Thiền trôi (kỳ 2)

Truyện Phạm Lưu Vũ

pham luu vu (2)

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Đến hạn, Đỗ Tờ chân nhân rời khỏi động đúng giữa giờ thìn, nhằm thẳng hướng Nam, tìm đường đi tắt qua kinh thành. Cuối giờ thìn thì tới chỗ chùa Trấn Quốc. Bỗng ở đâu lù lù hiện ra một cụ cóc già đứng chắn ngang đường. Nhìn kĩ hóa ra ông bạn già Vịnh Bá Bá. Mới có già chín tháng không gặp, mà Vịnh Bá Bá đã tàn tạ xơ xác, như ruộng cao gặp hạn, như rừng già gặp bão thế này. Vịnh Bá Bá gặp Đỗ Tờ chân nhân thì mừng lắm, liền túm ngay lấy, kéo vào hàng rượu gần đấy ngồi rồi kể lể:

“Tôi tiếc ngày trước, chỉ vì ham sống sợ chết mà không nghe lời ông, để tuột mất cái món công đức sinh con giời ấy, vậy chẳng hay cái tinh Dạ ma thiên ấy có còn hay không?”.

Đỗ Tờ chân nhân lắc đầu, hỏi làm sao ra nông nỗi này? Vịnh Bá Bá kể:

“Thì ông biết đấy, sức già như tôi, sao có thể trụ nổi những cuộc chăn gối liên miên bất tận với một người hừng hực như Hồ Thiên Nga? Ngày ấy, nàng ta vì sợ chết non mà từ chối cái tinh giời thì cũng phải. Chứ tôi thì ngu quá, thậm ngu. Ngoại bảy mươi rồi mà còn lo chết sớm, giờ muốn chết quách cũng còn khó nữa…”.

Nói rồi cụ cóc già ôm mặt khóc rung cả người, khiến các khớp xương va vào nhau lục cục. Đỗ Tờ chân nhân nhìn bạn già mà thương cảm quá, liền ra sức vỗ về, an ủi… rồi hai người gọi rượu ra thù tạc, giải sầu, đến tận cuối giờ ngọ mới chịu chia tay.

Đỗ Tờ chân nhân tới phủ Thường Tín thì đã bước sang giờ dậu, trời bắt đầu nhá nhem. Nguyên người đàn bà kia lấy chồng họ Phạm, nhà ở một làng nhỏ ngoài đê sông Hồng gọi là Ninh thôn. Sau này, sang đời Lê có nhiều người Chiêm Thành về đó ở nên đổi thành Ninh Sở, truyền đến bây giờ. Sau lần quả trứng đất lăn vào thúng ấy, người đàn bà quả nhiên có chửa, đúng ngày hôm nay thì đẻ. Đỗ Tờ chân nhân giả làm đạo sĩ lỡ độ đường, ghé vào xin gáo nước uống, trổ tài biện thuyết, phán mấy câu về tướng mạo, phong thủy… làm ông chồng họ Phạm mê tít. Đến khi nói tới chuyện sinh nở, mới hay thằng bé đã sinh ra trước đó vài khắc. Đỗ Tờ chân nhân biết mình đã chậm chân, trong bụng thầm kêu khổ. Bèn xin đặt tên cho nó là Ngọc Tuấn và muốn được xem xét tướng mạo. Ông họ Phạm mừng rỡ, cho là mình gặp được kì duyên, liền dẫn ngay đạo sĩ vào trong buồng.

Thằng bé đỏ hỏn như tôm luộc. Đỗ Tờ chân nhân vừa nom thấy đã giật mình kinh sợ. Không biết bao nhiêu hộ trùng đang hành hạ nó, thực phát trùng đã ăn hết tóc, bắt đầu ăn đến lông mi, nhiễu nhãn trùng đang tấn công đôi mắt, khiến nó phải nhắm tịt, trâm khẩu trùng đang ăn lưỡi, làm thằng bé cứ há mồm khóc ngằn ngặt…

Đỗ Tờ chân nhân biết phàm các loài Trời, một khi đầu thai làm kiếp người thì rất khó chống đỡ với các hộ trùng. Cho nên các con giời tuy rất thông minh, thần đồng… đấy, song thường yểu mạng, chết non. Nếu không chữa trị kịp thời, thì thằng bé này sẽ rất khó nuôi. Vắn tắt vài lời thuyết phục vợ chồng nhà họ Phạm, Đỗ Tờ chân nhân lập tức ra tay. Ngài ra tay như thế nào?

Rút trong người ra một lá bùa có tên là “Bối phù phù”, chính là lá bùa đã luyện suốt chín tháng mười ngày qua, Đỗ Tờ chân nhân đem dán vào lưng thằng bé, rồi bảo nhà họ Phạm bế ngay nó ra sông Hồng, đem ngâm xuống nước. Nhờ có Bối phù phù, thằng bé không bị chìm hẳn, mà tự nó nằm thẳng dưới nước, cách mặt nước chỉ vài phân. Có hai điểm thò lên khỏi mặt nước là lỗ mũi và cái chim bé tí, vừa bằng quả ớt hiểm. Ngâm suốt đêm như thế, mặt trời ló ra thì mang về, đêm hôm sau lại đem ngâm… Đúng tám đêm thì đã có thể yên tâm, hộ trùng đã chuyển dữ thành lành, duy chỉ có cái đầu thì trọc lốc, thực phát trùng đã kịp ăn hết tóc. Đỗ Tờ chân nhân bấy giờ mới cáo từ ra về, trước khi đi còn để lại cho nó mấy bộ quần áo kiểu đạo sĩ.

Thằng cu đầu trọc Ngọc Tuấn nhà họ Phạm ở Ninh thôn quả là con giời, lại giải được cái nạn hộ trùng nên lớn nhanh như thổi, thông minh đĩnh ngộ, tinh nghịch và sáng ý không ai bằng. Lên mười tuổi thì cha mẹ nối nhau về Trời, cũng nhờ cái công đức đã sinh ra nó. Ngọc Tuấn từ đó không làm con ai, mà làm con cả làng. Ai cũng đùm bọc, thương yêu nó. Làng này về sau rất có phúc cũng là nhờ ở việc đó.

Nó chỉ mặc những bộ quần áo của đạo sĩ để lại, lạ thay, lớn đến đâu thì quần áo rộng lên tới đó, không bao giờ cảm thấy chật chội. Nó cũng nghịch như những đứa trẻ khác. Nhưng ngoài các trò nghịch ngợm, Ngọc Tuấn còn có tài nằm ngửa dưới mặt nước, chỉ thò mỗi cái chim lên, chính là nhờ có Bối phù phù dán ở đằng lưng, giờ đã lặn vào da thịt, chỉ còn lại ba vết lõm hình chữ “xuyên” () ở cổng đít. Ngày nào cu cậu cũng ra sông Hồng chơi trò “thiền trôi” như thế. Đó chính là cái “duyên”, để cu Ngọc Tuấn gặp chú tiểu Đăng Tiến như đã kể ở trên.

