Chiếc ly vỡ

Truyện Nguyễn Lệ Uyên

“Tôi nức nở giữa trời mưa bão”

Trần Dần

Ngọn gió quất vào mặt Thạch như thể những đường gươm lia ngang, rạch sâu xuống mặt cát. Gió quay tít trên đỉnh cao. Gió xoáy tròn dưới chân dốc. Bụi cát trộn lẫn với lá cây khô, cuốn cao mù mịt làm Thạch chóng mặt. Anh có cảm giác như mình đang dò dẫm từng bước chân xiêu lả trong thung lũng tràn bão cát, xô đẩy, va đập, dằn xé. Trước mặt anh là những lùm cỏ cao quá đầu. Những sợi dây mây vắt chồng chéo, chằng chịt che khuất cả những lối mòn. Thạch chênh vênh, nghiêng ngả. Mảnh áo bắt đầu sượt rách tơi tả. Những sợi vải màu ô liu xoe xay trong gió cát, nom hắt hiu như ngọn cờ bại trận. Tóc rối nùi, khô cứng bụi đường.

Dưới chân đồi, cánh đồng đang bắt đầu khô cháy trong những đợt bão cát thổi dồn dập. Những đường bờ ruộng chằng chéo trước mặt không đủ cao để cản ngăn những cơn gió cuồng bạo. Những cuống rạ, cây cỏ bị đè ép sát mặt đất. Thạch chênh vênh bên sườn dốc đá, đưa tay xoa xoa trên mu mắt, cố đẩy cơn buồn ngủ và sự mệt mỏi ra ngoài cơ thể. Đoạn đường vẫn xa tít mù. Rừng núi vẫn bít bùng, vẫn tiếp tục trói chặt những bước chân bắt đầu xiêu vẹo của anh. Những giọt nước cuối cùng trong chiếc bi đông đã dốc ngược từ lâu. Cổ họng khô khốc đắng. Bụng réo cồn cào bên những hốc đá, lùm bụi ngủ vùi trong những cơn đói lả bị dựng ngược dữ dội mỗi khi có cành cây, bụi cỏ chìa ngang níu quẹt hai ống quần tơi tả.

Mỗi ngày qua, mỗi bước chân lê tiếp về phía trước là nỗi hoang mang tột cùng, sợ hãi tột cùng; là sự vắt kiệt sức lực. Thạch lê bằng cả đôi chân rồi tiếp sức bằng cả đôi bàn tay run rẩy để bò, để lết trên mông quần rách toạc  mà không dám ngoái nhìn lại phía sau. Chỉ mới chạm khẽ những ý nghĩ đến sợi dây xích khóa chặt chân tay, nghĩ đến chiếc lô cốt ngoài vòng rào kẽm gai cùng những tiếng rên rỉ đứt quãng và những tiếng súng từ phía ngoài rừng lia dội vào, Thạch cảm thấy như nỗi oan nghiệt chưa chịu buông tha bọn anh. Vuột được ra khỏi căn hầm chết chóc đó, anh chạy như bay như biến trong bóng tối, chạy trên bãi mìn, chạy trên những hố chông, chạy xé đường gai với một niềm hy vọng thật mong manh để níu lấy sự sống khốn cùng.

Sự khốn cùng đó đã đưa anh ra khỏi khu vực chết như một phép màu của bà tiên nhân ái, để giờ đây anh đi và bò và lết và chân tay tóe máu, buồn như cánh đồng hiu quạnh.

Đêm dày đặc. Đêm mịt mùng cạm bẫy. Đêm leng keng tiếng kẻng đổi canh. Đêm hắt hiu và đêm truy lùng não nuột vọng theo.

