Viết Về Nhã Ca, Trần Dạ Từ

Nguyên Giác

Gần như luôn luôn, rất khó viết về những gì thân thiết với chúng ta. Thí dụ, viết về những người chúng ta gặp năm lần, bảy lượt mỗi tuần. Có khi họ trở thành ký ức chúng ta có về họ nhiều năm trước, nhiều tháng trước… trong khi cõi này, chuyển biến chảy xiết vô thường từng khoảnh khắc. Ngay cả khi chúng ta hàng ngày soi gương, cũng không chắc là nên tự viết ra sao về bản thân mình, kiểu khách quan gọi là, đứng từ xa mà ngó.

Vâng, bài này sẽ cố gắng “đứng từ xa mà ngó” về anh chị Nhã Ca, Trần Dạ Từ – hai người mà tôi có cơ duyên làm việc chung từ hơn hai thập niên. Nghĩa là, gần như gặp hàng ngày.

Điểm lạ, họ thành công trên nhiều lĩnh vực. Nhưng trước tiên và trên hết, Nhã Ca và Trần Dạ Từ là hai nhà thơ. Và là nhà thơ từ khi còn tuổi rất nhỏ. Có nhiều bài thơ họ làm từ hơn nửa thế kỷ trước, đọc lại vẫn đầy sức mạnh. Trong đó có một số bài thơ được Cung Tiến, Phạm Duy và Phạm Đình Chương phổ nhạc.

Hai người cũng là những nhà báo xuất sắc – và bản thân tôi, đã học rất nhiều kỹ thuật nghề báo từ anh Từ, chị Nhã (như cách tôi hàng ngày gọi anh Trần Dạ Từ và chị Nhã Ca). Tôi tin rằng những tờ Báo Xuân Việt Báo hàng năm là những nỗ lực đẹp nhất có thể có trong nghề báo tại Quận Cam.

Sách của chị Nhã Ca – cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế – được Giáo sư Olga Dror dịch sang tiếng Anh, ấn bản “Mourning Headband for Hue: An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968” đang bán trên Amazon.com.

Bản thân anh Trần Dạ Từ cũng sáng tác nhạc – anh đã ấn hành ít nhất là 2 CD nhạc.

Một điều không thấy (hay rất ít thấy) trong rất nhiều bài viết liên hệ tới anh chị Từ-Nhã là, bản thân nhà thơ Nhã Ca là một học trò trực tiếp của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, và bản thân chị vẫn bảo trợ cho việc tu học của nhiều vị lạt ma tái sanh – trong đó, có một vị được kể là trong nhiều kiếp quá khứ là một vị sư Tây Tạng nổi tiếng về nghiêm tu thiền định. Trung bình, một năm hay hai năm, chị Nhã Ca lại sang Dharamsala, Ấn Độ, dự khóa tu thường niên do Đức Đạt Lai Lạt Ma tổ chức.

Trong khi đó, gia đình anh chị Từ-Nhã là học trò của Thầy Trí Thủ khi Thầy sinh tiền, và trong cơ duyên nghề báo có tình thân với quý Thầy Nhất Hạnh, Mãn Giác, Tuệ Sỹ…

Nhà văn Nhã Ca trong bài viết nhan đề “Thầy Nhất Hạnh Ở Kim Sơn, 10-1999” đã kể về khi gặp lại Thầy Nhất Hạnh ở Chùa Kim Sơn, Bắc Calif., trích:

“… tôi gặp lại Chân Không. Mỉm cười với nhau. Thì vậy, nụ cười đã gần gụi theo những hộp quà từ Làng Hồng về Việt Nam, trong cơn thập tử nhất sinh của cả nước. Cầm tay, lắc lắc. “Chị nhận không ra phải không? Em già rồi!” Chân Không nói. Cười. Bao nhiêu dấu vết tuổi tác, chỉ một nụ cười cũng đủ để xóa hết. Nụ cười không bao giờ có tuổi.

Chân Không bỏ vào trong, lát sau cầm ra một CD: “Có CD Tiếng Hát Chân Không tặng chị”. Tôi siết tay cô Chín thân thương của đàn con: “Đây là lần đầu tiên, nhận một món quà mà không phải thùng đồ”. Cười…

Ánh nắng chếch lên một tí, để nhảy chiếu vào khi hai ly trà được đặt lên bàn.

“Rồi cũng có lúc cùng ngồi uống trà, Nhã Ca.”

Thầy cười. Nụ cười như tiếng nói vẫn nhẹ nhàng, chừng mực.

“Từ có nhắc tới lần chở thầy trên chiếc xe Mô bi lét tới đài phát thanh không?”

