Vòng tròn ma thuật (kỳ 8)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

7.

Rubashov ú ớ nói mơ, đấy là giấc mơ về vụ bắt giữ thứ nhất, bàn tay bỏ thõng ra ngoài giường đang cố tìm cái ống tay áo, anh chờ đợi một cú đấm vào mang tai nhưng không thấy

Anh tỉnh giấc vì đèn trong buồng bỗng bật sáng. Có một người đứng sát ngay bên cạnh giường và đang chăm chú ngắm nhìn. Rubashov mới thiếp đi được chừng mười lăm phút, nhưng sau những giấc mơ như thế bao giờ cũng phải một lúc anh mới định thần được. Mắt nheo lại vì chói, còn đầu óc thì duyệt lại các phương án quen thuộc. Anh đang bị giam, nhưng không phải tại một đất nước thù nghịch, nghĩa là vụ bắt giữ chỉ là một giấc mơ. Nghĩa là anh tự do, nhưng bên trên giường của anh không có hình Anh Cả, còn cạnh bức tường bên kia lại có một cái thùng gỗ. Ivanov lại đứng bên cạnh và đang phà khói thuốc lá vào mặt anh. Đấy cũng là mơ sao? Không. Ivanov là thật, cái thùng gỗ cũng là thật. Anh đang ở giữa quê hương, nhưng quê hương đã trở thành thù nghịch, còn Ivanov, người bạn cũ của anh, giờ cũng đã trở thành thù nghịch và tiếng khóc thút thít của Arlova cũng không phải là mơ. Nhưng không, đấy không phải là Arlova, đấy là Bogrov, người đồng chí trung thành của anh, dù bị kéo đi như một hình nhân còn réo gọi tên anh, đấy không phải là mơ. Còn Arlova từng nói: “Anh muốn làm gì em cũng được…” “Anh ốm à?”, Ivanov hỏi. Rubashov nheo mắt, chói quá. “Đưa hộ tôi cái áo.” Ivanov yên lặng quan sát. Má bên trái của Rubashov bị sưng. “Anh có muốn uống một ly rượu không?”, Ivanov hỏi.

Không chờ Rubashov trả lời, anh ta đến bên lỗ nhòm và nói gì đó với người bên ngoài. Rubashov nheo mắt nhìn theo. Anh còn chưa tỉnh ngủ hẳn. Anh đã thức, nhưng vẫn chưa định thần được.

“Anh cũng bị bắt rồi à?”, Rubashov hỏi.

“Không”, Ivanov khẽ đáp. “Tôi đến thăm anh. Tôi nghĩ anh bị sốt.”

“Cho tôi xin một điếu thuốc”, Rubashov nói. Anh hút một hơi thật dài, đầu óc đã bắt đầu tỉnh táo trở lại. Anh nằm ngửa ra rồi vừa hút thuốc vừa nhìn lên trần nhà. Cửa buồng mở, một người giám thị đi vào, tay mang theo chai rượu và một cái cốc. Không, đây không phải là lão già mọi khi, tay này còn trẻ, mặc quân phục, gọng kính sáng loáng. Anh ta chào Ivanov rồi mới đưa rượu, cốc và đi ra, không quên đóng cửa. Nghe rõ tiếng bước chân anh ta xa dần ngoài hành lang.

Ivanov ngồi ghé lên giường và rót rượu ra cốc. “Uống đi”, anh ta bảo. Rubashov dốc cạn ly. Đầu óc sáng láng hẳn: vụ đi tù lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, Arlova, Bogrov, Ivanov, tất cả đã về đúng vị trí, cả về thời gian lẫn không gian.

“Anh có bị đau chỗ nào không?”, Ivanov hỏi.

“Không”, Rubashov đáp. Anh chỉ không hiểu là Ivanov đến đây để làm gì.

“Má anh sưng to lắm. Có thể là anh bị sốt.”

Rubashov đứng lên và nhìn vào lỗ nhòm, hành lang vắng ngắt; rồi anh tiếp tục đi đi lại lại vài vòng cho đến khi định thần hẳn. Anh dừng lại ngay trước mặt Ivanov, lúc đó vẫn ngồi ở đầu giường và kiên nhẫn thả những vòng khói trắng.

“Cậu muốn gì?”, Rubashov hỏi.

“Tôi muốn thảo luận với anh”, Ivanov bảo. “Nằm xuống đi, rồi làm thêm vài ly nữa.”

Rubashov nheo mắt, nhìn Ivanov đầy vẻ giễu cợt.

“Này, trước đây tôi vẫn cho rằng cậu là người tốt”, Rubashov nói. “Nhưng bây giờ tôi thấy cậu cũng là thằng chẳng ra gì. Bước ngay.”

Ivanov vẫn ngồi yên như cũ.

“Tại sao anh lại nói như thế?”, anh ta bảo.

Rubashov tựa lưng vào tường ngăn với buồng 406 và nhìn xuống Ivanov, còn anh ta thì vẫn bình thản nhả khói như cũ.

“Thứ nhất”, Rubashov nói. “Anh biết tôi thân với Bogrov. Vì vậy mà anh đã cho lôi Bogrov hay cái xác không hồn của cậu ấy qua cửa buồng tôi như một lời cảnh cáo. Các anh lại còn bí mật thông báo trước vụ hành quyết để các tù nhân khác truyền đạt lại cho tôi, chuyện xảy ra đúng như thế. Người đạo diễn còn làm một việc tuyệt vời hơn, đấy là báo cho Bogrov biết rằng Rubashov cũng bị nhốt ở đây ngay trước khi lôi anh ta ra khỏi hành lang, để hi vọng cậu ta sẽ nói ra một điều gì đó; chuyện cũng đã xảy ra đúng như vậy. Tất cả là nhằm để gây áp lực cho tôi. Đúng trong những giờ phút đen tối như thế thì đồng chí Ivanov cắp chai rượu xuất hiện. Tiếp theo sẽ là một cuộc hoà giải cực kỳ cảm động, hai người sẽ ôm chầm lấy nhau, sẽ ôn lại những kỷ niệm thời chiến tranh và rồi tôi sẽ ký biên bản thú nhận. Rồi khi tội nhân ngủ thiếp đi thì đồng chí Ivanov, với lời tự thú trong túi áo sẽ nhón gót đi ra khỏi phòng và sẽ được thăng quan tiến chức trong một ngày không xa… Đủ rồi, xin mời đi ra.”