Giờ phút này, sau bao nhiêu ngày đêm trốn chạy không còn nhớ, anh bắt đầu ao ước, bắt đầu hy vọng. Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với anh là nghe được tiếng chó sủa vu vơ đâu đó, là tiếng gà te tát trên dóng chuồng gia súc. Hai tai anh có vẻ như dài ra để đón nghe những âm thanh quen thuộc đã bị nhấn lút trong khói đạn bom. Nhưng không có gì hết. Duy nhất bóng tối vây phủ trùng trùng quanh anh. Những giây phút tự do Thạch vừa giành lại được có vẻ mong manh như khói, như sương, không thật. Tự dưng nước mắt anh chảy xuống, mặn chát những tủi cực, cay đắng của cuộc đời. Anh đưa tay dụi mắt, song chỉ có những cảm giác tê tê như có lần anh bóp tan đầu thuốc cháy trước mặt viên sĩ quan huấn luyện. Người ta đã ném anh như ném một xác súc vật vào cô-nét. Trọng cấm bảy ngày là bảy ngày ngụ cư nơi thiên đường bình an, nhưng đổi lại là những nhục hình ngày bốn bận, là bò là lăn, cởi quần mặc áo y hệt chiếc máy đang quay không biết mệt mỏi, giả bộ bình thản như thể ăn cơm uống nước. Và cũng bình thản như cả một thế hệ của anh phải gánh chịu những tai ương giáng xuống trần gian.

Cơn bão cát dịu dần. Những vì sao cố xé màn đêm và tầng bụi mờ dọi xuống yếu ớt chút sinh lực tàn kiệt. Trước mặt vẫn là những lùm cây đen đậm đặc. Bốn phương tám hướng tối thẫm trong chiếc bình nhét chặt nút, kín bưng.

Đâu là xóm làng? Đâu là tiếng  khóc, những khuôn mặt trẻ thơ, già nua bên tao võng? Má ơi! Con đang tìm đường về với má đây. Nỗi mong chờ nhớ thương ngút mắt. Nỗi lo sợ phập phồng. Những ảo giác về một sợi khói nấu cơm chiều bên chái bếp tranh nghèo, những âm khúc nhạt nhòa héo, nhạt nhòa tàn của chiếc ống tiêu trên lưng trâu như truyền cảm ứng tới anh thêm sức mạnh.

Thạch cố nhấc bàn chân rã rệu thả trên bờ ruộng hẹp và nghe thấy như chính những bước thả ấy rơi vào lỗ trống không. Trong khi con đường không có lối thì như sợi dây cao su kéo dài đến vô tận, vô cùng. Mắt Thạch mờ đi. Anh lả ngất trong cơn sốt chói rực vàng, rực đỏ và đen trộn lẫn.

NGƯỜI ĐÀN BÀ

Nó đi từ đó tới nay những bốn năm. Mùng năm tết, nó ôm xách lên tàu làm tôi rớt nướt mắt. Chiếc áo trắng năm cuối cùng ở đại học, đôi giày há mõm, chiếc quần ka ki sờn cũ, bạc phếch. Nó cố tạo vẻ mặt lạnh lùng, thật sắc để giấu mẹ nó. Nhưng làm sao nó có thể giấu được mẹ nó chị nhỉ? Tôi thai mang, sinh dưỡng ra nó. Tôi nuôi nấng nó từng giấc ngủ, từng củ lang củ sắn nên biết con mình hơn ai hết, biết từ khi mới hoài thai cho tới khi nó là thằng đàn ông. Hưừư… đã bốn năm rồi. Nó đi từ ngày đầu mùa xuân, có hoa nở rộ, có tiếng reo vui của đám trẻ con xúng xính quần áo mới tung tăng ngoài đường lộ. Nhưng màu trời thì xám u xám buồn – Người đàn bà chỉ nói được chừng đó. Nước mắt ràn rụa, uất nghẹn.

Chị nên giữ gìn sức khỏe.Tôi chắc sớm muộn gì nó cũng về, nhất định nó sẽ trở về với chị – Bà bạn già an ủi.

