"Tôi luôn cảm thấy sự ủng hộ của ông ấy"

Cái nhìn về tình bạn của Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King Jr., những người anh em cùng xây dựng một Cộng đồng Yêu thương.

Marc Andrus, Tricycle – 17/1/2022

Hồng Anh dịch

clip_image002[4]

Martin Luther King Jr. và Thích Nhất Hạnh tại hội nghị năm 1966 ở Chicago | Photo courtesy Parallax Press

 

 

Trong quyển sách mới Anh em trong Cộng đồng Yêu thương: Tình bạn giữa Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King Jr. (Brothers in the Beloved Community: The Friendship of Thich Nhat Hanh and Martin Luther King Jr.), tác giả Marc Andrus đã ghi lại mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo tinh thần vừa với tư cách là đồng minh trong phong trào hòa bình vừa là những người bạn. Hai người gặp nhau vào năm 1966 và chỉ biết nhau vài năm trước khi King bị ám sát năm 1968, nhưng họ gắn bó cùng nhau khi cùng chia sẻ tầm nhìn về Cộng đồng Yêu thương, nơi mọi người được kể đến và cùng chung sống hòa bình, và là nơi mỗi cá nhân trong cộng đồng kết nối với từng người khác. Dưới đây là ba đoạn trong quyển sách:

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King Jr. năm 1966

A. J. Muste, đại diện cho Hiệp hội Hòa giải (Fellowship of Reconciliation), đã sắp xếp một cuộc gặp giữa Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King Jr. tại Chicago vào ngày 31 tháng 5 năm 1966. Họ đã dành thời gian trao đổi riêng với nhau, thảo luận về các cuộc khủng hoảng mới nhất ở Việt Nam, và sau đó tổ chức một cuộc họp báo chung tại khách sạn Sheraton-Chicago.

Điều nghịch lý của buổi gặp gỡ này là không có ghi chú chi tiết nào về cuộc trò chuyện riêng tư và không có bản ghi chép hay ghi âm nào của cuộc họp báo được biết cho đến thời điểm này. Trong một cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey, Nhất Hạnh nhớ lại: “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Và chúng tôi đồng ý rằng nếu không có cộng đồng, chúng ta không thể đi xa được”.

Hiện vật chính của cuộc gặp năm 1966 là những bức ảnh chụp Nhất Hạnh và King tại cuộc họp báo. Người ta cảm nhận được sức mạnh của những bức ảnh này ngay lập tức: những người đàn ông có biểu cảm mãnh liệt, và năng lượng trẻ trung tỏa ra từ họ. Nếu có thể nhìn những bức ảnh với tính biểu tượng, thì đó sẽ là biểu tượng của tình bạn và tình đoàn kết. Họ không phải là hai con người làm việc về các vấn đề biệt lập; thông điệp ở đây là cam kết của họ và mục tiêu chung của họ.

Vào một thời điểm trong ngày hôm đó, rất có thể là trong cuộc họp báo, họ đã đưa ra một tuyên bố chung. Tuyên bố rằng:

“Chúng tôi tin rằng những Phật tử đã hy sinh bản thân mình, như những vị tử đạo của phong trào dân sự, không nhằm mục đích gây tổn thương cho những người đàn áp mà chỉ nhằm thay đổi chính sách của họ. Kẻ thù của những người đấu tranh cho tự do và dân chủ không phải là con người. Đó là sự phân biệt đối xử, độc tài, tham lam, hận thù và bạo lực, những thứ nằm trong trái tim con người. Đây là những kẻ thù thực sự của con người – chứ không phải chính con người.

Chúng tôi cũng tin rằng các cuộc đấu tranh cho bình đẳng và tự do ở Birmingham, Selma và Chicago, cũng như ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, không nhằm để người này thống trị người kia. Chúng hướng tới quyền tự quyết, thay đổi xã hội hòa bình và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Và chúng tôi tin rằng chỉ trong một thế giới hòa bình, công cuộc kiến tạo, xây dựng xã hội tốt đẹp ở khắp mọi nơi mới có thể tiến lên.

