Que diêm thứ Tám (kỳ 2)

Tiểu thuyết của Văn Biển

PHÒNG THƯNG TRC GIA HAI CÕI.

CHUYỆN ANH CHÀNG KỸ SƯ ĐẦU BÒ VỚI TẤM CỬA ĐÁ

Những người hay lui tới đây còn gọi là phòng chờ.

Khách từ trên trần mới xuống, hay những người đã ở dưới này hàng trăm năm hay mới vài ba tháng hay thậm chí mới hôm qua. Họ tới đây hoặc ngồi hóng chuyện trần thế cho đỡ nhớ hoặc chờ đón người thân xuống hoặc ngóng chờ cụ Thường trực lật đống hồ sơ gọi tên mình. Này, sửa soạn đi. Hôm nay anh (hay chị) được trở lên trên ấy. Niềm vui tỏa ra cả căn phòng. Do đó phòng chờ lúc nào cũng có người. Có những người thỉnh thoảng mới ghé, lại có người gần như “nghiện” ngày nào cũng có mặt từ sáng tới khuya. Tuy gọi là “người” nhưng tất cả đều là dân ở cõi âm, trên kia gọi là ma. Tác giả xin được gọi họ là “người” xuyên suốt câu chuyện để tránh bớt phần nào vẻ u ám.

Trước hết xin nói ngay hầu hết những chuyện sau đây đều xảy ra ở cõi âm, còn gọi là cõi hư vô. Còn nói theo chữ nghĩa thì gọi là cõi vĩnh hằng. Tất nhiên trên đó chỉ là cõi tạm. Người trần dẫu có nghìn mắt, nghìn tai cũng không nghe thấy được. Đây là nơi trú ngụ của mọi linh hồn đã từng sống trong một thành phố Việt Nam. Đôi khi cũng có những người từ các vùng lân cận sang chơi. Trải qua nhiều thời, song câu chuyện sau đây viết về những năm này, ngày tháng này. Vui có, buồn có, đau thương có. Tất nhiên chuyện buồn nhiều hơn. Chẳng phải thế kỷ này trái đất ngày càng nóng bỏng hơn sao. Còn xã hội thì mọi thứ xuống cấp đến mức báo động đỏ. Trái đất nóng lên hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều được. Đúng là chưa có thời đại nào như thời đại này. Trải qua các thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá mới, đồ đồng, đồ sắt… cho tới nay có người đã gọi là thời kỳ đồ… đểu. Để bạn đọc không vứt cuốn sách nửa chừng, tác giả cố gắng đưa vào những mẩu chuyện vui tuy chưa cười tới mức vỡ bụng nhưng cũng hy vọng giải tỏa được đôi phần u uất do các câu chuyện gây nên người viết không tránh được. Nhân đây cũng xin phép các tác giả của những câu chuyện vui, người viết không có điều kiện liên hệ xin phép trích đăng. Phần chép lại theo trí nhớ, phần gặp tình cờ lúc lướt các trang mạng. Nhưng cái gì của Caesar sẽ trả lại cho Caesar. Sẽ xin nhắc tới tác giả khi có thể. Nếu có gì sơ xuất rất mong được lượng thứ.

Bây giờ xin có vài lời nói qua về phòng chờ. Trung tâm xảy ra các câu chuyện.

Trước hết đập vô mắt mọi người là tấm cửa bằng khối đá tảng to. Nặng ước hàng tấn. Chẳng hiểu lý do sao người ta lại phải dùng tấm cửa đá bự này khi linh hồn chỉ là những linh khí gió chưa thổi đã bay. Người nghĩ ra tấm cửa đá này đã quá ư cẩn thận.

