Nguyễn Duy – nhà thơ hiện đại Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn văn học) (kỳ 3)

Lã Nguyên

Chương Hai

NHÂN VẬT TRỮ TÌNH

Còn thơ còn dân/ Ta là dân…”

Nguyễn Duy

Ai nói trong thơ Nguyễn Duy? Liệu cái người nói trong thơ Nguyễn Duy có phải cũng là người nói trong thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa? Phải trả lời câu hỏi ấy, vì chủ thể lời nói là yếu tố quan trọng nhất trong tổ chức biểu nghĩa của thế giới nghệ thuật.

Văn học là vương quốc của những người nói. Trong thơ trữ tình, người nói duy nhất là nhân vật trữ tình. Nó được tác giả tạo ra để trò chuyện, giao tiếp với người và với mình, để mình nghe mình nói bằng giọng của người khác. Muốn giao tiếp, nó phải xưng danh, phải tự bạch. Nó cũng có thể kể, tả, hoặc luận bàn, vì thơ trữ tình không loại bỏ các yếu tố tự sự và chính luận. Qua bấy nhiêu loại lời nói của nó, độc giả thấy hiện lên trong óc hình ảnh một nhà thơ sống động, có tiểu sử, có thân phận, có xúc động tình cảm, cùng góc nhìn thế giới và ý thức tác giả rất riêng của nó. Bức chân dung nhà thơ này sẽ là dấu hiệu cốt yếu giúp ta nhận biết hình tượng tác giả. Có cơ sở để nhận xét rằng nhân vật trữ tình, tức là người nói trong thơ Nguyễn Duy, khác xa với nhân vật trữ tình, tức là với người nói trong thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Có thể xem động tác xưng danh, tự bạch của nhân vật trữ tình là hành vi xác lập căn cước, kiến tạo cái “tôi” của nó. Vì khi xưng danh như thế, nó buộc phải xác định vai giao tiếp. Nhân vật trữ tình của thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa giao tiếp với thế giới trong vai người chiến sĩ Cách mạng. Hình tượng người chiến sĩ là mặt nạ ngôn ngữ, là vai phát ngôn của nhân vật trữ tình trong thơ ca một thời. Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa của Tố Hữu có được sự liền mạch, bài sau nối bài trước, tập trước liền tập sau tạo thành một chỉnh thể từ chính là nhờ nhân vật trữ tình bao giờ cũng hiện lên trong hình hài người chiến sĩ. Nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên sau 1945, trong thơ Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Trần Hữu Thung thời chống Pháp, trong thơ Hữu Thỉnh và Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Anh Ngọc, Vương Trọng và rất nhiều tác giả khác thời chống Mỹ cũng bộc lộ tư tưởng, tình cảm từ lập trường của người chiến sĩ như vậy. Khi Trần Đăng Khoa viết “Hạt gạo làng ta. Những năm bom Mỹ. Trút lên mái nhà … Hạt gạo làng ta. Gửi ra tiền tuyến. Gửi về phương xa”, hay “Người em yêu thương. Là chú bộ đội. Chăm ngoan học giởi. Là bạn thiếu nhi. Ngu xuẩn nhất nhì. Là tổng thống Mỹ”, thì lời nói thốt ra từ cửa miệng nhân vật trữ tình trong sáng tác của vị thần đồng này đã toát lên khẩu khí người chiến sĩ.

Nhân vật người chiến sĩ dĩ nhiên phải có tiểu sử riêng của nó. Nó không sống cuộc sống thường nhật. Với nó, “tất cả đều cách mạng!”. Tiểu sử của nó là tiểu sử của một cái “tôi” lí tưởng. Mọi biểu hiện của cuộc sống thường nhật và con người cá nhân đều bị loại ra khỏi tiểu sử của nó. Ngay cả ngày sinh tháng đẻ, nó cũng tính lại. Nó lấy thời điểm giác ngộ lí tưởng Cách mạng làm cột mốc để nói về sự sinh hạ của mình:“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim <…> Tôi đã là con của vạn nhà…”[1]. Nhân vật trữ tình trong thơ Chế Lan Viên ao ước: “Cho tôi sinh ra giữa buổi Đảng dựng xây đời”. Ngày được kết nạp vào Đảng, nóNgỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu”. Nó quả quyết “Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau”.

Có một sự thống nhất kì lạ ở vai giao tiếp của nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Duy. Trong Nhìn từ xa … Tổ quốc, viết năm 1988, nhân vật trữ tình của ông tuyên bố: “Ta là dân – vậy thì ta tồ tại”. Nhưng “dân” là ai? “Dân” là“đám đông”, là “thập loại chúng sinh”, “ta” là một cá thể “chìm nổi với đám đông”, “lẫn trong thập loại chúng sinh”. Trong bài Trên sân trường, viết từ năm 1957, nhân vật trữ tình tí hon của Nguyễn Duy đã hiện ra như một chúng sinh giữa “đám đông” như vậy:

Đứa chơi đáo đứa nhảy vòng

tôi không chơi đáo vì không có tiền

có tiền tôi cũng không chơi

vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền

tung tăng tôi ngắm tôi nhìn

con sông có bóng con thuyền thả câu

Các khái niệm “dân”, “nhân dân”, “đám đông”, “chúng sinh”, “thập loại chúng sinh” thường được Nguyễn Duy thể hiện bằng một loạt ẩn dụ, biểu tượng quen thuộc, có nguồn cội từ văn hóa dân gian: “cánh cò”, “cánh vạc”, “trâu cày”,”rơm ra”, “cỏ dại”, “cát”, “bụi”. Trong bài Dòng sông mẹ, viết năm 1986, nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy xem mình là “giọt nước”, là “hạt cát” trôi dạt trên dòng sông ấy:

Từ dòng sông ấy

tôi đi

Giọt nước từ nguồn ra biển cả

(…)

Tôi nhập cuộc giữa dòng đời nước xiết

dù tới đâu dù dạt bến nào

thấy hạt cát có cái gì bất diệt

Đến bài Saint Louis, 14.6 1995, nhân vật trữ tình của ông lại ví mình như hạt “bụi người”: “Bình tâm làm hạt bụi người mà bay”.

