Tìm Phật trong nghĩa địa

Truyện ngắn của Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

IMG_20240520_211318

(Tranh của nhà thư pháp Lâm Thanh Sơn)

 

Trời nhập nhoạng, ánh hoàng hôn cuối cùng lóe lên trên đường cái quan. Hành giả rời đường nhựa, bước vào một lối mòn. Một cô gái trạc 28 tuổi đeo túi xách và máy ảnh rảo bước theo ông.

– Hành giả ơi, mong thầy chậm bước chút nào… Giờ chẳng còn ai theo ngài nữa đâu…

Hành giả vẫn lặng lẽ bước, hơi chầm chậm lại, nói mà không nhìn cô gái đi bên.

– Thưa cô, trời tối rồi đó, cô về nhà đi kẻo người nhà mong…

– Thầy à, con đợi suốt ngày hôm nay để thoát khỏi dân Yu-túp-bơ, Tích-tốc-cơ lúc nào cũng như đỉa đói, để được trò chuyện riêng với thầy… Xin được tự giới thiệu: Con là nhà báo của một Ngành có chức năng quản lý hoạt động Tôn giáo…

Hành giả mỉm cười kín đáo:

-… Và quản lý những người tu tập Chánh pháp đạo Phật ngoài luồng, chưa được cấp môn bài hành nghề như con, đúng không ạ? Mà… cô chẳng cần giới thiệu kỹ vậy… Cô thật thà đấy, và cô cứ thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao đi…

Nữ nhà báo hơi giật mình:

– Hình như… thầy cũng đã từng ở trong cơ quan nhà nước?

– Thì cô thật thà, con cũng phải thật thà thôi: con đã từng tốt nghiệp đại học, làm cán bộ Địa chính của huyện…

– Thế thì hay quá rồi! Nhưng này, thầy đừng xưng “con” thế đi… Ngượng lắm!

– Thành thói quen rồi mà… Nhưng với nữ thí chủ… à, với nhà báo, có thể xưng hô thế nào cho hợp ý đẹp lòng đây?

– Thầy cứ xưng “tôi” đi nhé?

– Vậy nữ nhà báo cứ gọi tôi là “ông” cho tiện. Còn cô sẽ là “bà”. Cho đỡ rắc rối khó xử!

– Vâng, cứ như ông tôi lúc còn sống, khách rượu đến, già trẻ gì thì cứ “Toa” – “Moa” tú xuýt hết! Tôi nhớ như in lúc còn bé, và hay kể chuyện cho lũ em để cùng cười rũ với nhau…

Họ chơi cùng cười vui.

– Nhưng bà nhà báo này, tôi đang tới nghĩa địa để qua đêm. Bà hãy quay lại khi còn nhìn thấy đường…

– Thì con cũng muốn theo thầy tới chỗ đó mà lại!

Hành giả sửng sốt:

– Sao? Bà không nói đùa chứ? Định trêu kẻ tu hành chưa chính quả này sao? Bà không sợ ma trơi hồn người chết nghĩa địa à?

– Vì những nhà tu hành như thầy không tin có ma, nên tôi mới dám đi theo. Với lại, nếu có hiểm nguy gì, thì thầy chẳng sẽ trở thành Lực sĩ hay sao? Lúc rảnh không bảo vệ Phật thì bảo vệ một đứa con gái vô tội, đó chẳng phải là phước của đạo các thầy à?

Hành giả chợt bật cười khẽ:

– Chắp tay chịu lý lẽ của bà! Nhưng xin bà hứa cho: đây sẽ là chuyện chỉ mình bà biết, chớ đưa lên truyền thông làm gì, kẻo sẽ có người ác ý thêm thắt xuyên tạc… Tôi thì chẳng sao, nhưng thanh danh của bà…

– Thầy khỏi lo. Sáu năm qua, không ít thế lực muốn bôi nhọ thanh danh của thầy nhưng có làm gì nổi đâu! Vì thế, thanh danh của tôi khi gắn với thầy sẽ chẳng hề hấn gì… Nhưng tôi không có ý định theo đóm ăn tàn, ăn theo thanh danh của thầy đâu!