***

Nghe chú tiểu Đăng Tiến ngỏ lời rủ rê, cu trọc thích chí nhận lời ngay. Ngọc Tuấn là con của cả Ninh thôn, thì nghĩa là chả phải con của riêng ai, nên chả vướng víu gì. Thế là một tiểu hòa thượng và một tiểu đạo sĩ lên đường, nhằm thẳng hướng kinh thành, khát xuống sông vốc nước uống, đói móc oản trong bị ăn, mà lạ thay, bị oản chẳng hề vơi đi tí nào…

Càng gần tới Kinh sư, hai chú càng gặp nhiều người gồng gánh, bồng bế dắt díu nhau chạy ngược lại. Thỉnh thoảng có những tiếng nổ ùng, oàng từ phía Kinh thành dội lại, từng đụn khói đen bốc lên, nhìn thấy cả ngọn lửa… Hỏi ra mới biết, hiện đang có giặc Thát Đát vào cướp, chúng đang đốt phá, cướp bóc Kinh thành. Dân chúng được lệnh sơ tán, để thành rỗng không lại cho giặc, cả triều đình cùng hai vua cũng đã rời khỏi Kinh sư.

Đôi bàn chân bước trên mặt đê đã bắt đầu cảm thấy rờn rợn, hai chú phân vân lưỡng lự, không biết có nên lên kinh nữa hay không? Đăng Tiến bảo:

“Sư phụ dặn phải mang cái này (trỏ cái túi gấm) đến chùa Phùng để giao cho sư Tổ, thì dù chết cũng phải đi, sao có thể quay trở lại?”.

Ngọc Tuấn cũng bảo:

“Chúng mình là trẻ con, lại mặc trang phục hòa thượng với đạo sĩ, thì có thể luồn qua trại giặc. Cứ tùy cơ ứng biến là được”.

Thế là cả hai cùng quyết tâm, bất chấp hiểm nguy, nhằm thẳng hướng Kinh thành, vừa đi vừa lấy oản trong bị ra phân phát cho lũ trẻ chạy giặc gặp ở dọc đường. Những chiếc oản qua tay Ngọc Tuấn, quả nhiên bọn trẻ nhai rất ngon lành.

Chiều tối hôm đó hai cậu vào tới trong phố, men theo hàng cây mà đi, vừa đi vừa hồi hộp, như lạc vào cõi ma. Phố xá như bỏ hoang, xác xơ như gặp bão, tịnh không một bóng người. Bỗng Đăng Tiến nghe trên đầu có tiếng kêu rối rít: “Giặc Thát, giặc Thát…”, ngẩng lên nhìn thì giật nẩy mình, liền túm áo Ngọc Tuấn, kéo vào nấp trong một con ngõ.

Giây lát, quả nhiên có một toán quân Mông mặc áo giáp, tay khiên tay dáo, rầm rập phóng ngựa qua. Ngọc Tuấn hú hồn, ngạc nhiên nhìn Đăng Tiến hỏi: “Sao biết có giặc?”. Đăng Tiến trỏ lên vòm cây…

Ngọc Tuấn còn chưa kịp biết, rằng Đăng Tiến nghe được tiếng chim. Tiếng kêu vừa rồi là tiếng kêu của đôi chim sẻ. Thì ra đôi chim sẻ ra ràng từ miệng con sấu đá ngày trước, đã theo Đăng Tiến từ lúc rời khỏi chùa Tháp, vẫn bay theo hai cậu cho đến lúc này.

Không có người để hỏi thăm thì đã có chim sẻ dẫn đường. Đăng Tiến ngẩng đầu, uốn lưỡi “ruých, ruých…” lên mấy tiếng, hai con chim sẻ liền sà xuống, bay trước dẫn đường, lúc lò dò rón rén, lúc co cẳng chạy thật lực, vòng vèo để tránh giặc, khoảng hơn một canh giờ sau, trời đã nhá nhem tối thì đến trước cổng chùa Phùng.

Đó là một ngôi chùa nằm ở phía Bắc thành Thăng Long, gần sông Hồng, phía Tây là hồ Dâm Đàm. Còn đang lưỡng lự thì cổng chùa bỗng mở toang. Một chú tiểu ở bên trong đứng chắp tay cúi đầu như đã chờ sẵn. Cả hai nhìn nhau, có vẻ hơi ngạc nhiên, song vẫn cứ mạnh dạn bước vào, chờ chú tiểu khép cổng, rồi lặng lẽ đi theo.

Con ngõ dài khoảng vài chục bước chân, bên trái có một khoảng sân chùa rộng rãi đột ngột hiện ra. Có hai bóng người đang ngồi đối diện nhau trên bái đường. Ba cậu im lặng tiến đến dưới bậc thềm, bấy giờ mới nhìn rõ hai người kia, đều đáng tuổi bô lão, nom trang phục thì biết, cũng một hòa thượng, một đạo sĩ. Chú tiểu trỏ hòa thượng, thì thầm:

“Đó là sư phụ, Vương Ngọc hòa thượng”.

Lại trỏ đạo sĩ giới thiệu:

“Kia là đạo sĩ, bạn tri kỉ của sư phụ, hiệu là Đỗ Tờ chân nhân”.

Ngọc Tuấn nghe cái tên ấy, cảm thấy hơi lạnh hai bên sống lưng. Đăng Tiến thì chưa thấy sư tổ Tiêu Dao thiền sư đâu, bèn bấm chú tiểu dừng lại, chưa tiến lên ra mắt vội, để nghe xem hai vị kia đang bàn chuyện gì.

Thấy Đỗ Tờ chân nhân nói:

“Tôi ở trong động Già La, nghe nói trong bọn người Thát vào cướp lần này, có cả lũ người Hán. Chúng theo làm tay sai, hay còn có ý gì khác?”.

Vương Ngọc hòa thượng trầm ngâm:

“Bọn Lý Bang Hiến, Tôn Hựu… vốn là võ tướng của nhà Tống, đầu hàng làm tay sai cho người Thát thì không nói làm gì, duy có tên họ Độc, tên Nghê Nhuận chả có phẩm trật gì, chỉ là hạng con buôn, nhân cơ hội sang đây hẳn là có lý do?”.

Đỗ Tờ chân nhân nghe nói thì hơi giật mình, vội vàng bảo:

“Hạng con buôn ấy tuy không phẩm trật gì, nhưng có lai lịch đấy. Tên này có thể là dòng dõi của Độc Toàn Chân ngày trước, thời vua Phùng vương chăng? Độc Toàn Chân bấy giờ dựa thế giặc Lưu Hán, vơ vét không biết bao nhiêu tài vật của nước ta. Đến khi bị Ngô vương đánh đuổi, phải bỏ của chạy lấy người, không kịp mang theo tài sản. Biết đâu nó đã chôn giấu ở đâu đó, giờ con cháu nó nhân cơ hội theo sang để lấy lại?”.