Mỗi lần đóng mở, ông cụ Thường trực phải dùng một sợi dây thừng to, có ai lên xuống, cụ phải cố hết sức kéo lên hạ xuống. Cửa mở, có thể tưởng tượng phía sau cửa là con đường dẫn lên dương thế. Những linh hồn lên xuống đi bằng con đường này. Trong phòng có một bàn làm việc bằng đá. Cạnh tấm cửa đá có ông cụ ngồi xếp bằng, râu bạc dài chấm đất. Ông cụ ngồi im như pho tượng đá, chỉ có đôi mắt động đậy, sâu lắng tinh anh có cảm giác nhìn xuyên suốt hai cõi. Người ta gọi là cụ già Triết nhân, ông cụ như từ những pho sách đi ra. Những pho sách Đông Tây kim cổ ở những nước có nền văn minh sớm nhất của nhân loại…

Xin có đôi lời về nhân vật trung tâm của phòng chờ. Đó là một người đàn ông cao to, hình dung cổ quái, vẻ chân chất, gây cho người tiếp xúc một ấn tượng dễ mến. Nếu ai đó tò mò hỏi tới tuổi tác chắc chắn ông cụ không thể nào nhớ nổi. Khoảng đâu vài nghìn hay vài chục nghìn tuổi gì đó. Hay thậm chí triệu tuổi rồi cũng nên. Với cái tuổi đó thì tới thánh cũng chẳng nhớ. Có một đặc điểm nếu gặp dịp ông cụ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nhắc tới cái thuở xa xưa đẹp đẽ của thời mình. Một thời đại nên thơ của nhân loại. Trai gái yêu nhau lăn trên thảm lá vàng dưới vòm lá xanh hoặc bên bờ suối, vừa nghe nhạc suối róc rách hoặc tiếng chim hót líu lo trên vòm cao. Lúc đùa nhau họ nhặt những hòn đá mà ngày nay người ta bày đặt gọi là kim cương, ngọc bích, hồng ngọc ném vào nhau. Đêm mọi người bất kể trai hay gái khỏa thân nhảy múa quanh đống lửa nhóm bằng cây rừng, lá rừng… Đêm vui tưởng không bao giờ dứt. Có người nghe chuyện ông cụ kể đã làm bài hát: “Bao giờ cho tới ngày xưa ấy. Để anh nhặt sỏi kim cương chọi nàng. Đôi ta trên thảm lá vàng, yêu nhau đến cháy cả nàng lẫn ta”… Bài hát được nhóm thanh niên đua nhau hát. Ông cụ nghe bài hát cười khà: Đúng đấy. Thời trai trẻ của ta như vậy đấy! Rồi bao giờ ông cụ cũng nói thêm, chứ có đâu như ngày nay, chỗ nào, ngày nào cũng thấy toàn máu là máu. Người ta giết nhau bằng mọi kiểu, với mọi nguyên cớ không đâu vào đâu. Cứ như giết con giun, con dế… Ông cụ luôn ngồi sau bàn với đống hồ sơ cao ngất.

Ngoài tấm cửa đá nói trên còn có một cửa khác thường mở toang nhìn ra một khoảng trống mênh mông. Đó là nơi dành cho mọi linh hồn già trẻ. Họ đi thành từng cặp hoặc từng nhóm chuyện trò râm ran. Thỉnh thoảng dưới gốc cây có vài người ngồi chơi cờ… Bàn cờ kẻ trên đá. Hình như họ chơi cho vui, quên thì giờ chứ không quan tâm tới chuyện được thua. Trong phòng Thường trực lúc này có người chuẩn bị lên, vai mang kè kè chiếc nải nâu sờn rách đang chực sẵn bên tấm cửa đá.

Cụ Thường trực quay lại nói với người sắp lên: Anh làm ơn bỏ hết hành lý lại. “Sống” ở đây lâu rồi mà anh không để ý. Mọi người trước lúc nhập thế ai cũng như ai, lên tay không.

Thưa cụ, toàn là những thứ còn sót lại hồi đó người ta đem theo cho con. Con tưởng giờ mang lên trên đó khỏi phải sắm.