– Còn tôi thì cũng đã tin rằng bà không phải là nàng Điểm Bích năm xưa được cử ra gài bẫy thử thách Đức Huyền Quang tôn giả…

– Nếu tôi có là bà Điểm Bích tái sinh, thì tin rằng thầy cũng sẽ như Đức Tam tổ Trúc Lâm chứng minh được tấm lòng trong sáng của mình, trước sự chứng giám của trời đất…

Đúng lúc đó, một tiếng sét đánh ngang trời. Dông bão nổi lên cuồn cuộn, cát bụi mù mịt. Hành giả bất giác nắm tay nữ nhà báo định kéo đi, rồi buông ngay ra.

– Bà mau theo tôi tìm chỗ ẩn náu…

Hành giả chạy trước, đôi lúc ngoái lại sau chờ nữ nhà báo. Họ chạy một đoạn dài, tới một cái lăng khá lớn thì chạy tọt vào.

Nữ nhà báo chắp tay trước ban thờ hương tàn, lẩm bẩm điều gì đó.

– Việc này lẽ ra là của tôi… Nhưng bà đã có lòng thành, vậy là làm thay cho cả nhóm xin phép được trú nạn…

Nữ nhà báo vun các lá khô trong lăng và ngoài lăng thành một đống rồi đốt lửa. Bên ngoài trời đổ mưa lớn.

– Tôi và nhóm bạn thân hay đi du lịch theo kiểu Tây Ba lô, nên luôn chuẩn bị đồ nghề của dân phiêu lưu… Tôi còn hẹn với bạn gái làm du lịch là sắp tới tiết kiệm được tiền sẽ rủ nhau sang thăm Thánh địa của Phật giáo…

Hành giả chợt trở nên trầm ngâm, mơ màng:

– Núi Linh Thứu, nơi Đức Phật an trụ và thuyết giảng các kinh Đại thừa, cũng là trụ xứ của chư Phật Thánh tăng xưa nay!… Hồi còn làm ở Huyện, tôi đã nuôi ý định dành dụm tiền để đi du lịch nơi đó. Và lúc tu tập tại chùa Hương Mai, cũng vài lần mơ tưởng có ngày được về chiêm bái Thánh tích… Nhưng rồi vị Trưởng lão trụ trì có dạy: “Ba nghìn đại thiên thế giới, không nơi nào là không có Phật và Bồ tát”, tôi đã dẹp được ước vọng thầm kín ấy bao năm rồi, cho tới lúc này thí chủ nhắc lại…

– Còn bây giờ thầy có còn ước nguyện đó không?

Hành giả cầm lên một cành cây khô ngắm nghía:

Em xoã tóc cho cây khô sầu mộng/ Để cây khô mạch suối khóc thương nhau/ Ta cúi xuống trên nụ cười chín mọng/ Cũng mơ màng như phố thị nhớ rừng sâu"… Nhà báo có biết thơ của ai không? – Nữ nhà báo lắc đầu vẻ ngượng – Đó là bài “Cây Khô” của thầy Tuệ Sỹ đó!

– Chà! Thầy cũng có tâm hồn thi sĩ quá đi! Vậy là mấy năm qua thầy đã được thỏa chí ngao du sông núi như các vị thiền sư ngày xưa rồi… Thích quá! Biết đâu sẽ có lúc trên một đỉnh núi cao nhất mà hét to làm lạnh cả Thái hư…

– Thầy Tuệ Sỹ có lần nói về những bước chân rớm máu trên quê hương, khiến tôi xúc động ứa nước mắt, và có thể đó là động lực thầm kín cho tôi quyết rời chốn ẩn tu để được hành hương theo chí hướng của thầy…

– Hành hương tìm Phật?

– Vâng, Phật đang trốn chạy… đang lẩn tránh mọi thị phi, giành giật, mua chuộc, lợi dụng…

– Liệu thầy có tìm được Phật không? Phật thường lẩn trốn ở những nơi nào? Và bao giờ mới thật sự tìm thấy Phật?