Nó về thiệt à? Có phải bước chân nó đang khua động ngoài kia không, ngoài chỗ có hàng mận nở bông trắng xóa mùa tháng tư mà nó vẫn thường hay ngồi? Nó về? Không đâu. Người ta đã bắt nó, đã ấn cây súng vào tay nó, bắt nó làm một con người khác, gớm ghiếc, tội lỗi. Người ta đã biến nó thành kẻ giết người. Xác nó đang vất trôi ở bờ bụi nào ấy mà. Đi bốn năm biền biệt. Không trở về, không một mẫu giấy con. Nó chết rồi. Chết thật rồi sao?

Chị đừng nghĩ bậy. Không đâu. Nó không bao giờ chết được. Nó sẽ về.

Người đàn bà chợt òa khóc. Tiếng khóc nghẹn ngào bị giữ lại trong cổ họng như có bàn tay vô hình bóp chẹt, ấn xuống rồi thả ra, một động tác duy nhất liên tục. Nước mắt lăn xuống má, xuống cằm, rớt tròn xuống đôi vú lép kẹp. Người đàn bà chợt bật dậy, bước loanh quanh như kẻ bị mộng du.

Tôi biết nó chứ. Nó là con tôi khi vừa mới hoài thai. Sinh ra, da nó vàng ệch như cha nó, ông nó. Cho đến khi lớn lên thì nó lại biến thành con của người khác, không còn là con tôi. Hoàn toàn xa lạ. Nó vuột ra khỏi căn nhà, khu vườn này rồi. Người ta đưa nó đi những đâu? Ở bờ bụi hóc hẻm nào? Sao lại ác độc biến nó thành kẻ sát nhân? Chị có an ủi cũng bằng thừa.

Có lẽ tôi phải cúng để nó có cái mà ăn. Tôi làm mẹ. Tôi không thể bỏ nó thành con ma đói dẫu tôi thừa biết người ta đã nhét vào miệng nó nào thịt nào cá, nào sữa nào rượu ê hề chỉ để làm một việc tàn ác duy nhất: giết người!… Mẹ thương con như tấm lòng của trời của biển mà. Những hôm trái gió trở trời, tôi tìm củ sả đập dập quẹt lên trán nó. Những đêm trở lạnh, má thức dậy đi tìm tấm màn đắp thêm cho con. Nhưng chiếc giường thì trống trơn. Má cứ ngỡ là con đi chơi rông rải đâu đó với đám bạn bè. Má ngồi đợi tới sáng, tới trưa. Chiều xuống con vẫn biệt tăm, chỉ có bóng tối thù lu trườn vào nhà, lạnh ngắt như hơi đồng, da rắn. Rồi nắng lên. Nắng trải vàng trên sân cỏ. Nắng ngã trong kẽ lá, rụng xuống nền đất thô cứng như lòng má vỡ vụn, tan ra thành từng mảnh nhỏ…

Bây giờ con tôi là ai?…Là ai?…

ĐÁM ĐÔNG

Tôi quả quyết với cậu nó sẽ là vị anh hùng của phần đất này. Sống gần với nó lâu năm, tôi biết. Với mẫu người đó, tôi đoan chắc không một ai trong chúng ta có thể so sánh được. Nó như một ông tướng oai hùng thời Chiến Quốc. Một lời nói vút ra như đường gươm xé trong không.

Nào, chúng ta hãy nâng ly uống mừmg kẻ vắng mặt!

Nào, xin mời! Chúng tao trân trọng nâng ly chúc mừmg mày, thằng anh hùng!

Cả bọn ồn ào. Những chiếc cốc thủy tinh sóng sánh màu rượu hổ phách nâng cao ngang mày. Những cặp mắt nhắm tít. Những chiếc miệng há rộng như mõm con trâu nước, hở những hàm răng trắng hếu, những hàm răng vàng xỉn, chân răng đóng đầy cặn bợn. Quán thực ồn. Những tiếng ồn thô tục chối tai, nhưng không phải là tiếng ồn của đạn bom gào réo. Hoàn toàn yên tĩnh, an toàn.

