Quê nhà trong thế giới – Hồi ký của người được giải Nobel Amartya Sen (kỳ 9)

Nguyễn Quang A dịch

9. Kháng cự và chia rẽ

1

‘Ranjit thế nào?’ bác Shidhu của tôi (anh họ của cha tôi) hỏi cô tôi Bani trong một lá thư từ nhà tù Burdwan. Ông than phiền về sự phức tạp của tên Amartya, càu nhàu rằng trong việc cho một cái tên ‘làm gãy răng’ như vậy cho một đứa trẻ nhỏ, Tagore đã cho thấy bằng chứng về việc ‘trở thành hoàn toàn dở người trong tuổi già của ông’. ‘Tôi sẽ gọi nó là Ranjit,’ bác Shidhu tuyên bố – ‘Nó thế nào?’ Bức thư trìu mến được viết vào ngày 22 tháng Tám 1934, trước khi tôi được một tuổi. Shidhu, hay Jyotirmoy Sengupta (mà là tên đúng của ông), ở trong nhà tù kể từ mùa hè 1932, trước khi tôi sinh. Ông bị tuyên án bảy năm, bị kết án vì sự buộc tội chung rằng ông hoạt động phá hoại Đế chế Anh (mà ông chắc chắn đã) và vì tội cá biệt rằng ông đã giúp để chuyển tiền chính phủ cho một nhóm cách mạng chuyên nổi loạn bạo lực. Shidhu bị chuyển từ nhà này tù sang nhà tù khác: Nhà tù Dhaka, Nhà tù Trung tâm Alipore, Nhà tù Burdwan, Nhà tù Trung tâm Midnapore, giữa các nhà tù khác. Như một đứa trẻ nhỏ, tôi được đưa đi thăm bác tôi với sự đều đặn nào đó trong những nhà giam khác nhau này.

Khi Shidhu bị kết án, ông chọn theo sự giam giữ nghiêm ngặt, với xiềng chân và mọi thứ, mặc dù với tư cách một tù nhân chính trị từ một gia đình giai cấp trung lưu có giáo dục ông đã có thể đặt mình vào sự giam giữ thoải mái hơn nhiều và ít làm mất danh giá hơn được hệ thống nhà tù Anh Ấn độ giác ngộ giai cấp cho phép. Ông thường xuyên viết cho mẹ ông rằng ông ‘rất khỏe’, nhưng sự thiếu ăn ông trải qua trong các nhà tù khác nhau hầu như chắc chắn góp vào căn bệnh lao nghiêm trọng mà ông mắc phải, làm cho trọng lượng của ông sụt một cách đáng lo ngại, như bạn tù của ông Muzaffar Ahmad cho biết. Vì sự nghiêm trọng của bệnh lao đe dọa tính mạng ông, và vì ông đã không làm phiền bất kể ai trong các nhà tù khác nhau nơi ông bị giữ, Shidhu cuối cùng đã được thả trong tháng Mười Hai 1937, trước sự hoàn tất bảy năm thụ án của ông một chút. Vào lúc đó, chao ôi, ông đã không xa cái chết. Tuy vậy, may cho tôi, tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện với bác sau khi bác được thả và có một số ký ức ấm áp về nghe bác nói về những chủ đề quan trọng như sự thống nhất của Ấn Độ và tính tầm thường chính trị của sự chia rẽ Hindu–Muslim. Mẹ tôi hết sức ngưỡng mộ Shidhu, và đã rất thích rằng ‘Ranjit’ có thể nói chuyện với, và học từ ông bác có tầm nhìn xa trông rộng và gan dạ của nó.

2

Khi lớn lên, tôi bị ấn tượng bởi sự thực rằng nhiều bác chú hay cậu của tôi đến vậy, kể cả em trai duy nhất của mẹ tôi, cậu Kankarmama, và những anh em họ khác nhau cả bên ngoại và bên nội, đã ở trong một nhà tù hay nhà tù khác. Tất cả họ đều bị giam giữ không phải bởi vì họ bị kết án về làm bất cứ thứ gì, mà bởi vì các nhà cai trị thực dân quyết định rằng họ có thể làm hại Raj nếu họ vẫn tự do. Họ vì thế bị giam theo tập quán thuộc địa ‘giam phòng ngừa’ được sử dụng rộng rãi. Vài trong số họ có các mối quan hệ với các nhà tổ chức các sự kiện bạo lực, nhưng hầu hết họ, như Kankarmama, đã cam kết dứt khoát với bất-bạo lực. Tuy vậy, các bài viết và bài phát biểu bất-bạo lực ủng hộ độc lập, nhất là những bài ủng hộ Mahatma Gandhi, đã là đủ để những người được cho là tác giả bị Raj giam phòng ngừa.

Shidhu, tuy vậy, đã không phải là một người bị giam như vậy, mà là người duy nhất trong số họ hàng bị tù của tôi đã thực sự bị kết án trong một tòa án. Tội cụ thể của ông là có tiếp xúc với, và cung cấp sự giúp đỡ cho, các nhà hoạt động ở Dhaka cướp một tàu hỏa chở, trong một buồng được niêm phong, tiền chính phủ cho sự sử dụng quân sự, mà các phiến quân dỡ xuống và đã chuyển cho các nhà cách mạng. Cuộc đột kích được thực hiện ngay khi tàu rời ga Dhaka. Đã không hoàn toàn rõ Shidhu dính líu trực tiếp thế nào vào bản thân cuộc đột kích, nhưng ông đã giúp mang tiền cho các nhà hoạt động chống-Raj (lái xe của chiếc xe được sử dụng cho việc chuyển (tiền) này đã trở thành ‘nhân chứng nhà nước (state witness)’ [người bị khởi tố nhưng được miễn kết tội do hợp tác làm chứng] trong một sự mặc cả tố tụng (plea bargain) và rõ ràng đã nhận diện Shidhu).

Cha tôi, Ashutosh Sen, đã chẳng bao giờ dính líu, hay có chiều hướng để bị dính líu, vào những hoạt động này. Ông đã thán phục sự gan dạ, sự dấn thân và sự hy sinh của những kẻ nổi loạn này, nhất là những người không giết hay làm bị thương ai cả, và đã rất sẵn lòng để giúp các nhà hoạt động trong tình trạng thiếu thốn trong đời sống cá nhân của họ. Nhưng sự nổi loạn bạo lực đã không phải là việc của ông và ông không có thời gian chút nào cho cái được gọi là ‘chủ nghĩa khủng bố’ (theo thuật ngữ ưa thích của Raj) mà chủ yếu có dạng thử đánh bom các sĩ quan Anh. Cha tôi nghĩ những hành động như vậy là dã man và hung bạo cũng như hoàn toàn vô ích trong một cuộc vận động để giải phóng Ấn Độ khỏi sự cai trị thuộc địa. Sự khâm phục của ông cho sự gan dạ và sự dấn thân của các nhà hoạt động này đã không kéo dài ra cho sự khâm phục giá trị đạo đức hay lập luận của họ.

