Vết Son ơi, Quên Nhau Là Chuyện Khó

Phan Tấn Hải

phan tan haiLỜI DẪN. Xin có vài dòng tâm tư nơi đây. Truyện này có một tựa đề rất là phim bộ Hàn Quốc. Tác giả đã nghĩ tới các tựa đề khác cho nhẹ nghiệp tình — thí dụ như “Tay Ai Chưa Nắm Một Lần” hay “Dây Chuông Ai Níu Bên Trời” – thì lại rất là cải lương, và chẳng hấp dẫn tí nào. Truyện này có thể có vài dị bản khác nhau. Nguyên khởi là viết cho Báo Xuân Việt Báo theo nhu cầu phải có chất lãng mạn thế gian. Cùng lúc, gửi cho nhà thơ Kinh Bắc để đăng trên ấn bản xuân tạp chí Suối Nguồn (của Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang), với lời dặn dò rằng xin nhà chùa tùy nghi sửa đổi, cắt bớt, hay thêm vào sao cho phù hợp với chánh pháp. Truyện này khi vừa viết xong, đã được hỏi là có bao nhiêu phần là sự thực. Tác giả đã trả lời rằng 95% là hư cấu. Tuy nhiên, bây giờ nghĩ lại, dưới mắt nhìn của Đức Phật, hẳn là 100% hư cấu, bởi vì ngài đã bảo rằng tất cả sắc thọ tưởng hành thức đều cần quăng bỏ, thì có gì để nói là thực đâu. Và cũng vì thế, tác giả xin cung thỉnh rằng, bất kỳ hành giả nào trong tứ chúng nhà Phật cũng đều có quyền tự do sửa đổi, cắt bớt, hay thêm vào sao cho phù hợp với chánh pháp. Sau đây là truyện.

*

Lần đó gặp lại cũng lạ. Có vẻ như những gì gặp gỡ và chia tay đều là tiền định. Lúc đó là khoảng năm 1999, hay 2000; nhiều người lên cơn sốt thiên niên kỷ gì đó, kiểu như sắp tận thế hay trời long đất lở gì đó. Tôi dự buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở thành phố Pasadena, thuộc quận Los Angeles, và gặp lại cô nàng.

Nói cho đúng, chính cô nàng gặp lại tôi, vì trong đám đông nhiều ngàn người lúc rời hội trường, Mai đã gọi tên tôi và đưa tay lên thật cao để vẫy, ra dấu. Cũng lạ, làm thế nào sau nhiều thập niên xa nhau, tưởng như biệt tăm và cách mấy bờ đại dương, người ta lại có thể nhận ra nhau trong một đám đông nhiều ngàn người.

Tôi không nghĩ ra nổi; sau đó, tôi thú thật với cô nàng rằng tôi không thể nhận ra nàng trong đám đông như thế, tuy rằng nàng rất là độc đáo. Lúc đó, tôi nói với Mai, độc đáo nghĩa là em đẹp tuyệt vời, chỉ nhìn em thế nay, anh quên hết những lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma mới nói hai tiếng đồng hồ vừa qua.

Từ pháp hội Pasadena tới khi tôi viết những dòng này cũng đã mười mấy năm rồi, nhưng hình ảnh nàng vẫn đôi khi thoang thoảng hiện trong mơ, trong trí nhớ tôi mơ hồ như khói, phả lên một cặp môi son không đầy đặn, và đôi mắt nàng đầy các nỗi xao xuyến về cuộc đời. Cặp môi son và đôi mắt. Vâng, đúng vậy. Sau này tôi nghĩ, trong phim cũng không thể đẹp như hình ảnh tôi nhìn nàng sau pháp hội đó.

Tôi lúc đó nói, có lẽ vì hôm đó tôi mặc một chiếc áo cũ kỹ, như dường sờn vai và khủyu tay, nên dễ được nhận ra giữa những người chung quanh hầu hết mặc thứ trang phục để chụp hình – cần nói rằng, thời điểm đó, không có nhiều buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những năm đó, Internet còn thô sơ, chậm rì, không nhiều trang mạng, cho nên tới dự thuyết pháp của ngài cũng là cơ hội để viết những bản tin riêng.

