Thiền trôi (kỳ 3)

Truyện Phạm Lưu Vũ

pham luu vu (2)

Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Hơn bảy trăm năm sau…

Dòng sông Hồng bao đời vẫn cong mình chảy qua kinh thành Hà Nội, nom tựa như chiếc vung úp lên chảo mỡ, lúc nào cũng sôi lục bục. Dòng chảy hình vòng cung ấy vừa ôm ấp, bảo vệ, vừa nuôi dưỡng khí phần Địa sát của Kinh thành. Đó là khí thiêng, theo dòng mà tán, trải khắp non sông, gặp duyên thì tụ, tụ lại rồi trào lên, nhân địa gọi là chỗ kết huyệt, quỷ địa gọi là nơi “âm lai dương thụ”, vì thế xung quanh lúc nào cũng có tám con quỷ chầu vào để hấp thu thổ khí. Tám con quỷ ấy lần lượt là: Mông, Sơ, Lập, Kiến, Hưng, Suy, Vong, Tận, có phương vị tựa như phương vị của Bát quái đồ.

Huyệt ấy là huyệt đế vương, các đời vua, chúa cũng theo đó mà lập nên, đời nào ứng với con quỷ nào làm chủ mệnh thì hưởng khí số của con quỷ ấy, cứ như thế mà quay vòng, mãi mãi không cùng.

Đời Lý bắt đầu từ Mông nên truyền đủ tám đời. Đời Lê (Lê Lợi) bắt đầu từ Sơ nên thực ra chỉ truyền đến đời thứ bảy… Nhân và quỷ thì đại khái như thế, song tất thảy đều từ tâm địa mà sinh, cho nên cũng không ra ngoài tâm địa. Khí phần Địa sát vốn trong sáng, thanh tịnh, song bao giờ cũng kèm theo trược khí. Vì thế đối với người lành thì đó là nơi bảo sát (lập nên nghiệp lớn), đối với kẻ tham thì đó là nơi hiểm địa (chôn vùi sự nghiệp)…

Bắt đầu vào cái chỗ uốn cong ấy, có một bãi tắm truồng của đàn ông Kinh thành. Trong bọn tắm truồng có Tiến trọc… Tiến trọc người phủ Thường Tín, sinh ra phải thời bịp bợm, lớn lên gặp buổi ăn gian, quỷ dối trá giăng thiên la địa võng, nuốt chửng Tiến trọc và mấy thế hệ của y vào cái bụng khổng lồ của nó. Nuốt vào rồi nhả ra, có khi béo tốt phương phi, trở thành kẻ ăn trên ngồi trốc…, có khi thành dở người, thân tàn ma dại, thế cũng còn may, bởi khối người chỉ còn lại một phần hài cốt…

Tiến trọc nằm trong số may mắn, một hôm ra bờ đê ngồi buồn, chứng kiến một đám tang đi về phía bên trái. Đám tang chậm rãi đếm từng bước, đoàn người kéo dài hết gần nửa bóng chiều. Tiếng kèn, trống, tiếng khóc não nề, âm u dội vào từng đốt xương. Tiến trọc kính cẩn đứng dậy, bỏ mũ cầm trong tay, cúi đầu chờ cho chiếc quan tài đi qua.

Bỗng từ trong đám những người đang khóc lóc phía sau chiếc quan tài ấy, phát ra những tiếng đấm đá, giằng co. Rồi một bóng người đội khăn trắng bị đẩy văng ra khỏi hàng, ngã lăn lông lốc xuống chân đê. Đám ma vẫn bình thản kéo đi. Tiến trọc kinh ngạc nhìn kẻ kia, lúc này đã lăn xuống sát mép nước, suýt nữa thì rơi tòm xuống sông. Gã đang lồm cồm bò dậy.

Tiến trọc thấy cám cảnh, bèn vẫy gã lại gần, ôn tồn hỏi han:

“Tôi hỏi khí không phải. Anh là con hay là cháu người chết, làm sao đang giữa lúc đau thương mà vẫn tranh cạnh với nhau để ra nông nỗi này?”.

Nét mặt còn đang hết sức tức tối, gã kia kể lể ngay với Tiến trọc, nửa như muốn thanh minh, nửa như muốn trút cơn giận:

“Tôi chẳng phải là con, là cháu gì của người chết cả, chỉ là một kẻ khóc thuê đấy thôi”.

Tiến trọc bất ngờ trước câu trả lời ấy, liền hỏi tiếp:

“Thế tạo sao anh lại bị đẩy ra khỏi hàng như thế?”.

Gã khóc thuê nhìn Tiến trọc ngượng nghịu:

“Thì tôi có biết khóc lóc gì đâu, chỉ là đội khăn, đứng lẫn vào đó rồi lẩm bẩm mồm, khóc câm đấy thôi. Ai ngờ bị bọn khóc thật nó phát hiện ra, chúng đẩy tôi ngã xuống đây. Ông thấy đấy, cùng thân phận khóc thuê cả với nhau, mà chúng nó nỡ giật miếng cơm ra khỏi mồm tôi. Tôi biết trong đó còn khối kẻ cũng đang khóc giả vờ như tôi mà có bị phát hiện đâu”.

Té ra là như vậy. Tiến trọc chưa biết nói thế nào với gã khóc thuê, thì bỗng từ giữa sông nghe đánh ùm một tiếng, nước dựng thành cột buồm. Có vật gì ở đâu đó vừa từ trên trời rơi xuống. Tiến trọc và gã khóc thuê giật nảy mình nhìn ra. Lát sau có một cái đầu đội mũ trồi lên khỏi mặt nước, thì ra cũng là một con người. Kẻ kia hình như cũng biết bơi. Gã nhanh chóng xác định phương hướng rồi bơi về phía bờ, nơi Tiến trọc và gã khóc thuê đang đứng. Tiến trọc chạy xuống, giúp gã leo lên bờ đê.

Bất ngờ, vừa nhìn thấy gã khóc thuê, gã kia đã buột miệng reo lên:

“Tao trông mày quen quá, quen khủng khiếp. Hình như đã từng gặp ở đâu rồi thì phải. Chẳng hay mày có nhận ra tao không?”.

Tiến trọc kinh ngạc nhìn toàn thân gã ướt lướt thướt như chuột. Cái mũ, bộ quần áo gã đang mặc tỏ ra là trang phục của những kẻ sang trọng giữa đời, gã rõ ràng không phải người vùng này. Phần gã khóc thuê kia thì hình như cũng chịu không nhớ ra. Bèn bảo với gã kia:

“Tao trông mày cũng rất quen. Nhưng bảo đã từng gặp ở đâu rồi thì tao xin chịu. Chẳng hay mày từ đâu rớt xuống đây?”.

Gã mới đến nhìn một lượt cả hai người rồi giải thích, giọng đột nhiên trở nên từ tốn:

“Tôi vốn là người thuộc gánh hát Thượng Đình”.

