Phố vẫn gió (kỳ 9)

Lê Minh Hà

Đến nhà nó giờ không còn mấy khi chúng tôi giáp mặt bà nội nó. Từ ngày chuyển vào sống trong phòng con trai út, bà Thái Hằng hay ngồi trên cái sập kê bên cửa sổ ngóng ra phố. Vẫn tấm khăn nhung, vẫn đôi mắt không có chút gì già nua trong ánh nhìn, vẫn hệt một con quạ tinh anh. Nhưng chẳng được bao lâu. Thái Hằng đã dứt khoát được với ông chồng tráng men cho con, giờ chỉ còn biết dựa vào bức tường mặt phố của nhà ngoại. Nó xoay ra cất hàng quần áo Tàu. Giờ tới nhà nó tôi chỉ việc dựng cái xe cà khổ vào gốc bàng rồi vén lòa xoà áo quần treo thấp treo cao vào ngồi với mẹ con nó. Một con, cái vẻ đàn bà đầy nhục cảm từ hồi còn con gái của Thái Hằng giờ càng thêm mặn mòi. Nhưng nó chán chường tất cả rồi. Hỏi định thế nào, nó cười phì phì: tao ngồi đây bán quần áo Tàu, gặp toàn thằng đến chỉ chỉ trỏ trỏ áo lày với áo kia áo lào với áo ý, líu lô như ông chồng vừa bỏ, yêu đương nỗi gì. Đứa con gái ngồi trong lòng mẹ cười chảy dãi, ướt cả ngực áo mẹ. Thái Hằng siết con vào lòng: “Ve sầu ngủ đông ạ, khéo mà rồi tao phải đi. Tao đi mày chịu khó đến thăm con bé nhé!”

Chúng tôi thân tới độ không còn phải hỏi nhau muốn gì định gì, vì biết rõ không làm gì được cho nhau, ngoài cái tình bạn từ độ học trò trong sáng và vô dụng này. Tôi ngồi im, ngắm con bé và nghĩ tới cụ ngoại nó chắc đang ngồi bó chân trên sập sau bức tường cửa sổ khép chặt kia lấy chỗ cho mẹ nó bán hàng. Thế đã là tứ đại đồng đường cố thủ dưới mái nhà này rồi. Còn may dẫu gì cũng là có chỗ. Ít ra cũng hơn các gia đình đang phình dần trong khu tập thể của tôi. Nhưng không biết sao, hình dung bà Thái Hằng không còn oai nghiêm ngồi trên cái sập nhìn ra phố duyệt con cháu và khách khứa ra vào, giờ chỉ còn là một cái bóng già trong căn phòng cửa sổ khóa kín chỉ có độc cái cửa ra vào ngoảnh về phía sân trong của chú Khôi, tôi thắt cả lòng. Một quyền uy rất cần cho mỗi đại gia đình đang rã dần như thế cùng với phố.

Có lần được ngày trống tiết, tôi hớn hở tới thăm mẹ con Thái Hằng. Phố trong sắc xám của ngày gió trở đã mất cái duyên xưa buồn buồn thư thái. Lởm cởm toàn hàng quán xanh xanh đỏ đỏ, dẫu đó là hàng bún ốc hay hàng quần áo, hàng vàng hay hàng giải khát. Thái Hằng đang vừa trông hàng vừa đút cháo sườn cho con, bảo: “Mày vào thăm bà tí. Hôm trước mày ngồi ngoài này với tao mà bà nhận ra tiếng mày.”

Tôi vào thăm bà, và ở đó tôi đã gặp bố vợ chú Kiên. Nếu mà chiến tranh không chấm dứt thì không biết đến bao giờ người đàn ông của phố ấy mới gặp lại phố. Khi ngồi nghe hai con người già lão nói chuyện với nhau, tôi đã rất muốn hỏi ông thấy phố thế nào? Phố của tôi có còn chút gì phố của ông ngày ông đưa vợ con di cư và không gặp lại hai mốt năm sau đó?

Tôi bây giờ cũng xa Hà Nội hai mốt năm. Nhưng cuộc chia xa của tôi không dằng dặc đằng đẵng như cuộc chia xa của bao người Hà Nội những ngày tháng đó. Chiến tranh. Nhớ về nhau, đau nhất vì nhau chỉ bởi nỗi không thể gánh được cho nhau cái phần bom đạn đang rơi. Dù, vẫn như những ngày tháng ấy, người đi người ở cũng nhớ về nhau, đau nhất vì nhau.

