Thử tìm hiểu ý tưởng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong bài “Đọc lại người xưa: Trần Đào”

Trần Từ Mai

Để giới thiệu 12 bài thơ “Đọc lại người xưa” thi sĩ Vũ Hoàng Chương làm trong năm 1976, trong thời gian bị giam ở khám Chí Hòa và ít ngày sau khi từ Chí Hòa về, người viết những dòng này đã trình bày một cách khái quát trên tạp chí điện tử Diễn Đàn Thế Kỷ cuối tháng 10-2016:

http://www.diendantheky.net/2016/10/giao-tinh-vong-nien-giua-vu-hoang.html

Sau đó, chúng tôi có dịp nói rõ thêm trên trang blog cá nhân đầu tháng 11-2016:

http://tranhuybich.blogspot.com/2016/11/gioi-thieu-12-bai-tho-oc-lai-nguoi-xua.html#more

Nhật báo Người Việt ở California tóm tắt lại chuyện ấy giữa tháng 12-2016:

http://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/quanvan-gioi-thieu-12-bai-tho-doc-lai-nguoi-xua-cua-thi-si-vu-hoang-chuong/

Năm 2012, khi in 12 bài thơ ấy ra ở trong nước, nhà thơ Hoàng Hương Trang nói rõ: những bài ấy đều có “ngụ ý kín đáo của thi sĩ Vũ Hoàng Chương” nhưng “phải đọc kỹ mới nhận thấy.”

Chúng tôi đã thử phân tích ý tưởng của Vũ Hoàng Chương trong bài thơ ông làm nhân cảm hứng từ bài thơ của viên tướng Trung Hoa Bành Ngọc Lân đời Thanh, phổ biến trên Diễn Đàn Thế Kỷ giữa tháng 1-2013:

http://www.diendantheky.net/2013/01/tran-huy-bich-mot-bai-tho-ngu-y-that.html

và trình bày lại một cách chi tiết hơn trên trang blog cá nhân giữa tháng 7-2016:

http://tranhuybich.blogspot.com/2016/07/mot-bai-tho-ngu-y-that-ham-suc-cua-thi.html#more

Hôm nay xin được viết tiếp để thử tìm xem thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã muốn nói gì với chúng ta trong bài thơ ông làm nhân cảm hứng từ bài thơ của Trần Đào đời Đường.

Trước hết, xin chép lại nguyên văn bài thơ của Vũ Hoàng Chương cùng hai câu thơ của Trần Đào, những câu đã khơi nguồn cảm hứng cho ông:

Đọc lại người xưa: Trần Đào

Khả liên Vô Định hà biên cốt

Do thị xuân khuê mộng lý nhân

Trần Đào

Chàng về trong mộng đêm đêm

Trẻ như măng, thịt da mềm như tơ

Ngày qua nàng vẫn trông chờ

Tháng, rồi năm, vẫn giấc mơ liền cành

Biết đâu chàng đã trở thành

Xương tàn một nắm vô danh bên trời

Bờ sông bãi cát bồi hồi

Đã khô rồi, đã trắng rồi, biết đâu

Chữ đồng tạc lấy cho sâu

Ai hay lẻ một nét sầu đến xương

Là Nam Bắc, là âm dương

Lệ hay máu rỏ con đường nào đây.

Vũ Hoàng Chương

(1976)

Ý nghĩa hai câu thơ của Trần Đào:

Đây là hai câu thơ đa số người Việt Nam đã biết, một phần nhờ hai câu của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

Ngẫm từ dấy việc binh đao

Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.

Đó là hai câu cuối trong bài “Lũng Tây hành” của Trần Đào, một thi nhân cuối đời Đường. Toàn thể bài thơ như sau:

隴西行 LŨNG TÂY HÀNH

誓掃匈奴不顧身 Thệ tảo Hung nô bất cố thân

五千貂錦喪胡塵 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần

可憐無定河邊骨 Khả liên Vô Định hà biên cốt

猶是春閨夢裡人 Do thị xuân khuê mộng lý nhân.

Diễn ra văn xuôi, những câu ấy có nghĩa như sau:

Thề quét sạch giặc Hung Nô không đoái đến thân mình

Năm ngàn binh sĩ mặc áo bằng da con điêu chôn xác trong bụi đất Hồ

Đáng thương cho đống xương bên bờ sông Vô Định

Vẫn còn là người trong giấc mơ của kẻ ở phòng khuê.

Đây là một bài thơ viết về chiến tranh với ý xót thương. Người ra đi chết đã từ lâu, chỉ còn là một đống xương bên bờ một dòng sông xa xăm nhưng những người vợ, người yêu đang chờ đợi ở nhà vẫn không được biết, đêm đêm vẫn ôm ấp bao mộng đẹp với hình bóng “chàng.”