Mai nhìn vào mắt tôi. Lúc đó, hai đứa rủ nhau vào một tiệm kem nơi lối ra phố chính Pasadena. Tôi nhận ra những nếp nhăn bên viền mắt nàng. Mai nói, trời ạ, anh phải biết rằng Mai ngó anh là nhận ra liền chứ, cho dù có đứng thật xa, có đứng nhìn anh xuyên qua trăm sông nghìn núi. Sau này, tôi chôm bốn chữ này của nàng, đưa vào thơ, chỉ làm cho khác một chút. Nhưng tôi biết, không thể đưa đôi mắt và cặp môi son này vào thơ nổi; có lần tôi nói, nếu đưa hình ảnh của em vào thơ được, chữ tới một lúc nào đó sẽ ngún lửa và thiêu rụi các tiệm sách. Xong rồi, tôi nói, giỡn mà.

Tôi thích kiểu nói “trăm sông nghìn núi” của nàng, kiểu chữ “nghìn” thay vì chữ “ngàn,” cho dù hai đứa đều sinh ra ở Sài Gòn. Giọng Bắc của cô nàng không đổi, nhưng tôi biết, giọng Sài Gòn của tôi là pha đủ thứ rồi.

Từ lâu rồi, tôi không thể nhìn xa, đúng ra là đã tập thói quen là không bao giờ bận tâm tới những chuyện chung quanh ở ngoài sự chú tâm của mình. Gọi đó là thiền cũng được; hay chỉ nên gọi đơn giản là thấy nghe hay biết cái quanh mình, và chỉ để ý trong một tầm nhìn rất ngắn thôi, và chỉ nghe cái gì cần nghe thôi. Ngoài ra là chẳng bận tâm làm chi, vì cuộc đời có đủ thứ chuyện, hơi đâu mà nghĩ ngợi, dòm ngó, nghe ngóng chuyện khác cho mệt.

*

Đó cũng là lần đầu tiên tôi lên Pasadena, cách nơi tôi ở khoảng một giờ đồng hồ lái xe. Nhưng chuyện phải đi thì đi; thêm nữa, có tấm vé tham dự đặc biệt từ một người đàn chị trong nghề báo tặng, bảo phải tham dự rồi về viết bài tường thuật buổi thuyết pháp của vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng. Có vẻ như ai cũng mong đợi rằng tôi phải viết cái gì cho tử tế.

Tôi kể cho Mai nghe chuyện tôi có tấm vé mời đặc biệt, từ người đàn chị cũng là một học trò siêng năng của ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng ở Long Beach. Thế là có cơ duyên gặp lại Mai. Cô nàng mặc váy xanh, phủ dài tới qua đầu gối. Tôi nghĩ thầm, thế là già hết rồi; hình ảnh của tôi về Mai trước đó là áo dài trắng học trò, đi xe đạp.

Tôi nói trong khi chồm người qua nửa cái bàn mặt kính của tiệm Dairy Queen, trên đó có sơn đủ thứ hình gì đó để hấp dẫn bọn con nít, như dường nói thầm với nàng rằng người ta mong đợi anh phải viết cái gì cho tử tế đấy, hay là anh làm thơ tặng Mai nhé.

Cô nàng cười, lộ một chút răng khểnh ra, nói lái xe từ San Diego lên Pasadena, nghe anh nói một câu như thế là bay biến hết mệt nhọc rồi.

Tôi nói, Mai đã phạm một điều không nên trong pháp hội này của ngài Đạt Lai Lạt Ma.

Cô nàng chau môi lại, như dường suy nghĩ, và nói là dự pháp hội với tâm mình thành kính là tốt rồi, mà có gì là không nên đâu.

Tôi nói, có chớ. Đi dự pháp hội, mà tô môi son là không nên nhé. Nói xong, tôi nghiêng người ra khỏi bàn, ngó cặp chân của nàng rồi nói thêm, để xem Mai mang giày cao gót cỡ nào, xin nhớ rằng ngày xưa Đức Phật cấm ngồi, cấm nằm giường cao, nghĩa bây giờ là cấm mang giày cao gót nhé. Thực ra, hễ nghĩ tới Mai, tôi vẫn tự nhiên nhớ mơ hồ rằng hồi nhỏ, từ khi còn rất nhỏ, nàng đã ưa đi chân trần. Ngó bàn chân trần của cô bé nhảy cò cò ngoài sân cát là hay chớ. Sau này, tôi cứ lo mãi, hình ảnh đẹp của đời này tràn ngập trong trí nhớ của mình, làm sao tu giải thoát nổi.