Tôi đau. Béo đau. Anh Phan thì đau trước rồi. Anh đi Nga, xong cái bằng tiến sĩ bằng trí lự vốn có hay bằng tiền tôi không biết, nhưng tôi biết anh lúc nào cũng là kẻ rất đỗi thông minh. Không thế làm sao anh thành soái lớn. Cái lần duy nhất tôi gặp lại anh Phan khi anh về nước làm gì đó thì anh đã có vợ. Một cô gái đi xuất khẩu lao động ở Nga. Bản năng nào dẫn dắt họ tới với nhau, chịu không biết. Theo tôi thì là bản năng phòng vệ, trả thù. Bởi cô vợ của anh Phan đã cân bằng lại lực lượng trong gia đình anh Phan tầng dưới. Khi về sống trong nhà anh Phan, chị không mất công tỉ tê với bà mẹ kế của chồng là bác Thiều Như. Đằng nào bác ấy cũng nghễnh ngãng. Bác Khánh thì làm chị ấy sợ hay ngược lại không rõ, nhưng bố chồng con dâu hình như chỉ gặp nhau ở đôi ba bữa cơm nhà. Chị Phương đi lấy chồng, có về thì cũng chỉ loé xoé được với nhau dăm ba tiếng. Trước khi đi Nga làm Kandidat anh Phan đã cho hạ cửa sổ làm cửa ra vào thông ra sân sau, chị Thúy vợ anh bước chân về nhà chồng không cần cưới hỏi rình rang, không gian riêng tư đã sẵn vào ra không cần đặt chân vào hành lang chung, không phải giáp mặt vợ chồng con cái chị Thiều Anh. Vợ anh Phan cũng không hề tỏ vẻ gì muốn có thêm họ hàng ruột rà với gia đình bà chị chẳng chung quái gì với chồng ngoài cái địa chỉ ở Hà Nội. Tóm lại khá là láo mà không hiểu sao nhà chị Thiều Anh im thin thít không hề gây hấn kiểu ma cũ. Người duy nhất trong số nhà đó vợ anh Phan thiết lập được ngay quan hệ thân tình là thằng Khương cháu bác Nắng. Đi qua cổng, có gặp chị với bà cháu thằng Khương thì ai trong số nhà cũng giả tỉnh queo đi qua, nóng hết cả mặt mũi vì cái cách họ nói chuyện với nhau. Có cái gì đó rất chân thành, rất sống động với bao nhiêu từ ngữ trong tai của phần lớn cư dân trong số nhà chắc chắn là không được thanh nhã nếu vang ròn rã. Y hệt như phần lớn cư dân trong khu tập thể của tôi. Nói thật chứ không văng tục được thì phải chịu, văng tục được là thuộc được về đám đông, xả được bức bách và cô đơn. Nhưng nhã nhặn được kiểu bác Khánh thì khác. Đấy là vẻ bặt thiệp tự thân, không phải là kết quả của tinh thần cố rướn của vô khối trí thức thời tôi để thuộc về tầng lớp mà do học hành ít nhiều cơ bản người ta cho là chúng tôi dĩ nhiên phải thuộc về. Bác Khánh không cần từng ngày phấn đấu xây dựng và củng cố vẻ ngoài lịch lãm. Bác, và những người như bác chính là giới đó, giới nói đệm tiếng Pháp hoặc nếu cần nói chuyện luôn bằng tiếng Pháp, nghe cổ điển và âm ư nhạc vàng, giờ thì gọi là tiền chiến rồi, và cả những bài hát kháng chiến nữa với một vẻ vừa sôi nổi vừa xa vắng. Bây giờ, trí thức mới thay vì nói đệm tiếng Pháp thì đệm tiếng Anh, không chơi cổ điển thì lại biết nhảy hiphop, cũng là đặc điểm của một thời, và không thể nói là không hay. Nhưng để tạo ra được một vẻ đẹp trầm tĩnh trong cách sống như bác Khánh và những người như bác, họ chưa đạt tới. Cái đó có phải chỉ là cần thời gian không? Hay là cần một cái gốc khác? Nhưng khi xa đi nghĩ về Hà Nội của mình, trong bao nhiêu tưởng tượng về thời bao cấp nhọc nhằn, cằn cỗi, tôi ít nghĩ về những gì người ta mặc định là Hà Nội. Mái ngói thâm nâu ư? Cốm đầu mùa vỉa hè ư? Hay hoa sữa? Hay chân chim cúc my đầu đông? Ô không? Trong trí tưởng của tôi luôn hiển hiện chính tôi và bè bạn nháo nhác bên những xe rau xe bánh mì mậu dịch, vẻ hợm hĩnh của các cô bán gạo ở cửa hàng lương thực, và, lẳng lặng đi ngang là những người như bác Khánh hàng xóm nhà Béo, như bác Liễu hàng xóm nhà tôi, những người ở đâu xa đến với thành phố này, ở lại, tự khắc chạm mình vào cộng đồng người Hà Nội. Nghĩ cho cùng, thành phố này đẹp chính là vì có những người sống trong lòng phố như thế với một lối sống thật riêng, chậm rãi chảy trôi qua bao nhiêu bổng trầm của lịch sử. Bố vợ chú Kiên trong một nghĩa nào đó cũng vậy, còn Hà Nội hơn cả những người Hà Nội như bác Liễu bác Khánh, vì ông sinh ra ở đây. Nhưng rất nhiều năm trời ông đã tự bóc mình ra khỏi lòng phố. Tính từ 1954. Tôi gặp ông lần đầu khi ông ngồi chơi cùng bà Thái Hằng vào buổi sáng đầu đông gió lạnh bời bời khi đến thăm mẹ con nó đang rúc đằng sau những giá treo quần áo xanh đỏ hàng Trung quốc nhập từ Lạng Sơn về, lần thứ hai, là bây giờ đây, lúc theo chú Khôi và cô chủ quán (vợ? hay là bồ của chú nhi?) vào căn phòng cơi nới lại phía sân sau. Khoảng cách giữa hai lần gặp là hai mươi lăm năm chú biền biệt còn tôi dùng dằng xa Hà Nội.

Hồi ở nhà chú Kiên lúc qua Mỹ chơi, tôi có kể cho chú và cô Thụy lần gặp ông cụ. Ấn tượng của tôi về ông chỉ là ông lão này sao mà lặng lẽ, nói khẽ cười nhẹ. Cô Thụy cúi mặt đảo salat trong cái âu gốm, cánh mũi, rồi đến môi run run, rồi bất chợt nước mắt. Làm tôi hoảng. Chú Kiên đỡ cái thìa gỗ trong tay cô, cứ vuốt mãi vai vợ. Chỉ mãi sau bữa ăn tôi mới biết cô Thụy gặp mặt cha được đúng một lần. Trước ngày chú Kiên đang học tập trong tù ra lệnh cho vợ thu xếp dắt con xuống tàu, vượt biển. Mẹ cô Thụy cho tới khi mất còn không bao giờ gặp lại chồng từ lúc mang mấy người con cùng cái thai trong bụng theo nhà ngoại di cư. Cô Thụy nói giọng Hà Nội nhưng thật chẳng biết gì nhiều về Hà Nội. Sinh ở Sài Gòn, học ở Sài Gòn, lấy chồng ở Sài Gòn. Còn lại ngoài Hà Nội là người cha không biết mặt. Chỉ tới lúc ra tìm cha trước quyết định ra đi một sống hai chết, cô mới biết từ ngày bố mẹ chia tay bố cứ sống một mình. Nhưng không phải là ở ngôi nhà trên phố mà ông đã sống cùng vợ con bao năm. Ông về làng, làng Đại Yên, cái làng vốn là trại, nhưng không phải là trại hàng hoa mà là trại hàng lá của người Hà Nội, tẩn mẩn qua ngày với nghề làm sơn mài, và từ lúc vợ con đi cho tới ngày thống nhất không bao giờ bước chân vào phố nữa. Ngày nhận tin con gái từ miền Nam ra thăm, người đàn ông già vốn sống lặng lẽ và dường như thanh thản bên cái nhịp sống chân chỉ hạt bột của dân làng đột ngột lên một cơn sợ hãi. Nỗi mừng vui quá lớn? Hay là từ trong ông lại dậy lên niềm tiên cảm về những năm tháng cam go còn chưa sống hết? Cô Thụy bảo ngày cô ra Hà Nội ông đi lang thang trong làng mãi không dám về gặp đứa con gái út chưa bao giờ biết mặt. Chỉ từ lúc gặp lại con ông mới vào lại phố. Ông tới thăm bà Thái Hằng khá thường xuyên và tôi nhiều lần giáp mặt ông. Nhưng lần đầu gặp ông thì tôi không hề biết. Vào buổi chiều tôi đến nhà Thái Hằng gặp chú Kiên và được bà nó cho đôi guốc chạm lửa sản phẩm học tập và lao động của chú lúc mới ra trại, chuẩn bị vượt biên theo vợ con. Vậy là chú Kiên còn được sống cùng ông bố vợ nhiều hơn cả cô Thụy là con gái. Bên cái bàn ăn đã được cô Thụy và tôi dọn sạch, chú lầm thầm kể chuyện đời ông bố vợ từng là sinh viên trường Mỹ Thuật Đông Dương, về mối tình khăn san bay lả lơi trên hai vai cô nữ sinh hoa khôi Trưng Vương con nhà tư sản, về nỗi tuyệt vọng khi vợ quyết định mang con di cư theo gia đình, về nỗi đau yêu vợ con đến thế mà vẫn không sao tưởng tượng được mình sẽ xa Hà Nội. Và đau nhất, rồi chính ông tự rời xa phố, loanh quanh trong cái làng nằm kề đó mà không dám đặt chân trở lại một phố quen nào, càng không dám một lần về đứng trước ngôi nhà xưa. Cũng bị trưng thu. Cũng bị cơi nới. May là trụ sở cơ quan nhà nước nên cái mặt tiền vẫn y nguyên. Không may là nhà đã là trụ sở cơ quan to thế thì chẳng có cơ gì đòi lại. Khi chú Kiên kể chuyện nhà cô Thụy cho tôi nghe, chú bảo có lẽ chẳng bao giờ gặp lại được ông. Và cô Thụy lại ứa nước mắt. Khi đó Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam, nỗi tuyệt vọng đó là rất thật với bao nhiêu người ra đi. Nào ai ngờ, một ngày… Nào ai ngờ, từ đó mọi sự đã đùng đùng biến đổi và Hà Nội làm tôi, chắc là không hẳn tôi, mỗi lần về đều ngỡ ngàng, nói cười ăn nhậu rộn ràng mà vẫn biết lòng đang nhớ một Hà Nội khác, nhọc nhằn, xáo xác, tội tình, mình từng sống, từng ghét nó, từng yêu nó, điên rồ. Thành phố đó đột ngột trở lại, đổ ập vào tôi, khi tôi đứng trước ông lão trong căn phòng chú Khôi và cô chủ quán (vợ? bồ?) của chú mời vào.