Ivanov vẫn ngồi bất động. Anh ta nhả khói và mỉm cười, khoe ra cả mấy chiếc răng vàng lấp lánh.

“Chả lẽ anh lại nghĩ rằng tôi là kẻ ngốc nghếch như thế hay sao?”, Ivanov hỏi. “Hay nói đúng hơn, chả lẽ anh cho rằng tôi là người không có hiểu biết gì về tâm lý học hay sao?”

“Tôi đã ngấy đến tận cổ trò của các anh rồi”, vừa nói Rubashov vừa nhún vai. “Tôi không thể tống khứ anh ra khỏi phòng. Nếu còn chút lịch sự thì xin hãy để tôi yên. Tôi chán ngấy tất cả các anh rồi.”

Ivanov nhặt cái cốc lên rồi đổ đầy rượu và nốc cạn.

“Tôi đề nghị thế này”, anh ta nói. “Cho tôi nói năm phút, anh không được ngắt lời. Anh chú ý nghe thật kỹ những điều tôi sẽ nói sau đây. Nếu sau đó anh vẫn muốn tôi đi ra thì tôi sẽ đi ngay lập tức.”

“Thôi được, tôi xin nghe”, Rubashov nói. Anh đứng tựa lưng vào bức tường trước mặt Ivanov và cố ý làm ra vẻ như đang xem đồng hồ.

“Thứ nhất, Bogrov đã bị bắn, xin anh chớ có nghi ngờ hay ảo tưởng gì về chuyện ấy nữa. Thứ hai, anh ta đã bị tù mấy tháng và những ngày gần đây thì bị tra tấn liên tục. Nếu anh khai chuyện này trước toà hay nói cho các tù nhân khác biết thì tôi cũng coi như xong đấy. Lý do của việc xử lý như thế ta sẽ nói sau. Thứ ba, việc anh ta bị dẫn ngang qua đây cũng như việc cho anh ta biết anh cũng bị giam ở đây là hoàn toàn có chủ ý. Thứ tư, cái mà anh cho là những trò bẩn thỉu thì không phải tôi làm mà là Gletkin, anh ta làm việc đó một cách bí mật, trái với hướng dẫn của tôi.”

Ivanov ngừng lời. Rubashov vẫn đứng dựa vào tường và không nói gì.

“Tôi không bao giờ mắc sai lầm như vậy”, Ivanov tiếp tục.

“Không phải vì tôi tôn trọng tình cảm của anh mà vì tôi có chiến thuật khác, tôi hiểu tâm lý của anh. Gần đây anh có xu hướng nghĩ về lương tâm con người và những kiểu tình cảm đại loại như thế. Ngoài ra, câu chuyện Arlova vẫn còn nguyên đấy. Cho nên cách đối xử với Bogrov chỉ làm cho anh căng thẳng thêm và thúc đẩy anh suy nghĩ thêm về khía cạnh đạo đức, chỉ có thằng Gletkin mù tịt về tâm lý mới làm như thế mà thôi. Chục hôm nay ngày nào thằng ấy cũng lải nhải với tôi về “biện pháp cứng rắn” đối với anh đấy. Thứ nhất là vì hắn đã bực vì anh giơ ngay trước mũi hắn mấy cái tất rách, thứ hai là trước đây hắn thường chỉ tiếp xúc với nông dân thôi… Hi vọng chuyện Bogrov như vậy là đã rõ. Còn chai rượu, tôi bảo mang tới vì thấy anh chưa thật hoàn hồn đấy thôi. Tôi đâu có muốn anh uống say. Người say dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc tâm lý, tôi đâu muốn làm chuyện đó với anh. Càng bị sốc thì anh lại càng chú tâm vào chuyện đức hạnh. Trong khi đó tôi lại muốn anh tỉnh táo. Tôi muốn anh suy nghĩ một cách thật bình tĩnh hoàn cảnh của mình. Sau khi suy nghĩ kỹ như thế, tôi tin rằng anh sẽ đầu hàng…”

Rubashov khẽ nhún vai. Anh chưa kịp lên tiếng thì Ivanov đã nói thêm:

“Anh khẳng định rằng sẽ không đầu hàng. Nhưng xin hỏi: Nếu anh tin rằng đấy là việc làm đúng và cần thiết thì anh có đầu hàng không?”

Rubashov không trả lời ngay. Anh có cảm tưởng rằng cuộc nói chuyện đang rẽ sang hướng mà anh không nên theo. Năm phút đã trôi qua mà Ivanov vẫn chưa bị đuổi ra. Chỉ điều đó thôi cũng chứng tỏ anh đã phản bội Bogrov, phản bội Arlova, phản bội Richard và Levy Còi rồi.

“Đi ra đi”, anh bảo với Ivanov. “Không có tác dụng gì đâu.” Lúc đó anh mới nhận ra là mình đã đi đi lại lại trong phòng, ngay trước mặt Ivanov, được một lúc rồi.

Ivanov vẫn ngồi trên giường.