Tiền chiếm được đã được chuyển cho những người nổi loạn buổi sáng sau cuộc đột kích, và cha tôi hỏi một trong những anh em họ liên quan – tôi nghĩ không phải Shidhu – họ giữ tiền đêm đó ở đâu, vì cảnh sát đã tìm nó mạnh mẽ mọi nơi ở Dhaka. Cha tôi kinh ngạc, và không thích, khi nhà hoạt động nói với ông rằng họ đã để tiền trong nhà ông – tức là trong nhà của cha tôi – trong một hòm cũ được trang trí trên hiên ở dưới nhà (‘chúng tôi biết chúng sẽ chẳng bao giờ đến nhà của anh’). Muộn hơn nhiều tôi biết được từ vở kịch tuyệt vời của Tom Stoppard, Professional Foul (Cú ăn Gian Nghề nghiệp), rằng các chiến lược tương tự cho việc trốn thoát sự phát hiện độc đoán qua việc giấu giếm các thứ bị tìm kiếm giữa các tài sản của những người tin cậy được sử dụng khắp thế giới. Tôi hiểu rằng Ashutosh đã cho các nhà hoạt động một bài giảng giận dữ vì sự thất bại đạo đức cũng như chính trị của họ, nhưng chỉ thế thôi.

Shidhu trải qua một sự biến đổi chính trị trong những năm ở tù của ông, trở nên bị ảnh hưởng mạnh của các ý tưởng chính trị và xã hội của Marx và Freud. Cả hai đã bỏ bùa mê ông, nhưng chính Marx là người đã khiến ông từ từ tin chắc rằng chủ nghĩa khủng bố là một sai lầm khổng lồ, và thay vào đó cái cần là việc nuôi dưỡng các phong trào quần chúng có tổ chức. Sự đọc rộng của ông ở các nhà tù khác nhau đã khiến ông hoàn toàn chống đối hành động khủng bố dại dột về làm bị thương hay giết các quan chức Anh, và ông tiếp tục lập kế hoạch cho một cuộc sống tương lai trong tổ chức của các công nhân và nông dân qua các phong trào công đoàn (mà ông sẽ tiếp tục theo đuổi trong thời gian ngắn còn lại sau khi ông được phóng thích khỏi nhà tù). Như tôi đã nhắc đến ở trước, trong tù ông đã quen thân Muzaffar Ahmad, một trong các nhà sáng lập của Đảng Cộng sản Ấn độ. Sau sự phóng thích của riêng ông, Muzaffar cũng vận động cho việc phóng thích Shidhu, giải thích rằng ông đã cắt mọi liên kết ông có thể có với những kẻ khủng bố và dự định để tập trung chỉ vào hoạt động công đoàn.

3

Vì tôi đã thăm các chú bác hay cậu của tôi thường xuyên, và tôi thích nói chuyện với họ, tôi bị mê hoặc bởi sự thực rằng họ đã khác nhau và thuộc về các đảng chính trị khác nhau – cậu Kankarmama đã ở trong Đảng Đại hội Xã hội Chủ nghĩa (một phần của [đảng] Đại hội [hay Quốc Đại] chung), Lankarmama trong Đảng Cộng sản và vân vân. Tôi được đưa đi thăm họ với những người lớn trong gia đình, và nhớ đã khá xúc động khi, trong một dịp, cậu Kankarmama bảo tôi rằng cậu rất vui rằng cậu vừa được chuyển tới một phòng mà bên ngoài có một cây, cái gì đó cậu không nhìn thấy trong thời gian khá dài. ‘Nó là một cảnh rất dịu dàng,’ cậu bảo tôi, ‘đặc biệt vì được nhắc nhở rằng có một thế giới bình thường ở bên ngoài những bức tường cao của nhà tù, nơi những lá non trổ ra trong mùa xuân.’

Cậu bảo tôi rằng cậu cũng rất vui để có hình vài con vịt, do tôi vẽ, mà tôi gửi cho cậu trên một thiếp bưu chính – những con vịt từ khu đất riêng của chúng tôi. Vào một dịp tôi hỏi cậu về sự khác biệt giữa những người cộng sản và những người xã hội chủ nghĩa, và cậu bảo tôi rằng trong khi cậu không thể có một cuộc thảo luận chính trị trong ‘giờ thăm’ bị giám sát chặt chẽ trong nhà tù, cậu sẽ nói chuyện với tôi về chủ đề đó ngay khi cậu được thả. Cậu đã rất phê phán những người cộng sản, đặc biệt vì ‘tính nô lệ’ của họ đối với Liên Xô (‘nó là một loại phá sản chính trị,’ cậu bảo tôi).

Bà tôi Didima, mẹ của Kankarmama, đã luôn luôn khá xúc động khi nói lời tạm biệt với cậu vào cuối giờ thăm hàng tuần. Ông tôi, Kshiti Mohan, đã không giúp bằng việc có vẻ thản nhiên và kiên quyết. Ông đã làm cho giờ thăm ngắn còn ngắn hơn (đặc biệt cho Didima) bằng việc nói với chúng tôi, cách quãng đều đặn, rằng chúng tôi chỉ còn hai mươi (hay mười lăm, hay mười, hay năm) phút nữa thôi – ‘bất cứ thứ gì quan trọng mọi người muốn thảo luận phải được thảo luận bây giờ’ – những sự cảnh báo làm cho mọi cuộc thảo luận ngừng lại. Tôi biết nỗi buồn triền miên của ông về sự giam cầm của con trai ông chỉ khi ông và tôi có những cuộc đi bộ dài sáng sớm trước bình minh, với những vì sao vẫn sáng ở trên đầu.

Ngoài việc thăm con trai bà trong nhà tù, bà tôi cũng đã thử khiếu nại lên vài quan chức của Raj mà bà biết (hay có họ hàng với), biện hộ rằng con trai bà vô tội và không được giữ vì sự giam phòng ngừa. Tôi đã đi cùng bà vào một dịp khi bà thăm một quan chức Công Vụ Ấn độ (Indian Civil Service – ICS) nổi tiếng, B. R. Sen, người là một họ hàng xa. Binay Ranjan đã là Thẩm phán Quận ở Midnapore, nhưng khi Didima đến thăm, ông giúp điều phối các chính sách lương thực của Raj. (Ông có số đen để là một quan chức cấp cao với trách nhiệm đó khi nạn đói Bengal xảy ra.) Chúng tôi đợi ông trong một phòng tiếp bên ngoài, được bảo rằng ông sẽ gặp Didima sau khi ông cạo râu. Chúng tôi đợi khoảng hai giờ, trong thời gian đó chúng tôi nghe âm thanh của cuộc trò chuyện nhẹ nhàng xảy ra bên trong phòng của ông, với tiếng cười thi thoảng. Tôi nhớ đã hỏi Didima liệu có lẽ ông ta có một bộ râu rất rậm.

