Văn Hải ngoại (kỳ 298): Bể dâu – Nam Dao (17)

Bước vào con đường quen thuộc dọc bến Vân Ðồn, Dũng thấy chân nặng chình chịch. Nỗi lo âu khiến chàng gần như tê liệt. Con đường vẫn thế, nhà cửa xơ xác hơn đôi chút và cái xe của ông già mì Quảng vẫn ở ngã ba rẽ vào hẻm nhà chàng. Nhìn xuống rạch, thuyền cắm san sát, loáng thoáng bóng người. Dưới nắng, mùi kinh rạch bốc lên, gió thốc vào mũi đến lợm giọng. Trên lộ, nay chỉ có xe đạp. Như những con thoi, xe ngược xuôi, lấn nhau cướp đường. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc Honđa, vừa phóng vừa bấm còi inh ỏi.

Căn nhà Dũng đã ở trong tầm mắt. Cửa ra vào nay sơn lại, màu xanh đậm, cửa sổ ở bên khép kín. Xế trưa, chắc là trẻ con đi học cả. Dũng thầm tính, hai thằng con trai bây giờ đứa mười một, đứa lên tám. Hình ảnh chúng là bức ảnh Dũng nhận được cách đây bốn năm. Hẳn chúng nay lớn hơn, nhưng Dũng sẽ nhận ra. Dũng ngần ngại một lúc, không suy tính gì được, đầu rối bù lên. Ba năm không thư từ của vợ, chàng thầm nhủ, có hai khả năng. Một là nàng mang con vượt biên, nhưng chắc thế là đã bỏ mình trong sóng gió. Còn hai, là nàng không chờ đợi nữa, đã gán phận mình vào một người đàn ông khác. Dũng phân vân, cuối cùng chàng hy vọng khả năng thứ hai. Dù gì, cái gia đình dẫu tan tác nhưng sống vẫn hơn chết.

Dũng mon men lại gần ông già bán mì Quảng, đợi xem ông có nhận ra mình không. Ông hấp háy nhìn, hỏi ‘‘Nị ăn một tô?’’. Dũng gật. Lẳng lặng gắp mì, Dũng cố nuốt, chỉ mong ông già nhận ra người ngày xưa ông gọi bằng ‘‘thầy ba ca sĩ’’. Nhưng không. Ông lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế xếp, mắt nhìn ra rạch. Dũng cất tiếng, dè dặt ‘‘Ông bán mì ở xóm này lâu chưa?’’. Ông già không quay lại, đáp ‘‘Lâu chứ, ngổ pán ở đây mười lăm năm rồi’’. Dũng đánh bạo ‘‘Nị có biết thầy ba ca sĩ không? Ngổ là bạn, biết nhà trong xóm nhưng không biết là nhà nào’’. Ông già chỉ tay ‘’Kia kìa, căn thứ ba đó. Nhưng cổ biểu thầy ba chết rồi!’’. Dũng hỏi ‘‘Cổ là ai?’’. Khịt mũi, ông già lẩm bẩm ‘‘Thì vợ thầy ba đó. Giờ cổ có chồng mới rồi a’’.

Dũng quanh quẩn một lát, không biết làm gì, lững thững đi về phía cầu Chương Dương rồi lang thang vào Chợ Cũ. Nắng sắp tàn, chợ về chiều buồn như cảnh những cuộc đời chực khép lại. Ðợi đến tối mịt, Dũng quay lại nhà mình. Rón rén như một tên ăn trộm, Dũng nhô lên nhìn qua cửa sổ, tai nghe tiếng chuyện trò bên trong. Niềm ao ước độc nhất của Dũng là nhìn thấy hai đứa con. Nhưng Dũng chỉ thấy vợ mình nhấp nhổm, chửa vượt bụng, nặng nề đi lại. Thình lình, có tiếng chó sủa. A, đó là con chó mười năm trước Dũng nhặt ở Cầu Kho về. Khi đó, con chó gày nhom, ghẻ lở đến không một ai muốn đem thịt. Dũng tắm rửa cho nó, nuôi cho ăn, đặt tên ‘‘chó con’’ để nó bầu bạn với đứa con đầu lòng Dũng trìu mến gọi là ‘‘chó lớn’’. Có tiếng suỵt chó, rồi tiếng chân đi ra ngoài. Dũng thót bụng, lủi vào bóng tối như phản ứng tự động của những sinh vật yếu đuối bị xua đuổi. Một người đàn ông hé cửa, nhìn ra, rồi lại khép cửa lại. Con chó ư ử kêu, thỉnh thoảng lại sủa lên, đầu đập nhẹ vào cánh cửa như muốn ra ngoài.