Vương Ngọc hòa thượng càng trầm ngâm hơn, chậm rãi bảo:

“Ông nói có lý lắm. Tôi nghe bọn người phương Bắc có một thứ tà thuật rất độc ác, man rợ và bất nhân, gọi là thần giữ của…”.

Đỗ Tờ chân nhân tỏ ra khẩn trương hơn, liền nói ngay:

“Ấy đấy, chính vì việc ấy mà tôi phải tới đây. Đó là một thuật phù thủy, gọi là “Thủ Tài thổ linh thần chủ”. Nó bắt cóc gái trinh, đem chôn sống để làm thần giữ của. Về sau, muốn mở được cửa hầm, thì phải đúng là truyền nhân, có gia phả và khẩu quyết thì mới mở được. Tôi nghe nói cách đây mấy hôm, có một viên tướng người Hán dẫn quân đến tát cạn hồ Trầm Vàng ở phía Tây Nam kinh thành, rồi đào bới tung cả đáy hồ lên. Hay là chúng đã lấy được vàng…?”.

Vương Ngọc hòa thượng nghe thấy thế thì lặng người đi một lát, lại thong thả nói:

“Tôi cũng có nghe chuyện đó. Nhưng còn việc này nữa. Phía cửa Nam thành có nhà trưởng giả họ Nguyễn, vốn là đại thí chủ của chùa này. Trưởng giả họ Nguyễn có cô con gái tên Ngọc Tú Anh, mới mười sáu tuổi, chưa kịp chạy loạn thì bị giặc bắt cóc, không biết chúng đem đi đâu? Liệu có liên quan gì đến cái tà thuật kia hay không?”.

Đỗ Tờ chân nhân nói ngay:

“Tà thuật đó phải dùng trinh nữ làm thổ linh thần chủ. Tôi biết phép ấy thực ra cũng là thuật hãm vong, nên cũng có thời hạn của nó, phụ thuộc vào vận khí của cuộc đất nơi chôn giấu. Tôi đã tới tận nơi xem xét, thấy cuộc đất chỗ hồ Trầm Vàng có thế “bán kỉ địa”, vận khí chỉ khoảng sáu hoa giáp, tức là trong vòng 360 năm thì hết vận, vong thần giữ của tự nhiên sẽ được giải thoát, đầu thai trở lại làm một bậc tuyệt thế giai nhân. Tính từ thời Ngô vương đến nay thì cũng chừng ấy năm rồi, tức là chỗ đó đã hết vận. Tên hậu duệ của họ Độc kia chắc cũng biết điều đó, nên đã theo chân quân Thát sang đây để đào lên, mang đi giấu ở chỗ khác, tất lại phải tìm trinh nữ để làm thổ linh thần chủ chăng?”.

Vương Ngọc hòa thượng chợt tỏ rõ mọi chuyện. Bèn nói:

“Nếu quả như thế thì nguy cho Ngọc Tú Anh cô nương của nhà họ Nguyễn quá. Tôi đồ rằng giặc Thát vào cướp lần này, không quá ba tháng sẽ bị quan quân ta đánh đuổi. Tên họ Độc kia chắc cũng đề phòng trước việc ấy, nên mới phải chuyển kho vàng đi chỗ khác…”.

Giờ đến lượt Đỗ Tờ chân nhân trầm ngâm:

“Vậy thì ta phải nghĩ cách phá mưu của nó mới được, vừa cứu được Ngọc Tú Anh cô nương, vừa cướp lại số vàng mà tổ tiên hắn đã cướp của dân ta để dùng cho việc quân lương… Nhưng… làm cách nào để biết tên họ Độc kia hiện đang ở trại nào?”.

Đỗ Tờ chân nhân vừa nói tới đây, thì từ phía trong hậu đường, xuất hiện một cụ già có gương mặt hồng như ngọc, mái tóc bạc trắng muốt, phủ kín hai vai, râu dài tới rốn khoan thai bước ra, vừa đi vừa nói :

“Có cách rồi, có cách rồi… Khà khà…”.

Rồi cụ chỉ tay xuống dưới thềm, nói tiếp:

“Hai đứa ngươi còn chờ gì nữa? Sao không lên đây ra mắt sư phụ?”.

Ngọc Tuấn và Đăng Tiến giật nảy mình, biết cụ già tóc bạc trỏ mình, liền theo nhau líu ríu bước lên, chắp tay cúi đầu chào hai vị bô lão. Cụ già kia chính là Tiêu Dao thiền sư. Đỗ Tờ chân nhân và Vương Ngọc hòa thượng nom thấy cũng vội vàng đứng dậy, vòng tay, cúi đầu thi lễ.

Đỗ Tờ chân nhân nom thấy Ngọc Tuấn thì nhận ra ngay, chính là thằng bé con nhà họ Phạm ở Thường Tín ngày trước, mà chính mình đã dán bối phù phù ở sau lưng nó, giờ đã đủ duyên để thầy trò gặp nhau ở đây. Lại nghĩ đến câu chuyện còn đang dở dang, bèn quay sang hỏi Tiêu Dao thiền sư:

“Bạch thánh tăng, muốn phá mưu của tên Hán tặc họ Độc kia thì theo Ngài, bây giờ phải làm như thế nào?”

Thiền sư trỏ Đăng Tiến mà bảo, nhân tiện giới thiệu:

“Tiểu tử này là đồ tôn của bần tăng, được sư phụ của hắn từ dưới chùa Tháp sai tìm đến đây gặp bần tăng. Tối mai sẽ có người dẫn y và tiểu tử kia (trỏ sang Ngọc Tuấn) đến chỗ tên họ Độc, không phải ở trong trại quân Thát, mà ở ngay trong thành…”.

Đăng Tiến nghe nói liền quỳ sụp xuống đảnh lễ, dập đầu lạy sư tổ ba lạy, rồi đem cả túi gấm và cái bị đựng oản dâng lên. Tiêu Dao thiền sư đỡ lấy, bỏ túi gấm vào trong ống tay áo, đem chiếc bị đựng oản ra chia làm đôi, một nửa đưa lại cho Đăng Tiến, bảo cứ giữ lấy, nửa còn lại đưa cho Ngọc Tuấn, đoạn bảo với mọi người:

“Đây là số oản, mà đệ tử của bần tăng là Mâu Giác hòa thượng đã trì chú biến thực chân ngôn, một biến ra trăm, trăm biến ra nghìn, nghìn biến ra vạn… có thể dùng làm lương thực để nuôi quân, đến mùa sau mới hết…”.

Đỗ Tờ chân nhân nghe thiền sư nói thì lấy làm phục lắm, bụng nghĩ Phật Pháp quả là vô biên. Rồi cùng với thiền sư và Vương Ngọc hòa thượng ngồi bàn kế phá âm mưu của họ Độc, đồng thời làm nội ứng cho quan quân của hai vua Trần nay mai sẽ quay trở lại đánh đuổi bọn giặc Thát.

Ngọc Tuấn và Đăng Tiến chắp tay đứng hầu hai bên, nghe Ngài cắt đặt:

“Ngọc Tuấn sẽ mang oản phân phát cho các toán quân và dân binh, hiện vẫn phục ở quanh Kinh thành để ngăn chặn giặc Thát không cho chúng tỏa ra cướp bóc lương thực…”.

