Vé trở về (kỳ 3)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

5. Nửa đêm

Y sợ nhất là khoảng thời gian lúc nửa đêm, những đêm lạnh, bà của y có thể vì ngủ không được mà nhớ đến con, bà thường ôm cái mền và lọ mọ đi trong bóng tối, bà tìm một góc nào đó để chui vào ngồi, có bữa là kẹt cửa, có bữa bà tỉnh hơn một chút thì tự mở cửa và đi. Những lúc như vậy, bà vừa đi vừa gọi tên con trai, đi cho đến khi thấy mệt thì ngồi vào một chỗ nào đó. Y đợi lúc bà ngồi thì đóng vai cậu Hai của y để dắt bà về. Chỉ có vậy bà mới theo về.

*

Nàng nói với mi rằng mi đừng để ý quá khứ của mi, một quá khứ không mấy sáng sủa nếu không muốn nói là nó quá xám xịt. Mi chỉ có một thứ tự tin duy nhất là mi chưa và không bao giờ phải ăn cắp bất kỳ thứ gì trong lúc đói khổ. Mi, thời sinh viên, có những lúc ngồi hình dung hai thành bao tử đang xáp vào nhau và làm một cuộc chiến dinh dưỡng bằng chính chúng cắn xé nhau.

Điều nàng nói làm mi có cảm giác như đang đi qua một giấc chiêm bao.

Không hiểu tại sao cả mi và nàng luôn bị những cơn ác mộng về thời đi học, nằm mơ thấy mình đi học muộn, không làm được bài thi, bị mất bảng điểm, bị đuổi ra khỏi lớp vì chưa nộp tiền thi học kỳ. Nhiều giấc mơ hình như đang lặp lại chuyện cũ, nhưng cũng có những giấc mơ trời đánh, chẳng biết đâu ra, chẳng hạn như giấc mơ bị đuổi ra khỏi lớp trước giờ thi vì chưa đóng học phí thì có thật. Mi nghĩ rằng đầu óc nhân lúc rảnh rỗi quay lại những thước phim buồn coi cho vui, nhất là trong lúc ngủ, nó không bận làm chuyện gì ngoài việc ngồi coi phim cũ.

Lần đó mi lên gặp tay bí thư đoàn trường. Mục đích gặp hả? Mi vay tiền diện sinh viên nghèo, vì lúc ấy mi chuẩn bị mùa thi, tiền làm thêm chỉ đủ để trả tiền trọ và ăn, chừng đó cũng quá chóng mặt. Tính ra mi cũng kém, mà nói không kém cũng đúng nói kém cũng đúng, vì thời buổi mọi sinh linh đều cậy quyền thế, không riêng gì con người, cả con chó hay con mèo nhà có thế lực thì không ai dám đụng tới, con nhà có thế lực thì tha hồ chọn việc làm thêm, con nhà nghèo thì được chăng hay chớ, chạy quanh thành phố như chó đói.

Nhiều khi mi tự hỏi tại sao người ta đối xử kỳ cục như vậy, bởi việc dạy thêm chẳng hạn, chỉ cần có kiến thức tốt hoặc giỏi, biết truyền đạt cho học trò chứ cần gì thế lực. Nhưng rồi mi cũng nhanh chóng tìm ra câu trả lời. Việc lựa chọn giữa mi, một thằng sinh viên xa quê không có gì ngoài trên răng dưới dái với một đứa sinh viên thành phố con nhà quyền thế, rõ ràng chọn đứa con nhà quyền thế an toàn hơn vì ít nhất cũng biết về thân phận nó. Hơn nữa, khi dạy cho dù nó dạy hơi kém một chút nhưng nếu có việc, thông qua nó, một mối quan hệ vô hình dẫn đến một việc gì đó khi cần cũng dễ dàng. Cơ may cao hơn. Ừ nhỉ, người ta cần cơ may! Đứa nhà nghèo không mang bất kỳ cơ may nào cho người khác, đó là những gì mi nhìn thấy.

Và câu chuyện của nàng cũng khiến cho mi nhớ tới một câu chuyện khác trong thời sinh viên. Thầy mi nói rằng mi bằng mọi giá phải vượt qua khó khăn, mi nghĩ trong bụng chuyện đó bình thường chứ có gì mà phải bằng mọi giá. Rồi ông đế tiếp rằng thời của thầy, học hành khó khăn hơn em rất nhiều, ăn toàn khoai độn mà thầy vẫn vượt qua được. Mi cười thầm trong bụng, bởi ông không hề nghĩ đến chuyện cả mi và ông đều con nhà nghèo, thời của mi và ông, muốn bước vào đại học phải lên sàn thi đấu với vài chục đứa đồng lứa, nghĩa là tỉ lệ thi đậu đại học có khi một trên hai chục ba chục đứa, có khi một trên cả trăm đứa.