Ngoài kia mùa thu. Nắng như mật nhưng không có chỗ để loang vàng. Nhà cửa cứ trồi lên cao cao mãi, kẹp chặt phố, làm cho phố bé tin hin và những hàng cây cao năm nào giờ thành lũn cũn. Heo may về rồi, cái nóng phát rồ phát dại của mùa hạ một sớm một chiều dịu hẳn. Nhưng phố không êm đềm, như những mùa thu đã. Biển hiệu tranh độ to nhỏ sắc màu với biển hiệu. Âm thanh tranh nhau âm lượng, kinh khủng nhất là tiếng xe máy. Không cần còi, chỉ cần hàng ngàn hàng vạn xe máy lừ lừ trôi trên đường thế này đủ làm tôi thành người điếc đến cái di động để trong ba lô khoác ngay bên vai chuông reo cũng không nghe thấy. Thế cũng tốt. Tôi và Khôi không cần nói gì nhiều với nhau. Ngay cả khi ông bố vợ chú Kiên cáo từ và cô chủ quán xin phép ra phòng ngoài. Chẳng lẽ tôi lại kể cho Khôi nghe bao nhiêu ngày tôi đã chăm chăm chờ giờ Khôi lên sóng để nghe giọng ông chú của bạn. Chẳng lẽ tôi kể cho Khôi nghe tôi đã khổ sở thế nào giữa thành phố những ngày thật sự thành người lớn với đồng lương đùa nhả vì chính sách giá lương tiền và với một khát khao không thể nào gọi tên, không thể định hình, về một cuộc sống khác, về một miền đất khác, mà vẫn với những người mình đã biết, luôn muốn biết hơn nữa, vì trót đi ngang đời nhau. Chẳng lẽ tôi lại kể cho Khôi tôi vẫn biết ít nhiều về Khôi ngoài một giọng nói đã mỏng đi qua sóng ngắn, ngày Thái Hằng chưa gửi con lại đi xuất khẩu lao động theo chân thằng Bảo. Chẳng lẽ tôi lại kể cho Khôi tôi đến quán cà phê này chỉ vì muốn tìm lại một ngôi nhà, tìm lại hơi thở nhọc nhằn phả giữa những bức tường quây chặt lấy người sống trong lòng nó, tìm lại một nỗi nhớ bao nhiêu năm không dám nhận về. Hiển nhiên là tôi không, không thể. Nhưng có một điều chắc chắn là gặp Khôi đây tôi phải hỏi…

“Bao nhiêu lần Ngân… Chú Khôi, ngày đó mà Ngân tới gặp chú như chú hẹn thì chú có đi không?”
Khôi nhìn tôi. Hình như vẫn là cái nhìn đồng cảm hoàn toàn bên kia sống Đuống một chiều xuân xa lắc:

“Vẫn, Ngân ạ. Nhưng chắc chắn là tôi không chờ lâu hơn để trở về như thế này. Có lẽ… tôi sẽ về… cách khác…”
Cách nào? Im lặng. Nhấp nhô trong ý nghĩ tôi là những góc phố, những khoảng phố, những ngôi nhà một thời chiến tranh một thời hoà bình tàn tạ tiêu điều của một lớp người Hà Nội đã sắp tuyệt diệt theo thời gian, những ngôi nhà mới được cất lên buổi bắt đầu đổi mới mặt tiền bì bì đá rửa và những khung cửa sổ đã bé còn thô kệch bằng gạch trổ hoa.Và thành phố bây giờ. Nhà mấy chục tầng chồm ngược trên phố không có nổi một khoảng không tương xứng bao quanh, gắn những biển hiệu như muốn bỉ báng trí tuệ của con người, ví dụ như TÒA NHÀ FPT, KHU CĂN HỘ, NƠ (dịch từ tiếng Việt qua tiếng Việt là nơi ở)1, 2, 3, 4… Cứ nhìn là tôi nghĩ ngay tới những người có lẽ rất giàu rất thông minh đang làm việc, đang sống dưới / sau cái tấm biển vô duyên đó và lần nào cũng phì cười. Mà hình như tôi vừa cười thật. Khôi nhìn tôi kinh ngạc, rồi cũng cười. Không, chúng tôi không đồng điệu như tôi đã tưởng sau buổi chiều mưa xuân mướt mát đi hội Lim gặp trụi thùi lụi một cánh đồng cỏ nát dưới chân người còn chưa gượng lại nổi. Khôi vẫn là phiên bản đời sau của những người Hà Nội phố khác kiểu Hà Nội tập thể của tôi. Khôi là tiếng đàn thánh thót ngân dài đêm, phố, vắng. Khôi là mùa sen tàn hương còn vương trong miếng xôi buổi sáng. Khôi là mùi sương quyện mùi lá đốt chiều đầu thu thành phố sắp lên đèn. Là bình minh ngày cuối xuân dâu da xoan vờn trên tóc bên hàng quà sáng. Đấy là một Hà Nội tuyệt vời, có thực, nhưng rất xa xôi với chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong khu tập thể sản phẩm của một thời ai cũng gầy gò vì những kế hoạch năm năm mười năm hướng tới tương lai, những đứa trẻ nếu không bán xới như tôi thì cam lòng già đi ở đó.

Cũng có những người không kịp già.