Quay sang Đăng Tiến, Ngài căn dặn:

“Con sẽ theo dõi nhất cử nhất động của bọn Hán tặc, cầm đầu là tên họ Độc. Trong lúc hành tà thuật, bọn chúng tất sẽ đội nón Ma Di, có chóp màu đỏ. Cứ thế mà nhận diện, sẽ tùy cơ ứng biến…”.

Ngọc Tuấn và Đăng Tiến cùng nhất nhất vâng lời. Nhưng suốt đêm hôm ấy, hai cu cậu cứ trằn trọc không ngủ được. Không biết tên họ Độc kia và lũ Hán tặc hiện ở đâu mà theo dõi. Sư tổ nói tối mai sẽ có người dẫn đi, vậy người đó là ai? Đăng Tiến trong lòng thắc mắc lắm, song cũng không dám hỏi.

Sáng sớm hôm sau, vừa ra khỏi phòng, Đăng Tiến bỗng nghe có tiếng chim sẻ rúc rích ở trên tán cây. Thì ra vẫn đôi chim ấy. Chúng bảo nhau: “Nón có chóp đỏ, nón có chóp đỏ…”. Đăng Tiến thấy nói đến nón có chóp đỏ thì giật mình, tỉnh ngộ ngay lập tức. Thì ra “người ấy”, chính là đôi chim này, chúng sẽ dẫn đường tới chỗ bọn Hán tặc.

Tối hôm ấy, đôi chim sẻ bay trước, dẫn Đăng Tiến và Ngọc Tuấn vòng sang phía cửa Đông, có một cây nhãn rất to, cành vươn vào trong thành, hai cậu thoăn thoắt trèo lên. Vào trong thành rồi, len lỏi một hồi nữa, thì tới một dinh cơ lớn, xung quanh là một rừng cây cổ thụ. Nguyên là dinh quan Thừa tuyên sứ Kinh thành, giờ bị bọn người Hán chiếm lấy làm sào huyệt, chỗ nào cũng có lính tốt đỏ cầm dáo đứng canh.

Đôi chim sẻ lúc bay là là, lúc nhảy nhót trên mặt đất dẫn đường tránh bọn tốt đỏ, tới sát bức tường phía hậu thất thì chúng bay vọt lên mái nhà. Đăng Tiến và Ngọc Tuấn nép người tính toán một lát, rồi công kênh nhau trèo lên. Đôi chim sẻ đã chờ sẵn. Chúng dẫn hai cậu bò trên mái ngói, tới một góc tít phía xa thì dừng lại. Hai cậu thận trọng gỡ mấy lớp ngói thì một lỗ thủng hiện ra. Bên dưới đỏ lòe ánh sáng của mấy ngọn đình lạp, có mấy tên Hán tặc đứng canh, nhưng… có một cô bé đang khóc.

Cô bé ngồi trên một chiếc ghế chạm hình bát quái, trên mình mặc bộ quần áo bằng vải lụa đỏ sặc sỡ. Người run như cầy sấy, nước mắt chảy dài. Một lão già người Hán đội mũ Ma Di, trên tay cầm một xấp lụa, tiến đến vỗ nhẹ lên lưng cô bé rồi ghé tai cô thì thầm điều gì đấy…

“Đó đích thị là Ngọc Tú Anh cô nương, còn kia là lão phù thủy…” – Đăng Tiến nghĩ thầm, bụng xót thương cô bé. Còn Ngọc Tuấn thì nghiến răng lại, máu anh hùng nổi lên, muốn nhảy ngay xuống cứu cô bé. Nhưng… sức hai cậu nhóc thì khác gì lấy trứng chọi đá?

Vừa lúc ấy, cặp chim sẻ nhảy tới, lấy mỏ gại gại vào gan bàn chân, nhắc hai cậu đã đến lúc phải trở về. Trở ra đúng lối cũ, ngược lại với lối đột nhập vào bên trong. Hai cậu trở về chùa, đem mọi việc thuật lại cho Đỗ Tờ chân nhân và Vương Ngọc hòa thượng nghe.

Đỗ Tờ chân nhân nói:

“Phép “Thủ Tài thổ linh thần chủ” (phong thần giữ của) là chuyện của hàng trăm năm sau, cho nên ngoài việc dựa vào phong thủy để tìm đất, còn phải đánh dấu chỗ chôn là việc quan trọng nhất. Lấy núi để đánh dấu thì quanh đây không có núi, dùng cây cỏ, sông bãi… thì không được lâu dài, vì đất luôn luôn thay đổi. Chỉ có trời là tĩnh, kẻ kia tất sẽ dùng thiên văn để đánh dấu. Cho nên thường chọn đúng đêm rằm. Còn mấy ngày nữa là đến rằm tháng Ba, có lẽ chúng sẽ chờ đến ngày đó, mới đem trinh nữ đi hạ thổ. Vậy ta sẽ cho người bí mật bám theo, xem chúng đặt hầm giữ của ở chỗ nào…”.

Vương Ngọc hòa thượng nghe bàn gật gù :

“Ông nói đúng lắm, đúng lắm”.

Riêng tiểu đồ Ngọc Tuấn thì tỏ ra hơi sốt ruột, cất giọng thảng thốt:

“Tại sao ta không cứu ngay Ngọc Tú Anh cô nương?”.

Vương Ngọc hòa thượng mỉm cười, xoa đầu Ngọc Tuấn, ôn tồn bảo:

“Sức ta ở trong thành chỉ có mấy người, làm sao địch lại bọn Hán tặc. Vả lại nếu làm kinh động bọn chúng, thì sao ta có thể đoạt lại số của cải kia để dùng vào việc quân?”.

Đỗ Tờ chân nhân tiếp lời, bảo Ngọc Tuấn:

“Tên họ Độc kia đã định dùng Ngọc Tú Anh cô nương làm thần giữ của, thì tất sẽ không dám làm hại gì đến cô ấy đâu. Nay ta phải nhân kế nó mà làm kế mình. Đợi lúc chúng bế môn (đóng cửa hầm), thì bấy giờ ta mới có thể cứu cô ấy được. Nếu hấp tấp, sẽ hỏng mất việc đại sự.”

Ngọc Tuấn nghe nói mới tạm yên lòng. Chú tiểu Đăng Tiến đứng bên cạnh, biết các vị sư phụ đã trù liệu đâu vào đấy cả rồi, nên cũng yên tâm không nói gì.