Dũng mò đến chợ Xóm Chiếu gần nhà. Sau giờ giới nghiêm, không còn một bóng người ngoài đám phường đội có nhiệm vụ an ninh thỉnh thoảng đi ngang, thuốc lá bập đỏ và chuyện trò chửi tục luôn miệng. Tìm một cái sạp hàng, Dũng chui xuống dưới, tay nải kê xuống dưới đầu làm gối, cố chợp mắt. Mùi hôi thối tanh tưởi thoảng lại. Buồn nôn, Dũng bụm mũi, chờ cho đến sáng. Khi nghe tiếng chân đi, Dũng choàng dậy. Ra đến đầu hẻm, ông già mì Quảng đang đẩy xe tới, chén bát kêu lách cách đánh nhịp. Dũng tìm một gốc cây, ngồi đó chàng nhìn thấy cửa nhà mình. Dựa vào thân cây, Dũng căng mắt đợi. Ðường phố đã có người qua kẻ lại. Dũng thu mình, chỉ sợ những người hàng xóm ngày xưa có thể nhận ra mình. Cửa nhà chàng mở, con chó chạy ra, lủi vào cái ngách bên cạnh. Rồi một người mặc đồng phục công an giắt chiếc Honda ra. Theo sau, hai đứa trẻ. Và cuối cùng là vợ chàng, tay móc xích sắt chung quanh cửa rồi bấm chiếc khóa đồng. Hai đứa trẻ, cổ quàng khăn đỏ, tay cắp cặp đi dọc con rạch. Vợ chàng ngồi lên yên sau Honda, vòng tay ôm bụng anh công an. Tất cả vụt hiện, vụt biến.

Dũng chạy theo hai đứa con. Chúng vừa đi, vừa chỉ trỏ, không biết đang nói gì với nhau. Bắt gần kịp, Dũng mới tự hỏi, đuổi theo làm gì? Lẽo đẽo theo sau, Dũng cứ thế bước cho đến khi hai đứa trẻ gần đến cổng tường có cái tên dài thườn thượt: Trường cấp I Nguyễn Tất Thành. Dũng hốt hoảng kêu, ‘‘Ðợi, đợi một chút…’’. Hai đứa trẻ quay lại. Dũng đến gần, luống cuống không biết nói gì. Thằng bé lớn nhìn Dũng, hỏi:

– Chuyện chi vậy chú?

– A… không có chi! Chỉ muốn hỏi thăm mấy… cháu một chút!

Gọi con bằng cháu, Dũng thấy ruột xót như sát muối. Nhìn chúng ngước lên nhìn chờ đợi, Dũng nói đại:

– Trụ sở Công an phường ở chỗ nào?

Thằng nhỏ mau miệng:

– Phường thì cháu hổng biết, nhưng công an Quận tư thì hổng xa. Ba cháu công tác ở đó, cháu rành mà. Chú đi đường này, qua ngã tư quẹo trái, gần nhà Lưu Niệm Bác Hồ là tới.

Bàng hoàng nghe con gọi mình là chú, Dũng thực sự thấy mình mất hết. Ba nó, nay là ông công an Quận tư, nào đâu có là chàng. Chàng đã chết. Vợ chàng nói vậy, đến cả ông già mì Quảng cũng biết. Ngơ ngẩn, chàng đi ngược lối cũ, nước mắt ràn rụa ứa ra, biết là đã lỡ làng hết cả rồi, chẳng còn có gì để cứu vãn.

