Sài Gòn – Những ngày phong thành (38)

‘VACCINE TỐT NHỨT LÀ VACCINE ĐANG CÓ’

FB Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Lời giới thiệu: Ở Việt Nam ngày nay người ta, nhứt là giới KOL, có câu ‘Vaccine tốt nhứt là vaccine đang có’ để gián tiếp quảng bá vaccine của Tàu. Hoá ra câu này xuất phát từ ông tổng thống Phi Luật Tân Duterte, chớ không phải người Việt nghĩ ra. Ở bên Phi Luật Tân người dân cũng ngần ngại với vaccine Tàu. Bài dưới đây là một lá thư đăng trên tập san Journal of Public Health (15/6/2021) [1] bàn về câu nói đó và sự lựa chọn vaccine. Tác giả là một giảng viên thuộc Bộ môn Thần học của Đại học De La Salle, Manila. Thấy lá thư viết rất khéo nên tôi dịch ra và chia sẻ cùng các bạn.

 

****

‘Vaccine tốt nhứt là vaccine đang có’ và ‘Chờ đợi một vaccine tốt là lựa chọn tốt nhứt’ [1]

Gởi Ban biên tập:

Một lá thư mới công bố trên tập san này bàn về những lí do có thể giải thích hiện tượng ‘ngần ngại tiêm vaccine’, đặc biệt là trong giới có học thức. Họ trì hoãn tiêm vaccine bởi vì họ quan tâm đến hiệu quả thấp của các vaccine hiện có [ý nói vaccine Sinopharm và Sinovac – chú thích của tôi] vốn chưa được EMA phê chuẩn. Các Âu châu cũng không chấp nhận những người đã tiêm vaccine đó là đã được tiêm chủng.

Lá thư này muốn bàn thêm rằng hiện tượng ngần ngại vaccine hay từ chối tiêm vaccine là lí do chánh mà chương trình tiêm chủng vaccine phải đối phó. Đó không phải là vấn đề ‘vaccine xịn’ hay sự kén chọn.

Các giới chức y tế ở Phi Luật Tân đang cố gắng ‘bán’ cái ý tưởng rằng ‘vaccine tốt nhứt là vaccine đang có’. Việc này càng làm cho nhiều người Phi Luật Tân ngần ngại và không bao giờ tin tưởng vào vaccine. Thêm vào đó là quyết định của ngài Tổng thống không chịu tiết lộ loại vaccine mà ông đã tiêm chủng, ngoại trừ cho đến phút chót khi thấy người ta xếp hàng chờ kí giấy đồng thuận. Hành vi của ngài Tổng thống làm cho người dân nghi ngờ. Thêm vào tình trạng bất định là ngài Tổng thống đã được tiêm chủng một vaccine khác (Sinopharm) mà chưa được FDA phê chuẩn. Sinovac cũng đã nộp hồ sơ cho FDA phê chuẩn, nhưng vẫn chưa được phê chuẩn.

Vậy thì chờ đợi có phải là một lựa chọn tốt hơn? Tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng cách lấy trường hợp Canada, nước đã mua một lượng lớn vaccine từ nhiều nhà sản xuất. Cũng giống như Phi Luật Tân, Canada không thể phụ thuộc vào khả năng sản xuất vaccine địa phương. Nhưng không như Canada, Phi Luật Tân lệ thuộc vào Tàu và hi vọng rằng Tàu sẽ ưu tiên hóa cho Phi Luật Tân khi họ phát triển vaccine chống Covid. Trong khi Canada tiếp cận nhiều nguồn vaccine, Tổng thống Duterte lại nói về món nợ lớn đối với Tàu về vaccine.

Chiến lược của Canada cùng với hệ thống phê chuẩn vaccine của Canada có nghĩa là khi vaccine có sẵn và đủ, người dân Canada cảm thấy họ có lựa chọn.

Vậy chúng ta học được gì từ Canada? Việc trình bày kết quả nghiên cứu các vaccine trước công chúng cần ghi nhận một điều quan trọng rằng họ không phải là những chuyên gia, và phán xét của họ không bao giờ thay thế cho các thử nghiệm lâm sàng. Nhưng niềm tin của họ (công chúng) đóng vai trò quan trọng, bởi vì niềm tin định hướng hành vi. Chúng ta cần phải hiểu những gì công chúng suy nghĩ trong khi chúng ta bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng.

Tác giả: Jose Eric M Lacsa, Bộ môn Thần học và Tín ngưỡng học, Đại học De La Salle, Manila.

[1] https://academic.oup.com/…/10.1093/pubmed/fdab216/6299827

****

Bàn thêm: Tôi nhiều khi nghĩ lan man về ý nghĩa của câu "Vaccine tốt nhứt là vaccine đang có". Câu đó hàm ý 3 giả định rằng (1) chỉ có 1 vaccine; (2) ai mắc bệnh Covid đều sẽ chết; và (3) vaccine có thể cứu người hay ngăn chận nhiễm 100%. Nếu cả 3 giả định đó đúng thì câu đó đúng. Nhưng dĩ nhiên cả 3 giả định đều sai, và do đó câu nói đó không hợp lí nữa.

Khi chúng ta có hơn 1 vaccine, thì vấn đề lựa chọn được đặt ra. Trong tâm lí học người ta có một lí thuyết gọi là ‘Choice Theory’ (Lí thuyết Lựa chọn), và theo lí thuyết này, chúng ta quyết định lựa chọn nhằm đáp ứng 5 nhu cầu căn bản: (1) sống sót; (2) tình yêu và bổn phận; (3) quyền thế; (4) tự do; và (5) thú vui. Vấn đề phức tạp chớ không đơn giản những chúng ta nghĩ.