Nhưng thời của ông được cái nghèo đói hơn thời mi mà lại yên tâm để đi học hơn. Vì đó là thời kinh tế tập trung bao cấp, chỉ cần thi đậu vào trường học, cơm, chỗ ở đã có nhà nước lo, tới giờ nghe đánh kẻng thì xuống ăn, nghe đánh kẻng thì đi ngủ, nghe đánh trống thì vào lớp. Học xong, ra trường thì có nhà nước phân bổ công việc, may mắn, thế lực thì được về thành phố, không may mắn thì lọt về vùng quê hẻo lánh hoặc vùng núi, hải đảo. Điều này khác xa thời của mi, những sinh viên nửa cuối thập niên 1990, sau khi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hình thành từ năm 1986, sau đó mọi thứ đều khoán trắng trên đầu ngành, càng ngày, các đầu ngành càng tỏ ra bóc lột.

Những năm này, dường như mức chi phí sinh viên lên cao đến độ nhiều người phải bán đất để cho con học đại học. Hầu hết nông dân đều phải bán đất cho con học, từ phí học định kỳ cho đến các loại phí đoàn, phí hội, phí in tài liệu, thêm một loại phí của cán bộ lớp vẽ ra nào là sinh hoạt lớp, phí mua quà thầy cô, phí sinh nhật thầy cô, bạn bè. Đó là chưa kể đến phí ký túc xá cũng có phần tăng và phí thuê nhà trọ bên ngoài thì khá cao. Sinh viên học xong, ra trường thất nghiệp, chạy xe ôm nếu giàu một chút hoặc đi làm phụ hồ, nhưng ít ai chọn làm công nhân xí nghiệp vì nó ổn định hơn và người ta phải theo đuổi cái bảo hiểm xã hội trong công ty, mà đây là thứ phí trừ vào lương hằng tháng, phóng lao phải theo lao. Chính vì vậy, chẳng ai chịu chôn chân với nghiệp công nhân sau khi học đại học.

Cay đắng hơn là những gia đình nông dân nghèo, khi cho con đi đại học thì phơi phới niềm vui, bằng mọi giá bán bớt đất hoặc thế chấp nhà. Khi con học xong, thất nghiệp, về báo cơm hằng bữa, nợ ngân hàng kêu lãi từng tháng, từng quý. Nhà nào còn chút đất thì bán tiếp mua cho con chiếc xe máy để nó chạy xe ôm mà có tiền trả lãi ngân hàng, nhà nào không may mắn thì chàng sinh viên đi phụ hồ, nàng sinh viên đi hớt tóc thanh nữ, làm tiếp thị bia. Cái mốt em là sinh viên nơi các tiệm hớt tóc, tiếp thị bia khiến cho giới quan chức, kẻ có tiền khoái chí và siêng đi tiệm, đi nhậu hơn. Để có thêm tiền cho mấy khoản này thì chỉ có tham nhũng hoặc phá rừng, buôn lậu là nhanh nhất.

Đất tăng giá từ thành phố đến nông thôn, lúc này, các cô cậu sinh viên may mắn đã có việc làm chỉ mong sao tích cóp được nhiều tiền để mua một miếng đất, có thể là bằng một phần tư miếng đất mà cha mẹ đã bán cho ăn học, nhu cầu nhà ở trở nên cấp thiết.

Mi và nàng cùng nhận thấy trong cuộc đời này, dường như Thượng Đế nhân từ bao giờ cũng để một cánh cửa sinh giữa biển lửa.

Nhưng, ngài để nó chỗ nào, ra sao? Không ai thấy!

*

Rô chỉ nhớ là trong số các bạn con lai của hắn sang đất Mỹ, có vài đứa thành đạt, số còn lại bị cho đi cai nghiện hoặc vào trại giam do trộm cắp. Mà không riêng gì bạn Rô, hầu hết những nhóm con lai khác cũng đều gặp tình trạng này. Nhiều lúc Rô tự hỏi tại sao có chuyện kỳ quái như vậy, lúc ở Việt Nam bị hắt hủi, coi như chó, bị đói ăn, bị nhiều thứ đau khổ nhưng không hư hỏng, sống có tình. Nhưng tại sao khi về Mỹ, về ngay quê cha đất tổ thì lại trở nên hư đốn, hết thuốc chữa?

