Phùng Cung, thơ và người

Bút ký Nam Dao

(Trích từ Những Con Người – Bút Ký 1- Thi Văn xuất bản tại Hoa Kỳ, 2017)

                                                      Kính viếng Phùng Cung và Phùng Hà Phủ

PHUNG CUNG.JPG

Chân dung Phùng Cung (ảnh của Nguyễn Đình Toán)

Năm 14 tuổi, tôi đọc Con Ngựa già của Chúa Trịnh. Đọc lén vì bản thảo nằm trong một cái tủ cha tôi khóa kỹ, thỉnh thoảng mở ra rồi thận trọng nhét vào một cái hồ sơ trên có đề chữ mật. Chữ này đầy mãnh lực, hấp dẫn đến đỗi quên ăn quên chơi ngay ở tuổi tôi đang lớn. Tôi đánh được chìa, mở tủ lấy hồ sơ, leo lên trần nhà. Ghé vào những khoảng sáng hắt qua kèo cột, tôi say sưa đọc, mồ hôi nhễ nhại trong cái hừng hực nóng của mùa hè Sài Gòn đổ lửa.

Năm sau, cụ Hoàng Văn Chí in Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc. Tôi lại đọc lại, lần này đàng hoàng đọc. Nhưng tôi chưa thật hiểu thế nào là ẩn dụ, tuy bụng vẫn quặn thắt đau cái nỗi đau của con ngựa chiến đứt ruột chạy vòng cuối, cái vòng khốn nạn của thứ định mệnh oái oăm.

***

Lần đầu tôi đọc Phùng Cung khi ông ta vừa 30 tuổi. Về Cải Cách Ruộng Đất, ông Võ Nguyên Giáp đã công khai nhận sai sót, và như một hình thức kỷ luật, ông Trường Chinh thôi chức Tổng Bí Thư Đảng Lao Động. Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm đã yên ắng. Tuy thế, người ta vẫn xử lý nội bộ, định tội, bắt đi “thực tế”, bỏ tù và vô hiệu hóa những người dám đòi lại quyền lãnh đạo văn chương-nghệ thuật về tay chính những kẻ làm văn chương-nghệ thuật mà không chịu uốn cong ngòi bút phục vụ những tiêu chí thuần chính trị, những khẩu hiệu vô hồn, những ý đồ được khôn khéo che đậy bằng thứ ngôn từ uốn éo như rắn hổ mang chui ra từ những chiếc lồng khi nghe tiếng kèn phù thủy.

Năm sau, tình hình miền Nam sôi sục. Những người tập kết xốn xang tung hô khẩu hiệu giải phóng miền Nam, bộ xe-pháo Duẩn-Thọ phất cờ, trong khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc mao-ít và Liên Xô xét-lại đã hóa ra công khai. Với miền Nam, giải phóng thế nào đây? Chiến tranh cách mạng kiểu Bắc Kinh hay vận động chính trị trong bối cảnh chung sống hòa bình Mốt-cơ-va?

Đột nhiên, cái gọi là “xét lại chống Đảng” được xì xào như một mối nguy cơ, và nhân đấy đám thân Tầu tiếp tục cuộc “chỉnh đốn tổ chức” đã phải bỏ lưng chừng trong đợt sửa sai Cải Cách Ruộng Đất. Những mối thâm thù lại có cơ tác quái, và mọi thứ bạo lực từ những động cơ ngu muội tô hồng bằng bạo lực Cách Mạng được sử dụng nhằm thanh trừng nội bộ, soán chiếm quyền lực mông muội.

Tiểu tư sản-trí thức thành thị – cái anh tạch tạch sè – sè hình lình thành đối tượng đấu tranh của giai cấp nông dân (được nâng cấp thành liên minh công-nông).

Vào năm 1961, người ta bắt Phùng Cung khi chị Thoa – vợ anh – có 2 đứa con còn cắp nách. Tại sao?

