Sài Gòn – Những ngày phong thành (36)

BÁC SĨ ƠI! LÀM SAO ĐỂ KHÔNG LÂY COVID-19 CHO NGƯỜI THÂN

Báo Thanh Niên ngày 10.8.2021

ĐỘI NGŨ BÁC SĨ BỆNH VIỆN CHỢ RẪY TIẾP TỤC LÊN ĐƯỜNG CHI VIỆN BỆNH VIỆN HỒI SỨC COVID-19

FB Bệnh viện Chợ Rẫy

Sáng 11/08/2021, tức một ngày sau khi chi viện bổ sung 30 điều dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cử 11 bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP. Thủ Đức) để điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch. Việc bổ sung nhân sự này là một phần trong kế hoạch đáp ứng nhu cầu nâng công suất điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 từ 500 giường bệnh lên 700 giường bệnh và sắp tới là 1.000 giường bệnh.

Trước giờ lên đường, BS Phạm Minh Quân – khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy tâm sự: “Mình còn trẻ, nên khi được nhận nhiệm vụ, mình rất háo hức và sẵn sàng được lên đường sát cánh cùng anh em chống dịch. Hy vọng TP.HCM sẽ sớm hết dịch bệnh để mọi người có thể quay lại cuộc sống bình thường”.

BS Trần Cao Đạt – khoa Điều trị rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng từ rất lâu trước khi nhận lệnh lên đường hỗ trợ các đàn anh, các đồng nghiệp. Làm việc ở nơi đầu sóng ngọn gió, nguy cơ bị lẫy nhiễm của tôi cũng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và là một nhân viên của Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi rất tự tin với những kiến thức đã được chuẩn bị về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm, cũng như tinh thần không ngừng trau dồi về chuyên môn để có thể điều trị tốt cho các bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19”.

Cũng là bác sĩ trẻ xách ba lô lên đường, BS Lý Hoài Tâm (khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết việc được điều động là một trách nhiệm, đồng thời là một niềm tự hào đối với bản thân anh. “Là một bác sĩ ngoại khoa, nên đối với lĩnh vực hồi sức cấp cứu, tôi cần phải học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các thầy, các đàn anh. Nhưng tôi lên đường với quyết tâm cao nhất và sẽ hỗ trợ hết mức có thể để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19, giúp họ sớm hồi phục và quay về với gia đình”, BS BS Lý Hoài Tâm chia sẻ.

 

LÁ THƯ ĐỘNG VIÊN CỦA MỘT BÁC SĨ NỘI TRÚ GỬI CÁC ĐÀN EM ĐANG CHUẨN BỊ BƯỚC VÀO “TIỀN TUYẾN”

FB Bệnh viện Chợ Rẫy

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, các y bác sĩ trên khắp cả nước đang hướng về miền Nam chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Là một trong những bác sĩ nội trú từng tham gia nhiều “mặt trận” chống Covid-19, Bác sĩ CK2 Huỳnh Quang Đại – khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện đang được phân công điều trị cho bệnh nhân nặng và rất nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đã dành những lời động viên tâm huyết đến đội ngũ bác sĩ nội trú đang chuẩn bị bước vào “tiền tuyến”.

Hãy cùng chúng tôi đọc hết lá thư điện tử mà người anh – BS CK2 Huỳnh Quang Đại gửi đến cho đàn em, để hiểu thêm về sự gắn kết của các thế hệ nhân viên y tế trong “cuộc chiến” khốc liệt này.

THƯ GỬI CÁC BÁC SĨ NỘI TRÚ

FB Đại Huỳnh

Các em nội trú thân mến,

Hôm nay nghe tin các em sắp tham gia chống dịch COVID-19 tại một trong những mặt trận lớn nhất, khốc liệt nhất.

Nếu tụi em có chút do dự nào thì hãy đừng do dự nữa, hãy đi đi nhé! Chưa bao giờ người bệnh cần bác sĩ như bây giờ. Rất và rất nhiều người bệnh chỉ mong ước được vào bệnh viện, có được một giường nằm, có được một ánh mắt trông nom, có được một bàn tay chăm sóc… Nên tụi em hay lên đường đi, đừng đắn đo nữa nhé!

Nếu tụi em có lo lắng về sự an toàn, lo con virus này hỏi thăm tụi em, lo mình trở thành người bệnh kế tiếp… thì tụi em hay tự tin lên vì mình đã được bảo vệ. Nếu tụi em chưa tiêm vaccine mũi 2 thì sẽ được tiêm ngay. Nếu tụi em chưa từng gặp bệnh nhân COVID-19, tụi anh sẽ dắt vô tận phòng bệnh. Nếu tụi em chưa bao giờ mặc đồ phòng hộ, tụi anh sẽ hướng dẫn. Nếu tụi em lo không có đồ phòng hộ hay khẩu trang N95, thì hãy yên tâm là tụi anh cũng sẽ không mặc bảo hộ hay mang N95 nếu tụi em không có. Còn nếu vài người trong chúng ta có trở thành F0 thì sẽ chắc là sẽ buồn một chút vì không được lăn lộn cùng mọi người, nhưng yên tâm sẽ không thất nghiệp, sẽ có việc cho tụi em làm….

Nếu tụi em có lo lắng về chuyên môn thì hãy yên tâm. Trong mỗi đội sẽ có các anh các chị dạn dày trận mạc hướng dẫn tụi em. Mỗi đội có nhiều chuyên ngành, mỗi người mỗi việc. Tụi em sẽ được học những điều chưa bao giờ được học, sẽ thấy những điều chưa bao giờ nhìn thấy. Và như vậy, qua thử thách chúng ta sẽ cũng nhau trưởng thành hơn.

