Thế lực thù địch (kỳ 8)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

8

Số người ghi tên ứng cử đại biểu quốc hội tự do tăng vọt khiến nhiều đồng chí lãnh đạo đau đầu. Lỗi do báo chí, truyền thông bốc đồng muốn chơi trò tự do dân chủ. Hữu khuynh lúc này là tự sát. Khác nào phù thủy gọi âm binh. Gọi một nó kéo lên mười. Thế giới mạng nhao nhao đề xuất phải triệt để bầu cử dân chủ. Phải đưa tỷ lệ người ngoài Đảng vào Quốc hội tương đương với dân số, nghĩa là Quốc hội phải có ít nhất chín mươi phần trăm người ngoài Đảng. Phải đưa vào Hiến pháp vai trò nhiệm vụ quyền hạn của Tổng Bí thư đảng và các ủy viên Bộ Chính trị, không để họ lũng đoạn ngoài hiến pháp và pháp luật. Đảng chiếm hết các vị trí, từ tổ trưởng trở lên tới Bộ Chính trị, vậy phải nhường Quốc hội cho nhân dân chứ. Điên. Thế thì còn gì vai trò lãnh đạo của Đảng. Có người đưa ra giải pháp: Gạch hết bọn ứng cử tự do. Xóa sổ từ vòng gửi xe. Không thể dân chủ quá trớn. Với bọn trí thức hí hửng tưởng thời đại dân chủ của chúng đã đến, phải thực hiện triệt để chuyên chính vô sản.

Nhưng y lại nghĩ khác. Phải cao tay như Bác Hồ mới ra vẻ một nhà nước dân chủ. Năm 1946, tình thế đất nước nghìn cân treo sợi tóc, thù trong, giặc ngoài. Bọn Tàu Tưởng kéo hàng chục vạn quân chết đói ghẻ lở tiêm la vào Hà Nội, kéo theo bọn Việt quốc, Việt cách Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam… vậy mà Bác dám dành 70 ghế không bầu cho bọn họ trong Quốc hội khóa I. Rồi sau đó, hàng loạt nhân sĩ, quan lại Nam triều tham gia chính phủ, như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Vũ Đình Hòe, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng… Đến hai đảng Dân Chủ và Xã Hội mà Bác còn dám giao cho Nguyễn Xiển và Nghiêm Xuân Yêm cơ mà. Mâm cỗ dân chủ phải biến báo tùy theo thế sự. Về sau, các vị nhân sĩ ấy thành người của Đảng hết. Ngay cả khi Bác đã mất, đồng chí Lê Duẩn, rồi Nguyễn Văn Linh, bảo các ông đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội giải tán, các vị ấy nghe một phép, chẳng ai dám tham quyền cố vị. Trong ống tay áo mình ra cả, sợ gì? Việc các vị trí thức bây giờ muốn to-ra-ta-đay (tỏ ra ta đây) xung phong ứng cử Quốc hội cũng vậy thôi. Cứ để họ tự sướng. Cứ để cho dân bầu. Trúng thế quái nào được. Chốt cuối cùng là khâu kiểm phiếu, có mà trúng… kế. Cùng lắm, cho một hai vị dễ bảo vào quốc hội làm… cảnh, để bịt mồm bọn chống phá. Gương mấy ông không đảng viên trong Quốc hội mười mấy khóa đấy thôi. Nhà thơ V, nhà sử học D, thỉnh thoảng khua chân múa tay cao đàm khoát luận giữa nghị trường cho vui, cho oai, chứ cho ăn kẹo cũng không dám nói khác.

Dường như thời cơ của y đã đến. Bản lĩnh và tài năng của người biết tham mưu chỉ tỏa sáng khi gặp hoàn cảnh. Y viết một đề án gửi Bộ trưởng và Ban cán sự, đề nghị không nên làm căng với số ứng viên tự do. Không nên o ép, có động thái cấm đoán lộ liễu trắng trợn. Hãy coi họ như những “hàn thử biểu” cho sự vững vàng của chế độ…

Bản đề án vừa gửi, lập tức chấn động trong ngành.

– Sao có người ăn gì mà ngu thế. Thà cứ ngậm miệng, vợ con còn được nhờ. Ti toe đề án. Bây giờ thì trắng mắt ra…- Cao Thu Loan từ cơ quan về, vừa nhìn thấy mặt chồng đã dấu mỏ tru tréo.

– Có chuyện gì? Ai trắng mắt ra?

– Lên Bộ mà hỏi. Đứa nào viết cái đề án ngu ngốc cho bọn Việt Tân tự do ứng cử, hả, hả?

Vậy là bản đề án của y đã được đặt trên bàn nghị sự. Đích thân Bộ trưởng đã xem xét và đưa ra tập thể.

– Em ơi, làm tham mưu, phải biết đưa ra đề xuất đúng thời điểm. Sang năm, nước mình được đề cử vào ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phải chứng tỏ chúng ta có nhân quyền.

– Nhưng đấy là việc của cấp trên, không đến cái mặt anh. Anh là cái thá gì. Chỉ một cái đề án ngu xuẩn của anh mà mẹ con tôi mất hết… Bao nhiêu công sức thành công cốc…

Y chột dạ. Thôi chết rồi. Hai năm nay Loan đã âm thầm lo cho y một chân biệt phái làm tùy viên văn hóa Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Loan không cần suất ăn theo mà cô nàng có hẳn một suất biên chế trong cơ quan đại diện tại Liên Hợp quốc. Con Nga và thằng Phong đương nhiên đi theo bố mẹ, vài năm sau nghiễm nhiên vào trường đại học Mỹ.

Loan bỗng ôm mặt khóc hu hu:

-Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi. Chỉ cần anh khâu cái mồm lại… Tổ chức bảo chỉ chờ Bộ Ngoại giao có giấy tiếp nhận, Bộ trưởng sẽ ký quyết định điều động. Đầu năm học, cả nhà mình sẽ đi Mỹ… Vậy mà… ngu ơi là ngu… Trên Bộ người ta đang đồn ầm lên anh ăn phải bả của bọn Việt Tân, đang tự diễn biến…

Đầu y quay cuồng, như rối loạn tiền đình, không đứng vững. Khi trấn tĩnh lại, mồ hôi vã như tắm. Sao y không nghĩ đến chuyện này nhỉ? Leo cau gần đến buồng, lại tuột xuống gốc. Loan đau một thì y đau mười. Đã hai năm nay, vợ chồng y âm thầm dệt ước mơ xuất ngoại. Cái thời buổi a-còng mỗi người đi làm, đi học về, ai nấy ôm một chiếc iphone, ipad ngồi một góc riêng, ngay cả trong bữa cơm cũng chẳng nhìn mặt nhau, để có chung với nhau một giấc mơ, một hoài bão đâu phải dễ. Vợ chồng y, tính cách lại như nước với lửa. Y trầm lặng, hơi mộng mơ và duy tình, thì Loan lại thực dụng, quyết liệt, duy lý, duy lợi. Sự hòa hợp, đồng tâm duy nhất của hai đứa là tình dục và khát vọng đi Mỹ.

– Anh nghĩ đây chỉ là một đề xuất. Mình làm tham mưu an ninh văn hóa cho lãnh đạo, phải có đề xuất. Cấp trên có nghe hay không là quyền của họ.

– Đời nào họ nghe cái lũ phản động. Nhưng mà họ thất vọng và cảnh giác.

– Anh sẽ gặp anh Chín… Anh xin lỗi và xin hứa…

– Vì sự ngu xuẩn của anh mà anh Chín cũng bị liên lụy… Hôm qua trong bệnh viện, nghe chuyện của anh, bố tôi phải thở oxy, anh biết không?

Y lao đến bệnh viện 108. Thăm nhạc phụ một phần, nhưng cái chính là muốn nhờ vị tướng công thần nói với Bộ trưởng về việc biệt phái của y. Nhạc phụ đang thở oxy đúng như Loan nói. Và y nát óc nghĩ kế sẽ nịnh vợ thế nào để qua cơn địa chấn khủng khiếp này.

***

Y chờ đêm xuống.

Đêm là nơi hò hẹn của ngày mai. Là khoảng lặng của những cuộc sinh sôi. Là chốn hàn gắn những vết thương. Là diễm trường của hoan lạc… Với Loan, đêm nào cũng là những khắc khoải thèm muốn vô tận.

Y sẽ không để cho Loan thất vọng. Thậm chí y sẽ đưa nàng lên đỉnh. Y sẽ đè bẹp mọi ý chí phản kháng. Loan sẽ lại ngoan ngoãn như thỏ non, lại thương y, lo cho y và các con. Giấc mơ Mỹ, với Loan chưa khi nào đóng cửa.