Có thể thấy, người nói trong mấy trăm bài thơ của Nguyễn Duy bao giờ cũng là “dân”, là người từ “thập loại chúng sinh”. Nó giao tiếp với thế giới trong vai nhà thơ “chìm nổi với đám đông”, “lẫn trong thập loại chúng sinh”, vai “hạt bụi”, “hạt cát có cái gì bất diệt”. Nó là một cái tôi khả thể, và vì thế, tiểu sử của nó được đan dệt bằng vô số chi tiết đời tư và cuộc sống thường nhật. Như tiểu sử của bất kì chúng sinh nào khác, nó có quê hương bản quán:

Ai qua Thanh Hoá về Quảng Xá

men rượu là hương vị của làng tôi

nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ

đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời

Hồi ức của nó về quê hương đầy ắp những địa danh nói lên một bản quán riêng: Cầu Bố, Quảng Xá, Đò Lèn, Quán Cháo, Đồng Giao, đồng Quan, Ba Trại, Cống Na, Bình Lâm, Đền Sòng… Nó có Tổ tiên, ông bà để thờ phụng, tưởng vọng. Lòng nó trĩu nặng u hoài về “ngôi chùa cũ mái đình xưa khuất bóng/ cỏ áy vàng bãi tha ma vắng. lòng ngổn ngang gò đống tổ tiên nhà…”. Nó biết chắc mình lớn lên bằng dòng sữa và lời ru của mẹ “Mẹ ru cái lẽ ở đời / sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”, “Ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Nhân vật trữ tình của Tố Hữu tự an ủi: “Mẹ không còn nữa, con còn Đảng”. Sau chiến tranh, như “giọt nước trôi qua quãng đời tóc úa”, nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy cũng tự an ủi “mẹ mất rồi…may phúc vẫn còn em”. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu lấy Cách mạng tháng Mười làm cột mốc tính ngày sinh: “Liên Xô nở trước đời tôi ba tuổi”. Trong thơ Nguyễn Duy, nhân vật trữ tình lấy tuổi mình ghi nhận các sự kiện đời mình: “.. Bảy tuổi tôi xúc tôm câu cá/ mười tuổi bơi ngược dòng nước đổ (…)/ Mười bảy tuổi ngó trộm em rồi đó (…)/ Mười tám tuổi ra đi/ bước thứ nhất đặt chân vào lửa/ đường chiến tranh biết chỗ nào dừng”.

Trên bức chân dung tiểu sử tự họa, nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy tô đậm nét vẽ về tuổi trẻ. Nó tuyên bố đời mình khởi đầu từ “xó bếp”. Nó rưng rưng nhớ lại thời“ra cống Na câu cá”, “níu váy bà đi chợ Bình Lâm”, “bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật”, “ăn trộm nhãn chùa Trần”, “lên chơi đền Cây Thị”, “chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng”, và cứ thế, nó sống“trong suốt giữa hai bờ hư – thực” không hề biết “bà mò cua xúc tép ở đồng Quan. bà đi gánh chè xanh Ba Trại. Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”. Nó xem “tuổi học trò đồng nghĩa với trang thơ”. Tuổi học trò đẹp như “trang thơ” ấy được nó đánh dấu bằng “viên sỏi xanh”, bằng “mảnh ốc xà cừ lóng lánh như lửa” và cất giấu như một bí mật trong “hố tránh bom … đào trước cửa nhà Dòng”, “dưới hòn đá tảng kê làm bậc rửa chân” trên bờ nông giang, trong vườn trường Lam Sơn. Nó trải lòng trước người đọc: “Tuổi thơ tôi bát ngáy cánh đồng”, “trắng muốt cánh cò”, “mang dấu ruộng dấu vườn” và quả quyết:

Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương
thời thơ ấu không thể nào đánh đổi
trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội
có một miền quê trong đi đứng nói cười

*

Thơ Nguyễn Duy hấp dẫn vì nó đánh thức kí ức về tuổi trẻ, về cuộc sống thường nhật như những khả thể trong nhiều trang đời của mỗi cá nhân con người. Nhưng sức ám ảnh lớn nhất trong sáng tác của ông nằm ở khả năng phơi bày thân phận của nhân dân ở ngay chính hình tượng nhân vật trữ tình.