***

Hơn bốn mươi năm sau khi đọc Con Ngựa già của Chúa Trịnh, đầu tôi vẫn cứ một câu tại sao? Phùng Cung xưa phụ trách nhà in, không “chính trị” như Nguyễn Hữu Đang, uy tín như Phan Khôi, và cũng không là chiến tướng như những Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán… Trừ Đang và Thụy An, tất cả đều đi thực tế, một cách cải tạo không phải là gay gắt nhất. Sau thực tế thì về Hà Nôị nhưng bị treo bút, cô lập. Khổ nhất là bị cô lập, không ai dám “dây với hủi”, kể cả những người trong gia đình

Năm 1999, tôi có dịp hỏi một nhân chứng ruột thịt của Phùng Cung. Con anh, là Phùng Hà Phủ, đến thăm tôi vào dịp Giáng Sinh.

Phủ kể, “…Thời Cải Cách Ruộng Đất, ông nội cháu lo vì có thể bị qui là địa chủ cường hào, và quả là sau ông bị đấu tố rồi đưa lên giam trên Thái Nguyên. Bố cháu lên thăm, nhưng đến nơi thì mộ ông cháu mới đắp, trên chỉ có một ngọn sắn lá đã héo để đánh dấu, đất còn ướt…’’.

Phủ châm thuốc lá, rít một hơi, thở dài “Thế mà trước đó bố cháu cứ tin rằng có một bầy con đi kháng chiến thì sẽ chẳng đến nỗi nào!’’. Nói qua quít để an ủi, tôi bâng quơ “Chắc ông ấy hận lắm…’’. Cời thanh củi cho cháy bùng lên trong lò sưởi, Phủ khe khẽ lắc đầu. Lát sau, Phủ trầm ngâm “Bố cháu hận thì không, nhưng buồn thì có. Buồn đến độ bố cháu chẳng còn muốn gặp ai… Sau, bố cháu kể, oan thì có oan, sai thì có sai, nhưng thời đó chuyện ấy đầy rẫy, cải cách rồi sửa sai…’’.

Nghe Phủ thì thào, tôi thốt nhiên chột dạ. Tôi nhớ đến lời những lãnh tụ nhắn nhủ, cứ vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm, hễ thấy sai thì sửa. Trời ơi, nhưng sai mà gây ra án mạng, cướp sống những cuộc đời vùi vào ba tấc đất oan khiên mất rồi thì sửa làm sao? Nhưng sai mà phá tan nát cái cấu trúc cơ bản làng xã, kích thích lòng tham lam và hận thù khiến nhân nghĩa lộn lạo, thì sửa làm sao?

Sửa thế nào được khi những con rắn giáo ba đầu sáu tay lẩn vào ước mơ và dùng ngôn từ để ngóc đầu nhe răng phun nọc!

***

Phùng Cung chỉ buồn? Anh tiếp tục công tác trong cơ quan Hội Văn nghệ. Đến khi Nhân văn ra đời, anh đợi đến số 4, tháng 10, năm 1956 mới đưa in Con Ngựa già của Chúa Trịnh. “Thế thì 5 năm sau, tức vào năm 1961, người ta lại bắt bố cháu đi tù? Và tù liền 12 năm? Tại sao?”.

Phủ không trả lời, chỉ thở dài. Nhưng sao tôi nghe đâu đây như có tiếng ngựa hí? Không, ở xứ này giờ đây là mùa Đông, ngoài trời lạnh -20 độ C, nước chỉ dăm phút là đóng đá. Gió rít lên, lửa trong lò sưởi chập chờn, tuyết bay bám vào cửa kính vẽ mơ hồ những đoá hoa trước lúc hóa băng.

Tại sao?