Quay lại gốc cây, Dũng ngồi dựa mình vào, mắt nhắm lại. Một lát, chợt chàng thấy tay mình âm ấm, tai nghe tiếng hinh hích như khóc. Mở mắt ra, ‘‘chó con’’ đang liếm tay, đầu chúi vào lòng Dũng. Mắt nó kéo màng không còn thấy gì, nhưng khứu giác vẫn khiến cho nó nhận ra chủ cũ. Dũng ôm nó, tay vuốt lưng, lông rụng ra từng mảng. Chàng bùi ngùi, hỏi nhỏ ‘‘Mày chưa chết hả, ‘‘chó con’’! ’’, và chưa bao giờ tủi thân mình như lúc này. Ông già mì Quảng ngồi chứng kiến từ đầu chí cuối cảnh con chó ra nhận chủ. Lẳng lặng, ông bỏ hai vắt mì vào tô, chan nước, bưng lại cho Dũng, nhỏ nhẹ ‘’Thầy ba ăn đi, ngổ mời nè’’. Thì ra ông ta cũng đã nhận ra Dũng. Cầm lấy tô mì, Dũng hỏi. Ông đáp ‘’Ngổ bữa qua thấy nị giống giống thầy ba, nhưng hổng chắc. Nhưng ngổ nói đúng đó, thầy ba chết rồi, nị hà!’’.

Dũng bị gậy đi tìm nhà Sư huynh, cũng ở Khánh Hội. ‘‘Chó con’’ vẫn cứ kêu hinh hích đi theo, Dũng phải đuổi mãi nó mới ngừng chân. Nhìn theo cho đến khi Dũng khuất bóng, nó ư ử rên rồi lủi thủi lê bước về. Khi bấm chuông, hai đứa con Sư huynh ùa ra mở cửa. Lát sau, Sư huynh lên. Chỉ nhìn Dũng, Sư huynh đã đoán được hết, nói ngay:

– Ðã bảo cung Thê cậu không đẹp lắm. Nhưng cung Nô và cung Di thì tốt, tốt lắm. Năm Hợi của cậu thì muốn gì được nấy, chẳng có chi phải lo cả!

Trong trại, bạn tù đều hiểu xem Tử Vi là một cách Sư huynh dùng để giữ tinh thần cho mọi người. Nhưng thật lạ, chuyện đồi trẩu trụi lá và tù được phóng thích là lời tiên tri đã kiểm nghiệm. Dũng vừa ngồi xuống chiếc ghế Sư huynh kéo thì không còn chịu thêm được, ôm mặt khóc òa lên, vừa khóc vừa kêu ‘‘Giời ơi, sao hành nhau thế hả giời!’’.

*

Giáp Tết lần thứ tám từ ngày Giải Phóng, Ánh mua một cành mai mang về, vui vẻ bảo ‘’Trông cho nó ra năm mới’’. Thật ra, ba năm vừa rồi, đúng như Nhà Nước nói đi lập lại, phải thắt lưng buộc bụng. Cải tạo công thương nghiệp, đổi tiền rồi vượt biên ‘‘bán’’ chính thức nhằm lấy vàng bỏ vào ngân quĩ không vực được một chính quyền lao đao không biết làm gì để thực sự tiến lên xã hội chủ nghĩa. Những anh hùng thời này là những cán bộ ‘‘phá rào’’. Ở đồng bằng sông Cửu Long, họ tiếp tục nới rộng khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đề nghị kinh tế năm thành phần, chấp nhận kinh tế tư nhân là một, nhưng chưa dám đề cập đến quyền tư hữu. Nhưng chính quyền Trung Ương tiếp tục ngăn sông cấm chợ. Dân chúng Sài Gòn vẫn ăn độn, khi bo bo, khi mì hột. Nghị quyết ‘‘giá – lương – tiền’’ không ra đâu vào đâu, chẳng giải quyết gì, chỉ gây thêm rối. Cán bộ cao cấp kêu ‘‘Cái khó bó cái khôn. Nhưng đừng quên tiềm lực của đất nước là tài nguyên với rừng vàng, biển bạc. Con người thì thông mình, cần cù…’’. Tương lai tít tắp xa ngời ánh hoang tưởng những lời hứa suông của một thời cứ mãi mãi trước mặt.

Nhân nâng cành mai, loay hoay cắm vào chiếc bình cao cổ, loáng thoáng nghe tiếng đập cửa. Ánh ra, lát sau vào bếp, giọng tinh quái:

– Có cái cô nào đang hỏi anh ngoài kia!

Bước chân lên nhà trên, Nhân bỡ ngỡ một lát rồi nhận ra Mai. Bỏ trang phục công an, nàng nay mặc áo hoa, mang quần bò, mặt đánh chút phấn, môi thoa son đỏ chót, nhìn chẳng thể đoán đây là cô cán bộ mới vài tháng trước còn ở bệnh xá một trại tù heo hút.