Cụ Thường trực lắc đầu: Bây giờ mấy ai còn dùng những thứ anh mang theo từ thủa ấy. Thế giới ngày nay người ta thay đổi thời trang như cơm bữa.

Ai đó đang ngồi ở dãy ghế chờ lên tiếng. Cụ ơi, cụ quên mất đồ cũ nay đã biến thành đồ cổ. Càng lâu năm càng giá trị. Chiếc lọ gốm thời Lê có giá gấp trăm lần lọ men sứ Bát Tràng mới ra lò. Ngày nay người ta thi nhau lặn xuống đáy đại dương tìm những chiếc tàu bị đắm cách đây mấy trăm năm để tìm những đồng tiền cổ, những đồ dùng cổ.

Thì biết thế. Nhưng thử hỏi làm sao lúc anh đầu thai vô bụng một cô gái với cái lọ gốm vài ngàn mỹ kim. Người ta sẽ chết ngất trước lúc anh thành người. Thôi, để lại đừng tiếc. Lên trên đó có tài, làm ăn giỏi tha hồ mua sắm.

Người mang tay nải có vẻ tiếc nuối. Vâng, quả thế thật! Những thứ này tay con mà dùng cả đời không hỏng. Anh ta đặt tay nải xuống đất.

Chúc anh lên trên ấy gặp nhiều may mắn.

Tần ngần một chút, người sắp lên nói với vẻ rụt rè. Dạ cảm ơn quan. Quan lớn định cho con vào cửa nào ạ?

Đừng gọi ta là quan. Hơn trăm năm qua, đúng là anh không hề biết những chuyện xảy ra trên ấy. Ta là người thường trực gác cửa giữa hai cõi, nhận người từ trên kia xuống và đề nghị giải quyết cho những linh hồn đáng được đầu thai trở lại dương thế… Còn việc anh vừa hỏi ta là việc thiên cơ. Thôi anh đi, xe chờ ngoài đó.

Dạ, phận như con mà cũng được đi xe cơ ạ?

Anh không biết trước khi nhập thế mọi người đều như nhau.

Tiếng ai đó ở dãy ghế chờ:

Đó là quyền bình đẳng sơ khai lúc con người được sinh ra. Nhưng sau đó mọi chuyện lại sẽ khác.

Chuyện trần thế phức tạp làm sao nói hết, cụ Thường trực chêm vào.

Người sắp lên tới trước cụ Triết nhân. Thưa thầy, con xin thầy một lời khuyên.

Chẳng ai có quyền chọn cửa tốt, cửa xấu. Có những vĩ nhân sinh ra từ túp lều tranh. Có những kẻ sinh ra từ nơi quyền quý nhưng lại chẳng ra gì. Cố gắng ăn ở cho phải đạo. Tốt xấu đều do mình. Chúc anh lên gặp nhiều may mắn. Cụ Triết nhân nhìn người sắp lên dịu dàng nói.

Cảm ơn cụ.

Cụ Thường trực cố sức kéo tấm cửa đá lên. Người đàn ông chào mọi người rồi vui vẻ bước qua khỏi tấm cửa. Cụ Thường trực hạ tấm cửa xuống, lẩm bẩm một mình. Lạ thật, tấm cửa dường như ngày một nở ra, nặng hơn.

Nhiều tiếng xì xào ở dãy ghế chờ: Cụ ơi, đá làm sao nở ra, lớn lên được.

Chắc do tuổi tác cụ ngày một cao.

Cụ có nhớ cụ ngồi ở đây bao lâu rồi không?

Cụ Thường trực vươn vai ngáp. Làm sao nhớ nổi. Nhưng chắc phải từ ngày xóm làng trên đó mới thành lập cho tới lúc trở nên Thành phố đông đúc. Thành phố càng đông ta càng mệt. Số người chết ngày một tăng. Chết một cách vô lý, tức tưởi. Ngày trước chỉ có chết già, chết bệnh. Ôi! Giá Ngọc Hoàng cho đóng hẳn cánh cửa này lại.