– Hôm trước, có mấy tu sĩ tình nguyện đi theo tôi có hỏi điều này… Tôi thật thà bảo: Nếu con nói là đến cuối thế kỷ này hay sang thế kỷ nào đó mới tìm thấy Phật, sẽ là lời nói dối đáng xấu hổ, một sự chống chế thiếu lương thiện…

– À, phải chăng đó còn là loại lời hứa được gọi là Sậu lệnh, lời hứa không thể thực hiện – như thầy dạy lớp Hán Nôm của tôi từng nói đến?

– Nếu nữ thí chủ nói về cái “lời hứa không thể thực hiện” này, tôi xin kể lại một chuyện đau lòng ở Huyện tôi… Ông Chủ tịch xã ăn tiền của đại gia bất động sản, hứa hẹn đền bù xứng đáng cho gia đình hàng xóm của tôi, nhưng cuối cùng đã đẩy cả nhà người ta vào cảnh màn trời chiếu đất, họ phải mang hàng chồng đơn về Trung ương kêu cứu nhưng chắc tới giờ chưa có kết quả gì…

– Đúng là “Chuyện thường ngày ở Huyện”, như tên một cuốn sách dịch tôi đọc năm thứ nhất báo chí…

Hành giả chìm trong hồi tưởng:

– Cán bộ Địa chính không tiền không quan hệ như tôi, định bảo vệ gia đình ấy thì bị đe dọa tứ bề… Bố tôi phải quỳ lạy tôi như Phật sống: Con ơi, chữ Nhẫn là chữ tương vàng, con hẵng tạm quên đi chuyện con gọi là công lý này đi, tránh mồm chó vó ngựa, để cả nhà yên thân… Chờ tới lúc “vén mây giữa trời” đi con…

– Phải chăng đấy là một trong những động cơ để thầy bỏ nhà đi tìm Phật?…

Hành giả sau một lúc im lặng:

– Thú thực là tôi đã khóc thầm cả một ngày, khi hoàn toàn bó tay tuyệt vọng trước tình cảnh của họ… Giờ này, cả nhà họ tan tác. Ông chủ lại là thương binh nữa mới tội, nằm bẹp cho cô con gái quá lứa không chồng chăm sóc, còn bà vợ đầu bạc xơ xác vẫn đang hành hương về các nơi tìm công lý, với chồng đơn nhàu nát… Những gian nan tôi trải qua mấy năm rồi, làm sao so được với gian nan khốn khổ của họ?

Nữ nhà báo chợt lau nước mắt.

– Mỗi bước đi trên đá sỏi, gai sắc, có lúc bật máu tươi, tôi đều tự an ủi rằng: biết đâu tôi đang gánh đỡ phần nào cái kiếp nạn cho gia đình khổ sở kia, để bù đắp cho tội lỗi của tôi đã ngậm miệng ăn tiền, vô tình tiếp tay cho lũ hút máu mủ người lương thiện…

– Trong một clip trên mạng, thầy từng tâm sự rằng: thầy đi để những phiền não trong tâm thầy khởi lên để “tập chánh niệm”… Phải chăng, những phiền não trong tâm thầy lại khởi nguồn từ những phiền não của bà con làng xóm quê thầy?

– Tôi cho rằng đó là câu phỏng vấn hay nhất của nữ thí chủ nhà báo, ít ra là trong đêm nghĩa địa này… Có một vị Trưởng lão hòa thượng tôi chưa được tiếp kiến, nhưng được đọc thầy thì rất thấm một điều: Người tu Phật thật sự là người biết ham mê tìm kiếm, biết suy tư trăn trở…

– Đâu có như mấy vị sư gần đây hay kêu gọi cúng dường và tuyên truyền mê tín xa lạ với lời Phật dạy?

Hành giả gật đầu:

– Đúng vậy! Nhưng họ chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, còn phần đông các vị sư của hôm qua và hôm nay đều là các bậc La Hán đáng trọng…

– Nghĩa là các bậc thầy của lòng ham mê tìm kiếm, suy tư trăn trở?