Nhưng…

Vừa mở cửa phòng, y đã bị một cái gối ném vào mặt. Tiếp nữa là một mảnh chăn.

-Anh cút ra ngoài kia mà ngủ. Nhìn cái mặt anh là tôi phát tởm.

Một cấp độ khác thường so với ban ngày. Ai đã bơm cho cô ta? Y bắt cái gối, lùi lại giây lát, định quay ra. Nhưng tiếng khóc bật lên, khiến y nhảy ào đến. Cả người y, như một khối núi đổ xuống Loan. Y hôn tới tấp lên mặt, lên tóc, lên người nàng. Từ hồi lấy nhau, chưa bao giờ y cuồng bạo, động cỡn như thế.

Loan bỗng oằn người lên, hai cánh tay như lực sĩ cử tạ hạng nặng nâng bổng y lên, và co chân đạp một phát bốc y bay vào cánh tủ.

Loan vụt ngồi dậy. Không thèm che bầu vú đầy thách thức.

– Anh có thèm khát thì đi mà tìm con đĩ Quỳnh Thy để nó ngửa cho anh.

Chân y bị va vào cạnh bàn phấn, đau điếng. Loan nhắc đến tên Quỳnh Thy, y bủn rủn, cơn đau biến mất.

– Anh sẽ phải trả giá về sự phản bội. Vậy mà từ ngày cưới anh, tôi cứ tưởng anh đã cắt đứt với nó. Nó bỏ anh để đi theo lão luật sư Vũ Duy, coi như đã nhổ vào mặt anh rồi. Ai ngờ, suốt bao nhiêu năm anh vẫn bám lấy váy nó. Chồng nó muốn vào Quốc hội, nó vẫy anh đến bảo anh mang ống đu đủ đến thổi đít, thế là anh nghĩ ngay ra một đề án… Ối giời ơi, muốn bợ đỡ chúng nó thì cút xéo đi. Trên Bộ người ta đồn ầm lên anh là thằng diễn biến, thằng rận chủ, anh ăn tiền của bọn Việt Tân… Miệng lưỡi thế gian ác độc chưa? Họ cứ vẽ ra con ma Việt Tân để hù dọa đấy. Bây giờ người ta gán ghép cho anh, đẹp mặt chưa? Anh có biết cái vị trí, cái quan hệ của anh bao nhiêu kẻ thèm muốn không? Tôi bây giờ á? Gái hai con đấy, nhưng chỉ ho một tiếng là khối kẻ cun cút chạy theo. Vì họ muốn lên sao, lên lương, họ muốn quyền lực. Vì họ Cao nhà này mà khối kẻ thích bưng bô. Để tôi nói cho anh mở mắt ra. Một chân quản giáo trại giam bây giờ bao nhiêu? Một chức Giám đốc tỉnh là bao nhiêu? Một chức Tổng cục bao nhiêu? Mười tỷ á? Đừng có mơ. Anh chẳng phải nịnh bợ đứa nào cũng có tất cả. Vậy mà đứa con gái họ Cao này vẫn không bằng con vợ thằng luật sư Việt Tân. Anh vẫn chết mê chết mệt vì nó. Cút đi. Đừng để bà nhìn thấy mặt mà bà lộn ruột…

– Kìa em, đừng hiểu lầm anh… Anh không hề gặp Quỳnh…Anh thề.

– Thề cá trê chui ống. Anh tưởng thậm thụt, lừa dối tôi mà yên, hả. Cả họ Cao làng Phí làm công an anh biết quá còn gì? Tai mắt họ Cao không chỉ khắp trong nước mà cả toàn thế giới. Đã bao lần tôi nói với anh rồi, trung thành, cúc cung phục vụ gái họ Cao này thì muốn gì được nấy, bằng không thì… muốn phanh trần được phanh trần… Xéo đi.

Loan đóng sầm cửa.

– Kìa em… để anh nói… Anh thề đã mấy năm nay không gặp Quỳnh… Anh không hề che chắn cho Vũ Duy. Anh ủng hộ Hà mắt nai và Công an Hà Nội bắt Duy tội trốn thuế mà…

Y đấm cửa. Hoang mang. Rã rượi.

Từ phòng bên, con gái y mở cửa, đến sau lưng y từ lúc nào.

– Bố mẹ làm gì mà ầm ầm lên thế?

Cao Nga ngái ngủ, nhưng khi nhìn điệu bộ, vẻ mặt bố, nó bỗng phì cười. Con bé rất nhạy cảm, chỉ cần bố mẹ xa xôi bóng gió nhau là nó đã như một quan tòa công minh, xử đâu ra đấy. Tất nhiên phần lớn các phiên tòa gia đình, Nga vẫn luôn luôn đứng về phía bố.

– Bố làm gì để mẹ điên lên rồi. Thôi, bố ra ngoài đi-văng nằm tạm. Để con xử vụ này cho – Nga cầm gối, chăn, đưa y ra phòng khách, rồi quay lại cửa phòng Loan. Nó không gõ cửa mà bấm iphone.

– Mẹ ơi, mẹ ơi, con đau bụng quá… Mẹ có dầu xoa không?

Cánh cửa bật mở. Nga nhào vào, ôm chầm lấy mẹ.

Không hiểu hai mẹ con nói với nhau những gì, chỉ nghe thấy tiếng thì thầm và tiếng khóc nức nở.

Y nằm trên đi-văng, đầu muốn vỡ nhưng không vỡ được. Từ hồi lấy nhau, đây là lần đầu tiên Loan quyết liệt và hung hãn đến vậy. Những lần trước, chỉ là sự va đập trong tính cách, lối sống, đôi khi ghen bóng ghen gió với cô này anh kia, nhưng hình như Loan luôn tránh xa mối quan hệ với Quỳnh. Loan biết đó là gót chân Achilles của cả hai đứa, một góc đời mà cả hai rất dễ bị thương tổn. Cái góc khuất ấy, Loan luôn luôn nghĩ tới, luôn muốn ngó tới, muốn soi rọi vào để thỏa nỗi ghen tuông đàn bà, để cảnh báo mỗi khi bỗng dưng giật thột một điều gì chính Loan cũng không lý giải nổi. Giống như một con chuột, rất biết có một lọ mỡ để ở góc ấy, tâm tưởng, thèm muốn lúc nào cũng hướng vào góc ấy, nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ con mèo, với đôi mắt tròn như bi ve, trong veo, luôn thâu hết mọi động tĩnh, mọi ham muốn, mọi rình rập. Và Loan đã để yên cái góc khuất ấy mười bảy năm trời.

Cho đến hôm nay…

Công bằng mà nói, cuộc hôn nhân của y với Loan, như một bất ngờ của định mệnh, bắt đầu từ chuyến đi Nga ấy, cho đến bây giờ, có được coi là mĩ mãn chưa, y chưa bao giờ đặt câu hỏi ấy và không việc gì phải trả lời. Nhưng về góc độ gia đình thuần túy, thì hầu như những ai quen biết vợ chồng y, những ai là người làng Phí, làng Động của y, đều nghĩ đó là một tổ ấm hạnh phúc. Loan là người đàn bà của gia đình, một phụ nữ có đủ mọi thứ: sắc đẹp, học vấn, truyền thống gia tộc, công việc, chồng con, thời trẻ có ăn chơi phá cách tí chút, nhưng khi đã lấy chồng đều dồn hết cho mái ấm uyên ương. Loan yêu hai đứa con, Hoàng Cao Nga và Hoàng Cao Phong đến mức có thể hy sinh thân mình. Loan yêu y đến khắc kỷ và muốn chiếm hữu tuyệt đối. Ngày còn sống đời sinh viên, hai cặp Hoàng Y – Quỳnh Thy, Ngô Viễn – Mai Thy còn xoắn suýt lấy nhau, y là đứa tháo vát, có khả năng bếp núc, có gu ẩm thực, vậy mà từ ngày lấy Loan, mọi năng khiếu, thói quen ấy đều mai một, thậm chí biến mất. Loan không cho y động chân tay bất cứ việc gì. Việc bếp núc, dọn dẹp không phải việc của đàn ông. Anh lên nhà đi, khổ quá, nghe em đi. Anh mó tay vào làm gì cho bẩn. Việc này là việc của đàn bà, để đấy em… Loan luôn quát tháo với giọng điệu mệnh lệnh đáng yêu như thế. Đi làm về, thậm chí Loan còn cởi quần áo y để đi giặt; cắm quạt cho y mát; cởi giày cho y nằm; nhảy hẳn vào nhà tắm để chằn y ra kỳ lưng, gội đầu. Dần thành thói quen được vợ chiều chuộng, làm thay mọi thứ. Có lần, ăn cơm, rơi đũa, y cũng cứ ngồi trơ, đợi Loan đi lấy đôi đũa khác mới chịu ăn tiếp. Rồi chuyện nhà cửa, kinh tế gia đình, cũng một mình Loan lo liệu. Tiền lương của y, muốn đưa thì đưa, Loan không đếm xỉa. Loan mua bốn lô đất, xây bốn căn nhà nghỉ, thuê người trông coi, khoán mọi chi phí, trong đó có tiền bảo kê, hằng tháng chỉ việc đến thu tiền… Đời y thế là sướng hay khổ?