Nhiều tiếng cười rộ lên.

Cửa này đóng lại thì có mà loạn.

Nhưng nếu đóng cửa rồi cụ sẽ ngồi ở đâu.

Ôi dào! Cõi âm mênh mông, không hết chỗ để đi.

Chỉ sợ cụ ngồi quen chỗ rồi, bỏ đi không được.

Làm sao có chuyện quen chỗ được.

Thế mà có đấy ạ. Trên kia người ta khai man tuổi để được ngồi thêm vài ba năm nữa.

Chuyện trần thế thì nói làm gì. Còn tôi cũng thật sự mệt với tấm cửa này lắm rồi.

Hằng ngày cứ phải kéo lên hạ xuống, mệt muốn đứt hơi.

Khánh, một thanh niên trí thức, đẹp trai, lanh lợi từ hàng ghế ngồi chờ, bước tới bàn thường trực: Giá cụ nghe con.

Cụ Thường trực ngừng lật cuốn sổ, ngước lên: Lại anh, có phải anh là…

Dạ, Khánh kỹ sư hóa, chết trẻ…

À… chuyện lâu nay một hai anh đòi lên trên đó còn chờ xét. Anh cứ nhìn đống hồ sơ thì biết. Ngày càng cao lên, nhiều lúc cứ tưởng nó ngã đè mình xuống. Trong mơ có lúc tôi thấy đống hồ sơ như quả núi đổ ập xuống người mình. Tỉnh dậy toát mồ hôi.

Con nghĩ tất cả chỉ do tấm cửa. Cụ cứ để con chữa giúp cụ tấm cửa, chắc chắn cụ sẽ bớt nhọc. Rồi cụ sẽ thấy vui với công việc của mình.

Ngàn năm nay tôi quen với nó rồi.

Cụ ơi! Người ta chết vì cái thói quen trăm năm, ngàn năm không chịu thay đổi đó.

Nhiều người ở đây lâu biết chuyện giữa Khánh và cụ Thường trực, tủm tỉm cười. Câu chuyện một hai đòi sửa tấm cửa đá này bắt đầu từ lúc anh chàng mới chân ướt chân ráo xuống. Gần mười năm rồi chứ ít gì. Nhưng hình như cuộc chiến chưa tới hồi kết thúc. Người ta bảo nhau. Hãy chờ xem. Ai thắng ai. Trong số khán giả đó có người đẹp Hằng Nga. Hầu như có mặt Khánh là có mặt người đẹp hoặc ngược lại. Họ như một cặp bài trùng nhưng tính cách lại xung khắc nhau như nước với lửa, không ai chịu ai. Bấy giờ Hằng Nga đang ngồi thu lu một góc tủm tỉm cười, nhiều lúc lại bắt gặp đôi mắt cụ Thường trực nhìn về phía mình, Hằng Nga cười với ông cụ như muốn nói: Cụ cứ để nguyên thế cho con. Theo cảm tính hoặc linh tính, ông cụ cũng cảm nhận được điều ấy từ người đẹp, ông cụ càng quyết tâm giữ ý định của mình.

Không thèm để ý tới Khánh, cụ cúi xuống đống hồ sơ mở ra đọc: Nguyễn Văn Y.

Y đang ngồi ở dãy ghế chờ: Dạ, có con.

Anh sửa soạn đi thì vừa. Anh có nhớ vì sao anh chết không?

Dạ, làm sao quên được ạ. Tất cả do cái mồm tai hại này mà ra. Giơ tay tát mấy cái thật mạnh vào mồm.

Cụ Thường trực và nhiều người vội ngăn lại. Ấy chết, đừng tát oan nó.