Một đám khách ngồi trong góc khuất không lấy gì làm thích thú khi nhìn đám người trẻ tuổi đang huơ chân múa tay bên ngoài kia. Một người trong bọn móc bật lửa trong túi quần, xoay xoay mấy vòng trong lòng tay rồi bất ngờ ném mạnh lên bàn thành tiếng khô gọn đanh.

Mẹ kiếp, ăn với chả uống! Toa thấy thời đại này có chó đẻ không? Trâu ngựa nhảy lên làm người. Tụi trẻ con đeo râu làm người lớn. Chúng ra cái vẻ kẻ cả, anh chị bắt một điều phải thưa ông, hai điều phải bẩm ông. Luân lý. Đạo đức. Trật tự xã hội. Quyền bình đẳng và quyền loạn luân. Quyền nói phét và quyền nhét đầy túi. Bợ đỡ và ca cẩm những điều không hề có trong văn hóa, lịch sử dân tộc. Một lũ ngu xuẩn, thương vay khóc mướn lập thuyết mạt vận để nhấn chìm đất nước vào vũng bùn. Thật buồn nôn. Bọn thổ tả đáng nguyền rủa… Hừ, uống đi các toa, uống để quên đi cái khốn nạn tận cùng khốn nạn của thời mạt vận!

Cũng vẫn những chiếc ly giơ lên. Cũng những chiếc miệng ngoác ra cùng với những chiếc lười thè dài liếm cho tận hết những giọt rượu đắng nồng.

Hầy… – Một người chồm hẳn lên bàn – Toa quên mẹ nó cái áp phe của bọn mình rồi?

Đồ đĩ, sao lại quên được cơ chứ. Còn dư thời giờ, toa vội gì. Uống cái đã. Uống hết chỗ này rồi vào Chợ Lớn tìm gái. Moa nghe thằng K. mách có mấy em ca ve từ Hồng Kông vừa sang?

Coi chừng mông đít ghẻ ruồi của các em Hồng Kông!

Chỉ có mông đít không thôi thì tốt rồi.

Mẹ ơi, toa say quá rồi!

Hê… hê…ê… đừng có giỡn mặt chớ các toa. Say thế chó nào được mà say. Mình phải hành động để cho bọn trẻ biết mặt, phục lăn đám đại ca sồn sồn này mới được, không thể để bọn chúng coi thường. Nào, uống đi các toa. Cạn ly!

Sáu người đàn ông ồn ào nâng ly và cụng côm cốp và cười sặc sụa.

Ở bàn ngoài, đám thanh niên liếc nhìn vào, ném những cái nhìn, những nụ cười khẩy tỏ vẻ khinh bỉ. Một cái giọng nhừa nhựa, cố làm ra vẻ tỉnh táo, bắt đầu phều phào.

Tiên sư bố chúng nó. Các cậu có nhận thấy tụi già bây giờ bắt đầu trở chứng, hư đốn không nào? Chúng hắn là tụi đĩ bợm, lừa phỉnh vậy mà mở miệng ra nào là đạo đức, là tôn ti trật tự. Cả thế hệ mình bơ vơ, cơ cực cũng tại do bọn người khốn nạn đó đó.

Nhưng cậu nhắc đến để làm gì mới được cơ chứ? Kết án và chỉ trích bằng mồm thét đâm ra nhàm. Không lẽ đi thanh toán hết cả cái đám già cọm, xệu xạo ấy? Mà cậu có can đảm cầm dao giết ông già cậu không đã?

Nếu thấy câ…ầ..ần… – Gã thanh niên có khuôn mặt phì nộn nói và gục mặt xuống bàn kêu đánh cộp.

Ê, cậu làm cái con khỉ gì vậy?