Lại tiếng ngựa, nó hí, vó đạp lộp cộp xuống mặt đất co cứng. Con Kim Bông chăng? Chắc nó đang “cao đầu phóng vĩ”?, cái thế con Thiên lý mã lệnh xông xáo trận mạc ven sông Gianh. Mà nào đâu sông Gianh, nay hòa bình lập lại rồi. Đây là Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Như vậy thì Kim Bông đang hàm ân thánh đế, ở mã đài, để bọn mã phu dăm bảy đứa chải bờm tỉa lông. Rồi một ngày:

“…Khi mã phu buông tay; lạ lùng lắm, nó thấy hai vật gì to bằng cái lá đa che ngang hai bên mắt, khiến nó chỉ có thể nhìn thẳng phía trước mà thôi. Rồi mã phu đẩy nó lùi lại, đứng vào giữa hai càng gỗ sơn son thếp vàng. Ủa lạ quá chừng, những cái gì mà đẹp thế này? Ta sẽ làm gì đây? Nó rùng mình, thấy hãnh diện như được sống một kiếp sống khác, sung sướng hơn trước.

Bỗng dưng hai càng gỗ dúi mạnh một cái, cổ nó bệt xuống, miệng nó gần chạm đất, nó vừa ngóc được thì dây cương đã ghìm thẳng. Nó cất bước thấy nặng; cái nặng quái gở, như bóp nghẹt lấy cổ, có lúc bềnh bồng nhẹ đi một chút nhưng rồi gáy no càng như lún xuống… Khi nghe tiếng bánh xe nghiền trên mặt đá, nó mới biết là nó đang kéo xe cho Chúa.

Nó gục đầu xuống lủi thủi kéo chiếc xe qua sân, hai mắt lờ đờ nhìn thẳng, mỏi mệt, chán ngán…’”.

(Trích Con Ngựa già của Chúa Trịnh)

Phủ tiếp, giọng trầm hẳn xuống, Bố cháu ra tù khi hai anh em cháu đâu mười một, mười hai. Một hôm, cả nhà cháu đi bộ trên lề phố Trần Hưng Đạo, khúc gần Bà Triệu, thì có tiếng gọi, Cung ơi, Cung. Mọi người quay lại. Bác Dần đứng lề bên kia vẫy. Bố cháu chưa kịp phản ứng thì mẹ cháu giằng lấy tay, miệng van vỉ, em lậy anh, đi thôi… Em và các con đã khổ lắm rồi… Đi thôi, anh ơi! Ra tù, bố cháu cách ly với bạn bè, chỉ chuyện áo cơm cũng đã khổ sở. Đập đinh, rồi làm bánh. Và khi có việc thì nề, mộc… Thế mà công an họ cứ đến “làm việc”, khủng bố tinh thần đến độ mẹ cháu bảo thà là ở trong tù còn hơn…

***

Tại sao? Hay là…

“Nó gục đầu xuống lủi thủi kéo chiếc xe qua sân, hai mắt lờ đờ nhìn thẳng, mỏi mệt, chán ngán.

Nhưng chẳng bao lâu, những chậu thóc trộn mật vừa ngọt vừa bùi, những bó lá trúc quân tử vừa thơm vừa giòn sậm sựt đã cùng những buồn tủi sầu muộn, cùng những ước mơ trôi qua ruột, tống ra ngoài trả lại cho quá khứ. Con thiên lý dần dần quen với chức vị. Nó thấy mình phải phò Chúa đến hơi thở cuối cùng mới xứng danh Thiên lý mã’’.

(Trích Con Ngựa già của Chúa Trịnh).

Chức vị nào trong Hội? Hội Nhà văn hay Liên hiệp Hội Văn học Nghệ Thuật? Ông Nguyễn Đình Thi? Hay là ông Tố Hữu? Hay cả hai.

Hoặc lại ông Tô Hoài, con dế mèn phiêu lưu nó phình to hơn chính người ông, như Phùng Cung từng nhắc lại sau này trong một truyện ngắn? Tôi không biết.

Và nay, có những người đã nằm xuống. Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi chép bài thơ Bụi sao rơi, rất Phùng Cung, gửi viếng họ:

Đèn bên sông

Hay bụi – sao rơi

Mà hiu hắt cơ hồ muốn tắt

Có phải bóng hình người

Đã khuất

Mộng công hầu chưa đạt

Nay lại lần về mượn cửa

tái sinh.