Tiến trọc giật nẩy mình khi nghe gã nhắc đến tên gánh hát Thượng Đình, bởi có ai lại không biết tới cái gánh hát lừng lẫy, sang trọng nhất nước ấy. Đó là một dàn đồng ca đông như một đội quân, có tới hàng nghìn người. Nhưng tại sao gã lại bị rơi xuống sông như thế này.

Đang định hỏi thì gã đã vừa trỏ tay lên trời, vừa kể lể:

“Gánh hát Thượng Đình vừa đi qua. Tôi bị chúng nó đẩy ra khỏi hàng, nên mới bị rơi xuống đây…”.

Bấy giờ Tiến trọc mới bắt đầu lờ mờ hiểu ra, bèn hỏi:

“Chúng nó là ai? Tạo sao anh lại bị chúng đẩy xuống đây?”.

Gã kia cũng tỏ ra ngượng ngùng, song giọng nói vẫn không giấu nổi vẻ tức tối:

“Chúng nó là bọn cũng hát thuê như tôi. Tôi tuy nằm trong gánh hát đó, nhưng nào có biết hát hò gì đâu. Song, như ông biết đấy, chốn Thượng Đình xưa nay chỉ nghe hát đồng ca mà thôi. Vì thế tôi mới chui vào, rồi cũng được phát áo mũ, cũng trang điểm theo đúng qui định của những loài xướng ca… Mỗi khi hát tôi cứ việc đứng lẫn trong gánh hát ấy mà lẩm bẩm miệng, hát câm đấy thôi. Không ngờ bị bọn hát thật phát hiện ra nên đẩy tôi xuống đây… Ông thấy đấy, cùng thân phận hát thuê cả với nhau, mà chúng nó nỡ giật miếng cơm ra khỏi miệng tôi. Tôi biết trong đó còn khối kẻ cũng đang hát giả vờ như tôi mà có bị phát hiện đâu”.

Thì ra là như vậy. Tiến trọc còn chưa hết kinh ngạc vì sự trùng hợp, dun rủi để cho một kẻ khóc thuê và một gã hát thuê cùng lúc đến kể lể thì vừa lúc ấy, có một đám cưới diễu qua. Đám cưới cũng đi trên mặt đê, nhưng về phía bên phải, ngược lại với hướng đi của đám ma lúc nãy. Tiến trọc nghe rõ tiếng họ đang nói chuyện với nhau:

“Đám này rước dâu có chọn giờ không đấy?”.

“Tất nhiên. Rước dâu bao giờ cũng phải chọn giờ tốt, có thế sau này con cháu mới đầy đàn, mới hy vọng được làm ông nọ, bà kia…”.

“Ôi dào! Giờ tốt với chả giờ tiếc. Hai làng cứ cưới qua, cưới lại mãi, đám nào cũng đi qua con đê này, đám nào cũng chọn giờ tốt. Thế mà vẫn truyền đời làm những kẻ đóng thuế, có bao giờ thay đổi được kiếp nào đâu?”.

“Thế mới gọi là hy vọng chứ sao. Hy vọng là cái thứ vĩnh cửu, không bao giờ đạt được đối với mọi kẻ đóng thuế chúng ta, kể cả những lúc phải đóng thuế bằng xương máu. Thế thì trong đời tất phải có những người được độc quyền đẻ ra những kẻ thu thuế chứ nhỉ?”.

“Tất nhiên. Đó là do cái học thuyết gì gì ấy nó quy định như vậy. Té ra giờ tốt là cái mà bọn thầy bà bịa ra, cốt để bịp mọi người đấy hẳn?”.

“Bọn thầy bà thì làm gì có học thuyết mà bảo chúng bịa. Có giờ tốt thật đấy. Lũ đàn bà chúng tôi biết rõ lắm. Song giờ nào thì cũng chỉ có hai cái vòi, một vòi đẻ ra những kẻ khôn ngoan, có thể làm nên ông nọ, bà kia, đè đầu cưỡi cổ dân lành…, một vòi chỉ đẻ ra toàn dân ngu, với lại khu đen. Trong khi cái vòi đẻ ra kẻ khôn ngoan thì cả làng ai cũng bị thiến từ lúc mới lọt lòng mất rồi. Thành ra…”.

Nghe đến đây, bỗng Tiến trọc lại giật mình, trong lòng cồn lên một nỗi xót xa cho cả cái đám này. Té ra, xưa nay họ vốn đã bị thiến sẵn cái khả năng đẻ ra những kiếp sung sướng từ lúc mới lọt lòng mất rồi, chỉ chừa lại mỗi hy vọng là vĩnh cửu mà thôi. Rồi thở dài quay về phía hai gã vừa kể lể lúc nãy. Bỗng Tiến trọc lại giật mình lần nữa, người vừa bị đẩy ra từ một đám khóc thuê, và người rơi xuống từ một gánh hát Thượng Đình, bỗng chốc chỉ còn lại một người, không biết là ai. Cứ như thể cả hai vừa nhập lại làm một.

Và bây giờ, cả gã cũng thấy quen, quen khủng khiếp… Quen mà không nhớ ra, đành phải hỏi:

“Ông tên gì?”.

“Tôi họ Trần, tên Đăng Tuấn” – người kia trả lời.

Tiến trọc nghe đến cái tên Đăng Tuấn thì rùng mình, như có gì cộng hưởng từ trong tiềm thức. Liền bá vai bá cổ, rủ nhau xuống tắm sông. Tiến trọc tụt quần, khom người rút chiếc quần đùi ra khỏi hai chân, Đăng Tuấn đứng phía sau, nom thấy chỗ hõm cuối cùng của thắt lưng, đúng chỗ cổng đít của Tiến trọc có ba nét sổ, hình chữ “xuyên” () thì hơi ngạc nhiên, song nhất thời chưa nhận ra đó là cái gì.

Cả hai xuống sông vùng vẫy, nước sông Hồng chảy quanh năm mà mùa Đông thì ấm, như được hâm nóng, mùa Hạ thì mát, như được quạt nguội. Bấy giờ đã chuyển sang thời mạt thế, con quỷ canh giữ long mạch ở kinh thành ứng với chữ “Vong” (). Tiến trọc muốn khoe tài với bạn mới, liền nằm ngửa thẳng cẳng trên mặt nước rồi từ từ chìm xuống, thò đúng hai nửa lỗ mũi lên, cứ bất động như thế, theo dòng mà trôi…

Bỗng thấy ở phía trên đỉnh sông Hồng xuất hiện một đám đông gồm 18 người đang múa may, cãi lộn chí chóe, có anh còn động thủ sau lưng nhau… Ngồi phía trên là một lão đạo sĩ cao lều nghều, râu ria lởm chởm, có vẻ lão đang dùng chiếc phất trần cầm trong tay điều khiển đám 18 con rối này. Nom thấy lão quen quen,

Tiến trọc bèn nhảy ngay lên, đến bên cạnh vòng tay thi lễ, hỏi họ tên, lão đạo sĩ bảo:

“Ta là Đỗ Tờ chân nhân”.

