong mấy năm trước. Khi viết, tôi không hề nghĩ rằng cuốn sách sẽ được xuất bản, lại càng không hề nghĩ đến chuyện nó sẽ được xuất bản ở nước ngoài. Trong sinh hoạt của con người hiện nay, một cuốn sách thật vô cùng nhỏ nhoi, đôi khi vô nghĩa, nhưng trong một hoàn cảnh, một tâm trạng nào đó, nó cũng có một gía trị nhất định, đôi khi lớn lao.

Được nhà xuất bản và nhóm bạn của anh Lân quan tâm giới thiệu rộng rãi, cuốn sách vừa ra đời đã có tiếng vang và được dư luận chú ý. Nhiều tác gỉa đã viết bài giới thiệu, phê bình trên các báo đài hải ngoại. Anh Lân chịu khó photo các bài viết đó gởi cho tôi nên tuy hơi muộn, tôi cũng biết được phần nào dư luận về cuốn sách. Có người thắc mắc tại sao một nhà xuất bản của người Việt chống Cộng ở Mỹ lại cho ra đời cuốn sách của một người Cộng sản. Có người hỏi tôi hồi Mậu Thân làm gì, có tham gia chỉ điểm, giết người ở Huế không. Có người nặng về chính trị, hoan nghênh tôi đã trở về với chính nghĩa quốc gia. Nhưng điều đáng mừng là phần lớn đều có mối đồng cảm sâu sắc với tác gỉa nơi tâm trạng của một con người trong một hoàn cảnh lịch sử đầy bi tráng mà mỗi người đều trải nghiệm theo cách này hay cách khác. Điều này mang lại cho tôi một an ủi lớn nếu không nói là một niềm hạnh phúc khi những gì tâm huyết mình viết ra đã không rơi vào quên lãng.

x x

x

“Nửa đời nhìn lại” được viết trong một hoàn cảnh khá đặc biệt có tác động sâu xa đến người viết và như ý nghĩa nhan đề của tác phẩm, “Nửa đời nhìn lại” trước hết là một cách, một dịp tự nhận thức.

Tôi quan niệm tự nhận thức là quá trình soi rọi chính mình nên hết sức chủ quan nhưng cũng rất sâu xa. Sâu xa vì cố gắng đi vào mọi ngõ ngách sâu kín của tư tưởng, tâm hồn và tâm trạng mình, đến những nơi tận cùng, đau đớn và mong manh nhất.

Tự nhận thức còn là nhận thức về người khác và đối chiếu với người khác trong mọi mối quan hệ. Mỗi người chỉ nhìn rõ hơn chính mình trên cái nền của mối quan hệ và hoạt động phức tạp của cuộc sống.

Tự nhận thức vì thế là tự truyện hay một phần mang tính tự truyện trên nền tảng cuộc sống của những người đồng thời cũng như kinh nghiệm về quá khứ.

Tự nhận thức đòi hỏi phải chân thật, sáng suốt và cả lòng dũng cảm vì đôi khi nó làm thương tổn chính mình và người khác. Đó là điều kiện và cái gía phải trả cho một cách nghĩ, một cách sống.

Tự nhận thức còn phải tự trọng nhưng tự trọng không phải là tự biện minh . Trung thực là tự trọng. Ngụy tín là thiếu tự trọng. Tự nhận thức để tìm đến chân lý chứ không phải tự đề cao hay làm vừa lòng bất cứ ai.

Vì con người xã hội không có tự do tuyệt đối nên tự nhận thức không thể làm trọn vẹn. Sự thiếu triệt để này nằm trong những ràng buộc tự nguyện và không tự nguyện tất yếu của con người xã hội. Đó cũng là sự bất lực của con người khi sống trong một môi trường.

“Nửa đời nhìn lại” là một cuốn sách viết để tự nhận thức dưới dạng tiểu thuyết. Người đọc có thể hiểu tác gỉa và những người đồng thời với tác gỉa qua các nhân vật, nhưng ngay cả khi “Nửa đời nhìn lại” có những nhân vật mang tên họ thật ngoài đời, tiểu thuyết vẫn là tiểu thuyết, không hoàn toàn đồng nhất với cuộc đời, không phải là cuộc đời.