Cuối cùng ông ta có thời gian cho Didima – vài phút – cho phép bà giải thích cho ông ta rằng con trai bà đã không dính líu chút nào vào bất kể hoạt động bạo lực nào. ‘Tôi không thể giúp nó,’ B. R. Sen nói với bà, ‘trừ phi nó thay đổi thái độ chính trị của nó đối với Chính phủ. Sự buộc tội chống lại nó không phải là bạo lực, mà là những bài viết của nó tạo ra sự bất mãn về đế chế. Nó sẽ được thả vào thời khắc nó dừng việc này.’ Tôi quay về nhà với Didima cực kỳ thất vọng, nhưng muộn hơn bà thích trích ý kiến tích cực hơn của tôi về cuộc gặp. ‘Ông ấy đã cạo râu rất kỹ,’ tôi nói với Didima.

Sau năm 1947, khi các cựu quan chức ICS những người tận tụy phục vụ sự cai trị Anh (kể cả việc giữ những người Ấn độ nổi loạn trong tù) đã được trao những vị trí nổi bật trong thế giới quốc tế như các đại diện của một nước mới độc lập, B. R. Sen trở thành Tổng giám đốc của Tổ chức Lương Nông (FAO), có trụ sở ở Rome. Có hiệu quả trong mọi thứ ông làm, ông đã phục vụ rất đáng tin cậy trong tổ chức đó – như ông đã phục vụ các ông chủ Anh trước đó. Ông rõ ràng đã có vài sáng kiến sáng tạo, nhưng những người bảo vệ văn hóa Raj sẽ được an ủi để biết rằng ở FAO ông đã tiếp tục truyền thống của các quan chức cấp cao của Ấn Độ thuộc Anh chẳng bao giờ được thấy xách cặp của riêng mình – người phục vụ của ông, đi sau hai bước, đã luôn luôn xách nó cho ông. Việc này đã làm các bạn Italia của tôi ở Rome biết về ông, buồn cười. Tôi đã phải giải thích cho họ ‘văn hóa người phục vụ’ không thay đổi được của Raj.

4

Trong thời thơ ấu của tôi, các phong trào vì độc lập Ấn độ đã trở nên mạnh hơn và quyết tâm hơn. Đã có nhiều loại hoạt động và khích động, và khi tôi lớn lên tôi muốn thử và hiểu chúng khác nhau thế nào – và vì sao.

Rồi Chiến tranh Thế giới thứ Hai đột nhiên trở thành mối quan tâm chính của các nhà cai trị Anh ở Ấn Độ. Trong năm 1939 Lord Linlithgow, Toàn quyền Ấn Độ, đưa ra một tuyên bố đơn phương công bố rằng Ấn Độ là một bên của cuộc chiến tranh này, tất nhiên ở bên Anh. Khi lời công bố đó được đưa ra, tôi gần sáu tuổi, và chúng tôi trên đường về từ Mandalay đến Dhaka, nơi cha tôi tiếp tục những nghĩa vụ dạy học của ông tại Đại học. Tuyên bố Linlithgow, được đưa ra mà không có bất cứ loại bàn bạc nào ở Ấn Độ, đã bị chỉ trích hết sức, và tôi lờ mờ nhận thấy rằng, mặc dù gần như tất cả những người lớn trong gia đình tôi có vẻ rất phản đối nước Đức Nazi, họ nghĩ rằng Ấn Độ không nên bị kéo vào cuộc chiến mà không có việc tham vấn những người Ấn độ đầu tiên.

Đã không phải là sự thiếu đồng cảm cho sự đấu tranh của Anh chống lại chủ nghĩa Nazi, mà đúng hơn là sự từ chối không cho Ấn Độ quyền để được tham vấn là cái gây ra nhiều thất vọng và tức giận. Cũng đã có những vấn đề khác, lớn hơn, vượt xa hơn quyền để được tham vấn. (Đảng) Quốc gia Đại hội (National Congress) Ấn độ [đảng Quốc Đại) sẵn sàng hợp tác với những người Anh với điều kiện vấn đề độc lập của Ấn Độ được giải quyết. Chiến tranh được xem là nghiêm trọng ở Ấn Độ và nó sẽ sớm đến Burma, từ nơi chúng tôi vừa trở về, nhưng nhiều người Ấn độ đã biết rồi về những câu chuyện về những hành động tàn bạo Nhật bản ở Trung Quốc kéo theo nhiều sự lên án.

Để xử lý sự bất mãn tăng lên ở Ấn Độ, trong tháng Ba 1942 một Phái đoàn đã được chính phủ Anh cử đi để nói chuyện với các lãnh đạo chính trị Ấn độ về sự hợp tác đầy đủ hơn trong những nỗ lực chiến tranh. Nó được dẫn đầu bởi Sir Stafford Cripps, một trong những nhân vật cao cấp nhất trong Đảng Lao động, mà – tôi nắm được từ cha mẹ tôi và các bác tôi – đã là một ‘người rất tốt’. Ông được cho là nói chuyện với các lãnh đạo Ấn độ và thúc giục họ hợp tác trong những nỗ lực chiến tranh để đổi lấy một lời hứa chắc chắn rằng sự độc lập Ấn độ sẽ được xem xét nghiêm túc sau chiến tranh. Tuy vậy, không có sự nhượng bộ ngay lập tức nào cho sự độc lập Ấn độ từ các nhà cai trị Anh.

Gandhi đã thấy sự thiếu bất kể sự thay đổi ngay lập tức nào là hoàn toàn không thể chấp nhận được, nhưng chính phủ Churchill đã không cho phép Cripps đưa ra bất cứ thỏa thuận nào mà có thể được hoan nghênh hơn đối với các nhà lãnh đạo Ấn độ. Các cuộc thương lượng, Cripps hứa, sẽ bắt đầu sau khi chiến tranh kết thúc. Gandhi vẫn không nhiệt tình. Khi Cripps hỏi vì sao ông có vẻ không mủi lòng đến vậy, Gandhi hình như đã nói rằng ông cố tìm hiểu ra ông có thể làm chính xác cái gì với ‘một tấm séc được nghi ngày tháng muộn trong một ngân hàng đang phá sản’. Đã có sự suy đoán nào đó về liệu Churchill cử Cripps đến Ấn Độ không phải để giành được sự hợp tác của các lãnh đạo chính trị Ấn độ (mà Cripps có lẽ không thể đạt được căn cứ vào cái ông được ủy quyền để đưa ra), mà đúng hơn là để làm suy yếu ‘người rất tốt’ này khỏi Đảng Lao động, người lúc đó được nói đến như một thủ tướng thay thế, nếu Churchill [thuộc Đảng Bảo thủ] đổ.

