Sự thực và lòng tin nhau trong xã hội hiện nay

(Suy nghĩ thêm khi đọc Văn chương về đề tài chiến tranh – phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc – do Nguyễn Hồng Anh thực hiện)

Lê Học Lãnh Vân

Nguyễn Hồng Anh: Ông tự chia sáng tác của mình ra mấy giai đoạn?

Trong câu trả lời, ông Nguyên Ngọc nhắc tới chính phủ Trần Trọng Kim. Bài viết này không suy nghĩ thêm trong chủ đề chính của câu hỏi, mà trong cách ông Nguyên Ngọc nhìn chính phủ Trần Trọng Kim.

Cách nhìn của ông Nguyên Ngọc về chính phủ Trần Trọng Kim khác với cách nhìn của ông Hoàng Xuân Hãn, một trong những vị bộ trưởng trong chính quyền đó. Ông Nguyên Ngọc cho rằng “Nhật không cho chính phủ ấy lập Bộ Quốc phòng, họ bèn lập Bộ Thanh niên do ông Phan Anh làm Bộ trưởng”. Trong khi đó, ông Hoàng Xuân Hãn kể rằng sau những buổi thảo luận và cân nhắc, chính phủ Trần Trọng Kim quyết định không thành lập Bộ Quốc phòng! (tư liệu riêng từ những buổi gặp gỡ cá nhân với ông Hoàng Xuân Hãn).

Lý do là vì không muốn Việt Nam kẹt với Đồng minh khi Nhật bại trận. Vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim đã nhìn trước ngày Nhật bại trận không còn xa nên mục tiêu của việc thành lập chính phủ Trần Trọng Kim là khi Nhật đầu hàng thì Việt Nam đã có chính phủ hợp pháp trước khi Pháp quay trở lại. Chính phủ ấy đại diện cho một nước Việt Nam độc lập, nước Việt Nam ấy đã thực sự độc lập từ khi chính quyền Pháp bị lật đổ bởi Nhật, và chính quyền ấy cũng không đứng về phe Nhật chống lại Đồng minh. Với tình thế quân Nhật đang đóng trên lãnh thổ Việt Nam, nếu chính phủ Trần Trọng Kim lập Bộ Quốc phòng thì sẽ bị kẹt vào việc chọn phe. Đó mới là lý do vì sao chính phủ Trần Trọng Kim không lập Bộ Quốc phòng một cách chủ động!

Bài viết này không nhằm phân tích cách nhìn của ông Nguyên Ngọc và của ông Hoàng Xuân Hãn, cách nào phản ánh sự thực nhiều hơn. Chỉ xin cùng nhau nhớ chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập và tồn tại trong năm 1945. Bác Hãn nói việc bàn giao cho chính quyền Việt Minh được chính phủ Trần Trọng Kim tiến hành chu đáo, mọi việc được ghi chép và lưu! Tới nay, thời gian đã quá dài để những văn bản, hồ sơ lịch sử phải được công bố minh bạch cho công chúng. Sự công bố ấy là thông lệ trên thế giới, có mục đích làm công chúng thấy và hiểu rõ hơn quá khứ của dân tộc mình, tránh các lầm lẫn có thể dẫn tới hậu quả tai hại hay thậm chí tàn khốc cho tương lai quốc gia. Có người có trách nhiệm nào nghĩ tới bổn phận công bố đó không?

Năm ấy, khi nghe tôi ngỏ ý muốn biết các câu chuyện lịch sử thời trước và sau năm 1945, ông Hoàng Xuân Hãn nói bác cũng muốn nói cho thế hệ sau biết chuyện thế hệ trước. Cháu cần nhớ, chuyện bác nói là chuyện bác nhớ, con cần coi tài liệu chính xác trước khi công bố tìm hiểu của riêng mình.