Tiến trọc nghe đến cái tên ấy lại rùng mình cái nữa. Mau mồm hỏi tiếp ngay:

“Tôi nhìn ông thấy quen quen, chẳng hay ông với tôi có nhân duyên gì?”.

Đỗ Tờ chân nhân cười ha hả, liền lấy tay vỗ vào lưng Tiến trọc, chỗ có chữ “Xuyên” mà bảo:

“Thì ta chả là người dán cái “bối phù phù” này vào lưng ngươi là gì? Nhờ nó ngươi mới nổi được ở dưới mặt nước đấy…”.

Tiến trọc giật mình, cái vỗ mông của Đỗ Tờ chân nhân làm hồi quang phản chiếu ào ạt hiện ra, như “tua” lại một cuốn phim, từ cung Ngọc trên Dạ Ma thiên, đến câu chuyện của Ngọc Tú Anh cô nương, rồi động Già La cùng sư phụ là Đỗ Tờ chân nhân… Nhưng đến đó thì hồi quang phản chiếu dừng lại. Không hiểu tại sao mình lại đầu thai xuống chốn này, bèn hỏi Đỗ Tờ chân nhân:

“Thì ra tôi từ trong ống tay áo của đạo sĩ mà đầu thai làm người, lại đã từng theo ông tu luyện phép tiên. Nhưng chẳng hay không đắc đạo hay sao mà phải đầu thai làm con cóc ghẻ ở chốn gầm trời như thế này?”.

Đỗ Tờ chân nhân cười ha hả mà rằng:

“Ngược lại là khác. Ngươi tu hành tấn tới lắm, đến nỗi kinh động tới tận Dạ Ma thiên. Một hôm có đệ tử cũ đến thăm ta, cũng chính là cố nhân của ngươi, là cái gã Hồng Phúc ấy. Gã rủ ngươi trở lại cung Ngọc, rồi tìm đường trở lại nhân gian để làm vương, làm tướng gì đấy. Ngươi nghe bùi tai, có vẻ sắp sửa đồng ý bỏ ta mà đi, thì một vị hòa thượng xuất hiện…”.

“Vị ấy là ai?” – Ngọc Tiến vội vàng hỏi.

“Vị ấy là Mâu Giác đại sư – Đỗ Tờ chân nhân trả lời – tu ở chùa Tháp, phía cuối dòng Hồng Hà này. Vị ấy tới, nhắc lại chuyện thọ kí của Đức Phật bốn nghìn năm về trước, mà bảo rằng cái nhân duyên của một vị “Tịnh Trí Như Lai” thì không thể để mất trong muôn một. Ngươi tỉnh ngộ, bèn từ chối lời rủ rê của gã Hồng Phúc…”

“Rồi sao nữa?” – Ngọc Tiến sốt ruột hỏi.

Đỗ Tờ chân nhân thong thả kể tiếp:

“Mâu Giác đại sư còn nhắc đến cái nhân duyên của ngươi với Ngọc Tú Anh cô nương, rằng chỉ có ngươi mới có duyên giải thoát cô ta khỏi tà thuật hãm vong (thần giữ của) của bọn Hán tặc ngày trước, lại có duyên gặp lại Đăng Tuấn để hành Bồ Tát đạo, tức là theo Phật thừa, còn gấp vạn lần theo đạo Tiên thừa của ta”.

Ngọc Tiến đã bắt đầu hiểu ra, gương mặt rạng rỡ hẳn lên. Bèn hỏi tiếp:

“Thế làm sao mà đạo sĩ lại biết, rằng chính xác đời này tôi đang ở đây?”.

Đỗ Tờ chân nhân trả lời, như tiếp tục câu chuyện:

“Đời ấy, nghe Mâu Giác đại sư nói, thì ta biết tri giác về túc mạng của Ngài như nắm trong lòng bàn tay, ta vẫn còn kém xa. Nhưng muốn giải thoát cái nghiệp thần giữ của của Ngọc Tú Anh cô nương, thì phải đợi đến hơn 700 năm sau. Ta bèn luyện một lá bùa làm bằng phân trâu rừng gọi là “Vận thế phù” có tám cánh, lần lượt là “Mông, Sơ, Lập, Kiến, Hưng, Suy, Vong, Tận” đem về chỗ núi Nùng ở kinh thành, đặt vào giữa huyệt, từ giờ Tí đến giờ Hợi thì lá bùa quay đủ 24 vòng, dừng lại ở chữ “Vong”. Cho nên ta biết, 24 đời sau, lúc quỷ địa ứng với chữ “Vong”, thì ngươi sẽ đầu thai xuống chốn này, và còn có duyên gặp một bậc thánh tăng nữa cơ đấy…”.

Tiến trọc nghe ra, sướng quá cười tít mắt, đang định hỏi tiếp thì Đỗ Tờ chân nhân cầm phất trần gõ một cái vào đầu làm Tiến trọc giật mình, ra khỏi cơn tam muội, thấy mình vẫn đang nằm ngửa ở dưới sông, bên cạnh là Đăng Tuấn, trên trời không còn dấu vết gì của đám rối vừa rồi, làm Tiến trọc băn khoăn không biết thực hay mơ.

Đăng Tuấn nãy giờ vẫn quan sát Tiến trọc nằm bất động dưới mặt nước thì phục lắm. Thấy Tiến trọc nhổm đầu lên, liền hỏi đó là phép gì vậy? Tiến trọc còn chưa kịp trả lời thì từ trên bờ sông, có một tiếng cười lớn, một giọng nói cất lên:

“Khà khà, thằng bé này có thể dùng được việc đây. Đó là phép “thiền trôi””.

Cả hai giật mình nhìn lên. Trong ánh sáng vàng rực của ráng chiều, trên mặt đê bỗng xuất hiện một ngôi chùa bảy sắc lung linh, trong veo như tường vách làm bằng thủy tinh, có thể nhìn thấy một lão hòa thượng ngồi bên trong. Lão hòa thượng quần áo rách lua tua, mặt tươi roi rói, cổ đeo toòng teng chiếc hồ lô, tay cầm cây gậy trúc. Cả hai vội vàng bơi vào bờ, mặc quần áo vào rồi chạy lên mặt đê ra mắt lão hòa thượng. Lên tới mặt đê thì chả thấy ngôi chùa đâu nữa, chỉ có lão hòa thượng đang ngồi xếp bằng tròn trên bãi cỏ.

Kinh ngạc quá, Tiến trọc buột miệng hỏi:

“Ngôi chùa vừa nãy đâu rồi?”.

Lão hòa thượng vẫn ngồi im bất động, chỉ đưa một ngón tay, trỏ thẳng lên trời. Cả hai theo ngón tay nhìn lên, thấy trên đầu quả có nóc chùa, mái cong ngói đỏ, những đầu đao cong vút, tất cả như dệt bằng mây tía.