“Có, thầy. Chưa kịp nhắc thì thầy đã nhớ.”

Đó là chuyện ba mươi lăm năm trước, thời thầy Nhất Hạnh lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, dựng Phương Bối Am ở Bảo Lộc, làm báo “Giữ Thơm Quê Mẹ” ở Saigon.

“Các cháu””

Tôi cảm động vì sự quan tâm của thầy. Từ những ngày khổ ải ở Việt Nam, tới khi thoát thân tới Thụy Điển, rồi qua Mỹ, làm báo. Không lúc nào thầy không lo cho, hỏi thăm, nhắc nhở. Tôi kể chuyện Từ, các cháu, từng đứa.

Khi tôi quyết định đi Kim Sơn gặp Thầy, tôi không hề có ý định phỏng vấn để viết báo. Người ta đã phỏng vấn, đã viết quá nhiều về thầy. Tôi chỉ mong gặp thầy, thăm thầy, để nói vài điều mà tôi muốn nói riêng với thầy. Và tôi nói liền.

Tôi nói về chuyện sư phụ tôi, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, về những oan nghiệp mà sư phụ tôi đã cắn răng chịu lúc cuối đời. Một lúc nào đó, tôi nhìn, thấy Thầy Nhất Hạnh ngồi thật im lặng, môi hơi mím lại. Thầy nghĩ gì, tôi không biết. Nhưng tôi thấy trong mắt thầy, thoáng nét buồn của sư phụ tôi. Tôi thấy trong người nhẹ đi nhiều, vì tôi đã nói ra được…” (ngưng trích)

.

Tôi nghĩ rằng, bài thơ “Tiếng chuông Thiên Mụ” của chị Nhã Ca sáng tác năm 1963, sẽ vẫn được nhắc hoài trong giới nghiên cứu văn học (nếu tương lai, văn hóa Việt chưa bị Trung Quốc xóa sổ), trích:

“…Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy

Tiếng chuông đến và đi chỉ mình tôi thấy

Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan

Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em

Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền

Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố

Tiếng chuông tan dài như đêm không ngủ

Tiếng chuông tan tành như tiếng vỡ trong tôi…” (ngưng trích)

.

Trong thời gian trong trại tù GiaTrung năm 1979, Trần Dạ Từ đã viết bài thơ “Ném Con Cho Giông Tố” và tự soạn thành ca khúc nhẩm trong đầu. Đây là một bài thơ hay, và là một ca khúc hay. Sáng tác này không chỉ làm xúc động những người từng gửi con lên ghe vượt biên, mà cũng đã tự thân đưa một cảm xúc riêng trở thành một trong những dấu mốc lịch sử. Trích:

Em có lũ con thơ

bị quê hương ruồng bỏ

Từ bóng tối hận thù.

Em nghiến răng…

Ném con cho giông tố…

.

“Giông tố giông tố

ngoài khơi xa

Ta gửi ngươi con ta

Xương thịt ta. Tâm hồn ta.

Hy vọng ta…” (ngưng trích)

Thơ hay như thế, nhạc hay như thế. Mỗi lĩnh vực đều có vị trí riêng cho Trần Dạ Từ.

Một món quà tuyệt vời khác anh Từ, chị Nhã trao tặng cho văn học Việt Nam là Giải Viết Về Nước Mỹ: Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ ngày 30 Tháng Tư năm 2000, với ngân sách giải thưởng hàng năm là 35,000 mỹ kim.

Tới giờ, như thế là 19 năm rồi. Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín – gồm những bài viết được phổ biến trên nhật báo Việt Báo và trên vietbao.com từ ngày 1 tháng Bảy 2017 tới 30 tháng Sáu 2018 – sẽ tổ chức vào Chủ Nhật 12 Tháng Tám 2018, và 20 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.

Sang năm thứ 19, sách “Viết Về Nước Mỹ” do Việt Báo ấn hành đã được 21 cuốn, mỗi cuốn 640 trang. Ngoài các ấn bản chính thức của Việt Báo, hàng ngàn bài viết cũng liên tiếp được trích đăng lại trên các sách báo Việt ngữ trong ngoài nước, nhiều cuốn sách được in đi in lại. Không kể số lượng người đọc sách báo, chỉ riêng tổng số lượt đọc viết về nước Mỹ trên Việt Báo online hiện đã xấp xỉ 800 triệu. Một số tác giả có bài viết đạt kỷ lục trên dưới 1 triệu lượt người đọc. Tính chung, gần 5500 bài viết của hàng ngàn tác giả Viết Về Nước Mỹ trong 18 năm qua hiện được phổ biến trên Vietbao.com.