***

Cơn bão tuyết đêm qua đánh tan những đám mây khiến sáng dậy mặt trời nở ra rực rỡ. Dưới ánh nắng tươi vàng, hai chú cháu đi dạo trên những con đường tuyết phủ trinh bạch, chưa một vết chân, chưa có gì thừa thãi, dẫu một lời, dẫu một hơi thở.

Chúng tôi bước trong giấc mơ nguyên thủy, khi lời nói còn âm điệu tiếng chim ban sơ. Phủ ngừng chân, buột miệng “…Tiếc là bố cháu chưa gặp chú !”. Chép miệng, tôi ngần ngừ, duyên phận cả. Phủ kể, bố cháu một hôm nắm tay cháu, cao hứng đọc thơ cho cháu nghe. Bố bảo họ Phùng nhà ta chẳng có gì, chỉ có cái này, tay đưa cháu một tập bản thảo, toàn chữ là chữ. Cháu còn ngơ ngác thì bố cháu đập tay lên vai, cười, “… Có cái này là có đóng góp cho đời… Con phải biết hãnh diện!”.

Tôi nói, Phủ nhớ, đọc một bài đi. Phủ rưng rưng :

mồ hôi Mẹ

Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt

Con níu giọt mồ hôi

Đứng dậy làm người

Tôi lặng đi, lần đầu nhớ một người chưa gặp.

Lát sau, nhìn Phủ, máu mủ của cái con người ấy, tôi thành thực: “…Chú gặp bố cháu rồi đấy. Gặp ở cái thế Đứng. Đứng dậy làm người’”.

Vừa dứt lời, tôi ứa nước mắt.

Vâng, dẫu nước mắt là cái chẳng một ai dám tưởng mình có thừa!

***

Vào đầu thập niên 1980 tôi có hỏi nhưng không một ai biết gì ngoài Con Ngựa già của Chúa Trịnh. Như vậy, chẳng phải những Truyện Ngắn viết từ 1956 đến 1959 nhưng không phổ biến đã là cái đẩy Phùng Cung vào cảnh tù tội. Thế thì Tại sao?

Nói đến chức vị thôi, làm sao có thể gây thâm thù đến độ đày đọa nhau đến thế?

Bỗng đâu tiếng chân ngựa lại chậm rãi lộp cộp… Có phải vẫn Kim Bông, con ngựa Mã lệnh mang danh Thiên lý nay kéo xe…

“… Từ ngày vào phủ Chúa, lần đầu nó được đi ra ngoài. Nó ao ước thăm cảnh cũ. Xe ra khỏi phủ Chúa, bon bon trên con đường đất rộng thênh thang. Nhìn thẳng phía trước, nó lấy làm lạ, nó kêu í í trong cổ như tự hỏi “Làm sao con đường này ngày xưa rộng mà nay nhỏ bé như thế này!”. Đi được một quãng nó nhìn lên phía trên, lại đứng tự hỏi: “Ô hay, ngôi chùa kia, ngày xưa rõ ràng nằm bên cạnh một quả đồi lớn, mà bây giờ quả đồi lại nhỏ bằng con đường ta đi là nghĩa làm sao?”. Tất cả những cảnh vật trước mắt nó đều nhỏ lại, và thẳng tắp. Nó nhìn cánh đồng, cánh đồng cũng chỉ là một đường thẳng. Rồi cây cỏ, núi đồi cho đến mầu giời xanh cũng chỉ thu lại là một đường thẳng. Nó không ngờ hai chiếc lá đa che hai bên mắt chỉ cho nó nhìn được một chiều”.

(Trích Con Ngựa già của Chúa Trịnh)

Anh Cung, chịu anh! Quả đồi cũng thẳng, mầu trời xanh cũng thẳng nốt, và tất cả đều nhỏ bé lại bằng con đường ta đi. Anh nói thế là chạm nọc rồi, và lại nói gần năm mươi năm trước như một lời tiên tri, ở thời điểm có kẻ lu loa rất “khoa học” là có sức người sỏi đá cũng thành cơm!

