Sài Gòn – Những ngày phong thành (35)

5 LỜI ĐỒN XUNG QUANH VIỆC TIÊM NGỪA VẮC XIN COVID-19!

FB Bs. Hoàng Quốc Tưởng

Lời đồn 1: tiêm ngừa vắc xin COVI-19 vẫn mắc bệnh như thường nên không cần chích.

Sự thật: đúng là đã tiêm chủng đầy đủ (đã trải qua 2 tuần sau khi tiêm đủ 2 liều của vắc xin ngừa COVID-19 như Pfizer, Moderna, hay AstraZeneca), vẫn có khả năng bị mắc bệnh. Điều này liên quan đến hiện tượng nhiễm đột phá “breakthrough infection” hoặc nhiễm khi vắc xin chưa có đủ thời gian để hoàn chỉnh khả năng bảo vệ. Cả 2 hiện tượng trên đều có thể xảy ra ở tất cả các loại vắc xin, chứ không riêng gì vắc xin ngừa COVID-19. May mắn là 2 tình trạng trên cũng rất hiếm xảy ra chứ không nhiều. Tuy nhiên vai trò của vắc xin là để giảm tỉ lệ bệnh nặng và tử vong do COVID-19, ngay cả với những biến thể mới Delta. Do đó việc tăng cường chủng ngừa diện rộng nhằm nhanh tạo được miễn dịch cộng đồng. Đây là giải pháp cực kỳ quan trọng. Nếu như không có chống chỉ định, việc đi tiêm chủng không chỉ là trách nhiệm với bản thân, gia đình mà còn với cộng đồng mà mình đang sống.

Lời đồn 2: vắc xin ngừa COVID- 19 không nên chích cho phụ nữ mang thai vì có thể gây hại.

Sự thật: nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai mắc COVID-19 tăng nguy cơ tiền sản giật, sẩy thai, sinh non, thai lưu. Ngoài ra còn tăng tỉ lệ phải nhập hồi sức, thở máy và tăng tỉ lệ tử vong. Ngoài ra thai phụ được xem là dễ mắc COVID-19 hơn phụ nữ không mang thai. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy vắc xin COVID-19 có khả năng sinh miễn dịch và không gây dị tật cho thai nhi. Hiệp hội sản phụ khoa Mỹ cũng như WHO đã khuyến cáo chích ngừa vắc xin cho tất cả phụ nữ mang thai. Ngoài ra WHO cũng khuyến cáo không cần làm test thử thai trước tiêm chủng cũng nhi không trì hoãn việc mang thai hoặc bỏ thai kỳ vì lý do tiêm chủng vắc xin. Hiện tại theo quyết định 3802/ QĐ BYT ngày 10/8/2021 thì phụ nữ mang thai trên 13 tuần được khuyến khích chích ngửa vắc xin, chỉ chống chỉ định với Spunik V của Nga.

Lời đồn 3: Phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ sau khi tiêm ngừa vắc xin COVID-19 phải ngưng cho bú mẹ.

Sự thật là: bản chất của vắc xin ngừa COVID-19 không phải là virus sống mà chỉ là các vật liệu di truyền mRNA (Pfizer, Moderna) hoặc chỉ là vector virus (AstraZeneca). Các vật liệu này không gây tác động vào DNA của người, và cũng bị phân huỷ nhanh chóng, do đó về mặt sinh học, vắc xin này không có khả năng gây nguy hại cho trẻ đang bú mẹ. Hiệu quả của vắc xin được kỳ vọng là tương tư như ở những phụ nữ khác không cho con bú. Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng phụ nữ đang cho con bú đã được tiêm vắc xin COVID-19 (Pfizer, Moderna, Astra) có kháng thể trong sữa mẹ, được kỳ vọng là có thể giúp bảo vệ trẻ. Cho đến nay, WHO và CDC khuyến cáo có thể tiêm ngừa cho phụ nữ đang cho con bú giống như những người khác. WHO khuyến cáo không dừng cho con bú sữa mẹ chỉ vì lý do tiêm chủng vắc xin. Công văn 3802/ QĐ BYT ngày 10/8/2021 cũng đã loại đối tượng này ra khỏi đối tượng trì hoãn tiêm chủng. Có nghĩa là chích bình thường, chỉ chống chỉ định với Spunik V của Nga. Do đó các mẹ cứ tự tin đi chích và cho cho con tiếp tục bú sữa mẹ sau đó nhé!

Lời đồn 4: Sau khi tiêm ngừa COVID-19 phải có phản ứng sốt thì cơ thể mới tạo được kháng thể.

Sự thật là: sốt chỉ là phản ứng sau tiêm vắc xin, thường không liên quan đến tính sinh miễn dịch của vắc xin. Khi vắc xin được chích vào cơ thể, sẽ có 2 pha đáp ứng miễn dịch diễn ra: đáp ứng miễn dịch bẩm sinh (MDBS) và đáp ứng miễn dịch thích nghi (MDTN). Đầu tiên sẽ là pha MDBS, những tín hiệu ngay sau tiêm sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch bẩm sinh chống lại nó, là cơ chế đề kháng ngay lập tức của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên đáp ứng MDTN mới là giai đoạn hoạt hoá lympho B sản xuất kháng thể. Quá trình này diễn ra nhiều ngày sau đó, thường 2 tuần. Do đó phản ứng sau tiêm chỉ là 1 phần của đáp ứng miễn dịch còn rất xa mới đến được kết quả chúng ta mong đợi là sự sản xuất kháng thể. Do đó chưa thể kết luận có phản ứng sốt sau tiêm đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch tạo kháng thể tốt hơn được nhé.

Lời đồn 5: sau khi tiêm ngừa vắc xin COVID-19 không được ăn cái này, không được uống cái kia.

Sự thật là: không hiểu sao ở đâu lại ra nhiều thông tin như vậy, người thì nhắn hỏi em ăn trứng được không? Em uống nước dừa được không? Câu trả lời là các bạn cứ ăn uống như bình thường, nếu trước kia chúng ta không hề có tiền sử dị ứng nặng với loại thức ăn đồ uống đó. Ăn trứng cũng được, uống nước lọc, nước cam, chanh, nước ép rau củ, nước dừa đều được vừa cung cấp nước, lại cung cấp những vitamin và chất xơ tốt cho cơ thể. Khi có sốt càng cần phải uống nước thường xuyên hơn mà không đợi cảm giác khát. Nên hạn chế bia rượu và các thức ăn nhiều dầu mỡ là được. Nhớ theo dõi các phản ứng sau tiêm như sốt, đau nóng chỗ tiêm, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu…. thường cải thiện sau 48 giờ. Nếu thấy nổi mẫn đỏ, ngứa; phù mi mắt; đau ngực; khó thở; choáng váng; mệt mỏi… hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Các bạn còn lời đồn nào nữa, comment cho Bác Chuột biết nhé, Bác Chuột đi tiêm ngừa tiếp đây.

clip_image002

ĐỪNG "RU NGỦ" NGƯỜI DÂN KHI "LỬA ĐANG CHÁY DƯỚI ĐỐNG CỦI"

FB Truong Huy San

Tối qua, trong khi cô phát thanh viên xinh đẹp vừa mỉm cười vừa đọc bản tin đầy lạc quan này, cổng thông tin của Bộ Y Tế ghi nhận 360 ca TỬ VONG TRONG MỘT NGÀY, trong đó, Sài Gòn chiếm 269 ca.

Số ca F0 ghi nhận giảm trong mấy ngày vừa qua không phải là giảm trên thực tế mà do Sài Gòn không xét nghiệm đại trà để truy tìm F0 nữa. Còn Bình Dương thì đang có "nguy cơ bùng nổ dữ dội" và tình hình dịch bệnh nhiều nơi vẫn đang diễn biến khó lường.

Nói "giảm" trong lúc này cũng nên được coi là "fake news".

VTV có một đội ngũ các nhà báo giỏi. Tôi nghĩ là các bạn ấy cũng không muốn làm những bản tin như thế. Đọc công văn Ban Tuyên giáo TW, ngày 23-7-2021, phê bình Vietnamnet khi tờ báo này cố gắng phản ánh một phần nhỏ của bức tranh dịch bệnh, đủ thấy, "lạc quan tếu" có thể là "chủ trương". Một chủ trương rất sai lầm.

