Nước Mỹ (Trắng Trên Đen 8 và 9)

Ruben David Gonzalez Gallego

Ruben David Gonzalez Gallego dịch

Cái nước này là nước phải căm ghét. Ai cũng nghĩ thế cả. Phải ghét tất tật các nước tư bản, nhưng riêng nước Mỹ thì phải ghét cay ghét đắng. Ở nước Mỹ rặt kẻ thù là kẻ thù, toàn một lũ tư bản róc xương hút tuỷ giai cấp vô sản. Đế quốc Mỹ chế bom nguyên tử nhằm ném xuống nước ta. Công nhân Mỹ thường xuyên bị đói và chết đói, trước cổng đại sứ quán Liên Xô ở Mỹ dân chúng xếp hàng rồng rắn xin đổi quốc tịch. Người ta dạy chúng tôi như thế, chúng tôi tin như thế.

Tôi yêu nước Mỹ, tôi yêu nó từ năm lên mười cơ. Đúng vào năm tôi lên mười, tôi được nghe kể rằng ở nước Mỹ không có người tàn tật. Ở nước Mỹ những người tàn tật đều bị giết sạch. Tuốt tuột. Nhà nào có đứa bé tàn tật ra đời, thầy thuốc sẽ đến tiêm ngay cho nó một mũi thuốc độc cho nó chết luôn.

– Giờ thì các em hiểu rằng các em may mắn biết bao nhiêu khi được sinh ra ở nước ta? Ở Liên Xô trẻ em tàn tật không bị giết. Các em được học hành, được chữa chạy và được nuôi không. Vì thế các em phải chăm học để có một nghề cần thiết.

Tôi không muốn người ta phải nuôi báo cô tôi, tôi chẳng bao giờ có thể có được một nghề tử tế. Tôi muốn được một mũi tiêm, một mũi tiêm thuốc độc. Tôi muốn đến nước Mỹ.

KẺ THIỂU TRÍ NĂNG

Tôi là một đứa thiểu trí năng. Đó không phải là một biệt hiệu xấu, nó chỉ là sự xác nhận sự thật. Mức trí tuệ của tôi không đủ cao cho sự tồn tại tự thân, cho sự sống sơ đẳng. Từ nhỏ tôi đã biết có hai loại thiểu trí năng – loại bù đắp được và loại không thể bù đắp được. Loại thiểu trí năng bù đắp được là loại có trí tuệ kém, khi con người còn có thể sống trong xã hội không cần tới sự giúp đỡ của người khác. Người ta thường lấy những người có vấn đề trí năng ra làm thí dụ. Đó là những người tâm thần có vấn đề, nhưng nhờ các các cán bộ giáo dục và cán bộ y tế gắng sức dạy dỗ, họ cũng có thể học được nghề thợ sơn hoặc nghề quét dọn nhà cửa. Các thầy cô dạy tôi giải các bài toán phức tạp, các thầy thuốc nhồi thuốc vào người tôi, tận tuỵ bó bột cứng quèo cho tôi, nhưng mọi cố gắng của họ đều vô ích. Cho đến nay tôi vẫn không nhấc nổi cái chổi quét sơn.

***

Một trong những hồi ức tuổi thơ của tôi là một mẩu đối thoại của người lớn mà tôi nghe trộm được:

– Thế mà cậu bảo nó thông minh. Nó đi còn không nổi nữa là.

Từ bấy đến nay chẳng có gì thay đổi, mọi sự vẫn y như cũ. Suốt cuộc đời tôi, tôi nghe người ta lải nhải về sự tàn tật của tôi như là sự có hay không có khả năng làm những động tác cơ học: đi, ăn, uống, đi toa lét. Nhưng cái cơ bản, muôn thuở vẫn cứ là cơ bản: ấy là tôi không đi được. Phần còn lại không bao giờ được họ quan tâm. Nếu mày không đi được thì mày là đứa thiểu trí năng.