Thật ra, tôi nghĩ vấn đề chọn vaccine có thể giải qua lí thuyết "Utility Theory" (Lí thuyết Hữu dụng). Có thể đặt vấn đề như sau: nếu tôi quyết định tiêm vaccine 1, tôi sẽ giảm nguy cơ bị nhiễm X1%, nhưng tăng nguy cơ biến chứng Y1%; nều tiêm vaccine 2, sẽ cho ra kết quả X2% và Y2%; v.v. Xem xét xác suất phân bố của các vaccine cùng các giá trị trên, có thể tính toán được giá trị hữu dụng kì vọng cho mỗi vaccine và mỗi cá nhân. Đây là vấn đề của giới kinh tế có thể đóng góp vào câu hỏi chọn vaccine nào.

Nhưng đó chỉ là lí thuyết cho vui thôi, chớ trong thực tế thì ở VN hiện nay sự lựa chọn rất hạn chế. Dù vậy, thay vì nói "Vaccine tốt nhứt là vaccine đang có", chúng ta nên tìm hiểu công chúng nghĩ gì và hiểu gì trước khi triển khai chương trình tiêm chủng một loại vaccine có nhiều bất định.

clip_image002

KHÍA CẠNH PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI TIÊM VẮC-XIN (*)

BBC News Tiếng Việt

Trong tình hình thiếu vaccine Covid và dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay, bạn có đồng ý tiêm loại vaccine mà bạn không tin tưởng không? Và bạn có quyền lựa chọn loại vaccine mình thích không?

Các khía cạnh pháp lý liên quan đến quyền và nghĩa vụ tiêm chủng của người dân được luật sư Phùng Thanh Sơn giải thích kỹ trong video này:

(*) Nhan đề của Văn Việt.

HÔM NAY CHÍCH VẮC-XIN TRUNG QUỐC (*)

FB Bs. Hoang Minh Tu Van

Hôm nay vaccine TQ bắt đầu chích cho dân SG, dân chung chung chứ không phải dạng "các công ty xin chích" hay người làm ăn với TQ hay muốn đi TQ như bữa trước báo đăng. Số lượng tung ra đợt này ít, và có kèm câu ai tự nguyện mới chích chứ không ép, một vài ngàn liều mỗi quận,tổng cộng đâu 4 mấy 50 ngàn liều. Theo mình thì đây là cách thăm dò phản ứng dân chúng. Nếu dân im im đồng ý chích thì sẽ tung ra số lượng nhiều hơn (và dĩ nhiên khi có vài triệu liều vx 1 loại rồi thì sẽ bớt cấp vx loại khác,này dễ hiểu). Nếu nhiều người phản đối quá thì có thể coi lại. Cách làm của chính quyền đó giờ luôn thế. Đó là cách họ làm chính trị.

Nên là dân SG, bạn có quyền hỏi bs và đồng ý hay từ chối chích vx này vx kia. Là bs, bạn cần báo cho người dân biết nay chích vx gì và tôn trọng sự lựa chọn của họ.

Không chịu chích vx TQ lần này có khi nào chính phủ ghét k cấp vx gì khác nữa hay không? Mình nghĩ là không. Chính phủ cũng muốn giải quyết dịch bệnh nhanh. Dịch kéo dài thì tất cả đều thiệt. Cân nhắc lợi hại thì sẽ khó có chuyện để cho SG vật vã tự sinh tự diệt. Còn chừng nào có thêm vx "không TQ" thì còn coi nguồn cung thế nào và mức độ chấp nhận của dân chúng với vx TQ như thế nào.

Về chất lượng vx, có nhiều yếu tố để đánh giá, sẽ không nói kỹ ở đây. Nhưng yếu tố quan trọng đầu tiên là phải có dữ liệu nhiều và minh bạch. Kiểu coi phim vụ án càng có nhiều bằng chứng (và bằng chứng từ người ngoài sẽ có sức thuyết phục hơn từ người nhà) thì bạn càng dễ thuyết phục quan tòa. Cái này thì vx TQ thiếu,ít bằng chứng,ít minh bạch, người nhà nói tốt người ngoài nói không. Đó là lý do nhiều người nghi ngờ vx TQ (bên cạnh yếu tố cảm xúc ghét TQ).

Tóm lại, chính quyền có thể có chiêu trò chính trị của họ. Nhưng ít ra trong lúc này, người dân vẫn có quyền lựa chọn có hay không chích vx gì. Hãy hỏi và quyết định.

Còn thuyết âm mưu cho rằng bs dd sẽ lừa dân, nói xạo,tráo ruột sino vô vỏ astra hay moderna, thì không nên tin. Nghĩ như vậy là xúc phạm chúng tôi, với ai rảnh đâu mà làm chuyện đó trời ơi. Buổi nào ngồi tư vấn vx cũng nói khô cổ rã họng nóng xịt khói. Ba chuyện tráo đổi đó mất công dữ lắm.

Vậy đi. Cơ mà hiện các điểm tiêm cộng đồng tại SG đa số tạm hết vx "không TQ" rồi. Nhớ nha. Dân nhớ hỏi, bs nhớ nói, rồi nhớ chọn. Không ai đè ra đánh bắt chích hay không chích.

(*) Nhan đề của Văn Việt

CHUYỆN NGÔN NGỮ

FB Dũng Hoàng

Trong một video phổ biến trên mạng xã hội (có lẽ quay ở công viên Tao Đàn, quận 1, TP HCM), người dân khi đến tiêm mới được phổ biến vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm. Đối với dân bình thường, không phải ai cũng biết Sinopharm là hãng dược phẩm Trung Quốc. Nhưng có một người dân cảnh giác hỏi lại: Sinopharm là của nước nào? Và khi nhân viên y tế trả lời nước sản xuất là Trung Quốc, thì họ kéo nhau ra về, sau khi buông ra vài câu chửi bới!