– Chào cán bộ, Nhân nói, giọng máy móc.

– Trời, cán bộ chi mà cán bộ. Em đi phép vào miền Nam ăn Tết với gia đình, đến thăm anh…

– …Và hỏi xem nay Dũng ở đâu, phải không? Nhân ngắt, giọng hóm hỉnh.

Nhìn Mai gật đầu, Nhân hồi tưởng đến người bạn tù không may mắn. Dũng về Sài Gòn, trình diện với công an phường, và trở thành kẻ vô gia cư vì vợ Dũng khai chồng chết để tái hôn. Chuyện rối như bòng bong, công an phường bảo ‘‘Chúng tôi chẳng biết là anh đi cải tạo về hay anh chết rồi sống lại, nhưng chắc chắn không để anh vào hộ khẩu ở địa chỉ nhà anh vì nay nhà có chủ mới rồi’’. Dũng biết đám công an bao che cho nhau, nhờ Sư huynh gặp vợ cũ mình, điều đình xin ba cây vàng đổi căn nhà để lấy tiền đi vượt biên. Năm 83, giá đi bán chính thức đã xuống, không còn cao như giá những năm đầu, từ mười sáu, xuống mười hai, rồi mười, rồi tám, rồi sáu cây một đầu người. Thật oái oăm, anh chồng mới – Ðại úy công an Quận tư – cho tay chân rình, ập vào bắt Dũng và kết tội ‘‘tống tiền’’ khi Dũng chỉ mới chạm tay vào vàng, miệng đã định cám ơn vợ. Giải pháp công an đề nghị rất gọn, ‘‘Tha tội tống tiền’’, nhưng Dũng phải làm giấy xin đi kinh tế mới, nếu không sẽ truy tố cả Sư huynh, người đứng làm trung gian, ắt là đồng lõa.

Mai ngập ngừng, gặng:

– Anh cho em địa chỉ, em tới thăm anh ấy!

Kể sơ qua những khó khăn của Dũng, Nhân ghi vào một mảnh giấy địa chỉ ở Trảng Bon, Tây Ninh. Mai cám ơn Nhân, gửi lời chào Ánh rồi tất tả đi ngay. Nhân nhìn Ánh, giọng buồn buồn:

– Cô công an đa tình anh kể cho Ánh nghe đấy! Cô ta là con cán bộ tập kết. Vào Nam ăn Tết với gia đình nhưng chắc sẽ đi tìm Dũng!

– Tình là dây oan mà! Ánh cười, mắt tinh nghịch.

Ðúng lúc đó, Huyền đi chợ về. Nghe câu Ánh nói, Huyền lẳng lặng quay đi giấu nỗi xúc động bất ngờ ập đến. Đưa tay xách giỏ cho Huyền, Ánh giả giọng làm vui, khoe:

– Mợ ạ! Tết năm nay cả nhà đoàn tụ. Con mua một cành mai đấy…

Huyền gượng cười:

– Chỉ thiếu Lương! Chợt nhớ ra, Huyền bùi ngùi, và thiếu cả Dân và Thắm, rõ thật khổ!

*

Mồng 3, Nhân đạp xe đến chúc Tết Sư huynh. Từ ngày về Sài Gòn, Sư huynh lại đi đá gà giải khuây sau khi làm đủ thứ giấy tờ, kể cả đơn xin đoàn tụ gia đình với hai đứa con đã di tản qua Canada ngay từ năm 75. Sư huynh nói như đinh đóng cột ‘‘Gia đình mình sẽ đi năm sau! Tiểu hạn của hai vợ chồng đều vào cung Di. Lá số mình có Thai – Tọa, còn lá số vợ thì giáp Quang – giáp Quí. Tam Thai – Bát Toại là ngồi vừa thư thả vừa vững vàng, thế thì chỉ có đi bằng máy bay mới vậy!’’