Người viết không muốn giữ lại cái gì bí mật cho riêng mình nhưng nhất định không thể diễn đạt hết tâm hồn mình và tâm hồn nhân vật. Tâm hồn là một điều bí ẩn mà nghệ thuật nào cũng đành bất lực nơi chốn không bến bờ và luôn phảng phất khói sương này.

Tôi lựa chọn ý hướng viết “Nửa đời nhìn lại” như thế vì tôi cho rằng công việc sáng tạo là để lại dấu ấn của mình trong cuộc đời, đặt một dấu mốc trong cuộc hành trình khát vọng về cái vô hạn. Khát vọng có thể đạt được hay không nhưng khát vọng là quyền cơ bản và ý nghĩa sự sống của con người.

Viết để tự nhận thức, để sống lại và sống sâu xa hơn nhưng viết cũng để bày tỏ, mong được chia sẻ. Viết còn là để phản kháng, đấu tranh và sau cùng trên hết, viết là để dâng tặng cho đời.

Mong muốn lớn nhất của bất cứ tác gỉa nào cũng là đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Tác phẩm là sự nối dài của tác gỉa trong không gian và thời gian. Tác phẩm là dấu ấn của tác gỉa trong cuộc đời khi cuộc sống trần gian ngắn hạn chỉ là “bóng câu qua cửa sổ”. Đó cũng chính là khát vọng về vĩnh cửu.

Chúng ta đang sống trong một thời đại bão táp đầy bi kịch của cả nhân loại, cả đất nước và từng con người. Định mệnh của con người thời đại là đau khổ và hạnh phúc. Và đối với một nhà văn, đau khổ sẽ cùng cực và hạnh phúc cũng vô biên được sống giữa lòng thời đại này để chiêm nghiệm về trần gian và sáng tạo nên tác phẩm. Nếu tác gỉa có tài, tác phẩm lúc đó sẽ kết tinh được hơi thở nồng nàn nhất, cái đẹp rực rỡ nhất, cái xấu xa bại hoại nhất của một giai đoạn để gởi đến những người cùng thời và trở thành thông điệp gởi đến những thế hệ mai sau.

Tôi viết “Nửa đời nhìn lại” khi đã hơi bình tâm để nhìn nhận lại một quá khứ gần và hiện tại của một lịch sử đất nước và chính bản thân, trong đó sự cuồng tín, hận thù và phản bội đã gây ra biết bao đau thương và đổ vỡ.

Những con người sống đẹp là những con người sống có khát vọng, niềm tin, lý tưởng và biết chiến đấu. Tiếc thay, khát vọng, niềm tin và lý tưởng trong cuộc chiến đấu thường bị đẩy đến chỗ cuồng tín và hận thù. Nhiều người đã trải qua một thời cuồng tín, nhất là những người đã sống bằng khát vọng và ngọn lửa đấu tranh. Người cuồng tín vẫn là người trung thực nhưng trung thực thì không thể ngụy tín. Trung thực đòi hỏi phải sám hối khi người ta nhận ra rằng cuồng tín đã gây nên biết bao tai họa.

Ngụy tín tất nhiên bắt đầu đi vào con đường phản bội, nhưng suy cho cùng, cuồng tín cũng đã là phản bội. Thế nào là phản bội? Ai phản bội và phản bội ai? Phản bội cố tình và phản bội vô tình. Phản bội chân thực và phản bội gỉa trá. Phản bội đi đôi với trung thực, đi ngược lại trung thực và gắn liền với bị phản bội. Ý niệm về phản bội rất tương đối. Phản bội đối với người này, phe này lại là trung thực đối với người kia, phe kia. Trung thực với chính mình lại là phản bội đối với người khác. Trung thành với chủ nghĩa là phản bội dân tộc…

Tiêu đề đoạn mở đầu của “Nửa đời nhìn lại” là “Hai lần phản bội?” với một dấu [?], nhưng khi in, do sơ suất ở một khâu nào đó, đã thiếu dấu [?] khá quan trọng này. Ông già nguyên là ủy viên thường vụ tỉnh ủy tỉnh K, khi “chiêu hồi” là phản bội đảng Cộng sản, phản bội cuộc chiến đấu của mình nhưng nếu lúc đó ông ta thấy đảng Cộng sản sai lầm, cuộc chiến phi nghĩa, lại không phản bội. Ông gìa ra đầu thú lần thứ hai là phản bội những người quốc gia, phản bội với “chính nghĩa” mà ông đã chiêu hồi. Qua hai lần đó, ông đã phản bội cả những người Cộng sản, những người quốc gia nhưng có thể lại không phản bội chính mình và không phản bội dân tộc khi sau cùng ông chỉ muốn được chết giữa lòng quê hương. Ông đã quay cuồng giữa hai lần phản bội, giữa phản bội và trung thực, gây hệ lụy cho người khác vì sự phản bội của mình và có thể ông cũng không giữ được sự trung thực với chính mình, không được chết giữa lòng quê hương như ý nguyện cuối đời vì không ai tha thứ cho ông cả. Đó phải chăng là tột đỉnh bi kịch của một kiếp người.