Sáng hôm sau, Đỗ Tờ chân nhân gọi Ngọc Tuấn dậy, cho mặc trang phục tiểu đạo sĩ, đầu đội một chiếc nón tre rộng vành, vai khoác chiếc bị đựng oản, sai nhằm thẳng hướng Nam, ra ngoài kinh thành tìm cách liên lạc với các nghĩa binh ở đó. Ngọc Tuấn vâng lệnh ra đi, đến Cửa Nam thì gặp một toán binh lính người Thát, tên nào tên nấy mặt vàng như nghệ vì mất ngủ và đói ăn. Bất chấp tiểu đạo sĩ, bọn ấy chặn Ngọc Tuấn lại, giật chiếc bị trên vai, mở ra thấy toàn là oản, mắt chúng sáng lên, liền tranh nhau thò tay vào bốc, đưa lên miệng cắn, chả kịp bóc vỏ. Bỗng “cốp”, “cốp”… như cắn phải đá, tên nào tên nấy bị mẻ cả răng, ê cả hàm, có tên còn rú lên, sủa sủa với nhau một hồi rồi vứt trả lại, bỏ đấy mà đi.

Ngọc Tuấn thu hồi chỗ oản vung vãi bỏ vào trong bị, lại thong thả kéo chiếc nón sụp xuống mặt, rồi cắm đầu đi tiếp về phía Nam. Tới gần động Cổ Liệt thuộc khu vực Kẻ Sét, bỗng nghe tiếng hò reo, huyên náo cả một góc trời. Đang có cuộc đụng độ dữ đội giữa giặc Thát và dân binh Kẻ Sét. Hai bên dàn quân, gươm dáo tua tủa, cách nhau chừng vài chục trượng. Ở giữa là hai chiến tướng đang quần nhau.

Viên tướng người Việt tên là Trần Thông cởi trần, cưỡi con ngựa ô nhỏ như con bê, bắp vai cuồn cuộn, nổi lên hai chữ “SÁT THÁT”, hai tay sử một ngọn dáo dài, gần gấp ba lần chiều dài con ngựa. Viên tướng người Thát tên là Mã Vinh mặc giáp trụ sáng quắc, cưỡi con ngựa tía to cao lừng lững, tay đao tay mộc bổ xuống liên tục, lại thêm sức của con ngựa tía mạnh như xoáy lốc, phi vòng xung quanh, khiến Trần Thông gần như chôn chân tại chỗ, chỉ biết quay mình chống đỡ đủ bốn hướng, con ngựa ô dường như cũng kiệt sức, sắp quỵ đến nơi.

Ngọc Tuấn trợn mắt đứng xem, quên cả nguy hiểm. Bỗng ánh mắt con ngựa tía quét đến, gặp ngay ánh quang minh từ đôi mắt của Ngọc Tuấn từ trong thần thức phóng ra, buột miệng hô lên một tiếng: “Xích Mã”… khiến con ngựa tía khựng lại đột ngột, dựng đứng hai vó trước lên, hất văng Mã Vinh xuống đất. Không bỏ lỡ cơ hội, Trần Thông xông ngay tới, xọc ngọn dáo vào giữa ngực Mã Vinh, ghim chặt xuống đất.

Ngay lập tức, dân binh ùa lên, tiếng reo dậy đất, quân Thát thấy mất chủ tướng, liền quay đầu, quăng dáo bỏ chạy, bị dân binh đuổi đánh tơi bời, tới tận bờ sông Hồng, chỉ còn vài mống bơi thoát được sang bờ Bắc, nơi đóng thủy trại của giặc Thát.

Con Xích Mã hất Mã Vinh xuống đất, rồi chạy ngay tới trước mặt Ngọc Tuấn, quỳ mọp hai chân trước, như gặp lại cố nhân. Con ngựa chẳng phải ai xa lạ, kiếp trước nó chính là vị Dạ Ma thiên ngồi bên tả Ngọc Tuấn ở trong cung Ngọc.

Lúc ấy Ngọc Tuấn thoáng chút kinh ngạc, song cũng bước tới xoa đầu, nắm cương dắt nó đến trao cho Trần Thông. Trần Thông biết có thần nhân giúp đỡ thì trong bụng mừng lắm, miệng hết lời khen ngợi tiểu đạo sĩ, ngỏ ý muốn mời đi theo trong quân. Ngọc Tuấn vui vẻ nhận lời, lại đem chiếc bị đựng oản ra, tự tay phân phát, khao dân binh một bữa no nê, sức lực tăng lên gấp bội, mà bị oản vẫn còn đầy…

Ở chùa Phùng, Đăng Tiến vẫn cùng đôi chim sẻ theo dõi mọi động tĩnh của bọn người Hán, cầm đầu là tên họ Độc. Quả nhiên đúng đêm rằm tháng Ba, trời không một gợn mây, trăng sáng vằng vặc, càng làm tăng vẻ lạnh lẽo, vắng vẻ giữa thời loạn lạc. Bọn người Hán bí mật ngậm tăm rời ra ngoài thành, vòng trong vòng ngoài, xúm xít bảo vệ một cỗ kiệu khiêng ở giữa.

Tới bờ sông Hồng, cả bọn xuống một chiếc thuyền lớn đã đậu sẵn, chèo xuôi theo dòng sông. Ở trên bờ, Đăng Tiến lặng lẽ bám theo. Thuyền chèo được khoảng chục dặm thì dừng lại, bẻ lái về phía bờ Bắc. Đăng Tiến cũng rẽ xuống sông, đang nghĩ sẽ phải bơi qua sông, thì bất ngờ có một chiếc thuyền nhỏ chèo tới. Trên thuyền là một ông lão đội nón không nhìn rõ mặt. Ông lão ra hiệu bảo Đăng Tiến xuống thuyền. Ông lão bí ẩn đưa Đăng Tiến sang sông, mái chèo khua dưới nước không một tiếng động.

Sang tới bờ sông bên kia, Đăng Tiến bí mật bám theo bọn người Hán đi hết bãi sông, vượt qua bờ đê rồi ngoằn ngoèo thêm một đoạn nữa. Tới giữa một khu đất rộng chừng vài mẫu, có nổi lên năm cái gò thì chúng dừng lại, hạ chiếc kiệu xuống. Năm cái gò xếp theo hình vòng tròn, gò cao nhất, ngay cạnh chỗ đặt chiếc kiệu nằm ở giữa, xung quanh có bốn cái gò thấp hơn, cây cối mọc um tùm.