Chúng tôi tham gia vào lời kêu gọi, do Thích Nhất Hạnh viết ngày 1 tháng 6 năm 1965 trong lá thư gửi Martin Luther King, Jr.: “Đừng giết người, dù nhân danh con người. Xin hãy giết những kẻ thù thực sự của con người hiện diện khắp nơi, trong chính trái tim và khối óc của chúng ta”.”

Tuyên bố ngắn gọn về sự tương hỗ và đoàn kết này thắp sáng ý nghĩa; trong đó, những cái chết từng được coi là tự sát được nhìn nhận lại là cái chết tử đạo. Hơn nữa, giữa những người tham gia phong trào hòa bình Việt Nam và và các nhà hoạt động vì quyền dân sự của người da đen có cùng chung mục tiêu. Đối với một số người, việc Nhất Hạnh không ủng hộ phe nào cả trong hai phe miền Bắc và miền Nam Việt Nam, chắc hẳn là mất tăm trước tầm vóc bề thế của việc King đưa ra tuyên bố chung với đại diện của một quốc gia đang có chiến tranh với Hoa Kỳ.

Đối với King, sống trong Cộng đồng Yêu thương có nghĩa là sống trong cái mà ông gọi là “Ngôi nhà Thế giới” (the World House), hay như Nhất Hạnh diễn tả, “trở thành một công dân thế giới”. King tin rằng sống trong Ngôi nhà Thế giới không có nghĩa là từ bỏ các mục tiêu quốc gia và địa phương của mình, nhưng dù ông tin tưởng thế nào, công chúng tự hỏi liệu King có đang đánh đổi quyền công dân cho người da đen để đổi lấy hòa bình cho Việt Nam, và các mục tiêu quốc tế khác, chẳng hạn như Công lý quốc tế, hay không.

Cùng nhau đưa ra tuyên bố này, trong lần gặp đầu tiên, là một khởi đầu bất thường cho mối quan hệ của họ. Tại cuộc họp ngày 31 tháng 5 năm 1966, với buổi trò chuyện riêng và sau đó là cuộc họp báo, chúng ta có thể nói rằng Nhất Hạnh và King đã bắt đầu một tình bạn ở ngay trung tâm của Cộng đồng Yêu thương mà cả hai đã cống hiến cuộc đời của họ.

***

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King Jr.

Vào tháng 5 năm 1967, Hội đồng Giáo hội Thế giới (The World Council of Churches) tổ chức Hội nghị Hòa bình trên Trái đất tại Geneva, Thụy Sĩ, Nhất Hạnh và King đều tham dự. Tờ báo The New York Times đưa tin rằng, ở đó King đã đưa ra một “lời tố cáo cay đắng” về Chiến tranh Việt Nam. Hội nghị cũng là lần cuối cùng King và Nhất Hạnh gặp nhau. Cuộc gặp gỡ giữa họ có thể xem là một cuộc trao đổi siêu hình giữa những người bạn, đánh dấu bằng sự ấm áp và hài hước mang tính nhân văn. Đây là cách Nhất Hạnh mô tả cuộc gặp gỡ:

Dr. King đang ở tầng mười một; tôi thì ở tầng bốn. Ông ấy mời tôi đi ăn sáng. Trên đường đi, tôi bị báo chí giữ lại nên đến muộn. Ông đã giữ nóng đồ ăn sáng cho tôi và đã đợi tôi. Tôi chào ông: “Dr. King, Dr. King!”

“Dr. Hanh, Dr. Hanh!”, ông trả lời.

Chúng tôi có thể tiếp tục thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng cũng như các bước mà Mỹ có thể thực hiện để kết thúc chiến tranh. Và chúng tôi đồng ý rằng nếu không có cộng đồng, chúng ta không thể đi xa được. Nếu không có một cộng đồng vui vẻ, hòa hợp, chúng ta sẽ không thể thực hiện được ước mơ của mình.