Thằng Lạch (Larcy) nó nghĩ khác với Rô, tuy không may mắn như Rô nhưng nó lại là thằng sâu sắc. Cha mẹ nó đều không nhìn nó, chính phủ cứu nó về quê cha đất tổ, chí ít Rô cũng được nhận hài cốt và hình ảnh của cha để có thể ôm vào lòng lúc uống say, còn nó, cha nó sống sờ sờ ra đó nhưng đố mà tới gần được!

“Cha tao đéo thèm nhìn con bằng nửa con mắt, lão còn nói rằng chiến tranh có hai thứ, đó là chiến tranh bom đạn và chiến tranh tinh trùng. Bom đạn nổ ra trên đất xâm lược thì tinh trùng cũng nổ ra trên đất hãnh tiến. Tao là con tinh trùng sống sót trong tử cung một con đĩ. Nên lão đéo nhìn!”.

“Tao nghĩ thời gian sẽ làm thay đổi một thứ gì đó”.

“Có những thứ càng về già, càng qua thời gian nó càng trở nên chai lì và bệnh hoạn, những loại bệnh hoạn từ chiến tranh, nếu mang về thời bình, không bao giờ chữa được. Bởi thời bình là mảnh đất màu mỡ cho con bệnh chiến tranh”.

“Mày hết hy vọng sao?”.

“Có hy vọng đéo nào đâu mà hết. Vấn đề của tao là làm sao kiếm cho được con vợ tử tế, nhưng cũng đéo có con nào tử tế đâu mà kiếm, bọn nó nhìn tụi con lai khinh bỉ như lũ ăn bám, đố mà nó lấy làm chồng, chỉ có bọn con gái thì có khá hơn tụi mình. Còn bọn gái Việt thì nó cưới đéo chi mình, nó cưới cái thẻ xanh, mày thấy rồi đó!”.

Lạch từng có vợ, hắn nói cũng đúng, hình như một số cô gái Việt đã ủ mưu từ lúc chưa cưới. Chúng được cha mẹ dạy cho cách làm sao để lấy được thằng chồng nước ngoài, già trẻ không cần biết, miễn có thật nhiều tiền gởi về cho cha mẹ để báo hiếu. Và y cũng từng chứng kiến cảnh chị họ tên Tám của y phải lấy một lão già sang Mỹ theo diện H.O như thế nào. Không hiểu sao, lão Ngư, cậu họ của y có thể mở miệng nói được với tay bạn cũ, mà cũng là tay sếp lớn hơn cậu cả chục tuổi, rằng cậu cho đứa con gái cho lão bạn, dắt nó cùng đi Mỹ.

Vậy là lão kia dắt chị Tám đi, vào Sài Gòn làm thủ tục kết hôn gì đó rồi khai báo gì đó, cuối cùng vào ở nhà bà Một để chờ. Trong lúc chờ, chị Tám vẫn lánh mặt lão, lão cho bà Một ít tiền và nói rằng nếu đi qua cổng an ninh, máy quét nó phát hiện còn trinh thì nó không cho đi. Vậy là bà Một nhân danh bà nội thím của chị Tám, ép chị Tám phải cho lão phá trinh. Vì đằng nào cũng đã có đăng ký kết hôn, đằng nào cũng thành vợ thành chồng, nếu không phá trinh sớm thì làm sao qua cửa an ninh. Đời chị Tám được phá bung ra vì cái lập luận của lão H.O với một bà già.

Đương nhiên khi qua tới Mỹ, chị Tám sinh được đứa con trai, nó kháu khỉnh nhưng học không giỏi và tư duy chậm. Một thời gian, chị Tám quen với thằng Lạch, nghe đâu hai người từng qua lại nhiều lần và lão H.O chịu không nổi, vỡ mạch máu não chết trong lúc ngồi hóng mát trước sân. Thằng Lạch mừng rơn vì từ nay khỏi phải lén lút. Nhưng lúc này chị Tám lại chuyển sang yêu lão H.O và ân hận vì chuyện qua lại với thằng Lạch mà đã làm chồng chết đau đớn, vì dù sao thì lão H.O cũng là người phá trinh của chị, chị xem lão là mối tình đầu. Bởi trước lúc gặp lão, chị cũng chưa quen với ai. Ở Việt Nam, chị là một giáo viên mầm non, do lý lịch liên quan đến chính quyền cũ nên chị suốt mười năm vẫn là giáo viên xoàng không thăng tiến mặc dù chị học hành tử tế hơn các đồng nghiệp. Và lúc gặp lão H.O, chị đã trên ba mươi nhưng chưa có mối tình vắt vai nào.