Một tên Hán già mặc bộ quần chùng áo dài màu đen, hai ống tay áo thả ròng xuống đến mấy tấc, đầu đội chiếc nón Ma Di chóp đỏ. Bọn kia cũng tự động chia làm hai hàng, lặng lẽ ngồi xuống, miệng vẫn ngậm tăm. Tên Hán già lấy trong người ra một miếng da đã thuộc mềm mại, trên đó có vẽ những nét loằng ngoằng trải xuống đất, lại lấy ra một chiếc gương tròn vành vạnh, đặt vào giữa tấm da, một chiếc mâm đồng bày thủ lợn, hoa quả… đốt một lò hương trầm rồi quỳ xuống, chắp tay, miệng lâm râm đọc thần chú…

Lão Hán già trì chú khá lâu, khiến Đăng Tiến đã bắt đầu cảm thấy sốt ruột. Bỗng thấy chiếc gương đặt trên tấm da thuộc sáng lóe lên, bóng trăng đã vừa vặn trùng khít với mặt gương, bấy giờ là đúng nửa đêm. Bọn người Hán rùng rùng đứng dậy, chậm rãi đi vòng quanh gò, một số tên chia theo phương vị của thất tinh mà đứng. Bấy giờ Đăng Tiến mới để ý, thấy bọn đứng tắp gồm bảy tên cũng đội nón có chóp đỏ, bọn còn lại đầu đen, chuyển động theo vòng tròn. Lão Hán già vẫn rì rầm đọc chú, Đăng Tiến cố dỏng tai nghe, nhưng chịu chả hiểu gì. Bỗng tên Hán già quát lên mấy tiếng, giọng đanh sắc: “Cấp cấp như luật lệnh…”. Lập tức, cách chiếc gương khoảng vài trượng theo hướng chính Bắc, đúng giữa sườn gò có một cửa hầm từ từ mở ra, có ánh sáng lập lòe từ bên trong. Thì ra chúng đã cấp tốc xây chiếc hầm này từ bao giờ. Đăng Tiến kinh ngạc nghĩ bụng.

Nhẽ ra thì theo dõi đến đây, Đăng Tiến đã có thể ra về, bởi Vương Ngọc hòa thượng dặn chỉ cần ghi nhớ kĩ vị trí cửa hầm, đợi đêm sau mới hành sự. Nhưng trí tò mò khiến Đăng Tiến cứ nấn ná ở lại để xem chúng còn diễn tiếp trò gì. Chúng khiêng cỗ kiệu, trong đó có Ngọc Tú Anh cô nương, lúc này đã bị xông thuốc mê xuống đặt ở dưới hầm. Lão Hán già đứng trước cửa hầm làm phép đọc chú bắt ấn, đầu tiên là “Bảo châu thủ ấn”, tiếp đến “Bảo kiếm thủ ấn”, rồi “Bạt chiết la thủ ấn”, và cuối cùng là “Tổng nhiếp thiên tý thủ ấn”. Cứ bắt xong mỗi “ấn”, lại thấy hô: “Cấp cấp như luật lệnh…” khiến Đăng Tiến mấy lần suýt giật nảy mình…

Gần sáng Đăng Tiến mới về tới chùa Phùng. Đem mọi việc đã chứng kiến thuật lại tỉ mỉ cho các vị bô lão nghe. Đỗ Tờ chân nhân mắt sáng lên, bảo ngay:

“Tôi có biết chỗ ấy. Đó là một cuộc đất thuộc hương Thổ Khối, có năm cái gò nên gọi là gò “Ngũ Nhạc”, ứng với ngũ hành. Gò chính giữa thuộc Thổ, gọi là Thổ Khâu, gò bên đông thuộc Mộc, gọi là Mộc Khâu, gò phía nam thuộc Hỏa, gọi là Hỏa khâu, gò phía tây thuộc Kim, gọi là Kim Khâu, gò phía bắc thuộc Thủy, gọi là Thủy Khâu. Cuộc đất ấy đủ một vòng ngũ hành, đó là thế “mãn kỉ địa”, cho nên vận khí khá bền, có thể kéo dài tới mười hai hoa giáp, tức là 720 năm. Tay phù thủy của nhà họ Độc quả có con mắt tinh tường…”.

Vương Ngọc hòa thượng nói:

“Ngọc Tú Anh cô nương chắc còn đang ngậm sâm, phải 100 ngày nữa mới bị chết, hóa thành vong thần giữ cửa. Vậy ngay đêm nay, ta bí mật cho người sang cứu và khai quật để lấy vàng có được không?”.

Đỗ Tờ chân nhân vội vàng xua tay:

“Ấy ấy, không được, tuyệt đối không được. Tà thuật này ngoài chuyện cho trinh nữ ngậm sâm, chúng còn phục một loại độc dược gọi là “Du hồn tán”, khiến người sống mà cũng như chết, vì không có linh hồn. Nếu ta cứu về mà không có thuốc giải độc, thì cũng vô ích thôi”.

Vương Ngọc hòa thượng hỏi:

“Vậy bây giờ phải làm thế nào?”.

Đỗ Tờ chân nhân trả lời:

“Tôi cũng đã trù liệu việc ấy. Phép này là thuật hãm vong nơi độc địa, cho nên trước khi bế môn (đóng cửa hầm), thì phải để ngỏ cửa hầm trong vòng ba ngày, chỉ ngụy trang che đậy, để khí âm dương hòa hợp, tiếp đó phải bày trận ngũ hành để làm lễ bồi hoàn địa mạch. Sau đó mới được lấp cửa vĩnh viễn. Trước khi lấp, chúng buộc phải cho Ngọc Tú Anh uống thuốc giải độc, để giải Du hồn tán, trả lại hồn vía cho trinh nữ, thì sau khi chết, vong trinh nữ mới biến thành linh thần giữ của được. Vậy ta phải làm thế này, thế này…”.

Tức là chỉ bí mật đánh tráo số vàng, còn Ngọc Tú Anh thì cứ để nguyên đấy, phải chờ sau khi được giải độc rồi mới cứu ra. Vương Ngọc hòa thượng gật gù, hết sức tán thán mưu kế của Đỗ Tờ chân nhân.

Tối hôm ấy, hòa thượng gọi Đăng Tiến và chú tiểu trong chùa đến, sai hai người mang theo cả túi oản hôm trước, sang gò Ngũ Nhạc, đột nhập xuống hầm để lấy vàng, rồi đánh tráo chỗ oản vào. Sư dạy hai chú cách lột bùa, mở khóa…, lại dặn phải hết sức cẩn thận, tuyệt đối không làm suy suyển mảy may bất cứ thứ gì từ cửa hầm vào, sẽ khiến bọn Hán tặc nghi ngờ thì tính mệnh của Ngọc Tú Anh cô nương sẽ nguy mất.

Hai chú vâng lời, hăm hở khoác túi oản ra đi. Tới bờ sông, vẫn con thuyền nhỏ hôm trước và ông lão đội nón lá đã chờ sẵn. Ông lão ấy là ai? Đăng Tiến không biết và cũng không dám hỏi. Từ nhỏ sống trong chùa, chứng kiến những việc huyền cơ của ba vị sư phụ, thì chuyện này chắc cũng không ra khỏi huyền cơ của sư Tổ là Tiêu Dao thiền sư. Thật khá khen cho chú tiểu Đăng Tiến, tuổi còn nhỏ mà thập tín đã vẹn toàn.