Nàng cười. Như dường chưa có ai nói chuyện Đức Phật cấm các cô mang giày cao gót.

Tôi nói thêm, bước ra pháp hội, không chịu suy nghĩ về lời dạy của ngài, lại cứ ngó chung quanh để thấy là có một người bạn xưa này. Cũng hỏng nhé.

Nàng nói, Mai biết chắc là anh sẽ tới đây.

Lòng tôi vui kể gì. Thực ra, lúc mới đầu tới là thấy trở ngại rồi. Khi xếp hàng tới lúc vào cổng vào hội trường, nhân viên nơi đây bắt phải gửi máy ảnh, vì không cho ai mang máy ảnh vào hội trường. Hẳn là cảnh sát Mỹ sợ mấy anh gián điệp Hoa Lục ám sát ngài Đạt Lai Lạt Ma, tôi đoán thế. Tôi gửi máy ảnh vào một phòng đặc biệt ngoài hội trường. Sau pháp hội, mới được lấy máy ảnh ra.

Thời đó, cũng cần nói rằng, chưa hề có smartphone gì cả, cho nên mọi thứ bấy giờ đều đơn giản như cổ tích. Đúng vậy, chuyện y hệt như cổ tích: hình ảnh cô nàng ngồi với tôi trong một tiệm kem ở Pasadena, vào buỏi chiều vừa nghe pháp từ ngài Đạt Lai Lạt Ma. Tôi nghĩ, chỉ thiếu lá vàng rơi thôi, là thành một cuốn phim lãng mạn.

Tôi hỏi chuyện đời riêng. Mai nói rằng nàng bây giờ độc thân, vì cuộc hôn nhân đầu tiên đã tan vỡ, khi chưa kịp có con, vì tính tình dị biệt quá.

Tôi nói, tôi là một nhà báo độc thân, vì tính cũng dị thường, chẳng gần ai được. Tuy nói thế, nhưng trong đầu tôi mơ hồ nghĩ là, phải chi nàng về với tôi cho tới ngày cùng nhau rời cõi trần gian này. Nhưng rồi tôi tự cười mình, sao nghĩ mãi linh tinh.

Tôi chợt thấy một sợi tóc bạc bên viền tai bên trái của nàng. Tóc nàng cắt ngắn, nên đâu có giấu nổi. Hóa ra, hai đứa đều vào tuổi ngũ thập cả rồi. Tôi thảng thốt muốn nói lên, rằng ngũ thập tri thiên mệnh rồi đấy, nhưng lại thôi.

*

Vâng, phải kể cho câu chuyện có đầu đuôi một chút.

Mai kém tôi một tuổi. Hai đứa ở cùng xóm, nơi đầu cổng đề-pô đường Nguyễn Thông. Ba tôi và ba của nàng cùng làm cho Sở Hỏa Xa. Ba tôi là trưởng tàu, nên đi theo xe lửa gần như hàng ngày. Còn ba của Mai làm gì đó ở ngay nơi ga Hòa Hưng, nơi có nhiều đầu máy xe lửa đậu lại, có lẽ để sửa chữa hay nghỉ ngơi, nhiều bãi đất trống với cỏ tranh mọc lưa thưa.

Trong trí nhớ ngổn ngang của tôi, vẫn là hình ảnh những cột gỗ dài và những đà sắt nằm nhiều nơi trong khu đất rộng thênh thang, từ cổng đề-pô Nguyễn Thông chạy suốt tới ga Hòa Hưng, rồi tới khu để đầu máy xe lửa bên kia lối ra đường Lê Văn Duyệt, đường này bây giờ đổi tên rồi.

Bình thường đi học về, bọn nhóc cả xóm chúng tôi đi bộ từ ga Hòa Hưng băng đi xuyên qua các ngõ hẻm trong xóm để tới rạp hát Thanh Vân, rồi từ đây băng qua đường là tới trường tiểu học Chí Hòa. Bọn con gái ưa đi riêng với nhau, con trai cũng thế. Đó là một thời đi bộ mệt nghỉ, mang cặp, chứ chưa có kiểu ba-lô như bọn trẻ bây giờ.