Thưa con phải đánh cho nó chừa cái tội gặp chỗ nào cũng nốc, bất kể sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng nhậu, nhậu tới bến. Bất kỳ ai gọi cũng đi. Nốc xong rồi nhiều đêm quên cả đường về. Các ông bà bảo chả đánh nó thì đánh ai.

Trong phòng chờ có nhiều tiếng cười. Đúng là quýt làm cam chịu. Nếu anh không muốn uống thì dẫu có cạy răng hắn cũng không mở ra, làm sao rượu bia tuôn như nước suối vô bụng anh được.

Vậy ông bà bảo tại cái bụng à. Tôi phải đánh cho nó chừa mới được. Nắm tay định thoi vô bụng.

Mọi người vội can: Ấy chớ, cái bụng vô can. Nó chỉ là nạn nhân. Mà thôi, khó quy cho ai. Bệnh của thời đại mà. Nghe người ta nói, mười lăm người Việt lao động bằng một người Singapore, nhưng mười lăm người Singapore mới nhậu bằng một người Việt. Tôi e con số đó bây giờ cũ rồi. Phải nhân lên gấp mười. Nghe đâu ông Thủ tướng có ý kiến cấm quan chức nhậu buổi trưa để tỉnh táo chiều làm việc. Chuyện ăn nhậu của người Việt kể cả ngày không hết. Bây giờ anh ta sắp trở lên trên đó rồi. Bà con ai có kinh nghiệm cai nghiện rượu bia hãy mách giúp.

Một người ở dãy ghế chờ lên tiếng. Tôi xin kể câu chuyện này gọi là chút quà, chứ chưa hẳn là bài thuốc cai nghiện hay. Có một lớp học dành cho những người cai nghiện. Một hôm vị giáo sư tâm lý nói với các học viên: Vị nào có kinh nghiệm gì hay về cai nghiện kể cho các bạn nghe.

Một học viên nói: Tôi xin kể câu chuyện của tôi. Một hôm say xỉn lái xe về nhà, dọc đường đụng chết người, vừa phải bị tù, vừa nộp tiền phạt. Ra tù tuy có sợ nhưng thi thoảng vẫn nhớ tới nàng men lén vợ làm vài chén.

Một người khác: Trường hợp tôi lại khác. Một hôm say quá, lẽ ra vô phòng nhà mình lại chui vô phòng vợ người hàng xóm bị đánh què chân. Lành rồi có sợ tuy thế vẫn chưa thật chừa hẳn… Thỉnh thoảng nhớ quá làm vài ly.

Trường hợp tôi hơi bị đặc biệt. Một hôm say quá cứ nhắm mắt đi hỏi vợ. Lúc tỉnh ra mới biết lấy nhầm người vợ mình mới ly hôn xong. Từ đó cạch rượu tới già(1).

Mọi người cười ầm ỹ.

Bài học nào cũng có ý nghĩa cả, tôi xin nhớ suốt đời.

Y chào mọi người rồi tới trước pho tượng Triết nhân: Con xin cụ vài lời trước khi lên trên đó.

Ông cụ Triết nhân từ từ mở mắt nhìn Y: Câu chuyện vừa rồi ta nghĩ anh hãy lấy đó làm lương ăn trong những ngày ở trần thế.

3.

KẺ LÊN NGƯỜI XUỐNG GIỮa ĐƯỜNG GẶP NHAU

Đằng sau tấm cửa là một khoảng mênh mông, nửa sáng nửa tối. Xa xa, thật xa thấp thoáng bóng dáng nhà cửa, núi sông, cánh đồng. Người ta nghĩ ngay đó là cảnh trần gian…

Y bước lại chiếc xe ngựa đang chờ. Hình dáng chiếc xe cũng không rõ lắm, như ẩn như hiện trong sương. Người đánh xe ngồi phía trước.

Tiếng người ngồi trên xe: Ông Nguyễn Văn Y có phải không?

Vâng, tôi là Y.