6. Trại cải tạo

Lão vẫn biết, trên đời này chẳng có cái máy nào của an ninh mà quét ra cái màng trinh hết. Nhưng nếu không chịch được con nhỏ Tám này ở Việt Nam thì qua tới Mỹ, chắc chắn nó sẽ không bao giờ cho chịch. Chính vì vậy, lão quyết chịch cho được. Bù cho bà vợ già cùng mấy đứa con đã bỏ lão trong khi lão phải bị sốt rét rừng, chống chọi với thần chết nơi trại giam. Cũng có lúc lão từng được các ma nữ cho làm tình và báo cho lão biết đừng có giữ thủy chung, son sắc cứt đái gì đó với bà vợ. Vì hiện tại, bà vợ đang ngủ với thằng trưởng thôn, thằng này có thẻ đảng và hắn cũng gân guốc, khỏe mạnh, bù cho lão xanh lét xanh lơ, chắc biết chết giờ nào.

Lão còn nhớ, chiều ba mươi tháng Chạp, lúc này các quản giáo đã tổ chức ăn Tết ở khu của họ, các bạn cùng trại phần ai nấy thủ một bịch thức ăn Tết gia đình gởi cho, sau khi nộp thuế cho quản giáo hơn một nửa. Bởi vì phải nộp thuế cho quản giáo quá nhiều, lại đói ăn nên chẳng ai chia sẻ cho ai. Hầu hết các trại viên chính trị đều ngại chia sẻ hoặc thân thiết với nhau, nó khác hoàn toàn các trại viên giang hồ, họ sống thoải mái, ăn uống chung đồ, mọi thứ đều chung. Trại viên chính trị thì ngại tỏ ra biết nhau vì như vậy rất nguy hiểm trước con mắt quản giáo. Hơn nữa, có nhiều người ở trại suốt mười năm, sáng mai được trả tự do thì tối nay ngồi tâm sự, kể những chuyện đời của mình với bạn tù. Sáng mai liền bị bắt sau khi vừa thả và bị kêu bản án chung thân. Lúc này mới vỡ lẽ rằng, người bạn chung xà lim suốt mười năm kia là cán bộ an ninh. Lão phục sát đất mức độ theo án của cán bộ ở đây. Không lẽ có vài con người giống nhau để thay thế cho người này về với vợ con, người kia ngồi xà lim?

Có lẽ vì vậy mà các trại viên chính trị chẳng ai tỏ ra thân thiết với ai. Có cái ăn thì ngồi quay mặt vào tường mà ăn, không ai mời ai. Điều này vừa hợp lý về mặt chính trị mà cũng hợp lý với cái bụng. Lão không có ai thăm, lão rất buồn và chẳng biết làm gì ngoài việc lang thang ở khu nghĩa trang trong trại. Đây là khu nghĩa trang của các tù nhân, các trại viên. Họ chết và được chôn tại trại, gia đình không được tới nhận xác, sau ba năm thì gia đình mới được mang hài cốt về, coi như đã mãn hạn tù sau khi chết. Và hầu như có nhiều ngôi mộ đã hoàn toàn mất thân nhân, có lẽ thân nhân đã chết đâu ngoài biển vì vượt biên hoặc ở đâu đó trên đất tự do hay trại tị nạn. Nhưng tuyệt nhiên không có ai bốc về và cũng không có ai nhang khói.

Lão thấy buồn cho thân phận, lão ngồi khóc một mình, lão trò chuyện với các nấm mộ, lão muốn nói với họ rằng họ và lão đều buồn như nhau, họ cô quạnh không có ai nhang khói, lão cũng cô quạnh, lão chỉ mong ai đó nhang khói cho mình ngay lúc này, xem như lão đã chết nhưng chí ít cũng có nén nhang. Lão lấy mấy cành cây khô chất thành đống và đốt sưởi các ngôi mộ lạnh, vì ở đây cũng chẳng có cây nhang nào để mà đốt. Lão muốn nói với những ngôi mộ hoang rằng, mỗi con người trên đất nước này đều là nấm mộ hoang, đều cô đơn và cần một ai đó nhang khói ngay lúc đang sống. Bởi chịu không nổi cô đơn nên người ta mới nhốt tù nhau bằng cách này hay cách khác.