Đề nghị:

(1) Nhân viên y tế cần nói rõ vaccine Vero Cell Sinopharm là của Trung Quốc. Không nói đủ thông tin cần thiết là thực sự không tôn trọng quyền lựa chọn của người dân;

(2) Người dân phải được thông tin về loại vaccine được tiêm TRƯỚC KHI đến địa điểm tiêm, để những ai không muốn tiêm thì có thể ở nhà, tránh những đôi co không đáng có ở địa điểm tiêm.

https://www.facebook.com/nhu.chan.3367/videos/585570692455784

Bổ sung (17g56): Quận 1 phản hồi clip người dân bỏ về không tiêm vaccine Sinopharm: https://vtc.vn/tp-hcm-quan-1-phan-hoi-clip-nguoi-dan-bo…

SÀI GÒN KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI TRONG CHIẾN DỊCH TIÊM VACCINE THẦN TỐC!

FB Nguyễn Phan Tú Dung

Tôi tự hỏi: “Có phải trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất TPHCM lần này có một chủ trương nhất quán hay sự nhiệt tình của lãnh đạo hay không?”

Chiến dịch tiêm vaccine được triển khai thêm 1 hình thức mới và nhân văn hơn mang tên “Chiến dịch tiêm chủng vaccine lưu động".

Các y bác sĩ, nhân viên y tế sẽ đi đến từng khu vực nhà dân bị phong toả, hộ gia đình có người cao tuổi, người có bệnh lý, người không thể tự đến các điểm tiêm cộng đồng… để thực hiện tiêm vaccine cho họ.

Và ngày hôm nay, các đội quân của bệnh viện JW đã không ngại vất vả “đi đến từng phường, từng khu phố bị cách ly" để thực hiện tiêm vaccine người dân đúng với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại trong chiến dịch tiêm vaccine tại TP.HCM".

Mới đây, Chị Phó chủ tịch Quận 1 gọi cho tôi bảo: “Bác sĩ Tú Dung ơi! Tôi biết hiện tại nhân sự của bệnh viện JW đang phải di chuyển khắp nơi và bị phân tán lực lượng sau nhiều tháng tham gia Chiến dịch tiêm vaccine. Nhưng hiện tại tình hình dịch đang căng và tốc độ của tiêm vaccine vẫn còn chậm. Bác sĩ Tú Dung có thể giúp Quận 1 tăng cường thêm 2 đội tiêm nữa được không?”

Tiếp đó, Chị Chủ tịch Phường Bến Thành lại tiếp tục điện thoại nói: “Bác sĩ Tú Dung ơi? Thật sự gọi cho anh cũng ngại nhưng phải nhờ anh thôi, hiện tại rất nhiều người lớn tuổi không thể đến các điểm tiêm cộng đồng để tiêm được. Rất nhiều người bị kẹt trong khu phong tỏa, nhiều người bị bệnh quá yếu không thể tự đi được, nên rất cần một đội tiêm vaccine lưu động để đi đến từng khu như thế này…”

Tôi chưa kịp trả lời thì chị nói tiếp: “Tôi cũng nhờ một số đơn vị nhưng họ rất ngại khi vào tận khu bị phong toả… vì ai cũng sợ những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Mà em thấy các bác sĩ, nhân viên JW nhiệt tình quá, nên em mới dám mở lời nhờ anh…”

Thật sự, khi nghe chị tha thiết như thế, lại nghĩ đến những người dân, người lớn tuổi, người bị bệnh nền đang ở trong khu cách ly, khu phong toả là những đối tượng nguy cơ cao nhất… Lòng tôi lại không yên !

Nếu không ai dám vào đó thì ai sẽ là người giúp họ? Nếu họ ko được tiêm vaccine liền thì với tình hình dịch căng thẳng như thế… thì họ phải làm sao?

Thật tâm, tôi cũng không đành lòng từ chối… nhưng sức khoẻ của nhân viên JW cũng là điều khiến tôi trăn trở nhiều. Nhưng thật cảm động khi tôi hỏi ý kiến các bạn trong đội tiêm vaccine thì tinh thần ai cũng sẵn sàng và xung phong tham gia.

Hôm nay, khi nhìn những hình ảnh các cụ già ngồi xe lăn, những người cao tuổi được các bạn dìu ra các bàn tiêm tại những con hẻm nhỏ để tiêm vaccine… Lòng tôi lại cảm thấy yên bình và hạnh phúc đến lạ.

Nhìn gương mặt họ hiện lên một niềm hạnh phúc và miệng thì luôn nói “cảm ơn con, cám ơn Bác sĩ” sau khi được tiêm vaccine…

Lại khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều mà đội ngũ JW đã làm…

Tôi tin rằng, các bạn JW khi nhìn thấy hình ảnh này cũng cảm thấy vui về những việc có ích mà mình đã làm cho xã hội…

Cám ơn các bạn… Cám ơn tinh thần và sự tử tế của các bạn!

Tôi từng đến địa điểm tiêm vaccine cộng đồng – nơi đội JW đang làm nhiệm vụ. Khi nhìn hình ảnh những người lớn tuổi tự mình đến địa điểm tiêm vaccine khiến tôi vô cùng xúc động và ngưỡng mộ vô cùng…

Hình ảnh một cụ bà 99 tuổi vẫn hăng say đi tiêm vaccine, nhắc nhở lớp trẻ chúng ta rằng sự sống quý giá biết nhường nào, nhắc chúng ta rằng yêu quý bản thân là yêu quý Tổ Quốc.

Hay một bà cụ bán vé số trong dáng người gầy guộc… Rơi nước mắt khi được một bạn nhân viên JW tặng quà… Lại khiến tôi xúc động hơn bao giờ hết, bởi giọt nước mắt ấy là động lực cho chúng tôi tiếp tục công việc của mình…

Khi nhìn hình ảnh 2 chị em tuổi 90 dìu nhau đến địa tiêm cộng đồng ở Trung tâm TDTT Quận 1 khiến tôi chạnh lòng về một tình yêu thương ruột thịt trong gia đình… Một thứ tình cảm hiếm có giữa đời thường.