Ôi cái thân trâu ngựa! Kim Bông hỡi Kim Bông! Con ngựa chiến đi kéo xe.

“Trước hơi thở cuối cùng, nó lấy hết sức tàn, ngóc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau, chừng như cố để giữ lấy cái thế “cao đầu phóng vĩ”.

(Trích Con Ngựa già của Chúa Trịnh)

Cái thế đó còn gọi là cái thế có kẻ ao ước làm một tên hát rong, un chantre, mà Tố Hữu kể cho Phùng Quán nghe vào lúc thất thế cuối đời.

Chantre, là kiểu Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn. Và đến nay tôi vẫn chưa hình dung ra nổi sự tương đồng giữa Sơn và nguyên Ủy viên bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam Tố Hữu.

Ô hay, tôi ơi, đừng tuyệt vọng!

***

Đến giữa những năm 1990 người ta mới biết có Xem Đêm, và câu chuyện cảm động: Nguyễn Hữu Đang mang hết tiền dành dụm chắt bóp cùng Phùng Quán tìm cách in thơ Phùng Cung. Phủ nói, cháu có tâm nguyện in cho bố cháu một tuyển tập. Dẫu có đọc, nhưng đọc chút ít, tôi khuyên, thơ không cần nhiều, nhưng phải hay. Một đời thơ chỉ 5,10 bài là đủ.

Phải đến khi Phủ chuyển cho tôi, tôi mới biết dòng thơ Phùng Cung có cái chất long lanh của những hạt sương đậu trên cánh lá non xanh một sáng tinh mơ của vạn vật. Mời nhau cùng nghe:

Lá súng lát mặt ao

đốm ngọc

Con sộp phàm vồ hão

Bóng hoa lay

Lá tre rụng

Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch

Tiếng cuốc bèo da diết

Gọi Ngày Mai

Đố con sộp là con gì? Tôi mở Từ điển tiếng Việt do Trung tâm Ngôn ngữ ở Hà Nội in năm 1992, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng có viết tay trân trọng giới thiệu, là quyển từ điển đầu tiên ở nước ta do một tập thể cán bộ ngôn ngữ học biên soạn trên cơ sở tư liệu tương đối đầy đủ.

Tra xem sao:

L Sộp t (kng.) Sang, tỏ ra nhiều tiền và hào phóng. Khách sộp, Vớ được món sộp.

Thế thì con sộp là cái quái gì? Từ điển im như hến. Vậy xin mách, sộp, danh từ, là một loại cá sống trong ao.

Còn phàm. Dễ thôi. Con Mực phàm ăn vồ hão cục xương. Nhà thơ phàm danh vồ hão những con chữ trống trơn. Thế mà sao Nhà nước ta không mời Phùng Cung vào làm Từ điển nhỉ?

Nhưng thôi, cho tôi quay về với thơ, không chơi trò chiết tự nữa.

Đầu tiên, phải nể cái kho chữ Phùng Cung. Chữ thôn dã, nhưng anh nâng lên thành một vẻ đẹp hồn nhiên, chẳng khác cái duyên thầm không tô son điểm phấn, mà sao nét cười quanh vành nón cứ vấn víu lòng ai.

Xin kể : Đêm về khuya. Trăng ngả màu thiên lý. Tiếng gọi đò. Căng chỉ sang sông .

Hay là Gió bạc cánh. Chưa hết vòng kim cổ. Làng cách làng. Từng quãng – phong dao. Hoặc Chó sủa làng xa. Sủa hơn xóc ốc. Sáo diều ai hóc – gió ven sông.