“Bằng vào giọng nói của anh”, Ivanov bảo, “tôi thấy rằng anh đã công nhận là tôi không có liên quan gì đến vụ Bogrov hết. Thế thì tại sao anh lại cứ muốn đuổi tôi? Tại sao anh lại không trả lời câu hỏi của tôi…?” Anh ta khẽ nhoài người về đằng trước và nhìn vào mặt Rubashov một cách giễu cợt. Sau đó anh ta nói một cách chậm rãi, cố ý nhấn mạnh từng từ một: “Vì anh sợ tôi. Vì cách nghĩ và cách tranh luận của tôi cũng là cách nghĩ, cách nói của anh, anh biết rõ như thế mà. Đến một lúc nào đó nhất định anh sẽ kêu to lên rằng: “Hỡi quỉ Satan, hãy lui ra đằng sau ta!”

Rubashov không đáp. Anh tiếp tục đi lại ngay trước mặt Ivanov. Anh cảm thấy bất lực, không thể tìm được lý lẽ để tranh cãi với Ivanov. Cái mà Ivanov gọi là “khía cạnh đạo đức” thì không thể trình bày được bằng các công thức luận lý, nó là địa hạt của Người Đối Thoại Không Lời. Nhưng đồng thời về mặt lý trí thì anh lại đồng tình với Ivanov. Đáng lẽ ra anh không nên tham gia những cuộc thảo luận như thế này.

“Hỡi quỉ Satan, hãy lui ra đằng sau ta!”, Ivanov nhắc lại và rót thêm cho mình một ly rượu nữa. “Ngày xưa người ta bị mê hoặc vì có thân. Ngày nay thì vì có tâm. Các giá trị đã thay đổi. Nếu tôi mà viết được một vở kịch trong đó Thiên Chúa và Ác Quỉ tranh cãi với nhau về tâm hồn của Thánh Rubashov thì tốt quá. Sau một cuộc đời tội lỗi, anh ta quay sang với Thiên Chúa, với Thiên Đường hai mang là chủ nghĩa tự do tư sản và bánh mì cho Quân đội Giải phóng. Còn Quỉ sứ là một kẻ gầy

gò, sống cuộc đời khổ hạnh, thực dụng. Hắn đọc Machiavelli, Hegel và Marx; lạnh lùng và tàn nhẫn. Số phận buộc hắn phải làm những điều mà hắn ghê tởm: giết người để vĩnh viễn loại trừ sự sát sinh, sử dụng vũ lực để loại bỏ vũ lực, reo rắc khổ đau nhân danh hạnh phúc của toàn thể loài người, hứng chịu lòng căm thù nhân danh tình yêu thương nhân loại. Hỡi quỉ Satan, hãy lui ra đằng sau ta! Rubashov muốn thành một thánh tử đạo. Báo chí tự do đã từng nguyền rủa anh ta khi sống, lại vội vàng phong thánh cho anh ta sau khi chết. Anh ta đã tìm ra lương tâm, cái lương tâm nguy hại cho người cách mạng chẳng khác gì chủ nghĩa nhân đạo và Thiên Đường hai mang. Lương lâm xơi tái lý trí chẳng khác gì bệnh ung thư ăn thịt cơ thể. Quỉ sứ đã bị đánh gục, nhưng chớ nghĩ rằng trong cơn điên nó chỉ nghiến răng và phun lửa mà thôi. Nó là một kẻ gầy gò và khổ hạnh, nó nhún vai vì đã trông thấy nhiều kẻ đào ngũ, che giấu sự yếu đuối của mình bằng chủ nghĩa nhân đạo và lương tâm…”

Ivanov ngừng lời và lại rót thêm một ly nữa. Trong khi đó Rubashov vẫn đi đi lại lại ngay sát cửa sổ. Một lúc sau anh mới hỏi:

“Vì sao các anh lại giết Bogrov?”

“Vì sao à? Vì vấn đề tàu ngầm”, Ivanov nói. “Trọng tải của tàu là vấn đề cũ, chắc anh cũng biết. Bogrov cho rằng chúng ta phải đóng những chiếc tàu lớn và có tầm hoạt động xa. Đảng lại nghiêng về phương án tàu nhỏ, tầm hoạt động ngắn. Số tiền đóng một tàu lớn có thể đóng được ba tàu nhỏ. Về mặt kỹ thuật thì lý lẽ của hai bên cũng kẻ tám lạng người nửa cân. Các chuyên gia đưa ra đủ thứ sơ đồ và công thức để ủng hộ và phản bác, nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ khác. Tàu ngầm lớn là chính sách xâm lược, là xuất khẩu cách mạng. Còn tàu nhỏ là bảo vệ bờ biển, là tự vệ và trì hoãn cách mạng thế giới thêm một thời gian nữa. Anh Cả và Đảng ủng hộ quan điểm sau… Bogrov có nhiều đệ tử trong lực lượng Hải quân và tướng lĩnh. Gạt Bogrov ra chưa đủ, phải hạ bệ anh ta mới được. Phiên xử công khai sẽ cho nhân dân thấy rằng kẻ ủng hộ tàu trọng tải lớn là một tên phá hoại và phản bội. Chúng tôi đã buộc một số kỹ sư đồng ý khai trước toà những điều chúng tôi cho là cần thiết. Nhưng Bogrov không chịu hợp tác. Ngay đến những ngày cuối cùng anh ta vẫn khăng khăng là phải đóng tàu lớn và tiến hành Cách mạng Thế giới. Anh ta đã lạc hậu đến hai mươi năm. Anh ta không thể hiểu rằng thời gian đang chống lại chúng ta, rằng châu Âu đang trải qua giai đoạn thoái trào, rằng phải đợi một làn sóng cách mạng mới. Không còn cách nào khác, đành phải loại bỏ anh ta bằng con đường hành chính. Ở địa vị của chúng tôi thì anh cũng phải làm như thế, đúng không?”