Như cô Ngà. Khi cô trở lại khu tập thể, thật ra chẳng ai buồn để ý tới cô. Cùng bất đắc dĩ phải nói tới thì già trẻ lớn bé không “cái con ấy” thì cũng chỉ đến “cái bà ấy”, bà hay con đều cùng một giọng bỉ thử như nhau.
Nghĩ cho cùng cô Ngà cũng đáng bị thế. Không thế, làm sao bà mẹ chồng cấm cửa anh chị em ruột không cho về đứa con gái đã lấy chồng đang ngồi dãi thẻ bán hàng trên Hàng Đường cũng không buồn nhìn ngó tới mẹ nó.
Nhưng những người khác không có lí do để oán hận như con bé và gia đình nó vẫn không ngó ngàng gì thì vì sao? Sau này, tôi mới ngộ ra, cái đẹp khi mục rữa không chỉ làm ghê khiếp mà còn làm người ta khoái trá. Được đứng cao hơn kẻ trước nay mình vẫn vừa mê mê vừa ngại ngại và không biết làm sao xoá đi được khoảng cách giữa mình và kẻ ấy, được vùi dập kẻ ấy luôn luôn là cảm giác thống khoái của bất kì ai từng được lên đời.

Cư dân khu tập thể của tôi phần lớn là những người lên đời một cách có gốc có rễ nhờ Cách Mạng, nhờ kháng chiến, từ bốn phương tụ về giải phóng Thủ đô và ở lại xây dựng Thủ đô. Cô Ngà, ngày hòa bình lập lại còn là con bé con mười sáu tuổi tóc cặp lửng sau lưng ra Bờ Hồ vẫy hoa chào mừng đoàn quân trở về. Rồi cô lấy chồng, một anh Bình Định tập kết. Chỉ vì lấy chú Thẩm mà cô Ngà bị ông bố lúc đó đang quay cuồng lo xí nghiệp dệt kim bị trưng thu (rút cục không bị trưng thu nhưng bị hợp doanh) từ mặt, cấm cửa. Nhưng cũng vì lấy cô Ngà con nhà tư sản mà chú Thẩm lấy vợ vào là bị đưa ra khỏi ngành. Ngành công an. Mang tiếng lắm thời buổi ấy. Chú về nhà máy, làm thợ, học việc lại từ đầu với mức lương bị hạ một nửa. Cô Ngà vào nhà máy sau khi chú Thẩm được gọi vào đoàn cán bộ miền Nam đầu tiên đi B và hi sinh. Không biết chú có về được tới quê chú không, có điều may cho cô Ngà là đằng nào chồng cũng chết nhưng chú Thẩm được báo tử sớm, nhờ thế mà đứng máy dăm ba buổi thì cô được nhấc lên làm văn thư ở phòng hành chính. Nhưng nhiệm vụ của cô không phải là kẹp mấy tờ giấy than đen sì với mấy tờ pơ luya cũng chẳng trắng hơn mấy tí vào cái máy chữ và lọc cọc gõ, thường dòng đầu là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Độc Lập Trừ Tự Do Trừ Hạnh Phúc trên mọi thứ như CP, v/v, n/d, TM… “U xi Tây Đức cuốn thừng – Mai đào xoáy ốc nở tung gáy bằng”, vào thời điểm đàn ông cao hay thấp đầu to hay đít to đều để một kiểu mai rìu như Elvis Presley thì cô Ngà tung hoành qua đủ kiểu phi dê rồi trụ lại ở mốt tóc tém của Uschi Glas. Dáng mảnh khảnh, nét mặt thanh tú từ môi cho tới lông mày, mắt cứ như có nước và làn da rất mỏng động cái là hồng, cổ tay luôn đeo một cái vòng ngọc già, cô Ngà thường có mặt trong mọi cuộc thăm nom tham quan khu tập thể của các phòng ban cơ quan, thường đứng thứ ba kể từ ông giám đốc và không ai biết cô có nhiệm vụ cụ thể gì. Nhưng ai cũng trong lúc dè bỉu cô có tướng dâm thì vẫn tò mò ngắm cô, xem xét kiểu gấu áo, kiểu cổ áo, độ dài ngắn của tay áo ống quần và mốt tóc. Không đời giám đốc nào thiếu được cô Ngà cho tới khi đột nhiên cô vô tăm tích. Trẻ con nghe người lớn xì xào những dại những đểu những vắt chanh bỏ vỏ gắp lửa bỏ tay người khi ai đó động chạm tới tên cô Ngà.

Tôi biết cô Ngà trở về vào một chiều muộn. Mệt mỏi sau buổi họp tổ chuyên môn ở trường cấp 3 Chu Văn An nơi thực tập tốt nghiệp đạp về tới nhà thì thấy người quây kín chân cầu thang. Ầm ĩ tiếng chửi bới. Mẹ thằng Hiệp Đây A Nốp Gia Công cục mịch nhưng lẳng lơ đang rủa xả những là đồ đĩ con bớp đồ phò phạch. Ai? Cô Ngà đấy, gầy võ, môi thâm, tóc vẫn kiểu U xi Tây Đức nhưng lơ xơ lướp tướp vì lâu không có tay kéo chạm, áo quần thì cũ, thùng thà thùng thình. Chẳng biết lang bạt từ đâu không về được nhà trên phố cổ vì gia đình tuy nhận nuôi đứa con gái của cô nhưng vẫn tiếp tục cấm cửa cô trước do lấy chồng nay do chồng chết mà sống không biết phận, cô Ngà kéo cái chạn cũ ai cho chặn một góc cầu thang chung lấy chỗ kê hai chồng gạch đỡ tấm phản cũng không biết ai cho. Cái chạn đó cô Ngà dùng như cái tủ con, cái gì không nhét được vào thì gói ghém thành một bọc để trên phản, nóc chạn còn bày tơ hơ một bát hương. Rất lạ là mấy thằng bé ăn mày hay chui vào gầm cầu thang tránh nắng nhân thể tránh công an phường lấy chỗ dở đồ ăn chia nhau không lấy bất kể thứ gì của cô Ngà. Mẹ thằng Đây A Nốp Gia Công chửi cả tháng không xua được cô Ngà ra khỏi góc cầu thang trước cửa nhà nó, thi hành biện pháp mới là hàng ngày có bao nhiêu rác rưởi móc máy được thì mẹ nó hất thẳng ra cửa, công khai, bất kể cô Ngà có mặt hay không. Không thể nào tưởng tượng được người đàn bà từng là mẫu mực cái đẹp của phố đối với những đàn bà nông dân trong khu tập thể lại có thể bình thản thế, nghe chửi xong chỉ vác cái chổi cùn ra hót rác. Mọi người bảo mẹ thằng Hiệp chả làm được gì hơn vì có lệnh từ phòng hành chính và trên nữa, (mấy bà đánh mắt qua vai rồi chẹp miệng) “thì giám đốc chứ còn ai” cho phép cô Ngà ở lại đó, như là sự trợ giúp của cơ quan đối với một người từng là nhân viên của nó và còn là vợ liệt sĩ. Từ đó, mấy năm sau, bao nhiêu lần đi học ngoại ngữ ban đêm rồi nhân thể lang thang tới khuya cho đến lúc đoan chắc ông bố và bà mẹ kế đã ngủ mới lò dò đạp xe về tôi rất hay gặp một đốm thuốc lặng lẽ đỏ trong góc cái cầu thang chung đó. Ngày rằm mồng một nửa khuya cô Ngà còn thắp hương trên nóc chạn rồi ngồi im lìm, mất điện hay có điện cũng lờ phờ một bóng đen mơ hồ làm bạn bè tôi bao nhiêu lần đến chơi nhà chết khiếp. Ban ngày đi từ ngoài nắng vào cũng chết khiếp khi thấy tấm thân đàn bà lẳng khẳng nằm còng queo như chết rồi.