Tôi nói với ông: “Martin, ông có biết không? Ở Việt Nam, họ gọi ông là bồ tát, một đấng giác ngộ đang cố gắng đánh thức những chúng sinh khác và giúp họ hướng tới lòng từ bi và hiểu biết hơn”. Tôi rất vui vì tôi đã có cơ hội nói với ông điều đó, vì chỉ vài tháng sau ông ấy đã bị ám sát ở Memphis.

Theo Sư cô Chân Không, [ni cô người Việt Nam và là đệ tử xuất gia đầu tiên của thầy Thích Nhất Hạnh], tại cuộc gặp Hòa bình trên Trái đất, King đã chia sẻ sự hiểu biết của mình về Cộng đồng Yêu thương với Nhất Hạnh. Điều quan trọng của cộng đồng là một giá trị chung đối với cả hai; thật ra, Sư cô Chân Không cho rằng từ trước khi xuất gia năm mười sáu tuổi, Nhất Hạnh đã hoạt động cho "tình anh chị em đích thực" ở Việt Nam.

Đổi lại, Nhất Hạnh nói với King rằng ông được nhìn như một “đại bồ tát” ở Việt Nam, một vị giác ngộ với phẩm chất đánh thức lòng từ bi nơi người khác. King không phải là người duy nhất Nhất Hạnh gọi là đại bồ tát. Ở những nơi khác, ngài gọi Trái đất, Mặt trời, mẹ của Đức Phật và Sư cô Chân Không là “những vị đại bồ tát”. Việc Nhất Hạnh gọi họ theo cách phi truyền thống là các vị bồ tát không chỉ là sự dành tặng một kính ngữ mang tính cá nhân, trìu mến. Nhất Hạnh đang thúc đẩy tư tưởng của mình trong việc khôi phục và cải cách Phật giáo bằng cách mở rộng chúng sinh có thể được tôn là bồ tát. Trong cộng đồng của Thích Nhất Hạnh, các vị bồ tát nổi tiếng, được tôn kính khắp các chùa Đại thừa, cũng được tôn vinh, làm thay đổi cái nhìn về các đấng bậc thiêng liêng. Ví dụ, bằng cách niệm mẹ của Đức Phật và Sư cô Chân Không, Nhất Hạnh tôn vinh các nữ giới. Mục tiêu trọng tâm trong công cuộc cải cách Phật giáo ở Việt Nam của ông là bình đẳng giới trong tu viện Phật giáo [monastic Buddhism], và việc tôn vinh một phụ nữ là con người như một vị bồ tát giúp thực hiện mục tiêu đó. King, với tư cách là một người Mỹ theo Kitô giáo, có thể là một thử thách khác lọt vào danh sách các vị thánh đối với Phật tử Việt Nam, khi đặt cạnh Văn Thù Bồ tát và Quán Thế Âm Bồ tát. Cả King và Sư cô Chân Không đều là người của thế gian đương thời, cho thấy ý niệm chấm dứt sự thiêng liêng. Trái đất và Mặt trời được xem là những vị bồ tát, phù hợp với những đóng góp của Nhất Hạnh cho Cộng đồng Yêu thương; với Nhất Hạnh, khái niệm này hoàn toàn bao hàm tất cả cuộc sống con người, tất cả cuộc sống mà chúng ta nhìn nhận là chúng sinh, tất cả chúng sinh của vũ trụ.

Về những gì King đã đưa ra về thông điệp của Nhất Hạnh trong cuộc họp ở Geneva, tôi chỉ có thể gửi gắm hy vọng của tôi vào thông điệp của Thích Nhất Hạnh, rằng đó là niềm an ủi cho King khi ông đối mặt với những thách thức trong những tháng cuối đời.

***

Phản ứng của Thích Nhất Hạnh trước cái chết của Martin Luther King Jr.