Nhưng có điều này, thì y khổ, rất khổ. Ấy là mỗi lần nghĩ đến Quỳnh, hoặc những khái niệm, hình ảnh có dính líu đến chữ Quỳnh (hoa quỳnh, thơ Xuân Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu, Trạng Quỳnh vv…) hay nhớ đến những năm tháng đời sinh viên, thì lập tức y thấy thót tim, lại dập đi ngay. Y luôn thấy đôi mắt Loan nấp ở đâu đó, có lúc ngay trong đầu y, rình mò, áp chế. Một đôi mắt cảnh sát, có lúc nheo nheo đầy ám khí, có lúc trừng trừng đầy hung khí, có lúc ma quái, rờn rợn mùi tử khí. Cứ nghĩ đến Quỳnh, lập tức bóng Loan bao phủ. Thoáng thấy bóng Quỳnh ở đâu đó, y lập tức quay ngoắt một trăm tám mươi độ, hoặc lủi đi đường khác. Thấy một cây quỳnh (chứ hoa thì chỉ nở lúc nửa đêm), y lảng ngay đi nơi khác. Y tập cho mình một thói quen: Phải xóa hết, phải quên hết, xa lánh hết mọi thứ dính đến khái niệm Quỳnh.

***

Suốt cả tuần sau, Loan đi đâu từ sáng sớm, tối lâu mới về.

Y đảo qua cơ quan Loan, có ý dò la. Một người bạn rủ ra căng tin uống bia hơi và xì cho y biết: Mày phải đề phòng thằng Tuẫn Chiết da. Mấy hôm nay nó với vợ mày cứ thì thụt chuyện gì.

Rồi tối ấy, mười hai giờ đêm Loan chưa về. Từ bảy giờ, tivi bắt đầu thời sự, máy Loan không liên lạc được. Ba bố con vừa ngồi trước mâm cơm vừa gọi hoài vào vùng không phủ sóng.

Đợi các con ngủ say, y mở chai Chivas Regal 18. Whisky nhãn vàng Scotch thơm lừng, uống vào thun thút. Cái mặt phèn phẹt của thằng Tuẫn Chiết da sau chiều tắm hồ Valdai ấy bỗng hiện ra, rất gian tà. Mười bảy năm rồi mà sao y không thể quên bộ mặt thằng Tuẫn tối ấy. Suốt bữa rượu nó ngồi đối diện Loan, đôi mắt trâu hau háu nhìn vào khe ngực sâu hút của Loan như muốn lôi bật bầu vú ra ngoài. Y thì nhớ Quỳnh Thy đến khắc khoải. Nhớ Quỳnh nhưng y vẫn để mắt tới Loan và thằng Tuẫn. Cho tới lúc hai cặp lên lầu ngủ, thằng Tuẫn cố đẩy y đi với Tanhia Bavykina, để nó sờ mông Loan. Cô gái Nga thì cứ chùng chình đợi Tuẫn. Tanhia tỏa sức hút như một thỏi nam châm. Lúc nàng nude trong nhà tắm bên hồ y đã thấy hết những đường cong chết người. Đêm ấy, y cũng muốn hưởng chút của lạ trên xứ sở Bạch Dương, nếu Loan đi với Tuẫn. Nhưng rồi, dường như đọc được ý muốn của y, Loan đẩy Tuẫn đi với Tanhia, lôi y sềnh sệch vào phòng. “Anh tưởng em rủ anh sang đây để anh đú đởn với con Nga ngố ấy à. Em cấm”. Và nàng bất chấp y có hứng thú hay không, đẩy y xuống giường… Từ dạo ấy, thằng Tuẫn vẫn cay cú. Y biết chắc như vậy. Con mồi bị sổng là con mồi lớn. Và hắn càng đeo đuổi. Cả tuần nay hắn đưa Loan đi những đâu? Nhà nghỉ? Khách sạn nào? Câu hỏi ấy khiến y đau đớn. Thằng Tuẫn bỏ vợ ba năm nay. Bạn bè vẫn gọi nó là cá trê phi, đớp mọi thứ đàn bà.

Rượu quật đổ y.

Khi y thiếp đi, thì Loan về. Loan bật hết các ngọn đèn phòng, bắt y ngồi dậy, rồi dí vào mặt y một tờ giấy có dấu đỏ chói.

– Ông đọc đi. Mở to mắt mà đọc – Miệng Loan nồng nặc hơi rượu, tia mắt như có ánh lân tinh.

Y như không tin ở mắt mình: Bản giám định xét nghiệm ADN huyết thống. Người được giám định: Hoàng Y và Vũ Quỳnh Liên.Trời ơi, chuyện gì đây? Sao lại có chuyện giám định huyết thống?

Loan cúi xuống y, bàn tay có những móng đỏ lùa dưới cằm y, hất ngược mặt y lên:

– Ông nói đi. Con Quỳnh Liên có phải con ông không?

Y đổ sụp xuống, hai tay chới với quờ quạng đôi chân Loan:

– Anh bất ngờ quá… Bao năm nay anh cứ ngờ ngợ…

– Ngờ ngợ à? Không phải là hằng tuần vẫn ngủ với mẹ nó à?

– Không. Không bao giờ… Anh thề có bóng đèn… Anh xin… Em hiểu sai anh rồi… Giám định ADN cũng chưa thể chính xác đâu…

-Sao? Không chính xác à? Tôi bịa ra tờ giấy này à? Ông muốn nói tôi vu oan giáng họa cho ông phải không?

-Không, anh thề, con Quỳnh Liên không…

-Không phải con ông hay không phải con thằng tù Vũ Duy? Ông bày mưu đưa chồng nó vào tù để thì thụt với nó phải không? Tôi đoan chắc là ông đã vắt hết cho nó đấy. Tôi chỉ hưởng cái xái. Lần nào với tôi ông cũng như miếng giẻ rách.

– Mà em phải hiểu cho anh… Trước khi gặp em, anh với Quỳnh đã… Để anh nhớ… Trước khi sang Nga với em, bọn anh chia tay nhau trên hồ Đại Lải… Có lẽ hôm ấy…

Mắt Loan nhìn y muốn lòi con ngươi. Lúc lâu Loan không nói được.

Rồi Loan dí vào mặt y một tờ giấy khác.

– Đến nước này thì tôi với ông đã cạn tình cạn nghĩa. Ông ký vào đây. Tôi sẽ cho ông tự do.

Lá đơn ly hôn, Loan đã chuẩn bị sẵn. Mọi việc cô ta đã chuẩn bị sẵn. Thằng bạn y nói đúng. Mày phải đề phòng thằng Tuẫn Chiết da…

Y bỗng nổi cơn điên. Mắt toàn lòng trắng, bọt mép xàu ra. Lá đơn bị xé nát.

– Thì ra cô với thằng Tuẫn…

– Hớ hớ… Giờ mới biết à? Nhờ Tuẫn, tôi mới có tóc và móng tay của con gái ông đấy. Tuẫn chưa bao giờ là bạn của ông. Đừng có ảo tưởng. Pháp y chính hiệu cũng không thể chính xác hơn… Có kết quả ADN thì đơn phương ly hôn chẳng là cái đinh gì. &

9

Vũ Duy đi tù, bác sĩ Quỳnh Thy bỗng trở thành một nhân vật nổi tiếng, nổi tiếng theo một cách khác, không giống như các ngôi sao màn bạc, các showbiz chân dài, các diva đình đám, mà nổi tiếng theo kiểu scandal. Ai đến bệnh viện Nhi Đồng cũng tò mò muốn biết bác sĩ trưởng khoa Quỳnh Thy, vợ tù nhân chống Đảng. Nhiều bậc cha mẹ trước đây tín nhiệm tay nghề cao của bác sỹ Quỳnh Thy, thì nay bắt đầu e ngại, muốn cho con khám và điều trị bác sỹ khác.