Rubashov không đáp. Anh dừng lại và đứng tựa lưng vào bức tường ngăn với buồng 406, ngay bên cạnh cái thùng gỗ. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Anh tháo kính ra, đôi mắt cận thị thâm quầng chăm chú nhìn vào sát mặt Ivanov.

“Anh không nghe thấy tiếng khóc lóc, rên rỉ của Bogrov, đúng không?”

Ivanov lấy điếu thuốc lá hút dở để mồi một điếu mới, chính anh ta cũng không thể chịu được mùi hôi thối nữa.

“Không”, Ivanov nói. “Không nghe thấy. Nhưng tôi đã nghe, đã thấy những chuyện tương tự rồi. Thì đã sao?”

Rubashov vẫn đứng im. Anh không thể giải thích được. Tiếng nức nở và tiếng trống ngũ liên bị nén lại như vẫn bập bùng bên tai. Không thể diễn tả thành lời. Cũng như không

thể diễn tả thành lời đường cong, hơi ấm của bộ ngực Arlova. Lời nói chẳng có ích gì. “Ngậm miệng mà chết đi”, người thợ cắt tóc đã đưa cho anh mảnh giấy viết một câu như thế.

“Thì đã sao?”, Ivanov nhắc lại. Anh ta duỗi thẳng chân và đợi. Không thấy Rubashov trả lời, anh ta tiếp tục:

“Nếu tôi có một chút xíu lòng thương hại đối với anh”, Ivanov nói, “thì tôi đã để anh yên rồi. Nhưng may là tôi không có. Tôi uống, đôi khi, như anh biết đấy, tôi còn hút nữa, nhưng lòng thương hại thì tôi cố gắng tránh. Chỉ cần một chút xíu cái đó thôi là đi đứt liền. Lương tâm dằn vặt, than thân trách phận là căn bệnh của dân tộc này. Biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ vĩ đại của chúng ta đã bị cái độc dược này huỷ hoại. Cho đến tuổi bốn mươi, năm mươi, họ đều là những nhà cách mạng, thế rồi đùng một cái, mắc phải cái bả thương hại và thế giới lập tức coi họ là những ông thánh sống. Anh cũng bị mắc căn bệnh như thế, nhưng lại nghĩ rằng mình là người đầu tiên, trước nay chưa từng có…” Ivanov nói khá to và phun ra cả một đám khói thuốc lá. “Hãy thận trọng với những cơn say như thế. Rượu có thể làm người ta say. Đáng tiếc là rất ít người, đặc biệt là ít đàn ông biết được rằng sự nhún nhường hay đau khổ cũng có thể làm người ta say, chẳng khác gì say rượu, giá cũng rẻ thôi. Tỉnh lại sau cú gây mê và nhận thấy là một bên chân của mình đã bị cắt tới đầu gối, tôi đã phát cuồng lên vì đau khổ. Anh có nhớ đã nói với tôi những gì không?”, Ivanov rót thêm một ly nữa và nốc cạn.

“Quan điểm của tôi là”, anh ta tiếp tục, “không thể coi thế giới như một loại nhà chứa của đủ thứ tình cảm ủy mị được. Đấy là điều răn thứ nhất của chúng ta. Những khái niệm như từ bi, lương tâm, phẫn nộ, tuyệt vọng, sám hối, chuộc tội đối với chúng ta đều là những món hàng xa xỉ cả. Ngồi yên một chỗ mà suy tư rồi đưa gáy cho thằng Gletkin gí súng lục vào là đơn giản hơn cả. Đối với những người như chúng ta thì từ bỏ bạo lực, sám hối cho lòng thanh thản là hấp lực to lớn nhất. Các nhà cách mạng vĩ đại nhất, từ Spartacus cho tới Danton và Dostoievsky, đều bị cái món này nó lôi kéo và trở thành những kẻ phản bội lý tưởng của mình. Hấp lực của Chúa bao giờ cũng mạnh mẽ hơn hấp lực của Quỉ. Khi thế giới còn đầy hỗn loạn như hiện nay thì Chúa phải được coi là chủ nghĩa vô chính phủ và bất kì sự thoả hiệp nào với lương tâm đều phải coi là phản bội sự nghiệp chung. Khi cái lương tâm gàn dở lên tiếng thì hãy bịt tai lại…”

Ivanov đưa tay ra đằng sau với chai rượu và rót một ly nữa. Khi thấy chai rượu chỉ còn một nửa, Rubashov tự nhủ: “Mày cũng muốn quên đời đi đấy chứ”.

“Những tên tội phạm vĩ đại nhất trong lịch sử”, Ivanov tiếp tục, “không phải là Nero hay Fouché mà là Gandhi và Tolstoy. Tiếng nói của lương tâm Gandhi cản trở cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ còn mạnh hơn cả vũ khí của quân Anh. Tự bán mình lấy ba mươi đồng bạc là một thương vụ đáng giá, nhưng để cho lương tâm dẫn dắt là phản bội cả loài người. Lịch sử vốn bất nhân, lịch sử làm gì có tâm. Muốn làm lịch sử thì không thể nào giữ được đạo lý. Anh cũng như tôi, chúng ta biết quá rõ rồi còn gì. Anh biết rõ luật chơi như thế mà hôm nay lại còn nói đến chuyện khóc lóc của Bogrov…”

Ivanov dốc cạn ly và nói thêm:

“Hay là lương tâm anh bị cắn rứt vì cô Arlova?”