Con số người dân mắc phải Covid, đặc biệt là số bệnh nhân chuyển nặng, vượt quá khả năng điều trị của nền y tế, đang là sự thật. Số người chết vì Covid mỗi ngày đang vượt quá công suất hỏa táng của Bình Hưng Hòa, cũng là sự thật. Chính quyền có lúng túng lúc đầu hiện đã khắc phục và đang nỗ lực hết sức mình nhưng có những giới hạn không thể vượt qua, đó là sự thật.

Đưa tin để người dân cả nước biết sự thật đó, để chung tay với chính quyền chống dịch bằng cách NGỒI – YÊN – Ở – NHÀ chứ không phải đưa tin lạc quan tếu để người dân chủ quan. Quan tài đóng không kịp mà không cho dân chúng nhìn "thấy" để sợ thì đấy là cách làm tuyên truyền, làm tuyên giáo thiếu trách nhiệm; là ru dân chúng ngủ trên đống củi khi lửa đã cháy tới gần lưng họ.

PS: Hà Nội đã sửa quyết định hôm qua. Bài học cho các địa phương luôn là, bất cứ quyết định gì nhằm chống dịch đều phải dựa trên nguyên tắc "5K". Muốn dân chúng giữ khoảng cách mà biện pháp lại đặt họ trong tình huống không thể nào giãn cách thì sẽ luôn thất bại.

clip_image004

clip_image006

BÁC SĨ ‘CHIA ĐÔI’ MÁY ECMO CỨU HAI F0 NGUY KỊCH

Vnexpress – 10/8/2021

TP HCM – Ba F0 đều là sản phụ và đang nguy kịch, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 quyết định thực hiện sáng kiến "chia" một máy ECMO cho hai F0 cùng sử dụng.

Ngày 9/8, thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đêm qua khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 đã thực hiện thành công kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho F0 nặng thứ ba.

Sản phụ mắc Covid-19 đã được Bệnh viện Từ Dũ sinh mổ bắt con. Tình trạng bệnh nhân diễn biến phức tạp sau ca mổ sinh, suy hô hấp nặng và được chuyển đến Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nguy kịch, các chuyên gia của Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, trung tâm, hội chẩn chỉ định bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tuy nhiên, hai máy ECMO hiện có tại trung tâm đã cho hai F0 nặng khác sử dụng. Cả ba F0 cần dùng ECMO đều là các sản phụ. Đứng trước tình huống này, các bác sĩ của trung tâm đã tham vấn các chuyên gia về máy và các kỹ sư khoa Trang bị Bệnh viện Quân y 175, quyết định sử dụng chung một máy ECMO cho hai người bệnh cùng lúc. Đây được xem là bước đi sáng tạo của các bác sĩ, bởi thông thường mỗi máy ECMO chỉ dùng cho một bệnh nhân trong một thời điểm.

Sau hơn một giờ chuẩn bị và 30 phút thực hiện kỹ thuật, ê kíp đã đặt ECMO thành công cho sản phụ 33 tuổi và người đang dùng máy cũng không bị ảnh hưởng điều trị. Tình trạng sản phụ thứ ba sau đó cải thiện rõ rệt, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) tăng từ 80% lên 96-98%, về mức ổn định.

clip_image008

Cả hai nữ bệnh nhân đều ổn định sức khỏe sau sáng tạo "chia đôi" máy ECMO của các bác sĩ Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân Y 175. Ảnh: Trần Chính.

Thượng úy, bác sĩ điều trị Nguyễn Cảnh Chung cho biết đây là ba F0 đầu tiên can thiệp ECMO tại Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175. Với trường hợp thứ ba, nếu không dùng kỹ thuật ECMO, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong.

"Với sáng tạo thành công này, chúng tôi hy vọng sẽ cứu chữa được nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng cần đến kỹ thuật oxy hóa máu qua màng cơ thể hơn nữa", bác sĩ Chung nói.

Thư Anh

THẦY THUỐC ĐỒNG HÀNH – CÁI TÊN THẬT GIẢN DỊ!

FB Bs. Ha Nguyen

Đã gần 2 tuần nay, cứ tối tối, sau mỗi hồi chuông đổ và có người nghe máy là một câu chuyện đầy cảm xúc. Người thì là thành viên của một gia đình có 5 người thì cả 5 người đều dương tính và cách ly/điều trị tập trung ở những nơi khác nhau, người thì là một bà mẹ trẻ mới sinh em bé được 3 tháng và hỏi em bị thế này em ôm con em có được không… Có cụ ông 85 tuổi, có bệnh nền là cao HA, nói phều phào nhưng rất may cụ lại nghe được rất tốt, cụ bảo tôi mắc bệnh, vào đây được các khám và cho thuốc hàng ngày, giờ có cô gọi điện hỏi thăm, hướng dẫn thế này tôi vui lắm, tôi khoẻ rồi, giờ chỉ mong khỏi hẳn để được về nhà. Có cụ bà 82 tuổi, có bệnh nền là tiểu đường, cao huyết áp, hơi chút thừa cân, cụ bảo tôi mắc bệnh nhưng được điều trị ở nhà, cháu ngoại tôi chăm sóc tôi tốt lắm, giờ được bác sỹ gọi điện theo dõi và tư vấn thế này tôi thấy mừng và yên tâm lắm… Có người nghe máy lại là con trai của người bệnh, nói như khóc: chị ơi, mẹ em đang điều trị tập trung, mẹ em có bệnh nền là tiểu đường và cao huyết áp nhưng khi đi mẹ em không kịp mang thuốc theo, giờ em cũng bị đi cách ly rồi, làm thế nào em gửi được thuốc bệnh cho mẹ em, chị liên lạc đến chỗ đó để giúp mẹ em nhé… Một phần đất nước tôi đang trong những tháng ngày rất vất vả, nhưng trong các cuộc gọi điện thoại tôi đều thấy thấm đẫm tình người. Có lo âu, có sợ sệt, có lạc quan, có đôi lúc có cả bức xúc, và tất nhiên có cả nỗi đau… nhưng họ đều dành những lời nói, những tình cảm ấm áp cho nhau.

Những tháng ngày thật đặc biệt với đầy cảm xúc! Mong khó khăn sẽ sớm qua mau!

 

VÒNG TAY ÁO TRẮNG – TỦ THUỐC NHÂN ÁI (*)

FB Bs. Nguyễn Tấn Thủ

#Vòng_Tay_Áo_Trắng

#Tủ_Thuốc_Nhân_Ái

Bạn ho, sốt, tiêu chảy… giống Covid quá? – Vòng Tay Áo Trắng.

Bạn là F0 đang tại nhà hoang mang quá! – Vòng Tay Áo Trắng.

Bạn lo về Vaccine hay đi tiêm về bị nhiều tác dụng phụ, bạn sợ. – Vòng Tay Áo Trắng.

Bạn không có tiền mua thuốc… – Vòng Tay Áo Trắng.

Bạn lo lắng hoang mang và cần tư vấn tâm lý. – Vòng Tay Áo Trắng.

Chính thức khởi động Vòng Tay Áo Trắng để tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ tất tần tật về Covid.

Vòng Tay Áo Trắng nơi vòng tay của các bác sĩ và tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ đến mọi người những tâm tư trong thời buổi đầy hoang mang này.

Mọi vấn đề tư vấn, hỗ trợ chăm sóc online đều được miễn phí.

Riêng Tủ thuốc Nhân Ái thì dành cho những đối tượng khó khăn.

Mong cả nhà cùng lan toả chia sẻ để nhiều người cần sẽ được hỗ trợ.

Chung tay cùng PKNM cũng là cách giúp Người!

Cảm ơn Bs Anh Pham và các bác sĩ tình nguyện đã cực khổ mấy hôm nay.

Cảm ơn Bạn bè của Ha Thanh Phuc đã hỗ trợ thuốc cho Tủ Thuốc Nhân Ái.

Cảm ơn cả nhà!

#Phòng_khám_Nhà_Mình

#hoaho_chiase_covid

#covid

Bs Nguyễn Tấn Thủ

clip_image010

(*) Nhan đề của Văn Việt.

Văn Việt: Xin xem thông tin thêm từ FB Phòng Khám NHÀ MÌNH:

((( THÔNG BÁO )))

VÒNG TAY ÁO TRẮNG

Tư vấn Chăm sóc Hỗ trợ #COVID

==> LIÊN HỆ TRỰC TIẾP QUA HOTLINE:

18000019 hoặc 0363712120

==> Từ 8:00 đến 18:00

Chương trình được thực hiện từ Phòng Khám Nhà Mình xoay quanh các vấn đề về Covid: Những trường hợp cần tư vấn chăm sóc tại nhà, cần thuốc uống mà không có tiền mua, từ tâm lý đến thể chất của F0, F1, người thân gia đình… tất tần tật về Covid – một quy trình khép kín và bảo mật thông tin cá nhân.

