Vị Xuyên & thế sự Việt Trung (Trích, kỳ 7)

EM TÔI, LIỆT SĨ PHẠM VIẾT TẠO HY SINH TRẬN 12/7/1984 QUA HỒI ỨC CỦA ĐỒNG ĐỘI

Phạm Viết Đào

anh

 

MỘT VÀI THÔNG TIN VỀ “CHIẾN DỊCH MB 84”

“Chiến dịch MB 84” là chiến dịch bộ đội ta đánh phản kích để chiếm lại một số cao điểm bị Trung Quốc xâm chiếm trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên, nay là tỉnh Hà Giang. Đó là các Cao điểm 772, 685, 233, 300-400 và 1030. Địa bàn tác chiến của Chiến dịch là ở khu vực ngã ba Thanh Thủy, chiều sâu cách đường biên giới chỗ sâu nhất 5 km, chiều dài 10 km tính từ Nậm Tà, tây Thanh Thủy đến Pa Hán, Xi Cà Lá Đông Sông Lô…

Đơn vị tham gia Chiến dịch: năm 1984, trên địa bàn Hà Tuyên hiện diện 2 sư đoàn có nhiệm vụ phòng ngự bảo vệ Hà Giang đó là Sư 313 và Sư 314. Để phát động Chiến dịch MB 84, Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 đã điều động các đơn vị sau đây tham gia chiến dịch:

– Sư đoàn 356

– Trung đoàn 174, Sư 316 thuộc Quân đoàn 29

– Trung đoàn 141, Sư 312 thuộc Quân đoàn 1

Ngoài ra Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 còn bổ sung cho Chiến dịch: 1 tiểu đoàn đặc công; 1 tiểu đoàn đặc nhiệm; Huy động lực lượng pháo binh cấp chiến dịch của Quân khu 2 gồm: Lữ đoàn pháo binh 168; một tiểu đoàn pháo 122 ly; một tiểu đoàn pháo 130 ly của Bộ; một đại đội pháo 85 ly bắn thẳng…

Tổng cộng Chiến dịch MB 84 đã tập trung 100 khẩu pháo lớn; ngoài ra còn có pháo nhỏ biên chế theo các đơn vị bộ binh…

Phương án tác chiến

Phía tây sông Lô:

– Trung đoàn 876 thuộc Sư đoàn 356 tấn công đánh chiếm Cao điểm 772; đây là hướng chủ yếu của chiến dịch;

– Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149, Sư 356 đánh chiếm cao điểm 685;

– Trung đoàn bộ binh 174 Sư 316, đánh chiếm điểm cao 233, bình độ 300-400;

Phía đông sông Lô:

– Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, đánh chiếm điểm cao 1030.

Thời gian tổ chức Chiến dịch MB 84:

Thời gian được tổ chức chuẩn bị từ 20/6/1984 đến ngày 11/7/1984…

Tương quan lực lượng (ước tính):

Phía ta:

– 9 tiểu đoàn được bố trí tấn công trực tiếp; 4 tiểu đoàn thuộc Sư 356, 3 tiểu đoàn thuộc E876 và 1 tiểu đoàn thuộc E149; 2 tiểu đoàn thuộc E174-F316 và 2 tiểu đoàn thuộc E141- F312; 1 tiểu đoàn đặc công và đặc nhiệm;

Hỏa lực pháo binh: Có 350 khẩu; trong đó có 100 pháo lớn và 200 pháo cối, ĐKZ…

Phía Trung Quốc:

– 6 tiểu đoàn được bố trí phòng ngự ở các điểm chốt tiền duyên; Có hầm hào kiên cố; 2 tiểu đoàn bố trí tại Cao điểm 772; 1 tiểu đoàn tại Cao điểm 685; 2 tiểu đoàn tại Điểm cao 233; 300-400; 1 tiểu đoàn bố trí ở Cao điểm 1030.

Hỏa lực có hơn 950 khẩu (ước tính: 400 khẩu pháo cỡ lớn; 500 pháo cối, ĐKZ).