Là người đặc biệt nhạy cảm, Quỳnh đọc được ý muốn của tổ chức. Đầu tiên là họ tạo dư luận, gây sóng nhiễu, cố để mọi người hiểu không đúng, rồi xa lánh đối tượng, sau đó họ gây sức ép buộc bỏ việc hoặc xin thôi việc. Họ không muốn Quỳnh làm việc trong cơ quan nhà nước, nhất là một bệnh viện chuyên ngành lớn.

Đó là những ngày buồn chán, thất vọng nhất của Quỳnh. Vũ Duy đã làm gì sai? Vì muốn tương lai một nước Việt Nam tốt đẹp, sánh vai các nước trên thế giới; muốn người dân thực sự được tự do, dân chủ, được bình đẳng góp công sức xây dựng đất nước; muốn bộ máy chính quyền bớt tham nhũng, không nhân danh này nọ để độc quyền cai trị; muốn Trung Quốc không thôn tính lãnh thổ, lãnh hải… Như thế mà bị coi là phản động ư? Nếu bất đồng thì sao không tổ chức những cuộc đối thoại trên các phương tiện truyền thông với Duy, với những người như Duy? Sao lại bày ra chuyện trốn thuế, là Việt Tân, để bắt người, diệt khẩu? Một chính thể không đường hoàng, cách ứng xử không đường hoàng, đến như mẹ con Quỳnh cũng không thể chấp nhận được, thì thuyết phục nổi ai? Thất vọng hơn nữa là họ lại hành hạ, triệt đường sống của những người thân của Duy. Họ tạo không khí khủng bố với con Quỳnh Liên và thằng Vũ Lân ở trường; ly gián, cô lập Quỳnh Thy ở bệnh viện. Lại nhớ những câu chuyện của bố Phạm Thanh Lâm kể hồi cải cách ruộng đất, hồi Nhân văn Giai phẩm. Con cái địa chủ, con cái nhân văn cũng bị đối xử như vậy. Bị ông bà nông dân đi qua nhổ vào mặt. Bị bạn bè trong lớp xa lánh như sợ hủi. Bị cách ly khỏi cộng đồng. Bố bảo: Hồi ông Hoàng Minh Chính viết đơn muốn xin phục dựng lại đảng Xã Hội, họ muốn làm mất mặt ông, làm dân chúng lên án ông, bèn cho người ném cứt vào nhà, cho côn đồ đóng giả anh em xích lô ba gác đến chửi rủa liên tục. Rồi bố thở dài: Chế độ nào nghĩ ra cái cách tẩy não này tức là đã đạt đến trình độ siêu bạo lực. Tra tấn bằng tinh thần mới thật khủng khiếp.

Quỳnh xin nghỉ không lương để chờ công văn của bệnh viện tư nhân Hoa Phượng, qua sự giới thiệu của tiến sĩ Quốc Bói. Rồi công việc mới cũng đến. Bệnh viện Hoa Phượng tiếp nhận bác sĩ Quỳnh Thy một cách trọng thị, với chức danh trưởng khoa nội nhi và số lương gấp ba lần cơ quan cũ. Ngày làm việc đầu tiên, không hiểu ai báo tin mà tới tấp có lời chúc mừng qua email, zalo, messenger. Đặc biệt có một tin nhắn chúc mừng của Hội tù nhân Lương tâm, và liền sau đó là một bó hoa gửi qua đường chuyển phát nhanh bưu điện. Từ ngày lấy Vũ Duy, Quỳnh đã quá quen thuộc với cái tên tù nhân lương tâm, quen như một thứ quán tính, được nghe đến, nhắc đến, rồi nhập tâm, chứ chưa hề biết nó gồm những ai, hoạt động như thế nào, để làm gì, nhưng từ hồi Duy bị tù, nàng bắt đầu để ý đến nó, tìm hiểu nó và thuộc về nó. Duy là một tù nhân lương tâm. Những gì thuộc về anh đều thân thiết với Quỳnh.

Và rồi Quỳnh đã được gặp cái hội kỳ lạ ấy. Hóa ra chẳng phải tổ chức, hội hè gì theo cách hiểu lâu nay của Quỳnh. Họ là những người vẫn cùng nhau đi biểu tình chống đường lưỡi bò, chống giàn khoan 981, chống Formosa, họ thường đến thắp hương trước tượng đài vua Lý Thái tổ, đài liệt sỹ Bắc Sơn vào những ngày khắc ghi tội ác Trung Quốc xâm lược (17. 2.1979), ngày Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma (14.3.1988)… Họ là những người phần lớn từng bị đánh đập mỗi lần đi biểu tình rồi bị hốt lên xe bus về đồn công an, về trại Lộc Hà. Họ là những nông dân Dương Nội, Văn Giang bị mất đất, bị bọn bảo kê đâm thuê chém mướn triệt hạ đường sống. Cũng có vài gương mặt từng ở trại tù ra, gọi một cách hài hước là bộ tộc “Tà ru”. Và kìa, có cả vợ chồng Ngô Viễn, Mai Thy, nhà báo Quốc Sỉ, tiến sĩ Quốc Bói, Tuẫn Chiết da và nhà văn Ngô Thời Bá…

Hôm ấy là ngày giỗ ông nội vợ Khiển Trọc, trưởng nhóm xe ôm làng Động. Nhờ chạy xe ôm mà Khiển lấy được cô gái nết na làng Mọc, có cái tên ngồ ngộ là Lại Thị Thầm. Giữa đám cưới, trước hai họ, Khiển thưa với mọi người: Con xin phép họ Lại, từ nay cho con được gọi vợ con là Lại Thì Thầm, vì cô ấy nói yêu con nhỏ quá, con thường không nghe rõ. Chuyện hài hước, mà sau thành tên thật. Cô Thì Thầm được ông anh cả chia cho hơn sào vườn ngay sát nhà từ đường họ Lại theo di chúc của bố mẹ. Thầm được mẹ truyền cho nghề làm bánh khúc, khách đến lấy tận nhà. Thầm tốt nái, để liền ba thằng con trai. Khiển như chuột sa chĩnh gạo, bán đi một mảnh đất, đủ tiền xây ngôi nhà ba tầng và sáu căn phòng cho thuê.

Đáng nói nhất là căn nhà từ đường họ Lại, nơi tổ chức cuộc giỗ, do ông anh cả Lại Qúy Sâm đang thờ cúng. Một ngôi nhà gỗ năm gian, tuổi đời hơn hai trăm năm, với những chạm khắc cầu kỳ tinh xảo nguyên bản kiến trúc thời Hậu Lê, trên một khuôn viên hơn nghìn mét vuông, được xây tường bao quanh, với những ao huê, nhà thủy đình, nhà bia, cầu kiều…. Tương truyền, hàng chữ trên thượng lương tòa từ đường là bút tích của một trong các tác gia Ngô gia Văn phái. Theo nhà văn Ngô Thời Bá, bút tự ấy, so với bản chữ viết tay trong thư viện Hán Nôm đang lưu giữ, đích thị là của quan đốc học Ngô Thì Du, người viết bẩy hồi phần tục biên của tiểu thuyết lừng danh “Hoàng Lê Nhất thống chí”.

***

Nhà từ đường trải chiếu hoa, bày cỗ trên hai tấm phản gỗ lim nâu bóng, mời các vị cao niên vai vế trong làng và khách quý đặc biệt. Anh em con cháu dâu rể họ Lại kê bàn ngồi ngoài sân. Cỗ to như cỗ cưới, toàn đặc sản làng Mọc truyền thống, đáng chú ý nhất là mâm nào cũng có một đĩa bánh khúc do chính tay Thì Thầm làm. Riêng các vị khách của anh em ông Sâm, được bố trí kê dãy bàn dài bên nhà Khiển Trọc. Vì thế mà vợ chồng Khiển có vẻ tự tin, cứ như chính họ là chủ bữa đại tiệc.

Tiếp các cụ trên nhà từ đường, ngoài ông Sâm, trưởng tộc, còn có người cô ruột lấy chồng thiên hạ. Đó là bà Lại Thị Thà vợ ông Lưu Đình, người làng Tung, xã Tâm Đồng, một địa chỉ đang được cả nước quan tâm. Ông Lưu Đình nguyên là bí thư đảng ủy xã Tâm Đồng, điểm nóng tranh chấp ruộng đất còn hơn cả Dương Nội, Văn Giang. Bà vợ đầu của ông Lưu Đình là người cùng làng Tung. Ở với nhau được tám năm, thì người vợ mất trong lần đẻ đứa thứ tư. Đứa con đẻ ngược, nước ối vỡ trước khi đến nhà hộ sinh, để lại cho ông Đình ba đứa con trứng gà trứng vịt. Có người bà con mối lái, tìm cho ông một người vợ kế đẹp người đẹp nết người làng Mọc, cách quê ông hơn bốn chục cây số. Lại Thị Thà thay người vợ đầu nuôi các con và sinh cho ông Đình một trai hai gái. Mọi năm vào ngày này, vợ chồng ông Đình, bà Thà phải ra trước hai ngày để cùng anh em con cháu lo đám giỗ. Năm nay, vì chuyện cấp trên về thanh tra đất đai Tâm Đồng, chỉ một mình bà Thà với cô con gái út về ăn giỗ bố.