Vào ngày 8 tháng Tám 1942, sau thất bại của Phái đoàn Cripps trong tháng Tư, Gandhi khởi động phong trào ‘Buông Ấn Độ (Quit India)’. Việc này đã có sự hợp tác của các lãnh đạo Quốc Đại, và ngày sau tuyên bố đó, gần như tất cả họ – Gandhi, Nehru và những người khác – đã bị bắt. Vào mùa hè 1942 có hơn 30.000 người bị giữ như các tù nhân chính trị trong các nhà tù Anh Ấn độ. ‘Bảng vàng danh dự’, như nó được các nhà dân tộc chủ nghĩa nổi loạn gọi, đã gồm nhiều thành viên của đại gia đình của tôi. Cậu Kankarmama vài chú bác khác của tôi đã quay lại nhà tù. ‘Cuộc nổi loạn tháng Tám’ được xúi giục bởi phong trào Buông Ấn Độ đã mạnh, đặc biệt ở Bengal, và tôi nhớ bị xúc động bởi những tường thuật về chủ nghĩa anh hùng của những người tham gia phong trào. Vào cuối năm, tuy vậy, cuộc khởi nghĩa, bây giờ phần lớn không có lãnh đạo – bởi vì tất cả lãnh đạo Quốc Đại đã ở trong nhà tù – đã kết thúc. Cái đã không kết thúc là những cuộc tranh luận xảy ra ở mọi nơi bởi các sự kiện chuyển động nhanh, kể cả ở nhà tôi và trường tôi.

Với những người Đức tấn công Liên Xô trong tháng Sáu 1941, Đảng Cộng sản Ấn độ cũng đã cho việc chiến thắng chiến tranh chống lại các cường quốc phe Trục sự ưu tiên hơn sự nghiệp độc lập Ấn độ. Những người Cộng sản bị các nhà dân tộc chủ nghĩa chỉ trích mạnh mẽ vì sự thay đổi thái độ đột ngột này của họ và sẽ chịu một sự thất bại hoàn toàn trong các cuộc bầu cử tỉnh trong năm 1946. Những cuộc tranh luận quanh vấn đề này đã chia rẽ các thành viên lớn tuổi của đại gia đình chúng tôi. Lankarmama, với tư cách một thành viên tích cực của Đảng, đã làm hết sức ông để đưa ra các lý do hợp lý cho sự thay đổi lập trường Cộng sản, nhưng không thành viên khác nào của đại gia đình tôi đã có cảm tình chút nào với sự quay ngoắt 180 độ của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, đã có nhiều người có cảm tình trong số họ nghĩ rằng sự đánh bại Đức Nazi là quan trọng hơn bất kể vấn đề ‘dân tộc chủ nghĩa’ nào mà Quốc Đại đã hoàn toàn bận tâm đến vậy.

Như thế cũng đã có sự chỉ trích Quốc Đại nữa: thậm chí Kankarmama, mà bản thân cậu ở trong Đảng Xã hội chủ nghĩa Đại hội, bảo tôi, ‘Chúng ta phải nhớ rằng có một thế giới bên ngoài Ấn Độ và Anh.’ Nhưng cậu đã phê phán hơn nhiều sự bất lực của những người Cộng sản để ‘cưỡng lại sự phục tùng đường lối Soviet’. Những người Cộng sản đã không gia nhập – và theo nhiều cách đã hành động chống lại – phong trào ‘Buông Ấn Độ’, và tốc độ mà Đảng liên kết với cái một số người gọi là ‘các ông chủ Soviet của họ’ đã thu hút sự chỉ trích gay gắt trong những cuộc trò chuyện gia đình, mà tôi đã là một người nghe thèm thuồng.

5

Một sự tiến triển lý thú độc nhất của thời kỳ đó liên quan đến Subhas Chandra Bose, một nhà lãnh đạo vĩ đại của phong trào độc lập (thường được gọi là ‘Netaji’ – lãnh tụ). Bose đã là một nhân vật quan trọng trong Đại hội (đảng Quốc Đại) và đã truyền cảm hứng cho nhân dân đấu tranh vì sự độc lập của Ấn Độ; vào năm 1938 ông được bàu làm Chủ tịch Đại hội. Những quan điểm chính trị cấp tiến của ông và những cam kết thế tục không khoan nhượng của ông đã khiến ông nổi tiếng trong đại gia đình tôi. Tuy vậy, có một số nghi ngờ liên quan đến sự nhập nhằng của ông về bạo lực như một phương tiện để đạt được sự độc lập Ấn độ, và những người đi theo Gandhi trong gia đình (như cậu Kankarmama) đã có những sự e dè về ông vì lý do đó. Trong năm 1939 ông bị đuổi khỏi vai trò của ông trong ban lãnh đạo Đại hội. Sự trục xuất này trên thực tế là việc làm của Gandhi, bằng kế mà có thể được xem như hơi lén lút.

Bose bị Raj bỏ tù ở Calcutta không lâu sau sự trục xuất của ông, và sau đó bị quản thúc tại gia, từ đó ông đã trốn thoát trong năm 1941 (được giúp đỡ táo bạo bởi cháu trai ông Sisir Bose). Ông tìm đường đến Afghanistan, và cuối cùng, trong tháng Tư năm đó, đến nước Đức. Ông muốn xây dựng một quân đội của những người Ấn độ, với sự giúp đỡ Đức, để chiến đấu cho độc lập. Chỉ muộn hơn chúng ta biết được rằng Bose có một bạn gái ở nước Đức, từ một cuộc viếng thăm trước ở đó trong năm 1934, có tên là Emilie Schenkl. Ông cũng thiết tha để quay lại với cô. Họ đã tiếp tục để có một con gái trong năm 1942. Bất chấp việc giúp để dựng lên một đài radio Ấn Độ Tự do, sự cam kết Đức cho độc lập Ấn độ đối với Bose đã có vẻ khá ít. Ông quyết định lại chuyển chỗ, và cuối cùng đã tìm được cách tới Nhật Bản trong những tháng đầu của năm 1943 sau môt hành trình biển nguy hiểm, hầu hết trong một tàu ngầm.