Căn hầm nhỏ chỉ chừng bằng hai manh chiếu, trần thấp đụng đầu người lớn, xung quanh là tường gạch xây bằng vữa trộn mật. Dưới ánh sáng run rẩy của ngọn bạch lạp, mùi hương trầm vẫn ngào ngạt, hai chú tiểu nom thấy ngay cô bé Ngọc Tú Anh đang ngồi dựa lưng vào vách, xung quanh bày la liệt những hình nộm lòe loẹt và quái dị, như đồ chơi của trẻ con. Bên cạnh đó đặt một chiếc hòm to, có dán giấy ngũ sắc. Động vào chiếc hòm thấy nặng như một tảng đá nguyên khối, hai chú vội làm theo đúng hướng dẫn của Vương Ngọc hòa thượng thì mở được nắp hòm ra. Bên trong vàng chóe, chất đầy những thỏi vàng. Không chần chừ, hai cậu chuyền tay nhau bê những thỏi vàng ra, rồi lấy túi oản dốc ngược, đổ hết vào trong hòm. Xong xuôi đậy nắp hòm lại rồi dán bùa trả lại như cũ. Chiếc hòm chứa túi oản lạ thay, vẫn nặng trịch y như cũ.

Hì hục mấy chuyến, hai chú mới khuân được hết số vàng ra bên ngoài. Trước khi quay về, Đăng Tiến ngần ngừ đứng lại một lát, nhìn Ngọc Tú Anh cô nương. Cô bé như thiên thần ngồi hơi ngửa đầu, mắt nhắm tịt như người đang ngủ, đôi môi đỏ như son đang mím chặt, ngực hơi phập phồng thở nhẹ. Giá không có cái món “Du hồn tán” của bọn quỷ Hán kia, thì cậu đã mang cô bé ra khỏi hầm ngay lúc này. Đăng Tiến nghĩ thầm, rồi lẩm nhẩm như khấn thầm, nói với cô bé: “Cô nương hãy chịu khó ngồi ở đây mấy hôm nhé. Chờ đuổi giặc xong rồi chúng tôi sẽ trở lại đây để cứu cô…”.

Số vàng mang về, cân lên được hơn tám ngàn cân. Vương Ngọc hòa thượng lập tức liên lạc với người của triều đình, đem giao hết cho quan quân, thế mới gọi là “châu về Hợp Phố”. Chú tiểu Đăng Tiến vẫn canh cánh lo việc tráo vàng hôm trước, nếu có gì sơ xuất, sẽ ảnh hưởng tới an nguy của Ngọc Tú Anh cô nương. Đêm thứ ba cậu lại bí mật tới gò Ngũ Nhạc, rình xem phản ứng của bọn Hán tặc kia thế nào. Thì may quá, chúng không hề nghi ngờ điều gì, vẫn làm lễ bế môn và bày trận ngũ hành để hoàn trả địa mạch…

Nói về tiểu đạo đồng Ngọc Tuấn. Từ khi đánh thắng trận Cổ Liệt, giết được tướng giặc là Mã Vinh, lại cướp được con ngựa Xích Mã, Trần Thông tướng quân quý Ngọc Tuấn lắm, giữ rịt luôn bên cạnh, cho theo đi đánh mấy trận nữa đều toàn thắng. Quân Thát bấy giờ không dám quấy nhiễu dân chúng xung quanh thành nữa, phải rút hết sang bờ bên kia sông Hồng lập trại, trên thì cắm lều san sát, dưới thì lập thủy trại ra đến giữa sông, dài đến mấy dặm.

Trần Thông nhận được lệnh từ Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại vương, sai thám thính kĩ trại giặc, chuẩn bị đón đại quân tiến ra, đánh trận một quyết định. Một buổi tối, Trần Thông cùng Ngọc Tuấn trèo lên lưng con ngựa tía, phi một mạch ra bờ sông, đứng trên bờ đê ngắm thủy trại giặc, toàn những thuyền lớn, to như cả tòa nhà, mũi cong như mái đình, đậu san sát như lá tre. Làm cách nào xâm nhập để thám thính đây? Như đoán được ý của chủ tướng, Ngọc Tuấn ngồi sau lưng nói ngay: “Tôi có thể một mình bơi vào giữa trại giặc”. Trần Thông giật mình quay lại hỏi: “Ngươi có chắc không?”. Ngọc Tuấn khảng khái: “Xin cứ cho tôi xuống nước thử một phen”.

Ngọc Tuấn trườn xuống sông, như cá gặp nước, sẵn thuật thiền trôi nhờ có bối phù phù, liền chìm ngay dưới mặt nước, lừ lừ trôi vào thủy trại giặc. Len lỏi một hồi, đếm từng chiếc to, chiếc nhỏ, nhớ rõ từng vị trí… Đến khi thấy soái thuyền (thuyền chỉ huy) thì mừng quá, ngỏng hẳn đầu lên quan sát, thấy viên tướng người Thát vẫn mặc giáp phục, đứng sừng sững giữa thuyền truyền lệnh, xung quanh xúm xít một lũ quan tướng theo hầu.

Bỗng thấy bọn lính xô nhau chạy ra mạn thuyền, hò hét loạn xạ, thi nhau trỏ tay xuống nước. Thì ra Ngọc Tuấn quên rằng cái việc ngỏng đầu lên đã tạo ra sóng nhẹ, khiến bọn lính canh phát hiện ra có người đột nhập. Lập tức lưới được giăng ra, các thủy binh thiện chiến thi nhau cầm trủy thủ nhảy xuống. Ngọc Tuấn thấy nguy, bèn bơi lộn trở ra. Tới giữa sông thì gặp ngay tấm lưới. Loay hoay chưa biết cách nào để vượt qua, thì thủy binh giặc đã đuổi đến, sóng nước của chúng đã quạt đến sau lưng. Ngọc Tuấn liền vội vàng hớp một hơi rồi lặn xuống đáy sông, tính vén lưới lên để chui qua.

Bỗng cảm thấy lờ mờ một luồng ánh sáng màu vàng, mở to mắt nhìn kĩ, thì ra ánh sáng ấy từ thân một con rồng vàng phát ra, con rồng đang ngủ say. Nhìn thấy cái đầu con rồng có mào và râu to bằng sợi thừng, Ngọc Tuấn bỗng buột ra một tiếng, cũng từ trong tiềm thức: “Hoàng Long”.

Kì lạ thay, cũng y như tiếng hô “Xích Mã” ở Cổ Liệt hôm trước. Con rồng vàng nghe tiếng hô bỗng sực tỉnh, mở mắt thấy Ngọc Tuấn, nó chừng như nhận ra nguời quen cũ, liền vươn cổ uốn mình, cuộn lấy Ngọc Tuấn. Ngọc Tuấn chẳng kịp suy nghĩ gì nữa, vội ôm cổ con rồng, nhảy ngay lên lưng nó. Con rồng vàng cũng chẳng phải ai xa lạ. Kiếp trước nó chính là vị Dạ Ma thiên ngồi bên hữu Ngọc Tuấn ở trong cung Ngọc.