Nhân vật trữ tình trong thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng thể hiện sự gắn bó giữa nó với thân phận của nhân dân. Nhưng trong văn thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, “nhân dân” trước hết là phạm trù chính trị, có nội dung tư tưởng hệ. Nó được sử dụng để chỉ quần chúng Cách mạng. Phải là quần chúng cách mạng mới được đứng vào hàng ngũ của nhân dân. Thứ nữa, nó là phạm trù lịch sử, nói về quần chúng ở thời hiện tại, chứ không phải ở cái“Thuở nô lệ, thân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm”. Ở thời hiện tại, “Ta đã đứng nên người độc lập/ Cao bằng người, nào thấp thua ai?”. Những người dân độc lập làm chủ đời mình, cai quản thiên nhiên và xã hội, sống trên một đất nước “thiên đường”: Miền Bắc thiên đường của các con tôi”, “Trên bãi Thái Bình Dương – Tổ quốc ta như một thiên đường”. Từ đây, tương lai ta nắm chắc trong tay, “Đất nước này vạn đại tươi xanh”, “Đời rạng rỡ, mỗi con người tự sáng”, “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”…

Là đứa con sinh thành của Đảng, nhân vật trữ tình trong thi ca hiện thực xã hội chủ nghĩa chia sẻ thân phận với quần chúng Cách mạng, trở thành nhân vật hành động: “Bác bảo đi, là đi/ Bác bảo thắng, là thắng”. Nó “tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát”. Nó nguyện“…chiến đấu hi sinh. Tấm lòng son sắt đinh ninh lời thề”. Mặt khác, là chiến sĩ Cách mạng, nó sở đắc chân lí, mang ánh sáng Đảng đến cho quần chúng. Lời nó nói thường là lời giải đáp, lời hiệu triệu:

Nào đi tới! Bác Hồ ta nói

Phút giao thừa, tiếng hát đêm xuân

Kế hoạch năm năm, mời những đoàn quân

Mời những bàn chân, tiến lên phía trước

Tất cả dưới cờ, hát lên và bước

Chẳng có vướng mắc, băn khoăn nào của quần chúng, không có vấn đề nào đặt ra từ đời sống, nó không thể giải đáp! Nó thuyết phục người con gái giang hồ rằng “Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài/ Trong như hương nhụy hoa lài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng”, nó khuyên cô “Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng”. Nó hứa như đinh đóng cột với quần chúng chiến khu: “Hôm nay rời bản về nơi thị thành/ Nhà cao chẳng khuất non xanh…”

Nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Duy không đứng ở vị thế trung gian như thế. Nó chỉ có một thân phận! Thân phận duy nhất của nó là thân phận của nhân dân. Cũng như “thập loại chúng sinh”, nó có một tuổi trẻ cực kì lam lũ. Hãy nghe nó kể về “tuổi học trò đồng nghĩa với trang thơ” của mình:

Tuổi trẻ anh áo nâu, chân đất

bữa cháo, bữa khoai, đi cày và đi học

bụng đói cồn cào con chữ chạy liêu xiêu

Nó lớn lên bằng “gạo chiêm ghế ngô gạo mùa độn khoai”, “con cá kho dưa quả cà kho tép”. Niềm vui, niềm hạnh phúc tột đỉnh thời ấu thơ trở thành kỉ niệm tươi rói trong kí ức nó hóa ra là những niềm vui lấm láp, lam lũ trong “xó bếp” của đám trẻ “lọ lem”:

Nơi ấy

mẹ ta nhễ nhại mồ hôi

đàn con lóc nhóc khóc cười

buổi nhá nhem len lén mò cơm nguội

bảy sắc cầu vồng trong xó xỉnh lọ lem

Đời lính của nó cũng rặt những niềm vui lấm láp, lam lũ như vậy. Hãy nghe nó kể về giắc ngủ trong lời ru đồng đội:

Ngủ đi bạn, ngủ đi anh

cánh tay mình ngả ra thành gối êm

Ngủ đi bạn, ngủ đi em

ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình

(…)

Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng

gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm

Nhưng giá trị thẩm mĩ và ý nghĩa xã hội của nhân vật trữ tình trong sáng tác Nguyễn Duy không chỉ có vậy. Với nhân vật này, tôi cho rằng, Nguyễn Duy đã dựng lên trong thơ pho tượng đài sừng sững về kiểu nhà thơ nhân dân. Đó là pho tượng đài hai mặt, mặt này phơi bày tấn bi hài kịch tàn nhẫn về sự bất lực thê thảm của thơ và nhà thơ, mặt kia là tinh thần tự do bất diệt của “nhân dân vạn đại”.

Tấn bi hài kịch vừa nói tới ở trên là một tấn kịch kép. Trước hết, đó là bi hài kịch tồn tại hiểu theo nghĩa sinh học đơn giản nhất của nó. “Có thực mới vực được đạo”, nhà thơ cũng phải ăn. Cả “xâu tàu há mồm lóc nhóc” trong nhà cũng phải ăn! Lương tháng “thoảng qua” như ”một chút hương trời”, đồng nhuận bút thì “phập phèo bong bóng nước”, một câu thơ phải “chống đỡ mấy mạng người!”. Đã thế, “tai ách bất thần không báo trước”, thình lình vợ “ngã bệnh ngang”, thế là “một thi nhân hóa phăm phăm ngựa thồ”. Thi nhân đành “đi làm báo” để “tồn tại lai rai và mơ tưởng làng nhàng”. “… Sống đã là phiêu lưu”, “tồn tại” trở thành xung đột khốc liệt giữa “thân”“tâm”: “Tâm hồn ta là một khối vàng ròng”. Đó không phải là xung đột “thiện – ác” “tương đố”, mà là xung đột giữa hai lẽ phải:“thân” phải ăn để tồn tại và “tâm” thì phải giữ để cứ là thi nhân: “Giữ ngọc gìn vàng biết mấy công phu”. Nhưng không thể cứ Ta giàu lắm mà con ta đói lắm/ ta ngất ngưởng mà vợ ta lận đận/ cha mẹ ta trong lụt bão trắng trời” Hoàn cảnh buộc phải lựa chọn:

Thôi thì…bán bớt đi một ít vàng ròng
Để sống được qua ngày gian khổ đã.
Phải sống được qua cái thời nghiệt ngã
Để khối vàng đây chỉ đổi lấy mây trời
.