Cô Ngà chết thật, vào cái năm tôi đã về dạy ở một trường rất gì gì và này nọ giữa Hà Nội, giáo viên nhiều thầy giỏi gần bằng học trò vào trường ra trường đều làm cho ai có may mắn làm thầy làm cô mình mặt mũi phồng như quẩy trong chảo dầu. Mấy tuần liền đi về qua góc cầu thang đêm không thấy đốm lửa thuốc lá, ngày vẫn thấy dáng người xo rụi dưới tấm chăn đơn tã, rác rưởi nhà thằng Đây A Nốp Gia Công hất ra dạt hết vào gầm phản chẳng hót. Người đàn bà nằm nghiêng quay lưng ra với thế gian. Khi cô chết, người ta kể trong tay cô có một quả chuối đang ăn dở. Người phát hiện ra cô Ngà chết là mấy thằng bé ăn mày vẫn hay tụ đằng trước cái chạn người đàn bà đó kê dưới cầu thang. Hình như chúng cũng là người cho cô Ngà ăn, lấy nước uống cho cô mấy hôm cuối cô nằm đó. Lúc phòng hành chính cho người xuống dọn gầm cầu thang, khênh cái chạn và tấm phản cô Ngà nằm ra giữa sân khu tập thể đốt, lần đầu tiên tôi có cảm giác kinh khiếp đời sống. Không phải vì nó thảm hại, mà vì trống rỗng và tuyệt đối vô tình. Sự vô tình lây từ người sang tôi hay ngược lại? Vì sao? Vì cuộc sống bình thường của chúng tôi thật sự là dưới đáy và để tồn tại thì người ta phải khép chặt lòng mình lại, chỉ nhìn, không cần thấy? Bây giờ, xem, nghe, sách báo, rồi ti vi, rồi lướt mạng nhòm tin thấy cảnh dân Bắc Triều Tiên áo quần một màu một mốt gầy xiêu vẹo đứng xếp hàng đều tăm tắp vỗ tay đều tăm tắp chào mừng học tập tiếc thương cái gì đó tôi không thấy gì lạ cả. Chỉ xót. Cho tuổi mình. Điều khi còn đang sống cái cảnh dân nước người bây giờ thì chẳng ai đủ sức mà nghĩ. Nghèo khổ hóa ra không phải là điều kiện cần và đủ để con người tỏ bày sự tử tế. Nếu có một điều gì gần như vậy, như sự quan tâm mấy thằng bé ăn mày dành cho người đàn bà hết thì làm phò thì chỉ là biểu hiện bản năng cộng sinh của con người. Khi không thể cộng sinh được để sống tiếp, nhiều phần con người đánh mất mình. Như toàn thể cư dân của ba tầng nhà chung cầu thang của tôi trước cô Ngà. Trong đó có những người đàn bà từng thèm ước được như cô và ghen tị với cô, những người đàn ông từng thèm muốn cô và căm ghét cô, những đứa trẻ thuộc lòng năm điều Bác Hồ dạy, như tôi, nhưng chẳng biết yêu thương thật ra như thế nào. Những ngày tháng người vợ liệt sĩ kiêm phò già kiêm con nghiện ngồi trong bóng tối dưới gầm cầu thang đó nhìn tất cả đi qua, nhẫn nại và câm lặng trước sự khinh rẻ của tất cả mọi người, sống như không còn bóng… có cái gì đó kiêu hãnh lạ lùng. Kiêu hãnh trong sự coi mình như thể là không có. Có lẽ vì thế mà cô Ngà không chọn một cửa chùa thay cho góc cầu thang đó chăng? Cái chết của cô là một trong hai cái chết làm tôi chấn động nhất, hơn cả cái chết của bác Hồ kính yêu, hơn cả cái chết của bà và mẹ, và làm tôi nhớ mẹ tôi. Không biết vì sao, nhưng tôi tin là nếu mẹ còn sống thì mẹ sẽ không bình thản đi ngang cô Ngà như chúng tôi đã. Mẹ rất lạ, là người toàn phù suy, với một nụ cười có hai lúm đồng tiền. Mẹ mất khi rất trẻ, còn phải sống thêm mười lăm năm nữa mới tới tuổi tôi bây giờ. Nếu còn, mẹ sẽ sống cùng phố hôm nay thế nào? Có đau đáu tiếp vì những ngôi nhà của gia đình mà mẹ không được ở trong đó? Và không biết mẹ có đủ sức ra khỏi căn phòng tập thể để gây dựng cho mình một căn nhà? Rất nhiều người tuổi mẹ từ ngày xoá bao cấp đổi mới đã kịp xoay sở ra tấm ra món cho con cái, cho tuổi già. Nhà cửa, trang trại, xe hơi, những chuyến đi tới những đất nước cách đây hai mươi năm cầm chắc không ai tính chuyện mơ ước. Họ tự tin và có phần hợm hĩnh. Giá mà họ không quá hợm hĩnh vì đang giàu, hoặc giá mà ngày xưa họ không quá tự hào vì nghèo, tôi sẽ dễ dàng kính qúy tất cả hơn.

Khác cô Ngà sống bao nhiêu ngày như chết rồi gia đình không ngó mặt, Bảo chết đột ngột trước mặt cả nhà. Đúng ngày đưa đám bà nó. Khi đó Việt Nam đã thống nhất được mười lăm năm, còn nước Đức nơi Bảo trở về thì mới thống nhất được có mấy tháng. Nếu bà nội không ốm nặng và không là cháu đích tôn thì Bảo có trở về hay không tôi không biết. Điều chắc chắn là không phải vì 3000 DM đền bù mà nó với cô vợ bụng lặc lè có mặt tại Hà Nội khi bà sắp đi. Nhà Bảo, đại lí hãng thuốc của Pháp tiền nhiều như quân Nguyên, nó cần quái gì. Số tiền đó, tôi từng nghe một anh chàng bán thuốc ở Berlin bình luận: “Mẹ tiên sư bọn Đức, dỗ mình về mất có 3000 đê mác. Nhận ba ngàn đê tiền ngu cứ tưởng thêm mấy lần gửi thùng trước là đủ tiền đè rồi, thế mà mấy tháng sau còn phải bỏ thêm ngần ấy mới thành được thằng Đức Quay ngày bán thuốc lá lậu đêm nằm ôm đĩ nhớ vợ!”