Hoàng Long tung mình phóng lên mặt nước, quật đuôi lia lịa, hết bên phải lại bên trái, đập chết một lũ thủy binh người Thát đang đuổi theo, xác nổi lều bều, rồi lướt nhanh xuống phía Nam, vẫn mang Ngọc Tuấn ở trên lưng. Đứng trên bờ, Trần Thông nom rõ Ngọc Tuấn, vì lưng rồng phát ra ánh sáng, liền phóng ngựa chạy theo. Lướt xa hẳn thủy trại giặc rồi, con rồng dừng lại, quay mình đưa Ngọc Tuấn vào bờ…

Ngọc Tuấn đem tình hình thủy trại giặc kể lại chi tiết. Trần Thông mừng lắm, vẽ lại thành bản đồ, sai ngựa trạm dâng lên Quốc Công tiết chế. Chỉ mấy ngày sau, đại quân thủy bộ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh vương Trần Tung kéo ra, phá tan trại giặc, đuổi chúng chạy tít về phương Bắc. Kinh sư sạch bóng quân thù…

Ngọc Tuấn trở về chùa Phùng gặp lại Đăng Tiến và các vị sư phụ, việc đầu tiên là cùng với Đăng Tiến, dẫn một toán thanh niên, trai tráng, mang theo dụng cụ khai quật, sang gò Ngũ Nhạc để cứu Ngọc Tú Anh cô nương.

Nhưng… Than ôi! Gò Ngũ Nhạc vẫn còn đấy, tám nghìn cân vàng kia là có thật, cả bọn Hán tặc… cũng đều có thật, mà mọi chuyện cứ như một giấc mơ. Suốt cả ngày trời, bao nhiêu người đào tung cả cái gò lên, mà cửa hầm vẫn tuyệt nhiên không thấy. Ngọc Tú Anh cô nương không còn nữa, đã biến thành vong thần giữ cửa từ lúc nào…

Ngọc Tuấn và Đăng Tiến thất thểu trở về chùa. Đỗ Tờ chân nhân và Vương Ngọc hòa thượng đang ngồi trầm ngâm ở bái đường, gương mặt cực kì nghiêm trọng. Hai vị chắc cũng đã biết chuyện, làm hai cậu nhìn thấy thế cũng phải khóc rống lên. Hồi lâu, Đỗ Tờ chân nhân mới cất lên mấy tiếng bảo với hai cậu:

“Không ngờ tên họ Độc kia cũng trù tính giặc Thát giữ thành không quá nổi trăm ngày. Nên hắn đã tăng liều lượng của Du hồn tán, lại giảm bớt nhân sâm, khiến Tú Anh cô nương thay vì sống được trăm ngày, thì chỉ còn sống được trăm canh giờ nên chúng ta đã không đến kịp…”.

Rồi quay sang Vương Ngọc hòa thượng, Đỗ Tờ chân nhân ngậm ngùi bảo:

“Đó là lỗi của tôi đã không ngờ tới việc đó..”.

Ngọc Tú Anh đã bị đọa làm vong thần, thì người trần mắt thịt sao có thể tìm được cửa hầm. Ngọc Tuấn nghĩ đến điều đó thì ôm mặt khóc nức nở. Đúng lúc ấy có tiếng nói từ phía hậu đường:

“Không cần phải tự trách. Chẳng qua là nghiệp quả cả thôi…”.

Đó là Tiêu Dao thiền sư đang từ trong hậu đường ung dung bước ra. Câu vừa rồi là Ngài nói với Đỗ Tờ chân nhân, rồi quay sang Ngọc Tuấn đang ôm mặt khóc, Ngài bảo:

“Con cũng chớ nên quá đau buồn. Con với Ngọc Tú Anh cô nương rồi sẽ có duyên đấy, thì lo gì không gặp lại nhau…”.

Ngọc Tuấn đang khóc, nghe nói bỗng ngưng phắt lại, hỏi luôn:

“Gặp là gặp như thế nào, làm sao gặp lại thưa sư Tổ?”.

Tiêu Dao thiền sư bảo:

“Cũng như con mới gặp ngựa tía (Xích Mã), và rồng vàng (Hoàng Long) gần đây đấy thôi. Chẳng phải đó chính là hai vị chư thiên ngồi bên tả và bên hữu ở trên cung Ngọc là gì?”.

Ngọc Tuấn nghe nói bỗng tỉnh ngộ. Thì ra ý của thiền sư nói kiếp sau mình sẽ gặp lại Ngọc Tú Anh cô nương. Nhưng phải chờ cho đến khi hết vận khí của cuộc đất ở hương Thổ Khối, tức là hơn 700 năm sau, thì Ngọc Tú Anh cô nương mới được giải thoát khỏi cái nghiệp vong thần, đầu thai trở lại làm tuyệt thế giai nhân. Khi đó mình sẽ là ai? Liệu có duyên gặp lại? Nghĩ đến đấy bỗng lại nổi cơn thương cảm. Thiền sư chừng như cũng đọc được ý nghĩ ấy, Ngài liền nói như an ủi:

“Đời người là vô thường. Thì trăm năm có khác gì một khảy móng tay…”.

Ngọc Tuấn nghe nói, lại lập tức vợi hẳn cơn buồn. Nhìn nét mặt Đăng Tiến đứng bên cạnh cũng đang hân hoan, biết đã đến lúc phải chia tay nhau, chợt nảy ra một ý nghĩ, Ngọc Tuấn liền hỏi thiền sư:

“Vậy con với Đăng Tiến, thì kiếp sau có liệu có gặp được nhau hay không?”.

Tiêu Dao thiền sư nhắm mắt ngưng thần một lát, như nhìn vào vị lai xa xăm rồi trả lời:

“Gặp được, nhưng các con phải đổi tên cho nhau…”.

Cả hai được câu ấy thì mừng rỡ, nhảy cẫng lên, lập tức vâng lời. Ngọc Tuấn từ nay thành Ngọc Tiến, Đăng Tiến từ này thành Đăng Tuấn. Rồi không ai bảo ai, cả hai cùng đồng thanh hỏi:

“Thế còn Sư Tổ? Gặp Sư Tổ là nhân duyên lớn trong muôn một. Liệu kiếp sau chúng con có còn gặp lại?”.

Tiêu Dao thiền sư cười khà khà:

“Có nguyện lực, thì tất sẽ gặp thôi…”.

“Khi đó chúng con biết sư Tổ là ai?” – Đăng Tuấn (vừa nãy là Đăng Tiến) cố gặng hỏi:

Tiêu Dao thiền sư không trả lời, chỉ cầm lấy bàn tay Đăng Tuấn ngửa ra, chấm ngón tay vào cốc nước, viết lên đó mấy chữ…

Rồi diễn ra cuộc chia tay. Đỗ Tờ chân nhân trở về động Già La, đem theo tiểu đạo đồng là Ngọc Tiến. Chú tiểu Đăng Tuấn xuôi về phía Nam, trở về chùa Tháp ở thôn Tức Mặc.

Về đến chùa vào lạy sư phụ xong, Mâu Giác hòa thượng bảo xòe bàn tay ra, thấy trên đó hiện lên mấy chữ: “Hoan Lạc Ca tôn giả”. Đăng Tuấn chưa hiểu thế nghĩa là gì, hỏi thì sư bảo:

“Đó là hậu thân của sư phụ ta (tức Tiêu Dao thiền sư) đấy. Nhớ được thì tất sẽ gặp…”.

P. L. V

(Còn tiếp)

Comments are closed.