Lão dõi mắt tìm Khanh, bạn cùng trại, một kẻ bất hảo theo cách nghĩ của lão những hắn luôn là đứa đáng tin cậy và có gì đó khiến người đối diện cảm thấy đời sống này không đến nỗi quá tàn khốc và gian dối.

*

Âm thanh sắc và lạnh, nghe như tiếng của những sợi xích hoen gỉ va vào nhau, có ai đó đang mang chúng, kéo lê chúng trên nền xi măng ẩm ướt. Khanh đứng một mình trong góc tường, sau một buổi chiều khóc nức nở với những ngôi mộ hoang. Nơi trại cải tạo này, nói là trại cải tạo chứ thực ra nó cũng là trại giam, bởi mức độ hà khắc của các cán bộ quản giáo ở đây còn ghê gớm hơn các trại giam. Một ngày không lao động thì liền ngày hôm sau ăn no đòn và miễn cơm. Nhưng có ai dám không lao động, nhỡ khi bị sốt, đau ốm nặng quá người ta mới phải nghỉ mà nằm liều thôi.

Nhớ ngày mới lên trại, Khanh, một gã tù từng lẫy lừng thời chế độ cũ bởi biết nhiều ngón nghề, biết phóng dao và có thể khống chế được cả băng cướp người dơi ở cầu Đỏ. Băng này chuyên dùng xe Honda 67 để lạng lách, chui qua gầm xe và chạy xàng xê phía trước các chiếc GMC của quân đội Mỹ. Tài xế sợ tai nạn nên giảm ga, vậy là nhóm phía sau leo lên xe và tha hồ bẻ khóa, đưa hàng xuống, khi đủ hàng thì cả nhóm phóng đi. Quãng đường cho phép khoắng đồ trên xe GMC chỉ dài chưa đầy hai cây số, từ đoạn vắng bên phía Nam, cách cầu Đỏ vài trăm mét cho đến qua khỏi cầu Đỏ chừng một cây số, ra ngoài một chút nữa là đồn trú của lính Mỹ, sẽ bị bắn. Nhưng chưa có vụ cướp nào băng người dơi làm không trót lọt.

Không những vậy, có nhiều lính Mỹ bị đánh trọng thương khi ngồi phía sau xe để phục kích họ. Phần lớn những người lính bị đánh này là lính mới, họ cứ nghĩ bọn người Việt nhỏ con, nhìn oắt con như vậy, họ chỉ cần bốc một tay, vứt sang một bên là xong chứ đánh đấm chi thêm tội. Chính cái nếp nghĩ như vậy khiến họ mất mạng. Sau nhiều vụ, lần đó Khanh được đặc phái sang cộng tác với lính Mỹ để tiêu diệt băng người dơi. Vì trong quân đội, hầu hết lính biệt kích Mỹ, Việt hay cả Úc, Đại Hàn, Canada đều biết tên tuổi của Khanh. Khanh chưa từng nếm mùi thất bại khi giao đấu với bất kỳ tay lính nào.

Khanh được chia mai phục bên trong xe cuối, chiếc xe chứa nhiều hàng và chắc chắn sẽ là mục tiêu của nhóm cướp. Đoàn ngang qua cầu Đỏ, bộ đàm thông báo, Khanh chuẩn bị mọi thứ, xe bắt đầu chạy chậm lại, cửa được mở bung trong vòng vài giây. Khanh hơi bất ngờ, một tên đen đúa nhảy lên, Khanh tung một cú bàng long cước vào yết hầu, nghe tiếng bộp dưới nền đường. Tên thứ hai cầm dao nhảy lên, đương nhiên là Khanh không tung cước nữa vì tên này bu vào cửa khi nhảy và có chuẩn bị con dao bén dưới cổ tay để đón cú bàng long. Khanh đợi hắn bước hẳn vào xe thì ra đòn. Nhưng mấy cú chõ liên hoàn của Khanh không làm hắn nao núng, hắn tiếp tục tránh né. Khanh ngạc nhiên vì hắn dùng các bộ tấn pháp, cước pháp có gì đó na ná mình. “Hai đen, mày phải không? Lên tiếng đi!”.

“Đúng là tao, gặp mày ở chỗ thật là tồi tệ!”.

“Mày mau lui đi, không tao nổ súng, tao đang bảo vệ xe này!”.

“Thế còn đàn em của tao bị mày hất xuống đường?”.