Bà Thái Hằng chẳng ốm đau gì, chỉ kiệt dần rồi đi và minh mẫn cho tới phút cuối, không mãn nguyện vì chẳng đủ mặt con bên giường, nhưng chắc là thanh thản. Bà làm sao biết được thằng cháu đích tôn sẽ chết ngay trong ngày đưa đám mình. Rồi cả phố sẽ kể rùm lên là trùng tang và đồn đoán rất vô tâm vô tình là nếu cả nhà nghe lời bà nó đừng triệu thằng cháu đích tôn về chịu tang thì có khi Bảo không chết. Nhưng bây giờ, quẫy cựa với đời đã mỏi rồi thì tôi tin lắm vào số trời. Người như Bảo mà sống dai đã chắc gì là hay cho nó. Đi lao động xuất khẩu cũng chả ngon lành gì, thế mà Bảo vẫn hào hoa nõn. Đã đẹp trai, đã con nhà giàu, đã không thích con gái dù có vợ, lại còn thêm tội vừa thông minh vừa tài, nó không chết thì khối người không thiết sống.

Cái hôm Bảo chết, tôi là một trong mấy đứa bạn Thái Hằng đi đưa bà nó về Bắc Ninh. Thật trong thâm tâm, tôi đi không phải vì Thái Hằng mà vì ông chú nó. Những ngày cuối đời không hiểu vì sao bà Thái Hằng rất thích gặp tôi. Cứ hôm nào rảnh đến được với mẹ con Thái Hằng ở cái vỉa hè mỗi ngày qua lại chật dần mắt vì những đỏ đỏ xanh xanh toàn hàng Tàu là y như rằng câu trước câu sau nó bảo bà tao hỏi mày và xua tôi vào với bà cụ. Không biết ở xa chú Khôi có biết điều đó hay không, rằng tôi, ngoài hai mươi tuổi, thấm rồi ngấu hết những hồi ức mẹ chú với những người bạn già hay như với bố vợ chú Kiên từ ngày nhận thông gia thường lọc cọc cái xe đạp tã từ Đại Yên tới chơi lãng đãng nhắc với nhau. Để rồi cứ càng ngày càng cô độc. Trong khi lên lớp nhìn ra ngoài khung cửa sổ mây trời bay trên những mái nhà lắp ghép, trong khi đạp xe tha thẩn một mình đêm trăng suông mất điện, trong khi và trong khi, tôi luôn thấy mình xô dạt giữa thành phố mình đang sống và một thành phố khác, chính nó đấy, nhưng chỉ còn như một hơi thở tàn. Của cụ tôi. Của những ông những bà như bà Thái Hằng hay ông trẻ của tôi. Của mẹ ngày mẹ chỉ mới bắt đầu biết nhớ. Thái Hằng thuộc về thành phố tôi đang sống, nhọc nhằn, nhem nhuốc, không ít nhố nhăng, đầy tự hào mà lại làm cho con dân nó mất tự tin. Còn thành phố kia sống trong những người đã mất hay đã vào tuổi sắp khuất, không ít nhọc nhằn, giản dị mà sang cả và người ta kiêu hãnh vì nó. Đôi khi đạp xe qua những phố vắng, nhìn những hàng rào gang thấp và thoáng, không bị che chắn biến thành một bức tường tạm cho một căn phòng tạm, hiện diện như chỉ để xác lập một không gian riêng tư, nơi trên ban công có những giò lan trĩu tâm tư người chăm bón, hay như khi bắt gặp một mảnh vườn tiêu điều mà vẫn sạch sẽ trước một biệt thự ít thấy bóng người, tôi lại có cảm giác hơi thở tàn ấy bao phủ lấy mình, làm những buồn nản trước giá trước lương trước tiền bỗng nhiên vừa phi lí vừa vô nghĩa lí. Người đứng giữa những Hà Nội đó của tôi chính là Bảo, thằng con trai bằng tuổi mà tôi đã mê qua tiếng violon vẳng lại từ những chiều xa tít tắp không bao giờ quay lại được. Bây giờ nghĩ lại, tôi biết đó chẳng phải là tình yêu học trò gì gì và này nọ, vì hình như tôi không mê người, ngay cả tiếng đàn cũng không, mà là mê một nhịp sống tôi không được sống nhưng luôn thiết tha, vì mẹ tôi đã biết và thiết tha. Nhưng dù sao, Bảo đã từng là một giấc mơ tôi.

Giấc mơ tôi tan tành trong một ngày thật ra không có gì bi đát vì người vừa khuất cũng có thể coi là rất thọ. Họ hàng nhà Thái Hằng và khách đưa tang đang lục tục lên xe trở về thành phố. Cái xe Hải Âu mà vợ chồng Bảo đã lên sắp sửa lăn bánh. Bảo đứng ở bậc lên xuống, da trắng, tóc râu xanh, áo khoác mở phanh, cổ đeo máy ảnh. Bảo giơ tay nói gì đó với đám người đang lục tục lên cái xe thứ hai. Nó nhìn tôi.
Y như trong một cuốn phim quay chậm. Cái xe chở cần cẩu vẫn đứng đúng cái chỗ nó vẫn đứng. Nhưng cần cẩu quay. Qua đầu đám người đang giục nhau lên xe. Qua mặt tôi. Sạt vào đuôi chiếc Hải Âu. Đập thẳng vào ngực Bảo. Bảo sụp xuống, đổ về phía trước.
Gào thét. Người nhào từ trên xe này xuống. Người chưa lên xe kia lao qua. Vợ Bảo hoa hoa tay rồi đổ nghiêng. Tôi đứng chôn chân bên lề đường cỏ may, biết, mình không có tư cách gì để gào, để khóc, để ngất. Biết, Bảo chết, giấc mơ tôi chết rồi.

Chưa khi nào tôi dự một đám tang kinh khủng thế. Còn lại trong tôi chỉ là những cảm giác chẳng khác gì ảo giác. Bắp chân nhoi nhói cỏ may. Những chiếc đèn măng xông sáng rực cùng đèn pha ô tô không đủ làm tan đi màu đêm quánh đặc giữa cánh đồng xa lạ. Những mặt người còn ở lại đưa Bảo, phần lớn là đám con cháu và bạn bè. Chưa kịp đau buồn. Chỉ bàng hoàng. Đứa nào cũng bàng hoàng. Người chết, bị vỡ ngực, nằm lại đó. Chiếc máy ảnh tan tành sau cú đập của cái cần cẩu. Bảo ra đi, không có một tấm ảnh nào phút cuối. Nhưng tôi nhớ, những phút cuối cùng trước khi bị cái cần cẩu văng trúng, Bảo đã nhìn mình. Chúng tôi đã thấy nhau.