F0 KHÔNG ĐƠN ĐỘC, từ lúc này, Phòng Khám Nhà Mình sẵn sàng với khẩu hiệu MUỐN ĐI XA THÌ ĐI CÙNG NHAU.

 

CÂU CHUYỆN REMDESIVIR

FB Quan Nguyen

Sáng nay, nói chuyện – dĩ nhiên là qua phone – với một bạn bác sĩ làm hồi sức (ICU) trong bệnh viện (không phải tuyến cuối mà là kế cuối) chữa COVID-19. Đó là một đồng nghiệp tốt, một bác sĩ trẻ (trẻ hơn tôi), nhưng cũng thuộc lớp ‘tứ thập nhi bất hoặc’, luôn tận tụy với công việc và hết lòng với bệnh nhân. Dĩ nhiên, tôi không đủ tư cách để đánh giá bác sĩ ấy giỏi hay không, nhưng với 20 năm chỉ làm 1 chuyên khoa và tận tụy công việc thì muốn không giỏi cũng khó ha. Bác sĩ ấy than rằng, khoa ICU của em không được nhận Remdesivir, buồn thật. Một câu than thở cũng thể hiện tấm lòng của bạn với bệnh nhân như thế nào!

REMDESIVIR là gì?

Nó là 1 tiền thuốc, nhóm kháng virus, tác động trên quá trình sao chép nhân bản của virus trong tế bào người bị nhiễm. Ngăn quá trình sao chép nhân bản, nghĩa là chống lại sự sinh sản của virus trong cơ thể người bị bệnh (hình 1 và 2).

Mặc dù remdesivir được phát triển bởi Gilead Sciences – ông trùm dược phẩm của Mỹ trong việc sản xuất các thuốc kháng virus như HIV, Viêm gan siêu vi C,… – remdesivir có số phận long đong như Thúy Kiều vậy. Đầu tiên, nó được phát triển trong điều trị kháng virus viêm gan C, sau đó là Ebola virus và Marburg virus, tất cả đều thất bại.

Rồi cũng đến lúc tái hồi Kim Trọng, đại dịch COVID-19, remdesivir được nghiên cứu trong kháng SARS-CoV-2 gây bệnh Cô VY. Kết quả khá khả quan, ĐẶC BIỆT DÙNG SỚM NGAY GIAI ĐOẠN COVID-19 CHUYỂN NẶNG. Đồn rằng (haha, đã là tin đồn thì việc kiểm chứng là khó nha), Donald J T (người luôn mồm không tin có bệnh COVID-19) khi bị mắc COVID-19 đã được dùng remdesivir ngay khi chuyển nặng nên việc hồi phục khá ngoạn mục và vì vậy sau vài ngày nằm viện, anh ấy đã tung khẩu trang như các cô người mẫu tung …

Theo bài báo y khoa “Remdesivir for the Treatment of Covid-19 — Final Report” của tạp chí NEJM danh tiếng Hoa Kỳ, báo cáo về kết quả nghiên cứu: có 1,062 người tham gia nghiên cứu là những bệnh nhân bị COVID-19 được nhập viện (chiếm nhiều nhất là nhóm bệnh nhân cần thở oxy), chia làm 2 nhóm, nhóm có dùng remdesivir và nhóm không dùng remdesivir. Các phương thức điều trị khác là giống nhau giữa 2 nhóm. Kết quả nghiên cứu là khá khả quan: remdesivir có hiệu quả hơn giả dược trong việc làm rút ngắn thời gian hồi phục bệnh ở những bệnh nhân người lớn nhập viện vì bị COVID-19 có bằng chứng bị nhiễm trùng hô hấp dưới (chẳng hạn, viêm phổi). Hình 3: thời gian hồi phục rút ngắn 5 ngày so với giả dược. Hình 4: tỷ lệ tử vong ngày 29, thấp hơn giả dược 3.8%.

Với kết quả khả quan này cộng với nhiều kết quả tốt trong sử dụng khẩn cấp khác ở Mỹ, ngày October 22, 2020, Cơ quan Quản lý Thuốc & Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn sử dụng remdesivir cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi có cân nặng từ 40 kg trở lên nhập viện vì COVID-19. Đây là thuốc đầu tiên được FDA phê chuẩn trong điều trị COVID-19. FDA cũng cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho trẻ em có cân nặng trên 3.5kg nhập viện vì bị COVID-19.

VỀ THỜI ĐIỂM SỬ DỤNG REMDESIVIR

Viện Sức Khỏe Hoa Kỳ (National Institutes of Health – NIH) khuyến cáo dùng cho bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 ở giai đoạn cần thở oxy có hoặc không có thở máy không xâm lấn. KHÔNG dùng cho bệnh nhân nhẹ chưa cần thở oxy, cũng không dùng cho những bệnh nhân quá nặng cần thở máy xâm lấn hay ECMO. Remdesivir có thể được dùng đơn thuần hoặc kết hợp với dexamethasone.

Hội Bệnh Nhiễm Hoa Kỳ (Infectious Diseases Society of America – IDSA) khuyến cáo về thời điểm sử dụng remdesivir như sau: remdesivir được dùng cho bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 nặng (được định nghĩa là bệnh nhân có SpO2 ≤94% khi thở không khí phòng bình thường hoặc bệnh nhân cần thở oxy), thời gian sử dụng remdesivir được khuyến cáo là 5 ngày. Khuyến cáo CHỐNG LẠI việc sử dụng thường quy remdesivir ở bệnh nhân bị COVID-19 cần thở máy hoặc ECMO.

Túm lại, mặc dù WHO không khuyến cáo dùng remdesivir trong mọi trường hợp, Mỹ khuyến cáo dùng remdesivir ở những BỆNH NHÂN GIAI ĐOẠN CHUYỂN NẶNG. Giữa WHO và Mỹ, tui tin Mỹ hơn.

Trở lại Việt Nam, tôi đồng cảm với đồng nghiệp của tôi. Bạn ấy đang làm ở tuyến áp cuối COVID-19 (theo ngôn ngữ hiện tại là tầng 4), nơi mà số bệnh nhân CHUYỂN NẶNG rất nhiều, có remdesivir dùng trong giai đoạn này là hợp lý nhất. Những bệnh nhân đã ngậm ống thở máy, remdesivir gần như hết vai trò, dùng remdesivir không khéo bệnh nhân bị thêm tác dụng bất lợi của nó sẽ còn khốn khổ hơn. Không hiểu sao, Bệnh viện COVID-19 tuyến cuối là nơi duy nhất được phân phối remdesivir!

Hình 1 chôm trên mạng không nhớ ở đâu.

Hình 2, 3, 4 & 5 chôm trên NEJM và IDSA.

Hình 6 do tui chụp ở nhà tui, nó cung cấp chất xơ cho tui gần 2 tháng giãn cách. Cái gì cũng cần đu đủ: đúng thời điểm và đủ liều lượng & thời gian, remdesivir cũng sẽ cứu một số bệnh nhân đấy.

Lưu ý, tỷ lệ chết/ mắc của Việt Nam hôm nay đã là 1.57%, cao gần gấp đôi Thái (0.81%) và Mã (0.85%) mặc dù tổng số mắc 2 nước này cao hơn Việt Nam rất nhiều, thời gian họ bị nhiều cũng khá lâu hơn so với Việt Nam.

https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa2007764

https://www.fda.gov/…/fda-approves-first-treatment…

https://files.covid19treatmentguidelines.nih.gov/…/covi…

https://www.idsociety.org/…/therapeutics…/remdesivir/

clip_image020

clip_image022

clip_image024

clip_image026

clip_image028

 

SÀI GÒN KHÔNG CHỈ LÀ SÀI GÒN (*)

FB Cao Xuan Minh

Có nhiều “đại nhân” và truyền thông đã phán cách đây 1 tuần tình hình Sài Gòn đã chựng lại và có thể nới lỏng từ 10/8. Xin thưa rằng đến giờ này thì Sài Gòn chỉ có thể ổn khi độ phủ vaccine đủ rộng đạt 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Thực tế những gì đang diễn ra thì dịch giảm chỉ là ở những “con số” ca mới được báo cáo mà thôi.

Các hệ thống y tế dù lập nên bao nhiêu cũng không thể đáp ứng nổi bệnh nhân, sự quá tải khiến khi bệnh trở, việc kiếm được 1 suất nhập viện không hề đơn giản và những hệ luỵ bao nhiêu nước mắt cũng không thể bù đấp. Thảm cảnh đâu đó như chúng ta đang thấy.

