(trích tiểu thuyết thời sự)
Đỗ Quyên
Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Obama đang thăm viếng Việt Nam, Văn Việt tiếp tục trích đoạn của “Trung-Việt Việt-Trung”, như đã từng đăng Phần 1 khi cuốn sách còn ở bản thảo:
http://vandoanviet.blogspot.ca/2014/07/chuyen-to-quoc-moving-bat-thanh.html
Hồi kết của tiểu thuyết thời sự này đề cập đến một câu hỏi mà không chỉ ở Việt Nam, có lẽ cả phần lớn thế giới, đang chờ lời đáp phải có trong 3 ngày lịch sử trên quá trình bang giao Mỹ – Việt: Mỹ có bỏ cấm vận buôn bán vũ khí với Việt Nam hay không?
Tiểu thuyết “Trung-Việt Việt-Trung” của tác giả Đỗ Quyên, với lời Tựa của nhà thơ – đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, đã được xuất bản bởi NXB Người Việt Books (Hoa Kỳ), như Văn Việt đã giới thiệu từ đầu tháng 2:
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/gioi-thieu-tieu-thuyet-trung-viet-viet-trung/
Tại Việt Nam sách được phát hành qua mạng fado.vn:
http://fado.vn/us/s/?field-keywords=Trung+Viet+Viet+Trung+Do+Quyen
Văn Việt
HỒI KẾT
Đầu tháng Tám. Sau 10 năm chuẩn bị, lịch sử ngành đóng tàu quân sự nước này đã mở ra chương quyết định: lần đầu tiên người Việt và công nghệ Việt hoàn toàn tự đóng mới thành công, trao cho lực lượng Hải quân Đại Việt cùng một lúc 2 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya cao cấp. Đây cũng là lần đầu tiên Đại Việt bắn thử tên lửa chống hạm và trong nhiều lần bắn thử cả 2 tàu đều bắn trúng mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu. Nhiều quốc gia biển, dù không là láng giềng với Trung cũng thèm đứt lưỡi mong có được lớp tàu hiện đại này với tên lửa chống hạm cận âm Uran-E, pháo hạm AK176, AK630, tên lửa phòng không vác vai Igla. Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya có cả thảy 3 nhiệm vụ: tiêu diệt các nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các nhóm tàu độc lập khác; bảo vệ tàu ngầm, tàu đổ bộ; trinh sát tình huống trên biển và trên không. (Ngài Tổng Tập chưa rõ nhiệm vụ nào cứ việc hỏi Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Lan, Tổng giám đốc Tổng Công ty Ba Son – người được coi như “tổng công trình sư Molniya made in Viet”.) Cặp tàu thứ hai đang hoàn thiện để bàn giao vào đầu năm sau. Cặp tàu thứ ba còn đang lắp ráp ạ.
Cuối tháng Chín. Chương sử tự trang bị tàu Hải quân Đại Việt lại dài thêm chút nữa bởi chiếc tàu pháo hiện đại đầu tiên được tự đóng trong nước theo thiết kế ban đầu mua từ nước ngoài và cải tiến nhiều ưu việt khi tác chiến trên Biển Đông. Ba chiếc khác đang trong quy trình lắp đóng. Với trang bị vũ khí, khí tài hiện đại (như tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp, hệ thống quang điện từ, hệ thống rađa nhận biết địch-ta, pháo AK-630) loại tàu pháo loại này được Đại Việt làm ra cũng không phải để “chém gió” mà để: tuần tra, trinh sát biển; hộ vệ đội tàu đổ bộ và tàu hộ tống; tiêu diệt tàu đổ bộ và tàu hộ tống. Oách!
Giữa tháng Mười Một. Nhờ quan hệ truyền thống Nga-Việt vừa thắm thiết trở lại mà hợp đồng mua bán các tàu ngầm Kilo – quân tiên phong trong chiến lược của Hải quân Đại Việt đối phó với Hải quân Trung – đã tăng tốc rất rõ rệt. Chiếc tàu ngầm thứ ba mang tên Hải Phòng vừa mới được bàn giao suôn sẻ; chiếc thứ tư là Đà Nẵng đang “hồ hởi phấn khởi” từ một cảng ở Nga nhằm hướng vịnh Cam Ranh trực chỉ; chiếc thứ năm Khánh Hòa sẽ được đập sâm banh hạ thủy ngay sau lễ Giáng sinh để còn bắt đầu chạy thử; còn chiếc thứ sáu – chiếc cuối cùng của hợp đồng – mang danh Bà Rịa Vũng Tàu thì đã khởi sự lắp lắp ráp ráp vô cùng rộn rịp từ cuối tháng Năm vừa qua. Sướng!