Nhân đang dựa xe đạp vào tường, Sư huynh mở cửa bước ra. Vẫn cứ với nụ cười lạc quan, Sư huynh bảo ‘‘Ðem vào trong nhà, bây giờ xểnh một cái là ăn cắp’’ rồi tự tay giắt xe, miệng vui vẻ hỏi thăm. Nhân kể Mai đến hỏi địa chỉ của Dũng, đùa ‘‘Chắc hai anh chị đang hòa hợp hòa giải tới nơi tới chốn, bác ạ’’. Sư huynh bật cười, hỏi Nhân gần đây có gặp Thưởng không. Trong số bạn tù, có lẽ trường hợp Thưởng là bi thảm ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Nhà cao cửa rộng hiến cho Cách Mạng, mẹ vợ, vợ Thưởng và hai đứa con đi kinh tế mới theo lời khuyên của ông Thứ Trưởng khiến Thưởng gần như phát điên trong trại Vĩnh Quang. Khi đó, Thưởng thư cho vợ, bảo khi nào chưa về lại Sài Gòn lo cho hai đứa con được học hành thì đừng liên lạc gì nữa. Vài tháng sau, Thưởng nhận được thư báo thằng con lớn chết. Không ăn không ngủ ba ngày ba đêm, Thưởng bó gối, mắt mở trừng trừng, chẳng nói năng gì. Sau giờ lao động, Sư huynh và Nhân rón rén đến ngồi gần, chia xẻ nỗi đớn đau của Thưởng trong im lặng. Thưởng như ngọn nến bập bùng trước gió, đến ngày thứ tư thì quị. Bạn tù có gạo nấu cháo đổ cho Thưởng. Sư huynh nói những lời chí tình về sự sống. Cha Thuận cũng đến bên cạnh Thưởng, tay lần tràng, miệng rì rầm đọc kinh. Nhân làm phận sự bác sĩ, nhưng chẳng có thứ thuốc nào chữa được tuyệt vọng, thứ bệnh nan y chỉ Thượng Ðế mới có cách cứu giải. Dũng vốn bộc tệch bộc toạc, vuốt tóc Thưởng, thốt ‘‘Anh phải sống cho thằng bé con chứ!’’. Câu nói đó đã vực Thưởng dậy.

Về Sài Gòn, Thưởng lần đến Ngã Năm Bình Hòa, nơi mẹ vợ Thưởng sang được một căn nhà vách đất sau khi rời khu Kinh Tế mới ở Bảo Lộc. Ðưa thằng bé ra Hà Nội sống với ông ngoại để hy vọng tránh được việc bắt thanh niên đi nghĩa vụ, hai mẹ con quay lại miền Nam, buôn bán lặt vặt ở chợ Bà Chiểu độ nhật. Ðùng một cái, tin như sét đánh, thằng bé em trốn qua Lào, bị bắn chết khi vượt biên. Ông Thứ Trưởng nhận xác cháu, chôn cất xong thì xin từ nhiệm. Vợ Thưởng treo cổ, mắt trợn trừng, hốc mắt máu đổ ra lòe loẹt không đông lại được. Từ đó mẹ vợ Thưởng phát điên, cứ thấy đàn ông đi qua là bà quì xuống vái, miệng kêu ‘‘Lạy mấy ông, chừ tha cho tôi’’. Bà không nhận được con rể khi Thưởng về, thấy Thưởng như thấy người dưng, quì xuống lạy và kêu ‘‘Chừ tha cho tôi! Chừ tha cho tôi!’’. Biết vợ và thằng con còn lại đã chết, Thưởng chẳng tha thiết gì đến sống, nhưng lại không đành bỏ bà mẹ vợ điên dại. Muốn đi sang Pháp, đối với Thưởng không khó. Chàng vẫn còn quốc tịch Pháp và gia đình ở Paris giục thế nào Thưởng cũng không đến Lãnh Sự Quán Pháp để xin đoàn tụ. Thưởng – kẻ đã một thời kinh điển đầy mình, luận án cao học chủ đề là ‘’Phủ định của phủ định: tiến hóa trong quá trình biện chứng Mác-xít’’- đang thập thò ở ngưỡng cửa vô sản. Hiện nay, sắm được một chiếc bơm xe đạp, một mỏ lết, hai cái kìm, một cái búa, Thưởng ngồi vá xăm lốp xe đạp ở đầu đường.