Kệ mẹ nó.

Còn cậu, cậu làm thực?

Thực cái gì?

Đồ khỉ. Thôi được, cậu chạy giùm mình cái giấy đó chưa?

Giấy nào?

Trời đất! Cậu nhớ mình đã ba lần đưa cậu đi nhà hàng rồi đó nhé

A, rồi. Xin lỗi, thằng cha khốn nạn đó đòi chẵn một tê.

Mẹ kiếp, mắc thế. Đào đâu ra bây giờ?

Môt triệu quẳng ra để đổi lấy mạng sống. Dĩ nhiên cậu thích được gần vợ con hơn là phải ra mặt trận?

Chúng mày cứ cãi nhau ỏm tỏi. Vất. Nào chúng ta hãy nâng ly uống mừng kẻ vắng mặt.

Một triệu chưa thấm tháp vào đâu so với thời vận mạt này. Hay là cậu cũng thích ra mặt trận đội bom như những người hùng? Ôi chào, yên vị trong cái thành phố bình yên này vẫn là mơ ước của hàng ngàn người.

Chưa chắc ai hơn ai đâu nhé – Gã phì nộn vung nắm tay chưa lên khỏi mặt bàn và bắt đầu nôn ọe. Chiếc bàn rung lên từng cơn với gã, cùng nôn thốc tháo với gã. Rượu thịt trộn lẫn thành màu bầm huyết heo lầy nhầy tanh.

Cậu nói giúp với lão để thư thư. Lúc này mình kẹt. Cậu biết mà.

Thì cố lên. Mình nhớ loáng thoáng câu “Dieu est un homme heureux auprès de sa femme”. Của ai nhỉ?

Xừ, ai mà nhớ nổi.

Vậy mà cũng xưng là trí thức.

Cứt. Uống đi tụi bay – Gã phì nộn cục cựa cùng với đống lầy nhầy trên bàn.

CĂN PHÒNG

Tấm vải trắng trên mặt nệm kéo thẳng. Người đàn bà mặc chiếc váy bằng voan trắng rất đĩ, rất gợi dục. Đôi mắt mụ khép hờ, làm như thể những sợi lông mi cong vuốt chống đỡ hai mí mắt vậy. Dáng nằm của con mụ đàn bà sắp sửa khỏa thân cùng căn phòng màu xanh nhạt, ngọn đèn ngủ mờ mờ khiến người đàn ông hơi chột dạ, hơi mất bình tĩnh. Hắn ta ngồi ké bên mép giường, tay mân mê những sợi tóc lòa xòa của con mụ đàn bà đĩ thõa. Trong thâm tâm, hắn tự thú nhận rằng hắn sẽ đến phát điên nếu con mụ này biến mất khỏi cuộc đời hắn. Hắn cũng thừa nhận trong đời chưa ai làm tình tuyệt vời như con mụ này. Đã đành mụ đẹp rực rỡ, đẹp kiêu kỳ, đẹp đến não lòng, nhưng khi đã ôm quấn lấy, hắn như nghe thênh thang một ngón đàn của người xưa vọng về theo từng những cái ve vuốt của mụ.

Hơi thở của người đàn bà thoảng qua mũi hắn, ngây ngây mùi cỏ dại và mùi của những cánh hoa tím muốt mọc trên sườn đồi, nơi hắn từng dẫn toán quân qua lại nhiều lần. Không kềm được lòng, một sự rung động theo bản năng, hắn cúi xuống hôn người đàn bà, như say như đắm, nhưng kỳ thực hắn cảm thấy toàn thân mình lạnh buốt nỗi cô đơn, lạnh buốt vật vờ và cay đắng.

Anh làm em ngộp thở – Người đàn bà xô hắn ra và nói với giọng điệu hổn hển của kẻ a tòng.

Không đâu. Anh yêu em.

Anh về được bao lâu?