Cuối tháng Mười Một. Nhất loạt báo chí quốc ngoại quốc nội đủ chủng loại – lề phải, lề phai phải, lề trái, lề trai trái, lề giữa, lề giưa giữa – đồng khởi dậy sóng về hai chuyến viếng thăm quan trọng (vô cùng Tổ quốc ta ơi) dự tính trong năm 2015 của Tổng Bí thư Đại Việt. Thú vị ở chỗ Hoa Kỳ sốt sắng nhắc lại lời mời Tổng Bí thư Đại Việt đến thăm nhân dịp 20 năm bình thường hóa bang giao Việt-Mỹ (ngày 11 tháng Bảy năm 1995), và gần như đồng thời Trung cũng xăng xái mời vị lãnh đạo Đảng của Đại Việt sang mừng 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung (ngày 18 tháng Giêng năm 1950). Mà cả hai lời mời đều qua điện đàm giữa hai ngoại trưởng song phương, thế mới cao giá chứ! Riêng với Việt-Trung trước đó nhị vị Tổng Bí thư đã có hẳn một cuộc điện đàm. “Thân này ví xẻ làm đôi được…” Bắc tiến và Tây tiến, cùng là hai hướng Đại Việt muốn tiến.
Hãng tin BBC lại được dịp đẹp tung vấn đề câu view độc giả một cách đàng hoàng và nhà nghề:
“Đố ai biết Tổng Bí thư Đại Việt sẽ thăm Trung hay Mỹ trước? Nhiều quan sát viên phán việc Tổng Bí thư thăm nước nào trước sẽ phải được Đại Việt cân đo đong đếm vì giá trị biểu tượng của chuyến thăm. Ứ phải! Thật ra, đã từng thăm Trung từ mấy năm trước rồi nên sự kiện lần đầu tiên ông đến Mỹ sẽ là bước ngoặt lớn lao trên con đường Tây tiến. Vả, Tổng Bí thư Đại Việt đã cất công vượt đại dương mang lời mời nặng ký, ắt Tổng thống Mỹ sống chết rồi cũng phải tới thăm Đại Việt cho xong!”
Đăng đàn chân thành và chính tông trên Đài tiếng Việt RFA của Pháp là học giả Võ Cao Phan:
“Trong điện đàm đặc biệt đó, nhị vị lãnh đạo tối cao của hai nước bảo bang giao Việt-Trung Trung-Việt ‘cơ bản là một quan hệ hòa bình hữu nghị trong thời gian vừa qua’. Tôi là tôi không nhất trí quan điểm đó đâu, cô ạ! Nhà đài RFA còn nhớ hay nhà đài RFA đã quên: chính trong năm nay cũng từng có hội đàm điện thoại nóng giữa hai lãnh đạo cao nhất, thế rồi sau đấy vài tháng Trung đã vác cái giàn khoan 981 đặt sát bẹn Đại Việt ta. Thành thử, chẳng hiểu mưu đồ cao thâm của các nhà ngoại giao ra sao chứ với dân tình thì khó có thể tin tưởng ‘quan hệ hòa bình hữu nghị’ ấy. Đâu chỉ riêng Ngày 17 tháng Hai bi hùng hàng năm, còn vô khối sự kiện khác phía Đại Việt vẫn ‘im lặng một cách đáng sợ’, tiếng Trung là thủ khẩu như bình. Phải chăng bởi muốn ‘quan hệ tốt’ Đại Việt ta phải học quên những gì không thể quên như Ngày 17 tháng Hai?”
Nghe thế cô ký giả chân dài RFA bèn tát nước theo mưa: “Úi chao! Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Trung, Cố vấn Viện Quan hệ Quốc tế, Nguyên Giảng sư Học viện Quốc phòng mà đã nói thì chỉ từ đúng đến đúng! Vưng, nhà đài chúng em nhớ lắm. Cũng chính năm nay, non một tháng trước khi kỷ niệm rầm rộ ‘Chiến tranh dạy tiểu bá bài học’, ngày 21 tháng Giêng tờ Hoàn Cầu hân hoan loan tin, trong khi thị sát Quân khu Vân Nam, Chủ tịch Tập Cần Bính đã long trọng vinh danh Anh hùng Quân giải phóng lần hai cho Trung đoàn phó Vương Kiên Xuyên từng bị ngỏm củ tỏi trong ngày 17 tháng Hai năm 1979 trên đất Đại Việt ta với câu nói cuối cùng: ‘Hảo lớ… Vì Tổ quốc máu nhuộm chiến kỳ ta đâu tiếc… Tỉu hà ma, ta chết thật rồi sao…’”
Trang Tễu thì vẫn tếu như mọi bận theo lối minh triết mõ làng đoán mò phán mạnh:
“Sang năm, ngài Tổng Bí thư Đại Việt nhà ta sang Tàu trước, sang Mẽo sau. Quẻ Tễu đã quyết! Với Mẽo, quá rõ: phi vũ khí sát thương bất thành Mỹ-Việt. Với Tàu, vẫn biết ‘ở đây sương khói mờ nhân ảnh’ song Tễu cứ muốn thỉnh cầu: về nan đề Biển Đông, chưa kể vụ Hoàng Sa-Trường Sa, chí ít vụ giàn khoan 981 cần được mổ xẻ, dù trên bàn họp hay ngoài hành lang; chẳng nên tí tẹo nào để tái diễn màn ‘cả hai bên cùng nhất trí’ lờ lớ lơ như đã từng với Chiến tranh Biên giới 1979 trong Hội nghị Thành Đô 1990. Mong lắm ru!”