Sau đó tình tình diễn biến nhanh. Bose – hay Netaji – đã tuyển mộ một số đáng kể binh sĩ từ các lính Ấn độ bị bắt ở Đông Nam Á, từ nơi những người Anh rút lui dưới sự tấn công Nhật bản. Quân đội này, được gọi là Quân đội Quốc gia Ấn độ (Indian National Army-INA) hay Azad Hind Fauj, cũng đã có nhiều lính mới từ những kiều dân Ấn độ ở Đông Nam Á, mà đã thêm vào sức mạnh của nó. INA đã chiến đấu sát cánh cùng những người Nhật, và đã đến Imphal trên rìa cực đông của Ấn Độ. Vào lúc đó chiến tranh đã đổi chiều: INA, giống quân đội Nhật, đã chịu một loạt thất bại và buộc phải rút lui. Vào năm 1945 tất cả đã kết thúc, tiếp sau việc ném những quả bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6 tháng Tám và xuống Nagasaki ngày 9. Hơn một tuần sau, vào ngày 18 tháng Tám, Bose, người được người Nhật chở bằng máy bay ra khỏi Nhật Bản trước khi các lực lượng Đồng minh đến, đã chết trong một vụ rơi máy bay. Chỉ ba ngày trước cái chết của ông, vào ngày 15 tháng Tám 1945 (tình cờ, chính xác hai năm trước sự độc lập Ấn độ), ông đã lặp lại mục tiêu đằng sau tất cả các hoạt động của ông trong một bài phát biểu với quốc dân, nói rằng, ‘Không cường quốc nào trên trái đất có thể bắt Ấn Độ làm nô lệ.1 Ấn Độ sẽ tự do và chẳng bao lâu nữa.’

Khi tin tức về các phong trào và các hoạt động của Netaji thấm qua tới chúng tôi ở Ấn Độ, đã có nhiều tranh luận ở trường tôi và bên trong gia đình tôi về cả tính hiệu quả và sự đúng đắn của cái ông đang làm. Một số người đã xúc động sâu sắc và phấn khởi; những người khác thì nghi ngờ liệu việc gia nhập lực lượng với Nhật Bản và Đức có thể đúng hay không trong khung cảnh chiến tranh toàn cầu; còn những người khác đơn giản bối rối về việc nghĩ gì về một vấn đề khó như vậy. Bose, thực ra, đã không là một người ngưỡng mộ Đức Nazi, hay thậm chí Nhật Bản hiếu chiến, và quả thực trong Diễn văn Chủ tịch của Quốc Đại Ấn độ ở Haripura trong năm 1938 ông đã mô tả Nhật Bản bành trướng chủ nghĩa mới nổi lên như ‘hiếu chiến, gây hấn và đế quốc chủ nghĩa’. Nhưng rõ ràng, vì mục tiêu át hẳn của việc chấm dứt sự Cai trị Anh ở Ấn Độ, Bose đã sẵn sàng làm việc với Nhật Bản không có một quá khứ đế quốc trong các mối quan hệ của nó với Ấn Độ.

Raj đã cấm những buổi phát thanh của INA, và việc nghe chúng lúc đó bị xem như một tội nghiêm trọng, nhưng tất nhiên nhiều người trong chúng tôi đã bật radio của chúng tôi để nghe thông tin bị cấm. Chúng tôi tụ tập trong một phòng trong các ký túc xá học sinh ở Santiniketan, thường ở Satish Kutir, và, sau khi đóng tất cả các cửa sổ, bật radio lên – tiếng nhỏ nhưng rõ. Đã có sự phấn khích ngay cả khi chúng tôi không thể tin hoàn toàn những gì người phát ngôn INA nói với chúng tôi. Ngay cả những người nghi ngờ mạnh sự khôn ngoan chính trị của những bước đi mà Bose tiến hành đã không thể không khâm phục cái ông và những người đi theo ông thử làm cho Ấn Độ – và chịu rủi ro cá nhân lớn, trong một thế giới rất khó khăn.

Khi các nhà cai trị Anh của Ấn Độ bắt đầu đưa các sĩ quan INA bị bắt ra tòa án binh, đã có sự bất bình khổng lồ khắp đất nước, vì các sĩ quan này, lúc đó, ở Ấn Độ được xem như những người yêu nước. Tôi nhớ rằng – giống hầu hết học sinh trong trường tôi – tôi đã đeo các phù hiệu để ủng hộ việc trả tự do cho các sĩ quan INA. Tại điểm này, tuy vậy, đế chế Ấn độ của nước Anh bắt đầu sụp đổ và các sĩ quan chờ xét xử cuối cùng được những người Anh trả tự do.

6

Có lẽ chẳng gì đã trọng yếu vào lúc này cho tương lai của Ấn Độ thuộc Anh như sự nổi lên của Liên đoàn Muslim, dưới sự lãnh đạo của Muhammad Ali Jinnah, một chính trị gia dày dạn. Liên đoàn Muslim bắt đầu như một thực thể chính trị trong những năm 1920, tự cho là đại diện các lợi ích của những người Muslim trong tiểu lục địa. Dần dần nó trở thành một lực lượng chính trị quan trọng, thúc đẩy quan điểm mà chẳng khác gì sự chia cắt đất nước – với một Ấn Độ Hindu và một Pakistan Muslim – sẽ thỏa mãn đòi hỏi của sự đối xử công bằng cho những người Muslim Ấn độ. Quan điểm này, tất nhiên, đã không được ưa chuộng trong đại gia đình tôi, thế tục một cách mạnh mẽ. Nhưng, quan trọng hơn, gia đình – nhất là Kshiti Mohan Sen (như được thảo luận trong Chương 8) – đã hoàn toàn tin rằng sự chia rẽ Hindu–Muslim, trong khi quan trọng về mặt các niềm tin tôn giáo, đã không có tầm quan trọng chính trị nào (nó đã có thể có tầm quan trọng chính trị chỉ nếu các bản sắc tôn giáo được chèn một cách nhân tạo vào chính trị).

Jinnah, tuy vậy, trở thành vô cùng có ảnh hưởng. Thoạt tiên việc này đến chậm. Trong những cuộc bầu cử tỉnh năm 1937, Liên đoàn không nhận được bất cứ cái gì giống một đa số ngay cả tại các bang đa số Muslim của Bengal và Punjab. Nó đã tăng ảnh hưởng đột ngột giữa cuối những năm 1930 và những năm 1940, và Nghị quyết Lahore năm 1940, do Jinnah dàn xếp, đã thêm vào cái gì đó giống một kế hoạch cho sự chia cắt Ấn Độ theo các dòng tôn giáo.