Sài Gòn trong những đợt đầu đã chích được tầm 1 triệu liều cho công nhân, nhân viên y tế và nhiều đối tượng khác… từ 22/7 đến nay nếu tính luôn cả lượng vaccine còn đủ chích hôm nay và ngày mai thì Sài Gòn có thêm 2.5 – 2.6 triệu người được chích. Tốc độ tiêm của Sài Gòn đã đạt 270 ngàn liều chích cho 1 ngày. Chỉ cần liên tục 10 ngày nữa thôi, có thể có thêm tầm 3 triệu người được tiêm, nghĩa là Sài Gòn có hơn 6 triệu người đã chích được 1 mũi và 10 ngày sau nữa hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ có. Dân số Sài Gòn tầm 9-10 triệu, dân số từ 18 tuổi trở lên có thể từ 7.5-8 triệu.

Đà tốc độ tiêm của Sài Gòn đang như thế, đừng để chựng lại hay đứt đoạn. Bộ Y Tế hãy điều đủ vaccine để Sài Gòn lao nhanh về đích. Chựng lại hay đứt đoạn khởi động lại có thể mất rất nhiều thời gian hơn nữa.

Lửa đang bùng cháy dữ dội, chỉ có thể rút bớt củi ra thì lửa mới giảm và ngừng cháy. Khi đạt 70% được tiêm tự động đỉnh dịch được lập, bệnh giảm đi nhanh chống, lượng nhập viện giảm đi, mọi thứ quá tải sẽ giảm đi, hiệu quả mọi thứ được nâng lên, giăng dây sẽ được tháo bỏ hết, chất lượng chăm sóc tốt hơn, tử vong sẽ nhanh chóng giảm sâu xuống. Cả hệ thống chính trị, chính quyền cũng được giảm tải, hồi sinh cuộc sống.

Hôm qua 8/8 ca mới cả nước tiệm cận 10 ngàn, số liệu các nơi như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Hà Nội đều vọt vọt… mọi thứ dường như đi theo con đường của Sài Gòn trong thời gian chừng 20-30 ngày nữa. Dường như không thể né tránh được. Nhưng những bài học ở Sài Gòn hy vọng các địa phương né được để giảm nhiều hậu quả.

20 ngày nữa nếu Sài Gòn đã tiêm đạt 70%, đạt miễn dịch cộng đồng, Sài Gòn ổn thì Sài Gòn sẽ bung quân đi tiếp viện các nơi. San sẻ những yêu thương mà Sài Gòn đã nhận từ cả nước. Nguồn lực từ Sài Gòn sẽ phủ cho nhiều nơi giảm nhiều những thiệt hại.

Sài Gòn ổn Sài Gòn sẽ đi giúp khắp nơi, tin tôi đi.

Hãy tập trung cho Sài Gòn, để xử lý xong 1 cách dứt khoát rồi Sài Gòn góp phần lo chỗ khác.

(*) Nhan đề của Văn Việt.

LỘ TRÌNH TIÊM VACCINE CHỐNG COVID-19 CHO MỤC TIÊU KÉP MỚI CỦA VIỆT NAM

Nguyễn Ngọc Anh, Trần Nam Bình, Lê Văn Cường – Tia Sáng, 09/08/2021

Với mô hình này, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tương đối kinh tế và bảo đảm giảm tối đa các ca tử vong hay bệnh nặng xảy ra cho độ tuổi trên 65 và những người có bệnh nền.

clip_image032

Tiêm vaccine ở TP HCM vào cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Việt Nam đã và đang theo đuổi mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới1. Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược này – với tỷ lệ người nhiễm COVID-19 thấp (0,01% trên tổng dân số) và số người tử vong cũng rất thấp (55 người – chiếm 0,56% trong tổng số người mắc COVID).

Tuy nhiên, với biến chủng Delta2, vì sự lây lan quá nhanh của nó, đã gây ra đợt dịch COVID-19 hiện tại, de dọa nghiêm trọng tới việc thực hiện chiến lược mục tiêu kép của Việt Nam (số lượng người nhiễm từ ngày 27/4 đến 5/8 lên 177.804 người. Dịch đã lan ra 62 tỉnh trên toàn quốc, tình hình diễn tiến đặc biệt nghiêm trọng ở một số tỉnh thành là các trung tâm kinh tế trọng điểm của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh (TP HCM), Bình Dương, Đà Nẵng, dẫn đến việc phải giãn cách toàn xã hội, theo chỉ chị 16 và còn cao hơn Chỉ thị 16). Tình hình đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt chiến lược chống COVID cũng như điều chỉnh về mục tiêu kép trong tình hình mới.

Mục tiêu kép mới: Nếu mục tiêu kép trước đây giữ gìn và đẩy mạnh tăng trưởng và giảm tối đa các ca dương tính, thì mục tiêu kép "mới" là: cực tiểu hóa các ca nhiễm bệnh nặng và tử vong, trong khi vẫn có thể có tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhưng với một nhịp độ có thể thấp hơn chỉ tiêu 6,5% cho năm 2021. Theo ý chúng tôi, Việt Nam nên tạm thời gác qua một bên sự quan tâm về nhịp độ tăng trưởng kinh tế 6.5% cho năm 2021 (như nêu tại Nghị quyết số 75/NQ-CP banh hành ngày 14/7/2021, tại phiên họp Chính phủ)3, và tập trung vào chống dịch và đặc biệt chiến lược tiêm vaccine. Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF bà Kristalina Georgieva đã kêu gọi các quốc gia tập trung vào thực hiện chính sách vaccine, và cho rằng trong năm 2021 và có thể cả năm 2022 chính sách vaccine còn quan trọng hơn cả các chính sách tài chính và tiền tệ4.

Việt Nam nên tạm thời gác qua một bên sự quan tâm về nhịp độ tăng trưởng kinh tế 6.5% cho năm 2021. Trong năm 2021 và có thể cả năm 2022 chính sách vaccine còn quan trọng hơn cả các chính sách tài chính và tiền tệ.

Điều này cũng nhất quán với nhận định của Philippe Aghion (GS Harvard và từng làm tư vấn chính sách choTổng thống Pháp) cùng cộng sự rằng không có sự đánh đổi giữa sức khỏe và kinh tế – chỉ có thể phát triển kinh tế khi chống dịch COVID thành công5. Ngoài ra, việc tiêm nhanh và hiệu quả còn có tác dụng (i) ngăn chặn chủng Delta bành trướng mạnh, có cơ nguy biến dạng thành một chủng khác nguy hiểm hơn và gây tác hại toàn cầu; (ii) để hy vọng Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng trong chừng mực nào đó.

Hiện nay, đã có sự đồng thuận tương đối giữa các giới chuyên môn về y khoa, kinh tế cũng như các cơ quan hữu trách về sự cần thiết của biện pháp tiêm vaccine chống COVID-19 càng nhanh càng tốt. Mục tiêu của bài viết ngắn này là đưa ra một lộ trình tiêm vaccine với mục tiêu kép mới. 

Lộ trình triển khai tiêm vaccine chúng tôi đề xuất ở đây được đặt trong hoàn cảnh: (i) Việt Nam đang có dịch nghiêm trọng với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao; (ii) các địa phương có mật độ dân số khác nhau, vai trò kinh tế khác nhau và mức độ dịch khác nhau, (ii) Việt Nam chưa tự chủ được nguồn vaccine, phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu hoặc viện trợ từ bên ngoài, (iii) đa dạng chủng loại vaccine với các mức hiệu quả chống lây nhiễm và chống tử vong khác nhau.

Đối tượng ưu tiên: Ngoài những nhóm đối tượng đã được Chính phủ xác định ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng COVID, chúng tôi muốn bổ sung ba nhóm đối tượng

• Nhóm 1: Ở Việt Nam cũng giống như các nước trên thế giới, nếu tỷ lệ bị lây nhiễm COVID-19 của người dưới 65 tuổi rất cao so với người trên 65, thì ngược lại những ca bị nặng phải vào đơn vị chăm sóc đặc biệt hay tử vong lại rất cao ở những người trên 65 tuổi, và những người có bệnh nền. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của tiêm chủng là để hạn chế tôi đa những ca tử vong hay bệnh nặng. Do đó những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền là đối tượng đáng quan tâm nhất trong chiến lược tiêm vaccine.