Một ngày sau bài phát biểu “Tôi đã lên đỉnh núi” của King, ông đã bị ám sát trên ban công Nhà nghỉ Lorraine ở Memphis. Cùng với ông là một số bạn bè và đồng nghiệp thân thiết trong phong trào dân sự, bao gồm Andrew Young, Ralph Abernathy và Jesse Jackson. Sáng hôm sau khi hay tin, Thích Nhất Hạnh đã viết một bức thư đau xót gửi cho người bạn chung của hai người là Raphael Gould, một trong những giám đốc của Hiệp hội Hòa giải: “Đêm qua tôi đã không ngủ… Họ đã giết Martin Luther King. Họ đã giết chúng ta. Tôi e rằng gốc rễ của bạo lực đã ăn sâu vào trái tim, khối óc và cách thức của xã hội này. Họ đã giết ông ấy. Họ đã giết chết hy vọng của tôi. Tôi không biết phải nói gì… Ông ấy đã gây ấn tượng to lớn đối với tôi. Sáng nay tôi có cảm tưởng rằng tôi không thể chịu đựng được mất mát này”.

Nhiều năm sau, Nhất Hạnh nhớ lại: “Tôi đang ở New York khi nghe tin ông bị ám sát; tôi đã kiệt quệ. Tôi không thể ăn; tôi không thể ngủ. Tôi đã thề sâu sắc rằng sẽ tiếp tục xây dựng cái mà ông gọi là “cộng đồng yêu thương”, không chỉ cho bản thân tôi mà còn cho cả ông ấy nữa. Tôi đã thực hiện những gì tôi đã hứa với Martin Luther King Jr. Và tôi nghĩ rằng tôi luôn cảm nhận được sự ủng hộ của ông ấy”.

Câu nói ngắn gọn này, được đưa ra trước khi Nhất Hạnh bị đột quỵ nặng vào năm 2014, mang đậm những phẩm chất của tình bạn và tình yêu. Ở mức độ tình cảm, chúng ta thấy Nhất Hạnh vô cùng xúc động trước cái chết của King. Phản ứng của Nhất Hạnh trước tin King qua đời không phải là của một quan sát viên vô cảm, mà là của người nhận thức được mối liên hệ giữa họ và của tình yêu đã tạo ra sự liên kết trong cả mô thức thực tại mà Nhất Hạnh đã thừa hưởng và mô thức mà ông đã áp dụng từ King: Cộng đồng Yêu thương. Người ta không thực hiện một “lời thề sâu sắc” để tiếp tục công việc vĩ đại của một người nào đó ở một mức độ to lớn, mà là tiếp tục công việc của người mà ta yêu quý.

Bất kỳ ai từng biết đến một tình yêu lớn trong đời đều biết rằng việc đo lường mối quan hệ yêu thương đó trong những ngày được ghi trên lịch có lẽ là cách ít ý nghĩa nhất để đo lường mối quan hệ, nếu việc đo lường không đặt vào bức tranh toàn cảnh.

Tình bạn giữa Nhất Hạnh và King trong thế giới chúng ta nhận biết được bằng giác quan kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn – từ 1965 đến 1968. Những dịp hai người liên lạc với nhau trong khoảng thời gian mỏng manh đó đều ít ỏi như nhau: một bức thư ngỏ về những vụ tự thiêu ở Việt Nam, cuộc gặp ở Chicago, đề cử giải Nobel Hòa bình, cuộc gặp lần thứ hai ở Geneva, và một số lỗi đánh máy nhỏ – những điều đã tạo thành ký ức lịch sử cho mối quan hệ giữa họ. Tuy nhiên, câu nói năm 2014 của Nhất Hạnh về King tràn ngập sự ấm áp của tình bạn và tình anh em.

Dựa theo Brothers In The Beloved Community: The Friendship of Thich Nhat Hanh and Martin Luther King Jr. của Marc Andrus (2021) với sự cho phép của Parallax Press.

Comments are closed.