Khi nhận được tin nhắn của chị Chủ tịch Phường khoe rằng, bà con của Quận, của Khu phố khen ngợi đội ngũ bác sĩ JW… và sự tự hào về số lượng tiêm chủng vaccine mà đội JW đã thực hiện mỗi ngày… càng nhắc nhở tôi về một tinh thần trách nhiệm với cộng đồng…

Có lẽ, chiến dịch tiêm vaccine còn kéo dài, những giọt mồ hôi ướt đẫm trong bộ đồ bảo hộ trùm kín 11 tiếng mỗi ngày, đôi bàn tay rộp bỏng vẫn không ngăn cản sự quyết tâm của các bạn JW trong chiến dịch này.

Cám ơn những chiến sĩ JW.

Cám ơn những điều phi thường nhỏ bé!

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

VỀ MỘT “BỨC ẢNH ĐAU THƯƠNG” ĐÃ GỠ

FB Lê Huyền Ái Mỹ

Hôm qua, trên trang cá nhân của phóng viên Ngọc Lâm Trần có đưa tấm ảnh chụp một hàng dài thi thể bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Bệnh viện Nhân dân 115. Là 1 phóng viên chuyên mảng y tế, cách Lâm đưa thông tin khá cẩn trọng và có trách nhiệm khi mong rằng các lực lượng chức năng cố gắng thu xếp để người đã mất sớm được an táng.

Cùng thời gian đó, tôi vào tờ báo của bạn, tôi tìm mà không thấy thông tin, hình ảnh ấy.

Một hồi, khi quay lại fb của Lâm thì bạn đã ẩn tấm ảnh ấy, với một lời thưa gửi cũng rất đàng hoàng: “Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 gọi điện cho biết sau bức ảnh mình đăng đã yêu cầu bộ phận y tế lo hậu sự chu đáo cho các bệnh nhân COVID-19 rồi. Ngoài ra, bệnh viện cũng thông tin bệnh viện được giao chỉ tiêu 200 giường hồi sức cấp cứu nhưng hiện đã có đến 350 bệnh nhân Covid điều trị, hầu hết rất nặng. Dù nỗ lực gồng gánh nhưng vẫn không chu toàn hết, nhất là khâu xử lý ban đầu cho các bệnh nhân đã mất…”. (trích).

“Ẩn bức ảnh đau thương ấy đi với mong muốn sẽ không còn thấy những cảnh tương tự tái hiện nữa” – như lời Lâm nói – sẽ được hiểu “đau thương” ấy là có thật, còn để “không còn thấy” chỉ là nỗi mong muốn, như một lời nguyện cầu, một tia hy vọng cuối cùng cho những thảm kịch thôi không còn, hoặc ít dần đi trong những ngày tháng tới.

Chúng ta, dù muốn hay không dám nhìn thẳng vào những “bức ảnh đau thương” ấy thì vẫn buộc phải thừa nhận cái thực tế khốc liệt của một cơn đại dịch. Thừa nhận sự quá tải của hạ tầng, dịch vụ y tế. Thừa nhận sự quá tải của đội ngũ con người, không chỉ riêng lực lượng ngành y tế. Để buộc phải chấp nhận – thừa nhận cái giá phải trả cho một trận đại dịch mà con người, sức người không thể không gục ngã, dù phải tìm cách mà gượng dậy và sống sót trong những mét sau cùng.

Cho nên, ai đó, đừng nghĩ rằng, cố mà ẩn đi những “bức ảnh đau thương” là đau thương sẽ chìm lấp, bởi thực tế còn có những đau thương, tang tóc đã và đang diễn ra hơn cả thế. Nhưng thừa nhận nó, tôn trọng nó cũng là cách để “cân bằng” và tạo sự “công bằng” cho những thông tin còn lại, ngược lại.

Hoặc thậm chí ai đó nghĩ ra cách lấp chìm đau thương bằng những hình ảnh ngược chiều của đau thương. Kỳ thực, nó chỉ chỉ ra sự nghịch lý, dị thường trong tâm thế đối diện với thực tế, hơn thế, với sự thật, với lẽ phải của thông tin – thông tin của lẽ phải. Dù tương đối thì cũng phải có.

Một trong ba nguyên tắc cá nhân được áp dụng cho y tế công cộng, khi đối diện cơn đại dịch đó là: phải biết sự thật. “Và bước đầu tiên để nắm được sự thật là mong muốn biết sự thật, thay vì chấp nhận bất cứ câu trả lời thay thế nào nghe hợp lý hay gần với quan điểm cá nhân hơn”.

Sự thật đang sống, đang tồn tại trong thời điểm đầy đau thương này, như con số 308 ca tử vong trong một ngày đã qua…

Và sự thật cũng hết sức quả cảm để ít nhất còn đang cầm cự, giữ lại cho bao mạng người đang bên vực thẳm.

Đừng tự đánh lừa 1 phần của sự thật. Vậy thôi.

______________

P/s: Tại một cuộc họp của những người cộng sản Bỉ tại Bruxelles, không chịu nổi những lập luận ấu trĩ của Weitling – người theo chủ nghĩa cộng sản sơ khai – Karl Marx đã cắt ngang: “Người ta đánh lừa dân chúng nếu làm cho dân chúng vùng dậy mà không đặt hoạt động cách mạng trên những căn bản vững chãi… Nói tới thợ, nhất là thợ Đức, mà không có những ý tưởng khoa học và lý thuyết cụ thể, tức là biến tuyên truyền thành một trò chơi rỗng tuếch, vô nghĩa giữa một người lãnh đạo nhiệt thành với những con lừa há hốc mồm nghe mà không hiểu gì cả”.

(trích Hành trình trí thức của Karl Marx – Nguyễn Văn Trung – NXB Tổng hợp TP HCM).