Đăng Tuấn bất giác sinh lòng kính trọng, chắp tay cúi đầu đảnh lễ hòa thượng rồi hỏi:

“Bạch sư phụ, chùa này tên là gì ạ?”.

“Là “Tín Vân tự” – hòa thượng trả lời. Lại hỏi đến pháp danh, ngài bảo:

“Ta là Hoan Lạc Ca tôn giả”.

Đến lượt Đăng Tuấn rùng mình khi nghe thấy cái tên ấy. Tiến trọc nhanh mồm nói:

“Giờ mới thấy trên trời cũng có chùa. Dưới đất thì biết rồi, chùa vàng, chùa bạc… mọc lên như nấm. Ngài đã mang danh là Hoan Lạc Ca, sao không tới những nơi lộng lẫy ấy mà tu cho sướng, lại lang thang dưới một mái chùa dệt bằng mây tía như thế này?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả cất tiếng cười lớn rồi trả lời:

“Đó thực ra chỉ là những chỗ hoan lạc của thế gian. Đời ác năm trược thì tà ma hưng thịnh, ma quỷ giả làm Tăng bảo để trộm của cúng dường. Những tùng lâm, chùa lớn là chỗ bịp bợm để thỏa sức tham ái của họ, thì dẫu có xây bằng ngọc thạch, dát bằng vàng ròng, mà bên trong không tìm đâu lấy một chữ Tín, thì có khác gì thành Càn Thát Bà, xây bằng mây đen kịt trước khi Trời nổi bão giông”.

Tiến trọc nghe đến đây chợt tỉnh ngộ, cũng bất giác sinh lòng kính trọng, bèn quỳ ngay xuống, khấu đầu đảnh lễ, nhân kể lại chuyện gặp gỡ đám múa rối của Đỗ Tờ chân nhân vừa rồi.

Kể xong hỏi, là mơ hay là thực? Hòa thượng bảo:

“Phép thiền trôi có thể nhập vào tam muội, thì đó gọi là chứng, chứ không phải mơ. Nhưng ngươi mới chỉ lên đến lưng chừng trời, thì vẫn quanh quẩn ở đời ác năm trược này thôi, chưa lên tới cõi trời…”.

“Lên cõi trời thì như thế nào?” – Tiến trọc hỏi.

“Đó là nơi trước khi ngươi xuống cõi này – Hòa thượng trả lời – Tiếc rằng chưa đủ duyên, nên cứ trôi, trôi mãi, đến nay đã trải 24 đời…”.

Tiến trọc giật mình khi nghe đến 24 đời, y như chuyện 24 vòng quay của chiếc bùa “Vận thế phù” mà Đỗ Tờ chân nhân nói đến khi nãy. Liền hỏi ngay:

“Vậy ngay trong đời này, với phép “thiền trôi”, thì tôi có thể trở lại cõi trời ấy được hay không thưa thầy?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả lắc đầu:

“Không được. Thiền trôi của ngươi mới là thiền phàm tục, chỉ khác người chết trôi là biết thở để giữ mạng sống mà thôi. Cho nên cùng lắm cũng chỉ lên được tới lưng chừng trời. Huống hồ ngươi nhiễm bao nhiêu thói của 24 đời ác trược, mà trở về cõi trời ngày trước, thì một mình ngươi cũng đủ làm loạn cả trời rồi”.

Đăng Tuấn đứng bên cạnh cũng cảm thấy rợn người. Từng nghe đến chuyện túc mạng, tức biết chuyện của những kiếp trước, Tuấn nổi trí tò mò, bèn hỏi:

“Thưa sư phụ, kiếp trước của con thì như thế nào?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả ngắm Đăng Tuấn một lát rồi trả lời:

“Chưa đủ thập thiện thì chưa được lên trời, vì trời sẽ loạn. Chưa có thập tín thì chưa khai được túc mạng, vì nếu khai được, thì sẽ loạn ngay trong kiếp này…”.

Đăng Tuấn cố gạn:

“Thập tín là gì thưa sư phụ? Biết đâu con có đủ rồi thì sao?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả mỉm cười, nụ cười rất từ bi mà bảo:

“Có thập tín là có “Hộ pháp tâm”, thì mới soi được tâm mình vào tâm Như Lai, như hai gương sáng đối nhau, hiện lên lớp lớp những kiếp luân hồi, như lồng vào nhau…”.

Đăng Tuấn nghe thì lắc đầu, lè lưỡi, biết mình chưa có được điều kì diệu ấy, nhưng vẫn cố năn nỉ:

“Thì… sư phụ cứ hé mở cho con một chút thôi cũng được”.

Hoan Lạc Ca tôn giả vẫn nụ cười từ bi, trả lời:

“Ngươi đời trước sinh ra ở cửa Giác, lại thông đồng với kẻ ăn trộm oản thờ Phật, nên hễ chạm tay vào thì oản sẽ biến thành đá cuội. Nhờ có phước báo nghe kinh, mà một thời được đứng trong gánh hát Thượng Đình. May mà có duyên với tuệ giác Đại thừa, nên mới bị chúng đẩy ra khỏi chỗ ấy, nếu không thì sẽ không biết thế nào. Nhưng dẫu có lăn lóc bao nhiêu kiếp trong luân hồi, thì cũng là hành Bồ Đề đạo cả đấy”.

Hoan Lạc Ca tôn giả vừa nói đến đây, bỗng có một con xén tóc hoa, to bằng ngón chân cái ở đâu bay đến, đậu ngay trên đầu Đăng Tuấn mà Đăng Tuấn không hề hay biết, vì trong lòng đang vô cùng cảm động, chắp tay vái hòa thượng lia lịa. Tiến trọc vốn là người cũng tò mò, lại rất tin nhân quả, nhân cơ hội ấy, bèn đề nghị hòa thượng giảng cho nghe một chút về cái sự liên quan của ba đời nhân quả. Hoan Lạc Ca tôn giả bảo:

“Chỉ có trí tuệ Bát Nhã mới thấu tỏ được. Có khi cái “nhân” ở quá khứ, dệt thành “quả” ở vị lai. Cũng có khi cái “nhân” ở vị lai, lại dệt thành “quả” ở hiện tại… Trước hay sau là bất khả tư nghì…”

Lại đến lượt Tiến trọc lè lưỡi. Vị hòa thượng giảng như thế, thì đến… thánh cũng chịu. Có biết đâu rằng, điều Hoan Lạc Ca tôn giả vừa nói, chính là nói về cái “quả” hiện tại của Tiến trọc và Đăng Tuấn. Một người nhờ cái “nhân” trong đời quá khứ, một người nhờ cái “nhân” ở đời vị lai.