Biên chế của Sư đoàn 356 :

Năm 1984, Sư đoàn 356 được biên chế thành 4 trung đoàn, trong đó có 3 trung đoàn bộ binh mang các phiên hiệu: E876, E153, E149 và một trung đoàn pháo binh: E150. Sư đoàn còn có 12 đơn vị cấp tiểu đoàn và đại đội trực thuộc.

Trong chiến dịch MB 84, Sư đoàn 356 được Bộ Quốc phòng tăng cường thêm 01 đại đội đặc công, 01 đại đội đặc nhiệm nhưng do Bộ Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy.

Về hỏa lực, Bộ Tư lệnh Quân khu tăng cường thêm 01 đại đội hỏa tiễn BM13 của F313.

Tham gia Chiến dịch MB 84, các đơn vị pháo binh sau đây đã tham gia: Lữ đoàn pháo binh 168; 1 tiểu đoàn lựu pháo 122 của F316; 1 đại đội pháo bắn thẳng 85 ly của Lữ đoàn tên lửa 204…

Nhiệm vụ của Sư đoàn 356:

Đánh chiếm 2 cao điểm 772 và 685 thuộc địa bàn xã Thanh Thủy; Tổ chức 2 mũi luồn sâu vào đất Trung Quốc đánh vào trận địa pháo và các căn cứ hậu cần của quân Trung Quốc.

Hướng chủ yếu của Sư đoàn 356: đánh chiếm lại Cao điểm 772; sau khi đánh chiếm được, xây dựng lại trận địa để phòng ngự; chặn ý đồ tái chiếm của địch.

Phương án tác chiến :

– Tại cao điểm 772: dùng pháo binh bắn phá các mục tiêu phòng ngự của địch; pháo binh của Sư 356 và các đơn vị phối thuộc bắn vào các đỉnh Đ1-Đ2; Thời gian bắn là 120 phút; Chia làm 4 đợt, mỗi đợt 30 phút với 4 cơ số đạn.

Riêng mỏm Đ3 dùng đặc công đột kích tiêu diệt địch, sau đó bàn giao cho D3- E876 lên tiêu diệt địch, chiếm lĩnh trận địa, giữ chốt, chặn không cho quân Trung Quốc từ 1509 xuống tiếp ứng.

Lực lương đánh luồn sâu: dùng một phân đội đặc nhiệm, phân đội trinh sát và một lực lượng của C10, C11-E876 luồn sâu vào đội hình địch, phía sau 772, đánh phá trận địa pháo tại Xín Chải; Đánh vào khu bộ binh ở hướng này không cho chúng tiếp viện, ứng cứu Đ3-772.

Cao điểm 685: hướng tấn công đánh chiếm cao điểm 685 được giao cho Tiểu đoàn 7, E149 thực hiện. Mũi tấn công này, ngoài pháo binh của Trung đoàn, Sư đoàn còn được tăng cường 01 đại đội pháo 37 ly, 02 khẩu đội pháo 76 ly 2 bắn thẳng từ Cóc Nghè.

Biên chế, hỏa lực của Trung đoàn 876: vào thời điểm tác chiến, Trung đoàn 876 có: 3 tiểu đoàn bộ binh và một số đơn vị trực thuộc. Trung đoàn được tăng cường 01 đại đội công binh làm nhiệm vụ mở cửa, 1 đại đội súng cối 82 ly, 1 đại đội pháo 37 ly và 1 đại đội pháo 85 ly bắn thẳng.

Hỏa lực pháo binh yểm trợ phía sau gồm 2 tiểu đoàn pháo 105 ly và cối 160 của Trung đoàn 150.

Nhiệm vụ của Trung đoàn 876

– Nhiệm vụ 1: Tấn công đánh chiếm Cao điểm 772; hướng tấn công chủ yếu của Sư đoàn 876 và của Chiến dịch MB 84; Trung đoàn có nhiệm vụ tiêu diệt địch, chiếm lại đỉnh cao, sau đó tổ chức phòng ngự, giữ vững trận địa, mục tiêu đã chiếm;

– Nhiệm vụ 2: Tổ chức 2 mũi tấn công, luồn sâu vào phía sau đội hình địch, đánh vào trận địa pháo, kho tàng và ngăn chặn lực lượng tiếp viện cho các cao điểm bị tấn công…

Lực lượng tấn công của E876:

– Trung đoàn 876 sử dụng 3 tiểu đoàn đánh chiếm 3 cao điểm: Đ1, Đ2, Đ3;

– Lực lượng đánh luồn sâu khoảng 2km gồm 2 thê đội: Thê đội 1 là một phân đội trinh sát, 1 trung đội đặc nhiệm của Quân khu tăng cường đánh vào trận địa pháo 105 ly và cối 100 ly của địch; Thê đội 2 là 2 trung đội bộ binh của Đại đội 10 và Đại đội 9, đánh vào khu nhà ở và lực lượng dự bị của quân Trung Quốc, ngăn không cho chúng tiếp viện các điểm cao bị ta tấn công…

Nhiệm vụ của Trung đoàn 149: Trung đoàn 149 gồm 3 tiểu đoàn bộ binh: D7, D8, D9 và một số đại đội trực thuộc. Trong Chiến dich MB 84, Trung đoàn 149 được tăng cường 1 đại đội pháo gồm 3 khẩu pháo 37 ly…

– Nhiệm vụ tấn công: Tiểu đoàn 7 được giao nhiệm vụ đánh chiếm cao điểm 685; Cao điểm 685 có 3 mỏm bị địch chiếm, nằm sâu trong đất ta khoảng 2km. Đại đội 1 được phân công đánh chiếm Đỉnh 2; Đại đội 2 và Đại đội 3 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Đỉnh 1 và Đỉnh 3;

Nhiệm vụ phòng ngự của Trung đoàn 149:

– Tiểu đoàn 8 được giao nhiệm vụ phòng ngự ngăn chặn địch từ hướng Bình độ 1200, thuộc dông 1509; đề phòng quân Trung Quốc chọc thủng tuyến phòng ngự của Trung đoàn 818, Sư đoàn 314 đảm nhiệm…

– Tiểu đoàn 9 được giao phòng ngự tại Cao điểm 600, Cao điểm 468; đồng thời là thê đội dự bị…

Trung đoàn pháo binh 150. Trung đoàn pháo binh 150 gồm 3 tiểu đoàn:

– Tiểu đoàn 10 pháo 105 ly; trận địa đặt ở Lao Chải;

– Tiểu đoàn 11, pháo cối 160 ly; Trận địa đặt ở Nà Cáy, cách Cao điểm 772 là 3800m;

– Tiểu đoàn 12: Pháo 76,2 ly; Một đại đội được bố trí tại Cao điểm 812 cự ly từ 2900-3100 m

– 2 đại đội hỏa tiễn BM13 thuộc F313 tăng cường, có 6 dàn;

Trung đoàn bộ binh 153

– Nhiệm vụ của Trung đoàn 153 là vận tải chiến trường; tổ chức 5 đội vận tải gồm 155 bộ đội…

CAO ĐIỂM 772

Cao điểm 772 thuộc xã Thanh Thủy-Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, nằm cách đường biên giới phía đông bắc giữa Hà Giang-Việt Nam và Vân Nam Trung Quốc 1,5 km bị đối phương xâm chiếm từ tháng 4/1984. Cao điểm 772 có vị trí phòng ngự thuận lợi trong thế trận phòng ngự liên hoàn vững chắc. Phía đối phương muốn dùng 772 để làm bàn đạp tràn xuống Vị Xuyên, uy hiếp thị xã Hà Giang. Ta hiểu rõ điều đó và xác định được thế địch ở trên cao phòng ngự, ta ở dưới tiến công lên, sẽ vô cùng bất lợi, nhưng vẫn quyết tâm giành lại.

Cao điểm 772 là dông phía bắc của Cao điểm 1509, thấp dần từ tây sang đông thuộc thôn Nậm Ngặt xã Thanh Thủy. Giống như một “con voi” đang tung vòi về phía tây, có nhiều đỉnh, nhưng có 3 đỉnh cao nhất. Tính từ đông sang tây thì đỉnh Đ1 là phần đuôi, giáp đỉnh cao 685; đỉnh Đ2 cao nhất, ở giữa là phần lưng, đỉnh Đ3 phần đầu voi, liền kề 1509. Quá trình chiếm giữ, đối phương đã củng cố xây thành cứ điểm tương đối vững chắc xung quanh điểm cao; phía trước tiền duyên là hệ thống mìn các loại, dày đặc kèm theo hàng rào thép gai.