Nếu tụi em có lo lắng về thời gian đi bao lâu, thì hãy yên tâm là vào đây sẽ không muốn về đâu. Mình sẽ không nỡ về nếu bệnh nhân còn cần, sẽ không nỡ về nếu bạn bè đồng đội mình còn ở lại. Cho nên hãy đừng quan tâm nhiều đến chuyện đó nhé. Các Bs nội trú ở Mỹ và các nước khác đã tham gia trong các đợt bùng phát dịch tại nước đó, giờ đến lượt chúng ta…

Nếu tụi em có lo lắng là sẽ gian khổ, thì đúng là có đó. Nhưng gian nan thì có, vì quá nhiều bệnh nhân, vì nhiều ca bệnh nặng, vì nhiều tình huống khó… Nhưng khổ thì không, vì trong gian nan đó có niềm vui, có tiếng cười, có hạnh phúc…

Cho nên hãy cất bước đi nhé, hãy can đảm và mạnh mẽ lên nhé! “Ai cũng có một thời trẻ trai”, cho nên hay ghi thêm một dấu son vào thời thanh niên của mình, để mai sau này có chuyện kể lại…

Anh tin vào tụi em và cảm ơn tất cả tụi em. Mong gặp tụi em tại nơi tụi em sắp đến.

Thân mến.

Một người anh, nội trú Nội 2007-2010.

"HIỆU QUẢ VACCINE" LÀ GÌ?

FB Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Thật ra, tôi đã trả lời câu hỏi này vào năm ngoái khi vaccine Pfizer mới công bố dữ liệu giai đoạn 3 [1]. Nhưng nhân vài bạn hỏi ý nghĩa của ‘hiệu quả vaccine’ (qua việc công bố của Nanovax) nên tôi xin chia sẻ thêm vài ý cho rõ.

Câu hỏi đặt ra là vì báo VNexpress có chạy bản tin "Nanocovax đạt hiệu quả bảo về 90%" [2]. Vậy hiệu quả bảo vệ 90% có nghĩa là gì, có giống như hiệu quả vaccine của Pfizer hay Moderna không? Tôi nghĩ câu trả lời là ‘không’, bởi vì nhà báo (?) dùng chữ kém chính xác.

Chữ ‘Hiệu quả vaccine’ là lấy từ thuật ngữ ‘Vaccine Efficacy’ (VE) trong tiếng Anh. Để tính VE, người ta phải làm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Còn nghiên cứu của Nanocovax hiện nay là giai đoạn II (giai đoạn III thì chưa xong). Mà, nghiên cứu giai đoạn II chưa cho phép chúng ta nói gì về ‘hiệu quả vaccine’ cả.

Hiệu quả vaccine là gì?

Để hiểu VE, tôi xin lấy nghiên cứu (giai đoạn III) của Moderna ra làm ví dụ. Nghiên cứu này có 28,207 tình nguyện viên, và họ được chia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên: nhóm được tiêm vaccine gồm 14134 người, và nhóm được tiêm giả dược có 14073 người. Sau 4 tháng theo dõi, họ ghi nhận:

• Nhóm vaccine có 11 người bị nhiễm, tỉ lệ 11 / 14134 * 100 = 0.078%

• Nhóm giả dược có 185 người bị nhiễm, tỉ lệ 185 / 14073 * 100 = 1.31%

• Nếu vaccine không có hiệu quả, chúng ta kì vọng rằng tỉ lệ nhiễm trong nhóm vaccine bằng nhóm giả dược. Nhưng ở đây, nhóm vaccine chỉ có 0.078% bị nhiễm, và thấp hơn nhóm giả dược đến 1.31 – 0.078 = 1.232%.

• Nhưng vì con số đó ‘nhỏ’ quá và khó hiểu, nên nhà nghiên cứu hoán chuyển sang con số tương đối (tức tỉ số, thay vì hiệu số):

1 – (0.078 / 1.31) = 0.94

Con số 0.94 hay 94% đó được gọi là ‘Hiệu quả vaccine’. Con số này có nghĩa là vaccine giảm NGUY CƠ nhiễm 94% so với những người không được tiêm vaccine.

Hiểu lầm về hiệu quả vaccine

Hiểu lầm 1: Đa số bạn đọc, kể cả nhiều bác sĩ, hiểu rằng hiệu quả 94% có nghĩa là cứ 100 người được tiêm vaccine thì 94 người sẽ không bị nhiễm.

Nhưng dĩ nhiên cách hiểu đó không đúng. Đơn vị tính toán của VE, như trình bày trên, là xác suất, chớ không phải số ca tuyệt đối. Có thể minh hoạ như sau cho dễ hiểu hơn: Nếu 10,000 người không tiêm vaccine thì sẽ có (theo số liệu này) 131 người bị nhiễm, nhưng nếu tất cả 10,000 người được tiêm vaccine thì con số ca nhiễm chỉ chừng 8 người. Như vậy, cứ 10,000 người thì vaccine ngăn ngừa được 123 ca nhiễm.

Hiểu lầm 2: Một số hiểu rằng hiệu quả 94% có nghĩa là họ có nguy cơ nhiễm 6% (lấy 100 trừ cho 94).

Không đúng. Nguy cơ bạn bị nhiễm thấp hơn nhiều. Như các bạn thấy trong nghiên cứu của Moderna, nguy cơ bị nhiễm chỉ chừng 1.3% (nhóm giả được). Ở một số nơi, nguy cơ nhiễm virus nCov thấp hơn con số đó, như 0.3 đến 0.7%. Do đó, hiểu theo kiểu 6% vẫn bị nhiễm là không đúng.

Hiểu lầm 3: Như bài báo trên VNexpress ‘ Nanocovax đạt hiệu quả bảo về 90%’.

Thật ra, bài báo đó dựa vào một báo cáo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, mà outcome (kết cục) chánh là lượng kháng thể chống nCov. Bài báo cho thấy người được tiêm vaccine Nanocovax có lượng kháng thể tăng sau 35 và 42 ngày so với nhóm giả dược (xem biểu đồ). Tác giả cũng viết rõ rằng đến ngày 42, nanocovax an toàn và cho ra đáp ứng miễn dịch tốt ("Up to 42 days, Nanocovax vaccine was safe, well tolerated and induced robust immune responses".)

Báo cáo này không có số ca nhiễm, vì mới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, nên chưa thể nói gì về hiệu quả vaccine. (Còn đi vào chi tiết kĩ thuật và khoa học thì bài báo này còn nhiều nhiều điều cần bàn thêm. Hi vọng rằng các chuyên gia Việt Nam sẽ cho ý kiến).