Cuộc lựa chọn đầy ai oán, vì thơ nằm nơi ranh giới mong manh giữa “mây trời” và mặt đất, giữa vụ lợi và vô tư. Nghiêng về lẽ phải của chữ “thân” là rẽ một bước sang sự tha hóa. Nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy tự phơi bầy không thương tiếc sự phân rã nhân cách của nhà thơ, mà cũng là của trí thức như một loài chúng sinh:

Đôi khi nổi máu lên đồng

hồn thoát xác/ rũ ruột gan ra đếm

Chích một giọt máu thường xét nghiệm

tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm

tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề

phật và ma… mỗi thứ tí ti…

Khốn nạn thân nhau

nặng kiếp phân thân mặt nạ

Bi hài kịch của thơ và nhà thơ còn lớn hơn nhiều khi nó phải đối diện bi kịch của tha nhân. Nó đau đớn nhận ra nó chỉ là “cái bóng máu me”,“người anh hùng bất lực dài ngoẵng”. Nó không thể nhận nuôi một đứa trẻ con người ăn mày vì “trong túi chỉ còn lạo xạo mấy bài thơ”, mà “chữ nghĩa” thì “không sàng thành gạo”. Nó không thể lí giải vì sao “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực”“tiềm lực còn ngủ yên”. Nó thấy tầng ôzôn có “vấn đề”, đầu óc, mắt mũi có “vấn đề”, cánh đồng, xó chợ, toàn hành tinh đâu đâu cũng có “vấn đề” mà đành “ngồi xổm” hay “bệt đất” “chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì/ ván âm dương Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ”. Nó bất lực ngay cả trước số phận của đấng sinh thành:

Ta đi mơ mộng trên trời

Để cha cuốc đất một đời chưa xong

Nhưng dẫu “lếch thếch lôi thôi”, dẫu lam lũ, khốn khổ thế nào, như một kiểu nhà thơ, nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy vẫn “bình tâm làm hạt bụi người mà bay”. Nó nhất quyết “ Cứ chìm nổi với đám đông” , “Cứ bèo bọt bước thiên di”, “Cứ nòi lẩn thẩn ngàn năm”, “Cứ là rượu của chúng sinh”, “Cứ như cây cỏ bốn mùa/ giọt sương giọt nắng giọt mưa vơi đầy”. Biết “sống đã là phiêu lưu”, nó vẫn nhắn nhủ:“Xin em đừng ngán cuộc chơi”, đừng mỏi mong chờ”… “Đừng ngán…”, “đừng mỏi…”, “bình tâm…”, “cứ…” là sự lựa chọn tự do của nó. Nó chọn phận “hạt cát”,“hạt bụi”, “giọt nước”, an nhiên tự tại với kiếp “cây cỏ”, “lẩn thẩn”, “bèo bọt”, “chìm nổi”:

Lềnh phềnh thân – phận chúng sinh

lênh phênh hồn – xứ thần linh tít mù

*

Nhân vật văn học là hình thức thế giới quan của dân tộc và thời đại. Mỗi kiểu tác giả ở mỗi thời đại có một loại hình nhân vật riêng và mỗi loại hình nhân vật lại có tầm nhìn thế giới theo kiểu riêng của mình. Trong thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhân vật trữ tình nhìn thế giới bằng cái nhìn của người chiến sĩ. Nó đo “vóc nhà thơ” bằng “tầm chiến lũy”:

Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy

Nó lấy “chủ nghĩa” làm “mắt thần” để nhìn mình, nhìn người:

Từ khi chân dấn bước

Trên con đường đấu tranh

Tôi sẵn có trong mình

Đôi mắt thần: chủ nghĩa

Từ “chiến lũy”, lấy “chủ nghĩa” làm “mắt thần”, nhân vật trữ tình người chiến sĩ thấy một thế giới bổ đôi chia thành hai nửa đối đầu, loại trừ nhau như nước với lửa, sống với chết: “địch – ta”, “xưa – nay”, “mới – cũ”. “Xưa là rừng núi, là đêm/ Giờ thêm sông biển, lại thêm ban ngày”. “Chúng là thú vật, ta đây là người”. Địch là “chó ngộ một bầy”, là “hổ báo hôi tanh”, “ta” – “mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao”, là “những thiên thần bay giữa trăng sao”. .