Không rõ. Có thể ngay ngày mai. Có thể vĩnh viễn không bao giờ. Sẽ không còn ai có thể nhìn thấy anh nữa, kể cả em.

Sao thế nhỉ? Anh định trốn chạy à? Như vậy là anh sẽ mất một dịp tốt để gặp lại Hội.

Hội nào?

Ảnh về mang con theo ra Nha Trang cách đây hai ngày. Có thể nay mai anh ta sẽ trở lại.

Ừ nhỉ. Có vẻ như ba đứa chúng ta nặng nợ với nhau?

Và em là kẻ khó xử nhất. Em như một con điếm.

A ha… – Người đàn ông cười ngặt nghẽo – Em là con điếm của anh và của ai nữa? Đúng rồi của Hội nào đó. Và những Hội nào khác nữa?

Anh đừng đay nghiến em.

Em biết là anh yêu em, yêu con mà?

Em không biết nó là con anh hay con của Hội. Nhưng chắc chắn nó là con em. Đôi lúc em cảm thấy buồn hết sức. Đời em nó hẩm hiu quá sức tưởng tượng. Càng gắng sống, em càng cảm thấy như mình đã chết, chết một cách nhục nhã. Em chỉ mong một ngày nào đó cả ba người chúng ta sẽ cùng gặp lại nhau trong căn nhà sát biển. Anh còn nhớ nó chứ?

Vâng, anh nhớ.

Bây gờ chúng ta phải làm gì?

Anh không còn đủ tỉnh táo để biết phải làm gì. Ngoài kia bom đạn vẫn trút xuống ầm ầm. Còn ở đây tuy yên ả, nhưng bom đạn vẫn cứ ùng ục xé nát lòng anh. Không bao giờ anh là kẻ giết người em hiểu chưa?

Không ai cầu mong điều đó xảy ra.

Anh hiểu.

Hoặc là chúng ta tiếp tục  tạo ra ảo tưởng để tiếp tục sống một cách nhầy nhụa, hoặc phải có thái độ chọn lựa.

Em bảo chúng ta phải chọn lựa kiểu gì nữa đây, một khi chúng ta bị xô vào vũng bùn, bị đưa vào cuộc chơi đầy trí trá? Một trò chơi vô bổ, vô liêm sỉ.

Nghịch cảnh thì ở đâu và chỗ nào mà chả có: anh Biên mất tích, có thể là ảnh mang theo lời hô hào của đám sinh viên vào bưng, cũng có thể chiếc xe đò chở ảnh bị nổ tan xác đâu đó ở một đoạn đường vắng.

Tội nghiệp Biên. Em đừng nhắc đến nó nữa. Anh điên mất.

Anh bình tỉnh đã nào. Cây cầu mà anh có lần bước qua cùng làng quê em đã tan nát như người ta băm rơm. Mẹ em chết vắt vẻo trên ngọn cây. Bộ anh nghĩ em bình thản với chiến tranh sao?

Anh không nghĩ thế. Điều xác tín duy nhất anh không phải là kẻ giết người.

Người đàn bà bật khóc nức nở. Đôi vai trần nõn nuột rung lên.

Người đàn ông đi đi lại lại trong căn phòng hẹp.

Họ không nói gì với nhau.

Có vẻ như họ không muốn nói gì với nhau nữa.

Cả hai chỉ kịp nghe một tiếng nổ đanh khô, chát chúa và đường máu chảy dài trên mặt nệm trắng tinh biến thành vệt đen thẫm mà sau này các tay pháp y đến ghi ghi chép chép đầy trong hồ sơ dày cộp.

(Gửi Má, những ngày đã qua)

…………………………………………..

(*) Trích tạp chí Chính Văn, số 1 tháng 2/1972

Chủ nhiệm: Nguyễn Mạnh Côn

Chủ bút: Trần Phong Giao

Thư ký tòa soạn: Nguyễn Kiên Trung

Comments are closed.