Mời ông lên xe. Xe cũ, hơi bị xóc đấy. Đường trên ấy gập ghềnh, đầy ổ gà, ổ trâu vào phố đôi khi lại gặp hố tử thần.

Y cười: Nghe ông nói thế chẳng mấy ai dám lên.

Thế ông có biết ông đầu thai vô nhà ai không?

Cụ Thường trực bảo là chuyện thiên cơ. Ông cứ đưa đi đâu tôi đến đấy, cốt sao trở lại dương thế là được rồi.

Thế ông thích trở lại trên đó lắm à?

Ông không biết dương gian có câu: Một phút dương gian bằng vạn ngày âm phủ.

Nếu tôi nhớ không sai câu đó là: Một ngày dương gian bằng ngàn ngày âm phủ. Nhưng trên ấy bây giờ khác lắm rồi.

Ông bảo khác thế nào cơ?

Lên trên ấy rồi khắc biết. Mỗi thời có cái hay, cái dở của nó. Chủ yếu là mình biết sống, biết giữ mình. Sao lúc ra cửa ông không xin ông cụ ngồi cạnh tấm cửa một lời khuyên.

Có chứ. Tôi thấy dưới ấy mỗi lần có ai lên ông cụ đều có một lời khuyên. Hình như ông cụ dành cho mỗi người một lời, không ai giống ai cả.

Người ta bảo ông cụ là kho sách vạn cuốn. Đời một người đọc không hết. Ai lên ông cụ cũng có một lời khuyên. Nhưng khổ nỗi có nhiều người nghe, nhưng không phải ai cũng làm theo. Có người dọc đường đánh rơi mất.

Ông xem, hình như có một chiếc xe đang đi ngược về phía chúng ta.

Xe Thần chết chở linh hồn xuống đấy. Ông có muốn gặp họ một chút không?

Vâng, nếu không mất thì giờ của ông.

Tôi quen những trường hợp này rồi. Có khi kẻ lên người xuống là bạn bè, người thân. Kẻ ở người đi lúc gặp nhau không muốn chia tay.

Tôi ở dưới này cũng khá lâu rồi. Chắc không còn ai quen cả.

Người dẫn đường cho xe chậm lại.

Đằng trước chiếc xe Thần chết đang đi tới. Hai bên gặp nhau, họ dừng lại.

Chào anh bạn. Thần chết nói.

Vâng, xin chào cụ. Chỉ người khách trên xe mình. Cụ còn nhớ ai đây không.

Thần chết nheo mắt nhìn Y rồi nói như reo lên: Nhớ ra rồi. Đêm đó mưa. Trên đầm lầy…

Vâng, con chịu, cụ nhớ dai thật. Một đêm mưa gió đầy trời, tụi con uống rượu say, rồi cầm dao gậy choảng nhau, lúc về, lội xuống đầm nước ngang bụng rồi ngang lưng cứ tưởng là con đường làng quen thuộc cứ thế mà đi, cho tới lúc không còn biết gì nữa.

Thế lúc đó ông không có cảm giác lạnh à?

Có, lạnh run lên ấy chứ. Nhưng cứ tưởng vợ đang tắm cho mình, sướng mê nhưng cũng vờ quát, sao em không đun nước âm ấm lên một chút, không biết hôm nay trời rét à. Hay muốn người ta chết sớm để lấy thằng khác.

Chết như ông cũng sướng. Phút cuối cùng còn được chút an ủi, tưởng đang được vợ tắm, lại còn được quát mắng.

Vài hôm sau người nhà mới tìm thấy xác trôi trên đầm. Nhưng trước đó cụ Thần chết đã tới đưa con đi. Dọc đường con khóc chửi tiên sư bố thằng khốn nạn nào sinh ra rượu.