Tóm lại, hiệu quả vaccine là một khái niệm hơi khó hiểu và dễ gây hiểu lầm. Hiệu quả vaccine 94% (ví dụ cho Moderna) có nghĩa là so với nhóm không tiêm vaccine, vaccine Moderna giảm xác suất nhiễm đến 94%. Nó không có nghĩa là 100 người tiêm thì 94 người sẽ không bị nhiễm.

______

[1] https://tuanvnguyen.medium.com/the-real-meaning-of-90…

[2] https://vnexpress.net/nha-san-xuat-thong-bao-nanocovax…

clip_image016

Minh hoạ cho ‘hiệu quả vaccine 94%’. Nếu 1000 người đi tiêm vaccine thì có 1 người bị nhiễm, nhưng nếu không tiêm vaccine thì có thêm 13 người bị nhiễm (màu đỏ). Đa số còn lại là không bị nhiễm.

clip_image018

Biểu đồ quan trọng nhứt của báo cáo về vaccine Nanocovax cho thấy cả 3 nhóm vaccine (25 mcg, 50 mcg và 75 mcg) đều tăng lượng kháng thể sau 35 ngày và 42 ngày. Còn liều lượng nào là tối ưu thì biểu đồ và nghiên cứu này chưa thể trả lời. 
Biểu đồ này không nói gì về hiệu quả vaccine theo nghĩa ‘vaccine efficacy’. 
Nguồn: https://www.medrxiv.org/con…/10.1101/2021.07.22.21260942v1

clip_image020

Một ví dụ về hiểu lầm hiệu quả vaccine.

NGƯỜI ĐÃ BỊ NHIỄM nCov CÓ CẦN TIÊM VACCINE?

FB Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Đây là câu hỏi đang gây tranh luận trong giới khoa học. Các nhà chức trách y tế Mĩ thì nói "Yes", nhưng một số nhà khoa học thì nói "No" hay "Chưa chắc".

Có 2 cách để đạt mức độ miễn dịch (immunity): qua bị nhiễm và qua tiêm vaccine. Chúng ta biết rằng khi một người đã bị nhiễm virus Vũ Hán và sống sót thì người đó đã có miễn dịch ở mức độ nào đó. Chúng ta cũng biết rằng người chưa bị nhiễm khi được tiêm vaccine (đã chứng minh là có ‘hiệu quả’) thì cũng đạt được miễn dịch.

Nhưng câu hỏi là miễn dịch từ bị nhiễm (tạm gọi là ‘miễn dịch tự nhiên’) và miễn dịch từ vaccine thì cái này tốt hơn? Câu hỏi đơn giản, nhưng câu trả lời hoá ra chẳng hề đơn giản chút nào.

CDC nói YES

Theo một nghiên cứu quan sát từ Mĩ thì miễn dịch từ vaccine tốt hơn là miễn dịch tự nhiên. Theo nghiên cứu này [1], người đã bị nhiễm virus nhưng không được tiêm vaccine có nguy cơ bị nhiễm lần nữa cao hơn những người chưa bị nhiễm mà được tiêm vaccine. Cao hơn bao nhiêu lần? Kết quả cho thấy cao hơn 2.34 lần (nhưng đơn vị là odds).

Nhưng đây là nghiên cứu bệnh chứng và số cỡ mẫu nhỏ (246 bệnh nhân), nên chứng cớ khoa học chưa đủ mạnh. Tôi ngạc nhiên khi CDC vinh vào kết quả này mà nói rằng người bị nhiễm vẫn cần tiêm vaccine.

Dữ liệu từ Do Thái nói "NO"

Còn theo một nghiên cứu từ Do Thái thì miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch từ vaccine. Nghiên cứu này [2] lớn hơn nhiều và rất chi tiết, nên tôi cần vài dòng mô tả để các bạn nắm. Đây là nghiên cứu trên toàn bộ dân số Do Thái, nơi mà tỉ lệ người được tiêm chủng có lẽ cao nhứt thế giới. Họ chia dân số thành những hai nhóm chánh: đã bị nhiễm nhưng chưa tiêm vaccine và bình phục + bị nhiễm tiếp, và nhóm chưa bị nhiễm + tiêm vaccine nhưng sau này bị nhiễm. Nhóm đầu cho phép ước tính hiệu quả của miễn dịch tự nhiên, và nhóm hai là tính hiệu quả của miễn dịch do vaccine. Kết quả cho thấy:

• Hiệu quả của miễn dịch tự nhiên là: (a) 95% giảm nguy cơ nhiễm lần hai; (b) 94% giảm nguy cơ nhập viện; và (c) 96% giảm nguy cơ bị nhiễm nặng.

• Hiệu quả của miễn dịch do vaccine: (a) 93% giảm nguy cơ nhiễm; (b) 94% giảm nguy cơ nhập viện; và (c) 94% giảm nguy cơ bị nhiễm nặng; và (d) giảm nguy cơ tử vong 94%.

Nói cách khác, hiệu quả của miễn dịch tự nhiên chẳng khác gì, thậm chí cao hơn, hiệu quả của miễn dịch từ vaccine. Do đó, nhóm tác giả kết luận rằng ‘Kết quả của chúng tôi chất vấn nhu cầu tiêm vaccine những người đã bị nhiễm trước đây’ (‘Our results question the need to vaccinate previously-infected individual.’)

Theo bài báo trích dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế Do Thái [3] thì miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch do vaccine. Bài báo còn cho biết Do Thái có 835,792 người đã bị nhiễm và đã bình phục, trong số này có 72 người bị nhiễm lần nữa. Như vậy, tỉ lệ tái nhiễm (72 / 835792) là khá thấp (chỉ 0.009%). Nói cách khác, trong 100,000 người đã bị nhiễm, số ca nhiễm lần nữa là 9 người.

Vẫn theo bài báo đó [3] trong số 5,193,499 người được tiêm vaccine, thì có hơn 3000 người bị nhiễm. Như vậy tỉ lệ là 0.0577%. Tỉ lệ này cao hơn nhóm miễn dịch tự nhiên là 6.4 lần (0.0577 / 0.009).