Trong tình yêu, con người cũng không ngớt quay cuồng, “Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau”. Yêu người này là phản bội người kia. Yêu một người hay yêu nhiều người hay từng lúc yêu từng người. Yêu là phản bội, không yêu cũng là phản bội. Không chung thủy là phản bội và chung thủy cũng là phản bội…

Rồi trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người, thế nào là thủy chung và phản bội?

Vậy thì vượt lên trên tất cả những điều đó, có không tiêu chuẩn sau cùng của trung thành và phản bội, bằng cách nào để giải quyết thảm họa do mâu thuẫn giữa trung thành và phản bội gây ra? Phải chăng đó là một câu hỏi lớn đi suốt chiều dài lịch sử con người?

Ngày hôm nay, đối với đa số nhân dân Việt Nam, xu hướng chính là hòa giải hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù. Nhiều người chống cộng và nhiều người cộng sản đã nói đến điều này dù có thể sự thực lòng và mức độ khác nhau, những điều kiện khác nhau, nhưng ai cũng thấy thực hiện việc đó hoàn toàn không dễ dàng.

Trong cuộc chiến quốc – cộng vừa qua, tôi có đủ mọi loại quan hệ và bạn bè. Thuở còn sinh viên, tôi chống Mỹ nhưng có tình bạn khá thân thiết với một người Mỹ, một người rất yêu đất nước và dân tộc Viện Nam. Tôi đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn nhưng nhiều bạn học của tôi trở thành sĩ quan của đủ loại binh chủng hải, lục, không quân. Tôi có ác cảm với cộng sản vì bài thơ ca ngợi Stalin của Tố Hữu và đã công khai nói điều đó trong một bài diễn văn trước công chúng tổ chức tại Bến Thương Bạc trong cuộc đấu tranh năm 1966 ở Huế, trong khi người bạn thân nhất của tôi [con một cán bộ cộng sản tập kết] ra bưng học tập để kết nạp Đoàn, sau đó tôi lại kết bạn với một chiến sĩ du kích trong tù và sau này nữa tôi tình nguyện gia nhập đảng Cộng sản. Cho đến nay, bạn bè cũ của tôi có người du học Mỹ đỗ mấy bằng tiến sĩ, làm giám đốc một cơ quan lớn bên đó, có người dạy đại học ở nhiều nước trên thế giới, có người sau 1975 vượt biên, có người là đảng viên Cộng sản giữ chức vụ khá quan trọng, có người ra khỏi đảng, bị khai trừ, cho thôi việc…

Bao nhiêu dâu biển đã qua, ngẫm lại quá khứ, tôi không hề có hận thù cụ thể đối với một người quốc gia hay cộng sản nào. Có thể trong từng giai đoạn đấu tranh, tôi đã từng va chạm với người này người khác nhưng đối với tôi, cái trừu tượng có lẽ lớn hơn cái cụ thể. Dân tộc, nhân loại, những gía trị nhân bản là lý tưởng phụng sự của nhiều người, kể cả giữa những người đối kháng nhau trong phương pháp và quan điểm chính trị, tư tưởng. Từ thời trẻ, tôi vẫn luôn khẳng định, trước khi là người quốc gia, cộng sản, theo tôn giáo này, tôn giáo khác, trước tiên mỗi người sinh ra đều là con người, đều là người Việt Nam. Những dị biệt chỉ đến sau này. Và hận thù, tội lỗi chính là do chủ nghĩa, do chế độ, do sự cuồng tín hay mù quáng và tất cả mọi hệ lụy của nó mang lại. Từ đó những mặc cảm, thành kiến đối với nhau ngày càng nặng nề, lấn át tất cả những gì thuộc bản chất tốt đẹp của con người.