Đối với nhiều người Muslim Ấn độ, dòng tư duy gây chia rẽ này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Như Rafiq Zakaria, một nhà phân tích chính trị hàng đầu ở Ấn Độ, diễn đạt trong tường thuật của ông trong cuốn The Man Who Divided India [Người Đã Chia Ấn Độ] (2001), Jinnah đã đề xuất ‘lý thuyết Hai-Quốc gia’ nguy hại của ông chỉ để theo đuổi các mục tiêu hẹp hòi của ông.2 Ông truyền bá rộng rãi lý thuyết của ông rằng những người Hindu và những người Muslim đã tạo thành hai quốc gia riêng biệt và đã sử dụng nó để biện minh đòi hỏi của ông rằng ‘Ấn Độ phải bị chia cắt và những người Muslims được trao một tổ quốc tách biệt.’ Chẩn đoán nguy hại đó được chia sẻ bởi nhiều người Muslim Ấn độ lúc đó, nhưng những người có khuynh hướng tích cực để chấp nhận lý thuyết Hai Quốc gia cũng đã tăng lên về con số trong những năm 1940. Trong các cuộc bầu cử tỉnh ở Bengal trong tháng Giêng 1946, chỉ một năm trước sự Chia cắt, Liên đoàn Muslim đã thắng, lần đầu tiên, một phần lớn (plurality) thuyết phục – tuy không phải một đa số (majority) hoàn toàn – của tất cả các ghế.

Vào thời gian của Nghị quyết Lahore trong năm 1940, tôi vẫn chưa lên bảy. Nhưng điểm ngoặt đó là mấu chốt trong các cuộc thảo luận xảy ra suốt năm học của tôi. Khi các cuộc nổi loạn Hindu–Muslim trở thành những sự kiện quen thuộc ở cái trước đó được coi là một Bengal hội nhập tốt, bản chất gây cháy của Nghị quyết Lahore được đưa ra mạnh mẽ trong những cuộc trao đổi xảy ra quanh tôi. Jinnah đã hỗ trợ cương lĩnh chính trị của ông trong năm 1946 với một đòi hỏi cho ‘hành động trực tiếp’ của những người Muslim để hoàn tất sự chia cắt đất nước. Một sự bùng nổ giết chóc nghịch đạo (communal) – cả của những người Muslim và những người Hindu – đã nổ ra tại Calcutta và nơi khác ở Bengal, lớn hơn bất cứ thứ gì đã từng xảy ra trước đó. Các lựa chọn chính trị sẵn có cho sự cai quản thế tục đã co lại nhanh chóng.

Tuy vậy, để đổ lỗi chỉ cho Jinnah và Liên đoàn Muslim vì bắt đầu bạo lực và các cuộc náo động có hai hạn chế quan trọng. Thứ nhất, mặc dù một đa số áp đảo của các lãnh đạo Quốc Đại – từ Nehru đến Abul Kalam Azad – đã cam kết với chính trị thế tục, ngay cả ở Ấn Độ trước-Chia cắt đã có nhiều tiếng nói ủng hộ – một cách tường minh hay ngầm định – chủ nghĩa đa số Hindu. Thậm chí lý thuyết Hai Quốc gia đầu tiên được công bố không phải bởi Jinnah mà bởi Vinayak Damodar Savarkar trong bài diễn văn chủ tịch của ông cho đảng Mahasabha Hindu trong năm 1937. Savarkar đã là một người chủ trương mạnh mẽ của chính trị Hindu: chính ông là người đã tạo ra từ ‘Hindutva’ có thể được dịch từ Sanskrit như ‘phẩm chất để là người Hindu’, mà được lưu hành nhiều đến vậy bây giờ. Tư tưởng của ông vẫn rất có ảnh hưởng trong tư duy đa số chủ nghĩa (majoritarian-đa số thống trị) Hindu ở Ấn Độ ngày nay, nhưng ông không đơn độc trong việc bênh vực cho một ‘Hindu Rashtra’ (sự thống trị chính trị Hindu) hơn là một Ấn Độ thế tục đa-tôn giáo. Một nhân vật quan trọng ở bên Hindutva đã là Madhav Sadashiv Golwalkar, người đã cung cấp sự lãnh đạo tổ chức rất-cần đến cho phong trào cũng như các lý thuyết khá riêng biệt về tính riêng biệt Hindu.

Thứ hai, Quốc Đại đã làm quá ít để giữ sự trung thành của những người Muslim ủng hộ nó. Như Rafiq Zakaria chỉ ra, ‘Đã không có cách tiếp cận duy lý được phối hợp nào về phần của Quốc Đại để vạch trần trò chơi của Jinnah mà đã đe dọa để đưa những người Hindu và những người Muslim bất hòa với nhau và như thế phá hoại đặc trưng hỗn hợp của quốc gia.’3 Tôi nhớ Kshiti Mohan đã cảm thấy thất vọng thế nào rằng nhiều thế kỷ của công trình cộng tác của những người Muslim và những người Hindus đã nhận được sự bày tỏ ý kiến công khai ít đến vậy từ ban lãnh đạo Quốc Đại, mà tiêu điểm của họ đã có vẻ không trải ra quá sự chịu đựng nhau thụ động. ‘Nhiều hơn việc sống hòa bình với nhau rất nhiều liên quan đến Ấn Độ mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng,’ Kshiti Mohan tiếp tục nói với tôi.

7

Nghiên cứu theo sau, đặc biệt của Ayesha Jalal, đã làm rõ rằng bản thân Jinnah đã không thực sự rất hăng hái về một sự chia cắt dứt khoát. Ông đã muốn một nước chia ra có điều kiện, một Ấn Độ đa số Hindu và một Pakistan đa số Muslim, với chính sách ngoại giao và quốc phòng chung – rất xa với cái đã thực sự nổi lên. Jalal đã cung cấp một bình luận mạnh mẽ về tính mập mờ của Jinnah về chủ đề Chia cắt và các vấn đề đối nội trong các chính sách mà ông theo đuổi. Bà hỏi, ‘một Pakistan đã xảy ra như thế nào mà lại phù hợp tồi đến vậy với các lợi ích của hầu hết những người Muslim?’4 Câu hỏi đó có được tính xác đáng khi thời gian qua đi, và khi địa vị thống trị của quân đội ở Pakistan trở nên ngày càng rõ. Jinnah đã không đặc biệt sùng đạo (cá tính của ông đã là cá tính của một quý ông được Tây phương hóa, thích uống Whisky), và quả thực ông đã có một bài phát biểu trước sự sinh ra của Pakistan không lâu, khi ông trở thành Toàn Quyền đầu tiên của nó, bênh vực cho quyền tự do tôn giáo và các quyền ngang nhau cho tất cả mọi người. Nhưng do một sự mỉa mai của chính trị ông giúp tạo ra một chính thể quốc gia mà trong đó sự hấp dẫn của chủ nghĩa chính thống Islamic sẽ nhanh chóng thắng thế. Lord Mountbatten, Toàn quyền mới của Ấn Độ, với sự đồng ý của Nehru, đã có vẻ sẵn lòng giao cho Jinnah thậm chí nhiều hơn cái ông đã thực sự muốn.