Nhưng nếu đọc tin tức từ báo chí thì hầu như báo nào cũng nói là ngay cả những người đã bị nhiễm và bình phục vẫn cần phải tiêm vaccine để phòng ngừa biến thể Delta [3]. Đó cũng là khuyến cáo của Giám đốc CDC Rochelle Walensky ("nếu bạn đã bị Covid trước đây, làm ơn đi tiêm chủng"). Nhưng cũng có chuyên gia không đồng ý với bà Walensky và cho rằng người đã bị nhiễm không cần tiêm vaccine [5].

Vấn đề là bạn tin ai? Tôi thấy số liệu của Do Thái là khá thuyết phục.

____

[1] https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/70/wr/mm7032e1.htm

[2] https://www.medrxiv.org/con…/10.1101/2021.04.20.21255670v1

[3] https://www.israelnationalnews.com/News/News.aspx/309762

[4] https://www.abc.net.au/…/shots-give-covid-19…/100358726

[5] https://www.usnews.com/…/why-covid-19-vaccines-should…

Không có mô tả ảnh.

 

HỖ TRỢ VÀ GIẢI CỨU: THÔNG BÁO SỐ 8

FB Võ Xuân Sơn

1. VỀ RAU

Tối hôm qua, anh Nam Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng Ban tham mưu Ban chỉ huy quân sự Thành phố Thủ Đức gọi cho tôi, thông báo đã chuyển xong toàn bộ số rau đến tận tay các đơn vị và người dân trong các khu phong tỏa.

Nhìn hình ảnh các anh bộ đội xếp rau, tôi nhớ lại thời mình đi học sĩ quan dự bị. Bài học đầu tiên là gấp chăn mùng mền. Cái nào cũng phải vuông thành sắc cạnh, mà chúng tôi hay gọi là cục gạch. Sáng sớm là toét toét còi ra tập thể dục. Đang đêm toét toét, đậy xếp đồ hành quân… May mà sau đó tiểu đoàn trưởng có người nhà bị chấn thương sọ não, thế là tôi được về để gởi gắm mấy hôm, lúc trở lên lại được ngủ trễ.

Như vậy, tổng số rau các anh nhận được và phân phát cho người dân là 4,5 tấn, cùng với kim chi và một vài món quà (trong thông báo trước tôi đã kê khai chi tiết).

Tối mai hoặc sáng mốt, chuyến hàng tiếp theo sẽ được chuyển đi từ Đà Lạt. Lần này là 15 tấn rau, bao gồm: Su su, Bắp cải, Cà tím, Đậu ve, Cà rốt, Củ cải, Khoai lang. Mọi người vui lòng đăng kí với đầu mối Sài gòn (Điện thoại liên hệ 1: Anh Tùng: 0911211488, Điện thoại liên hệ 2: Chị Chi 0966130901). Cửa hàng cây cảnh Phương Nam, 123 Lê Quyên, quận 8, TPHCM.

2. VỀ BÌNH OXY

Sáng nay, tôi đã mua xong 87 đồng hồ cho bình oxy. Vì nơi bán còn dư 7 cái so với số lượng đặt mua lần này nên tôi mua luôn để cho lần sau. Tiền mua số đồng hồ này đã được thanh toán xong, với giá 820.000 đồng cho một bộ, bao gồm đồng hồ, bình làm ẩm, dây thở oxy. 80 cái trong số đồng hồ này ngày mai sẽ được mang đến kho của ATM oxy ở Nhà Văn hóa Thanh niên, để ráp vô 80 bình oxy cũng được chở về đó, và giao cho ATM này quản lí.

Hình thức bàn giao sẽ là cho mượn. Nếu ATM này không tiếp tục cung cấp oxy miễn phí mà chuyển sang kinh doanh, hoặc không tiếp tục làm việc cung cấp oxy nữa, hoặc khi dịch ở thành phố vãn, không cần sử dụng bình oxy mà các tỉnh cần, thì chúng ta sẽ lấy lại và giao cho nơi cần. Chiều mai, gia đình anh Tám Cỏ và chị Trần Thị Mỹ Chi sẽ trực tiếp bàn giao cho ATM này.

Hôm qua, tôi suy nghĩ, rằng hiện nay, trung bình mỗi ngày TPHCM có khoảng hơn 3.000 người nhiễm mới. Trong 15 ngày (thời gian trung bình người nhiễm hết bị nhiễm), sẽ có khoảng 50.000 người nhiễm mới. Nếu tính theo tỉ lệ 20% số người cần thở oxy, chúng ta sẽ cần có 10.000 bình oxy cho cá nhân, chưa kể bình oxy cho các bệnh viện. Đó là chưa nói đến việc con số cần thiết thực sự có thể cao hơn, do chúng ta không tập trung xét nghiệm.

Vì vậy, nhu cầu về bình oxy là rất cao. Nếu các bạn tiếp tục quyên góp, chúng ta sẽ tiếp tục mua thêm bình oxy cho các cơ sở cung cấp oxy miễn phí khác. Thực ra thì không nhiều bác sĩ ủng hộ sử dụng máy tạo oxy cho người nhiễm virus Vũ Hán, vì công suất khó chủ động. Nên bình oxy vẫn là thiết bị hữu ích và rất cần thiết.

Tôi nhận được rất nhiều khoản đóng góp của người quen, bạn bè ngoài đời và trên facebook, của các nhà hảo tâm mà tôi biết hoặc không biết là ai. Trong đó có những khoản đóng góp khá đặc biệt, như từ Group VSM Melbourne hỗ trợ Sài Gòn chống dịch. Và một khoản đóng góp từ một đồng nghiệp rất đặc biệt, mà cách đây không lâu là tâm điểm của dư luận về bất công đối với nhân viên y tế. Chân thành cám ơn tất cả các bạn đã giúp đỡ, đóng góp, hỗ trợ.

Ngày mai, sau khi thanh toán xong tiền cho 80 bình oxy, bàn giao xong, tôi sẽ in sao kê và đưa lên đây để báo cáo.

Tài khoản nhận quyên góp:

Tên tài khoản: Võ Xuân Sơn.

Số tài khoản: 0421000439286.

Ngân hàng Vietcombank.