Lại một nhà trẻ nữa. Lại một lần chuyển chỗ ở nữa. Tôi được chuyển đến cái nhà trẻ nói trên sau hai năm chữa chạy vô hiệu trong bệnh viện. Cách người ta chữa bệnh cho tôi rất đơn giản. Họ bó bột cho tôi ở đầu gối chỗ đôi chân bị gập cứng lại, rồi sau đó đến kỳ hạn lại rạch chỗ bó bột ra, nắn gân và cố định đôi chân trong tư thế mới. Sau nửa năm chữa chạy, chân tôi trở thành thẳng đơ. Người ta thử cho tôi dùng nạng, nhưng thấy cũng vô ích, họ cho tôi xuất viện. Trong thời gian điều trị, chân tôi đau triền miên, khả năng suy nghĩ giảm. Theo luật, học sinh ở Liên Xô có quyền được học tập, ai có khả năng thì học trong trường trực thuộc bệnh viện, số còn lại được các thầy giáo cô đến tận phòng để dạy. Có một cô giáo đã đến với tôi vài lần, nhưng sau khi cho rằng tôi ngu như bò, cô để cho tôi yên. Các thầy cô thương hại thằng bé tội nghiệp cho tôi điểm “trung bình” cho mọi môn học. Cứ thế tôi lên lớp, hết lớp này đến lớp khác.

Tôi nhập viện khi đang học lớp hai, xuất viện tôi đã lên lớp bốn. Tất cả đều bình thường, tất cả đều đúng luật. Người ta mang tôi vào lớp, đặt tôi xuống sàn.

Đang giờ toán. Tôi gặp may. Đúng hôm đó lớp có bài kiểm tra. Kiểm tra toán là việc hệ trọng, vì thế hội đồng giáo viên cho học sinh học hai tiết liền, mỗi tiết bốn mươi lăm phút.

Cô giáo đặt cho tôi mấy câu hỏi, rồi nhận thấy phải chuyển tên học trò này qua lớp hai, cô không suy nghĩ gì nữa. Cô gọi bà bảo mẫu đến, bảo bà đưa tôi về phòng ngủ.

Bà bảo mẫu đến. Bà ta liếc nhìn tôi.

– Tôi vừa mới đưa nó vào đây tức thì, giờ lại đưa ra, hử? Này, tôi không phải là ngựa đâu đấy nhá, tôi cũng có quyền của tôi đấy nhá. Thế mà cũng gọi là người có học cơ đấy. Các người xoay xở không nổi, lại đến tôi bở hơi tai? Không có chiến tranh ấy à, chưa chừng tôi cũng làm cô giáo đấy.

Bà bảo mẫu mỗi lúc một lớn tiếng, cô giáo lắng nghe, rồi đành nghe theo lời bà. Rất lễ độ cô mời bà đi ra, xin lỗi vì đã làm phiền bà. Bà bảo mẫu ra. Bây giờ làm bài tập được rồi.

Cô giáo mau mắn viết bài tập lên bảng. Viết xong, cô ngồi vào bàn.

Tôi nhìn lên bảng. Tôi chẳng hiểu gì cả. Thay vào những con số trong bài tập là những chữ. Tôi đã biết dấu cộng dấu trừ là cái gì, trước khi nhập viện tôi học khá hơn tất cả các bạn, nhưng tôi lại coi dấu nhân là lỗi chính tả.

– Ở đây có một lỗi trong các thí dụ, thưa cô. – tôi nói, không xin phép cô trước – Tại sao cô lại viết lẫn chữ cái vào những con số ạ? Không thể làm toán với những chữ được ạ.

– Đấy không phải lỗi đâu, em à. Những chữ là để chỉ những con số đấy. Việc của ta là phải tìm ra những con số được biểu hiện bằng chữ ấy. Thế gọi là giải phương trình.

– Như vậy có nghĩa là nếu cộng một với “kha” bằng ba, thì “kha” bằng 2? Như thể câu đố trong tạp chí.