Vậy làm thế nào để hòa giải hòa hợp dân tộc? Tôi cho rằng chỉ hòa giải được khi biết thông cảm và tha thứ, biết quên quá khứ, biết lắng nghe và đối thoại. Chỉ hòa hợp được khi có thành tâm thiện chí cho mục đích chung. Chỉ hòa giải hòa hợp được giữa những người bình đẳng dù trong đó một phe, một số người là đa số hay đang cầm quyền. Không thể có hòa giải hòa hợp giữa những kẻ thống trị và những người bị thống trị, giữa những người đã, đang và sẽ còn hận thù nhau. Có thể hòa giải hòa hợp với kẻ ác đã hồi tâm chứ không thể hòa giải hòa hợp với kẻ ác vẫn đang dấn sâu vào tội ác. Hòa giải hòa hợp vẫn là một cuộc chiến đấu nhưng là một cuộc chiến đấu không đổ máu và hận thù vì nếu có đổ máu và hận thù, nhất định sẽ không hòa giải hòa hợp được vì điều đó trái với hòa giải hòa hợp từ trong bản chất.

Trong chính trị có thể nói đến hòa giải gòa hợp nhưng trong tình yêu không có khái niệm này. Tình yêu có tiếng nói và rung động khác. Tình yêu không có quy luật. Tình yêu là tự nhiên, là tự do, là mù quáng, là điên rồ, là mê đắm, là tận hiến, là thù hận, là bội bạc, là chung thủy, là lãng quên, là không thể quên, là sau cả lãng quên…

Tình yêu không chấp nhận lời lý giải độc quyền, không có giải pháp duy nhất, không có kết luận sau cùng. Tình yêu mãi mãi là sự bí nhiệm đầy ngạc nhiên. Không thể khẳng định tình yêu nhân gian nào là đích thực. May ra tình yêu đích thực chỉ có với Thượng đế sau khi đã vượt qua, thăng hoa tình yêu trần thế. Nhưng Thượng đế với nhiều người vẫn không hiện hữu hay còn là một dấu hỏi lớn.

Có người nói chính trị và tình yêu là hai trò chơi trí mạng của con người và thật đáng sợ cho những ai dấn thân vào. Nhưng lẽ nào đã vào cuộc làm người lại không tham dự trò chơi hào hứng nhất của trần gian dù sau đó có thể nhận lãnh mọi hậu quả. “Nửa đời nhìn lại” về một phương diện là nhìn lại cuộc chơi trần thế với nhiều dư vị đắng cay khi cuộc chơi chưa tàn mà người chơi đã đầy thương tích.

x x

x

Sau một thời gian khá dài bị chi phối bởi đủ mọi loại tư tưởng, chủ nghĩa, ở tuổi trên bốn mươi, sau khi bị khai trừ ra khỏi đảng Cộng sản, tôi mới thấy mình thực sự lại được “giải phóng” và làm người tự do như thời trẻ và lại muốn tiếp tục con đường ngày xưa.

Trong “Nửa đời nhìn lại” có một vài nhân vật có thực đi vào tiểu thuyết, có thực nghĩa là họ tên, địa chỉ, hoàn cảnh thực. Tôi muốn thông tin đến với bạn đọc về những con người và sự việc này như bằng một bài báo vì không có báo nào ở đâu đăng bài như thế của tôi cả. Tôi cũng muốn những người đọc của thế hệ sau biết đến những con người này đã là như thế khi tác phẩm may ra còn sống sót đến một lúc nào đó. Tôi biết chắc những con người này không “kiện” tôi.

Đó là những nhân vật tiểu thuyết rất gần với đời thực, họ là những bạn bè, người thân và những người tôi đã từng quen biết, tiếp xúc. Người đọc có thể nhận ra, đối chiếu nhân vật và người thực nhưng rõ ràng đây là những nhân vật tiểu thuyết hư cấu. Những người thực nguyên mẫu cũng không thể “kiện” tôi được.

Một số thơ, trích dẫn mà không ghi xuất xứ, tôi biết theo nguyên tắc, người đọc sẽ hiểu đây là sáng tác của tác gỉa. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể của “Nửa đời nhìn lại”, tôi cho rằng những tác gỉa được trích dẫn biết rõ rằng tuy tôi không ghi xuất xứ nhưng đó là tôi trích thơ của họ chứ không phải thơ của tôi và cũng không phải của ai khác. Tôi tin họ sẽ vui lòng cho tôi làm thế, không ai “kiện” tôi và cũng không kẻ nào khác có thể vin vào đó để “kiện” tôi.