Thế giới bổ đôi, phân cực của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa không lọt vào tầm nhìn của nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Duy. Vì nó không nhìn mình, nhìn đời bằng “mắt thần”, cũng không đo “vóc nhà thơ” bằng “tầm chiến lũy”. Nó nói chuyện “mắt nhãn”, “mắt na”. Nó rủ bạn tình:

Chúng mình nhắm mắt đi em

cho na mở mắt ra xem chúng mình

“Vọng Tô Thị” “Nhìn từ xa … Tổ quốc”. Nó nhìn tất cả qua “mắt thường” của thập loại chúng sinh. Nhìn như thế, nó không thấy “vực thẳm đời nhân loại” ở thời trước, cũng không thấy “thiên đường của các con tôi” ở thời nay. Trong mắt nó, nhân dân muôn thủa là vô số, vô danh, là tất cả, mà cũng chẳng là gì cả. Họ gánh “trĩu cả hai vai việc nước – việc nhà” và được sinh ra tựa như là để hứng chịu những bi kịch thảm thương, tàn khốc nhất: “Chiến tranh như trận cháy làng/ Bà con ta trắng khăn tang trên đầu”, “Năm nay lại lụt trắng đồng/ quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng/ làng ta lại lóp ngóp làng/ lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng”. Nhưng hễ hết “việc”, khi “sự nghiệp anh hùng” đã xong, đã đi qua là họ bị bỏ quên: “Cỏ đã lấp ai còn thấy nữa/ vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn/ ai thấy nữa ông già đầu bạc xoá/ đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn”. Nó thấy lam lũ là đặc điểm cốt tủy làm nên thân phận truyền kiếp của nhân dân. Muôn thủa mẹ ta vẫn “vo gạo thổi cơm/ ba ông táo sứt lửa rơm khói mù”, hàng xóm vẫn “xay lúa ù ù”, các em ta vẫn “vác cuốc cào/ rủ nhau bước thấp bước cao ra đồng”, cha ta vẫn “cuốc đất một đời chưa xong”, trâu bò vẫn “đủng đỉnh như ngàn năm xưa” làng ta “vẫn đồng cạn, vẫn đồng sâu/ chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.

Ở đâu nó cũng thấy sự thực tàn nhẫn như bầy ra trước mắt. Nó thấy “Sân ga Thanh Hóa chiều đổ mưa/ một người mẹ dắt con/ “ới các ông, các bà, các anh, các chị/ ai làm ơn nuôi cháu nên người?”. Nó thấy xứ sở “lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu”, lắm đình chùa bị “phá làm kho hợp tác”, “lắm trẻ con thất học”, “lắm ngôi trường xơ xác”, “lắm thứ điếm”, “lắm Lãn Ông”, “lắm thần dân lìa xứ”, “lắm thứ vua”, lắm “lãnh chúa sứ quân”“lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa”. Nó thấy “Thủ phạm chiến tranh/ còn sống hoặc chết rồi/ đều là kẻ giàu sang và láu cᔓThời đại nào cũng đẻ ra người điên/ phá hủy bao nhiêu đền đài và của cải/ giết thịt biết bao nhiêu đồng loại/ điên-chiến-tranh thành thứ bệnh di truyền”. Cho nên:

Nghĩ cho cùng/ mọi cuộc chiến tranh

phe nào thắng thì nhân dân đều bại”

Có thể chia “cát trắng”, “cỏ dại” thành hai phe “chúng ta – chúng nó” đối đầu nhau không? “Vốc nắm cát soi/ thấy cát trắng ánh lên màu đỏ”. Biết cái “màu đỏ” ánh lên ấy là máu ai, hay đều là “Máu người chảy thấm vào cát”?. “Dân” là “dân”, không có “quỷ dữ” “thiên thần”. Không thể chia“nhân dân” thành “ta”“địch”. Nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy đã chuyển cái nhìn như thế thành hành động của người lính, một hành động không thể tha thứ nếu nhìn từ góc độ của nhân vật trữ tình trong thơ văn hiện thực xã hội chủ nghĩa: cứu kẻ thù bên kia chiến tuyến để hắn “sống đời người”:

Hắn vẫn chạy trước tôi vài buớc

cái thằng lính bảo an non choẹt(…)

giết chết hẳn dễ thôi

cứu hắn sống đời người mới khó…

ý nghĩ đó nâng tôi vượt lên

vượt lên/ với tất cả sức mình

bắt được hắn/ đứng lại!

Lại nữa, nhìn từ ”chiến lũy” qua “mắt thần – chủ nghĩa”, lần đầu tiên trong lịch sử văn học, nhân vật trữ tình của thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa thấy Đảng và lãnh tụ hiện lên ở vị thế cái cao cả, rạng rỡ bên quần chúng tạo thành thế giới phân tầng trong quan hệ của “ta”, giữa “chúng ta” với nhau:

Trời không có thiên thần

Đất không có thánh nhân

Chỉ có nhân dân – thần thánh

Và chỉ Đảng làm nên sức mạnh

Cho ta đôi cánh

Bay tới chân trời

Ở thế giới tầng bậc ấy, Đảng, lãnh tụ, cán bộ Cách mạng là người dẫn lối, đưa đường để quần chúng “đi theo”, “đứng lên”, “vùng dậy: “Con lớn lên, con tìm Cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi”, “Lời Đảng gọi vang to khắp nước/ Núi sông nghe chân bước trước sau”, “Đảng ta đưa dân nước ta đi”, “Cuộc đời ta theo Đảng tiến lên”, “Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/ Người đi trước nghìn sương muôn tuyết/ Dắt dìu dân nước Việt Nam ta”.