Quay lại cấu trúc thơ, dẫu câu có cắt ra 3 hay 4 chữ, ta vẫn dễ dàng nhận ra gốc gác Đường thi. Nhưng trong thơ Phùng Cung, ngôn ngữ và hình ảnh thuần ca dao, nâng cái đẹp chân quê lên mức hết sức trang trọng với mặt ao đốm ngọc, hoàng hôn đỏ gạch. Và không chỉ có cái đẹp hình thức, nhà thơ đột nhiên để tiếng cuốc bèo da diết gọi Ngày Mai nói thay cho lòng mình, tức là chuyển đi cái nội dung mà thơ hay văn, bất kể hình thức nào, cũng cần có để sống còn với thời gian.

Anh Cung, tiếng cuốc trong thơ anh chắc cũng đau đáu cái nỗi đau con quốc quốc của Bà Huyện Thanh Quan. Nhưng chỗ tụ lửa trong tâm hồn anh, tôi đồ, vẫn là Ngày Mai anh viết hoa. Và anh vẫy gọi. Da diết gọi.

Nhưng Ngày Mai ở đâu? Và bao giờ, hở anh?

***

Lần cuối về Hà Nội, tôi đến thăm anh Hoàng Cầm và báo tin Phùng Hà Phủ đã qua đời. Phủ đi làm về, ghé quán bia với bạn, bỗng ngật người đi hôn mê, đưa vào cấp cứu nhưng không qua được bàn tay tử thần.

Rủ nhau xuống chia buồn với chị Thoa, nhưng mấy ngày sau anh Cầm lại bị ngã gẫy xương chậu, nằm bẹp. Thế là chịu. Thôi thì cứ ngày ngày đến chia sẻ với anh Cầm, mong anh có được chút niềm vui trong những ngày nằm bệnh.

Chuyện trò, anh lại kể. Con người Phùng Cung là một con người của những thái cực. Xưa, Trần Dần nhận biết anh ấy là loại tử vì đạo, im lặng thì có nhưng đầu hàng thì không. Một vai, anh ấy âm thầm gánh cái nặng của anh em, giọng “kiểm thảo” vẫn cứ ngoan cố lửng lơ, đúng là theo kiểu cao dầu phóng vĩ của một con ngựa chiến không chịu thành gia súc cho nhà Chúa.

Khi anh ấy bị đưa đi quản thúc trên Bất Bạt, chị Thoa lên thăm nuôi, nhưng anh ấy nhất định không nhận chị Thoa là vợ, không cho nhìn mặt, trả lại tiếp tế và khăng khăng một mực là mình không còn liên hệ gì với thế giới bên ngoài. Lần đầu, chị khóc sướt mướt. Đành về, rồi ít lâu sau chị lại lên. Anh Cung vẫn thế. Quản giáo vặn, lý lịch anh khai là đã kết hôn, thế là khai man. Anh đáp, thời ấy đảng không đồng ý cho tôi lấy vì cô ấy thuộc giai cấp phong kiến, mà tôi thì mê mẩn, mất lập trường giai cấp. Nay tôi tỉnh ngộ, nhận có chung sống ngày trước, nhưng từ bây giờ tôi xin chấp hành… Thế thì anh lợi dụng hủ hóa, thêm một tội, quản giáo gằn giọng. Ừ thì thêm một tội. Thêm một chứ mười tôi cũng chịu… Chị Thoa lại về, để tiếp tế lại chia chác cho anh em tù. Và chị cứ lên. Anh tiếp tục ruồng rẫy. Ba lần, bốn lần…

Tôi thở dài, có lẽ là anh Cung mong chị quên anh ấy đi, chứ đã mang cái án miệng là phản động, là chống đảng, bôi bác lãnh đạo như anh ấy thì biết ngày nào ra! Vả lại, chị Thoa khi ấy còn trẻ… Anh Cầm chép miệng, chắc vậy! Nhưng chị Thoa vẫn cứ đều đặn lên thăm nuôi, cho đến một ngày, hơn hai năm sau, hai vợ chồng mới lại nhìn lại nhau… Và chị Thoa sống cảnh chia ly như vậy suốt 12 năm đằng đẵng!