Mặc dù nỗ lực và liên tục kêu gọi các bạn đóng góp, hỗ trợ. Nhưng thật tâm tôi mong mỏi việc này chấm dứt càng sớm càng tốt. Tôi mong không còn ai cần đến những bình oxy mang đến nhà như bây giờ nữa, Tôi mong không có ai cần phải được hỗ trợ về rau củ, lương thực, thực phẩm nữa.

clip_image022

clip_image024

clip_image026

NHẬN TRO CỐT NGƯỜI MẤT VÌ COVID-19: CON TRAI BẬT KHÓC, NGƯỜI TRAO ĐAU XÓT TRƯỚC MẤT MÁT

Vũ Phượng – Thanh Niên, 11/8/2021

3 người trong gia đình cùng là F0 đi cách ly tập trung. 2 người âm tính khỏi bệnh trở về, còn người chị không may đã mất vì Covid-19. Còn nỗi đau nào hơn, ông T. ôm ngực khóc khi nhận hũ tro cốt chị gái từ quân đội để lo hậu sự. Người trao và người nhận đều đau xót vì mất mát quá lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

clip_image028

Mẹ ông Hai mất sau 1 tuần điều trị Covid-19 giờ tro cốt được quân đội trao tận tay ông và mang vào chùa thờ tạm.

ẢNH: ĐỘC LẬP

“Tối 3.8, chị A. ho khan suốt đêm, sáng 4.8 thì mất. Nằm cùng phòng cách ly mà không làm gì được, lực bất tòng tâm. Nay tro cốt chị được các anh bộ đội đưa về với gia đình, đó cũng là nguyện vọng của chị, chúng tôi không biết nói gì hơn…”, ông Nguyễn Anh T. (64 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) nghẹn lời. Hai dòng nước mắt thấm ướt cả khẩu trang của người đàn ông tóc bạc trắng.

Đón tro cốt người thân mất vì Covid-19 trở về: ‘Đau đớn không nói thành lời’

Bật khóc khi thấy mẹ trở về

Trưa 9.8, trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Q.7, cùng dân quân tự vệ ôm hũ tro cốt của người dân Q.7 mất vì dịch Covid-19 trao tận tay người thân tại phường Tân Thuận Tây. Xe dừng trước căn nhà cổng sơn màu đen, có treo tấm bảng đỏ “gia đình đang có người cách ly y tế”, tổ công tác mặc bộ đồ bảo hộ, đi vào phía trong.

clip_image030

Ban chỉ huy quân sự Q.7 mang tro cốt bà A. đến nhà trao cho gia đình

ẢNH: ĐỘC LẬP

Nhận hũ tro cốt của chị gái, ký vào tờ giấy xác nhận, ông T. nghẹn đắng nói lời “cảm ơn” – hai từ vỏn vẹn nhưng đau đớn tột cùng. Trung tá Hừng động viện: “Đây là bổn phận của tụi cháu, xin chia buồn nỗi đau mất mát với gia đình”. Ông T. nức nở: “Mình chứng kiến chị A. trở bệnh nặng ra sao, rối bời lắm. Giờ tôi cũng còn hơi mệt nhưng xét nghiệm âm tính nên được về rồi, chị tôi thì giờ mới về đến đây với gia đình”.

Theo lời bà Phan Thị Mộc H. (62 tuổi, vợ ông T.), bà A. là chị ruột của chồng, sống cùng nhà và nằm cùng phòng cách ly với vợ chồng bà trên đường Nguyễn Văn Quỳ. Trong khu cách ly, bà H. là người chăm chị chồng, đến 3.8, bà A. trở nặng, ho khan suốt đêm và được chuyển đến khu bệnh nặng. Sáng 4.8 bác sĩ báo bà A. không qua khỏi.

clip_image032

Ông T. bật khóc vì sau thời gian bất lực tòng tâm, nay tro cốt chị gái đã về được với gia đình

ẢNH: ĐỘC LẬP

clip_image034

Ông Nguyễn Anh T. xúc động khi nhận tro cốt chị gái

ẢNH: ĐỘC LẬP

Vừa đau đớn, vừa áp lực, vừa lo sợ, suốt mấy ngày ròng cả gia đình sốt ruột chờ ngày đón được bà A. về để lo hậu sự. Tới bây giờ, cả nhà vẫn đang trong thời gian cách ly y tế tại nhà nên nếu không được địa phương mang tro cốt chị gái đến tận nhà, vợ chồng bà cũng không biết phải xoay xở thế nào.

Cũng trong chiều 9.8, Ban chỉ huy quân sự Q.7 đã mang hũ tro cốt của bà N.T.Q (72 tuổi, ngụ P.Bình Thuận) đến chùa Giác Huệ trao cho cho người nhà. Cố nén đau buồn, ông Nguyễn Văn Hai (50 tuổi) và em trai cầm sẵn trên tay cây nhang, tấm ảnh thờ hiếm hoi của mẹ đứng chờ trước cổng chùa, vừa nhìn thấy hũ tro cốt của mẹ, hai người đàn ông trung niên nức nở khóc.

clip_image036

Trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Q.7 trao cho cốt tại chùa cho gia đình ông Hai theo nguyện vọng

ẢNH: ĐỘC LẬP

“Sau bao ngày lo lắng, giờ chúng tôi mới đón được mẹ về một cách trang trọng. Hết dịch, tôi sẽ đón mẹ về lo chôn cất theo nguyện vọng”.

ông Nguyễn Văn Hai

Ông Hai cho biết, mẹ ông phát hiện nhiễm Covid-19 và được đưa vào BV Phạm Ngọc Thạch điều trị. Sau 1 tuần, cả nhà nhận tin mẹ mất, nhưng không trực tiếp lo hỏa táng mà phải chờ địa phương thông báo. Suốt mấy ngày, cả nhà sốt ruột điện thoại tới lui hỏi thăm tình hình. Đến trưa nay, nhận tin từ Ban chỉ huy quân sự quận, hai anh em ông nhờ trao ở chùa để tiện việc thờ cúng.