Thế giới sắp đặt phận người theo tầng bậc trên – dưới, thấp – cao như thế cũng không lọt vào tầm nhìn của nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Duy. Trong cái bể nhân dân đông đúc của Nguyễn Duy, gồm “dân làng tôi” với những liền anh, liền chị, Thị Mầu, Thị Nở, Chí Phèo, những người đóng gạch, làm muối, dân công, thanh niên xung phong và lớp lớp binh lính ở mọi nẻo đường chiến tranh, thấy lạc vào hai ông vua: một ông là “nắm xương lưu đày”, “tấm thân phiêu dạt quê người/ linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà”, ông kia “vừa làm vua, vừa làm thợ”. Vua như thế thì cũng là dân! Cho nên ở đây không có kẻ cầm quyền, không có vua quan, không có thần dân, chỉ có “dân vạn đại” nằm ngoài mọi hệ thống quyền lực. Họ hiện lên trong thơ Nguyễn Duy như một chủ thể tự trị, tự quyết. An nhiên tự tại là đặc điểm làm nên cốt cách, thấm vào máu huyết của nhân dân. Dân là thành lũy chống chọi với thiên tai, địch họa. với mọi khốn khó, tai ách ở đời Họ xả thân vì đại nghĩa, hào sảng, phóng khoáng, nhưng rồi lại lặng lẽ, sống âm thầm như cát bụi, như cỏ cây. Họ có “đạo lí” riêng. Họ lấy bản thân làm thước đo thế giới, không “tựa vào” cái gì, không “theo chân” ai, chẳng ước nước Mỹ, càng không “há mồm khoan khoái (…) ngồi mơ nước Nga”. Có thể thấy ngay những chủ thể như thế ở dân làng, ở người cha “suốt đời thồ nặng”, ”lưng trần bạc nắng thâm mưa”. Dẫu cảnh ngộ của bản thân, của gia đình và làng quê bi đát thế nào, mặc người con xót xa, bức bối ra sao, cha vẫn điềm nhiên “Không răng”, tức là không sao, chẳng có chuyện gì xẩy ra: “Không răng … cha vẫn cười khì/ rượu tăm còn để dành khi con về”, “Không răng … cha vẫn cười khì/ người còn là quý sá chi bạc vàng”, “Không răng … cha vẫn cười khì/ giàu nghèo có số nghĩ chi cho buồn”, “Không răng … cha vẫn cười khì/ đời là rứa kể chi cho rầu”. Vẻ đẹp toát lên từ cốt cách an nhiên tự tại của chúng sinh dân dã sẽ là cảm hứng bất tận của nhân vật trữ tình trong sáng tác của Nguyễn Duy. Hãy nghe cái giọng xiết bao trìu mên của nó khi nó nói về ngôi nhà lộng gió của người cha:

Nhà tôi đó, không cổng và không cửa

ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào

cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ

gió nồm nam thoải mái ra vào

Cốt cách hào sảng, phóng khoáng và lối sống an nhiên tự tại của dân làng thành niềm kiêu hãnh vô bờ bến của nhân vật trữ tình:

Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó

xả hết mình khi nước gặp tai ương

rồi thanh thản trở về với ruộng

sống lặng yên như cây cỏ trong vườn.

Khi dân là chủ thể tự trị, tự quyết, thì sự sống cứ thế, tự nó sẽ vượt lên nghịch cảnh, tự làm lành các vết thương để tự sinh, tự sản. Làng mạc có “vong linh”, cát bụi có “linh hồn”: “Linh hồn cát bụi ở miền trong veo”. Tiếng phố, tiếng nhà tự vang lên từ lòng đất: “Đất im lặng dưới chân ta/ mà nghe có tiếng phố nhà vang âm/ Xôn xao mái ngói, nhà tầng/ Lắng nghe có tiếng hát thầm… đất thôi”. Nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy gửi tới người đọc cái nhìn lạc quan kết tinh trong kinh nghiệm dân gian:”Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây”. Chiến tranh hủy hoại tất cả “bom rơi xuống phố xuống nhà/ phố nhà rơi xuống đất ta những ngày” , nhưng rồi “bàn tay vẫy gọi bàn tay/ nhà cao lại dưới đất dày dậy mọc lên”. Dẫu giông bão, lũ lụt nhấn chìm tất cả “Lúa chìm xuống cỏ dềnh lên/ rác bùn vạch ngấn ngang nhiên trên tường/ bèo đi ngang ngửa giữa đường/ lụt ăn theo bão lẽ thường xưa nay”, thì cuối cùng “bèo lui về chỗ của bèo/ tường treo tranh cánh đồng treo lúa vàng”. Nơi đây muôn thủa ”nghe như cây lúa đơm bông/ nghe như trái bưởi vàng đung đưa cành”. Cây Sim quê ta “mọc giữa cằn khô vẫn xòe đầy hoa/ chiu chắt màu sành luyện thành sắc tím/ lọc từ sỏi ra mật đường ngọt lịm/ càng nắng càng mưa trái mọng càng thơm”, cũng như loài tre quê ta: “Ở đâu tre cũng xanh tươi/ cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu (…)/Bão bùng thân bọc lấy thân/ tay ôm tay níu tre gần nhau thêm (…)/ Chẳng may thân gãy cành rơi/ vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng” để “Năm qua đi tháng qua đi/ tre già măng mọc có gì lạ đâu/ mai sau/ mai sau/ mai sau/ đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.