“Mày đưa nó đi bệnh viện, tao có ba giây cho mày!”.

Hai đen rút lui. Lần đó Khanh không những không được khen thưởng mà còn bị điều tra.

“Lần đó anh bị điều tra. Anh còn nhớ chứ?”.

Tiếng nói sau lưng nghe sắc lạnh cũng giống như tiếng xích sắt kéo lê trên nền xi măng ẩm. Khanh giật mình, dựng tóc gáy vì người sau lưng lại hiểu được điều anh đang suy nghĩ. “Ông là ai?”. Khanh đánh bạo hỏi nhưng cũng không dám quay lưng.

“Là người bị anh tung bàng long cước. Anh còn nhớ chứ?”.

“Lần đó cậu đã sống sót mà!”.

“Đúng rồi, tôi được đưa đi bệnh viện và sống sót, tôi không giận anh, vì công việc cả thôi. Anh phải giữ, tôi phải cướp, nếu anh không kịp đá tôi thì tôi đá anh”.

“Nhưng…”.

“Tôi bị vào tù sau khi ra viện chừng hai tháng ở một vụ khác, đụng nhau với băng cột cờ, chúng tôi bị bắt sạch vì có dàn dựng của bọn cột cờ với cảnh sát”.

“Nhưng sau giải phóng anh được thả chứ?”.

“Chuẩn bị giải phóng thì chúng tôi tranh thủ lúc loạn mà phá trại, giết bọn coi trại và mặc áo quần của chúng để ra ngoài. Ai dè vừa ra thì bị quân giải phóng bắt lại và tiếp tục ở đây cho đến bây giờ…”.

“Anh kể rõ hơn chút được không?”.

“Tôi ở đây và bị cán bộ mới hành hạ còn khủng khiếp hơn cán bộ cũ, họ không tin rằng chúng tôi đã phá trại để đi, họ nghĩ rằng chúng tôi là ngụy. Tôi bị sốt rét rừng và nằm li bì, họ sợ tôi chạy nên xích chân cho đến lúc này…”.

“Tôi hiểu rồi!”.

Tự dưng, Khanh nghe mặn chát, có lẽ Khanh đã khóc từ khi nói chuyện với bóng ma này, Khanh cũng không hiểu vì sao anh khóc. Anh quay lưng để nhìn rõ mặt người từng bị anh tung bàng long cước. Nhưng không thấy gì ngoài khoảng không vắng vẻ.

Chạng vạng, chiều Ba mươi Tết. Anh nhớ là vậy!

*

Lão Niên rất ngại găp mặt Hai Đen, đặc biệt là gặp lão Khanh. Cả hai người này là những trái phá có thể làm tan tành sự nghiệp của lão Niên. Có thể bọn chúng đã quên hoặc biết cố quên chuyện cũ. Bởi dù sao bây giờ Hai Đen cũng đã là quan chức đặc biệt, còn Khanh đã yên bề con cháu, giàu có với cái mác Việt kiều hồi hương và mọi chuyện cũ xem như không còn gì để nói thêm. Nhưng biết đâu, một ngày nào đó chúng nổi hứng, nhớ chuyện cũ mà phanh phui thì khó bề yên được. Lão nghĩ vậy và cảm thấy lo vì sự hiện diện của hai thằng bạn đồng liêu này. Nhất là khi nó xuất hiện ở nhà lão thường xuyên hơn để uống rượu.

“Em nhớ đừng để Hai Đen và thằng Khanh biết chuyện nhá!”.

“Em hiểu rồi!”.

“Ừ…!”.

Thi thoảng vẫn vậy, lão suy nghĩ về những sợi chỉ màu đỏ, những cọng tăm xỉa răng hoặc chân nhang bằng tre, cũng có thể là những viên đá cuội, nhưng đáng sợ, chúng làm lão thấy rờn rợn hơn mỗi khi nghĩ đến những thỏi gạch hỏng màu đen và những cục xi măng, đất đá. Cuộc sống là hai thái cực, nó cũng giống như một đồng bạc có hai mặt, hay chính xác hơn, hai mặt của tấm huân chương trên ngực. Nếu như mặt bên này hào nhoáng và đẹp đẽ bao nhiêu thì mặt bên kia suốt đời phải giấu trong bóng tối, chứa một thứ bóng tối nhớp nháp, khó chịu bởi mùi mồ hôi sau khi người ta tung hê và quá khích.