Chép lại một đoạn mới đọc sáng nay, :))))

ĐOÀN NGỌC HẢI TẶNG 16 ÁO QUAN CHO NHÓM THIỆN NGUYỆN MAI TÁNG

Dạ không còn nhân lực nên tụi em làm luôn. Không ngại dị đoan đâu ạ. Cám ơn anh Đoàn Ngọc Hải đã kết nối Mạnh Thường Quân tặng 16 áo quan chuyển tặng Mai táng không đồng SOS Sài Gòn. Cảm niệm công đức!

Bà con có nhu cầu về MAI TÁNG cho người thân xin liên hệ:

0705705115

0947105115

0788686970

 

OXY CHO SỰ SỐNG: THÔNG BÁO SỐ 1

FB Bs. Xuân Sơn Võ

Khuya nay, 50 bình oxy loại 10 lít đã về đến Phòng khám Quốc tế EXSON. Chúng tôi đang đặt mua thêm, hi vọng vài ngày nữa sẽ có thêm khoảng 200 bình oxy loại 10 lít. Chúng tôi cũng đã thống nhất với anh Khôi, của chương trình NẠP OXY MIỄN PHÍ, một dạng ATM oxy miễn phí. Các anh sẽ hỗ trợ OXY CHO SỰ SỐNG, như một phần trong hoạt động của nhóm các anh.

Bắt đầu từ thứ Sáu 13-08-2021, OXY CHO SỰ SỐNG sẽ chính thức vận hành. Trụ sở chương trình đặt tại Phòng khám Quốc tế EXSON, 722 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10. Trước mắt, chương trình sẽ nhận đổi bình oxy hết (bình rỗng), lấy bình oxy đã nạp đầy (gần giống như đổi gaz), miễn phí.

Những ai có nhu cầu đổi bình oxy, và có thể tự mang bình hết oxy đến đổi lấy bình đã nạp oxy, cần liên hệ trước với số điện thoại hotline: 0909468722. Nếu được chấp thuận, sẽ mang bình oxy hết đến 722 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 (đối diện và chếch vào trong 10 căn so với Vạn Hạnh Mall. Khi đến nơi, vui lòng đặt bình lên phần sàn cao trước cửa. Rồi báo cho nhân viên trực trong nhà. Sau đó vui lòng đứng trên lề đường, cách xa trên 2m.

Nhân viên Phòng khám Quốc tế EXSON sẽ khử trùng bình, và chờ 15 phút mới kiểm tra bình, tháo đồng hồ và ráp sang bình đã được nạp oxy (nếu có đồng hồ cũ theo bình). Sau khi kiểm tra, tháo ráp đồng hồ (nếu có), nhân viên Phòng khám Quốc tế EXSON sẽ để bình oxy lại trên kệ cao và vô nhà. Lúc đó người đổi sẽ bước lên bậc lấy bình đã nạp oxy về.

Nhân viên Phòng khám Quốc tế EXSON sẽ tiếp nhận yêu cầu từ 2 nguồn, từ số Hotline 0909468722 và từ nhóm NẠP OXY MIỄN PHÍ.

Xin lưu ý. Chúng tôi hoạt động theo nguyên tắc đổi bình hết oxy lấy bình đã nạp đầy oxy, nên bình oxy sẽ luân chuyển. Mặc dù bình oxy của OXY CHO SỰ SỐNG là bình mới 100%, nhưng sẽ phải đổi với các bình mang đến. Hàng ngày, nhóm NẠP OXY MIỄN PHÍ sẽ đến lấy về nạp oxy, khi giao lại cũng chưa chắc đúng bình đã lấy về, nên nếu ai ngại bị đổi bình thì không nên sử dụng dịch vụ này.

Chúng tôi cũng đang đặt mua thêm bình oxy. Khi có thêm bình mới (hi vọng 3 hay 4 ngày tới), chúng tôi sẽ triển khai cho các F0 trở nặng tại nhà mượn bình oxy có kèm đồng hồ đo oxy, miễn phí, không thu tiền đặt cọc. Tuy nhiên để tránh việc một số người không cần thiết nhưng vẫn mượn bình oxy về tích trữ, làm cho người cần thật sự không có, nên chúng tôi chỉ cho mượn theo chỉ định của bác sĩ, với clip chuyên môn theo yêu cầu của chúng tôi, xác định người đó thật sự cần.

Chắc chắn trong mấy ngày đầu sẽ có trục trặc, tuy nhiên, với sự ủng hộ của đông đảo các nhà hảo tâm, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn trong nhóm NẠP OXY MIỄN PHÍ, với sự tận tâm và tính quyết tâm của nhân viên Phòng khám Quốc tế EXSON, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện dần. Và chúng tôi cũng sẽ cố gắng đáp ứng từng bước các yêu cầu để giành lại sự sống.

Chúng tôi hiểu, bây giờ OXY chính là SỰ SỐNG, OXY chính là TÍNH MẠNG. Vì vậy, chúng tôi sẽ cùng với các bạn, làm hết sức mình để giảm số người tử vong do dịch viêm phổi Vũ Hán.

PS: Số của anh Khôi, chương trình NẠP OXY MIỄN PHÍ: 0796466988, phục vụ từ 8h sáng đến 24h đêm. Các bạn cần đổi bình tại 722 Sư Vạn Hạnh có thể liên hệ qua anh Khôi, số điện thoại trên.

clip_image014

NGÀY SINH NHẬT TUỔI 25, CHÀNG TRAI ĐÓN TRO CỐT CỦA MẸ

Toàn Nguyễn – Zing, 13/8/2021

Không có người thân, bạn bè bên cạnh, không có bánh kem và lời hát chúc mừng, Mạnh Giàu đón tuổi 25 bên hũ tro cốt của người mẹ vừa qua đời vì Covid-19.