Bấy giờ Tiến trọc mới liếc sang nhìn Đăng Tuấn, phát hiện ra con xén tóc, thì cũng vừa lúc con xén tóc xòe cánh bay đi. Tiến trọc bỗng giật mình kinh dị, đầu Đăng Tuấn vừa xanh tốt thế, giờ không còn một sợi tóc nào, cũng trọc lốc y như mình, bèn nháy mắt một cái. Đăng Tuấn đưa tay sờ lên đầu, thấy đầu mình nhẵn thín thì cũng hơi choáng, nhưng không hề tỏ ra kinh dị tí nào, liền quỳ ngay xuống, dập đầu lạy Hoan Lạc Ca tôn giả, tôn ngài là sư tổ…

Về phía Tiến trọc, chợt nhớ đến cái tên Mâu Giác đại sư mà Đỗ Tờ chân nhân nói tới vừa rồi, và cái duyên mình sẽ gặp thánh tăng, thì không còn nghi ngờ gì nữa, rằng Hoan Lạc Ca tôn giả trước mặt đây chính là thánh tăng. Liền cũng quỳ ngay xuống, dập đầu bái lạy tổ sư…

Hoan Lạc Ca tôn giả cười khà khà, đưa tay xoa đầu hai người rồi thong thả đứng dậy. Biết ngài sắp sửa đi. Tiến trọc vội vàng, cuống quýt hỏi:

“Thưa, sau này chúng con muốn tìm tổ sư thì tìm ở đâu?”.

Hoan Lạc Ca tôn giả vẫn cười khà khà, trỏ ngón tay lên trời mà trả lời:

“Ở đâu có “Tín Vân tự”, thì ở đó có ta”.

Đến lượt Đăng Tuấn hỏi tiếp:

“Vậy bây giờ sư tổ sẽ đi đâu? Trời đã sắp tối…”.

Hoan Lạc Ca tôn giả trả lời, giọng rất nghiêm trọng:

“Ta vì có nhân duyên với chúng sinh ở cõi này, lại sắp sửa gặp phải cái họa của bọn Atula phương Bắc. Phải có sức mạnh của Đại Giác thì mới hóa giải chúng được. Nhưng trước đó, còn một việc phải làm cho xong cái đã…”.

“Việc gì, thưa sư tổ” – Đăng Tuấn hỏi.

Hoan Lạc Ca tôn giả trả lời, câu nói làm Tiến trọc và Đăng Tuấn cùng giật nảy mình:

“Việc liên quan đến nhân duyên của các ngươi đấy. Rồi sau sẽ biết”.

Cả hai biết không thể gặng thêm được, không dám nói gì nữa, chỉ cúi đầu, chắp tay cúi chào từ biệt Hoan Lạc Ca tôn giả.

Ngài đi rồi, trên mặt đê còn trơ lại hai anh trọc. Tuấn trọc (từ nay gọi Tuấn trọc, cùng với Tiến trọc cho nó bình đẳng danh tự) rủ Tiến trọc cùng trở về Hà Nội, bấy giờ trời đã bắt đầu nhá nhem tối”.

Hai chàng đi càng gần tới Kinh thành, càng gặp nhiều người bịt mặt bằng những chiếc khẩu trang to tướng, che kín hết cả mồm mũi. Chả mấy chốc, tầm nhìn đã bị chặn lại bởi những tòa cao ốc chọc trời, dày đặc như rừng bê tông, có cái tối om, có cái lốm đốm sáng như ánh sáng của ma trơi. Trên trời, những đám mây đen kịt, đen hơn cả bầu trời đêm, nối từ tòa tháp nọ sang tòa tháp kia, như khói bốc lên từ những nhà thiêu xác, có cả những ánh chớp, những ngọn đèn pha loang loáng…

Hỏi ra mới biết, Kinh thành đang có đại dịch, theo nghiệp mà dẫn gọi là “tâm địa trùng”, theo gió mà tán gọi là “phong hư trùng”, theo thời mà trụ gọi là “đại trược khí”, tức là khí thế gian đã đến cái thời bị ô nhiễm trầm trọng. Có phải cái họa của bọn Atula phương Bắc mà sư tổ Hoan Lạc Ca tôn giả vừa nói đến là đây chăng? Trong bụng hai chàng đều có cùng ý nghĩ như thế.

Dân chúng Kinh thành được lệnh ở yên trong nhà, ở nhà là yêu nước để đường phố vắng ngắt cho phong hư trùng lồng lộn, để công viên rỗng không cho tâm địa trùng gào rú, và cả kinh thành nín thở để cho thời đại trược khí lộng hành. Đôi bàn chân của hai chàng bước trên phố vắng đã bắt đầu cảm thấy rờn rợn… Hai chàng phân vân lưỡng lự, không biết có nên ở lại kinh nữa hay không?

Có một ngôi nhà bỏ không như nhà hoang, nằm gần vùng sơn cước, cách Kinh thành chừng hơn 30 cây số. Hai chàng đầu trọc bàn nhau đến đó tá túc ít ngày để tránh dịch. Ngôi nhà hai tầng rêu phong nhưng vẫn khá khang trang, nằm giữa một khu vườn rắc đầy lá rụng, ngoài cổng có hai cây cổ thụ, một bên Si, một bên Đa, trên cổng treo biển đề bốn chữ: “Si Đa Biệt ốc”. Thật là:

“Si lập nên thời đại

Đa làm thành thế gian

Đôi trọc vào trong ấy

Diệt nốt mộng làm quan”.

Nhân nói thêm chút về “tiểu sử” của hai chàng, để giải thích cuộc gặp gỡ ở đời này. Hai mươi bốn đời qua của mỗi chàng là một chuỗi “hành”, nằm trong chuỗi vô thủy, vô chung, sống là “hành” mà chết cũng là… “hành”, không gián đoạn và cũng chưa biết đến khi nào dừng. Có những khoảng “ma” xen vào, thì cũng trên cái nền “hành” ấy mà hiện lên. Có những khoảng là “sĩ”, là “nông”. Cái món gọi là “hành” ấy rất kì ảo, bất tuyệt, nó không hình, không tướng, rộng như hư không và nhẹ như ý nghĩ, cho nên tóm được nó là điều không thể.

Truyện phù thủy có nói đến việc nhốt nó vào trong lọ, thì cũng chỉ là nhốt cái phần “ví dụ” mà thôi, thực ra nó vẫn ở bên ngoài. Hai chàng trọc bây giờ cũng y hệt như vậy, đã tự nhốt cái món “hành” của mình trong một cái túi da, bên trong chứa tim gan phèo phổi. Thì cũng chỉ là một mẩu ví dụ mà thôi, “hành” của hai chàng thực ra vẫn ở bên ngoài.