Các vấn đề của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và uy thế của quân đội Pakistan nhân danh tôn giáo, tất nhiên, sẽ chỉ nổi lên từ từ. Nhưng trong thế giới của những năm 1940, hoạt động chính trị gây chia rẽ của những người Muslim và những người Hindu đã phát điên, dẫn đến những sự hỗn loạn và sự đổ máu, và biến các cuộc náo loạn Hindu–Muslim thành một chuẩn mực trong nước, kể cả ở Bengal. Cuối cùng, khi sự chia cắt thực sự xảy ra, khoảng 1 triệu người đã bị giết trong bạo lực của các cuộc bạo loạn và những cuộc chém giết nghịch đạo (communal) có tổ chức, hàng ngàn phụ nữ bị hiếp và 15 triệu người đã bị dời chỗ khỏi quê hương của họ. Saadat Hasan Manto, nhà văn lỗi lạc, đã thâu tóm cảm giác thất vọng của chúng tôi khi ông mô tả các cuộc nổi loạn đã cho thấy bằng cách nào con người có thể là ‘nô lệ của sự cố chấp … nô lệ của những đam mê tôn giáo, nô lệ của những bản năng động vật và tính dã man’.

8

Khi những sự kích động cho sự chia cắt của Ấn Độ lấy được đà, cha tôi đã vẫn dạy ở Đại học Dhaka. Nhưng những cuộc nổi loạn và sự mất trật tự đã làm cho khó để tổ chức các lớp học ở Ramna, vùng của Dhaka nơi Đại học tọa lạc. Hai năm trước Chia cắt, nhưng sau nhiều tháng của sự giảng dạy và nghiên cứu bị gián đoạn, một số giáo viên đại học ở Dhaka đã quyết định bỏ đi. Cùng với cha tôi, nhóm đã gồm nhà vật lý học Satyendra Nath Bose (của thống kê Bose–Einstein), nhà kinh tế học Amiya Kumar Dasgupta, tác giả văn học Buddhadeb Bose và một số người khác. Ngôi nhà thân yêu của chúng tôi tại Wari ở Dhaka bị khóa lại và cha mẹ tôi đã chuyển tới Calcutta. Tôi đã ở Santiniketan rồi, mà – giống Calcutta – sẽ là một phần của Tây Bengal trong Ấn Độ bị chia cắt. Dhaka sẽ trở thành thủ đô của Đông Pakistan.

Ngay cả sau khi rời Dhaka, cha tôi, Ashutosh Sen, tiếp tục có sự quan tâm nghiêm túc đến hoạt động chính trị của đại học của ông. Ông hết sức chán hoạt động chính trị Quốc Đại về Bengal, bị chi phối, có thể nói vậy, bởi các địa chủ Hindu, và ông đã tìm một lựa chọn thay thế nhân văn hơn. Một trong những bạn thân của ông ở đại học, Fazlur Rahman, người gia nhập Liên đoàn Muslim, đã giữ liên lạc với ông. Bất chấp tư cách thành viên Liên đoàn của ông, ông cho là đang thử để đạt loại nào đó của chủ nghĩa thế tục thật sự suốt các năm 1945–6. Ashutosh đã thấy sự ứng cử của Rahman cho các cuộc bầu cử tỉnh một cách đồng tình, cho rằng phải trao nhiều trọng lượng hơn cho bản chất và ‘phẩm chất’ của một người hơn là cho đảng mà người đó thuộc về. Ông và Amiya Dasgupta đã trao đổi thư từ rõ ràng về những lựa chọn liên quan. Trong cuộc bầu cử tỉnh trong khu vực bầu cử Đại học Dhaka, Rahman đã thắng nhân danh Liên đoàn Muslim, với sự ủng hộ của một số giáo sư Hindu, kể cả cha tôi và Amiya Dasgupta.

Rahman rõ ràng là một người tử tế, nhưng Ashutosh và các đồng nghiệp của ông bỏ phiếu cho Rahman hẳn đã phải khá ấu trĩ để nghĩ rằng, trong bầu không khí chính trị của 1946–7, một thành viên của Liên đoàn Muslim có nhiều quyền tự do để theo đuổi bất cứ loại đường lối chính trị độc lập nào. Ashutosh vẫn là một người thường xuyên lạc quan, với niềm tin lớn vào khả năng của con người để là một người suy nghĩ và tác nhân độc lập, và các chú bác của tôi có lẽ đã đúng trong việc xác định rằng cha tôi đã khăng khăng đánh giá thấp vai trò của các đảng và các tổ chức.5

9

Khi sự chia cắt có vẻ ngày càng không thể tránh khỏi, chúng tôi đã di chuyển toàn thời gian đến Santiniketan và chính ở đó tôi tiếp tục học như một học sinh. Tuy vậy, cha tôi cần kiếm được thu nhập, như thế cha mẹ tôi bắt đầu công việc của họ trong cơ ngơi được thuê ở Calcutta.

Đầu tiên Ashutosh muốn khởi động nột doanh nghiệp, sản xuất chén và đĩa sứ rẻ tiền cho việc sử dụng hàng ngày có giá phải chăng. Ông vay một số tiền và xây dựng một nhà máy, cố gắng với nghị lực lớn lao nhưng rõ ràng với khá ít kỹ năng kinh doanh. Nó không tỏ ra là một thành công, và trong vòng một năm hay khoảng thế ông bắt đầu tìm một việc làm có lương. Trong việc kinh doanh của mình ông bị kinh hoàng hết sức, ông bảo tôi, bởi sự đối xử thô bạo và đôi khi tàn bạo mà những người lao động Calcutta phải chịu do hành động của các quản lý nhà máy (việc này cuối cùng sẽ được đề cập – quả thực, nhiều hơn được đề cập – bởi các nghiệp đoàn chiến đấu bén rễ trong thành phố và cung cấp một cơ sở vững chắc cho một Đảng Cộng sản chiến đấu từ những năm 1970 trở đi). Ashutosh đã không thể thay đổi tình hình trong nhà máy của ông, nhưng ông cũng chẳng thể giải hòa chính ông với cái ông thấy xảy ra trong nhà máy của ‘chính’ ông. Ông đã hết sức muốn rời bỏ nó cho cái gì đó có thể chấp nhận được hơn về mặt đạo đức.