Chao ôi, tôi ghê tởm chuyện kiện tụng mà ở đây tôi phải nói đến mấy lần chữ “kiện”. Trong đời, tôi không kiện ai và cũng không muốn ai kiện tôi. Tôi thật buồn cho Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn đã mang vợ con lên núi ở mà do tranh chấp đất vẫn bị đập bể đầu và vác chiếu ra tòa.

Trong “Nửa đời nhìn lại”, tôi không viết về những chuyện “tàn bạo” của cộng sản theo kiểu đấu tố, chém giết… Tôi chỉ viết về những kinh nghiệm cá nhân, tâm trạng và tâm hồn tôi khi sống trong chế độ cộng sản và những gì phi nhân mà chế độ cộng sản đã mang lại cho con người, đặc biệt đã tàn phá tâm hồn con người. Những chương về tình cảm tôi viết một cách mê đắm nhưng những chương về chính trị, tôi rất tỉnh táo. Tôi không hề muốn bôi nhọ hình ảnh của người cộng sản. Tôi muốn mô tả họ một cách chân thực nhất theo cách tôi nhận thức.

Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng những người lãnh đạo sai lầm, thoái hóa, biến chất chính là do quyền lực không có cơ chế hãm. Độc tài đảng trị chính là nguyên nhân của mọi tai họa. Nhưng không phải chỉ ở những nước cộng sản, những nước có chế độ độc tài mà ngay những quốc gia dân chủ cũng có những người lãnh đạo sai lầm, tham nhũng, gây tai họa. Cần dân chủ nhưng còn phải cần cái gì hơn thế nữa. Người lãnh đạo ngoài trí tuệ còn phải là người có đạo đức tâm linh. Và chế độ chính trị nào rút cục cũng không mang lại gì nhiều cho con người nếu tâm linh con người không thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên phải là cuộc cách mạng về ý thức tâm linh. Hàng ngày xem truyền hình, thấy nhân loại đau khổ, chịu đủ thứ tai ương, xâu xé giết hại nhau, càng thấy điều đó có lý.

Thực ra “Nửa đời nhìn lại” đối với tôi là một quá trình tự nhận thức, một cách tự thú trước lương tâm và lịch sử. Tôi không oán thù, không sợ hãi và cũng không cầu cạnh xin xỏ ai. “Nửa đời nhìn lại” là một giai đoạn sám hối trước khi tiếp tục cuộc chiến đấu vì tôi muốn luôn ở giữa lòng cuộc đấu tranh cho phận người bằng cách này hay cách khác.

x

x x

Có thể nói “Nửa đời nhìn lại” được đưa ra xuất bản ở nước ngoài là một tình cờ may mắn và do sự đóng góp công sức của rất nhiều người. Tôi muốn nói điều gì ở đây khác hơn những lời cám ơn thông thường.

Hà Sĩ Phu, một nhân vật trong tác phẩm, cũng là người bạn đầu tiên đã đọc bản thảo, viết lời bạt như một cách diễn giải và đúc kết tác phẩm theo phong cách của một nhà lý luận.

Phạm Ngọc Lân đã không ngại nguy hiểm khi mang đi hơn bốn trăm trang bản thảo và sau đó đã làm hết sức mình, cùng với những bạn bè khác mà tác gỉa không quen, góp công góp của cho tác phẩm được chào đời.

Đặng Tiến, một người không quen, đã viết lời tựa cho “Nửa đời nhìn lại” với sự “rung cảm và thiết tha” như khi viết cho một người bạn thân. Dù bài tựa của Đặng Tiến có chỗ cay đắng, phũ phàng, mỉa mai và có người trong nước cho là hơi trịch thượng nhưng tôi và nhiều người khác tin rằng Đặng Tiến đã nói với thiện chí và nỗi đau của một kẻ có lòng trước lịch sử dân tộc chứ không phải nói cho hả dạ hay lên lớp người khác.

Phạm Hoán, cũng một người không quen, trình bày bìa với một khuôn mặt – khuôn mặt tâm hồn – đầy vết tàn phá hằn khắc khổ đau, gây ấn tượng mà tôi rất thích.