Cặp Tiến trọc và Tuấn trọc vì cái nhân duyên kì lạ đã đưa họ đến với nhau, đời nào cũng vậy. Kì lạ như thế nào? Hai cái túi da ấy vẫn bơi trong biển “hành” của mình. Nhưng Tiến trọc thì tư tưởng đi trước, Tuấn trọc thì tư tưởng đi sau. Tiến trọc đuổi theo tư tưởng, cho nên nằm ngửa mà thiền. Tuấn trọc thì ngược lại, Tuấn ngồi chờ tư tưởng, cho nên úp sấp mà bơi. Tuấn một thời “đi học đi hiệc, đi thi đi thiếc, khi đỗ khi điệc, khi làm quan làm kiếc”, từng tham gia trong gánh hát Thượng Đình, đến giờ gặp Tiến trọc mới ngồi lại, chờ tư tưởng nó lục tục kéo đến trình diện từ phía sau, trong ngôi nhà hoang này.

Ở đời một động, một tĩnh còn khó gặp nhau, huống hồ là hai vật chuyển động ngược chiều. Trong đời này, Tuấn trọc từng ngược tít lên phía Bắc để bắt bóng tiến sĩ, Tiến trọc thì ngược lại, từng xuôi tận xuống phương Nam để đuổi bắn chuồn chuồn, rồi đưa đẩy công danh, sự nghiệp, rồi miếng cơm manh áo, rồi bát nháo chi khươn. Thế mà cuối cùng vẫn gặp nhau, ở cái khúc sông Hồng kì diệu ấy, thì chứng tỏ cái tiên đề “bất khứ, bất lai” (không đi, không đến) là tuệ giác, là chân lý tuyệt đối của muôn đời. Hai cái túi tục da kia thì chuyển động, chuyển động không ngừng, nhưng hai quả “hành” của hai chàng thì không việc gì phải chuyển động, vì chỗ nào cũng có sẵn nó ở đó rồi. Cho nên hai chàng mới gặp nhau, không đời trước thì đời này, không đời này thì đời sau, chỉ chờ có đủ duyên mà thôi.

Trong vườn có một bể bơi nhỏ gọn xinh xắn, mọc kín rêu nhưng nước trong vắt. Tiến trọc nhớ sông, ngày nào cũng xuống hồ, cũng nằm ngửa dưới mặt nước nhưng không trôi được. Mắt mở thao láo nhìn lên trời, mong gặp lại đám múa rối của Đỗ Tờ chân nhân mà chả thấy gì. Tuấn trọc ở trong nhà, nằm úp mặt xuống sàn mơ gặp lại sư tổ Hoan Lạc Ca tôn giả… Cứ thế diễn ra mấy tuần, ngoài kia đã hết lệnh phong tỏa.

Hôm ấy, đang trong cơn thiền chay như thế, Tiến trọc bỗng nghe “ngoao” một tiếng làm rung động cả mặt nước hồ, một cặp mắt mèo hoang hiện ra, hiện ra rồi lại biến mất. Tiến trọc nhỏm người lên, mồm gọi Tuấn, rồi cứ thế tồng ngồng chạy lên sân thượng. Sân thượng vắng lặng, không một bóng mèo. Tiến trọc bần thần đứng nhìn về phương Nam, bỗng phát hiện phía chân trời thấp thoáng bóng một quầng mây tía. Dụi mắt nhìn kĩ, đúng là một tòa “Tín Vân tự”. Tổ sư gọi rồi. Tiến trọc mừng quá, reo ầm lên.

Cả hai không chần chừ, quyết định rời khỏi Si Đa Biệt ốc, nhằm phương Nam thẳng tiến. Tuy rất hăm hở, nhưng không ai ngờ rằng có nhiều chuyện lạ đang chờ ở phía trước.

Đi tới đâu cũng thấy “Tín Vân tự” thấp thoáng ở phía chân trời, hai chàng càng phấn khởi, Tuấn trọc lái chiếc xe càng mát chân ga. Buổi trưa đến Dốc Xây, hai bên là núi non chập chùng, vang đầy tiếng chim kêu, vượn hú. Thấy khung cảnh hùng vĩ, hai chàng bàn nhau rẽ vào một quán ăn nằm gần đường để ăn trưa. Trong quán có đủ các phương tiện nghe, nhìn mà Tuấn trọc đã quá quen thuộc.

Phía trên cùng, sát nóc nhà có treo một tấm băng rôn ghi dòng chữ: “Coi chừng, ở đây có rắn độc”. Cả hai cùng trố mắt ngạc nhiên, đang định hỏi thì chợt có một gã xách chiếc cặp đen to đùng khật khưỡng bước vào. Đó là một gã nom dáng thư sinh, đeo kính trắng, lộ ra đôi mắt tròn như hai hòn bi ve. Gã hất chiếc cặp lên bàn rồi gọi lên mấy tiếng như ra lệnh:

“Ủ oán, o uất… ơm!”

Chủ quán ở phía trong “Dạ!” một tiếng rõ to làm hai trọc nghe thấy cùng giật nảy mình. Tiến trọc bò nửa thân người xuống sát mặt bàn, ngước mắt bảo với Tuấn trọc:

“Thằng kia bị thụt lưỡi ông ạ”.

Lát sau, chủ quán bưng mâm cơm ra đặt xuống trước mặt gã thụt lưỡi. Gã vẫn ngồi im không nói gì thêm, chỉ hơi ngửa cổ, há to mồm. Chủ quán chừng như hiểu ý, liền thò mấy ngón tay vào, móc chiếc lưỡi của gã kéo ra. Xong xuôi, gã ngồi đánh chén ngon lành.

Ở bàn bên này, hai anh đầu trọc chứng kiến việc ấy thì lấy làm kinh dị lắm. Mấy bàn khác cũng đang có khách, mọi người vẫn cắm cổ ăn, như không cảm thấy có gì lạ lùng. Bỗng Tiến trọc ngẩng đầu, phát hiện trên xà nhà có một con rắn lục nhỏ cỡ ngón tay, thân mình biếc lên dưới ánh sáng đèn. Giống này cực độc – Tiến trọc nghĩ thầm và chuẩn bị sẵn tinh thần để đề phòng.

Con rắn bò nhanh như chớp, tới đúng vị trí bàn của gã kia, nó lao xuống, mổ một phát đúng gáy. Tiến trọc nom thấy không kịp phản ứng, mồm chỉ kịp la lên: “Ớ ớ, rắn, rắn…”, tay trỏ sang gã kia. Mọi người trong quán hoảng loạn, xô bàn ghế, nhất loạt đứng lên. Riêng gã thụt lưỡi vẫn ngồi bình thản, chỉ đưa một tay ra sau gáy gãi gãi, như thể thấy ngưa ngứa…

Con rắn lục nhân lúc nhốn nháo, nó nhanh chóng biến mất. Trật tự cũng nhanh chóng được vãn hồi, chỉ riêng hai anh đầu trọc thì vẫn đờ người ra vì ngạc nhiên xen lẫn kinh hãi. Vừa lúc ấy, trên màn hình tivi có chương trình thời sự, tiếng cô phát thanh viên vừa cất lên thì ngay lập tức, gã thụt lưỡi bỏ bàn đứng phắt dậy, xốc lại cổ áo, tiến ra đứng quay lưng lại màn hình, quay mặt về phía mọi người trong quán và bắt đầu nói…