Từng nói chuyện với ông Nguyên Ngọc về các đề tài lịch sử, người viết không nghĩ rằng ông không biết thông tin trên, nhưng nơi đây ông đề cập tới một cách nhìn trong những cách nhìn. Càng nhiều cách nhìn về một vấn đề thì người ta càng tiệm cận sự thực lịch sử hơn. Tuy nhiên, với một sự kiện lịch sử quan trọng xảy ra rành rành trước mắt và chưa xa mà có những quan sát khác nhau tới vậy thì điều đó có cho thấy sự thiếu tôn trọng sự thực trong xã hội Việt Nam là lớn như thế nào không?

Điều này có thể do ít nhất bốn lý do, thứ nhất là giới trách nhiệm không tôn trọng quyền được thông tin của đám đông, thứ hai là việc thuật lại một sự kiện bị định hướng bởi quan điểm chính trị hay ý kiến chủ quan, thứ ba là giới trách nhiệm không đủ kiến thức để thấy tầm quan trọng của việc giữ và công bố tài liệu lịch sử, thứ tư là sự ít phân tích thông tin của người tiếp nhận.

Hậu quả của điều đó vô cùng lớn. Trước mắt, người Việt phải mất quá nhiều thì giờ, công sức tìm ra sự thực thay vì dựa trên sự thực đã được công bố và để thì giờ, công sức đó bàn về nguyên nhân, đúc kết bài học và đưa ra giải pháp hữu hiệu cho tương lai. Kế đó là lòng tin nhau giữa các thành phần trong dân tộc bị tổn thương. Những sự kiện lịch sử chưa xa và nhân chứng còn sống như những gì đã xảy ra tại dinh Độc Lập, Sài Gòn, vào ngày 30/4/1975 mà còn bị phủ một lớp sương mờ ảo, đầy nghi vấn, thì làm sao người có óc phân tích có thể tin những điều khác? Thiếu lòng tin làm chất gắn kết, một quốc gia có thể phát triển được không? Và, điều quan trọng hơn nữa là, nếu giở sách giáo khoa về bài học lịch sử liên quan tới thời đại 1945 hay 1975, ta thấy rất nhiều truyền thống, di sản tinh thần quý báu của ông cha không được nhắc tới! Một dân tộc không biết quá khứ, thậm chí xóa bỏ quá khứ, dân tộc đó có thực lòng muốn xây dựng tương lai không?

Trở lại Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim do ông Phan Anh làm Bộ trưởng. Bộ đã lập ra “trường Thanh niên tiền tuyến, đào tạo một loạt cán bộ quân sự. Tiêu chuẩn đi học Thanh niên tiền tuyến là phải có bằng tú tài toàn phần của Tây”. Vị Tư lệnh của Liên khu 5 là ông Cao Văn Khánh và người kế tục là ông Nguyễn Thế Lâm, cả hai đều không là đảng viên cộng sản và đều lập nhiều chiến công. Theo ông Nguyên Ngọc, đây là thời gian trước năm 1950, thời gian mà cuộc kháng chiến đậm tính chất yêu nước. Bài viết này không thể không tự hỏi tại sao khi cuộc kháng chiến đậm tính chất yêu nước thì người không đảng viên, tốt nghiệp Thanh niên tiền tuyến của chính phủ Trần Trọng Kim vẫn đảm nhiệm Tư lệnh liên khu. Còn hiện nay thì vị trí Chủ tịch UBND quận, phường cũng phải đảng viên?

Điều này có thể hiện lòng tin trong xã hội hôm nay quá thấp không? Đúng ra là thể hiện rằng một số người có trách nhiệm trong Đảng không tin vào người ngoài Đảng có thể đảm nhiệm các vị trí ngay cả không cao trong xã hội! Nếu quả vậy, về mặt tâm lý, khối quần chúng mênh mông bên ngoài Đảng nghĩ gì về Đảng? Không được Đảng tin cậy, họ có tin Đảng không? Và như vậy, nguồn lực đâu để phát triển quốc gia trăm triệu dân này?

Ngày 22 tháng 3 năm 2023

Comments are closed.