Lê Đình Điểu và những người chủ trương nhà xuất bản chấp nhận khó khăn về tài chánh, tình hình phát hành sách báo hiện nay và có thể cả phản ứng không thuận lợi của một số độc gỉa ở hải ngoại để xuất bản một tác phẩm của một tác gỉa “chưa nổi tiếng” dù đã thấy trước những điều này.

Kế tiếp là những người viết bài giới thiệu, phê bình “Nửa đời nhìn lại”.

Một nhà văn ở Texas đã giới thiệu, bênh vực cuốn sách và tác gỉa một cách nồng nhiệt cả về quan điểm tư tưởng và kỹ thuật tiểu thuyết tuy có một vài chỗ hiểu lầm.

Một nhà văn nữ ở Virginia đã đọc “Nửa đời nhìn lại” với một sự đồng cảm sâu sắc, không phải chỉ trên quan điểm chính trị mà cả trong tâm trạng và những khát vọng, hoài nghi, dằn vặt tế nhị, sâu xa trong tâm hồn người viết, kết thúc bài điểm sách bằng cách “chúc lành” cho tác gỉa. Chỉ cần một người đọc như thế cũng đủ an ủi cho một đời văn.

Một nhà văn nữ khác ở Washington đã dùng cách viết thư ngỏ gởi tác gỉa để nói lên những trầm tư về đất nước và phận người như một cách trao đổi thẳng thắn, chân thực trong tình cảm bạn bè.

Người phụ trách mục văn học nghệ thuật của đài RFI ở Pháp đã phỏng vấn LĐĐ và ĐT trên đài về sự ra đời của “Nửa đời nhìn lại”, giới thiệu tác gỉa và tác phẩm bằng những lời trân trọng và xem sự xuất hiện của “Nửa đời nhìn lại” như biểu hiện của “một sự cộng tác của nhiều khuynh hướng tư tưởng và chính trị, đến từ nhiều nơi, gặp nhau trên con đường đấu tranh cho dân chủ”

Nhiều bài báo khác viết về “Nửa đời nhìn lại” ở nhiều nước mà tôi có nghe nói đến nhưng chưa được đọc vì “quyền được thông tin” còn là một điều mỉa mai trên đất nước này.(*)

Và còn bao nhiêu bạn đọc đã cầm đến cuốn sách khi nó được phát hành dù một cuốn sách đôi khi thật vô nghĩa giữa thời đại tranh sống vội vàng và đầy lo toan phiền muộn này.

Tôi chịu ơn những người và việc làm này.

Một nhà văn ở Texas trong phần kết bài viết cũng có nói đến việc biết ơn tác gỉa. Tôi không dám nhận lời cám ơn đó. Và tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta, nếu là kẻ có lòng, đều phải làm hết sức trách nhiệm của mình. Nếu nói đến ơn, có nghĩa là chúng ta chịu ơn nhau chứ không ai ban ơn cho ai cả. Chịu ơn ở đây chính là sự đồng cảm, chia sẻ giữa những người muốn sống và chiến đấu vì một cái gì tốt đẹp cho dân tộc, cho con người.

Nhưng trước hết tôi chịu ơn những người đang sống bên cạnh mình.

Đan Tâm, người bạn đời đã chia sẻ với tôi biết bao ngọt bùi, cay đắng, những giờ phút căng thẳng nặng nề, những cơn khổ nạn, cả những ước mơ và thất vọng trong việc sáng tác của chồng. Trong mấy năm gần đây, khi tôi bị kỷ luật, không muốn và cũng không thể làm việc ở các cơ quan nhà nước, không muốn đi làm thuê, tôi chỉ có thể làm các việc linh tinh trong nhà, trong vườn mà thu nhập không đáng kể, người phụ nữ đó đã làm việc cực nhọc biết bao nhiêu cho việc mưu sinh để cho chồng có thể sống và viết. Cuộc sống chung của chúng tôi còn một năm nữa là đến “đám cưới bạc” dù chúng tôi về với nhau thật đơn giản, không đám cưới, dù cuộc sống chung này không dễ dàng [Và tôi cũng chưa từng biết một cuộc sống chung hôn nhân nào dễ dàng cả].