Ông Lại Qúy Sâm, thường gọi là Sâm Mọc, chuyên gia biểu tình chống Tàu, chừng năm mươi tuổi, người săn chắc như một võ sĩ, có nghề làm cây cảnh. Không có cuộc biểu tình nào ngoài Hồ Gươm, trên vườn hoa tượng đài Lê Nin mà không có ông Sâm. Thường ông hay đi với nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải, nhạc sĩ Tương Giang. Lúc nào cũng tiên phong đi đầu, cầm băng rôn và biểu ngữ. Nhiều lần bị bọn giả danh côn đồ xông vào hành hung, ông thường xông lên, lấy thân mình che chắn cho các nhà dân chủ. Và tất nhiên ông hứng trọn những đòn hiểm và nhiều lần bị xe bus hốt về trại Lộc Hà. Bữa cỗ hôm nay, ông Sâm và Khiển Trọc chạy như con thoi, mời rượu các cụ nhà trên, anh em họ hàng ngoài sân, lại chạy sang đám khách quý bên nhà Khiển.

Trước lúc mời khách vào cuộc rượu, Tuẫn Chiết da, kéo ông chủ bữa giỗ ra một góc, nói nhỏ:

-Khu nhà từ đường của họ Lại đang nằm trong tầm ngắm của Tập đoàn địa ốc ABC, ông biết không? Thành phố đang duyệt quy hoạch. Ông liệu mà tính giá đền bù.

– Ngôi nhà tổ phụ họ Lại hơn hai trăm tuổi và mảnh đất vàng này đã từ lâu nằm trong tầm ngắm của bọn tư bản địa ốc đỏ. Tôi biết khối kẻ nhìn khu đất này thèm rỏ rãi. Sớm muộn rồi cũng không yên với chúng đâu… Ông xem và tính kế giúp tôi.

Bà Thà từ nhà trên xuống, nhanh nhảu nói với ông cháu trưởng:

-Cho cô đến chào các vị khách quý của con. Hình như đã có mấy vị đến chơi với ông nhà cô.

– Hay quá, mời cô vào đây – Sâm cầm tay bà Thà dẫn đến trước mâm rượu – Thưa các vị đại trí thức Bắc Hà và đặc biệt hai người đẹp họ Phạm, cùng các anh chị em Hội Lương tâm… Đây là cô Lại Thị Thà, cô ruột tôi. Hôm nay là ngày giỗ cụ đẻ ra cô Thà tôi. Giỗ nào vợ chồng cô tôi cũng phải có mặt. Nhưng giỗ này chỉ có cô tôi và cô con gái rượu.

Bà Thà chắp hai tay đưa lên chào mọi người.

– Các vị nhìn kĩ nhé – Ông Sâm chỉ bà cô nói tiếp – Ngày xưa cô tôi đẹp nổi tiếng làng Mọc đấy, từng là nữ xạ thủ toàn năng xuất sắc quân khu hữu ngạn. Thế rồi, trong một đợt hội thao dân quân tự vệ, cô tôi bị một anh thanh niên làng Tung xã Tâm Đồng cưa đổ, rồi thành vợ của cụ Lưu Đình, nhân vật nông dân đấu tranh giữ đất nổi tiếng cả nước bây giờ… Xin lưu ý với các vị, lúc ấy ông Lưu Đình mới góa vợ, gà trống nuôi ba con, mà cô tôi gái son, hoa hậu làng Mọc đấy nhé.

– Vâng, xin chào anh chị em – Bà Thà nâng chén mời mọi người – Khi nào rảnh, xin mời các anh chị em đến thăm làng Tung với ông nhà tôi…

Chén đầu trăm phần trăm. Mọi người tấm tắc khen bà Thà giờ càng phúc hậu, đẹp lão.

Tiễn bà cô lên nhà trên, đến lượt Sâm Mọc rót rượu mời mọi người:

– Nhân dịp giỗ ông nội chúng tôi, rất hân hạnh được gặp các trí thức tên tuổi và anh em, từng sát cánh đùm bọc yêu thương nhau vì một xã hội dân sự…Tôi không bao giờ quên những lần đi biểu tình chống Tàu quanh Hồ Gươm. Chính những cuộc xuống đường ấy đã gắn kết chúng ta, cho chúng ta thấm thía hơn tình yêu Tổ quốc. Nào, xin kính mời cạn ly rượu với Sâm Mọc này.

Hai chị em Quỳnh Thy, Mai Thy bấm tay nhau và nhìn nhau ngạc nhiên khi ông Sâm nói tới cụm từ xã hội dân sự. Lần đầu tiên họ ngồi cùng mâm với những người lao động bình dân, mà hầu hết là người làng Mọc, làng Động làm nghề chạy chợ, thợ mộc, xe ôm, taxi, cốp pha… Chẳng phải những con người thị dân, nông dân lam lũ muốn kết bạn với nhà văn, tiến sĩ để làm sang, mà vì họ muốn được che chở, bảo vệ những trí thức dấn thân nhưng yếu đuối, mong manh, dễ vỡ. Trong những cuộc tụ tập, biểu tình, nếu không có những trí thức tiêu biểu, những công thần yêu nước, những người của công chúng, mà phe Bò Đỏ vẫn giễu là bọn Rận chủ,… làm đầu tàu, thì khó thành, nhưng nếu không có những thường dân chân đất thì không thể tụ tập thành đám đông, vì thế một xã hội dân chủ là tổng thành của những tập hợp. Đi bên những thiếu tướng công thần Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Bùi Minh Quốc, giáo sư Chu Hảo, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà ngoại giao Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nhà văn Ngô Thời Bá… bao giờ cũng có vợ chồng Trỗi Lai, Khiển Trọc, Dũng taxi, Ngạn thịt cầy, Sâm Mọc và tập đoàn xe ôm làng Động. Ngồi trên chiếu rượu này, toàn những gương mặt khắc khổ, lam lũ, hiền lương. Không có ai thù oán gì Đảng, chính quyền. Nhưng cứ thấy bọn tham nhũng sâu mọt ngày càng đông nhung nhúc, các nhóm lợi ích câu kết với bọn quan chức độc tài bòn rút đục khoét dân, bọn giả danh cộng sản tiếm quyền bóp nghẹt dân chủ, bọn tư bản đỏ chiếm đất, đàn áp dân đen; cứ nghe tin tàu hải giám Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế, tàu nước lạ đâm tàu cá và giết ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi… mà chính quyền cứ im thin thít, thậm chí còn mời lãnh tụ của chúng vào huấn thị tại cuộc họp Quốc hội ta, là họ lại sôi sục, muốn ra Hồ Gươm đả đảo.

Tiến sĩ Quốc Bói thay mặt anh em lên nhà trên chúc rượu các cụ cao niên, mới uống một ly, mặt đã đỏ phừng phừng.

-Tôi vừa chúc rượu các cụ, không ngờ tửu lượng của cụ bà Lưu Đình cao lắm nhé – Quốc Bói tự rót rượu và cụng ly với mọi người – Tình hình làng Tung đang nóng rẫy từng ngày các vị ạ. Rất có thể nổ ra vụ đồng Nọc Nạng thứ hai trong lịch sử. Vụ Tiên Lãng chỉ là sự bột phát của một cá nhân Đoàn Văn Vương. Vụ Tâm Đồng nếu nổ ra mới là phong trào của nông dân…

– Tâm Đồng có tầm vóc của một tiểu thuyết. Cụ Lưu Đình sẽ là một nhân vật lớn mà các nhà văn có nằm mơ cũng không tưởng tượng ra – Nhà báo Quốc Sỉ lắc đầu không biết đang phủ định cái gì – Vụ này nhà văn Ngô Thời Bá không viết được một cuốn tiểu thuyết về nông thôn cho ra hồn, thì xin lỗi ông ông anh, vứt mẹ nó bút đi.

Ngô Thời Bá cười hà hà:

– Tôi đã đăng ký độc quyền cụ Lưu Đình và xã Tâm Đồng. Các vị có biết không, vợ tôi là cháu ruột cụ Lưu Đình đấy…

-Thật vậy ư? – Quốc Bói tròn xoe mắt.