Rubashov biết tửu lượng của Ivanov: chưa thấy anh ta say bao giờ, rượu chỉ có thể làm anh ta có vẻ hùng hồn hơn mà thôi. “Mày còn cần rượu hơn cả tao”, Rubashov tự nhủ. Anh ngồi lên một chiếc ghế nhỏ ngay trước mặt Ivanov. Không có gì mới, suốt đời anh đã từng bảo vệ quan điểm như thế, với những lời lẽ như thế hoặc gần như thế. Nhưng trước đây tiếng nói của lương tâm mà Ivanov mạt sát chỉ là một khái niệm trừu tượng, còn nay anh đã nhận thức được rằng Người Đối Thoại Không Lời chính là một phần của cơ thể mình. Nhưng liệu những dằn vặt không thực tế như thế của lương tâm có thể chấp nhận được hay không? Có cần chiến đấu chống lại “độc dược bí mật” khi chính mình cũng đã bị ngộ độc? Năm ngoái, khi đưa Arlova đến chỗ chết anh không thể tưởng tượng được cảnh hành quyết sẽ diễn ra cụ thể như thế nào. Liệu anh có làm khác đi sau khi đã nắm được một vài khía cạnh hay không? Liệu việc hi sinh Richard, Arlova hay Levy Còi là đúng hay sai? Việc Richard nói lắp, hay bộ ngực của Arlova cũng như tiếng kêu khóc của Bogrov thì có liên quan gì đến việc đúng hay sai của những biện pháp đã được tiến hành?

Rubashov lại bắt đầu đi bách bộ trong phòng. Anh bỗng nhận ra rằng tất cả những trải nghiệm từ ngày vào tù mới chỉ là những bước đầu tiên; rằng anh đã hoàn toàn bế tắc, đã đứng trước ngưỡng cửa cái mà Ivanov gọi là “nhà chứa siêu hình”, anh hiểu rằng phải suy nghĩ lại từ đầu. Vấn đề là còn bao nhiêu thời gian? Anh giằng lấy cái cốc từ tay Ivanov và uống sạch. Ivanov trố mắt ra nhìn.

“Thế là tốt”, Ivanov nói. “Độc thoại dưới dạng đối thoại thường là rất hữu ích. Hi vọng rằng tôi đã vào vai kẻ quyến rũ khá đạt. Đáng tiếc là phía kia lại không chịu lên tiếng. Nhưng không để cho người ta lôi kéo mình vào một cuộc tranh luận chính là thủ thuật của hắn ta. Hắn luôn luôn tấn công đúng vào lúc bất ngờ nhất, đúng lúc con mồi có một mình và rất thích hành hạ khi nạn nhân ngủ. Các biện pháp của nhà đạo đức học vĩ đại này luôn luôn hiệu quả và rất vô luân…”

Nhưng Rubashov đã không còn chú ý nghe nữa. Vừa đi anh vừa nghĩ liệu hôm nay, nếu Arlova còn sống thì anh có đưa cô vào chỗ chết nữa hay không. Có cảm tưởng rằng trả lời được câu hỏi này thì anh cũng sẽ tìm được câu trả lời cho tất cả các vấn đề khác… Anh dừng lại ngay trước mặt Ivanov và cất tiếng hỏi:

“Anh có nhớ nhân vật Raskolnikov không?”

Ivanov mỉm cười giễu cợt:

“Tôi biết thế nào rồi anh cũng đi đến đây mà. Tội ác và hình phạt…. Anh đã trở thành lẩm cẩm hay định cưa sừng làm nghé thế?”

“Từ từ. Từ từ”, Rubashov vừa nói vừa hấp tấp bước. “Tất cả chỉ là những câu chuyện suông, nhưng tôi có cảm giác chúng ta đã tiến gần đến bản chất vấn đề rồi. Theo tôi nhớ thì vấn đề là cậu sinh viên Raskolnikov có quyền giết mụ già ấy không? Anh ta còn trẻ lại có tài, đầy sinh lực; còn mụ ta là một người vô tích sự. Nhưng phương trình này không thể giải được. Thứ nhất, hoàn cảnh đã buộc Raskolnikov phải giết một người nữa, đây có thể nói là hậu quả không thể thấy trước và phi lô–gích của một hành động tưởng như đơn giản và rất hợp lô–gích. Thứ hai, bài toán không thể giải được ngay từ đầu vì sau khi hạ sát, Raskolnikov đã nhận ra rằng nếu lấy con người làm đơn vị tính toán thì hai cộng hai không phải là bốn…”

“Vì vậy”, Ivanov nói, “cuốn sách này phải đốt cho bằng hết. Anh hãy nghĩ xem, nếu chúng ta chấp nhận cái triết lý nhân đạo vớ vẩn này, nếu chúng ta buộc phải coi mỗi cá nhân đều là bất khả xâm phạm, nếu chúng ta không được xử lý theo các nguyên tắc số học thì sự thể sẽ như thế nào? Sự thể sẽ là người chỉ huy trung đoàn sẽ không thể hi sinh tiểu đội tiền

trạm cho toàn bộ đơn vị rút lui. Chúng ta sẽ không thể hi sinh mấy anh ngu đần như Bogrov chẳng hạn, và như thế là các thành phố ven biển của chúng ta có thể bị phá tan trong vòng một hai năm nữa…”

Rubashov lắc đầu:

“Các thí dụ anh đưa ra đều liên quan đến chiến tranh, nghĩa là những tình huống bất thường cả.”

“Từ ngày phát minh ra máy hơi nước”, Ivanov đáp, “toàn thế giới đã rơi vào tình trạng bất bình thường; cách mạng và chiến tranh là những thí dụ nhãn tiền của tình trạng này. Nhân vật Raskolnikov của anh là một thằng ngu và một kẻ phạm tội không phải vì hắn đã giết con mụ già ấy mà vì hắn đã làm như thế vì mục đích cá nhân, ích kỷ của mình. Qui luật “Mục đích biện minh cho phương tiện” đã và vẫn là qui luật duy nhất đúng của đạo đức chính trị; tất cả những chuyện khác chỉ là những điều nói suông, vô ích mà thôi… Nếu giả sử Raskolnikov thịt con mụ già ấy để gây quĩ ủng hộ các cuộc đình công hay ủng hộ báo chí bí mật, theo lệnh của Đảng, thì lại là vấn đề khác, bài toán sẽ giải được và cuốn tiểu thuyết sẽ không được viết ra nữa, mà đối với nhân loại thì đấy là một may mắn lớn.”