Nhà tôi kế bên nhà Mai. Ba của Mai lần đó vắng mặt nhiều ngày, và trông Mai và mẹ rất là lo lắng. Ba tôi nói nhỏ với má tôi, tình cờ tôi nghe được, rằng cảnh sát bắt ông Côn, ba của Mai, vì nghi ngờ là ông rời bỏ Việt Minh nhưng vẫn bí mật hoạt động cho Miền Bắc, nên giữ để điều tra. Đó là thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vài tháng sau, ba của Mai được cho về đời thường, nhưng không làm việc ở ngành xe lửa nữa.

Mỗi buổi trưa đi học về, tôi đi ngang nhà Mai, lại thấy bác Côn ngồi nơi chiếc ghế, loại ghế lắc lư, chờ Mai. Lần nào cũng thế, tôi khoanh tay chào bác Côn, rồi mới băng qua để về nhà. Bác chỉ gật đầu trầm ngâm, tay lúc nào cũng không rời điếu thuốc lá Jade, phà khói liên tục; nhả khói ra cả mũi và miệng. Tóc bác hớt ngắn, hoa râm rồi. Tay bác gân guốc, trong khi điếu thuốc cầm ngắn ngủn làm lộ hẳn bàn tay quá khổ.

Phải nói rằng tôi lúc nào từ trường về nhà cũng đi nhanh, không có chuyện đi về tà tà như Mai và bọn con gái, cũng không kiểu la cà qua các xóm như bọn con trai khác. Bởi vì, tôi mê đọc kinh khủng, và má tôi tôi một tủ sách đủ thứ, từ Phong Thần, Tam Quốc Chí… cho tới Tự Lực Văn Đoàn. Lại nữa, vì ba tôi thường đi theo xe lửa, nên má tôi không muốn tôi đi học về trễ, cứ cho tôi đọc sách thoải mái; thường là má nói, có bài gì ở trường thì làm trước đi, rồi sau đó là bỏ mặc cho tôi ngồi với những cuốn sách trên gác. Do vậy, ngay từ thời lớp ba, lớp tư… tôi đã mang tiếng là khù khờ, vì không ưa la cà, hễ rời trường là thẳng một mạch về nhà.

*

Tôi cũng có một bí mật, nhưng không kể cho Mai biết làm chi. Những ngày cuối tuần, cô bé phải ra sân xi-măng phía sau nhà để giặt đồ, nấu cơm… Thời đó, con gái đã phải làm chuyện nhà đủ thứ, từ tuổi rất nhỏ. Tôi ngồi đọc sách từ trên căn gác, thỉnh thoảng ngó nghiêng xuóng sân sau nhà nàng. Chẳng để làm gì cả, tôi cũng chẳng hiểu sao. Thực ra, lúc đó, tôi chỉ là tên nhóc tỳ, ưa ngồi đọc sách, ngó sang sau nhà một nhỏ bạn chỉ là vì cầm lòng chẳng đặng, nên phải ngó thôi.

Cũng trên căn gác gỗ này, một lần tôi tôi bắt gặp ba tôi khóc. Đúng ra, chỉ là ứa nước mắt thôi. Trong những ngày nghỉ, không theo xe lửa, ba ưa ngồi trên căn gác này, vặn tới vặn lui chiếc radio hiệu Philips để nghe các đài BBC, VOA. Giờ phát thanh của các đài này thường là rạng sáng hay chặp tối. Nhưng lúc đó, ba ngồi nghiêng tai nghe chiếc radio đặt trên bàn, vặn âm thanh nho nhỏ thôi. Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ chính phủ không cấm nghe đài nước ngoài, nhưng hẳn là ba không muốn bị hiểu nhầm như bác Côn hàng xóm. Đất nước chia đôi, nhiều chuyện cho người lớn bận tâm.

Ba tôi gốc người Hà Tĩnh, làm việc trên xe lửa, tới Nha Trang, gặp má tôi, cưới xong là đưa vào Sài Gòn ở. Đó là nhân duyên tôi sinh ra ở Sài Gòn. Thời đỏ, thỉnh thoảng tôi lại thấy ba nhận các tấm bưu thiệp. Đôi khi ba ứa nước mắt khi đọc bưu thiệp, và đôi khi ngồi nghe radio lại cảm động, nói tôi làm giùm ba ly nước trà; rồi ba chỉnh lại đôi mắt kính, ngó vào mặt số máy radio, dò tìm các làn sóng quốc tế.Có khi thời tiết khí hậu làm khó bắt sóng sao đó, ba lại đầy chiếc radio hiệu Philips vào góc bàn, rồi lấy chiếc radio hiệu Sony ra dò làn sóng. Tôi chỉ cần nghe giọng ba bùi ngùi là biết đất nước đang có chuyển đông gì đó.