– Không phải “kha” mà là “iks ” (x). Nhưng nói chung, em đúng.

– Thế tại sao trong thí dụ thứ hai “iks” lại được viết giữa hai con số hở cô?

– Đấy lại không phải là “iks” mà là dấu nhân. Nó được viết như chữ “kha” trong tiếng Nga. Trên bảng cô viết dấu nhân bằng hai gạch chéo lớn để các em ngồi ở hàng cuối cũng nhìn thấy.

Nhân là cái gì, tôi chưa biết. Trong bệnh viện không hiểu sao các thầy thuốc lại đặc biệt quan tâm đến chuyện hai lần hai là mấy, ba lần ba là mấy. Nếu tôi trả lời không đúng thì họ cười ầm lên, nói cho tôi biết số đúng là số nào, họ còn cho tôi khi cái kẹo, khi cái bánh quy. Giá họ giải thích cho tôi biết ngay rằng nhân tức là một dãy cộng đi theo nhau thì vị tất tôi thấy dễ chịu hơn. Hai chân tôi đau như dần, tôi không yêu các bác sĩ.

Cô giáo giảng cho tôi phép tính nhân.

– Mà giảng cho em làm gì nhỉ? – cô nói tiếp – Đến bảng cửu chương em cũng còn chưa biết cơ mà.

– Em biết chứ, nhưng chỉ đến bảng năm thôi. Em còn nhớ sáu lần sáu ba mươi sáu mà.

– Thế bảy lần tám?

– Đợi em tí.

Tôi lẩm bẩm tính. Đáp số đúng.

– Giỏi. – cô giáo khen.

– Có gì khó đâu, – tôi nói – khi cô giảng cho em rồi, em thấy nó đơn giản lắm. Cô giảng tiếp đi.

– Khốn em có hiểu được đâu.

– Em hiểu mà. Chính cô vừa bảo em giỏi cơ mà.

Cô giáo hào hứng đến bên bảng và bắt đầu tiết học. Cô viết luôn tay. Thỉnh thoảng cô mới dừng lại một tí để hỏi tôi: “Em hiểu chứ?” Tôi hiểu hết. Cô giáo kể cho tôi nghe về toán học, tôi ngắt lời cô bằng những câu hỏi. Cô cứ nói tiếp đi, tôi giục, cô nói đi. Cô và tôi tủm tỉm cười với nhau. Chẳng có gì khó.

– Xong. Thế là xong. Cô đã nói cho em nghe tất cả những gì mà em với tư cách học sinh lớp bốn phải biết.

– Vậy em có làm bài kiểm tra được không, cô?

– Cô không tin chắc em làm được, nhưng cứ thử xem.

Tôi thử.

Hai giờ trôi qua rất nhanh, cả lớp nộp bài kiểm tra. Cô giáo cúi xuống, cầm lấy tờ giấy của tôi, liếc qua. Cô nhìn tôi. Cái nhìn của cô lạnh lẽo và xa cách, chẳng giống như lúc nãy, ở trên bảng. Tôi hiểu ra tất cả.

Để làm một đứa trẻ thiểu trí năng chẳng có gì khó. Mọi người nhìn mày mà không thấy mày. Mày không phải là người, mày chẳng là cái thá gì hết. Nhưng đôi khi, nhờ lòng tốt bản năng hoặc nhu cầu nghề nghiệp, người đối thoại với mày thấy nội tâm mày cũng như mọi người, chẳng có gì khác. Trong khoảnh khắc sự lãnh đạm tan đi nhường chỗ cho sự khen ngợi, sự khen ngợi nhường chỗ cho nỗi thất vọng đau đớn trước hiện thực.

Tôi không nhìn cô giáo. Tất cả họ đều giống nhau. Tôi tin chắc trong phút ấy cô giáo chỉ nghĩ về đôi chân của tôi. Những người khác ở địa vị cô cũng thế. Đôi chân là mới là cái quan trọng, chứ toán học là chuyện lăng nhăng, là trò giải trí.

Comments are closed.