*

Các chi tiết tiểu sử, thân phận và cái nhìn của nhân vật trữ tình như đã thấy ở trên sẽ hợp lại với nhau tạo thành hai loại hình tượng nhà thơ gần như trái ngược nhau. Trong thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa, nó là hình tượng nhà thơ của tính Đảng. Nhà thơ ấy làm thơ vì Cách mạng và vì Cách mạng mà làm thơ. Anh ta tâm niệm “Rằng: thơ với Đẳng nặng duyên tơ”. Trong mối “duyên tơ” này, thơ là “thuyền”, Đảng là “lái”:

Thuyền bơi có lái, qua mưa gió

Không lái thuyền trôi, lạc bến bờ…

Nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Duy hiện lên trong hình tượng nhà thơ nhân dân: “Thơ là dân/ Ta là dân – vậy thì ta tồn tại”. Nhà thơ của tính đảng khước từ tác quyền, thành tâm “Suy nghĩ trong những điều đảng nghĩ”. Là chiến sĩ, nhà thơ ấy “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” , biến “mỗi vần thơ” thành “bom đạn phá cường quyền”, thành “hầm chông giết giặc”, thành “họng súng” để “Giết chúng đi! Chỉ một đường thôi! Giết chúng!”. Trong tay thi sĩ của tính Đảng, thơ vừa là vũ khí đánh địch, vừa là phương tiện ngợi ca hiện thực cách mạng. Gửi vào cửa miệng nhân vật trữ tình, nhà thơ reo vui: “Ồ thích thật bài thơ miền Bắc/ Rất tự do nên tươi nhạc tươi vần”. Khi tai nghe thấy“Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”, thì “Tâm hồn ta là Tây bắc chứ còn đâu”. Cuộc đời tự nó là bài thơ, bản nhạc! Nhà thơ nhường quyền sáng tạo cho hóa công, để:

Thơ ta ơi, hãy cất cao tiếng hát

Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta

Đọc loạt thơ Nguyễn Duy viết từ những năm 1960, ví như Khúc dân ca, Bức tranh của tôi, thấy ngay từ đầu, nhân vật trữ tình của ông đã khẳng định quyết liệt cá tính sáng tạo và ý thức tác quyền của nhà thơ. Nó dặn lòng, bức tranh “cuộc đời” “đã khảm vào tôi từ thuở biết nhìn” dẫu đẹp thế nào, thì nhà thơ cũng “không thể chỉ dắm say đứng ngắm/ Anh phải là một nét vẽ dẫu đơn sơ”.

Có một điểm khác biệt quan trọng. Nhà thơ của tính Đảng trong thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa đồng thời là nhà thơ của tư tưởng quốc gia. Theo đó, “Bí thư” và nhà thơ nằm trong một trật tự quyền lực. “Làm bí thư hoài có bí… thơ?”. Nhân vật trữ tình trong Chuyện thơ của Tố Hữu nêu câu hỏi như thế, rồi giải thích: “Rằng thơ với Đảng nặng duyên tơ (…) Nghề bí thư đâu chuyện giấy tờ/ Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ/ Phải đâu tim cũng thành khuôn dấu?/ Càng thấu nhân tình nên vẫn thơ”.

Nhà thơ nhân dân trong sáng tác của Nguyễn Duy tự dặn lòng: “Riêng ta xác định ta không là gì”. Trong bài Nhà thơ, dưới đề từ “Thương nhớ anh Việt Phương”, nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy làm sáng tỏ nội hàm của mấy chữ “không là gì” kia. Thì ra, đó là cách nói nhún mình của nhà thơ phi quan phương, đứng bên lề, ngoài rìa của sân chơi quyền lực. “Giữa cung cấm”, nhà thơ là “vô danh”, chỉ “ngồi ghế xép/ ghế đầu sai/ giúp việc/ triều đình không có ghế cho thơ!“. Nhà thơ “Chỉ làm thơ …mới được là mình” và khi ấy:

Giữa trang thơ anh thành chính chủ
ghế phụ hoá ngai vàng
vua quan làm con chữ
vỡ ra rằng thơ là đấng quyền năng
Vỡ ra rằng khi anh nằm xuống
hơn với thiệt hoả táng
chức với sắc hoả táng
mọi thứ đều danh hư
mộ chí giữa đời 
một tước hiệu 
Nhà Thơ

*.

Tác giả “nói” bằng lời của nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình là mặt nạ ngôn ngữ của tác giả. Đến lượt mình, nhân vật trữ tình cũng có mặt nạ riêng của nó. Mặt nạ ngôn ngữ của nhân vật trữ tình nối hình tượng nhà thơ trong sáng tác của Nguyễn Duy và trong thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa với hai truyền thống văn hóa khác nhau.

Trong thi ca hiện thực xã hội chủ nghĩa, hình tượng nhà thơ bao giờ cũng được đặt vào vị trí “cao cao tại thượng”, đứng ở “đỉnh cao muộn trượng”,“mắt nhìn bốn hướng” để “trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông bắc trông nam trông cả địa cầu”. Từ đỉnh cao ấy, nó nghĩ những chuyện lớn lao, “dời non lấp biển”: “Nghĩ vóc dạc những Trường Sơn, dung mạo những đồng bằng …,, nghĩ chuyện nghìn năm chưa kịp nghĩ” bằng “Đôi mắt thần của Đảng chiếu tầm xa”. Rất dễ nhận ra quan hệ huyết thống giữa hình tượng nhà thơ – người chiến sĩ này với hình tượng thi nhân là những tao nhân mặc khách, hiền nhân, quân tử, chữ ngĩa bề bề theo phong cách thông thái, bác học được hình thành trong văn hóa từ chương thời trung đại.

