Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Tình thế, tình thế và tình thế

Dạ Ngân

 

Người ta chất vấn “Vì sao ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam?”. Đã có một thư trải lòng dài của tôi trên mạng xã hội với tiêu đề Mấy dòng tâm sự.

Tôi vào Hội năm 1987. Tới 2015 là 28 năm, dài hơn rất nhiều so với một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Có thể nào so chiếc thẻ hội viên Hội Nhà văn với tờ giấy kết hôn? Nhưng sao không so được chứ. Mọi thứ đều không đứng yên, mọi thứ đều không thoát khỏi quy luật vận động, mọi thứ đều có thể Vào-và-Ra.

Thiêng liêng, tưng bừng, tươi mới như hôn nhân, nhưng rồi biết bao người đã phải gạt nước mắt bước ra thì sao?

Người ta tiếp tục hỏi “Vì sao ra khỏi Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập?”. Hai nhà văn đã đồng cam cộng khổ, đồng lòng đồng thuyền mấy chục năm trời, bỗng dưng một người ở lại một người xin ra. Lại xin-Ra.

Có vào thì có ra. Nhìn thẳng vào mắt người hỏi, tôi trả lời: Ở xứ này nên biết, khi nào một người phải lùi lại để bọc lót, có thể chỉ đơn giản là “để mang cơm đi nuôi người kia khi nảy sinh tai vạ”.

Phải, một cách thẳng thắn, sòng phẳng nhưng không khỏi ngậm ngùi.

Lại chất vấn “Những việc đã làm có tổn hại đến truyền thống gia đình không?”. Yên lặng. Nghe lòng mình phừng phừng dông bão, máu và nước mắt. “Xin đừng nói chuyện máu xương trước chân dung người cha liệt sĩ trên tường kia. Máu xương, để bây giờ đất nước ra sao? Một mong muốn ái hữu và chút xíu tự do cho đứa con của ông, đứa-con-nhà-văn của ông, mà cũng không thể nữa sao?

Là sao, là sao, là sao?”.

Người hỏi dịu giọng: “Các ông các bà, các anh các chị vẫn tự do muốn viết gì thì viết kia mà?”.

Mông lung, xa vời và thật vô ích khi trò chuyện với một lính-canh về đề tài Tự Do. Không thể nào. Thưc sự không thể nào.

Chúng tôi, hai chúng tôi luôn nói với nhau về không khí trước tháng 3/2014 ấy.

Cân nhắc rất lâu. Một Salon-văn-chương hay là một Con-thuyền?

Không gì giống salon thời mấy anh em nhà Nguyễn Tường từng nung nấu và đã thật sự làm nên lịch sử ở Hải Dương. Cái thời tươi đẹp ấy đã sụp đổ nhưng hào quang của nó thì còn mãi.

Mơ về những hội nhóm tương đắc, vì sao lại khó khăn và như thể đắc tội với văn chương. Văn chương vốn dĩ tử tế, đã là văn chương đích thực thì cả văn và người phải tử tế.

Thì vì sao việc ngồi lại cùng một nhóm với nhau bỗng thành ra đắc tội với chính gia tộc của mình? Thậm chí còn bị vống lên rằng, các ông các bà lắm tội với Nhân dân, Đất nước?

Ngày 4/3/2017 định mệnh.

Một cái chết, đúng vào ngày ấy. Một cái chết tự nhiên nhưng dù sao, cũng vô cùng tức tưởi. Mơ ước, hào sảng và hy vọng…

Hết rồi, lứa đôi. Anh đã cân nhắc cả một đời để sống sót và được ghi nhận là tử tế. Còn tôi vẫn đứng lại trên bến đời, dõi theo các bạn hữu thân thiết. Khi nào Anh đã đứng bên tôi và khi nào thì Anh bay vờn trên chiếc thuyền đang sóng cả ấy?

Vèo những chớp mắt, 5 năm rồi 10 năm. Tháng 3 nhiều nắng và nhiều gió, một mình, tôi ngắm nắng và nghe gió. Mười năm, dù một mình trên bến và Chiếc thuyền ấy đã ngoài khơi xa, tôi vẫn tự an ủi “Ráng làm người tử tế!”.

Tình thế của đất nước thật bầm dập, tao loạn và luôn hiểm nghèo. Một con dân bình thường cũng dễ dàng nhìn thấy tình thế của chính mình trong những cơn sóng có tên là Lịch sử, huống chi là một người viết – những người viết của thời đại này.

Tình thế, luôn luôn; sự lựa chọn, cũng là luôn luôn.

Trong tấm lưới là anh linh liệt sĩ của người thân, là bóng hình người chồng-đồng nghiệp-tri kỷ… và cả gương mặt thảng thốt của con mình.

Ấy là đời tôi, tình thế của tình thế, co-và-kéo.

Bạn hữu đã dấn lên gan góc, còn tôi ngóng theo, như một thứ năng lượng âm thầm.

Chỉ dám ngóng theo, nhỏ bé, âm thầm và tử tế.

26/2/2024

Comments are closed.