Thanh âm của gã làm Tuấn trọc giật bắn người theo phản xạ nghề nghiệp. Ôi, giọng nói nghe sao quen quá, quen khủng khiếp, như thể gã này đã quen phát ngôn trên tivi từ đời nảo đời nào. Mà lạ sao, giọng nói của gã rất trơn tru, phát âm chính xác, không hề ngọng tí nào như lúc vừa vào quán gọi cơm. Mọi người trong quán cũng im phăng phắc, quên cả chuyện ăn uống, cứ như thể bị bài nói chuyện của gã hút mất hồn…

Cứ thế gã say sưa uốn lưỡi, tuôn ra hết chuyện nọ đến chuyện kia, như một diễn giả, tuyên thuyết hùng hồn từ thực tiễn sinh động đến lý luận biện chứng, có vẻ không biết đến khi nào mới dừng lại. Đến nỗi hai chàng trọc đã bắt đầu cảm thấy sốt ruột thì may quá, anh chủ quán từ trong bếp chạy ra, như thể đã quen xử lý trước tình huống này. Anh ta đứng trước mặt gã, lừa lúc gã há to mồm, liền thọc ngay ngón trỏ vào, ấn thụt cái lưỡi của gã lại như cũ. Ngay lập tức, gã im bặt, như thể người ta vừa ấn nút để tắt chiếc radio vậy. Tiến trọc chứng kiến cảnh ấy thì sướng quá, nhảy dựng lên, vỗ tay bôm bốp.

Hai anh trọc cố tình nấn ná kéo dài bữa ăn, chờ cho gã thụt lưỡi dị hợm kia rời khỏi quán, rồi mới gọi chủ quán tới tính tiền, nhân thể hỏi lai lịch của gã cho thỏa trí tò mò. Chủ quán rất vui lòng chia sẻ, giọng tỏ ra thành thạo:

“Thằng ấy họ Võ, người đâu ở ngoài kia, dọc tuyến đường huyết mạch này quán ăn nào cũng biết rõ tính nó. Nguyên nó bị thụt lưỡi bẩm sinh, mỗi khi ăn phải có người kéo ra thì nó mới ăn được. Ăn xong rồi thì sẵn cái lưỡi ấy, nó tuôn ra hàng tràng, vô hồi kì trận, nói không ngừng. Lại phải có người ấn cho cái lưỡi thụt vào, thì nó mới dừng lại được. Bản chất của cái lưỡi nó sinh ra đã thế, chính thằng ấy cũng không điều khiển nổi…”.

Tiến trọc nghe mà nổi hết cả gai ốc. Chẳng trách nghe ở đâu đó, có người bảo cái lưỡi của con người ta nằm ở trong mồm, mà có tới 1.200 công đức, trong khi đôi mắt sáng nằm ngay trên trán, lại chỉ có 800 công đức. Nghĩ xong chợt hỏi:

“Thế sao nó bị rắn độc mổ vào gáy, mà chẳng hề hấn gì?”.

Chủ quán nhanh nhảu trả lời:

“Ấy đấy. Người khác bị rắn lục mổ, thì vô phương cứu chữa. Song thằng này chỉ cảm thấy ngứa thôi. Tôi đã chứng kiến mấy lần…”.

Tuấn trọc vẫn ngồi im nghe, bấy giờ mới lên tiếng cướp lời anh chủ quán, giọng thủng thẳng như triết gia:

“Thằng ấy có cái lưỡi còn độc hơn, thì rắn độc phỏng có ăn thua gì?”.

Hai anh đầu trọc trả tiền rồi đi ra. Tới chỗ đỗ xe, bỗng Tuấn trọc phát hiện có một đôi chim sẻ đang đậu ngay trên nắp capo, gần kính chắn gió từ lúc nào. Nghĩ chúng tình cờ đậu chơi vậy thôi, ai dè hai chàng mở cửa ngồi vào xe, đôi chim vẫn không hề sợ hãi, vẫn nhảy nhót ở đó. Xe nổ máy, từ từ quay đầu bò ra đường, bấy giờ đôi chim mới vỗ cánh bay lên, lại cứ bay là là trước mui xe, như thể chúng muốn dẫn đường. Hai chàng đầu trọc thấy thế thì có hơi ngạc nhiên, song không giấu nổi sự thích thú. Ra đến đường cái, nhập vào tuyến đường huyết mạch, đôi chim sẻ vẫn bay là là theo một đoạn nữa, rồi mới bay vút lên, mất hút về phía trước.

Tuyến đường như độc đạo, chỉ có duy nhất một hướng tiến về phía trước. Nhưng cứ gần đến chỗ có ngã ba, ngã tư thì đôi chim sẻ lại xuất hiện, bay là là phía trước mũi xe. Tiến trọc ngồi trong xe reo lên, bảo Tuấn trọc:

“Chúng dẫn đường cho mình ông ạ”.

Tuấn trọc cũng cảm thấy như thế, cả hai cùng tin chắc điều đó. Đã tin rồi thì không cần phải giải thích, không cần tìm lý do, cứ theo bóng đôi chim mà bẻ lái. Đến chiều thì vào tới Phủ Diễn. Tiến trọc chợt nổi cơn thèm rượu, bàn nhau ghé vào quán, làm vài ly rồi đi, tối vào thành Phượng Hoàng ngủ.

Bàn phía trong lại một gã ăn mặc ra dáng trưởng giả, quần tây áo vét, mặt trắng như thoa phấn, thấy hai anh trọc có vẻ kì dị, bèn mang chén sang gạ làm quen. Gã nhe răng cười hềnh hệch, hở ra hai chiếc răng cửa bị mẻ, tự giới thiệu mình:

“Tôi họ Trần, tên Trang, gốc người tít ngoài kia. Các cụ tôi ngày trước bỏ làng ra biển làm nghề đánh cá, lênh đênh trên thuyền suốt một dọc biển Đông, đến đời ông nội tôi thì trụ lại ở đất này…”.

Tuấn trọc tự dưng có cảm giác rất thân thiện mà không thể giải thích. Tiến trọc cũng thấy vui vẻ, trỏ vào mồm gã họ Trần hỏi:

“Va vào đâu mà mẻ cả răng thế kia?”.

Trần Trang há mồm, đưa tay chỉ vào chỗ chiếc răng mẻ mà tuôn ra một tràng:

“Bẩm sinh đấy các ông ạ, chả va vào đâu cả. Giống nhà tôi mẻ răng di truyền, đời nào cũng có đúng một người bị. Cứ theo các cụ truyền lại thì tới nay đã hơn hai mươi đời rồi. Hì hì, nom hơi xấu tí, nhưng mà chả sao, cứ có duyên lấy vợ đẹp, đẻ con khôn nối nghiệp là được rồi. Hôm nọ có một lão hòa thượng qua đây, cũng ghé quán này. Lão bảo hãy tìm ra chùa Tháp, đem 1.000 chiếc oản cúng Phật thì đời sau không ai bị mẻ răng nữa…”.