-Không tin các vị cứ hỏi cụ Đình. Tôi lấy được hoa khôi Thượng Sơn là nhờ ông bác Lưu Đình …

Bữa tiệc rôm rả hẳn lên. Mọi người đề nghị nhà văn kể về mối tình éo le và lãng mạn của mình.

-Cuộc tình này sẽ dành cho cuốn tiểu thuyết sắp tới. Ly kỳ và ướt át lắm nhé – Bá ra vẻ úp mở. Bút bi hết mực rồi, nhưng lão gia đã có laptop. Vợ bán lứa lợn tặng ba mươi triệu tậu con laptop mới đập hộp dành để viết cuốn tiểu thuyết mới. Con laptop cũ, bảo tàng văn học đặt mua một trăm triệu, vẫn không thèm bán đó nghe…

– Trời ơi, cả Ngô Thời Bá và Tâm Đồng đều có giá – Nhà báo Quốc Sỉ chỉ tay về phía Bá – Nhà rận chủ nào chưa đến Tâm Đồng thăm cụ Lưu Đình thì chỉ là rận chủ giả hiệu…

Tiến sĩ Quốc Bói quả quyết:

– Tôi hẹn vợ chồng cụ Lưu Đình rồi, chúng ta sẽ đến thăm làng Tung vào đầu tháng tới. Bây giờ xin thông báo với các vị về tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức.

Bữa giỗ lập tức rôm rả quanh chủ đề người tù nổi tiếng nhất Việt Nam đang tuyệt thực:

– Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực đến ngày thứ 21 rồi các vị ạ.

– Thưa tiến sĩ, ngày thứ 23 rồi ạ. Bố Thức đã có đơn khẩn cầu gửi lên Tòa án tối cao, đề nghị cứu con trai – Tuẫn Chiết da đính chính.

– Xin lỗi, tôi nhầm – Quốc Bói tiếp tục – Theo lý thuyết, người có sức khỏe, có sức chịu đựng cao nhất cũng chỉ nhịn ăn được hai thất, tức mười bốn ngày. Sang ngày thứ mười lăm là ngất xỉu hoặc đột quỵ. Chúng tôi vừa ký một đơn thỉnh nguyện lên Chủ tịch nước… Không xử lý nhanh, Thức đi dịp này mất…

– Nước đổ đầu vịt, ăn thua gì – Dũng taxi, được mệnh danh “người thạo tin” bỗng cao hứng, đứng dậy – Cháu xin mạn phép các bậc huynh trưởng có ý kiến. Chủ tịch nước của ta bây giờ giống như thời vua Lê chúa Trịnh, chỉ là bù nhìn, chẳng có quyền hành gì. Và nói chung cả Thủ tướng, cả Chủ tịch Quốc hội cũng chẳng có quyền hành gì. Quyền tối cao là hội đồng tổng tài 19 vị và ông đứng đầu. Họ luôn nấp trong hộp đen quyền lực, chỉ tay năm ngón, ném đá giấu tay, đứng ngoài Hiến pháp. Đến như Hiến pháp cũng chỉ để cho vui. Hiến pháp quy định mọi công dân có quyền bầu cử, ứng cử, có quyền tự do lập hội, tự do biểu tình, đúng không? Vậy sao anh Khiển, anh Viễn, anh Sâm và các vị đây ra Hồ Gươm biểu tình chống Tàu lại bị bắt, luật sư Vũ Duy xin ứng cử Quốc hội lại bị đấu tố, bôi nhọ, hơ hơ…

– “Người thạo tin” nói như thế cũng chưa thật chính xác – Tuẫn Chiết da ngắt mạch – Vấn đề là chúng ta chưa có tam quyền phân lập…

– Ấy đấy. Vấn đề là ở chỗ ấy. Nguy nhất là một quốc gia mà người đứng đầu, xin lỗi, tập thể người đứng đầu, vô cảm – Quốc Sỉ cao hứng – Họ thừa biết một người tù khi đã dùng đến biện pháp cuối cùng là tuyệt thực, coi thường cái chết, để thỉnh nguyện một điều không chỉ cho riêng mình, là người cần phải được xem xét ngay, vậy mà họ vẫn vô cảm. Đến như anh bạn tôi, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, nếu khôn ngoan, mưu mẹo, bây giờ cũng quan chức hàng nhị, nhất phẩm, có kém gì những kẻ chót vót hàng cai trị. Vì Ba Sàm là người tài, lại có tâm, có tầm, bố ông ấy hơn gấp vạn lần bố các ông kia. Ủy viên trung ương mấy khóa, bí thư tỉnh ủy mấy tỉnh, lại đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô… Ấy thế mà chỉ không chịu được sự giả dối, không chấp nhận thứ chủ nghĩa quái thai, muốn xuất bản một tờ báo mạng để nói lên sự thật… mà bị bỏ tù, đến mẹ chết cũng không cho về nhìn mặt…

Nhà báo Quốc Sỉ bỏ nửa chừng câu chuyện, ôm mặt khóc. Ông mới uống một ly rượu, say làm sao được?

Khiển Trọc như thấy mình có lỗi, nhìn sang phía Quỳnh, muốn lái câu chuyện:

– Nhân việc lần đầu bác sĩ Quỳnh Thy tham dự cuộc gặp gỡ với chúng ta, em xin có ý kiến. Sắp tới chúng em sẽ tổ chức một chuyến xe vào trại Ba Sao để thăm luật sư Vũ Duy, nhạc sĩ Tương Giang và các tù nhân lương tâm… Sau đó trên đường về chúng ta đến thăm chị Bùi Thu Hằng mới từ trại giam về. Ai thu xếp đi được thì báo cho Thì Thầm nhà em để tiện liên hệ ạ…

Quỳnh Thy thấy cay sống mũi. Đã hai lần mẹ con đi thăm Duy đều không được gặp. Ngoài Mai Thy và Ngô Viễn ra, Quỳnh không dám rủ ai.

Tuẫn Chiết da móc túi đưa cho Khiển Trọc hai tờ năm trăm ngàn.

– Cho tôi một xuất. Góp thêm quỹ Tù nhân lương tâm nhé.

– Em xin giơ hai tay – Ngạn thịt cầy một tay nâng ly rượu, một tay giơ cao – Hôm nay có đông đủ mọi người, em xin đề xuất bác sĩ Quỳnh Thy và Mai Thy vào ban tài chính của hội chúng ta ạ. Lâu nay chỉ có mình cô Thầm vừa lo thủ quỹ, vừa lo đi thăm hỏi gia đình tù nhân lương tâm, vất vả quá.

Khiển Trọc đứng lên:

– Đúng đấy ạ. Quỹ của chúng ta trước đây chưa có nhiều, Thầm nhà em làm thủ quỹ, kiêm kế toán, vừa ôm đồm vừa dễ lầm lẫn. Nay cần thêm người quản trị. Vả lại, với uy tín và quan hệ rộng của bác sĩ Quỳnh Thy, chắc sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ… Xin mời bác sĩ Quỳnh Thy làm chủ tài khoàn.

– Không ai làm tài chính tốt hơn chị em Quỳnh, Mai. Tôi nhất trí cao – Peter Tuẫn cạn ly tự thưởng cho mình

– Về tài chính, chớ có coi thường – Ngô Viễn nói – Tôi e chị em Quỳnh, Mai không có kinh nghiệm. Phải rành mạch từng đồng thu chi, phải có hóa đơn chứng từ, chữ ký người nộp tiền, người nhận tiền. Nghĩa là trăm phần trăm minh bạch. Nhà cầm quyền chỉ cần chúng ta sơ hở là cho cả lũ vào tù.

Ngạn sốt sắng:

– Chị Mai Thy là chuyên gia ngân hàng, anh Viễn còn lo nỗi gì. Có hai chị em Quỳnh, Mai chúng ta sẽ tránh bị vu cho là man trá thuế như luật sư Vũ Duy.

– Chúng ta nhất định không nhận tiền của Việt Tân – Tiến sĩ Quốc Bói lấy từ trong túi áo một phong bì, rồi đón chiếc phong bì từ tay Quốc Sỉ – Tôi và nhà báo Phạm Quốc Sỹ xin ủng hộ một chút cho những gia đình tù nhân lương tâm gặp khó khăn. Đề nghị thủ quỹ ghi ngay vào sổ. Nhưng tôi xin nhắc lại: Nếu tổ chức đảng Việt Tân dính vào đây là tôi đòi tiền lại và tố cáo với công an.

Mọi người cười ồ, vỗ tay.