BÀ THOA, VỢ NHÀ VĂN PHÙNG CUNG.JPG

Bà Thoa – vợ nhà văn Phùng Cung, trong một sự kiện văn học

 

Tại sao? Tôi muốn hỏi lại, một lần cuối, tại sao?

Đọc Xem Đêm, tôi nói với anh Cầm, tôi chưa hề thấy Phùng Cung mang thù hận vào thơ. Anh buồn và xót xa. Nhưng anh vẫn nhân hậu. Anh vẫn trong trẻo. Thậm chí độ lượng. Anh Cầm giơ tay xoa mặt, mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không choãi về phía nơi quá khứ còn nương náu.

Tại sao ư? Đó là câu chuyện của những con ngựa cung đình. Chúng không thể để dăm con ngựa chiến tồn tại để phủ nhận chính chúng. Còn Vua Chúa, thói thường là họ yên tâm với những con ngựa đã thuần, leo lên lưng, ra roi, nắm bờm và chờ tiếng hí đã rập khuôn rắp mẫu.

Nhưng có hoạn nạn, anh Cầm cao giọng, thì Cung nó mới có thơ hay như vậy! Anh cười, thế là bội thu đấy. Anh tiếp tục cười, nhưng tôi nghe có gì như tiếng nấc ừng ực…

***

Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, thực lòng tôi chưa bao giờ quan tâm đến cái thuyết Tài Mệnh tương đố, bảo Cung có tài nên trời xanh ghen với má hồng đánh ghen. Tôi cho rằng Phùng Cung trả giá chẳng phải vì anh thâm thù chuyện cha anh bị đấu tố mà hóa ra “chống phá Cách Mạng”.

Tôi tin Phùng Cung trả giá chỉ vì anh níu giọt mồ hôi Mẹ, đứng dậy Làm Người. Và ở cái tư thế làm người, anh không muốn nhìn một chiều kiểu con ngựa cung đình có hai chiếc lá chắn che mắt, chỉ thấy con đường ta đi nhỏ bé trước mặt, thẳng tắp cho đến độ màu xanh da trời cũng thẳng.

Vì thế, anh không đành tâm để Vua Chúa cưỡi lên lưng khiến anh làm con ngựa tôi đòi. Anh chẳng thể cuống cuồng nhai danh vọng trộn với thóc và mật ngọt trước khi chạy những vòng đua nịnh hót. Và anh lại chẳng như Hữu Loan xuôi ra Thanh Hóa, như Nguyên Hồng bỏ lên Bắc Giang, đi cho khuất mắt những con ngựa cung đình rắp ranh bổng lộc.

Anh sờ sờ ở Hà Nội, nơi ngựa cung đình nhởn nhơ nhưng chưa an tâm. Đợi dịp, chúng xúm lại, hóa thân thành giống biết sủa biết cắn và biết đẩy anh vào cái thân phận tội đồ.

Trong tù, anh chỉ còn thơ. Và trăng.

Trăng qua song sắt

Trăng thăm ngục

Bỗng ta chợt tỉnh

Sững sờ

Trên vai áo tù

Trăng vá lụa

Ngày xưa ơi!

Xa mãi đến bao giờ.

Ra tù sau 12 năm, giam ở Hỏa Lò, rồi Bất Bạt,Yên Bình, Phong Quang, anh còn gia đình. Và bè bạn. Và nhất là anh có một Di cảo Thơ-Văn anh đã dặn dò Phủ ”… Có cái này là có đóng góp cho đời…Con phải biết hãnh diện!”.

Không phải chỉ có Phủ hãnh diện, những ai theo gót anh cũng hãnh diện, anh Cung ạ! Cuốn sách Phùng Cung 11 Truyện Ngắn Tập thơ Trăng Ngục Thơ Xem Đêm được in và phát hành ở hải ngoại chẳng phải là cách tưởng niệm anh, một nhà văn ở cái nghĩa đúng nhất, hay sao.

15-06-2004

N.D

Comments are closed.