“Sau bao ngày lo lắng, giờ chúng tôi mới đón được mẹ về một cách trang trọng. Hết dịch, tôi sẽ đón mẹ về lo chôn cất theo nguyện vọng”, ông tâm sự.

clip_image040

Tấm ảnh hiếm hoi của mẹ ông Hai còn giữ lại được ông mang đến chùa làm ảnh thờ tạm

ẢNH: ĐỘC LẬP

“Quá xót xa….Ôm trên tay những hũ cốt như vậy, chúng tôi rất đau xót cho những mất mát của bà con mình trước tình cảnh như thế".

Trung tá Huỳnh Văn Hừng

Trực tiếp đi trao những hũ tro cốt của người mất vì Covid-19 đến tận nhà dân, trung tá Hừng bộc bạch: “Quá xót xa. Nhận được tro cốt từ Bộ Tư lệnh TP, chúng tôi liên hệ ngay với gia đình để bàn giao. Nếu như chưa tìm được gia đình, người thân sẽ đặt trang trọng các hũ tro cốt tại phòng thờ của quận. Ôm trên tay những hũ cốt như vậy, chúng tôi rất đau xót cho những mất mát của bà con mình trước tình cảnh như thế”.

Những chuyến xe chở tro cốt bệnh nhân Covid-19 tử vong về với gia đình

Hành trình đưa người mất vì Covid-19 về nhà

Từ ngày 7.8, Bộ Tư lệnh TP.HCM có tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ trao tro cốt người mất vì Covid-19 đến tận tay người thân. Từ 6 giờ sáng, 20 người trong màu áo lính có mặt tại Nhà tang lễ TP (Q.Bình Tân) bắt đầu công việc. 9 giờ sáng, chuyến xe đầu tiên trong ngày khởi hành đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để nhận tro cốt.

clip_image044

Bộ Tư lệnh TP tiếp nhận các hũ tro cốt người mất vì Covid-19 từ trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa

ẢNH: ĐỘC LẬP

Theo chân tổ công tác đặc biệt này, PV Thanh Niên ghi nhận, mỗi người một việc, từ việc làm giấy tờ, xác nhận, sắp xếp đến di chuyển các hũ tro cốt đều được thực hiện một cách trang trọng.

Trung úy Đỗ Minh Thủy cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, 3 tháng qua anh không về nhà. Thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan phòng chống dịch, nhưng 3 ngày qua, được giao thực hiện nhiệm vụ đưa tro cốt người mất vì Covid-19 về với gia đình khiến anh có những cảm xúc khó tả.

clip_image046

Trung úy Đỗ Minh Thủy ướt đẫm mồ hôi sau khi cùng đồng đội vận chuyển 103 hũ cốt lên xe

ẢNH: ĐỘC LẬP

clip_image048

Từ Bình Hưng Hòa, các hũ cốt của người mất vì Covid-19 được đưa về Nhà tang lễ TP

ẢNH: ĐỘC LẬP

“Nhiệm vụ này đặc biệt thiêng liêng, trên tay chúng tôi là đồng bào không may mất vì dịch bệnh nên ai cũng đau xót và xúc động”.

Trung úy Đỗ Minh Thủy

 

“Nhiệm vụ này đặc biệt thiêng liêng, trên tay chúng tôi là đồng bào không may mất vì dịch bệnh nên ai cũng đau xót và xúc động”, anh Thủy chia sẻ.

103 hũ cốt được sắp xếp ngay ngắn phía sau thùng xe tải, 3 người bộ đội ngồi nhìn ra phía sau, tiếng còi cấp cứu réo rắt thỉnh thoảng vụt qua, trung úy Thủy lại thở dài. Anh và đồng đội cúi xuống, xếp lại tờ giấy thông tin bên ngoài các hũ tro cốt vừa bị gió thổi tốc lên.

clip_image052

Tại đây, các hũ tro cốt của người mất được sắp xếp theo khu vực quận, huyện

ẢNH: ĐỘC LẬP

Về đến Nhà tang lễ TP, các hũ tro cốt được đặt đúng vị trí, tuyệt đối không để nhầm lẫn, thất lạc trên các dãy bàn inox chia theo khu vực quận, huyện. Bàn thờ phía trước lúc nào cũng nghi ngút khói, cán bộ chiến sĩ thay phiên nhau liên tục đốt nhang, kính cẩn cúi mình trước đồng bào mất vì đại dịch.

Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết, sau khi đưa tro cốt người mất vì Covid-19 về đến Nhà tang lễ TP, cán bộ sẽ liên hệ địa phương làm sao nhanh nhất đưa bà con ở đây về với gia đình vì gia đình họ cũng đang rất mong chờ.

clip_image054

Ban chỉ huy quân sự quận 6 nhận cốt từ Nhà tang lễ về trao tận tay người dân vào sáng 9.8

ẢNH: ĐỘC LẬP

clip_image056

Trường hợp người mất không phải ở TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP sẽ liên lạc với các tỉnh, thành theo giấy tờ thông tin của người mất, từ đó kết nối gia đình, tổ chức vận chuyển về nhanh nhất

ẢNH: ĐỘC LẬP

Theo thượng tá Tuynh, trường hợp người mất không phải ở TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP sẽ liên lạc với các tỉnh, thành theo giấy tờ thông tin của người mất, từ đó kết nối gia đình, tổ chức vận chuyển về nhanh nhất. Một vài trường hợp gia đình ở tỉnh, thành khác không lên được TP.HCM để nhận tro cốt người thân có thể nhờ người đến nhận giúp.

clip_image058

Ban chỉ huy quân sự quận 7 đến nhận 5 hũ cốt vào trưa 9.8, ngay sau đó đã đi trao đến tận tay người thân để lo hậu sự

ẢNH: ĐỘC LẬP

clip_image060

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tư lệnh TP bắt đầu nhận nhiệm vụ đưa tro cốt người mất vì Covid-19 đến tận tay gia đình từ 7.8.2021

ẢNH: ĐỘC LẬP

Đại úy Sử Tấn Phi Long, Chính trị viên đại đội trinh sát đặc nhiệm Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết, công việc của các chiến sĩ trong tổ công tác đặc biệt thường kết thúc vào 22 giờ mỗi ngày để bàn giao cho các quận, huyện.