Nghe Sư huynh hỏi, Nhân đáp hai tháng nay không gặp Thưởng. Sư huynh rủ, ‘‘Hai anh em mình đến thăm anh ấy đi’’. Đến nhà, Thưởng không có đó. Bà mẹ vợ Thưởng chỉ còn da bọc xương, tóc trắng xác xơ, quì xuống, miệng móm mém thều thào ‘‘Lạy mấy ông chừ tha cho tôi’’. Sư huynh chép miệng, kéo Nhân đến nơi Thưởng thường ngồi vá xe. Vẫn cái thế ngồi chân co đầu gối lên, Thưởng nhìn bạn, mắt lạnh lẽo vô cảm. Sư huynh chúc Tết:

– Này năm mới, tớ chúc cậu tỉnh ra nhé! Năm Dậu thường là năm lắm biến cố, không tỉnh thì… chỉ có toi!

Tưởng rằng vẫn ngậm miệng như thường lệ, nhưng Thưởng đáp, cũng bất ngờ không kém:

– Toi được, tôi toi ngay. Gia đình tôi đi sang Pháp, cho nên mẹ vợ chẳng khác gì mẹ đẻ… Thưởng cầm lấy búa gõ nhè nhẹ vào kìm như đánh nhịp. Lát sau Thưởng thẫn thờ tiếp – Chính tôi bảo cháu sang Lào. Nó chết, vì tôi. Rồi vợ tôi tự tử, cũng lại vì tôi. Mẹ vợ có mệnh hệ nào khi tôi toi thì hóa ra tôi sát nhân ba lần, mà toàn là giết những người thân! Thế thì tôi là cái giống gì?

Ba người bạn tù lại im lặng. Ngoài đường, ngày Tết nên vắng vẻ. Ðể phá cái không khí ngột ngạt, Nhân kể chuyện mình có đứa em tên Lương cũng đang ở Paris. Lương làm đơn bảo lãnh, nhưng hiện chỉ có tên mẹ Nhân và Nhân, chuyện kết hôn với Dao Ánh nhùng nhằng giấy tờ vẫn chưa xong. Nhân nói:

– Tôi chỉ muốn mẹ tôi đi. Phần tôi, ở lại cũng không sao. Bệnh viện Bình Dân đã cho tôi làm trợ y, trong khi chờ đợi ‘‘họ’’ thẩm định lại khả năng hành nghề bác sĩ…

Ðắn đo, Nhân nhìn Thưởng, tiếp:

– Khi đó, tôi có thể chẩn bệnh bà cụ mẹ vợ anh, và yêu cầu gửi cụ vào nhà thương Biên Hòa, nơi có thể chăm sóc cụ! Phần anh, theo tôi thì anh cứ liên lạc với Lãnh Sự Quán Pháp, đã đi ngay đâu mà ngại. Mình sửa soạn, và đến lúc có thể yên lòng đi thì đi…

Thưởng cười nhạt, ngắt:

– Ðể xem… Nhưng hỏi các anh, đến sống mà tôi còn không thiết thì đi để làm gì?

Sư huynh vỗ vào tay Thưởng, hỏi:

– Xưa trong trại cải tạo, cậu có nhớ đã nói gì với tôi không?

-???

– Cậu bảo cậu phải sống để ra tù, cậu sẽ bỏ thời gian nghiên cứu và viết lại Mác-xít cho người Việt Nam, vì cậu thấy cái guồng máy quyền lực miền Bắc chẳng Mác-xít, mác xiếc gì cả. Cậu cho rằng guồng máy đó chỉ thuần toàn trị, kiểu theo cái bà tên… Hannedth… nói thì phải!

Bật lên cười, một ánh lửa bốc cháy trong khóe mắt. Nhưng chỉ tích tắc ánh lửa đó lại tắt ngúm. Thưởng buồn bã:

– Trước đây có Trần Ðức Thảo, một triết gia danh tiếng, đã thử làm cái điều ấy theo cách ông nhìn, và kết cục là người ta lấy còng kẹp miệng ông lại ba mươi năm, các anh ạ! Chữ và nghĩa không đổi đời ngay được. Ðương cự với sự ngu xuẩn dưới thế, đến Thượng Ðế cũng bất lực, đành vứt lên Thiên Ðường những viễn mơ!

Nắm tay Nhân và Sư huynh, Thưởng ngậm ngùi:

– Chúng ta tự mình đánh mất địa đàng, và dần dần đánh mất chính chúng ta. Họa hoằn, trong mong manh tôi thấy còn con người. Vì thế… xin cám ơn các anh có lòng đến với tôi. Ðiều này, sống hay chết, tôi cũng sẽ ghi nhớ!

Comments are closed.