Trên Cao điểm 772, địch bố trí khoảng 2 tiểu đoàn bộ binh có lực lượng tăng cường để chiếm giữ, quân số hơn 600 tên, với sự yểm trợ của các trận địa pháo binh 152 ly, Đ74, 112 ly, đặt ở phía sau, trong đó có hỏa lực trực tiếp bảo vệ 772 gồm 1 tiểu đoàn, 18 khẩu pháo 105; một trận địa 6 khẩu H12, đặt cách đường biên giới 2 đến 4 km, một đại đội 6 khẩu pháo 85 ly bắn thẳng đặt trên đỉnh 1509, 2 trận địa cối 100 ly và 2 trận địa hỏa lực ĐKZ đặt ở sườn điểm cao 1509.

Từ ngày 9/7/1984, Trung đoàn 876, Sư 356 và một số đơn vị tham chiến hành quân vào vị trí. Đến 24 giờ ngày 11/7/1984, bộ đội các hướng tấn công đã tiến vào tuyến xuất phát xung phong, đào công sự, ngụy trang chờ lệnh.

Diễn biến trận chiến tại Cao điểm 772: Cao điểm 772 thuộc xã Thanh Thủy-Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, nằm cách đường biên giới phía đông bắc giữa Hà Giang-Việt Nam và Vân Nam Trung Quốc 1,5km bị đối phương xâm chiếm từ tháng 4/1984. Điểm cao 772 có vị trí phòng ngự thuận lợi trong thế trận phòng ngự liên hoàn vững chức. Phía đối phương muốn dùng 772 để làm bàn đạp tràn xuống Vị Xuyên, uy hiếp thị xã Hà Giang. Ta hiểu rõ điều đó và xác định được thế địch ở trên cao phòng ngự, ta ở dưới tiến công lên, sẽ vô cùng bất lợi nhưng vẫn quyết tâm giành lại.

Cao điểm 772 là dông phía bắc của điểm cao 1509, thấp dần từ tây sang đông thuộc thôn Nậm Ngặt xã Thanh Thủy. Giống như một con voi đang tung vòi về phía tây, có nhiều đỉnh, nhưng có 3 đỉnh cao nhất. Tính từ đông sang tây thì đỉnh Đ1 là phần đuôi, giáp đỉnh cao 685; đỉnh Đ2 cao nhất, ở giữa là phần lưng, đỉnh Đ3 phần đầu voi, liền kề 1509. Quá trình chiếm giữ, đối phương đã củng cố xây thành cứ điểm tương đối vững chắc xung quanh điểm cao; phía trước tiền duyên là hệ thống mìn các loại, dày đặc kèm theo hàng rào thép gai.

Trên Cao điểm 772 địch bố trí khoảng 2 tiểu đoàn bộ binh có lực lượng tăng cường để chiếm giữ, quân số hơn 600 tên, với sự yểm trợ của các trận địa pháo binh 152 ly, Đ74, 112 ly, đặt ở phía sau, trong đó có hỏa lực trực tiếp bảo vệ 772 gồm 1 tiểu đoàn 18 khẩu pháo 105; một trận địa 6 khẩu H 12, đặt cách đường biên giới 2 đến 4km, một đại đội 6 khẩu pháo 85 ly bắn thẳng đặt trên đỉnh 1509, 2 trận địa cối 100 ly và 2 trận địa hỏa lực ĐKZ đặt ở sườn điểm cao 1509.

Từ ngày 9/7/1984, Trung đoàn 876, sư 356 và một số đơn vị tham chiến hành quân vào vị trí. Đến 24 giờ ngày 11/7/1984, bộ đội các hướng tấn công đã tiến vào tuyến xuất phát xung phong, đào công sự, ngụy trang chờ lệnh.