Hành giả lại gật đầu, ánh mắt sáng lên cùng ngọn lửa lá khô.

– Các vị ấy đều xứng đáng là truyền thừa của Tam tổ Trúc Lâm… Từ bé, mẹ tôi một Phật tử thuần thành đã khiến tôi mê mẩn trước cuộc đời và đạo hạnh của Thiền sư  Khương Tăng Hội, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Thường Chiếu, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Liễu Quán, Hoà thượng Thích Quảng Đức, Hòa thượng Tố Liên, Thiền sư Tuệ Sỹ, Hòa thượng Thích Thông Lạc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh… Đó là các vị mà mọi phú quý danh lợi trên cõi tạm này chỉ là phù vân! Tìm được cuốn sách nào của các vị hay nói về các vị là tôi nghiến ngấu, đọc mòn cả gáy sách…

– Con cũng mê đọc các loại sách đó lắm thầy nhé…

– Khi tôi ngỏ ý xin được vào chùa tu tập, bố tôi buồn lắm, mẹ tôi cũng lo lắng lúc đầu, sau cố thuyết phục bố tôi bằng lòng… Ngôi chùa đầu tiên thu nạp tôi là chùa Hương Mai. Và nhà báo đừng cười nhé, điều đầu tiên thu phục tôi hoàn toàn về đạo Phật lại chính là tâm hồn yêu thiên nhiên đất nước của Trưởng lão trụ trì chùa… Trước khi được học Kinh kệ, các trì giới tu tập, tôi đã được thả hồn trong những câu thơ thầy ngâm nga: Nước Non hẹn một lời thề

Nữ nhà báo tiếp lời:

Nước đi đi mãi không về cùng Non/ Nhớ lời hẹn Nước thề Non/ Nước đi ra bể lại mưa về nguồn

– Thầy tôi bảo đệ tử: “Đạo Phật cũng là một nguồn suối trong lành nhất của dân tộc ta, tạo nên Hồn Non – Nước… Lắm khi Non – Nước bị chia lìa bởi chiến tranh, dịch bệnh, chém giết nội bộ, thì đạo Phật chính là nước Cam lồ giúp bồi bổ cho nhân tâm thường ly loạn… Chính thầy trụ trì đã cho tôi đọc nhiều bài thơ của thầy Tuệ Sỹ… Và có lần, thầy có kể chuyện Hòa thượng Tố Liên dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt đi Ấn Độ, Tích Lan, và ngâm thơ nhớ quê hương của cụ Tố Liên: Làng Yến Vỹ có non Hương Tích/ Bao khí thiêng đất Việt đúc nên

– Trời ạ! Thế mà có nhiều người thiếu hiểu biết thiếu tâm Phật dám bảo rằng: thầy là kẻ lập dị, đi hành hương khổ hạnh Đầu-đà để nổi danh, thậm chí đã phỉ báng thầy là kẻ ba trợn!…

– Vậy sao? Có vị bảo tôi là kẻ ba trợn?… – Cười buồn – Cũng chẳng khác gì hành động của một vị đã đấm tôi chảy máu mũi, rồi cướp Bình bát của tôi… Đáng thương cho họ quá!

Nữ nhà báo bất giác chùi nước mắt xót thương.

– Nhưng nhà báo có biết không? Chính cái vị hành hung tôi đó, mấy ngày sau tìm đến tôi đang thiền định gốc cây, quỳ xuống đảnh lễ và xin được đi theo làm đệ tử… Tôi bảo: “Không, tôi chưa đạt tới hạn tu tập có quyền thu nạp đệ tử. Anh lớn tuổi hơn, sẽ là Huynh, tôi là Đệ, chúng ta là huynh đệ, anh nhé?” Ngờ đâu một người giới “đầu gấu” xăm trổ đầy mình mà lại chảy nước mắt cầu xin kẻ rách rưới nhỏ thó như tôi cầu xin tha thứ, và tình nguyện đi theo làm Hộ pháp cho tôi… Anh ấy về quê có việc tang, mấy hôm nữa sẽ quay lại với tôi… Tôi chợt ngộ thêm: Phật pháp sẽ trở nên nhiệm màu khi thức tỉnh được phần thiện lương sâu thẳm trong con người ta… Đó cũng là trăn trở suốt đời của người thầy Phật pháp đầu tiên của tôi, được thể hiện trong hàng chục cuốn sách đã ấn tống… Tôi tin vị đã rủa tôi là “kẻ ba trợn” sẽ có lúc thấy xấu hổ…