Như hình minh họa dưới dây của trong bài viết Chiến lược tối ưu chống COVID của Melis Tekant6trên của Đại học Harvard, thì khi ưu tiên người trẻ sẽ làm giảm số ca lây nhiễm nhưng không làm giảm các ca nặng và tỷ lệ chết, nhưng ưu tiên tiêm cho người già thì sẽ giảm các ca nặng nhưng không làm giảm lây nhiễm. Trong hoàn cảnh số ca nhiễm đã quá lớn, việc đặt mục tiêu không lây nhiễm là bất khả thi, và mục tiêu giảm ca nặng cần được ưu tiên.

clip_image036

• Nhóm 2: Nhóm lao động thiết yếu (essential workers), là những nhóm lao động cần thiết để đảm bảo cho sự vận hành cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu7. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng việc ưu tiên vaccine cho nhóm lao động thiết yếu này sẽ làm giảm cả số lượng người  bị lây nhiễm cũng như ca nặng phải nhập viện hay chết8. Ở từng nước khác nhau, nhóm lao động thiết yếu có thể khác nhau. Do đó, Việt Nam cần xác định các nhóm lao động thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế vẫn có thể vận hành suôn sẻ, vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế.

• Nhóm 3: Nhóm siêu lây nhiễm (super spreaders)9. Đây là nhóm người, dân cư có tiếp xúc xã hội nhiều (một phần có thể do tính chất ngành nghề, độ tuổi). Họ chỉ chiếm 10% tổng số người bị nhiễm nhưng lại có thể gây ra đến 80% tổng số ca nhiễm10. Tiêm vaccine sớm cho nhóm này cũng được coi là một ưu tiên chống dịch đặc biệt hiệu quả, nếu như có thể xác định sớm được nhóm này.

Trong Phần 1, chúng tôi đưa ra lộ trình tiêm vaccine cho Thành Phố Hồ Chí Minh. Trong Phần 2, chúng tôi sẽ đưa ra lộ trình cho các vùng, miền khác.

1. Thành Phố Hồ Chí Minh

Hiện tại diễn biến COVID-19 tại thành phố vẫn còn rất phức tạp, và đang được sự ưu tiên của cả nước, vừa để chống dịch sớm vừa để đảm bảo phát triển kinh tế.

Thành phố TP. HCM là nơi năng động nhất về kinh tế của Việt Nam. Tỷ trọng GDP của TPHCM là 22% của GDP Việt Nam. Dân số TPHCM vào khoảng 9 triệu người, trong đó số lượng công nhân vào khoảng 3,5 triệu.11

Tỷ lệ người trên 65 tuổi của toàn quốc là khoảng 8%. Giả thiết là tỷ lệ này cũng đúng cho TPHCM thì chúng ta sẽ có trên dưới 720.000 người trên 65 tuổi ở TPHCM. Trong số những người này có nhiều người có bệnh nền (huyết áp cao, tiểu đường, suy tim, mỡ trong máu nặng, ung thư). Chúng tôi giả sử số người dưới 65 tuổi có bệnh nền ở TPHCM là khoảng 500,000. Như thế, tổng cộng số người trên 65 tuổi, số người có bệnh nền và số lượng công nhân sẽ là khoảng 4,7 triệu người.

TP HCM đã thông báo là sẽ có 5 triệu liều vaccine trước 15 tháng 8 năm nay12.  Chúng tôi đề ra phương án như sau:

• Đợt 1. Tiêm vaccine cho toàn bộ những người công nhân (3,5 triệu) và toàn bộ người trên 65 tuổi và có bệnh nền. Sẽ dôi ra 300,000 liều vaccine. TPHCM sẽ tiêm cho những người ở tuyến dầu chống dịch và những người lái xe đường dài, bán chợ đầu mối, giao hàng (đây chính là nhóm lao động thiết yếu đề cập ở trên, đồng thời cũng có khả năng lây nhiêm cao do tiếp xúc nhiều), vv chưa được tiêm. Đợt 1 sẽ tiến hành trong vòng 3 tuần, nếu TPHCM có thể tổ chức được.

• Đợt 2: Sẽ tiêm tiếp toàn bộ những người đã được tiêm mũi thứ nhất ở Đợt 1.  Đợt 2 cũng sẽ diễn ra trong 3 tuần.

Như vậy, sau 6 tuần, TPHCM sẻ giải quyết vấn đề của những người trên 65 tuổi, những người có bệnh nền và những người lao động ở các khu công nghiệp. Những khu công nghiệp có thể hoạt động trở lại tương đối một cách bình thường. Những công nhân sẽ không bị giữ lại tại chỗ, để vừa làm việc, vừa nghỉ. Họ về lại nhà như trước. Vì những người lớn tuổi và những người có bệnh nền đã được tiêm hai lần, những người dưới 65 chưa được tiêm sẽ không làm lây lan nhiều đến những người cao tuổi và những người có bệnh nền13.

Mô hình ở TPHCM sẽ được áp dụng cho những tỉnh thành, những vùng có những khu công nghiệp đang có nguy cơ. Lộ trình tiêm sẽ đi từ nhóm ưu tiên đến dân số nói chung. Còn ở những vùng phi công nghiệp khác tại các tỉnh này, nên tiêm ưu tiên cho những người trên 65 và những người có bệnh nền.

• Đợt 3: TPHCM sẽ tiến hành tiêm cho những người dưới 65 tuổi (dân số nói chung).  Mục đích tiếp tục tiêm vaccine là:

(i) ngăn chặn chủng delta bành trướng mạnh và có cơ nguy biến dạng thành một chủng khác nguy hiểm hơn nữa. Như thế sẽ tác hại toàn cầu; (ii) để hy vọng là Việt Nam sẽ đạt được, trong chừng mực nào đó, miễn dịch cộng đồng.

• Cũng nên tiêm, tương đối ưu tiên, cho những người muốn trở về quê sinh sống, vì họ đã suy sụp kinh tế ở các thành phố lớn như TPHCM, TP Hà Nội. Dĩ nhiên những người trở về quê phải làm test PCR.

2. Lộ trình cho những tỉnh thành khác, vùng khác

2.1 Những tỉnh, thành có tầm quan trọng kinh tế, có nguy cơ COVID cao (như Bình Dương, Đồng Nai, Đà nẵng, các tỉnh miền tây phía Nam): Mô hình ở TPHCM sẽ được áp dụng cho những tỉnh thành, những vùng có những khu công nghiệp đang có nguy cơ14. Lộ trình tiêm sẽ đi từ nhóm ưu tiên đến dân số nói chung. Còn ở những vùng phi công nghiệp khác tại các tỉnh này, nên tiêm ưu tiên cho những người trên 65 và những người có bệnh nền. 

Cũng nên tiêm, tương đối ưu tiên, cho những người lái xe đường dài để hàng hóa có thể lưu thông (chuỗi sản xuất không bị cắt đứt) và để cho những người muốn trở về quê sinh sống, vì họ đã suy sụp kinh tế ở các thành phố lớn như TP HCM, TP Hà Nội. Đương nhiên những người trở về quê phải làm test PCR.

2.2 Những tỉnh miền núi, dân cư thưa, nguy cơ COVID chưa cao: Hiện số lượng vaccine được phân bổ cho các tỉnh này chưa nhiều, do còn đang ưu tiên những tỉnh đang có dịch, nên sẽ triển khai tiêm trước cho các nhóm ưu tiên đã nêu ở trên.

3. Vấn đề chống vaccine, không tiêm vaccine, ngần ngại tiêm vaccine (Vaccine hesitancy): Trên thế giới cũng như Việt Nam, việc tiêm vaccine luôn gặp phải vấn đề ngần ngại, chống vaccine của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Nếu điều này không được xử lý tốt trong hoàn cảnh dịch COVID-19 hiện nay, Việt Nam có thể không đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm vaccine, nhìn tỷ lệ người sẵn sàng tiêm vaccine sẽ lớn, không gây ra chậm trễ đáng kể trong việc triển khai tiêm. Tuy nhiên sau một thời gian, thì tỷ lệ này ngày càng giảm xuống (do những người sẵn sàng tiêm đã tiêm rồi), và tỷ lệ người ngần ngại tiêm sẽ tăng lên. Do đó Việt Nam cần xây dựng các thông điệp, biện pháp chính sách để người dân sẵn sàng đi tiêm hơn. Một trong những gợi ý, đó là cho phép tiêm dịch vụ chất lượng cao có sự tham gia của các bệnh viện tư.

Lời kết:

Tóm lại, với mô hình này, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tương đối kinh tế và bảo đảm giảm tối đa các ca tử vong hay bệnh nặng xảy ra cho độ tuổi trên 65 và những người có bệnh nền.