Hai đứa con, hai chàng thanh niên đang trưởng thành, đứa phải bỏ dở học đại học để kiếm sống, đứa vừa đi học vừa đi làm một cách vất vả, chuẩn bị vào đời với hai bàn tay trắng, không oán trách gì người bố đã chỉ có thể để lại cho con không có gì nhiều, ngoài tình thương yêu và một thái độ sống .

Những người bạn thân thiết và không thân thiết nhưng đã chia sẻ khát vọng dân chủ và tự do, đã cùng sát cánh trong một cuộc đấu không cân sức và sẽ còn tiếp tục chiến đấu đến cùng.

Và cả những cuộc tình lãng đãng đã mang lại niềm rung cảm êm dịu trong những giờ phút cô độc định mệnh của kiếp người, những lúc cheo leo bên bờ vực hư vô.

Phải chăng mỗi một người đều chịu ơn đời biết bao nhiêu nhưng nhiều khi ta không cảm nhận hết và thường tỏ ra bội bạc.

x x

x

Sau “Nửa đời nhìn lại”, nhà văn nữ ở Virginia đã “chúc lành” tôi trong “Nửa đời còn lại” . Lời chúc lành đó có một ý nghĩa thực tế mà tôi muốn nói thêm ở đây.

Đúng một năm trước, do một tình cờ “tiền định”, tôi đến với pháp môn Yoga của tổ chức Yoga quốc tế Ananda Marga [Con đường Chân phúc]. Đó là Tantra Yoga [Yoga nguyên thủy] đã được hệ thống và hiện đại hóa bởi vị chân sư P.R.Sarkar [tức Shrii Shrii Anandamurti hay Baba, người Ấn Độ]

Ananda Marga không chỉ mang đến cho tôi phương pháp tập luyện bằng các tư thế Asanas hay kỹ thuật thiền định với các câu Mantra bí truyền bằng tiếng Sanskrit của Ấn Độ cổ xưa mà còn nhiều điều khác nữa. Những điều này đã giúp tôi thoát ra khỏi cơn khủng hoảng về nhiều mặt nhưng không phải bằng lối giải thoát cá nhân tiêu cực.

Tập Asanas, ăn chay làm cơ thể bớt bệnh tật và nhẹ nhàng, thanh thoát. Ăn một ly yaourt với trái cây ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng như mọi thứ cao lương mỹ vị thịt cá. Uống một ly nước lọc hay nước chanh sau một giờ lao động chân tay còn ngon hơn bất cứ thứ nước giải khát nào quảng cáo đầy dẫy trên truyền hình. Vài bộ quần áo thay đổi là đủ chứ cần chi đến mốt này mốt khác. Đời sống càng giản dị, càng ít ràng buộc, càng có nhiều tự do.

Và mỗi ngày lúc hừng đông hoặc trong bóng chiều tà, hay giữa đêm khuya thức giấc, ngồi thiền với tư thế hoa sen, ngừng nghỉ các cơ quan cảm giác và các cơ quan vận động, rút tâm trí ra khỏi thế giới bên ngoài, ra khỏi thân xác và ra khỏi các ý nghĩ để hòa nhập tâm trí với Ý thức Vũ Trụ. Mọi ý nghĩ sẽ đi qua tâm thức như một đàn chim bay ngang qua bầu trời lặng gió không để lại dấu vết. Chỉ có câu Mantra vô thanh vang động nhịp nhàng theo hơi thở, đưa tâm thức tĩnh tại đến chỗ thanh bình vĩnh cửu. Chính trong trạng thái này trí tuệ sẽ trở nên sáng suốt và từng bước hóa giải được những vấn đề thế tục và tâm linh

Ananda Marga mang Yoga đến cho mọi người, không điều kiện, không biên cương, trong tình thương yêu của Đấng Tối cao, của Ý Thức Vũ Trụ.

Đó không phải là lý thuyết mà là thực tiễn. Tôi đã gặp, tiếp xúc và cảm thấy gần gũi, thân thiết với nhiều Dada, Didi, các nam nữ tu sĩ sống giữa đời thường thuộc nhiều quốc tịch của Ananda Marga, những người không lập gia đình riêng, không trở về tổ quốc, quên tên mình bằng tiếng mẹ đẻ để mang một tên tiếng Sanskrit, đi khắp nơi trên thế giới để truyền dạy Yoga.