Sẽ không bao giờ không có ai biết được nỗi đau trong lòng vợ Bảo và tôi khác nhau nhưng to lớn đến nhường nào. Không bao giờ tôi có quan hệ riêng với vợ Bảo và cô không thể biết bao năm qua tôi vẫn dõi theo mẹ con cô. Đứa con Bảo sinh non sau cái chết của bố giờ đây là một nhà báo mà tôi vẫn tìm đọc hàng ngày. Trong cái trí lự khác thường và sự can đảm khác thường của con bé ở những bài viết, tôi luôn cố tìm dấu vết tinh thần người cha không bao giờ biết mặt nó để lại, người với tôi luôn như là một dấu nối với quá vãng của một thành phố mà cả hai chúng tôi, cả thế hệ chúng tôi đều không sống. Nhưng tôi chắc Bảo gắn bó với quá vãng đó. Dù sao thì nó hào hoa được cũng là nhờ cái đuôi tư sản của gia đình ngoe nguẩy vụng trộm được bao nhiêu năm bao cấp sau này.

Sau này, nhà nó lại công khai giàu lên đùng đùng. Nhưng tôi không biết nếu còn sống thì Bảo sẽ hòa hợp với nhịp sống mới của gia đình như thế nào. Ngày nó còn ở Đức, tôi đã nghe Thái Hằng thì thào chuyện ông bác rể ông chú ruột đi “học tập” ông chú rể gái gú như thế nào. Ông chú rể dại, bỏ thơ làm thợ kiêm chủ hiệu ảnh sau này lên đời là một trong những hiệu ảnh số dùng photoshop đầu tiên ở Hà Nội, có tiền lại thích tiên. Vợ ở đời đã ai coi là tiên chưa, bất quá được các đàn ông thở dài công nhận là tử tế. Cô Thái Hằng, giảng viên thanh nhạc ở Nhạc viện thằng cháu học đàn, người phụ nữ gầy gầy, lạnh lạnh trong cư xử, giọng khàn khàn mà hát lên rất cao, người dám để lại một căn phòng riêng giữa một ngôi nhà ra nhà giữa Hà Nội để lấy một nhà thơ nằm bàn giữa tòa soạn một tờ báo ngành chẳng ma nào xem giờ đây quyết liệt y như ngày đã tự ý đi lấy chồng. Đơn giản là cô không cần ông chồng không còn là thi sĩ bày trò tranh chấp, đưa cho ông một đống tiền để ông có thể hớn hở ra đi. Hình như phần lớn trong số tiền đó là đóng góp để giành lại tự do cho con gái của bà Thái Hằng. Bà tao ghê lắm – Thái Hằng tít mắt – bà tao bảo cái gì mua được bằng tiền đều rẻ. Có tự do, có bình an trong tâm, có lại mình mà chỉ mất mỗi tiền thì quá rẻ. Rồi nó thủng thẳng:“Vậy mà bao nhiêu năm bao nhiêu đời người đã mất chỉ để có cái tự do hôm nay cho bọn mình. Mày, mày có thích cái tự do như thế này không?”


Tôi đần mặt nhìn phố. Ngày lễ, nhà nhà treo cờ. Sau lớp lớp xanh xanh đỏ đỏ của áo quần may sẵn hàng Tàu, những lá cờ Tổ Quốc đâm kém phần rực rỡ. Tôi không biết tôi có thích cái tự do tự lo này, nhưng tôi nhớ lời mẹ tôi ngay trước ngày mẹ nhắm mắt, rằng dù sao thì cũng là hết đạn bom rồi, dù sao thì các con cũng sống. Có vẻ như ngày ra đi mẹ tôi đã vĩnh viễn từ bỏ những hồi ức, về cụ tôi, về bà ngoại tôi, về những ngôi nhà không ai trong nhà còn có thể ra vào. Có vẻ như mẹ tôi đã chấp nhận sống là như thế này, thở ra hít vào thở ra hít vào, khi mẹ biết là mình sắp rồi. Chết.

Bố Bảo thì không chấp nhận. Bảo chết. Thằng giữ giống nhà ông chết. Từ một người đàn ông có tuổi lắm tiền mê gái, ông bác Thái Hằng đột ngột nghiêm túc tính chuyện có một đứa con trai khác. Với cô kế toán một xí nghiệp vừa giải thể được cho ăn một cục mới xin vào công ti trách nhiệm hữu hạn của nhà ông. Mẹ thằng Bảo buông tay, bỏ ngôi nhà trên phố mới tậu về sống cùng con dâu và cháu nội ở hai căn phòng cũ nhìn xuống phố, bây giờ là nhìn xuống mái tấm bạt che hàng của Thái Hằng. Trên tầng hai ngôi nhà đó giờ chỉ còn có hai người đàn ông ra vào. Thằng Thái Bình em Thái Hằng, có ở nhà thì là để ngủ. Bố nó, cứ chập tối là bắt đầu lụi hụi lo chuyện tâm linh, kê ghế trèo lên thắp hương khấn khứa. Cứ nhìn ông ngật ngưỡng trên mấy cái ghế đẩu không đồng bộ quên mình cho khoa học huyền bí mà lần nào túm được tôi ông cũng định khai hóa là tôi lại thấy thương thương. Không có cảm giác thương thương ông giáo già bố của bạn từng làm tôi hãi thì chắc tôi không thể nào ngồi nghe ông thuyết những chuyện chẳng có tí ti nào gắn với ngày đang sống.

Thật lạ là mẹ Bảo và gia đình ông em chồng giờ thuận thảo không ngờ. Mẹ Thái Hằng càng già đi càng dịu tính. Trong vẻ độ lượng mềm mỏng cô Như dành cho bà chị chồng có cái gì đó từa tựa như đồng cảm. Thì bố Thái Hằng nghiện nghiên cứu tiềm năng con người về một mặt nào đó có khác gì bố Bảo nghiện tạo tác một đứa con trai mới với một đàn bà không phải là vợ đâu. Thiếu vắng vai trò những người đàn ông, những người đàn bà ở số nhà này lại đâm hòa thuận: mẹ Bảo: bị chồng rẫy, mẹ Thái Hằng: bị chồng lúc quên lúc nhớ, cô nó và nó: bỏ chồng, vợ Bảo: góa, chị Thái Hoàn chưa lấy ai và hai đứa trẻ cũng là con gái. Nhưng nhà âm thịnh nói gì thì nói nó thế nào ấy. Cứ bước vào là cảm ra ngay.

Người cảm ra rõ nhất rằng phải thoát khỏi môi trường âm thịnh ấy là Thái Hằng. Vẫy vùng mãi trong lớp lớp áo quần sặc sỡ hàng Tàu treo kín mặt tường ngoài phòng cũ của chú Kiên, nó thoát, bằng cách mua giấy mời qua Nga làm việc. Trước lúc đi, Thái Hằng đưa tôi một xấp vải, nhấm nhẳng “không phải hàng Tàu đâu, xít Pháp bác Trâm gửi đấy, mang đi mà may”, rồi buồn buồn: “Tao có dặn mày thì chắc mày cũng không đến đây nữa, chán bỏ mẹ. Nhưng…” Tôi biết Thái Hằng định nói gì. Con nó nó phải để lại nhờ bà ngoại. Phố ngày mưa trầm lại. Thái Hằng chui đầu vào cái áo mưa lướt thướt ra về. Tôi cúi người qua khung cửa sổ nhìn theo bạn, lòng dạ không ra buồn bã, chỉ thấy bất an. Khi đó tôi đâu biết giữa chúng tôi sẽ là một khoảng cách hai mươi năm đằng đẵng.