Nhiều thập niên sau, sang Hoa Kỳ, tôi mới thấy mình cũng lây tính ưa cảm động đó. Tuy nhiên, chẳng có ai bắt gặp tôi trong các giây phút cảm động tương tự cả, phần vì tôi có mặt ngoài tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh – nhà báo là phải thế; có lẽ, chỉ trừ khi đọc tin về Biển Đông mới lộ ra bực mình thôi.

Suýt nữa là quên nói bí mật này: tôi thích nhất là nhìn thấy hình ảnh “con bé Mai” khi làm xong các thứ, là đứng dậy nơi sàn xi-măng, nghiêng người, một tay túm nơi đầu gối hai ống quần, và tay kia cầm chiếc thau nhỏ múc nước tưới vào hai bàn chân rồi chải hai bàn chân vào nhau cho sạch cát đất.

Tôi không hiểu tại sao tôi ưa thích nhìn hình ảnh này. Không phải chuyện hư hỏng tầm bậy gì đâu. Tôi chỉ mơ hồ thấy rằng hình ảnh đó rất đẹp, mà không hiểu tại sao. Không phải vì hai bàn chân xưởng xẩu của nhỏ Mai; đứng từ gác cao nhìn xuống, làm gì thấy bàn chân xương xẩu được nhỉ. Cũng không phải vì nhỏ Mai nghiêng người để lộ ra cái gì đâu; trời ạ, đã nói là không có chuyên hư hỏng gì mà.

Về sau, nhìn tranh các danh họa thế giới, tôi nhận ra nhiều họa sĩ thích vẽ người phụ nữ đứng nghiêng người. Dĩ nhiên, một vài họa sĩ vẽ người phụ nữ khỏa thân nghiêng người, nhưng đó là chuyện khác. Tôi nghĩ, phải chăng mình cũng có khiếu về hội họa và ưa thích cái bố cục như thế. Chẳng biết.

Sau này đọc Kinh Phật, tôi nghĩ ra rằng chuyện mình ưa ngó hình ảnh nhỏ Mai nghiêng người rửa chân được sách gọi là “tùy phiền não” – nghĩa là, niệm cứ khởi đi, khởi lại về một thứ gì đó. Những khi nhớ ra như thế, tôi lại như mỉm cười, khi nghĩ rằng, có thể, và có lẽ, nếu một hôm nào đó, tôi đưa tay nắm lấy bàn chân của nàng, và khi tay nhận ra bàn chân nàng đầy xương xẩu gầy gò, hẳn là sẽ không bao giờ khởi lên các thứ hình ảnh như thế nữa. Cũng chẳng biết nữa.

Thế rồi bác Côn chết. Lúc đó, Mai học lớp tư, tôi học lớp năm, nghĩa là đều còn nhỏ, chẳng hiểu gì về tử vong ly biệt.

Ba tôi nói là bác Côn chết vì lao phổi, hút thuốc nhiều quá mà. Má tôi nói với ba, không phải đâu, bác Côn hồi ở tù bị đánh dữ quá, chắc mang bệnh hậu. Má của Mai thỉnh một vị sư từ ngôi chùa trong xóm tới làm tang lễ. Ai hỏi, bác gái cũng chỉ bùi ngùi nói là bệnh rồi chết. Câu nói này hẳn là đúng muôn đời cho hầu hết các trường hợp, bệnh thì chết chớ.

Điều tôi nhớ nhất những ngày đó là hình ảnh nhỏ Mai mang khăn tang, tự nhiên đẹp ra hẳn, tự nhiên như thành người lớn, trang nghiêm. Mai không khóc nhiều, nhưng khi nói gì, tự nhiên giọng nghẹn ngào. Cũng lạ, có lúc trên đường đi học, tôi hỏi sao Mai không khóc sụt sùi khi đưa tang ba nhỉ? Mai nói, chỉ vì thấy mọi chuyện như không có thật, giống như mọi chuyện chỉ là giả bộ thôi, giống như trong phim, hay như trong truyện.

