Thời buổi này chuyện gì cũng có thể xảy ra

Tạp bút Đặng Văn Sinh

Làng Yên của tôi gần đây xảy ra nhiều chuyện lạ. Một trong số đó là ông bạn học, vốn là giảng viên trường Tuyên huấn Trung ương, nay đổi tên thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sau hơn hai chục năm giải nghệ, bỗng nhiên trở thành… thầy cúng!

Chúng tôi học với nhau từ niên khóa 1956-1957. Dù chỉ ở cấp I phổ thông, nhưng ngày ấy, trình độ học vấn không đều, và nhất là độ tuổi chênh lệch đáng kể. Lớp tôi có những thằng còn thò lò mũi xanh, mùa nước ngập, sẵn sàng cởi truồng qua chỗ lội mà chẳng thấy xấu hổ, nhưng cũng có những anh chị chạm tuổi “cập kê”, đến lớp chỉ là cái cớ để liếc mắt đưa tình…

Ông bạn V.Đ.S. hơn tôi đến bốn, năm tuổi, người thấp đậm, dáng lực điền, không mấy đẹp trai nhưng có giọng hát nam trung truyền cảm và nhất là khoa diễn thuyết cực kỳ hấp dẫn. Tốt nghiệp cấp II, tôi sang Nam Sách học tiếp cấp III trường huyện, còn V.Đ.S ở nhà làm công tác đoàn.

Là con một ông thầy cúng nổi tiếng ở làng Yên, nhưng V.Đ.S. lại là thành phần tích cực của phong trào “xây dựng nếp sống mới” sau khi được Huyện đoàn cho đi bồi dưỡng lớp ngắn hạn về nhân sinh quan và thế giới quan con người mới xã hội chủ nghĩa. Về làng, mỗi khi đăng đàn chém gió trước chi đoàn thanh niên, V.Đ.S. thường dẫn ra câu “danh ngôn” bất hủ của ông trưởng ban tuyên huấn tỉnh ủy được viết thành khẩu hiệu treo la liệt đầu đường ngõ xóm “TRIỆT ĐỂ BÀI TRỪ CÁC LOẠI THẦY BÓI, THẦY CÚNG VÀ CHÓ DẠI”.

Cũng xin nói thêm, thời kỳ này, khi mà học sinh được lôi kéo vào chiến dịch chống mê tín dị đoan, V.Đ.S. là người tham gia nhiệt tình nhất trong việc đập phá đình Cả, chùa Đa Đinh và nhất là ngôi nghè cổ có niên đại gần ba trăm năm ở làng Yên Ninh, lấy gỗ làm trụ sở ủy ban hành chính xã.

Cuối năm 1965 thì V.Đ.S. đi thanh niên xung phong. Từ đấy tôi không nhận được tin tức gì về người bạn đồng môn.

Cuối năm 1977, nhân chuyến đến thăm bạn Nguyễn Đình Hương ở Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn, tôi bất ngờ lại gặp V.Đ.S. với tư cách giảng viên Khoa Tuyên truyền. Thật ra, chuyện này chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Trời phú cho ông bạn tôi “khoa lợi khẩu”, và ngành Tuyên huấn của ông trùm thơ cổ động Tố Hữu đã chọn đúng người, sử dụng đúng sở trường, vậy thôi.

Bẵng đi hơn chục năm, một lần tôi về làng nhận được thông tin V.Đ.S. đã nghỉ chế độ mất sức, vì vợ sinh con thứ ba. Tôi ái ngại chép miệng, một tài năng tuyên giáo bẩm sinh như thế mà đảng giải nhiệm, tiếc lắm thay.

Về vườn, V.Đ.S. được cử vào ban tang lễ của làng, chuyên đọc điếu văn cho người quá cố. Giọng đọc lên bổng xuống trầm rất là lâm ly, thống thiết.

Lại hơn chục năm nữa.

Giờ thì V.Đ.S. đã lên lão, hàng ngày ông xách chuông mõ, thanh la và đủ các loại bùa vẽ hình bát quái đi tróc ma, trừ quỷ cho đám nhân quần mê muội vốn nhiều nghiệp chướng. Nghề này nghe nói kiếm ăn cũng khá. Gặp khách sộp, nhất là những quan chức “tay trót nhúng chàm” không “gột rửa” được ở dương gian, nhưng lại muốn thoát khỏi khổ hình bị nung trong LÒ TÔN dưới địa phủ, nên đem thứ tiền bẩn ấy hối lộ thánh thần. Vì thế, có ngày ông thầy cúng thời @ thu về vài triệu đồng.

Nói thật lòng, tôi mừng cho ông bạn già nhưng cũng cám cảnh cho ngành tuyên huấn. Chẳng lẽ một hệ ý thức từng được tôn sùng như Kinh Thánh, từng làm mưa làm gió một thời với những vị đầu lĩnh sừng sỏ thấm nhuần tư tưởng Mác-Lê đến tận chân tơ kẽ tóc, từng có tham vọng đưa nhân loại tiến lên chủ nghĩa cộng sản “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, mà giờ mất giá, thảm hại đến vậy sao?

Thế mới biết, thời buổi này, chuyện gì cũng có thể xảy ra…

Comments are closed.