Thái Hằng đi, tôi đến nhà Béo thường hơn nữa. Chao chát dăm ba câu với hàng xóm láng giềng nhà Béo rồi tụt vào trong căn phòng tối om om vốn là cái gara cũ của vợ chồng nó, lòng tôi hoang mang. Nhớ. Căn phòng tầng trên số nhà này của Béo thời con gái, nơi có cái lò sưởi bề thế mà nó xếp đủ kiểu đồ chơi, quà lưu niệm, búp bê các loại bằng vải bằng gỗ sống động như người mẹ nó mang về sau những chuyến công cán nước ngoài, nơi tôi từng mơ mộng một cuộc đời không giống gì ngày đang sống giờ vợ chồng thằng em nó ở. Béo không thể biết trong lúc tôi ngồi ba hoa với nó giữa căn phòng thiếu khí chật ních đồ, đầu óc tôi lang thang về những ngày mười sáu tuổi đứng từ ban công nhà nó nhìn dọc phố, lồng ngực con gái ốm yếu ăm ắp hương mùa. Mùa đông gió bời bời, mùi bếp lò than đá từ một tổ phục vụ nào đâu đó loang ấm phố. Những đầu xuân, từ ban công nhà nó với tay ra, chạm vòm cây cơm nguội lá non bấy bớt màu đỏ sơ sinh cứ từng ngày sẫm lại trong mưa phùn như sương phả hơi xuân phơi phới. Chớm hè, cành sấu già xù xì mời mọc ngay ngoài khung cửa. Tiếng kèn của bác Khánh dâng lên cơ hồ thảng thốt “Hạ trắng trên vai em gầy đường xa áo bay…” “Nhìn những mùa thu đi…” nghèn nghẹn mùi lá đốt lúc thành phố lên đèn làm hương sữa sóng sánh dường như đặc lại. Tôi khốn khổ vì từng bước mùa đi, mùi hương mùa nào cũng làm tôi nặng ngực tức thở, vậy mà xa là nhớ. Những lặng lẽ, trong lành. Không như mùi tù hãm trong căn phòng này của Béo vì nước đái con nó, quần áo chưa kịp giặt, bát mắm ăn dở còn để trên mâm, khói bếp dầu vừa tắt, đầu mẩu thuốc lá rẻ tiền chồng nó dụi trong cái chén mẻ chưa đầy chưa đổ… Từ ngoài cổng, đột ngột phực lên tiếng gào “em có nghe thấy anh nói gì không một hai ba alố alồ thay bài khác đi bài này đéo gì bây giờ mấy tháng rồi hỡi em ừ ừ được rồi đấy…” Béo nhăn nhó “thằng Khương kinh doanh karaoke, ngày đi làm đã đành, đêm nó cho người ta hát hỏng thế này cả xóm chịu không ngủ nổi. Giờ chỉ muốn nghễnh ngãng từng lúc như bác Thiều Như.”

Tiếng hát ông ổng làm tôi nhớ tiếng kèn bác Khánh. Hơi nào thổi cho lại tiếng karaoke tăng âm hết cỡ thế này. Chả ai làm gì được Khương. Buổi ban đầu vì bà cháu nó phận thấp nhất trong số nhà này, nó có ghi đề, nuôi chó cảnh sủa lách nhách nhức óc hay tự sướng với cái giàn karaoke ầm ĩ chút chút cũng không ai nỡ nói. Nhưng bây giờ nó làm ông chủ trước mặt tất cả hàng xóm láng giềng vai vế thì đã là chuyện khác. Trước, ai dám chặn miếng ăn người dưới mình đưa lên miệng, mang tiếng mang tai. Giờ thì người dưới đã thành người trên, lậu của mọi người thuộc về ai nấy giữ, nhưng lương thì báo đăng đài nói ti vi phát rào rào rằng người nhà nước đi làm không đủ ăn. Nên cái thu nhập nhìn thấy được của bà cháu thằng Khương thật khó không làm cho người ta ngứa mắt. Khương đã gọi thợ đập căn nhà cấp 4 bà nó cho dựng lên sau khi về hưu, phá hết một bên hàng rào, xây lên căn nhà hai tầng nhưng móng thì bốn tầng cũng không đổ trên diện tích bác Nắng được chia và lấn chiếm được thêm nhờ công trồng rau. Loay hoay thế nào thằng Khương lại thành người đầu tiên có nhà mặt phố ở số nhà này. Rồi nó sẽ đập bỏ nốt phần nhà cơi nới kết quả từng ngày lấn đất của bà nó, xây lên một ngôi nhà bảy tầng thềm cao trong có cầu thang máy ngoài cầu thang lộ thiên rất đỗi hoạnh tài và trở thành nỗi ghen tị gần như thù hằn của thằng em Béo vừa mới lấy vợ.

Khác chị, thằng em Béo giống tôi, mắc bệnh mù số. Nó học đàn, học vẽ, đứng chân ở đời là họa sĩ. Vợ nó cùng nghề, xuất thân nhà thợ may. Làm dâu nhà ông to, nhưng cô vợ nó không hề định sống theo kiểu cha mẹ chồng đặt đâu dâu ngồi đó. Từ chối chân giáo viên ở một trung tâm hướng nghiệp của ngành Giáo dục, em dâu Béo xin bố mẹ chồng cho dùng tạm căn phòng ở ngay trên chốc phòng anh Phan, nơi bố mẹ Béo đã hơn một lần nói sẽ cho con gái. Cầu thang nhà Béo từ đây ríu rít tiếng nói cười của mấy cô cậu thợ may đến làm thuê cho vợ chồng thằng em Béo. Bọn nó giỏi thật, sống đúng bằng nghề, chuyên sâu may vẽ áo dài.
Béo sĩ diện rởm, giữ mặt cho chồng, con vừa đi vững lại quay về sống trong cái gara hẹp không thể ngờ mình mất chỗ bên cha mẹ. Cô em dâu đến là nhanh nhạy, hỏi chứ không xin hôm trước, hôm sau gọi thợ tới đục trần chiếm luôn diện tích áp mái biến thành xưởng may. Căn phòng mẹ con Béo từng ở, trần cao, gờ tường thanh thoát, hẳn ba cửa sổ lớn, bây giờ chềnh ềnh một cái cầu thang gỗ cho thợ chui lên chui xuống. Ông Tây nào từng sống ở đây ngày xưa chắc không thể hình dung được ngôi nhà đã biến dạng triệt để như thế nào, từ cổng, tới hành lang, tới dãy nhà phụ, tất tật.

L.M.H.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.