Về các tác giả:

TS Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN)

GS Trần Nam Bình (The University of New South Wales Sydney)

GS Lê Văn Cường (Paris School of Economics)

Lời cảm ơn:

Các tác giả cám ơn GS TS BSĐinh Xuân Anh Tuấn đã giải thích cặn kẽ, rõ ràng về dịch COVID-19 qua hai webinars do ISVE, CASED và DEPOCEN tổ chức. Các tác giả cũng xin cám ơn Bác Sĩ Jerome Couturier đã đóng góp ý kiến về bài này.

Chú thích:

1 Cụ thể là: “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới. (xem https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tiep-tuc-tap-trung-muc-tieu-kep-1491879166)

2 Biến chủng COVID-19 Delta đã và đang thách thức các nước chống dịch thành công trong giai đoạn đầu của năm 2020 khi chưa có Vaccine. Việc áp dụng cứng nhắc mục tiêu không lây nhiễm (zero-COVID) trong hoàn cảnh hạn chế về vaccine (về hiệu quả cũng như tính sẵn có) cũng đặt một loạt nước vào hoàn cảnh khó khăn. https://www.theguardian.com/world/2021/aug/04/with-the-delta-variant-spreading-is-chinas-zero-tolerance-COVID-approach-over https://www.telegraph.co.uk/news/2021/05/09/china-closed-border-allies-now-trapped-zero-COVID-nightmare/ 

3 https://dangcongsan.vn/thoi-su/kien-quyet-kien-tri-thuc-hien-thanh-cong-muc-tieu-kep-585445.html 

4 https://www.cnbc.com/2021/06/16/COVID-imf-chief-says-vaccine-policy-is-the-most-important-economic-driver.html 

5 https://voxeu.org/article/aiming-zero-COVID-19-ensure-economic-growth 

Indonesia được cho là ngước thực hiện chiến lược vaccine phi truyền thống, khác với các nước khác, đó là ưu tiên kinh tế, nhưng đã bị ảnh hưởng nặng về cả kinh tế và y tế khi số ca nhiễm lên rất cao 3,496,700 và 98,889 người chết  (xem: Indonesia’s unorthodox vaccination strategy puts the economy first  https://www.dw.com/en/opinion-indonesias-unorthodox-vaccination-strategy-puts-the-economy-first/a-56383343   và https://reliefweb.int/report/indonesia/situation-update-response-COVID-19-indonesia-3-august-2021-enid)

6 https://sitn.hms.harvard.edu/flash/2021/optimal-strategy-for-a-COVID-19-vaccine-roll-out/ 

7 Tham khảo thêm https://www.cdc.gov/vaccines/COVID-19/categories-essential-workers.html 

8 https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.02.23.21252309v1.full

9 https://www.wired.com/story/COVID-19-vaccine-super-spreaders

10 https://healthpolicy.usc.edu/article/COVID-19-vaccine-model-needs-to-prioritize-superspreaders-here-is-why/ 

11 https://vnexpress.net/tiep-tuc-uu-tien-vaccine-cho-tp-hcm-4336417.html 

12 https://thanhnien.vn/suc-khoe/tphcm-se-co-them-5-trieu-lieu-vac-xin-COVID-19-1423323.html 

13 Ở Pháp, thống kê cho thấy là từ 86% đến 96% người nhiễm COVID hiện nay là những người không tiêm vắc-xin, (https://www.la-croix.com/Sciences-et-ethique/COVID-19-96-Francais-contamines-semaine-derniere-netaient-pas-vaccines-2021-07-16-1201166534). Và nếu bị nhiễm COVID-19, thì những người đã được tiêm 2 mũi sẽ không bị triệu chứng nặng phải vào hồi sức hoặc bị tử vong (https://www.latribune.fr/economie/france/COVID-19-pres-de-8-deces-sur-10-sont-des-personnes-non-vaccinees-selon-une-etude-889996.html)

14 https://vnexpress.net/chu-tich-binh-duong-du-bao-so-ca-nhiem-tang-len-30-000-4336353.html

 

“SAO NHỚ SÀI GÒN QUÁ ĐI”!

FB Lê Huyền Ái Mỹ

Nhà bạn tôi ở sát bên cầu Công Lý, bên này là quận Phú Nhuận, ngó qua bên kia đường là quận Ba. Bạn chụp những con đường về khuya, nhìn từ trên cao, không một bóng người, chỉ lấp loáng mấy ánh đèn cứu thương qua lại giữa phố xá ủ vàng, rồi bật lên “sao nhớ Sài Gòn quá đi”.

Tôi không nói nhớ. Nhưng im lặng lôi ra hết những hình ảnh, âm thanh quen thuộc được cất kỹ, như thể muốn đè lên tiếng còi nối đuôi nhau mỗi ngày hay những bọc thi thể người được ai đó quay chấp chới như để ghi lại bằng cớ cái phút giây hiện diện sau cùng.

Cả những “chương, hồi” đang giễu qua cái sân khấu vốn được dựng lên trên mớ phức cảm quái gở, dị thường.

Không nổi.

Tận cùng của tang thương lẫn xấu xí, đều khiến tôi câm nín.

Ngay cả hình ảnh đón nhận, trang nghiêm quy tập tro cốt những người đã ra đi vì dịch bệnh, chưa/không có người thân tiếp nhận để đưa về một nơi chốn, lập bàn thờ hương khói; đó là một hành xử phải đạo, đúng đắn.

Và tôi hồi hướng về những linh hồn không quen biết, cho dù chỉ là trước màn hình. Vậy thôi.

Còn nhìn nhận hơn thế, chịu.

Bất kể là thiên tai, địch họa hay dịch bệnh lan tràn, một khi để dẫn đến tử vong, tử vong số đông, đã là một sự mất mát khủng khiếp và là một “thất bại” đau đớn của con người.

Vậy mà từ đây, để nhìn ra, cố gắng nhận lấy những bài học tang thương ấy mà tỉnh táo hơn lên, khôn ngoan ra giùm, vẫn chưa, vẫn không.

Tự dưng, nhìn hàng người ở Hà Nội, rồi nào mớ giấy “xét nghiệm đi đường”, tưởng như chuyện ở Gò Vấp, Phú Thọ, Bình Điền hôm qua. Sài Gòn, trong cái chất “đi trước”, cả… ăn chửi cũng không chịu “về sau”. Sài Gòn, trong muôn ngàn cái thiệt thòi, cả con số vaccine trù liệu, cũng vênh và thiếu hụt, sức người thì đang kiệt…

Tự dưng, nhớ một người Sài Gòn vừa mới nằm xuống, sách ông có chép lại chuyện năm 1929, Sài Gòn thiếu nhà thương trầm trọng. Đến nổi, trên Phụ Nữ Tân Văn đã phải thốt lên tiếng kêu than: “Than ôi, thành phố Sài Gòn này lớn vào hạng nhất nhì ở Viễn Đông… vậy mà không có một cái nhà thương phổ thông cho bọn trung lưu trở xuống…”. (số 18, tháng 8/1929).

Tờ báo nữ giới này cũng vạch trần “thành phố nói không có tiền. Tiền xài chuyện vô lối thì có, còn xài sự lợi ích chung thì lại rằng không?…Món gì cũng phải có thuế mà dân sự muốn dùng món gì cũng không có, đi đường muốn tiểu cũng không có chỗ, khi sinh sản không có chỗ sanh, khi bệnh hoạn muốn dưỡng cũng không có chỗ dưỡng. Ôi thôi…” (số tháng 12/1929) – trích dẫn từ Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ – tạp bút của Lê Văn Nghĩa.

Đó là chuyện của Sài Gòn gần 100 năm trước.

Sài Gòn hôm nay, nhà thương dựng lên khắp các cửa ngõ. Chỉ có điều, lúc này, tại đây, người Sài Gòn “từ chết tới bị thương” đang đầy rẫy…

Ngó về Bình Dương, thương thôi không đủ, sợ là không kịp.