– Trời, con thấy mê thầy quá… Thầy đừng nghĩ sai, con mê những suy nghĩ thuần hậu và trải nghiệm quý hơn vàng mười của thầy! Giờ thì chẳng giấu thầy nữa: mấy đứa bạn gái con, đứa chưa chồng đứa bỏ chồng để chí thú phiêu lưu đã thách đố con “cưa đổ” thầy trong Nghĩa địa này, với cá cược phần thưởng là tài trợ cho một chuyến thăm quê hương Đức Phật… Nhưng chỉ mới trò chuyện với thầy đầu nghĩa địa, con đã tịt ngóm ý định ngớ ngẩn đó. Và đến giờ, với con thầy là một vị Phật sống… Cuộc trò chuyện với thầy đêm nay quả giá trị hơn nhiều so với được hành hương về Thánh địa Phật…

Hành giả mỉm cười:

– Nhưng thế là, nhà báo thua cá cược rồi, sẽ phải trả bằng gì đây?

Nữ nhà báo ngẩn ra một lúc:

– Ừ nhỉ… Nhưng con sẽ trả thua cá cược bằng một bài báo chân thật sinh động về cuộc hành hương khổ hạnh của thầy…

Hành giả nghiêm mặt lại:

– Ấy, đừng đưa bài báo đó ra vội… Có thể, nhà báo cung cấp tư liệu cho một nhà văn, hoặc một nhà biên kịch nào đó, viết thành truyện ký hay kịch bản gì gì đấy, song đề nghị đổi tên, cái đó sẽ giúp ích cho mấy vị sư trẻ đang nguyện đi theo con đường của tôi, giúp mọi người hiểu thêm cái sứ mệnh mà chúng tôi đang mang vác…

– Con đã nhìn thấy mấy vị sư trẻ đó rồi, họ hồ hởi tháp tùng thầy, nhưng chỉ được một, hai ngày thì chân đã phồng rộp, không theo được nữa… Chỉ riêng thầy thì chân vẫn bước thoăn thoắt, miệng vẫn luôn mỉm cười…

– Nhà báo có biết: đôi khi nụ cười trên môi tôi lại để che giấu nỗi buồn, nỗi đau, mặc dù tôi đã cố rũ bỏ mọi Sân hận… Buồn vì sự chà đạp lên vẻ thâm nghiêm cao quý của đạo Phật bởi chính những người là đồng đạo của tôi, buồn vì những ngôi chùa rợp bóng cổ thụ, rêu phong thâm trầm, tượng gỗ chìm sơn ta cứ mất dần trên các nẻo đường hành hương, thay bằng nhiều ngôi chùa bị bê tông hóa, trơ trụi bóng râm, tượng Phật tượng La Hán to vật bằng xi măng bằng đá vô hồn vô cảm… Đau vì chợt nhận ra những bước chân rớm máu của mình sẽ trở nên vô nghĩa một khi Đạo Phật được chứng quả bằng đạo nghiệp của bao vị Thiền sư đáng kính lại trở thành một phương tiện để trục lợi, thành hàng hóa để mua bán suốt mấy thập kỷ qua!