Hình như con số lên đến hàng ngàn ấy chứ. Nếu như ý tưởng về biển đẹp bao nhiêu thì ý tưởng về rừng của lão xấu xa và đen tối bấy nhiêu. Nhưng chính trị thời bây giờ cũng có nhiều thú vị, bởi vì ý tưởng về biển là tâm huyết, là khao khát thì bị ném vào sọt rác và có nguy cơ bị theo dõi, còn ý tưởng về rừng là một thứ suy nghĩ của quỷ sứ thì lại được tung hê và cuộc đời lão thăng tiến nhờ nó. Dường như ở xứ sở của lão, việc gì hay ho đều kéo theo hệ lụy, việc tệ hại thì được tung hê. Nó cũng giống như lão Huynh, một tay cộng sản thứ thiệt, sống liêm chính và suốt đời chỉ muốn phụng sự đảng, phục vụ nhân dân. Đây là người đàn ông có uy tín cho đến lúc về hưu và sau hưu trí, tiếng nói của lão Huynh vẫn được người ta trọng vọng, lão sẵn sàng đạp xe lên đồn công an để xin cho một đứa nhỏ mấy cái đĩa nhạc thiền bán trước cổng chùa bị tịch thu mặc dù nó chẳng liên quan gì đến lão.

Nhưng rồi cũng chính lão Huynh phải lãnh cái mà lão từng tâm huyết. Hồi đó, những năm 1980, hòa bình lập lại, chẳng có phương tiện truyền thông nào có tính phổ quát, rộng rãi, chủ yếu vẫn phát sóng theo tần số. Nhờ phát sóng theo tần số mà miền Nam xiêu lòng. Bởi miền Nam giàu có, người ta mua radio dễ dàng. Việc của miền Bắc là phải chọn chương trình thật thấu cáy, biết nuôi dưỡng thính giả và tâm lý chiến phải thượng thừa. Sau gần hai mươi năm, dường như miền Bắc đã thành công trong tuyên truyền một cách tuyệt đối và thắng áp đảo miền Nam. Thế nhưng sau 1975, đến cơm còn không có để ăn thì lấy đâu ra pin mà nghe radio. Hơn nữa radio qua hai thời kỳ, nó không hư hỏng thì người ta cũng tự đập bỏ vì sợ an ninh chế độ mới để ý. Nếu bây giờ cứ đà này thì nguy cơ bị đứt quãng nền tuyên truyền. Vậy là những chiếc loa kim, loa sắt gắn trên gốc mít, ngọn cây rơm, nóc mái nhà hợp tác xã và cột điện ra đời. Đây là ý tưởng của lão Huynh. Mạng lưới loa của lão phủ khắp ngõ ngách đất nước. Không dừng ở đây, lão tiếp tục phát ý tưởng những cái loa Kim gắn trong từng gia đình. Nghĩa là lão cho kéo một sợi dây đồng lấy từ đường dây điện tín xuyên Việt của chế độ cũ, cho kéo lại trên những cột gỗ đi vào từng làng và nhà nào thích nghe đài thì đăng ký với hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ bán một cái loa Kim hộp nhựa do Bắc Triều Tiên cung cấp, cái tên Kim này là chữ viết tắt của Kim ll – Sung, với giá nửa chỉ vàng và dây kéo nếu quá dài thì chừng nửa chỉ vàng nữa. Một chỉ vàng thì nhà đài về tận giường ngủ.

Giọng nữ miền Bắc, một chất giọng opera soprano phát ra mào đầu cho buổi phát thanh: Anh bạn Triều Tiên ơi, máu anh cùng máu tôi rơi, trên hai đất nước một trời soi chung… Ngày lại qua ngày, cứ đến giờ, nhà đài phát thì nhà thính giả vặn volume để nghe. Việc cung cấp truyền thông thời đó cũng giống như dịch vụ cung cấp nước ở miền Tây những ngày hạn mặn. Cứ tới giờ, xà lan chở tới thì có nước, những lúc còn lại thì chờ đợi. Nhưng nước có thể để dành mà dùng, còn âm thanh thì chỉ có giờ đó, không nghe được thì thiệt thòi, chẳng thể cất dành được.