Ngày 7/8 có lẽ là sinh nhật đáng nhớ nhất trong đời của Trần Mạnh Giàu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Anh đón tuổi mới một mình. Không có người thân, bạn bè bên cạnh, không có bánh kem và lời hát chúc mừng. Căn nhà trống trải đến lạnh lẽo.

Buổi chiều, Giàu lặng lẽ chuẩn bị mâm cơm cúng 7 ngày cho mẹ. Bỗng có người ghé nhà. Là cán bộ của phường, họ đến trao hũ tro cốt của mẹ anh – người vừa qua đời vì Covid-19.

Hũ tro cốt nằm gọn trong chiếc hộp giấy, bên trên ghi rõ thông tin cá nhân của người mất. Mắt Giàu nhòe đi, anh ôm chặt chiếc hộp như thể đó là món quà sinh nhật cuối cùng mẹ dành cho anh.

“Mẹ tặng cho tôi cả cuộc đời”, giọng anh nghẹn lại.

“Mẹ ơi, đừng giỡn nữa, tỉnh lại đi mẹ”

“Mẹ đau bao tử quá, con chạy ra tiệm thuốc mua cho mẹ mấy viên thuốc nghen Giàu!”, Giàu còn nhớ như in tiếng mẹ gọi.

Ngày 28/7, mẹ của Giàu – bà H. – được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Suốt 3 ngày liền Giàu gần như thức trắng để trông chừng mẹ. Sáng sớm 1/8, vừa chợp mắt được một lát, anh nghe tiếng mẹ gọi, liền thức dậy đi mua thuốc.

Trước đây, bà H. thường xuyên lên TP.HCM ở cùng con trai, có lúc vài ngày, có khi nửa tháng. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, bà quyết định ở lại chăm sóc cho con. Sống ở thành phố không người thân nương tựa, hai mẹ con luôn hạn chế ra ngoài để giảm rủi ro lây nhiễm.

clip_image016

Theo dõi các thông tin về dịch bệnh trên báo chí, Giàu không nghĩ gia đình anh lại phải trải qua biến cố này. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Hay là đến bệnh viện kiểm tra đi mẹ”, Giàu đề nghị ngay khi trở về từ tiệm thuốc. Người mẹ không đồng ý, bà cho rằng sức khỏe vẫn ổn định, chỉ là căn bệnh tim và bao tử lâu nay vẫn phiền bà như vậy. Sau khi uống thuốc, người phụ nữ đi tắm rồi vào bếp nấu cháo.

Thấy mẹ lục đục trong bếp. Giàu khuyên bà nghỉ ngơi, để việc nấu nướng cho anh lo. “Ừ, vậy con canh chừng nồi cháo giùm mẹ”, nói rồi người phụ nữ đi về phía nhà vệ sinh.

Hơn 10 phút trôi qua, không thấy mẹ trở ra, Giàu cũng không nghe tiếng động gì bên trong nhà vệ sinh. Dự cảm điều chẳng lành, anh bước đến mở cửa thì thấy bà đã ngất xỉu từ lâu.

Vội vàng đỡ mẹ dậy, Giàu gọi cấp cứu, chạy sang nhà hàng xóm nhờ sự hỗ trợ. Không khí khẩn trương bao trùm lấy căn chung cư cũ. Mọi người tìm cách liên lạc với y tế địa phương, người nỗ lực gọi xe cấp cứu.

“Mẹ ơi, đừng giỡn nữa, tỉnh lại đi mẹ”, người con trai dần mất bình tĩnh trong lúc chiếc xe cấp cứu lao nhanh về phía Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (quận Bình Thạnh).

“Tim của bệnh nhân đã ngừng đập trên đường đưa đi cấp cứu", vị bác sĩ buồn bã cho biết. Xét nghiệm PCR người mẹ cho kết quả dương tính với nCoV. Thi thể bà H. được giữ lại để hỏa thiêu theo quy định.

"Các bác sĩ nói với tôi rằng có khả năng biến thể Delta đã tấn công quá nhanh, khiến mẹ tôi nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong", Giàu chia sẻ.

Mọi thứ xảy ra đột ngột, Giàu không dám tin vào những gì nghe thấy. Giây phút đó, anh quỵ xuống, chết lặng.

"Có ai mừng với mình nữa đâu"

Giàu âm tính với nCoV. Tuy nhiên, căn chung cư nơi anh sống bị phong tỏa nhằm phục vụ công tác phòng dịch. Trở về từ bệnh viện, Giàu tự cách ly tại nhà. Trước đây, khi xem các thông tin về dịch bệnh trên phương tiện đại chúng, Giàu chưa từng nghĩ một ngày nào đó gia đình anh phải đối diện với biến cố này.

Là con một trong gia đình, Giàu được cha mẹ yêu thương hết mực. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành quan hệ quốc tế tại trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, Giàu được bố mẹ khuyến khích học lên thạc sĩ.

“Tốt nghiệp xong tôi muốn đi làm để có tiền chăm lo cho gia đình. Nhưng mẹ động viên tiếp tục việc học. Dù không thích lắm, nhưng thương mẹ, tôi cũng chấp thuận”, Giàu nói. Để không lãng phí thời gian anh đăng ký học song song ngành thiết kế đồ họa tại trường Đại học FPT.

Vài ngày trước khi mẹ qua đời, Giàu đã hoàn thành chương trình tại Đại học FPT. Anh dự định khi nào bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ sẽ báo cho mẹ mừng. “Nhưng giờ chẳng còn quan trọng nữa. Căn nhà vắng trước vắng sau, có ai mừng với mình nữa đâu”, người con trai ngậm ngùi nói.

Khoảng cách thế hệ khiến mẹ con không ít lần lớn tiếng. Mẹ vừa lo lắng, vừa bảo bọc nhưng cũng cực kỳ nghiêm khắc. Nhiều lần bị mẹ rầy la, anh giận dỗi chỉ muốn sống một mình.