Tuấn trọc gật gù tự nhiên buột miệng:

“Của Bụt mất một đền mười…”.

Trần Trang nghe thấy bỗng reo lên:

“Ôi, sao mà trùng hợp thế. Lão hòa thượng cũng nói đúng câu ấy”.

Tuấn trọc cảm thấy hơi nghi ngờ, bèn hỏi:

“Lão hòa thượng ấy nom như thế nào?”.

“Lão mặc quần áo rách lua tua, mặt tươi roi rói, cổ đeo toòng teng chiếc hồ lô, tay cầm cây gậy trúc…”

Hai anh trọc nghe đến đó thì giật mình, đưa mắt nhìn nhau, ra ý bảo nghĩa là sư tổ Hoan Lạc Ca tôn giả đã qua đây. May quá, thế thì thế nào chuyến này cũng gặp được sư tổ, bèn nói qua loa thêm mấy chuyện rồi gọi tính tiền. Trước khi đứng lên, thấy trên bàn còn một khúc bánh mì, Tuấn trọc cầm lên, đưa cho Trần Trang, vỗ vỗ vào vai rồi chia tay với gã.

Ra gần đến chỗ đậu xe trên vỉa hè, Tuấn trọc lại phát hiện đôi chim sẻ đang nhảy nhót trên nắp capo, y như lúc trưa vậy. Tiến trọc cũng vừa nom thấy, cất tiếng reo như vớ được cục vàng. Nhưng Tiến trọc bỗng há hốc mồm. Có một kẻ đang rình chụp bắt đôi chim. Đó là một gã đàn ông cỡ trung niên, đầu đội chiếc mũ có chóp đỏ, người lùn tịt, ục ịch như cối xay. Trong tay gã cầm một tấm lưới, đang rón rén tiến lại gần đôi chim.

Tuấn trọc cũng nom thấy, vội hét lên:

“Không được bắt, đó là chim của chúng tôi…”.

Thì gã đàn ông kia cũng vừa chụp xuống, tóm gọn đôi chim vào trong tấm lưới. Gã cuốn lưới lại, tay rút sợi dây, làm thành cái túi lưới nhốt hai con chim rồi giấu ra sau lưng, mắt nhìn về phía hai trọc, mồm cười nhăn nhở:

“Hì, ngộ chụp chim trời mà, mắc mớ gì đến các ni?”.

Tiến trọc nghe thấy, kéo tay Tuấn trọc, bảo: “Thằng Tẫu. Ông để tôi”.

Tẫu là tiếng Tiến trọc hay dùng để chỉ bọn người Tàu, giờ sang đây nhan nhản để buôn gian bán lận, để ăn cắp, hối lộ và gieo rắc dịch bệnh, chỗ nào cũng có mặt bọn chúng. Tiến trọc vừa nói vừa lao tới, quát như ra lệnh:

“Trời này cũng là trời của chúng tao. Thả ngay đôi chim ra”.

Thằng Tẫu cười nhạt vẻ coi thường:

“Bắt chim sẻ là nghề của ngộ mà, trời nào cũng bắt, không sót một con. Ngộ không thả đấy, làm gì ngộ đây?”.

Rồi nó dợm chân bước đi. Tiến trọc lập tức hô “Đứng lại”, rồi lao lên chặn đầu.

Thằng Tẫu kia vẫn tỏ vẻ coi thường, nó đứng lại, chăm chăm ngó Tiến trọc, khiêu khích:

“Nỉ có bản lĩnh gì mà chặn đường ngộ?”.

Tiến trọc uất quá, nghe nó khiêu khích, liền đứng cho thật vững, rồi quơ hai tay một vòng ra trước bụng, bàn tay bên tả ngửa, bàn tay bên hữu sấp, xếp chồng lên nhau, đoạn thu về một bên hông, đồng thời co một chân lên, biến thành thế “Kim kê độc lập”, lại từ từ rút cái chân co về phía sau, hạ thấp người thành thế “Đinh tấn”…

Cứ như thế, Tiến trọc vận công đi một bài “Vạn bộ trường sinh”, toàn thân bốc khói, hai cánh tay nhịp nhàng, với khí Thái dương xuống mà cho vào miệng, vốc khí Thái âm lên mà tọng vào mồm, thở nhẹ như không mà từ hai bên khóe miệng tỏa ra một làn khói trắng, uốn lượn như dải lụa, quyện theo từng bước tiến, bước lùi…

Thằng Tẫu ngây mặt đứng nhìn, song có vẻ nó vẫn chưa phục. Nó liền bỏ cái túi lưới đựng đôi chim xuống đất, mồm hét lên một tiếng rồi hạ người xuống thế “Trung bình tấn”, đoạn hai tay múa bài “Thập phương quyền sát”. Nó vận công đến nỗi hai mắt lồi ra, gân cổ nổi to bằng chiếc đũa, hai bàn tay lúc sấp, lúc ngửa đảo chiều thoăn thoắt, khi xà quyền, khi quạ mổ, đánh lên làm lá cây rung bần bật, đánh xuống làm cát sỏi dạt ra, đánh sang bốn phía thành gió thổi phần phật…

Đến lượt Tiến trọc tròn mắt, ngây người, mặt đỏ lựng lên như gà chọi, bụng nghĩ “Hỏng mẹ rồi, bản lĩnh thằng này cũng kinh”, còn Tuấn trọc chứng kiến công lực của thằng Tẫu thì mặt tái xanh như đít nhái.

Tiến mặt đỏ đang hoang mang, chưa biết tìm ra cách gì để dọa nó tiếp thì bỗng “cốp” một tiếng, thằng Tẫu đang múa bỗng rú lên, hai tay ôm mặt, trời đất quay cuống, nó lảo đảo một lát rồi ngã lăn quay, giữa trán một cục u từ từ sưng vù lên, to bằng quả ổi.

Thì ra Trần Trang mặt trắng cũng vừa kịp từ trong quán chạy ra, nom thấy thằng Tẫu đang múa quyền thì ngứa mắt quá, sẵn trong tay đang cầm mẩu bánh mì của Tuấn mặt xanh vừa đưa, theo phản xạ vung tay ném thẳng vào mặt nó. Mẩu bánh mì không ngờ rắn như một cục đá…

Trần Trang thừa thế xông tới, cướp chiếc túi lưới trao cho Tuấn mặt xanh rồi dùng đầu gối đè sấp thằng Tẫu xuống, bẻ quặt hai tay ra sau lưng, đoạn ngoái cổ bảo với hai trọc:

“Các ông cứ đi. Thằng này để tôi xử lý…”.

Tuấn mặt xanh mở cái túi, thả cho hai con chim sẻ bay vút lên trời, rồi cả hai cùng chui vào xe, nổ máy nhằm hướng Nam chạy tiếp.

P. L. V

(Còn tiếp)

Comments are closed.