Ngô Viễn nói:

-Tôi tự nhận là một người dân chủ không đảng phái, không tổ chức. Hơn mười năm nay, người ta cứ nói đến Việt Tân, mang Việt Tân hù dọa, thậm chí gán cho tôi là đảng viên Việt Tân, nhưng tôi chưa bao giờ thấy con ma Việt Tân nó béo gầy, to nhỏ, mồm ngang mũi dọc thế nào…

Sâm Mọc từ ngoài sân vào, cao giọng:

-Tôi nhất trí mời bác sĩ Quỳnh Thy làm chủ tài khoàn, Mai Thy làm kế toán trưởng, cô Thầm làm thủ quỹ. Mọi người đồng ý thì xin giơ tay… Trăm phần trăm rồi nhé. Và đây là phần của vợ chồng tôi để đăng ký chuyến đi thăm các tù nhân lương tâm sắp tới.

Sâm Mọc rút ra tờ năm trăm ngàn trịnh trọng đặt lên chiếc đĩa.

Khiển xe ôm, rồi Dũng taxi, Ngạn thịt cầy… mỗi người đều góp tiền của mình. Nhà văn Ngô Thời Bá, Ngô Viễn và các vị khác đều đã chuẩn bị sẵn phong bì, lần lượt đặt lên mâm.

-Thưa các anh chị… – Quỳnh Thy đứng lên, cố trấn tĩnh – Không có buổi gặp hôm nay, chắc chắn còn lâu em mới có khái niệm về Hội Lương tâm. Đây chính là một hội của lòng nhân ái, bao bọc, tiếp sức cho những người như anh Vũ Duy… Em xin nhận công việc mà các anh chị đã quý mến trao gửi…

Giọng Quỳnh nghẹn lại. Nàng không kìm nổi nước mắt.

***

Chuyến đi Ba Sao thăm Vũ Duy không thành. Xe mười sáu chỗ do Khiển Trọc thuê, chở mười hai người, bị dừng trước cổng trại. Không ai được gặp Vũ Duy. Tiến sĩ Quốc Bói đại diện đoàn vào năn nỉ với quản giáo ưu tiên cho hai mẹ con Quỳnh Thy, Quỳnh Liên gặp chồng gặp cha, cũng vô hiệu. Nghe nói, hôm trước Duy mới có cuộc tụ tập tù nhân gây rối, nên ban lãnh đạo trại trừng phạt, không cho gặp người nhà.

Suốt cả chặng đường về, Quỳnh Liên khóc sưng húp mắt. Từ ngày Duy đi tù, cả ba mẹ con đều chưa một lần gặp mặt. Liên bảo, chế độ nhà tù này dã man nhất thế giới. Giăng Van Giăng đi tù sướng gấp vạn lần ba Duy.

Quỳnh không ngờ con bé thương Duy đến thế, chỉ cùng huyết thống mới thương yêu như thế. Đức Chúa từng bảo các con chiên rằng, nếu con yêu một người đến mức hiến dâng tất cả cho người đó, tức là con đã là một phần xương thịt của người đó. Con bé yêu ba còn hơn cả thằng em trai Vũ Lân. Và Duy cũng yêu con bé như yêu thằng Lân vậy.

Đã nhiều lần Quỳnh Thy tự hỏi: Nếu cái lần ấy, biết mình có thai và Quỳnh giấu không nói với Duy, thì sự tình sẽ ra sao? Duy vẫn cưới Quỳnh và rồi hoặc là anh sẽ chẳng bao giờ biết Liên không phải con mình, hoặc giả anh sẽ ngờ vực, sẽ tìm ra sự thật, sẽ lờ đi như không biết, hoặc âm thầm đau khổ, hoặc phá phách, thù hận? Thật may mà dịp ấy Quỳnh đã đến với Chúa, đã gặp Duy trong nhà thờ. Cuộc gặp gỡ định mệnh, cả Chúa, cả Duy, đã cho Quỳnh dũng khí, không, cho Quỳnh phẩm chất Người để nói ra sự thật: Quỳnh đã bị phản bội, nhưng Quỳnh không muốn chối bỏ… Và Chúa đã bao dung, Chúa che chở, dang tay cứu rỗi cả những khi Quỳnh lầm lạc. Còn Duy, hơn cả Chúa, Duy yêu mẹ con Quỳnh với tình yêu không vẩn đục, một tình yêu chân thành, độ lượng, vị tha của một người đàn ông đích thực. Mười năm làm vợ, nhiều đêm nằm gọn trong lòng Duy, Quỳnh tự hỏi, hay Duy chính là hiện thân của Chúa?

Có điều này, mười năm, Duy không thể biết: Ấy là Quỳnh luôn luôn sợ mất Duy, sợ Duy bỏ mẹ con nàng, sợ đến một ngày nào đó, Duy có một cử chỉ, một lần đối xử với con bé, nhìn con bé như một đứa con hoang. Nỗi đau giả tưởng ấy khiến Quỳnh nhất định không đẻ thêm một lần nữa. Đã bao lần Quỳnh thề với mình như vậy. Và Quỳnh thử thách mình, thử thách tình yêu của Duy đúng mười năm. Anh có thực lòng tha thứ cho em không? Có thực sự coi con Quỳnh Liên là con của chúng ta không? Vì sao em lại hỏi anh điều đó? Duy kêu lên, đau đớn kêu lên vì sao Quỳnh vẫn nghi ngờ tình yêu của anh. Vì sao ư? Vì em vẫn luôn sợ hãi. Em như con chim luôn sợ làn cây cong. Anh không thể biết suốt mười năm em luôn kìm hãm nỗi mong mỏi, khắc khoải nhất: Có với anh một đứa con. Vậy mà, em luôn chống lại niềm mơ ước ấy. Bằng mọi cách em không cho phép mình có thai.

Cho đến một lần, sau chuyến Duy đi tu nghiệp ở đại học Harvard về và bị công an gọi lên thẩm vấn về chuyện đã nhiều lần đăng đàn diễn thuyết ở Massachusetts, đã gặp thượng nghị sĩ John Mccain và một vài nhân vật chính quyền Sài Gòn cũ, Duy bỗng buồn bã suốt mấy ngày. Duy rủ Quỳnh đi nhà thờ, khi về, Duy bảo: Hôm nay anh đã cầu xin Chúa cho anh và em một đứa con. Nghe Duy thổ lộ, Quỳnh bật khóc, rồi ôm Duy khóc nức nở. Nàng quá ích kỷ. Nàng chỉ nghĩ đến mình mà chưa bao giờ thấu hiểu Duy. Thằng Vũ Lân đã được hoài thai sau lần ấy. Quỳnh và Duy cùng thưa với Cha linh mục đặt tên thánh cho con là Thomas.

Mười bảy năm, bốn thành viên trong gia đình Quỳnh đủ đầy, viên mãn, ngập tràn trong yêu thương, hạnh phúc. Quỳnh chẳng mong gì hơn, nếu mãi mãi giữ được cái bí mật của riêng nàng và Duy, mãi mãi một tổ ấm bốn người. Và càng ngày Quỳnh càng biết ơn Duy, càng cám ơn số phận đã đưa Duy đến cho mẹ con nàng.

Nhưng chuyến đi Ba Sao thăm Duy lần này, Quỳnh bỗng thấy thảng thốt một mối lo. Ấy là sự hiện diện của Peter Tuẫn và cái ánh mắt của anh mỗi lần nhìn hai mẹ con Quỳnh. Đúng hơn là ngay từ buổi gặp tại đám giỗ nhà Sâm Mọc, ánh mắt của Tuẫn đã nhìn Quỳnh khang khác. Hình như anh ta đã đọc thấy điều bí mật gì của hai mẹ con nàng?

-Có một người nhờ tôi hỏi thăm bác sỹ Quỳnh Thy và cháu Quỳnh Liên – Tuẫn cố ý kéo Quỳnh đi chậm lại, khi mọi người theo tiến sĩ Quốc Bói ra nghĩa địa thắp hương cho một tù nhân mới chết bệnh.

– Ai vậy anh? Không biết em có quen không? – Quỳnh thấy lạ, khi thái độ và ánh mắt Tuẫn rất khác.

– Quỳnh Thy thử nghĩ có ai rất quen, thậm chí rất thân yêu với mình một thuở không?

– Chẳng có ai cả – Không đắn đo, Quỳnh cười vô tư. Nhưng rồi nụ cười vụt tắt. Như có bàn tay nào bóp nghẹt trái tim nàng. Hình ảnh Hoàng Y chập chờn trước mặt. Nàng quay nhìn rất nhanh Quỳnh Liên đang quỳ trước nấm mộ mới, thắp hương cho người xấu số.

Nét mặt thất thần, cử chỉ sợ hãi của Quỳnh không qua được đôi mắt tình báo của Tuẫn Chiết da.