Tại Cao điểm 772, dùng pháo binh bắn phá trực tiếp vào các mục tiêu đã định. Pháo binh của Sư 356 và pháo phối thuộc bắn vào các cao điểm Đ 1, Đ 2. Thời gian bắn phá là 120 phút, chia làm 4 đợt mỗi đợt 30 phút với 4 cơ số đạn…

Riêng mũi Đ 3 dùng đặc công đột kích, sau đó Tiểu đoàn 3, E 876 xung phong chiếm lĩnh trận địa, bắt tù binh và chốt giữ đề phòng quân Trung Quốc phản kích từ Cao điểm 1509 xuống…

Giờ nổ súng :

Ngày 12/7/1984 lúc 0 giờ các đơn vị đã áp sát mục tiêu theo kế hoạch, cách địch 200 m đến 300 m. Đêm tối đen, lại thêm sương mù dày đặc, cách nhau 2 m không nhìn rõ mặt người. Từ đài quan sát mục tiêu không quan sát thấy, Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm yêu cầu:

– Đồng chí Đặng Xuân Nghiêm, chủ nhiệm pháo binh sư đoàn, áp dụng biện pháp khắc phục, điều chỉnh bắn.

– Điện báo hữu tuyến, chỉ đạo các đơn vị tham chiến, nhất là đài quan sát bộ binh, pháo binh mở rộng vị trí, dùng mọi biện pháp khắc phục, để nắm tình hình báo cáo chỉ huy.

Đến 2g20 phút địch bất ngờ bắn cối xung quanh khu vực điểm cao nơi đội hình ta ém quân, đến 2 h 35 phút tiếp tục bắn đợt 2 quãng 10 phút, mật đội ngày càng tăng. Trung đoàn trưởng Trần Sĩ Tứ điện về xin pháo bắn trả và xin biết giờ G. Sư đoàn trưởng không đồng ý vì có điện báo: đặc công đánh điểm cao 233 đã vướng mìn. Nên địch tăng cường cảnh giới và tăng cường mật độ bắn vào trận địa của ta.

3g00, các trận địa hỏa lực của toàn sư đoàn bắt đầu nổ súng, lúc này vẫn chưa có chi viện của pháo các đơn vị chi viện của pháo của các đơn vị hỏa lực phối thuộc. Cùng lúc Sư đoàn trưởng thông báo Giờ G là 3 h 40 phút.

Lúc này, các tin báo liên tiếp dồn về: Đài quan sát 1: “Trời mù sương không thấy mục tiêu”; Đài quan sát 2: “Không rõ mục tiêu, không thấy điểm nổ…yêu cầu bắn khống chế trận địa địch tại lùm cây tre, tọa độ…”, “địch bắn vào đội hình…”, “đội luồn sâu không có tín hiệu”…

Pháo ta chuyển từ bắn phá hoại sang bắn áp chế. Nhưng cũng không quan sát được kết quả bắn. Trên hướng tấn công lên điểm cao 685, tiếng súng của ta cũng rộ lên, hỏa lực của trung đoàn 149, pháo 85, 37 ly của sư đoàn đồng loạt nhả đạn…

ĐỈNH Đ2-ĐIỂM CAO 772 – Bức điện cuối cùng

Đ2 là đỉnh trung tâm, cao nhất trong 4 điểm của điểm cao 772. Nhìn từ Cốc Nghè, phía bên phải là Đ 2 là Đ 1, bên trái chếch hướng tây là đỉnh Đ3. Đỉnh Đ2 nằm ở giữa có thể dễ dàng khống chế các đỉnh còn lại, nếu bên nào giữ được đỉnh này, coi như giữ được điểm cao 772.

Địch bố trí Sở chỉ huy tiểu đoàn ở đây và một đại đội bộ binh tăng cường khoảng 200 tên, các hỏa lực bố trí kèm theo rất mạnh gồm súng ĐKZ 82, cối 60 và 12,7 ly. Một trận địa cối 100 ly nằm kế trên yên ngựa giữa Đ 2 và Đ 3; phía sau Đ 2 là một hệ thống hỏa lực dày đặc, xa nữa là nhiều trận địa hỏa lực cỡ lớn như: hỏa tiễn H 12, pháo 105, Đ 74, 155…

Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 876 được chọn, giao và đã hạ quyết tâm đánh địch, chiếm lại đỉnh cao trung tâm này. Những cán bộ chỉ huy đội hình tấn công của D 1-E 876 gồm: Tiểu đoàn trưởng Trần Trung Chỉ, Tiểu đoàn phó Bạch Văn Kết, Chính trị viên tiểu đoàn Hồ Ngọc Sĩ…

Tiểu đoàn 1 và chỉ huy Trung đoàn 876 xác định hướng tấn công phía tây nam của 772, đánh thẳng lên Đ2. Đây là hướng tấn công chủ yếu của Sư 356 và cũng là hướng chủ yếu Chiến dịch MB 84.