Thần chết: Anh rủa oan người ta. Rượu là một phát minh lớn của nhân loại đấy… Rượu uống lúc vui lúc buồn đều được. Rượu uống một mình cũng hay, uống nhiều người càng thú. Rượu sinh ra Lý Bạch. Nghe đâu bạn tôi đã vớt xác nhà thơ lên. Sinh thời, nhà thơ mê trăng, đêm đó uống rượu trên thuyền, tưởng chị Hằng rớt xuống sông, bèn nhảy xuống cứu. Nhà thơ ôm người đẹp mà chết.

Y cười: Chết thế còn sướng hơn tôi.

Thần chết: Đã chết còn sướng với không sướng nỗi gì hở anh bạn. Chỉ cô gái đang ngồi ngủ gà ngủ gật trên xe. Cô gái này cũng say. Nhưng lại say một thứ khác.

Cụ có thể cho con nói chuyện với cô ấy không ạ? Biết trước một tí chuyện trên ấy vẫn hơn. Con rời khỏi trần thế lâu lắm rồi.

Cô ta còn chưa hoàn hồn, nửa tỉnh nửa mê. Anh cứ yên chí. Người ta sống được thì mình cũng sống được. Chúc anh lên đường may mắn.

Trên chiếc xe trở về dương thế, người dẫn đường nói với Y đang say sưa nhìn phong cảnh bên ngoài: Sau bao nhiêu năm ông thấy thế nào?

Đẹp quá ông ạ! Đến cái gió, cái nắng, tất cả đều khác dưới kia. Có phải trước mặt phía xa kia là thành phố phải không ông? Đẹp không tưởng tượng nổi. Được sống ở trên này một phút, một ngày cũng sướng, cũng hả.

Thế ông không biết xưa nay người ta gọi trên đó là cõi tạm à. Nó như một ga xếp. Người ta chỉ ghé qua một lần rồi lại tiếp tục đi trên con đường dài vô tận.

Tôi lại nghĩ có hơi khác, tuy ai cũng gọi là cõi tạm nhưng nghe nói các quan lớn, quan bé thi nhau xây nhà cao cửa rộng nguy nga, kiên cố. Nếu là cõi thật thì không biết Trái Đất sẽ ra sao.

Người dẫn đường bật cười.

Y vẫn tiếp tục ý nghĩ của mình: thì cứ cho là cõi tạm đi nhưng con xin tạm trú trên đó thêm được ngày nào hay ngày ấy. Chỉ xin cụ đừng tới gõ cửa sớm. Nhìn ra phía trước. Ôi, chỉ mới có trên dưới vài mươi năm mà thay đổi như thế này. Cứ như một thiên đường.

Thiên đường cũng ở đó mà địa ngục cũng ở đó. Có điều thiên đường dành cho người này, địa ngục dành cho kẻ kia. Người dẫn đường chua chát nghĩ thầm rồi nói với khách:

Đó là ông mới nhìn thấy cảnh bên ngoài đó thôi. Ở lâu rồi ông khắc biết.

Ông nói vậy nghĩa làm sao?

Không… Tôi buột miệng nói vậy thôi.

Ông có thể cho xe đi chậm một chút không? Chao ôi, buổi sáng đẹp lạ lùng. Cứ tưởng như mình đang trong một giấc mơ.

Người dẫn đường khẽ lắc đầu, nén tiếng thở dài.

Ai trở lên lại đều có cảm giác như mình trở thành nhà thơ vậy. Cái gì cũng thấy đẹp, điều gì cũng thấy tốt.

Tôi mong sao cuộc sống sẽ được như vậy.

Người dẫn đường định nói gì đó nhưng lại thôi, cho xe đi nhanh, dần khuất vào xóm làng. Chiếc xe bây giờ không theo lệnh người lái, cứ trồi lên thụt xuống lúc gặp phải ổ gà, ổ trâu dường như muốn báo cho người khách cảnh dương thế không như ông ta nghĩ.

V.B.

(Xem tiếp kỳ sau)

(1) Phỏng theo chuyện vui của Nguyễn Ngọc Ngạn.

Comments are closed.