Mai cũng kể, tự nhiên rồi thuộc câu thần chú vãng sanh để cầu nguyện cho ba Mai. Cái gì như “Nam mô a ri đa bà dạ…”

Tôi nói như an ủi cô bé, nhìn Mai mặc áo tang, mang khăn tang thấy tức cười quá. Tôi ngu dễ sợ, sao lại nói chuyện gì như thế. Đúng ra, tôi không dám nói rằng, cô bé trong bộ tang phục trông đẹp tuyệt vời. Nhưng xin nhớ, chúng tôi lúc đó chỉ là nhóc tỳ, mà thời đó trai gái còn xa nhau kinh khủng: tôi và Mai hệt như các nhân vật trong cuốn truyện cổ tích nằm ở các trang cách biệt, khi trang sách này mở ra, là trang sách kia khép lại. Vậy đó, chúng tôi là hàng xóm, là bạn cùng trường, là bạn ngó xuống từ gác gỗ vườn sau… nhưng vẫn là “bạn trăm sông nghìn núi” – đúng chữ cô nàng ưa nói.

Trời Pasadena sẫm tối. Hai đứa chúng tôi rủ nhau đi bộ, lấy cớ ngồi nghe pháp xong, lại ngồi ăn kem, nên cần đi bộ. Tôi không nhớ là ai rủ ai đi bộ, nhưng dặn nhau là chớ đi xa, chỉ đi vài phút thôi, vì quay lại tìm xe sẽ mệt. Chúng tôi đi dọc trên đường E. Colorado Blvd. về hướng đường Wilson Ave. Cũng chẳng hiểu tại sao lại phải đi trên hướng này. Tôi vẫn nhớ tên đường, vì lúc đó chỉ sợ khi quay lại để lấy xe, mà quên tên đường là hỏng.

Tôi đi bên nàng, bóng ngả dài trên các vuông gạch hè phố. Gió hơi lạnh lạnh. Bất giác, tôi nghĩ, tại sao mình không ôm nàng nhỉ. Có lúc vai tôi chạm vào vai nàng. Tôi nghĩ, phải chi đứng dưới đèn đường, ôm hôn nàng là tuyệt vời nhỉ. Nhiều kiếp sau cũng không quên nổi. Tôi nghĩ, có lẽ vị hộ pháp hộ giới ngăn trở, vì lý do gì đó. Tôi nắm tay nàng, kéo vào nhà sách Barnes & Noble, nói để mua tặng Mai một cuốn sách nhé.

Giữa những hàng kệ sách, Mai nhìn lên các bìa sách. Có khi cầm ra một cuốn, lật vài trang nhìn.

Tôi nói với Mai, tôi muốn tìm tập thơ “Twenty Poems of Love and a Song of Despair” của Pablo Neruda để tặng nàng. Thơ Neruda hay, và bản Anh dịch W.S. Merwin đẹp tuyệt vời.

Tôi nhìn vào mắt nàng, nói như thì thầm rằng đây là thơ Neruda nhé, “Tình yêu thì quá ngắn, quên nhau lại quá dài… Love is so short, forgetting is so long.”

Mai nói, anh nhìn thẳng vào mắt Mai nhé, chúng mình chưa từng yêu nhau thì phải.

Tôi lại thấy vài sợi tóc bạc trên đầu Mai. Tôi tự thắc mắc, không lẽ chỉ trong vài phút, tóc bạc mọc nhanh như thế; hay hồi nãy, mình nhìn nàng không kỹ…

*

Mai bước tới khu để thiệp của nhà sách, nhấc lên một tấm thiệp từ ngăn kệ.

Tấm thiệp chỉ có hình một dòng sông, và chiếc ghe không người đang neo nơi bờ.

Tôi nói, thiệp này không có chữ, sao Mai không tìm thiệp có chữ để đỡ mất công viết, mà tặng ai đấy.

Mai nói, thiệp này để tặng anh đấy.

Tôi nhìn dòng sông mở ra trên tay nàng.

Mai đưa tấm thiệp lên môi nàng, in làn son trên môi vào trang trắng trong thiệp, rồi đưa cho tôi.

Tôi cầm thiệp, chưa kịp nhìn kỹ, đã thấy nàng quay lưng, bước vội ra ngoài cửa tiệm sách. Tôi nói vói theo, để anh tìm tập thơ cho Mai đã… nhưng nàng đã mất hút ngoài cửa.