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CÓ THÁP THỜ TRO CỐT MIỄN PHÍ NGƯỜI TỬ VONG COVID-19

Lê Công Sơn – Thanh Niên, 10/8/2021

Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố; chùa, cơ sở tự viện… về việc tiếp nhận tro cốt miễn phí, cầu siêu cho các bệnh nhân tử vong do Covid-19.

clip_image040

Cầu siêu cho các bệnh nhân tử vong vì Covid-19

ẢNH: BÁO GIÁC NGỘ

Theo đó, công văn do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới ký ngày 9.8, về việc thiết lập trai đàn tụng kinh cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do dịch bệnh Covid-19 vào mùa Vu lan, trong đó nêu rõ: “Trong những ngày vừa qua dịch bệnh Covid-19 do biến chủng Delta làm lây nhiễm diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố với tốc độ nhanh làm cho số ca F0 tăng cao. Các bệnh nhân F0, nhất là các bệnh nhân có bệnh lý nền khi nhiễm SARS-CoV-2 đã không thể qua khỏi, do đó số nạn nhân tử vong vì Covid-19 cũng tăng cao. Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, nên việc tổ chức tang lễ cho những người thân đã mất vì dịch bệnh Covid-19 của các gia đình, thân nhân không thể diễn ra theo tâm nguyện”.

 

clip_image041

Mùa Vu Lan cũng là giai đoạn thực hiệc các nghĩa cử ý nghĩa, tốt đạo đẹp đời

ẢNH: T.L

 

Thời điểm Vu lan cũng là khoảng thời gian các chùa, cơ sở tự viện tụng kinh cầu siêu tiến cho các chư vị vong linh, cửu huyền thất tổ các gia đình, dòng họ và anh linh các anh hùng liệt sĩ được an lành nơi tịnh cảnh. Vì vậy, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thiết lập trai đàn cầu siêu cho các vong linh bệnh nhân tử vong vì Covid-19 được siêu sinh tịnh độ theo nghi lễ trang nghiêm, truyền thống văn hóa dân tộc.

Đối với việc tiếp nhận tro cốt miễn phí cho bệnh nhân tử vong vì Covid-19, công văn của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ký có yêu cầu khá chi tiết: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp các chùa có tháp thờ tro cốt tiếp nhận miễn phí, thờ phụng trang nghiêm, quản lý chặt chẽ, có danh sách cụ thể các hũ tro cốt của bệnh nhân tử vong do Covid-19 trong thời gian này.

“Trên đây là các Phật sự cần thiết, ý nghĩa theo tinh thần báo hiếu trong mùa Vu lan và truyền thống văn hóa dân tộc. Rất mong Chư tôn đức tăng ni các chùa, cơ sở tự viện phát tâm thực hiện”, công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đề nghị.

 

THƯƠNG LẮM MẸ ƠI! | Nhật ký phục vụ tại bệnh viện dã chiến

Tổng Giáo phận Sài Gòn, ngày 10/8/2011

Thương lắm mẹ ơi!

TGPSG Mẹ! khi mẹ đọc được tâm sự này thì con đang ở tuyến đầu chống dịch. Con xin lỗi mẹ vì con không dám gọi điện báo trước cho mẹ biết. Con sợ mẹ lại lo lắng, lại không ngủ được.

Mẹ còn nhớ ngày trước con chỉ bị sốt nhẹ, mẹ đã thức suốt đêm không ngủ. Mỗi lần mở mắt, con đều thấy mẹ ngồi bên, sợ con lại lên cơn sốt. Ngày con đi tu mẹ cũng đã khóc suốt đêm mà không ngủ. Làm sao con có thể để mẹ ngày đêm không ngủ vì lo lắng cho con thêm một lần nữa. Nhưng mẹ yên tâm mẹ nhé. Con vẫn khỏe mạnh và bình an. Làm việc nơi đây con thấy thương các bác sĩ lắm mẹ ạ. Đã hơn 4 tháng họ không về nhà. Có lẽ mỗi khi đêm về, họ đã khóc thầm nhớ gia đình, nhớ cha mẹ già, nhớ con thơ… không phải họ yếu đuối mẹ ạ, nhưng họ có trái tim mềm, trái tim biết biết khóc, thương cho bệnh nhân, trái tim y đức.

Họ tâm sự: “Sơ biết không, đã có nhiều lần con phải xa nhà. Nhưng lần này nỗi nhớ da diết lắm, chỉ sợ một ngày nào đó con không thể về với vợ, với con, khi nhận kết quả là dương tính thôi”.

Bởi hơn ai hết, con hiểu rằng các bác sĩ đang bước vào một trận chiến thực sự. Chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở thì nguy cơ xâm nhập của virus Corona  vào cơ thể mình rất cao.Mẹ biết không, trong những ngày đầu phục vụ, con cũng đã rất hoang mang. Thứ nhất, con không có chuyên môn về y tế lại tiếp xúc trực tiếp với F0, như vậy có an toàn cho sức khỏe của mình hay không? Thứ hai, con mới tiêm một mũi vắc-xin ngày hôm trước, hôm sau đã lên đường, không biết có hiệu quả không? Chỉ mới hơn có một tuần phục vụ và nhóm thiện nguyện đã có kết quả là dương tính. Con hồi hộp khi chờ kết quả test covid, có khi nào rồi cũng sẽ tới lượt mình không? Con vẫn sợ nhưng nếu sợ thì con sẽ ngại hy sinh, ngại dấn thân. Con đã cầu nguyện thật nhiều. Cuối cùng tình thương trong con đã vượt thắng sự sợ hãi. Và sau khi cầu nguyện, con đã tìm được bình an, đã xác định mục tiêu ban đầu là phục vụ tha nhân chứ không phải tìm sự an toàn cho bản thân. Con không thể vì lo nghĩ cho bản thân mà không dấn thân mẹ ạ.

Hơn nữa, niềm tin vào Chúa đã giúp con có thêm sức mạnh để làm chứng cho Chúa dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính hình ảnh của các y bác sĩ nơi đây đã đánh động con rất nhiều. Chị Ngân điều dưỡng tâm sự: “Chị thèm biết bao phút giây được trở về bên gia đình, được ngồi xem ti vi với ba, được nằm trong vòng tay của mẹ để tỉ tê đủ thứ chuyện…nghĩ đến những chuyện đó chị lại nhớ nhà đến trào nước mắt. “Giây phút được nhìn được thấy chồng và con qua điện thoại, cô mừng phát khóc, thương chồng con vất vả ở nhà một mình. Cô cố gắng giữ gìn sức khỏe để sớm chiến thắng dịch trở về với chồng con.” – cô Giang (hộ lý) tâm sự.

Có bác sĩ không kìm được nước mắt vì nhớ đứa con nhỏ mới hơn 3 tuổi ở nhà. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, những cuộc gặp người thân ngắn ngủi qua khuôn hình điện thoại là niềm an ủi, động lực tiếp thêm sức mạnh cho các y bác sĩ chiến đấu nơi tâm dịch. Khi nghe họ tâm sự con thấy mắt họ đỏ hoe, khóe mắt rưng rưng những giọt nước mắt.

Có lẽ lòng họ đau nhói, lo lắng cho sức khỏe của người thân mà chẳng thể ở bên chăm sóc… Tất cả những nỗi niềm ấy được họ – những người chiến sĩ áo trắng gói ghém và ghi lên ghế : “Mẹ ơi, con muốn về nhà”…”khi nào con mới được về”… “tôi muốn được về nhà”…

Mẹ đã từng dạy con: “Dù ở đâu, làm gì con hãy luôn nghĩ đến người khác, có như vậy con mới tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc con ạ”. Con vẫn nhớ lời mẹ dặn và con mang trong mình Tình yêu của Đức Kitô đến đây để phục vụ bệnh nhân covid. Thương lắm mẹ ạ! Các bệnh nhân ở đây hầu như đều bất động. Con virus quái ác hành hạ họ khổ sở lắm. Họ thoi thóp trong từng hơi thở, không người thân bên cạnh. Họ phó thác mạng sống họ cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Bệnh nhân mỗi lúc một tăng, các bác sĩ hầu như đã thấm mệt vì quá tải. Vì thế, con và một số anh chị em thiện nguyện muốn góp một phần nhỏ nhoi của mình hầu giúp bệnh nhân xoa dịu phần nào nỗi đau.

Công việc của con hằng ngày: vệ sinh phòng bệnh,thay tã, thay drap cho bệnh nhân. Ngoài ra, con còn phụ giúp các bác sĩ cho họ ăn và lau người cho họ. Mỗi lần lau người cho họ, con thấy hai hàng nước mắt của họ chảy dài trên gò má.