Rubashov không đáp. Anh tiếp tục suy nghĩ xem hôm nay, sau những trải nghiệm vừa qua, anh có thể đưa Arlova vào chỗ chết nữa hay không. Anh không trả lời được. Về mặt lý luận thì tất cả những điều Ivanov nói đều đúng, Người Đối Thoại Không Lời vẫn chưa lên tiếng, nhưng chính hắn đã ngăn chặn, không cho anh tìm ra câu trả lời dứt khoát. Ngay cả chuyện này, tức là Người Đối Thoại Không Lời không bao giờ tham gia tranh luận mà chỉ tấn công vào đúng lúc người ta bất lực nhất, cũng đúng nốt…

“Tôi không thích sự lẫn lộn khái niệm”, Ivanov tiếp tục. “Chỉ có hai quan niệm về đạo đức mà thôi, hai quan niệm này hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo đức Công giáo và nhân bản coi mỗi một con người cá nhân là một thực thể thiêng liêng và khẳng định rằng mạng người là quí giá, không thể dùng cộng trừ nhân chia để tính toán. Đạo đức cách mạng lại xuất phát từ nguyên tắc căn bản là quyền lợi của tập thể, mục đích của xã hội biện minh cho mọi phương tiện, nó không chỉ cho phép mà còn đòi hỏi từng cá nhân phục tùng tập thể và hi sinh cho tập thể, nghĩa là có thể trở thành vật hi sinh hay vật thí nghiệm, nếu cần. Đức hạnh Công giáo cấm đưa người lên bàn mổ mà không có thuốc gây mê, đạo đức cách mạng không những cho phép mà còn thường xuyên áp dụng nữa. Những người không tưởng và những nhà chính trị nghiệp dư vẫn thường tìm cách dung hoà hai quan điểm này, nhưng trên thực tế thì chúng không thể dung hoà được. Bất cứ nhà cầm quyền nào, ngay từ những ngày đầu tiên, cũng phải lựa chọn và bao giờ cũng chọn phương án sau. Từ ngày Công giáo trở thành quốc đạo, anh có thể tìm ra một nhà nước nào thực sự tuân theo đạo đức Công giáo không? Không có nước nào như thế cả. Trong trường hợp cần thiết, mà nhà cầm quyền luôn tìm được những trường hợp cần thiết như thế, nhà cầm quyền sẽ tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” và cho áp dụng những biện pháp đặc biệt. Từ khi ra đời, các dân tộc và các giai cấp đã phải đề phòng lẫn nhau và đấy là lý do làm cho người ta buộc phải để dành lòng nhân ái cho những thế hệ sau…”

Rubashov nhìn qua cửa sổ. Một lớp băng mỏng gồ ghề màu vàng nhạt phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Người lính gác, súng khoác vai, vẫn đi đi lại lại dọc bức tường bao quanh nhà giam. Trời không trăng, nhưng quang đãng. Dải Ngân hà hiện lên mờ mờ bên trên hàng rào vọng gác.

Rubashov nhún vai.

“Cứ cho là”, anh nói, “chủ nghĩa nhân đạo và chính trị, nhân quyền và sự tiến bộ là những khái niệm không thể dung hoà. Cứ cho là Gandhi là tai họa của Ấn Độ và cứ cho là trung thực trong việc lựa chọn phương tiện sẽ làm cho chính trị trở thành bất lực. Tôi đồng ý với anh như thế. Nhưng hãy xem đạo đức cách mạng đã đưa chúng ta tới đâu…”

“Được”, Ivanov đáp. “Tới đâu?”

Rubashov lấy kính lau vào ống tay áo và nheo đôi mắt cận thị nhìn Ivanov.

“Vào vũng bùn”, Rubashov nói. “Chúng ta đã dìm đất nước xuống vũng bùn đầy máu và nước mắt.”

“Có thể là như thế”, Ivanov nở nụ cười rạng rỡ. “Xin anh hãy nhớ lại Gracchus , Saint–Just và Công xã Paris. Cách mạng, cho đến nay, đều do những nhà đạo đức học nghiệp dư tiến hành. Chính niềm tin và tính chất nghiệp dư đã đưa họ lên đoạn đầu đài. Chúng ta là những người đầu tiên tiến hành công việc một cách nhất quán…”