“Dịch bệnh Covid-19 làm nhiều gia đình mất đi người thân yêu. Nhìn vào số lượng tro cốt người mất vì Covid-19 như vậy, tôi rất đau lòng, mong rằng người dân thực hiện nghiêm 5K, hạn chế ra đường để chung tay cùng TP chống dịch”, đại úy Long bày tỏ.

 

NGHĨ GÌ VIẾT NẤY!

FB Ngô Nguyệt Hữu

1. +, F0, biến mất.

Rồi ai cũng sẽ biến mất trong cõi đời này, tuyệt không lưu lại mảy may dấu vết. Nếu có, chỉ là trong ký ức của người thân, bạn hữu, trong nước mắt, niềm tiếc thương hoặc những câu chuyện kể lại, nhắc về trong một hôm vui, trong một chiều mưa, trong một sớm vắng.

Chúng ta đến từ đâu, không ai biết. Có lẽ, từ tình yêu thương của cha mẹ.

Chúng ra sẽ đi đâu, không ai biết. Có lẽ, kệ kinh hay nước thánh dẫn đường.

Suy cho cùng, kiếp người mong manh như gió thoảng.

2. Những ngày stress rất dài.

Đã có biết bao người không còn nữa, người mất đi với người này chỉ là một con số, một câu chuyện. Với người kia, là cả một thế giới đã đổ sụp, không còn gì vui.

Bởi chúng ta không biết gì về cái chết, nên chúng ta sợ hãi rất nhiều. Mặc dù mông lung, năng lượng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.

3. Sống thì có gì vui, chết thì có gì buồn, truyện kiếm hiệp viết, Thánh hoả giáo hay hát vậy.

Sống thì có gì vui, chết thì có gì buồn… Mà trong những ngày này, giữ lưng chừng vui buồn sống chết, sao cứ cặm cụi cứa vào lòng những vết dao, như lạt tre lướt qua những ngón tay đương còn khát khao nắm chặt.

4. Không ai trong chúng ta sợ chết cả.

Chỉ là chúng ta thương những người ở lại, trái gió trở trời, nắng mưa thay mùa, biết ai chăm sóc, biết ai lắng lo.

“Mai này nếu đến lượt tôi,

Xin em hãy cứ mỉm cười, đừng đau.

Xin gió thổi mát ngày sau,

Xin cho mưa nắng bắc cầu nhân gian.

Xin cho chiếc lá thôi vàng,

Để tôi còn được ngắm hàng cây xanh.

Xin từ tiền kiếp mong manh,

Cho người sống sẽ lòng thành vì nhau!”.

5. Rồi chúng ta sẽ ổn cả thôi, phải không?

Bởi trời xanh sẽ thương nước Việt, bởi tiền nhân sẽ độ trì hậu sinh, bởi linh khí của sơn hà sẽ dìu dắt con dân trời Nam qua quãng lận đận này.

Tôi thương mọi người, nhiều biết bao nhiêu!

 

VỢ CHỒNG CÙNG MỞ CỬA HÀNG RAU 0 ĐỒNG CHO BÀ CON TRONG CHUNG CƯ

Khánh Chi Pháp Luật, 9/8/2021

(PLO)- Hai vợ chồng chị Anh mở cửa hàng rau 0 đồng để phát miễn phí cho cư dân tại chung cư SaigonHomes, TP.HCM đã hơn 1 tháng nay.

Chị Hồng Anh có một khu vườn trồng rau củ và hoa sen trên sân thượng chung cư SaigonHomes (Hương Lộ 2, quận Bình Tân, TP.HCM). Trước đó, vườn sen là quỹ khuyến học cho trẻ em nghèo. Sau khi dịch bùng phát, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, khu vườn của chị trở thành nguồn cung thực phẩm cho bà con trong chung cư. Vườn hết rau, vợ chồng chị tự mua rau, củ để phát miễn phí.

Ban đầu, vợ chồng chị phát thực phẩm mỗi tuần một lần tại sảnh chung cư, ai cần xuống lấy. Sau đó, chị được nhiều người dân trong chung cư và mạnh thường quân ủng hộ. Người gửi tiền, người gửi hiện vật. Nhờ đó, chị Anh có được nhiều thực phẩm hơn.

Chị chia rau củ, trứng thành từng phần rồi để ở sảnh chung cư, nhờ ban quản lí phát loa mời bà con xuống lấy. Mỗi lần, chị phát khoảng 300 phần. Khi có mạnh thường quân gửi rau củ, hoa quả tới, chị lại tiếp tục chia rồi phát cho người dân để thực phẩm không bị hỏng.

clip_image062
Phần thực phẩm được để gọn gàng dưới sảnh chung cư. Ảnh: NVCC

clip_image064
Người dân xếp hàng giãn cách chờ lấy thực phẩm. Ảnh: NVCC

"Cứ thấy cảnh cư dân vui vẻ khi xuống tự tay mình lựa những phần rau xanh, tôi cũng vui lây. Giúp được họ lúc khó khăn mới thấy việc này ý nghĩa và cần thiết. Tôi cũng chỉ giúp được cư dân chút trứng, rau củ quả thôi, còn thực phẩm khác chưa có điều kiện kinh tế" – chị Hồng Anh bộc bạch.

Hiện tại, chung cư có 2 lầu bị phong tỏa do có F0. Rau, củ, gạo và thực phẩm được chị Anh và mọi người ưu tiên cho 2 lầu bị phong tỏa trước, sau đó đến các căn hộ khó khăn hơn. Nhiều người trong chung cư cũng giúp chị chia phần, đưa thực phẩm xuống sảnh và tới các căn bị phong tỏa. Người đưa thực phẩm tới những nơi bị phong tỏa đều được trang bị đồ bảo hộ và xịt khuẩn.

clip_image066
Người dân trong chung cư chung tay giúp đỡ chia phần thực phẩm. Ảnh: NVCC

Sau khi nhận được thực phẩm hỗ trợ, nhiều người dân trong khu chung cư đã gửi lời cảm ơn tới vợ chồng chị Anh. Anh Phạm Chí Thừa là một trong số đó. Căn hộ anh ở đã bị phong tỏa hơn 3 tuần. Mỗi ngày, anh đều nhận được một phần hỗ trợ của shop 0 đồng.