Với vị trí quan trọng như vậy nên chỉ huy các cấp chọn Đại đội 2 của Tiều đoàn 1 là chủ công. Đây là đại đội có kỷ luật nghiêm, có nhiều thành tích trong huấn luyện làm đột kích 1, Đại đội trưởng là đồng chí Bành Trọng Hòa.

Đột kích 1 chọn đột phá là trung đội 2 do Trung đội trưởng Phạm Viết Tạo chỉ huy; Phạm Viết Tạo cũng chính là người được giao cầm cờ tiến công đột kích 1; chỉ huy trực tiếp đột kích 1 là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trung Chỉ.

Đột kích 2 của hướng tấn công giao cho Đại đội 3, đồng chí Tiểu đoàn phó Bạch Văn Kết trực tiếp chỉ huy đột kích 2.

Đúng theo kế hoạch, 2 h 00 ngày 12/7/1984 đội hình Tiểu đoàn 1 đã ở vào vị trí bình độ 600 thuộc điểm cao 772, địa hình là một dải ruộng bậc thang, đây là tuyến xuất phát xung phong, đội hình được bố trí theo hàng dọc, hướng thẳng lên đỉnh Đ 2.

2g30, Đại đội 2 đã áp sát chiến hào 1, cách địch 200 m, tiến đầu là Trung đội trưởng Phạm Viết Tạo và đại đội công binh mở cửa; tiếp sau là Đại đội 3. Toàn bộ đội hình đã bí mật củng cố hố chiến đấu cá nhân.

4g10 phút, các vị trí cá nhân đã được bố trí xong, lúc này chỉ còn chờ hỏa lực pháo binh của ta nổ súng bắn phá đỉnh Đ 2 và các vị trí khác…

Nhưng đến 4g30 vẫn chưa thấy pháo ta khai hỏa, đột nhiên nhiều tiếng nổ bất thường đã rộ lên ầm ầm, đạn pháo các cỡ gồm các dàn hỏa tiễn, pháo 152 ly, 105 ly và đạn súng cối 100 bắt đầu rơi vào đội hình tiểu đoàn 1, mỗi lúc một nghiêm trọng hơn.

Theo quan sát ban đầu, khi quân ta bắt đầu tấn công, không chỉ ở Đỉnh Đ2 mà cả Đ1 và Đ3, hỏa lực pháo của địch đã dựng lên một bức tường lửa trước tiền duyên của chúng. Có vị trí dàn hỏa tiễn của chúng bắn nhiều dàn trong 2 h đồng hồ liền. Nhiều vị trí của D1, D2, D3 của E876 nằm gọn trong lưới lửa khủng khiếp đó.

Trước tình thế đó, cấp trên đã hạ lệnh cho hỏa lực của Trung đoàn 876 nổ súng. Các trận địa pháo cối các cỡ, đạn ĐKZ, đạn KM 79…của trung đoàn, bắt đầu động loạt nhả đạn, tiếng nổ rộ lên…

Sau hơn một giờ nổ súng, hỏa lực của trung đoàn đã phá hủy được một số mục tiêu trên chiến hào Đ2, tuy nhiên đã chưa đủ mạnh để công phá, khống chế địch… Lúc này đạn địch nổ mỗi lúc càng dày đặc, đạn cỡ lớn rơi nhiều vào đội hình Tiểu đoàn 1, nhiều đồng chí đã hy sinh ngay tại tuyến xuất phát, những người sống sót không ngóc dậy khỏi hố chiến đấu được.