Khi tôi hỏi họ có nhớ gia đình riêng không, mọi người đều trả lời: “Các bạn chính là gia đình tôi”. Dada H hỏi tôi đã bao giờ xuất ngoại chưa, tôi trả lời chưa, Dada cầm lấy chiếc xắc nhỏ và nói: “Tôi là người tự do. Với chiếc xắc này, tôi có thể đi khắp thế gian”.

Họ đã đến Việt Nam không phải để mua bán, liên doanh, hợp tác với mục đích vị lợi nào khác. Họ chỉ đến để mang lại hạnh phúc cho con người Việt Nam đã chịu nhiều đau khổ bằng một phương pháp tập luyện, một lối sống, một khoa học cổ xưa, một nền minh triết tinh túy của phương Đông có khả năng giải đáp mọi vấn đề của thời đại.

Tôi chỉ mới ở bên rìa của Yoga, công phu thiền định còn ít ỏi nhưng tôi đã từng bước tìm cho mình nhiều lời giải đáp những vấn nạn của bản thân và lịch sử đã đặt ra trong nửa đời quá khứ.

Sau khi ngồi thiền, tôi làm động tác Guru Puja – hiến dâng cho Đấng Tối Cao. Tôi tưởng tượng trong hai bàn tay của mình có một đóa hoa sen. Có thể là hoa sen mầu hồng tượng trưng cho những gì tốt đẹp nhất, có thể là đóa sen mầu đen biểu hiện cho những gì xấu xa còn làm vẩn đục tâm hồn. Tôi dâng hết cho Đấng Tối cao và tôi thoát ra khỏi mọi ràng buộc để đạt đến Tự Do Tuyệt Đối. Từ trước, đối với tôi, tự do là một khát vọng bi thảm vì tôi bị ràng buộc vào những đối tượng hữu hạn. Nay tôi hướng về Thực Thể Vô Hạn và Đấng Tối Cao. Đấng Tối Cao là Chân Ngã, Đại Ngã và cũng chính là tôi, Tiểu Ngã đã hợp nhất với Đại Ngã.

Từ trước tôi chưa hề biết và khinh bỉ cầu nguyện. Nay tôi cầu nguyện và chúc lành cho những người thân yêu, cho bạn bè, cho cả những người coi tôi là “kẻ thù” dù tôi không có kẻ thù. Nhưng cầu nguyện không phải là thôi đấu tranh.

Tiêu Dao Bảo Cự

Ghi chú (*) Những bài giới thiệu, phê bình liên quan đến tác phẩm “Nửa đời nhìn lại”:

1) Bài phỏng vấn của Thụy Khuê trên đài RFI (Pháp) với Lê Đình Điểu, giám đốc nhà xuất bản Thế Kỷ và Đặng Tiến, người viết lời tựa cho tác phẩm.

2) “Chúc lành” của Nguyễn thị Hoàng Bắc (Tạp chí Thế Kỷ 21 (Mỹ) tháng 3-94)

3) “Một cuốn sách viết về Đà Lạt hôm nay” của Tâm Việt (Tivi Tuần san (Úc) số 417 ngày 23-3-94)

4) “Bức thư ngỏ gởi nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, tác giả cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại” của Trương Anh Thụy (Tạp chí Thế Kỷ 21 tháng 4-1994)

5) “Nửa đời nhìn lại” của Phù Du (Thông Luận (Pháp) tháng 5-94)

6) “Đọc Nửa đời nhìn lại của Tiêu Dao Bảo Cự” của Hòa Vân (Diễn Đàn (Pháp) số 31 tháng 6-94)

7) “Nửa đời nhìn lại: Một tác phẩm mới, một nhà xuất bản mới” của Hoàng Khởi Phong (Báo Người Việt (Mỹ) số 3144 ngày 17-7-94)

8) “Lan man chuyện…tình với Bảo Cự” của Đỗ Mạnh Tri (Thông Luận tháng 7-8/94)

9) “Hòa giải hòa hợp và giao lưu văn học” của Tiêu Dao Bảo Cự (Thông Luận tháng 9-94, được đăng lại trên báo Ngày Nay, Houston, Texas số 304 ngày 1-9-94 với tựa đề “Hòa giải hòa hợp và giao lưu văn hóa” và trên Thế Kỷ 21 tháng 9-94 với tựa đề “Văn học không biên cương”.

Comments are closed.