Giờ đây, nhìn không gian bốn bề tĩnh lặng, Giàu ước mọi chuyện chỉ là một cơn ác mộng. Tỉnh lại vẫn thấy mẹ cạnh bên.

Chiều ngày 7/8, một tuần sau khi biến cố xảy ra, chính quyền địa phương đã trao lại tro cốt của bà H. cho gia đình. Người con trai đón mẹ trở về vào đúng ngày sinh nhật tuổi 25. Nhưng lần trở về này, Giàu chỉ còn thấy mẹ trong chiếc hộp đựng tro cốt.

Giàu cho biết gia đình dự tính sau khi dịch bệnh được kiểm soát, anh sẽ đưa tro cốt của mẹ về quê hương ở Cái Bè (Tiền Giang). “Chỉ mong không còn gia đình nào phải nếm trải sự mất mát này nữa”.

clip_image018

Tro cốt của những người không may mất vì Covid-19 được Bộ Tư lệnh TP.HCM tập hợp tại Nhà tang lễ Thành phố. Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện tiếp nhận và đưa trực tiếp đến người nhà. Ảnh: Chí Hùng.

Nhiều ngày nay TP.HCM mưa liên miên. Những trận mưa đưa con người ta về với kỷ niệm. Giàu kể, có lần anh gọi điện thoại về nói nhớ mẹ, câu nói bâng quơ thôi, vậy mà vài tiếng sau mẹ thu xếp công việc, đón xe khách từ Cái Bè lên thành phố thăm con.

“Hôm nay tôi nói nhớ mẹ, nhưng mẹ đã không hồi âm”, Giàu nhìn ra hiên, trời vẫn mưa rả rích.

Lúc ta quay về, mẹ đã đi xa

Mẹ về hư không, mẹ về mây trắng

Ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng

Muốn gọi mẹ ơi nhưng gọi đến bao giờ?

(Vẫn còn có mẹ – Lê Minh Quốc)

BÀN THẮNG (*)

FB Bs. Lê Minh Khôi

Sau những ngày đầu thủng lưới không gỡ bàn danh dự thì hôm qua và hôm nay team đã bắt đầu ghi bàn. Đã chuyển lại tuyến dưới một số bệnh nhân.

Vui nhất là một sản phụ với một câu chuyện hết sức cảm động sau khi sinh con đã nhanh chóng rơi vào ARDS, đồng nghiệp gọi giải cứu khẩn thiết vì đặt ống thở mà thở máy không lên đành bóp bóng. Giải cứu trong tâm thế nhân đạo hơn là hy vọng. Qua những ngày khó khăn với đủ mọi cách cố gắng, nỗ lực của các bạn đội nhà, bệnh nhân đã được rút ống thở ngon lành, rút đường truyền, thở ôxy mũi liều thấp. Hôm nay đã chuyển lại tuyến dưới (xuống tầng). Bàn thắng nào cũng là bàn thắng nhưng có những bàn thắng tạo hứng khởi xốc lại tinh thần các chiến binh. Phía trước vẫn còn núi cao chót vót và chắc chắn sẽ bị thủng lưới tiếp nhưng sẽ vẫn cố gắng ghi bàn.

Hy vọng sẽ gặp lại chị sau dịch, trong buổi ra mắt cuốn sách Phía Tây Thành Phố mà trong đó có một câu chuyện cảm động về tấm lòng nhân hậu của chị.

(*) Nhan đề của Văn Việt.

ĐẾN CHÚA CŨNG PHẢI CƯỜI

FB Anmai CSsR

Chiều, chuẩn bị đi tưới cây thì cái "mặt mốc" quen quen gọi điện thoại. Không phải gọi thường mà gọi để cho xem hình ảnh.

Trong đầu thắc mắc: "Không biết lão này cho mình xem cái gì đây bởi cái mặt mốc của lão xem cũng đã ớn! Thôi thì bấm nút nhận messenger cho rồi".

Tưởng gì, thì ra lão khoe hình lão đang đến Dòng Đức Bà để nhận rau.

Vừa cho xem khung cảnh vừa nói: "Con đến mấy sơ xin rau về nè ! hi hi !".

Hi hi cái con khỉ! Hóa ra lão cho xem hình "bà chị thấy ghét".

Chỉ kịp phẫy tay chào Bà và cảm ơn Bà vì phần quà vừa rồi Bà và ân nhân nhớ đến thằng em.

Thường ngày lên lớp Kinh Thánh hay ở trong Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ thấy oai lắm mà! Giờ thì cầm cây chổi để quét dọn bởi sau khi phân chia thì dĩ nhiên là có những phần rác thừa.

Những ngày này Bà và chị em không cầm viết, không dùng cái đầu để suy nghĩ nữa mà cầm đôi tay và tấm lòng để chung chia chút gì đó cho những nơi cần. Đời tận hiến của Bà và chị em giờ đây trở nên thiết thực hơn bao giờ hết qua hành động nhỏ bé và âm thầm của mình.

Chả phải hôm nay, cả mùa dịch Bà và chị em đã trở thành những người khuân vác rau củ quả cũng như thực phẩm cần thiết để sẻ chia. Những phần rau củ quả sau khi được tập trung nơi đây thì được đưa đến những nơi cách ly, những vùng đang gặp khó khăn. Lão "mặt mốc" mà ở nơi nào cần có sự trợ giúp cũng mò đến đây để xin rau! Nể lão!

Nhìn hình ảnh bà Tổng phụ trách đơn sơ cứ ngày này tháng nọ cùng chị em trong cái mùa dịch này thật dễ thương. Dễ thương hơn cả khi Nhà Dòng dùng chính nơi tôn nghiêm, nơi cái hội trường sinh hoạt mục vụ để làm thành nơi chứa rau.