Hành giả im lặng hồi lâu, rồi giọng ông thầm thì:

– Hôm qua, tôi có vào một ngôi chùa quê tá túc, đúng hơn là ngủ ngoài Tam quan, được sư trụ trì mời vào thưởng trà, đàm đạo. Vị sư trụ trì đó đã đau lòng tâm sự với tôi: “Dù ngôi chùa quê này ở rất xa những khu Chùa kinh doanh to lớn, nhưng sự mê muội của dân chúng đã bắt đầu len lỏi tận hang cùng ngõ hẻm, bắt đầu đòi hỏi chùa ta phải thực hành những điều xa lạ với chùa Việt xưa nay, như bói toán, gọi hồn, dâng sao, giải hạn, làm thuyền bát nhã bằng giấy để chở các vong linh về Niết Bàn – phải làm sao giống như các Chùa to mấy năm qua đã treo gương… Phật tử thuần thành ít dần, ngày một nhiều người có tâm địa và hành xử khiến Diêm vương phải cau mày, họ đã tìm đến chùa để sám hối vô vọng, mang tiền để hối lộ các đấng Thiêng liêng khiến ta phải cúi đầu xấu hổ thay cho họ… Ta cũng đã mấy lần muốn giã từ Ban Tam Bảo ngày lễ chất ngất gà khỏa thân đầu lợn trợn trừng mắt – nói như người đời, để tìm về nơi hoang vắng ẩn cư, hay lên đường hành hương như Hành giả tìm lại bản nguyên Phật đương bị họ làm nhem nhuốc, để lánh xa mọi lời thị phi và cả lời nguyền rủa thường làm ta nghẹn họng không xứng đáng với một kẻ tu hành… Nhưng vì thương các bà vãi nghèo ở các xóm làng kiệt quệ quanh đây, họ chỉ biết tìm đến chùa để lấy lại sự bình yên, niềm an ủi trong cuộc giành giật mưu sinh mà bao giờ họ cũng thuộc phe yếu thế, bị thua đau thua nhục… Ta không nỡ gạt nước mắt chia tay họ. Vì vậy, được gặp Hành giả ta cảm động lắm, như gặp lại cố nhân, và lại thắp lên khát vọng Hành hương như hành giả đây…”. Nói xong, sư trụ trì chắp tay vái lạy tôi, tôi vội vã bước tới đỡ cụ lên và bảo: “Chết thôi, sư thầy làm con tổn thọ mất! Đừng làm con phải xấu hổ và khó xử thế này nữa, thầy! Cả một ngày hành hương, con đã gặp biết bao nỗi khó xử, khi bao người – cả tâm thành lẫn tâm xấu đi theo con mà con không biết làm cách nào cả… Con chỉ muốn nói to với mọi người: Thưa các ông các bà, các anh các chị, hành giả con chỉ đang thực thi tâm niệm của Thầy con lúc sinh thời: “Sống đúng giới luật là sống đúng đức hạnh, sống đúng đức hạnh là sống thương yêu nhau, đem lại sự an vui cho nhau”. Con đâu phải là một con thú lạ hoặc diễn viên điện ảnh cho các người quan sát, nhìn ngắm, bình phẩm khen chê… Con chỉ là một người bình thường dám thật sự vứt bỏ Tham – Sân – Si như lời Phật dạy, để tu dưỡng bản thân trong gian khổ, để có dịp thấm hiểu nỗi khổ đau của nhân quần…”. Thế rồi, sư trụ trì nói những lời an ủi mà tôi phải ghi lòng tạc dạ suốt đời: “Vậy là ngài Hành giả đã làm theo mực thước của vị Đại Đầu đà Trúc Lâm đó, ngài từng dạy: “Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên; Đói cứ ăn no mệt ngủ liền; Của báu trong nhà thôi tìm kiếm; Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền”… Hành giả thực đáng ngưỡng vọng! Dân chúng đi theo ngài, chính là những Hộ pháp bằng hình tướng của Thầy ngài đó!”. Nếu tới lúc cần ẩn cư, chắc tôi sẽ tìm về ngôi chùa này xin làm đệ tử của sư trụ trì…

– Thế thầy có quay lại Nghĩa địa này nữa không? – Nữ nhà báo hóm hỉnh – Khi đó con xin được làm đệ tử của thầy…

Hành giả bất giác cười lớn. Tiếng cười tưởng đã biến mất sau nhiều năm hành hương tu tập theo hạnh Đầu-đà cổ xưa trên khắp ba vùng Đất nước…

Comments are closed.