Tầm nhìn – cái đó là gì?

Hà Nhật

Sống ở Sài gòn hơn bốn chục năm nay, tôi nhận ra một điều: thành phố này cứ như được đất trời đặc biệt ưu đãi. Nóng nhất của Sài Gòn không sánh bằng ngày nóng nhất Hà Nội, chưa bao giờ có thứ gọi là mùa lạnh, ngày lạnh. Một thế kỷ qua, bao nhiêu cơn bão đổ vào biển Đông, chưa có một cơn bão đổ vào Sài Gòn.

Chợt nhớ một chuyện tức cười mười mấy năm trước. Hôm đó trên màn truyền hình bất ngờ xuất hiện hình ảnh một vị lãnh đạo, mặt nghiêm túc, giọng trang trọng:

– Tôi ra lệnh, tất cả nhân dân thành phố phải sẵn sàng để chống bão. Một trận bão lớn sắp đổ vào thành phố chúng ta!

Kết quả là cả thành phố chỉ có những cơn hiu hiu gió mát!

Nhắc lại chuyện này, thực ra tôi chỉ muốn làm rõ một chuyện: ai đã tìm ra cho dải đất Phương Nam một miền kỳ diệu để lấy làm trung tâm như thế?

Không ai khác, một người xuất thân từ đất Quảng Bình: Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Thật ra, khi mới tới miền Nam, mảnh đất ông định dừng lại là Đồng Nai – Biên Hoà. Ông đã dựng nên ở đây một miền trù phú, có thể một người làm cho mươi người ăn. Ông còn đặt tên gọi như để xác định: Trấn Định Biên. Đây là nơi để bảo vệ biên cương bờ cõi.

Nhưng rồi, với tấm nhìn của một trí tuệ và nhân cách lớn, vị đại thần này nhận ra rằng, đây chưa phải đâu, mà chính là dải đất phía bên kia dòng sông lớn, con sông Sài Gòn ngày nay kia!

Cái vùng đất ấy, vào những năm tháng ấy, thật là hoang sơ man dại, toàn đầm lầy rừng rú, cọp beo rắn rết nhiều hơn người, bạn thì ít, thù thì nhiều. Ông đi đến một quyết định táo bạo: cho người về chính đất quê hương kêu gọi dân Quảng Bình đi vào để cùng với ông tạo nên một miền quê hương mới, để tạo nên một tên gọi đầy ý nghĩa: Trấn Tân Bình (Quảng Bình mới)!

Không dừng lại ở Tân Bình, ông cùng với người của ông còn mở mang cả một miền đất Phương Nam.

Có những chuyện đầy ý nghĩa:

Trên cả vùng đất Phương Nam cho đến nay, người dân phải dùng một từ mới để thay cho từ Cảnh, vì đó là tên ông: cây kiểng, hoa kiểng…

Cả vùng đất Phương Nam thờ ông như một vị thần đã có công khai khẩn, một vị ân nhân vĩ đại.

Mấy chuyện này còn ý nghĩa hơn:

Đại thần Nguyễn Hữu Cảnh sống tại trấn Tân Bình cho đến phút cuối cùng. Tuy nhiên, theo di nguyện của ông, bốn tháng sau khi ông qua đời, di hài ông được chuyển về Quảng Bình, rồi được an táng và thờ cúng tại nơi ông được sinh ra và lớn lên!

Không biết từ bao giờ, người dân Phương Nam đã coi việc hàng năm, đến ngày giỗ ông, lại làm cuộc hành hương về Quảng Bình, để được thắp những nén hương trước mộ ông, được bày tỏ lòng tri ân đối với một bậc đại ân nhân!

Đáng quý thay tấm lòng ấy!

Tuy nhiên, cứ nghĩ: Nếu không có cái tầm nhìn Nguyễn Hữu Cảnh ngày đó, không có những bước chân “Quảng Bình mới“ ngày đó, không biết cái miền đất này sẽ như thế nào, sẽ là của ai!

Tầm nhìn của những bậc đại trí đại nhân, đó là thứ quan trọng vô cùng! Chỉ mong lúc nào, ở đâu, cũng có những tầm nhìn cho dân, cho nước như thế!

Thương dân, lo cho dân, tốt lắm, nhưng cái quan trọng nhất là phải có tầm nhìn! Cái tầm nhìn ấy có thể xa tới mười năm, hai mươi năm, một trăm năm, mà có thể cho muôn đời sau!

Mong lắm thay! Mong lắm thay!

Comments are closed.