Tôi cầm tấm thiệp có vết môi son, tới xếp hàng nơi quầy, chờ trả tiền. Khi bước ra, nàng đã như biến vào hư vô.

Tôi lái xe từ Pasadena về nhà. Căn phòng đã vắng, như dường vắng thêm. Sách để đầy các góc nhà, đầu tủ, đầu giường, xếp cả bên giường tựa vào vách, nhưng như dường tất cả các cuốn sách đang thì thầm chế giễu tôi, một tên khù khờ, không nắm tay được cô nào trong đời quá một phút đồng hồ. Vào nhà xong, tôi mới nhớ ra là quên máy ảnh nơi tiệm Dairy Queen rồi.

Tôi đặt tấm thiệp môi son, dựng đứng trên bàn, nhìn thấy vết môi son mở ra. Gió từ phố Bolsa tạt từ cửa sổ vào. Người tôi run rẩy, cái lạnh này còn hơn là cái lạnh trăm sông nghìn núi, tôi nghĩ.

Bệnh rồi, tôi nằm trùm mền, ngủ vùi, ngập trong hình ảnh của nàng, mái tóc ngắn với vài sợi bạc, tay xương xẩu, bờ vai nhỏ, tà áo xanh, và vết môi son trên tấm thiệp. Tôi tự nhủ, trước khi thiếp vào giấc ngủ, hóa ra đời mình chưa từng ôm hôn một ai.

*

Hai hôm sau, một bình hoa giao tới tòa soạn, đề tên tôi. Người gửi là Mai, từ San Diego.

Kẹp giữa mấy cành hoa hồng vàng là tấm thiệp nhỏ, với dòng chữ viết tay:

“Cảm ơn anh. Ngày mai em về Việt Nam, xuất gia. Mai.”

Không có địa chỉ nào để tôi trả lời hay tìm tới. Tự nhiên, hình ảnh cô bé năm xưa mang khăn trang hiện ra trong trí nhớ tôi, rồi âm vang tiếng mõ, tiếng kinh tụng, rồi âm đọc giọng Miền Trung của vị sư già, “Nam mô a di đa bà dạ…”

Hình ảnh cô bé chân trần nhảy cò cò ngoài sân cũng hiện lên trong đầu tôi. Tôi tự nhủ, có lẽ, người ta không cần tới thuyền để qua dòng sông sinh tử đâu, cứ mãi nhảy cò cò trong chiếc sân cát tuổi thơ cũng sẽ qua bờ. Tôi nghĩ thế, nhưng không chắc là Phật pháp có ý nào như thế. Chỉ có điều khó hiểu, vì sao những bước nhày cò cò cứ mãi in sâu trong hồn mình như thế.

Tôi hiểu điều này, và có lẽ kinh cũng nói nơi nào đó: khi đi bộ với nàng trên phố Pasadena, tôi không ôm nàng, không hôn nàng vì ngờ ngợ như có ai ngăn cản, hẳn đó là vị hộ pháp hộ giới. Vì với người phát tâm xuất gia như nàng, có khi chỉ một nụ hôn cũng có thể kéo nàng đi chệch thêm nhiều kiếp sau. Tôi chỉ đoán thôi, về giáo lý thì tôi mù mờ. Ánh đèn trên phố Pasadena vẫn hắt mãi trên trí nhớ của tôi, sau pháp hội của ngài Đạt Lai Lạt Ma.

Nhiều năm sau, khi làm một bài thơ Thiền Ca cho anh bạn Trần Chí Phúc phổ nhạc, tôi có viết câu:

… chờ em, chờ em son nhạt môi, ta lạnh buốt bên sông…

Hình ảnh nàng hiện lên trong dòng chữ đó. Hiện lên trên vết son môi nàng để lại trên tấm thiệp, trên đó chiếc thuyền không người lặng lẽ bên sông. Và để lại trong hồn tôi. Ngày và đêm.

Tôi không nhận được tin gì về nàng nữa, từ đó. Tôi vẫn cầu nguyện cho nàng khi bắt đầu các buổi thiên tập hàng ngày. Và biết rằng, sẽ rất lâu, sẽ còn rất lâu, hình ảnh nàng mới nhạt đi trong tâm mình. Kể cả vết son.

P.T.H.

Comments are closed.