Cuối cùng, Ashutosh đã nhận được một việc làm có lương, hay – chính xác hơn – lời hứa về một việc làm từ chính phủ trung ương ở Delhi, với điều kiện rằng, đổi lại cho một cam kết làm việc cho chính phủ ít nhất năm năm, ông sẽ được huấn luyện tại Mỹ cho quản lý dự án liên quan đến nông nghiệp. (Chuyên môn riêng của ông bên trong hóa học đã là hóa học đất.) Như thế, cùng với năm năm khác, ông đã đi để được huấn luyện tại Hoa Kỳ trong khoảng sáu tháng, thăm các tổ chức như Tennessee Valley Authority nổi tiếng. Nhưng trong khi cha tôi và những người khác đang được huấn luyện ở Mỹ, chính phủ đã thay đổi ý kiến của nó về chương trình. Họ bảo những người được huấn luyện khi họ về nước rằng sự cam đoan năm năm của họ đã bị hủy và chương trình bây giờ sẽ không thuê ai cả – quả thực, sẽ không còn tồn tại nữa. Những sự không chắc chắn của việc lập kế hoạch kinh tế Ấn độ bắt đầu trở nên rõ ràng.

Trong khi Ashutosh quay về từ Hoa Kỳ với một chiếc xe Chevrolet lớn nhưng rẻ tiền, một máy quay phim gia đình, một máy chiếu (mà đã có xu hướng gây giật điện nhẹ cho người dùng) và một số bút bi vừa mới có thể mua được. Tất cả đã khá vui, đặc biệt cho phần còn lại của gia đình, nhưng cha tôi vẫn phải tìm một việc làm. May thay, không lâu sau ông được chính quyền địa phương Delhi thuê cho một vị trí lý thú với cái tước danh lớn Ủy viên Phát triển Đất đai. Cuộc sống ngoài trời hợp với ông rất tốt, và Ủy vên mới nhiệt tình đi quanh vùng lân cận Delhi với một đội máy kéo và thiết bị di chuyển đất, cùng với mục đích đạt được những nơi ở tốt, trồng trọt hiệu quả và bảo tồn môi trường cẩn trọng.

Khi tôi đến thăm Delhi, tôi đã thích đi quanh vùng nông thôn với ông, nhưng đặc biệt thích thú ở trong ngôi nhà đáng yêu mà Chính quyền Delhi cấp cho ông trên Đường Alipore duyên dáng – phía bắc của New Delhi, ở bên kia của khu Daryaganj. Tôi đã thích những kỳ nghỉ của tôi ở đây, ở một bên của ‘Ridge (Dãy núi)’ lịch sử nơi diễn ra một số trận cuối cùng của Binh biến 1857, với Đại học Delhi ở bên kia. Tôi đã mạo hiểm qua đồi vào khuôn viên đại học khá thường xuyên, nơi hơn một thập niên sau tôi sẽ thực sự dạy. Vào những dịp sớm đó, tham vọng của tôi đã hạn chế ở việc đi quanh khuôn viên, khám phá thư viện với một vé vào hàng ngày, và uống ly cà phê lạnh trong quán cà phê ở đó. Thường trong kỳ nghỉ hè, nhiệt độ bên ngoài đã là 115 độ Fahrenheit (khoảng 46 độ Celsius), mà làm cho hành trình của tôi lên và xuống Ridge bốc hơi là một kinh nghiệm thử thách.

10

Những người Anh cuối cùng đã rời Ấn Độ trong sự vội vã hết sức, và sự chia cắt đất nước có lẽ là sự rẽ đôi được quyết định nhanh nhất mà bất cứ nước nào đã trải qua trước hay sau đó. Sir Cyril Radcliffe được trao ít hơn hai tháng để vạch ra Đường Radcliffe nổi tiếng, tách đất nước thành hai, bắt đầu công việc của ông vào cuối tháng Sáu và hoàn tất vào giữa-tháng Tám năm 1947. Tất nhiên, ông được hướng dẫn chủ yếu bởi các tỷ lệ của những người Muslim và những người không-Muslim trong các huyện khác nhau ở Ấn Độ thuộc Anh, nhưng đã thấy nhiều ngoại lệ, vài trong số đó là có thể hiểu được (như tính khả thi địa lý), trong khi những ngoại lệ khác có vẻ không thể hiểu được và tùy tiện. Tôi đã đồng tình với tin đồn rằng Radcliffe có thể ngủ gật trong khi làm việc muộn vào ban đêm, khi vạch ra đường của ông. Ông quay về Anh nhanh như ông đến, với không sự gắn bó có thể thấy nào với đất nước ông vừa chia cắt.

Tuy vậy, có một tái bút cho câu chuyện. Nhiều năm muộn hơn, trong năm 1973, khi tôi dạy tại Trường Kinh tế học London, tôi được mời để giảng một số bài giảng hơi được thổi phồng về các vấn đề kinh tế tại Đại học Warwick được gọi là ‘Các Bài giảng Radcliffe’, được đặt tên theo Sir Cyril. Tôi đã nói về chủ đề bất bình đẳng kinh tế.6 Lord Radcliffe (như ông sau đó trở thành), tất nhiên, đã là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Ấn độ và tôi hỏi đại học liệu tôi có thể đi và gặp ông, vì ông sống khá gần khuôn viên trường. Tôi được bảo thoạt tiên rằng ông không đặc biệt thích nói chuyện với những người Ấn độ viếng thăm, nhưng khi ông được bảo rằng tôi không phải là khách viếng thăm mà sống ở London, ông đã thông báo cho các chủ nhà của tôi rằng ông sẽ vui lòng uống một ly trà với tôi nếu tôi không nấn ná lâu. Tôi khá vui với câu trả lời đó (vì tôi đã muốn thấy ông), và đã đồng ý đến uống trà. Nhưng, vừa khi tôi chuẩn bị rời văn phòng của Hiệu Phó tại Đại học Warwick, tôi được bảo rằng Sir Cyril vừa thay đổi ý kiến của ông và rốt cuộc không muốn uống trà buổi chiều đó.

Việc đó đã cho tôi nhiều thời gian hơn một chút để nói chuyện với chủ nhà của tôi, John Blackstock Butterworth, Hiệu Phó thứ nhất của Đại học Warwick – một học giả dấn thân thường được biết đến như ‘Jolly Jack’, mà với ông tôi đã có một cuộc trò chuyện rất thú vị. Ông bình luận về sự biến mất của dịp uống trà của tôi với Lord Radcliffe. Ông thú nhận ông rất buồn cười bởi tính không thể tiên đoán được của ‘những bàn tay Ấn Độ cũ’. ‘Tôi luôn tự hỏi,’ ông bảo tôi, ‘đám người này thực sự đã xoay xở ra sao để vận hành một đế chế.’

Comments are closed.