T. Vấn
“Cô Đồ Trẻ” – Ảnh: Lưu Na
■Bước một mình qua ngưỡng cửa năm
Nhân gian tịch mịch tiếng mưa thầm
Chợt đâu vẳng tiếng gà lai kiếp
Báo vẫn đêm dầy ở cõi âm
( Trừ tịch- Mai Thảo)
1.
Ba Mươi Giao Thừa. Bếp lửa ấm áp quê nhà ngày cuối năm. Cái rộn rã của không gian. Cái tất bật của thời gian. Năm cùng tháng tận. Những hồi ức khiến muốn chảy nước mắt. Đêm Wichita lạnh buốt xương, nhức óc. Thèm sao một ngọn lửa quê nhà đêm Giao Thừa ngồi canh nồi bánh chưng, ngọn lửa rộn rã những niềm vui xum họp, gia đình, bạn bè và những người con gái thuở ấu thời, ngọn lửa chiếu sáng cả một thuở thanh xuân, tóc xanh môi đỏ, ngọn lửa làm sôi sùng sục bao ước mơ cho đời, cho mình.
Đã bao năm rồi nhỉ, tôi đã không được hưởng cái tết quê nhà. Gần 10 năm trong các nhà tù tiền sử. Mười mấy năm trên mảnh đất lưu vong. Tính ra thời gian của những cái tết quê nhà cộng lại cũng đâu có hơn những cái tết . . . không ở quê nhà nhiều đâu, mà sao mỗi năm cứ đến cái khỏanh khắc cùng tận của năm tháng, tôi cứ bồn chồn, khó ở. Cáo chết ba năm cũng quay đầu về núi. Người chết rồi thân xác cũng hòa với dòng nước ngầm dưới đất mà chảy về cố hương. Sáng Mồng Một Tết. Thức dậy vẫn lại một ngày như mọi ngày. Trên bàn tuy vẫn có bánh chưng, bánh tét, kẹo mứt, rượu chè nhưng lạnh lẽo như một bàn thờ bỏ hoang. Cửa mở toang chỉ để đón ngọn gió tháng Giêng lạnh thót ruột vào nhà, chứ chẳng có bạn bè, người thân nào ghé vào mừng tuổi nhau, mời nhau chén rượu đầu năm. Đành chỉ biết Tết qua những cú điện thọai gọi về thăm hỏi gia đình, nghe âm thanh mùa xuân qua đường dây vô hình nối kết hai bên bờ cách biệt của một đại dương.
Mười mấy năm ăn nhờ ở đậu trên xứ người. Mười mấy năm, tuy có đôi lần vợ chồng con cái dắt díu nhau về lại quê hương, thăm chào Nội Ngọai chú bác cô dì anh chị em con cháu, nhưng vẫn chưa lần nào được hưởng lại cảm gíac những ngày tết quê nhà.
Đêm ba mươi giao thừa anh em bảo nhau mặc vào người bộ cánh trịnh trọng nhất, ra khỏi nhà trước giờ trừ tịch, đi loanh quanh đây đó ngắm cảnh ngắm người đợi đúng 12 giờ đêm pháo nổ đì đùng kéo nhau về xông nhà, chúc tuổi mẹ, sau đó chìa tay nhận tiền lì xì, ăn miếng dưa hấu đỏ chói mẹ đã bổ sẵn lấy hên đầu năm. Đó là tục lệ gia đình được lập đi lập lại từ bao giờ không biết, cái tục lệ tuy đơn sơ mà vô cùng trang trọng, tuy hình thức mà lại rất thiêng liêng, tuy đã lập đi lập lại từ bao nhiêu năm nhưng không hề nhàm chán. Trái lại, luôn gợi cảm gíac rưng rưng mỗi khi có đứa con nào đi xa không kịp về nhà vào thời khắc cần phải có mặt ở nhà. Và hơn lúc nào hết, chính sự vắng mặt của đứa con xa nhà trong giây phút giao thừa thiêng liêng ấy đã khiến mọi người trân trọng hơn những buổi họp mặt gia đình đông đủ trong quá khứ.
Mười mấy năm không được ăn Tết ở quê nhà cũng có nghĩa là mười mấy năm không được ăn tết. Bởi vì tết, trước hết có nghĩa là đòan tụ. Tết có nghĩa là những đứa con đi xa phải tìm mọi cách để trở về nhà. Chỉ có đòan tụ gia đình mới là biểu tượng trung thực và quan trọng nhất cho ý nghĩa của ngày Tết. Lời một bài hát cũ đã mấy chục năm, khi nghe lại vẫn một mối cảm hòai tưởng như mới nghe lần đầu:
Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
Khi thấy mai vàng nở rộn bên sông
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa . . .
(Xuân này con không về- Nhạc và lời: Trịnh Lâm Ngân)
2.
Những ngày cận Tết của năm nào, cả thế giới chứng kiến cảnh hàng triệu người Trung quốc vất vả khổ sở trên các con đường tuyết phủ lầy lội, tại các nhà ga xe lửa chật ních người. Trung quốc đã trải qua một trong những mùa đông thảm hại nhất trong lịch sử. Bão tuyết đã làm tê liệt mọi phương tiện giao thông chuyên chở mà phần lớn còn thô sơ của Trung quốc. Nạn nhân trực tiếp của thời tiết khắc nghiệt ấy là những người đi làm ăn xa, mong trở về nhà để cùng ăn tết với gia đình. Bất chấp mọi trở ngại về đường sá, về thời tiết, bất chấp lời kêu gọi của chính quyền khuyên họ nên từ bỏ ý định hồi hương ăn tết, hàng triệu người vẫn tiếp tục cuộc hành trình gian nan, chỉ để được đòan tụ với gia đình vào dịp cuối năm.
Người Việt Nam cũng không khác gì người Trung quốc. Truyền thống một vùng đất đã cấu tạo nên tính cách con người chỉ thực sự là mình khi đặt được hai chân trên mảnh đất quê hương. Nhất là những khi năm cùng tháng tận, nhớ đến những người thân yêu đang chờ đợi mình ở quê nhà, nhớ đến bàn thờ tổ tiên với những lư hương vàng xỉn, nhớ đến bữa cơm cuối năm chỉ vui được khi cả gia đình đòan tụ, nhớ đến với bao nỗi nao nức, bồn chồn.
Ở khỏanh khắc ấy, về quê là một mệnh lệnh đến từ trái tim. Nó nghiêm trang và quyết liệt. Nó không cho phép người ta cưỡng lại được. Khỏanh khắc ấy, con người và thời gian quyện lại để trở thành biểu tượng cho sự bất tử. Bao lâu thế giới này còn tồn tại, thì theo với chu kỳ thời gian, khỏanh khắc thiêng liêng của sự giao thoa tuyệt diệu con-người-thời-gian lại vẫn cứ nổi bật lên trên cái nền sẫm màu của đêm trừ tịch.
Vì thế, ở khỏanh khắc ấy, mọi con đường giữa không gian chuyển mùa chỉ còn lại một lối về.
3.
Hãy cùng ta đón xuân viễn phương
Tình xuân vẫn đẹp đẽ vô thường
Nghiêng vai trút hết đời dang dở
Để lúc xuân tàn bớt tiếc thương
Tiếc thương là vẫn còn thương nhớ
Quê xưa, ngày cũ, một phương trời
Xa lắm rồi em, đâu thấy nữa
Chỉ còn giấc mộng đã xa khơi
Ta gọi mùa xuân về cứu rỗi
Trăm năm rồi cũng sẽ phôi pha
Hãy đón giao thừa, vui Nguyên Đán
Xuân tiêu nghe gió thỏang hương trà
( Mùa xuân tình tự – Ngọc Phi )
Tết quê nhà. Tết quê người. Bao nhiêu năm lưu lạc tha hương, mỗi khi đối diện với khỏanh khắc thiêng liêng của đêm trừ tịch, ngổn ngang trăn trở giữa mớ hồi ức sắc ngọt như dao cứa vào da thịt, tôi hiểu rằng hồi ức sẽ vẫn mãi chỉ là hồi ức, rằng tôi sẽ không còn có cơ hội nữa để tìm về Quê xưa, ngày cũ, một phương trời. Điều đó đã là sự thật đau xót cho một người thân của tôi vừa từ giã cõi trần với ước nguyện về một cái tết quê nhà không bao giờ đạt được. Xa lắm rồi em, đâu thấy nữa. Chỉ còn giấc mộng đã xa khơi.
Trong giấc mộng xa khơi ấy, có âm thanh rộn rã của dây pháo đốt đúng nửa đêm, có mùi thơm tỏa ra từ bàn thờ nghi ngút khói, có màu đỏ rực rỡ những xác pháo ngập cả sân nhà. Và lẫn trong những hình ảnh quen thuộc như lòng bàn tay là khuôn mặt những người thân yêu, những khuôn mặt của cả kẻ mất lẫn người còn.
Có muộn lắm không, khi mãi đến bây giờ, ở cách xa mảnh đất nghèo quê nhà một nửa vòng quay oan nghiệt, tôi mới ý thức được một cách trọn vẹn sự thiêng liêng của những khỏanh khắc trừ tịch trong qúa khứ?■
T.Vấn
(Trích: Quê Nhà Quê Người)