Nếu như nơi đây là chỗ mặc phẩm phục trước khi vào Lễ đồng tế cũng như là sảnh đón tiếp khách vào xem phòng truyền thống thì đây lại là nơi để rau củ. Nhìn Bà, nhìn chị em và nhìn cái khung cảnh dòng CND của Bà và chị em hay hay làm sao đó.

Cạnh nhà dòng của Bà, khung cảnh của Đaminh Rosalima vốn dĩ là êm đềm khép kín nay cũng trở nên ồn ào náo nhiệt bởi những chuyến xe rau cũng thật dễ thương.

Vui nhất có lẽ nhà Nhà Thờ Mẫu Tâm và Nhà Thờ Cha Tam. 2 "ông cha" xứ "quái chiêu" này đã tận dụng phần cuối của Nhà Thờ để làm nơi chứa mì và gạo trước khi trung chuyển. Đơn giản là vì khuôn viên Nhà Thờ chật hẹp và đến giờ cũng chưa có Lễ tập trung.

Nhìn những hình ảnh đó, chắc có lẽ không chỉ mình tôi mà ai ai cũng nực cười.

Nếu như ngày xưa Chúa đánh đuổi dân ra khỏi Đền Thờ vì đã biến Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán thì những nơi này Chúa sẽ nói gì? Chắc có lẽ Chúa phải chào thua và cười với những ông cha và bà sơ dấn thân một cách thiết thực trong đại dịch này.

Đền Thờ, nơi thiêng thánh dành riêng cho phụng vụ và mục vụ. Điều này không cần phải nói nhiều thì ai ai cũng biết. Cũng vậy, khung cảnh Tu Viện hơn bao giờ hết phải là khung cảnh của êm đềm, của trầm lắng. Thế nhưng rồi, tôi tự hỏi với khung cảnh như hiện nay mà các Tu Viện cứ cửa đóng then cài thì liệu chừng có phải là hình ảnh của Chúa Giêsu sống động giữa dòng đời nữa hay không?

Những ngày này, nơi hình ảnh của những anh chị em, của những người cùng với tu sĩ nam nữ để chia sẻ thực phẩm cho những nơi cần thiết phải chăng đây chính là những đền thờ di động. Và chắc chắn, không chỉ mình tôi mà nhiều người khác nữa rất trân quý những đền thờ di động như thế này. Và cả Chúa nữa, chắc có lẽ Chúa thích và Chúa cười với những hành động thiết thực như hiện nay.

Dĩ nhiên sẽ có lời ra tiếng vào bởi lẽ không thể nào làm vừa lòng hết mọi người. Thế nhưng rồi những linh mục phụ trách giáo xứ Mẫu Tâm, Cha Tam, Tân Mai… cũng như cách nữ tu vẫn cứ làm, miễn sao thực phẩm đến với những nơi giãn cách và những nơi cần đến sự chia sẻ là được rồi.

Tôi đang mỉm cười và tôi nghĩ Chúa cũng đang mỉm cười.

Những nơi như các Tu Viện và Nhà Thờ như thế này không phải là nơi buôn bán nhưng là nơi thực thi lòng thương xót của Chúa và nhất là những giáo dân cộng tác, những tu sĩ linh mục trở thành bánh cho anh chị em đồng loại.

Đúng như lời Chúa nói: "Anh em hãy cho họ ăn".

Những ngày này, anh chị em cộng tác, tu sĩ linh mục đã, đang và sẽ trở thành "bánh" cho anh chị em đồng loại như lòng Chúa mong ước. Tưởng cũng nên thấy sự can đảm hy sinh vì lẽ Covid không trừ một ai và không loại trừ một Nhà Dòng nào.

Chắc Chúa vui lắm khi những nơi thánh thiêng như thế này trở thành nơi loan báo Lòng Thương Xót Chúa. Chắc Chúa sẽ mỉm cười khi nhìn thấy tu sĩ, linh mục và giáo dân trở thành bánh cho nhau và của nhau.

Lm. Anmai, CSsR

clip_image020

clip_image022

clip_image024

clip_image026

clip_image028

LOẠI ‘CÒ’ KIẾM ĂN TRÊN SỰ ĐAU THƯƠNG MẤT MÁT

Tuổi Trẻ Cười, 12/8/2021

Có nhiều loại "cò" nhưng ít ai biết có loại "cò" kiếm ăn trên sự mất mát, đau thương của đồng bào.

Đầu tháng 8 một nhóm “cò” tụ tập trước Trung tâm hoả táng Bình Hưng Hoà, xếp hàng lấy số thứ tự, sau đó sang nhượng lại cho xe chở quan tài đến sau hỏa táng trước, thu tiền “cò”. Nhóm này hoạt động bất kể ngày đêm gây bát nháo mất trật tự, nguy cơ lây nhiễm Covid.

Được biết, Cơ quan Công an đã triệt phá băng nhóm này tối ngày 10 tháng 8 và tiếp tục điều tra các đối tượng liên quan.

clip_image030

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Nâng như nâng trứng, hứng như hứng… kính

clip_image032

TRANH Thăng Fly Comics

f o r e v er i n l o v e

clip_image034

CỐ LÊN VIỆT NAM ƠI!

NHỮNG LỜI CHÚC TỐT ĐẸP CHO VIỆT NAM TỪ NHỮNG NGƯỜI BẠN KHẮP NƠI

Dòng Tên Việt Nam

Một clip quy tụ những gương mặt từ khắp nơi nhưng chỉ có một tâm tình để gởi đến các Bác Sỹ, Y Tá và các tình nguyện viên nơi tuyến đầu mà ban truyền thông Dòng Tên đã thực hiện.

Cùng share clip này đến những chiến sỹ nơi tuyến đầu để chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho họ và cùng khích lệ tinh thần nhau trong niềm tin Ki-tô Giáo nhé mọi người!!!

Cố Lên Việt Nam Ơi!!!

Comments are closed.