Vụ loa Kim vỏ nhựa tại nhà này giúp cho ngân sách nhà nước tăng một khoản thu khủng khiếp mà lão Huynh không ngờ. Điều làm lão bất ngờ nhất không phải là khoản thu này mà là đối tượng nghe. Hóa ra, hầu hết những người kéo loa về nhà đều là người chế độ cũ, họ không từng là cán bộ xây dựng nông thôn thì cũng từng là lính nghĩa quân hoặc lính biệt động. Ngay cả một số sĩ quan mới đi trại cải tạo về cũng kéo một cái loa về nhà. Nhưng rồi…

Lão nghỉ hưu, công nghệ loại mới xuất hiện, các dòng ti vi mới cũng ra đời, những thành quả của lão trở thành lạc hậu. Ngay cả cái đài phát thanh lão từng làm giám đốc cũng chuyển loại hình phát cả sóng ti vi. Nhưng có sao đâu, đó là kỷ niệm, với lão, cống hiến mới là quan trọng, thời chiến tranh, ở miền Bắc cũng có những cái loa ven đường như vậy. Ở khu rừng Ba Vì, thỉnh thoảng loa im bặt vì voi nó ghét loa, nó hất đổ, quật văng cả chục mét. Vậy là lão cho người treo bịch mật ong lên trụ để kiến bâu vào. Voi sợ kiến nên chúng không dám tới gần. Vụ mật ong này lão thấy mình cũng thông minh không kém Nguyễn Trãi, nhưng chung quy là lão chỉ làm cho voi tránh xa thành quả của lão chứ không mang mật ong đi lừa nhân dân như Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi chơi trò viết chữ bằng mật ong lên cây để kiến bâu vào hàng chữ “Lê Lợi làm vua Nguyễn Trãi làm tôi”. Đó là lừa mị nhân dân, lão nghĩ vậy. Nhưng thực ra, nói chính xác là lừa mị đám trí thức, chứ dân đen hồi đó mấy ai biết chữ để mà đọc. Chính đám trí thức đã bị Nguyễn Trãi mượn miệng mà lu loa. Thời nào cũng vậy, đám trí thức là những cái loa tuyên truyền hiệu dụng nhất và là kẻ tôi đòi tinh vi nhất, họ trực tiếp đẩy nhân dân vào biển lửa mặc dù họ luôn nói và nghĩ rằng mình không liên lụy, không có tội.

Nhưng rồi, khi lão Huynh về hưu, gia đình lão được ưu tiên có một cái loa từ gốc mít sau vườn dộng thẳng vào nhà lão và một cái loa Kim miễn phí kéo dây. Lão bực tức vì lão đâu có điếc mà chúng nó dộng loa vào nhà, nghe lão kêu quá, chúng cho xoay loa về phía hàng xóm. Nhưng lão chỉ có khả năng can thiệp chừng đó, không thể nhiều hơn. Vì ý tưởng này của lão, nếu lão chê ồn ào hóa ra tự vén áo cho người ta xem ghẻ sao! Tội nghiệp nhất là vợ của lão, một lúc phải nghe hai cái loa tranh nhau inh ỏi. Còn lão Huynh thì ước gì mình trẻ được vài tuổi để tìm một ý tưởng mới mà thay thế cái loa chết tiệt này đi, ước gì chưa về hưu. Nhưng ước thôi, loa thì mỗi ngày vẫn phải nói…

Lão Niên miên man nghĩ về chuyện lão Huynh đến độ quên cả chuyện đất đá, chuyện biển và rừng. Mãi cho đến khi mụ vợ kêu lão đi ăn cơm. Lão ghét cay ghét đắng thằng con lai, nó đi Mỹ được hơn chục năm nhưng lão vẫn cứ ghét cay ghét đắng hắn. Không hiểu vì sao. Hình như chỉ có hắn là đứa vô tư nhất, không thèm quan tâm đến những gì lão làm. Còn những đứa khác, nhất là lũ bạn đồng liêu của lão lại quan tâm đến từng cọng râu của lão. Điều này gây khó chịu và nguy hiểm cho lão nhưng lão lại không thấy ghét họ.

Và hình như thứ lão ghét nhất vẫn không phải là thằng Rô mà là cây trâm nằm dưới gốc chim chim đầu làng. Tại thằng Rô hay hái trái của nó ăn, có lẽ vậy, mỗi khi nó cười, răng và môi nó xám ngoét khiến cho lão thấy lạnh gáy và lão đâm ghét nó. Nhưng hình như sâu xa hơn nữa, người làm cho lão ghét thằng Rô phải là vợ lão cũng không chừng, mụ vẫn khăng khăng mình còn trinh tiết và mụ luôn giữ cái giọng uốn ẹo của gái điếm mỗi khi nói về việc lão phải chịu trách nhiệm về màng trinh của mụ.

Comments are closed.