“Đúng”, Rubashov ngắt lời. “Nhất quán đến mức nhân danh việc chia đất đai một cách công bằng chúng ta đã cố tình để cho khoảng năm triệu nông dân chết đói trong một năm. Nhất quán đến mức nhân danh việc giải phóng người lao động khỏi ách bóc lột tư bản chúng ta đã đưa mười triệu người lên vùng Cực Bắc và Viễn Đông lao động khổ sai trong những điều kiện không khác gì nô lệ thời cổ đại. Nhất quán đến mức để giải quyết các khác biệt về quan điểm, dù đấy là về tàu ngầm hay phân bón, thậm chí đường lối của Đảng ở Đông Dương, chúng ta chỉ có một biện pháp, đấy là án tử hình. Các kỹ sư của chúng ta biết rõ rằng sai sót trong tính toán có thể đưa họ vào nhà đá hoặc lên đoạn đầu đài, còn các cán bộ cấp trên thì sẵn sàng đưa cấp dưới vào chỗ chết vì họ biết rằng bất kỳ sai sót nào cũng có thể dẫn họ vào tử lộ; các nhà thơ thì giải quyết vấn đề phương pháp sáng tác bằng cách báo cáo với cảnh sát mật vì bên thua bao giờ cũng bị tuyên bố là phản cách mạng, là kẻ thù của nhân dân. Trong khi hành động một cách nhất quán vì các thế hệ tương lai, chúng ta đã buộc thế hệ hiện nay chịu đựng những thiếu thốn khủng khiếp đến nỗi tuổi thọ đã giảm đến một phần tư. Để bảo vệ đất nước, chúng ta buộc phải đưa ra những biện pháp đặc biệt và áp dụng luật pháp trong thời kì quá độ mà tất cả các điều khoản đều trái ngược với mục đích ban đầu của Cách mạng. Mức sống của dân chúng hiện nay thấp hơn thời kì trước Cách mạng, điều kiện lao động thì nặng nề hơn, kỷ luật lao động thì chẳng khác gì thời nô lệ, định mức lao động còn cao hơn cả các nước thuộc địa, trẻ con mười hai tuổi đã có thể bị kết án tử hình, luật hôn nhân còn khắt khe hơn cả nước Anh, các lãnh tụ thì được sùng bái chẳng khác gì các nước độc tài phản động. Báo chí và trường học của chúng ta suốt ngày cổ vũ cho chủ nghĩa sô–vanh, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa giáo điều và chính sách ngu dân. Chính phủ có quyền lực không giới hạn, một quyền lực chưa từng có trong lịch sử. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội bị bãi bỏ hoàn toàn, chẳng cần biết đến Tuyên ngôn Nhân quyền là gì. Chúng ta đã xây dựng được một bộ máy cảnh sát hùng mạnh với những biện pháp tra tấn hoàn thiện nhất, mạng lưới chỉ điểm đã thấm vào mọi ngóc ngách của xã hội. Chúng ta đang lùa đám đông quần chúng đang rên xiết vào tương lai hạnh phúc mà ngoài chúng ta ra thì chẳng ai biết đấy là cái gì. Thế hệ hiện nay đã kiệt sức, năng lượng của họ đã bị phung phí hết trong thời kì Cách mạng rồi, thế hệ hiện nay đã bị mất hết máu, chẳng còn gì ngoài tiếng rên la, ú ớ, chẳng là gì ngoài những xác thịt tế thần… Đấy chính là hậu quả của tính nhất quán của chúng ta. Anh gọi đấy là đạo đức cách mạng. Tôi có cảm tưởng như là những cuộc thí nghiệm này đã lột da các nạn nhân rồi để mặc họ đứng trơ khấc ra như thế…”

“Ừ, thế thì đã sao?”, Ivanov vui vẻ nói. “Chả lẽ anh không thấy đấy là điều tuyệt vời ư? Đã bao giờ có những sự kiện tuyệt vời như vậy chưa? Chúng ta đang lột bộ da cũ của nhân loại để khoác cho nó bộ da mới. Đấy không phải là việc của những kẻ yếu bóng vía, nhưng đấy là một việc làm đầy hứng khởi. Anh đã biến anh thành một cô gái lỡ thì từ khi nào thế?”

Rubashov định nói: “Từ khi nghe thấy Bogrov gọi tên tôi”, nhưng anh nghĩ rằng đấy là một câu trả lời vô nghĩa. Cho nên anh đáp:

“Xin tiếp tục với ẩn dụ đó: tôi đã nhìn thấy cái thế hệ bị chúng ta lột da, nhưng không biết sẽ lấy da mới ở đâu. Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng có thể tiến hành thí nghiệm với lịch sử loài người y như làm thí nghiệm vật lý vậy. Nhưng sự khác nhau là nhà vật lý có thể lặp lại thí nghiệm hàng ngàn lần, còn lịch sử thì chỉ có một lần mà thôi. Có thể đưa Danton và Saint–Just lên đoạn đầu đài một lần mà thôi, không có lần thứ hai nào nữa. Nếu sau này mới biết rằng tàu ngầm lớn là đúng thì ta cũng đâu có làm cho Bogrov sống lại được?”

“Thế thì đã sao? ”, Ivanov hỏi. “Chả lẽ chúng ta lại bó tay chỉ vì không thể nào biết trước được kết quả hay sao? Hoá ra mọi hành động đều là xấu à? Chúng ta đem sinh mệnh của mình ra bảo đảm, không ai có quyền đòi hỏi hơn. Kẻ thù của chúng ta không được như thế đâu. Bất kỳ một viên tướng hết hơi nào đó cũng có thể tiến hành thí nghiệm với hàng ngàn sinh mạng, nếu thất bại thì hắn cũng chỉ bị cho về vườn là cùng. Bọn phản cách mạng chẳng bao giờ bị lương tâm giày vò. Sulla , Galliffet hay Koltschak chẳng bao giờ đọc Raskolnikov đâu. Chỉ trong hàng ngũ cách mạng mới có những con gà như anh mà thôi. Kẻ thù của chúng ta sống đơn giản hơn nhiều…”

Ivanov nhìn đồng hồ. Đêm gần qua, cửa sổ buồng giam trở nên một màu xám đục, tờ báo nhét vào chỗ kính vỡ bị gió kéo tuột ra, bay phất phơ. Phía bên kia, người lính gác vẫn đi đi lại lại, một trăm bước sang trái rồi lại một trăm bước sang phải.