– Nhưng mà thôi, coi như tôi chưa nói chuyện này – Tuẫn cười như xin lỗi Quỳnh và bước rảo lên, đón mấy thẻ hương đã châm sẵn của Thì Thầm.

Chỉ một vài câu bâng quơ của Tuẫn, đủ làm Quỳnh Thy như kẻ bị ma làm. Tuẫn đã gặp Hoàng Y và đã được Y kể mọi chuyện? Y nói gì với Tuẫn? Y đã biết Quỳnh Liên không phải con gái Duy? Tuẫn và Hoàng Y đang muốn gì? Họ có lợi dụng chuyện này để bức cung hoặc hãm hại Duy trong tù không? Những câu hỏi dồn dập, vặn xoắn trong đầu Quỳnh. Quỳnh biết Peter Tuẫn là một công an tuột xích. Tuẫn tỏ thái độ bất mãn chính quyền, viết nhiều bài báo a dua với lực lượng dân chủ… nhưng Tuẫn vẫn là bạn cũ của Hoàng Y, vẫn có mối dây ràng buộc…

– Mẹ ơi, con sợ ánh mắt của bác Tuẫn lắm. Bác ấy nhìn con như là tội phạm của một vụ án mà bác ấy đang điều tra… – Quỳnh Liên ghé tai mẹ nói thầm khi hai mẹ con lên xe, ngồi hàng ghế cuối.

– Mẹ thấy bác ấy thân thiện mà – Quỳnh trấn an con gái và nói một thôi dài để hướng con bé sang chuyện khác – Con có để ý lúc chúng ta ra thắp hương ở nghĩa địa Ba Sao không? Trước ngôi mộ người chồng và người cha của hai mẹ con bà già từ Cần Thơ ra, bác Tuẫn đã giải thích với chúng ta người dưới mộ là ông Nguyễn Duy Xuân, cựu bộ trưởng Giáo Dục chính quyền Sài Gòn, bị tù không án mười năm. Người tù đã không còn sức đề kháng, cả về thể xác lẫn tinh thần, và chết… Bác Tuẫn nói với hai mẹ con người xấu số rằng, rồi Hội Lương tâm sẽ có kiến nghị với nhà nước cho cải táng và đưa hài cốt ông Xuân về quê để gia đình thờ cúng. Mẹ tin bác Tuẫn sẽ làm điều đó vì bác ấy cùng cộng đoàn Kitô của chúng ta mà.

– Con đã gặp bác ấy nhiều lần ở nhà thờ. Nhưng sao con vẫn cứ không tin bác ấy thật lòng đến với nước Chúa, mẹ ạ…

Quỳnh hốt hoảng lấy tay che miệng con gái. Rồi nàng làm dấu thánh, cầu mong Chúa chở che mẹ con nàng.

***

Muốn quên đi, rằng điều Tuẫn nói chỉ là câu chuyện tào lao, mà suốt cả tuần Quỳnh Thy không thể sống yên ổn. Với vợ chồng Quỳnh, đến giờ, cũng không cần phải giấu diếm nữa. Nhưng với Liên thì không thể. Nó sẽ phải biết. Nhưng đó là chuyện sau này, dăm, mười năm nữa, hoặc trước khi Quỳnh từ giã cõi đời. Còn bây giờ, thì không thể. Con bé không được biết. Nhất định không được biết. Phải làm cái gì đó bảo vệ con bé. Nếu Tuẫn hở ra, thì con bé không thể sống nổi. Làm cách nào? Cách nào? Không ai có thể chia sẻ. Ngay cả Mai Thy, chị em con chấy cắn đôi, cũng không thể chia sẻ. Chỉ có Duy mới đủ tin cậy và đồng cảm. Nhưng không thể thổ lộ với người trong tù, dù một tháng được phép nói chuyện điện thoại một lần. Vả lại, trong lúc Duy đang chịu cực hình, chỉ bọn Giuda mới dám làm điều vô nhân.

Quỳnh gọi điện thoại cho Peter Tuẫn:

-A lô, anh Tuẫn à? Chiều chủ nhật anh em mình đi nhà thờ nhé. Em có chuyện muốn gặp anh, được không?

Tuẫn sốt sắng hơn cả mong đợi. Sau buổi cầu nguyện, hai người tìm một bàn cà phê ven hồ.

-Em suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện anh định nói với em – Quỳnh Thy nói thẳng những điều mà Tuẫn Chiết da tưởng nàng sẽ hỏi anh – Anh là bạn của Hoàng Y từ cái ngày em cũng là bạn của anh ấy…

Tuẫn bỗng bật cười:

-Một người là bạn đối thủ, một người là bạn tình, khác nhau như gà và vịt…

-Bạn đối thủ càng biết nhiều thông tin về nhau. Và anh biết quá rõ quan hệ giữa em và Y như thế nào.

– Anh biết. Y rất nghiêm túc trong mối quan hệ giữa hai người. Khi biết tổ chức không đồng ý cho Y lấy Quỳnh Thy, Y đã định bỏ ngành, tìm một công việc khác.

– Em cũng tin điều đó. Em không muốn mất Y, vì thế em đã không tiếc điều gì…

– Nhưng rồi ngay sau đó y đã nghĩ lại. Cậu ta ở lại ngành và cưới Cao Thu Loan.

– Đó là lựa chọn của anh ấy. Cho đến bây giờ, em vẫn tin là Y lựa chọn đúng đắn. Em luôn cầu Chúa cho họ hạnh phúc. Còn em, em cũng bằng lòng với cuộc sống mới. Suốt những năm qua, em coi như đã quên Y…

Tuẫn lại cười. Cái nhếch môi mai mỉa và đểu.

– Nhưng Quỳnh Thy ơi, có một người không thể quên cuộc tình của hai người. Người đó luôn nghĩ rằng đã bị tước đi phần tinh túy nhất mà lẽ ra người đó phải được hưởng trọn vẹn. Mối nghi ngờ ngày một lớn dần. Cho đến một ngày, kết quả thử ADN đã hoàn toàn chính xác.

– Ai cho phép người đó thử ADN? Người đó đã bằng cách nào lấy được mẫu thử? Em sẽ kiện…

– Mẫu thử ư? Quá đơn giản – Tuẫn lại nhếch môi – Nhờ bạn bè của cô bé. Nhờ hiệu làm đầu, hiệu sửa móng tay… Khoa học hình sự và gene bây giờ đã tiến vượt bậc… Quỳnh Thy ơi, không thể che giấu được cái kim trong bọc…

Quỳnh nhìn Tuẫn và đọc được những gì trong đầu anh ta. Là một người luôn dửng dưng với những câu chuyện ngoài cuộc đời mình, gia đình mình, nhưng lâu nay Quỳnh cũng nghe phong thanh về quan hệ giữa Tuẫn và Loan. Họ có mối quan hệ ngoài công việc. Họ từng làm cho Y cay cú. Chính cái vai tuột xích giả vờ của Tuẫn đã bị bóc mẽ vì cái mối quan hệ tình ái tay ba này.

– Vậy là anh đang nói chuyện với em như một luật sư của Thu Loan?- Quỳnh không cần vòng vo, nói thẳng với Tuẫn – Cô ấy muốn gì? Muốn dùng con gái em để làm áp lực với Duy, buộc Duy phải nhận mọi tội lỗi?

– Ôi, làm gì mà nghiêm trọng thế – Tuẫn phì cười – Không liên quan gì đến chuyện tù đày của Duy hết. Chỉ là một quan hệ dân sự.

– Đánh ghen ư? Muốn li dị chồng ư?

– Em đang nói về Loan đấy nhé. Anh không hề biết cô ấy nghĩ gì. Cũng không phải là người đại diện của Loan để gặp em hôm nay. Anh chỉ muốn báo với em một sự thật rằng vợ chồng Loan đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

– Em không quan tâm điều đó – Quỳnh thực sự vô cảm trước thông tin của Tuẫn – Điều em cầu xin ở anh là, xin anh đừng để cho con em biết. Mười bảy năm nay nó chỉ có ba Duy là ba đẻ của nó. Nếu anh là bạn của Y, em cũng nhờ anh nói với Y rằng hãy để cho Quỳnh Liên yên, ít nhất là khi cháu bước qua tuổi vị thành niên…

Tuẫn nhìn Quỳnh, ánh nhìn đồng cảm và có phần thương hại.

-Điều thứ hai thì anh không dám, bởi anh không có quyền gì khuyên can Hoàng Y. Nhưng điều thứ nhất thì anh hứa. Hãy để cho Quỳnh Liên bước qua thời thiếu nữ…

H.M.T.

Comments are closed.