Hình tượng nhà thơ trong sáng tác của Nguyễn Duy được kiến tạo theo một phong cách khác: phong cách bình dân có nguồn cội từ văn hóa dân gian. Trong tập Về (1994) của ông có một bài thơ lấy tên “Xẩm ngọng”, viết theo điệu “xẩm”:

Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi

người cười nói xúc phạm người ngậm tăm….

Tôi đặc biệt chú ý tới một bài khác, bài Tập ru con của Nguyễn Duy, vì lần in đầu năm 1994, nó được đặt cuối tập Sáu & Tám với phụ đề “Thay lời bạt”[2], lần in sau, năm 2017, nó cũng được đặt cuối tập Lục bát và cũng có phụ đề “Thay lời kết”[3]. “Ru” là một kiểu “hát”, “hát” theo lối “ầu ơgiống như “xẩm”: “Con ơi cha mắc bênh thơ/ u ơ ú ớ ù ờ thâm niên”. Có thể thấy, “xẩm” là mặt nạ ngôn ngữ của hình tượng nhà thơ trong các tập Đường xa, Về, Bụi, Sáu & Tám, Lục bát của Nguyễn Duy. Mặt nạ ngôn ngữ này mở đường cho lối nói tự trào và tự trào dường như thành điệu giọng chủ đạo của thơ ông. Trong mạch tự trào như thế, nhà thơ được ví với người“mơ mộng”, “mộng du”, “nòi lẩn thẩn”, “động cỡn”, “tâm thần”, “tâm linh”, “ngựa thồ”, “mắc bệnh thơ”…Những loại người ấy được gắn chặt với một loạt chi tiết ngoại hình “lếch thếch”, “lôi thôi”, “nghễnh ngãng”, “chân lục bát”, “đi loằng ngoằng”, “u ơ ú ớ ù ờ”… Trong bài Tập ru con, ru theo lối hát “xẩm” chính hiệu, nhà thơ – nhân vật trữ tình biến mình thành ông “Ba bị Chín quai”, một loại hình tượng nghịch dị:

Sáu mồm, hai mũi, ba tai

một con mắt đú đởn vài con người

dạ dày còn nửa phần thôi

phần tư bộ óc với mười quả tim

mơ mòng mình mọc lông chim

đang đêm đốt đuốc đi tìm bình minh

Những từ định danh, định tính như “mơ mộng”, “mộng du”, “nòi lẩn thẩn”, “động cỡn”, “tâm thần”, “tâm linh”, “mắc bệnh”… và các chi tiết ngoại hình như thế khiến ta liên tưởng “Xẩm” của Nguyễn Duy với các nhân vật thằng Mõ, mẹ Đốp trong văn hóa dân gian, những ông Ngư, ông Tiều, ông Quán trong truyện Nôm Việt Nam thế kỉ XVIII, hay những Hoàng tử Ngốc, Công chúa Đần, anh Hề, người Điên trong sáng tác của các nhà Phục Hưng phương Tây. Chúng là hình tượng lật ngược, lộn trái các nhân vật tao nhân mặc khách, hiền nhân quân tử, anh hùng mã thượng trong phong cách thông thái bác học, nhìn từ quan điểm của nhân dân.

Bên trong cái dáng vẻ “lẩn thẩn”, “mơ mộng”,“mộng du”, “tâm thần”, “tâm linh”, “Xẩm” của Nguyễn Duy “vẫn trang trọng một tấm lòng trung thực” và là một trí tuệ sáng láng. Như những thằng Mõ, mẹ Đốp trong văn hóa dân gian, giống Donkihote vừa là anh hề, vừa là thằng điên trong tiểu thuyết của Cervantes, như vua Lear điên dại và thằng hề của ông, như Hamlet giả hề, giả điên trong kịch của W. Shakespears, đôi mắt trung thực của nó nhìn thấy những “thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ/ ợ lên nhồn nhột cả tim gan” mà các bậc hiền nhân trên “đỉnh cao muôn trượng” không thể thấy. Phía sau cái hình hài “lếch thếch”, “lôi thôi”, “nghễnh ngãng”, “đi loằng ngoằng”, “Xẩm” của Nguyễn Duy còn là một khí phách hào sảng như cốt cách của nhân dân. Nó muốn được làm tiếng hát …. lang thang/ khắp đất nước/ hát bài hát/ ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC”. Nó viết “câu thơ tuẫn tiết”, đánh thức tình yêu và nỗi đau dân nước:

Nhắm mắt lại mà nhìn

thăm thẳm

yêu và đau

quằn quại bi hùng

Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng…

Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ.

Dĩ nhiên, hình tượng nhà thơ không đồng nhất với nhân vật trữ tình và mặt nạ ngôn ngữ của nó. Nhưng chính mặt nạ ngôn ngữ mà Nguyễn Duy đã chọn cho nhân vật trữ tình sẽ qui định phạm vi khách thể thẩm mĩ được nói tới trong thơ để tạo thành một sự kiện giao tiếp nghệ thuật.


[1] Ở Việt Nam, nguyên tắc chuyển thời gian lịch sử thành thời gian đời tư lần đầu tiên được Trần Đình Sử phân tích chi tiết trong: Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb “Tác phẩm mới”, H., 1987, tr. 207 – 232.

[2] Nguyễn Duy, Sáu & Tám, Nxb Văn học, 1994, tr. 123.

[3] Nguyễn Duy, Lục bát (Tuyển thơ), Nxb “Văn hóa – văn nghệ Tp HCM”, 2017, tr. 204 – 205.

Comments are closed.