“Một người có quá trình phấn đấu như anh”, Ivanov tiếp tục, “mà lại đột ngột phản đối cuộc thí nghiệm này thì đúng là ngây thơ. Năm nào chả có hàng triệu người chết một cách vô ích vì dịch bệnh và đủ thứ tai họa tự nhiên khác. Chúng ta không có quyền hi sinh mấy trăm ngàn người cho cái thí nghiệm vĩ đại nhất trong lịch sử này hay sao? Đấy là chưa nói tới số người bị chết vì đói, vì bệnh lao phổi trong các mỏ than và mỏ thuỷ ngân, trong các đồn điền trồng lúa và trồng bông đấy. Chẳng ai thèm để ý đến những người như thế, chẳng ai thèm hỏi vì sao họ chết, nhưng nếu chúng ta bắn chừng vài trăm người rõ ràng là có hại thì các nhà theo trường phái nhân đạo chủ nghĩa lập tức gào lên đến sùi bọt mép ra. Đúng là chúng ta đã loại bỏ và để cho một số nông dân chuyên ăn bám chết đói. Đây là một cuộc phẫu thuật nhất định phải làm, nhưng trước cách mạng năm hạn hán nào chả có bao nhiêu người chết, mà chết một cách vô ích và vô nghĩa nữa chứ. Số người chết vì nạn lụt ở sông Hoàng Hà bên Trung Quốc cũng phải cả mấy trăm ngàn người một năm. Thiên nhiên sẵn sàng đưa nhân loại vào những thí nghiệm vô nghĩa như thế thì tại sao chúng ta lại không có quyền làm thí nghiệm với chính mình?”

Ivanov ngừng lại, nhưng Rubashov vẫn không trả lời.

“Anh đã đọc cuốn sách nào của Hội Bảo vệ Động vật chưa?”, Ivanov hỏi. “Thật là choáng váng và đứng tim khi đọc đến đoạn một con chó hoang bị cắt gan mà vẫn vừa rên rỉ vừa liếm tay kẻ đang hành hạ nó. Tôi thấy kinh tởm và buồn nôn, chẳng khác gì anh đêm qua! Nếu những người này mà có quyền hành thì chẳng bao giờ có thể chế tạo được thuốc chủng ngừa bệnh tả, bệnh thương hàn hay bệnh bạch hầu…”

Ivanov rót nốt rượu vào cốc và uống cạn. Sau đó anh ta đi đến bên cửa sổ.

“Sáng rồi”, Ivanov nói. “Đừng ngang bướng như thế, Rubashov ạ. Những điều tôi nói đều là kiến thức sơ đẳng, anh đã biết và tôi cũng biết. Tinh thần anh có bị căng thẳng, nhưng chuyện đó qua rồi.” Anh ta đứng sát vào Rubashov, tay choàng qua vai, giọng thật nhẹ:

“Thôi, bây giờ đi ngủ đi, anh bạn vàng của tôi. Thời gian đã hết, phải chế ra cho được lời tuyên bố của anh. Đừng có nhún vai như thế, tôi biết là anh đã gần như bị thuyết phục rồi. Anh sẽ ký, đúng không? Nếu anh từ chối thì đấy sẽ là sự hèn nhát. Mà hèn nhát thì sẽ đưa người ta đến những khổ ải không thể nào lường trước được.”

Trời đã rạng sáng, người lính gác vừa quay sang bên phải để vòng trở lại. Bên trên tháp canh bầu trời hiện lên một màu xám nhạt, phía đông có những đám mây màu hồng. Một lúc sau Rubashov mới nói “Để tôi suy nghĩ thêm.”

Sau khi Ivanov đi ra và cánh cửa đã đóng lại thì anh hiểu rằng mình đã sắp bị khuất phục. Anh nằm vật ra giường, mệt mỏi nhưng đầu óc lại rất thanh thản. Đầu óc đúng là trống rỗng, như bị vắt kiệt hết sức lực, nhưng đồng thời lại nhẹ nhàng, thanh thoát. Trong tâm trí, tiếng kêu thống thiết của Bogrov đã không còn vang lên một cách gay gắt như trước nữa. Trung thành với người sống chứ không phải với người chết, ai có thể coi đấy là phản bội?

Trong khi Rubashov bình lặng ngủ, răng không đau và không hề mộng mị, thì Ivanov ghé vào phòng làm việc của Gletkin. Gletkin vẫn mặc đầy đủ lệ bộ, trước mặt là một chồng hồ sơ. Đã mấy năm nay, tuần nào anh ta cũng làm việc ba bốn đêm liền. Thấy Ivanov vào Gletkin vội vàng đứng lên chào theo đúng quân lệnh và đợi chỉ thị.

“Cứ ngồi, cứ ngồi”, Ivanov nói. “Hôm nay anh ta sẽ ký. Nhưng tôi đã mất bao nhiêu công sức mới sửa chữa được sai lầm của cậu đấy.”

Gletkin vẫn đứng nghiêm, không nói nói một câu nào. Ivanov chợt nhớ đến vụ lên lớp Gletkin trước khi tới buồng Rubashov, anh cũng biết rằng Gletkin không thể tha thứ chuyện đó một cách dễ dàng như thế. Ivanov vừa nhún vai vừa hít một hơi thật dài rồi phả khói vào mặt Gletkin.

“Đừng giả bộ nữa”, Ivanov lại nói. “Tất cả các vị đều bị tình cảm riêng tư chi phối. Nếu ở vị trí của hắn thì cậu còn ngoan cố bằng mấy ấy chứ.”

“Hắn không có nghị lực bằng tôi”, Gletkin đáp.

“Ngu thì có”, Ivanov đáp. “Chỉ cần như thế là cậu đã đáng bắn trước hắn rồi.”

Ivanov mở cửa và bước nhanh ra ngoài.

Gletkin ngồi xuống. Hắn không tin là Ivanov đã thành công, nhưng đồng thời lại thấy sợ. Câu cuối cùng nghe như một lời đe dọa, mà Ivanov là người nguy hiểm, chẳng bao giờ biết hắn nói thật hay nói đùa. Có thể chính hắn cũng không biết khi nào mình nói thật, khi nào nói đùa nữa, bọn trí thức vô liêm sỉ đều như thế cả…

Gletkin nhún vai, xốc lại dây thắt lưng và áo sơ mi cho chỉnh tề rồi tiếp tục đọc, chúi mũi xuống chồng tài liệu.

Comments are closed.