Chị Tuyết Nhung, một cư dân khác trong chung cư, cũng chia sẻ: "Trong lúc đi chợ khó khăn, cảm ơn những anh chị trong chung cư và shop 0 đồng đã hỗ trợ gia đình tôi và nhiều người khác trong mùa dịch".

Không chỉ hỗ trợ bà con trong chung cư, chồng chị Anh còn tự mình chở rau củ đến các khu trọ nghèo, hỗ trợ bà con bị phong tỏa. Chi phí do gia đình, bạn bè và vợ chồng chị đóng góp.

clip_image068
Gia đình chị Anh chở thực phẩm tới những khu trọ gặp khó khăn. Ảnh: NVCC

Chị Anh cho biết, shop 0 đồng sẽ phát thực phẩm cho người dân trong chung cư đến khi TP.HCM trở lại bình thường. Sau đó, shop vẫn duy trì hoạt động, đối tượng hướng đến là gia đình khó khăn, công nhân thất nghiệp, người già neo đơn và lập quỹ khuyến học. Quỹ của shop được trích từ tiền bán hoa sen của chị Anh. Chị cũng bày tỏ: "Mong muốn cộng đồng chung tay mở thật nhiều shop 0 đồng ở các xóm trọ, khu dân cư nghèo, cùng TP.HCM vượt qua dịch bệnh".

 

CLB BÁC ÁI TRÁI TIM YÊU THƯƠNG – CARITAS BÙI CHU: NỐI DÀI TÌNH HUYNH ĐỆ BẮC NAM

Maria Ngọc Tỷ  – BTT Trái tim Yêu thương. TGP Sài Gòn 11/8/2021

clip_image070

TGPSG — “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ…” (Rm 12,9).

Dù đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng Sài Gòn vẫn đang phải chiến đấu với sự hoành hành trở lại của virus SARS-CoV-2 liên tục biến thể. Bức thư “Thương quá Sài Gòn ơi!” của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh gửi đến đồng bào Công giáo Việt Nam giống như “tiếng kêu cứu” của người dân Sài Gòn vẫn còn văng vẳng trong từng nhịp thở của mọi người.

clip_image072

Bắc – Nam tuy xa về địa lý nhưng thân thương, gần gũi về tâm hồn, bởi “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14) và hãy “thương mến nhau với tình huynh đệ” (Rm 12, 9). Vì thế, sau những phiên họp vào giữa tháng 7, CLB Bác ái Trái tim Yêu thương (TTYT), trực thuộc Caritas Bùi Chu đã mau mắn kêu gọi các nhà hảo tâm, các ân nhân, cá nhân, đoàn thể và các thành viên trong CLB cùng hướng về Sài Gòn thân yêu qua món quà tinh thần là sự hiệp thông cầu nguyện cùng những món quà vật chất là các nhu yếu phẩm, để tăng thêm "chuyến xe yêu thương", nối dài tình huynh đệ giữa các giáo phận trong cả nước với Sài Gòn.

clip_image074

Hoạt động kêu gọi diễn ra từ ngày 25/7 đến ngày 5/8/2021 và đã thu góp được nhiều nhu yếu phẩm như: Gạo, Miến, Mì tôm, Cháo gói, Bí ngô, Bánh gạo, Nước mắm.

Trong 12 ngày thực hiện hoạt động hướng về Sài Gòn thân yêu, các thành viên nhóm TTYT đã nhanh chóng thu nhận các nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm ở khắp các khu vực thuộc Nam Định. Bên cạnh nhu yếu phẩm còn có cả hiện kim từ các mạnh thường quân tại Hà Nội và Quảng Ninh đã thêm nguồn kinh phí để nhóm có thể mua thêm các nhu yếu phẩm gửi vào Sài Gòn.

clip_image076

Nhờ ơn Chúa cùng sự quảng đại sẻ chia của các ân nhân và sự nhiệt thành đóng góp công sức của các anh chị em trong nhóm mà chuyến xe yêu thương đã chính thức khởi hành vào chiều ngày 5/8/2021. Ngày 7/8/2021, chuyến xe từ Nam Định đã đến Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Sài Gòn trong bình an.

clip_image078

Tất cả công sức và nhiệt huyết trong thời gian thực hiện "Chuyến xe yêu thương Nam Định – Sài Gòn" đã thể hiện tình yêu thương lớn lao và tình huynh đệ nối dài mà nhóm TTYT miền Bắc muốn được trao gửi đến bà con Sài Gòn thân thương, mong có thể cùng hợp sức và giúp nhau vượt qua thời khắc khó khăn này.

Thông tin liên hệ nhóm:

Fanpage: facebook.com/TraiTimYeuThuongBuiChu

Facebook nhóm Trái tim Yêu thương miền Bắc: https://bitly.com.vn/s6o4wi

Facebook nhóm Trái tim Yêu thương Sài Gòn: https://bitly.com.vn/4fvkqh

Maria Ngọc Tỷ
Ảnh: BTT Trái tim Yêu thương

N.G.H.Ẹ.N.!.!.!.

FB Minh Hòa

6 phút 55 giây… các bạn xem có cảm giác như mình?

Đêm nào cũng xách máy lên đường, chụp là sở trường, quay là sở đoản, mình có quay nhưng chỉ là tư liệu, bữa giờ các bạn xem mình "teaser" ít tấm rồi (do bận quá chưa edit kịp). Chiều hôm qua trời mưa đường lấp xấp bóng nước in phản chiếu, quay vội bằng GoPro trên đường từ nhà đến điểm chụp đầu tiên, về ráp những clip quay thô và thêm nhạc nền, up lên tặng các bạn xem đường phố SaiGon sau 18:00 cấm người dân ra khỏi đường, ngoài các đối tượng được cấp phép. Hai bên đường cửa đóng then cài, vài xe lác đát, không gian tĩnh lặng,… cũng may đèn đường và các đèn bảng hiệu vẫn thắp sáng xuyên đêm.

SaiGon đêm "giới nghiêm" thứ 17

Aug 10, 2021

Minh Hoà Photography

Instagram: minhhoaphoto

 

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Trồng rau sân thượng: Ngàn cân treo sợi tóc

clip_image080

Comments are closed.