Trong thời điểm giãn cách xã hội có nhiều người cứ than thở “Tôi chán quá, tôi buồn quá vì tôi không thể ra ngoài được”, trong khi đó có những người đang ở bệnh viện thì họ chỉ “mong muốn được về nhà”. Cả nhà mình hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đang được ở nhà, được quây quần bên nhau. Mẹ hãy nhắn với các anh chị: “Tiền bạc, danh vọng, việc làm không quan trọng, quan trọng là đang được ở nơi tốt nhất đó là gia đình”. Khi dịch bệnh xảy ra người ta thường mong cho nó mau qua mà họ không cảm nhận được niềm vui nho nhỏ là được ở bên gia đình, bên người thân yêu. Có những lúc xa nhà mới thấy nhớ, có mất đi thứ gì đó ta mới biết quý những gì còn lại.

Dịch bệnh đã làm cho người ta thức tỉnh, họ biết dù giàu sang, danh vọng cũng không bằng một nơi yên bình. Chẳng vì thế mà từ khắp nơi Sài Gòn, Bình Dương…dù xa hàng ngàn cây số người ta đi xe máy, xe đạp thậm chí là đi bộ để tránh dịch hay tìm được sự bình an nơi quê nhà. Những ngày qua, con không khỏi kìm lòng trước những hình ảnh “ăn núi, ngủ rừng”, vội vàng những bữa cơm chiều, rồi đến những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ… của đội ngũ y, bác sĩ.

Không biết đã bao lâu rồi họ không về, đã bao đêm họ không ngủ vì nhớ nhà, nhớ con. Họ chỉ gặp người thân qua màn hình điện thoại. Có bác sĩ gọi điện cho con gái: “con ngoan, ở nhà nhớ nghe lời ông bà khi nào về ba sẽ mua cho con một con gấu bông thiệt bự nghe”. Đầu dây bên kia có tiếng vọng lại: “con nhớ ba lắm, con không cần gấu bông, chỉ muốn ba thôi”. Con thấy bác sĩ ấy đưa tay quệt vội dòng nước mắt. Có lẽ họ cũng như con đã từng hy vọng: chắc chỉ ca này nữa thôi… nhưng không. Mỗi lúc ca bệnh càng nhiều. Họ làm việc cả ngày đêm.

Bây giờ con mới thấm thía câu nói: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Trước đây vì những bon chen lo toan cho cuộc sống mà quên mất giá trị linh thiêng nơi gia đình. Dịch bệnh xảy ra lại là cơ hội giúp nhiều người nhận ra “gia đình” là nơi mà những người thân yêu vẫn dõi theo bước chân trên đường đời; là nơi có những người mà ta dành trọn tình thương cho họ. Có một nơi để về đó là gia đình nhưng không phải ai cũng có thể về. Các y bác sĩ đã âm thầm hy sinh niềm vui cá nhân vì bệnh nhân. Họ không những giấu mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc trong môi trường cách ly tuyệt đối, chỉ giao tiếp bằng ánh mắt. Họ chạy nhiều hơn là đi. Nhiều lúc bệnh nhân nguy kịch, họ liền leo thang bộ mà chạy. Hình ảnh các bác sĩ nắm lấy tay nhau khi nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu khỏe lại làm cho con cảm thấy ấm lòng, thật cảm động. Nơi đây thực sự đã trở thành gia đình nhân loại chan hòa tình yêu thương, tất cả chỉ vì giành lại sự sống cho các bệnh nhân.

Hầu hết các bệnh nhân Covid-19 vào viện ban đầu cảm thấy rất lo lắng, sợ hãi dư luận trách móc, đổ tội lây nhiễm dịch bệnh dù bản thân họ không cố ý. Các bác sĩ và tình nguyện viên nơi đây hàng ngày tiếp xúc với họ sẽ trực tiếp an ủi, động viên để họ lấy lại tinh thần. Các bác sĩ nơi đây không phải vì lời cảm ơn nhưng họ làm với cả con tim. Giữa mùa đại dịch, khó có thể nói hết những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt của chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm túc trực, chăm sóc, giúp đỡ người bệnh.

Hình ảnh các y bác sĩ với những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm ăn vội đã làm con không khỏi xúc động. Những người như bác tài xế, bác bảo vệ,… những người ấy không lên báo, cũng chẳng mong nhận được nhiều lời cảm ơn nhưng trong thâm tâm họ hiểu rằng ở thời khắc này nhiệm vụ đang gánh vác là trọng trách thiêng liêng bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Con được biết vì Covid, những đứa trẻ thơ không còn được ăn bữa cơm mẹ nấu mỗi ngày, không được cha ân cần hỏi han, không được nghe chuyện kể mỗi đêm, không được cha mẹ ở bên chăm sóc lúc ốm đau… Chúng bị tước đi niềm hạnh phúc giản đơn mà đáng lẽ mọi đứa trẻ đều có quyền được hưởng. Rồi thay vì vô tư lo nghĩ, giờ những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi đã “trưởng thành” hơn, thay cha mẹ chăm em, quán xuyến việc nhà… Tất cả chỉ vì “con ngoan để cha mẹ yên tâm chống dịch nhé”!

Mẹ, lần đi thiện nguyện này con gái của mẹ cảm nghiệm được nhiều điều. Con hiểu được và trân quý hơn giây phút được ở bên gia đình. Con hiểu rằng trong trận chiến người ta cần nhiều bom đạn nhưng trong cuộc chiến này vũ khí cần hơn cả đó là tình thương. Con nhận ra đại dịch dẫu là khó khăn, thách đố, dẫu có những thách đố bên ngoài nhưng lại là cơ hội để con yêu thương nhiều hơn, mở rộng con tim của mình, biết sẻ chia nhiều hơn. Đại dịch xảy ra, có những người lo sợ đại dịch dai dẳng sẽ làm kiệt quệ tài chánh, quyền lực. Trong khi đó, có những con người sống giữa tâm dịch họ lại là những đốm sáng. Họ nấu từng hộp cơm, chia sẻ từng bó rau. Họ chưa biết họ làm được trong bao lâu nhưng họ mang tinh thần là môn đệ của Chúa: sống sẻ chia. Con gái của mẹ là môn đệ của Chúa, được Chúa thương chọn gọi trong ơn gọi thánh hiến. Do đó, một đàng con càng phải sống cậy tin phó thác trong mọi hoàn cảnh, đàng khác con càng phải sống bằng đôi tay sẻ chia. Mẹ ơi, trong tận đáy lòng con cảm thấy hạnh phúc. Con tìm thấy niềm vui vì được phục vụ những chi thể đau khổ của Đức Kitô. Bởi vậy, mẹ yên tâm và đừng lo cho con mẹ nhé!

Thủ Đức, ngày 9-8-2021
Teresa Nguyễn Vui
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục

 

[Bài hát] MÌNH SẼ HỒI SINH

Dongten.net

RINASCERÒ, RINASCERAI – MÌNH SẼ HỒI SINH

Sáng tác: Roby Facchinetti – Lời Việt: Hồ Đắc Túc – Cover: Anh Huy, S.J.

Tác giả viết ca khúc này thương khóc quê hương Bergamo của ông trong tâm dịch miền Bắc nước Ý. Chứng kiến đoàn xe chở xác người lăn qua đường phố, ông than khóc và chỉ trong năm phúc viết xong ca khúc này. Một thông điệp trong sáng, ta sẽ không sợ hãi, buồn lo và hãy yêu thương nhau đi.

Từ Roma, thầy Anh Huy, S.J. hát tặng Sài Gòn bài hát này bằng tiếng Ý và tiếng Việt với lời nguyện: “Sài Gòn ơi, Việt Nam ơi, rồi mình cũng sẽ hồi sinh!”

TRANH FB Nhật Ký Chống Dịch

CHỦ NHÀ ĐI CÁCH LY, HÀNG XÓM “LỢI DỤNG” LEO RÀO VÀO DỌN DẸP NHÀ, THẮP HƯƠNG GIÙM

Mới đây MXH chia sẻ đoạn cờ nhíp một người phụ nữ bấp chấp leo rào “đột nhập” nhà hàng xóm.

Theo chia sẻ của nhân vật chính, chủ nhà làm việc ở bệnh viện, vì dịch nên bị kẹt lại, con cái cũng ở Sài Gòn không về nhà được, căn nhà rơi vào tình cảnh “vườn không nhà trống”. Thế nên chủ nhà đành gọi điện “cầu cứu” cô, nhờ cô trông nhà giúp, cho gà cho chó ăn uống giùm.

Nhưng vì chìa khóa giấu bên trong nên cô đành thi triển khinh công vượt rào vào giúp đỡ. Sau khi đột nhập thành công thì cô đã giúp hàng xóm dọn dẹp nhà cửa, cho cá cho gà cho chó ăn. Cô cũng chu đáo thắp hương cho bàn thờ trong nhà.

clip_image043

Comments are closed.