Trước tình hình đó, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trung Chỉ quyết định ra lệnh mở cửa. Khi bộc phá đã phát hỏa, cũng là lúc lựu đạn hỏa lực ném vào Đ 2 cùng pháo cối các trận địa tập trung bắn cấp tập vào cửa mở. Đội hình Đại đội 2 chìm trong mưa đạn. Không thể nằm chờ, Nguyễn Trung Chỉ tức tốc gọi điện cho chỉ huy sư đoàn và Sư trưởng Bùi Thanh Điếm: “Tôi đã vào tới cửa mở, đang cơ động lên Đ2”…, rồi anh phát lệnh tấn công.

Đại đội 2 mà mũi nhọn là Trung đội 2 bật dậy trong mưa đạn. Trung đội trưởng Phạm Viết Tạo giương cao lá cờ, các chiến sĩ Đại đội 2 lao thẳng lên cửa mở hướng lên Đ2. Hỏa lực các loại của địch quá dữ dội, đạn nổ, mảnh rít bay tứ tung, do vậy hầu hết anh em B2 gục ngã trên đường tấn công, máu và đất bắn tung tóe. Đại đội 2 tiếp tục tổ chức tấn công đợt 2 cùng anh em B1 dũng mãnh tiến lên và họ đã lần lượt ngã xuống. B3 cũng không nằm chờ chết, những đội chân bước qua xác đồng đội tiến lên, nhưng do đạn của địch rơi không ngớt nên tất cả họ đã hy sinh trước cửa mở…

Những tiếng nổ hủy diệt vẫn ầm ầm mỗi lúc một dữ dội hơn, cảnh tượng anh em chết và bị thương nằm phơi mình khắp nơi, trông rất bi thảm. Trên chiến tuyến, không ít thi thể của anh em trên đường tấn công đã nhiều lần bị trúng đạn, thịt da hòa vào đất… Đại đội 3 là thê đội áp sát đại đội 2, bên những ruộng bậc thang, chưa kịp tấn công, cũng bị ngập trong mưa đạn, tổn thất ngày một nghiêm trọng.

Tại sở chỉ huy sư đoàn, các đài thông tin luôn phát đi: “D1 đâu, D1 đâu… D1 đâu…” một cách vô vọng. Vẫn chỉ nghe tiếng “rù… rù…rù”, lúc này mạng thông tin cả vô tuyến và hữu tuyến tới D1 đều không tác dụng. Đại bộ phận anh em thông tin đều chết và bị thương.

Đến 11g ngày 12/7/1984, các đài thông tin vẫn không nhận được tin tức của Tiểu đoàn 1, bức điện tiến công của Nguyễn Trung Chỉ – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, E876, F356 đã là bức điện cuối cùng…

11g30 phút ngày 12/7/1984, tiếng súng thưa thớt dần rồi im hẳn. Đường tiến công lên cao điểm 772 tanh bành, mất hết màu xanh cây lá, chỉ còn lại đất đỏ, khói bụi khét đặc thuốc súng, bụi đất mịt mù tràn khắp Thanh Thủy…Trận đánh đã không thành công. Tiểu đoàn 1 của E 876 đã tổn thất nghiêm trọng, cán bộ tiểu đoàn đến đại đội, trung đội hoàn toàn bị thương vong. Trong đó đồng chí Nguyễn Trung Chỉ – Tiểu đoàn trưởng, Bạch Văn Kết – Tiểu đoàn phó, Trung đội trưởng Phạm Viết Tạo cùng các đồng chí Nguyễn Văn Thêm – Trợ lý tác chiến tiểu đoàn, Nguyễn Văn Thọ – Trợ lý chính trị trung đoàn 876 và hầu hết cán bộ Đại đội 2, Đại đội 3 đều đã hy sinh trên cao điểm 772…

Danh hiệu Sư đoàn 356 đạt được trong chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên:

– Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể và 2 cá nhân; Tập thể: Tiểu đoàn 4 bộ binh thuộc Trung đoàn 153.

Cá nhân:

– Trung úy, Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh – Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876.

– Thượng sĩ y tá Lê Trần Mãn – Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153.

– Sư đoàn 356 được tặng hơn hai ngàn năm trăm huân chương chiến công các loại cho tập thể và cá nhân…

(Phạm Viết Đào Biên soạn dựa theo Sư đoàn 356 và Ký ức Vị Xuyên, NXB Dân trí, 2018)

P.V.Đ

Comments are closed.