Bây giờ đang vào tháng Mười Hai. Khoảng đôi ba tuần nữa…
… giống như món quà Giáng sinh cho dân chúng 2 nước cùng trăm họ thiên hạ bang giao Mỹ và Cuba bị gián đoạn suốt 53 năm do “những khó khăn lịch sử” vừa được thông suốt sau các vượt thắng tuyệt vời bởi bác Tổng Obama cùng chú Chủ tịch Raul Castro em giai bác Phidel lãnh tụ cộng sản kiên trung nhứt còn sống dù bị ám sát hụt 638 lần nhiều nhứt thế giới chủ yếu bởi CIA “Hô hô hô” thế nên chúng tôi đề nghị lấy mốc chấm dứt thời kỳ Chiến tranh lạnh là ngày đầu tháng Mười Hai năm 2014 khi có cuộc đối thoại lịch sử giữa nhị vị Obama anh tài và em Castro anh tài…
Không thì tháng sau, tháng sau nữa gì đó, thậm chí tháng sau nữa sau nữa – khi tập truyện này hẳn còn nằm chờ mệt nghỉ hay đã chết dí trong lai cảo một số tòa soạn – Mỹ ắt sẽ không hài lòng với sự tháo dỡ một phần như đã làm, mà bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương từ 40 năm qua đối với Đại Việt, để “gia tăng trợ giúp nước này về an ninh bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải của mình, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng theo cách có lợi cho cả hai nước”.
“Có bỏ không thì bảo!” Không chúng tôi dẫu là văn sĩ quèn (quèn thì quèn quyết không hèn nguyện làm văn sĩ đối thoại ngang cơ về mặt tự do ngôn luận cùng bác Tổng thống có bằng Luật sư của trường lớn Harvard trong một quốc gia đầy hãnh diện khi coi Đệ tứ quyền như một siêu pháp quyền) cũng không nỡ nói lời thiếu thanh lịch khi mà thời của các chàng cao bồi Texas vảy đạn nhanh hơn ra lệnh đã lùi vào dĩ vãng…
Nhưng kẻ viết cùng người đọc tiểu thuyết Trung-Việt Việt-Trung xin phép dùng giọng điệu lịch sử thời Chiến tranh lạnh kiểu như TASS được quyền tuyên bố (nguyên gốc tiếng Nga “ТАСС уполномочен заявить”) gia hạn (tiếng Mỹ “deadline” dân Việt thích viết sai “dead line” bác Gu Gồ cứ thế mà dịch “đường chết”) cho bác Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đương nhiệm Fraser Obama chậm nhất là đến khi Ông già Noel cao giọng “Hô hô hô” trong Giáng sinh sang năm 2015 bác cần hoàn thành cái “khó khăn lịch sử” Mỹ Việt trước lúc khăn gói quả mướp cùng quý Đệ nhất phu nhân cùng nhị quý Công chúa moving khỏi Bạch Cung sau 2 nhiệm kỳ của đáng tội cũng đã hoàn thành khá nhiều “khó khăn lịch sử” của một người Mỹ gốc Phi đầu tiên được ẵm ngôi Tổng thống Hoa Kỳ bằng không một trong hai ứng viên kế nhiệm bác là nhị vị kỳ nữ Chelsea Clinton và Noelle Bush cũng sẽ làm ngay đầu năm 2016 khi nhậm chức để lấy duyên thiên hạ như là nữ nhân Mỹ đầu tiên ngự ngai Tổng thống Hoa Kỳ ép dầu ép mỡ không ai nỡ ép bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Đại Việt nhưng lạy Chúa tôi đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn bác Obama ơi là bác Ô Bà Ma…
Chậc! Cố nói cho dầy trang truyện theo kiểu đếm chữ ăn tì(nh) thế thôi. Chứ có mua được vũ khí sát thương từ người Mẽo trời Tây hay không, dân (chỉ muốn được An) Nam nhà ta ngay cả trong khoa học viễn tưởng cũng chả ham chế tạo cái đồ vũ khí giết người hàng loạt kiểu như Bom dị bào với bao hệ lụy khôn lường.
Phận văn dốt võ dát chúng tôi những mong không còn phải chế tác loại “truyện Đỗ Quyên” vớ va vớ vẩn nào khác về các vụ việc linh ta linh tinh hết Trung-Việt Việt-Trung lại Việt-Trung Trung-Việt…
“Cũng liều một giọt mưa rào,
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay!”
Đã là quá thể thế này.
Tận cùng tình ý. Xếp xó quá khứ mở toáng tương lai. Tác giả nói độc giả nghe rõ không? Xong. Là lá la… Xin dừng hẳn tại đây.
Vancouver (16/5 – 19/11/2014, cập nhật 17/2/2015)
Đ.Q.