.

Từ góc nhìn khác, lịch sử đã chiếu rọi những phương diện khác của hai nhà văn này. Khi nghĩ tới Nhã Ca, một số người nghĩ ngay tới Mậu Thân 1968. Khi nghĩ tới Trần Dạ Từ, một số người nhớ chuyện năm 1963, khi ông Từ bước ra khỏi nhà tù trong ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Nhưng phần lớn, luôn luôn trong những gì tôi nghĩ tới Nhã Ca và Trần Dạ Từ – trước tiên rằng họ là thi sĩ. Đó là phần tuyệt vời.

Tới đây, xin nói thêm rằng tôi không giỏi về kỹ thuật, nên không rõ Wikipedia phần tiếng Việt có phải là viết từ các viên chức Bộ Thông Tin Hà Nội hay không. Nhưng nên thấy: rất nhiều thông tin sai. Về sách Giải Khăn Sô Cho Huế, Wikipedia viết rằng, “Nhã Ca nói lý do việc mình hư cấu...” và rồi Wikipedia dẫn ra báo Công An Nhân Dân và báo Tiền Phong. Hai báo này bịa đặt.

Thực tế, sách Giải Khăn Sô Cho Huế chỉ kể chuyện mắt thấy và tai nghe, không hề hư cấu. Những bất toàn nếu có, chỉ là vì mắt thấy và tai nghe. Đó là, theo lời Nhã Ca nói trên RFA ngày 2008-02-03 (không thấy ghi rõ tháng 2 hay tháng 3), trả lời nhà báo Mặc Lâm rằng đó là tập bút ký:

…xin coi cuốn sách này như một bó nhang đèn góp giỗ. Tinh thần ấy không thay đổi… bút ký hoặc truyện ký của một người chạy loạn Tết Mậu Thân tại Huế, kể lại những điều mắt thấy tại nghe. Trong cảnh bom đạn, chết chóc, dù mắt chính mình có thấy vẫn không thể thấy hết mọi phía… Dù tai nghe mắt thấy, có sao viết vậy, hẳn nhiên cũng không khỏi thiếu sót hoặc sai sót… Về những nhân vật thật, nêu đích danh chỉ có anh Lê Văn Hảo, thị trưởng Huế Mậu Thân do phía quân giải phóng cử ra. Anh Hảo nay đã tị nạn cộng sản tại Pháp, đã chính thức lên án việc quân giải phóng tàn sát dân Huế hồi Tết Mậu Thân. Nhân vật thứ hai trong sách mang tên Phủ là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên Tổng Thư Ký Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình Thành Phố Huế thời Tết Mậu Thân… Năm 1997, anh Tường đã đến Paris, lên tiếng trên đài RFI, nói về ‘nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được…’ Anh cũng đã công khai ‘gửi lời cám ơn sự khách quan của chị Nhã Ca dành cho tôi’ và nói nguyên văn rằng ‘Giải Khăn Sô Cho Huế đối với tôi, vẫn là một bút ký hay viết về Huế Mậu Thân; hàng chục năm qua đọc lại, tôi vẫn còn thấy quặn lòng.’ Văn bản lời anh Tường trả lời cuộc phỏng vấn của chị Thụy Khuê đài RFI hiện còn lưu trên internet, ai cũng có thể đọc được. Nhân vật thứ ba trong sách có tên là Đắc, theo lời kể mà tai tôi nghe, liên quan tới cái chết đau thương của người bạn tên là Mậu Tý. Nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, một phụ tá của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, có viết bài phản bác, nói là anh không hề liên quan.

Cả ba nhân vật kể trên, đều đã có lòng đích thân đến gặp tôi trước ngày chúng tôi rời Saigon sang Thụy Điển. Đoạn kể lại những gặp gỡ này trong Hồi Ký Nhã Ca có được trích in trong sách mới Giải Khăn Sô Cho Huế.”

Trích lại như trên, để độc giả không bị Wikipedia đánh lạc hướng.

Cuối bài, xin có mấy dòng thơ tặng anh chị Nhã Ca – Trần Dạ Từ:

Nét mực ngân chuông Thiên Mụ

hồn thơ lắng biển Sắc Không

xông xáo mấy rừng văn tự

ngậm ngùi trăm cõi núi sông.

.

NHA CA_Tran Da Tu_2015_Goi Dau Bay

Anh chị Trần Dạ Từ và Nhã Ca trong buổi giới thiệu CD nhạc Gội Đầu Bay hồi năm 2015.

Comments are closed.