Lũng Tây hành” có thể dịch là “khúc ngâm ở đất Lũng Tây,” một địa danh nay ở tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc Trung Hoa. “Vô Định hà” là một con sông chảy qua tỉnh Thiểm Tây, cũng ở Tây Bắc Trung Hoa. Con sông này là nơi bao chiến sĩ Trung Hoa đã bỏ mình khi đi đánh Hung Nô.

Bài thơ có thể tạm dịch như sau:

Một nguyện quên thân quét rợ Hồ

Năm ngàn chôn xác đất Hung nô.

Thương ơi, xương trắng bờ Vô Định

Nay vẫn phòng ai giữa giấc mơ.

hay:

Quét Hung nô, mạng chẳng cần

Năm ngàn anh tuấn vùi thân đất Hồ.

Sông Vô Định, đống xương khô

Đêm đêm vẫn dệt giấc mơ khuê phòng.

Bài “Đọc lại người xưa: Trần Đào” của Vũ Hoàng Chương đã được cảm hứng từ hai câu cuối của bài thơ này. Chúng ta cùng thử tìm ý tưởng trong bài thơ của Vũ Hoàng Chương.

Mười câu đầu không có gì đặc sắc. Tác giả chỉ khai triển ý của Trần Đào: Đêm đêm chàng vẫn trở về trong giấc mơ, trẻ trung, đầy cảm xúc. Hàng ngày, hàng tháng, rồi hàng năm, nàng vẫn chờ đợi, đâu biết rằng chàng đã trở thành một nắm xương khô trắng ở bờ sông bãi cát bên trời. Vũ Hoàng Chương bày tỏ niềm cảm thương đối với nàng: những muốn “trăm năm tạc một chữ đồng,” ngờ đâu hiện nay đang “lẻ một nét sầu” đến tận xương. Ý tưởng then chốt của nhà thơ họ Vũ nằm trong hai câu kết:

Là Nam Bắc, là âm dương

Lệ hay máu rỏ con đường nào đây.

Con đường nào đã gây nên bao nhiêu thảm cảnh, máu và nước mắt như thế?

Con đường ấy có ý niệm “Nam Bắc,” nhưng cũng có ý niệm “âm dương” (sống và chết). Chúng ta bàng hoàng nhận ra: Vũ Hoàng Chương muốn nói, “Con đường khiến bao nhiêu máu và nước mắt chảy xuống là con đường gắn liền với khẩu hiệu ‘Sinh Bắc, tử Nam’ (sinh ra ở đất Bắc, chết ở miền Nam). Đó là con đường lôi cuốn và thúc đẩy bao nhiêu thanh niên miền Bắc vượt gian khổ vào đánh miền Nam, say sưa với khẩu hiệu “tuy sinh ở đất Bắc, sẵn sàng chết ở miền Nam.” Con đường ấy cũng làm bao nhiêu thanh niên miền Nam chết oan (vì không muốn bị xâm chiếm). Đó là một con đường mòn sau trở thành xa lộ, mang tên nhân vật lãnh đạo “thần tượng” của miền Bắc: “Đường mòn Hồ Chí Minh.”

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Vũ Hoàng Chương cũng nhiều lần bày tỏ nỗi đau xót trước cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Sau biến cố Mậu Thân 1968, bàng hoàng trước những thương vong khủng khiếp trong dân chúng cũng như trong quân đội cả hai phía, ông đã viết trong một bài lục bát lấy nhan đề “Chơi xuân”:

Bao nhiêu chàng trai ra đi

Bấy nhiêu cô gái đến thì hỏi xuân

Hết quan, tàn mấy miền dân

Cớ sao còn chửa kéo quân vơ về?

Trong trò chơi “ô quan” của trẻ con miền Bắc thời trước, hai ô lớn hình bán nguyệt ở hai đầu bàn ô được gọi là hai nhà “quan.” Trong khi chơi, nếu cả hai ô ấy đều không còn viên sỏi nào, sẽ gọi là “hết quan.” Khi “quan” đã hết, người chơi ngồi ở hai phía bàn ô được quyền kéo hết các viên sỏi trong những ô phía gần mình về, ai được nhiều sỏi hơn là thắng: “Hết quan, tàn dân, thu quân kéo về.” Ông mượn luật chơi ô quan của trẻ con thời trước để hỏi cả hai phía tham chiến: “Nay đã hết quan, tàn hại bao nhiêu miền dân chúng rồi, sao vẫn chưa chịu ‘thu quân kéo về’?”

Ông phác họa cảnh một cô gái mới lớn, chưa biết yêu và còn ham chơi, ngồi một mình chơi ô quan. Vì không người cùng chơi, cô đã kiêm cả hai phía, tự mình đấu với mình một cách hăng say:

Riêng ai tóc mới buông thề

Vần thơ yêu bỏ lạc đề sau lưng

Trò chơi sỏi đá tưng bừng

Đàn năm ngón ngọc qua từng cửa ô.

Vì kiêm cả hai phía nên cô vừa thua vừa được. Phía “hình” thua, phía “bóng” được. Tuy có một phía “được” nhưng cô cũng mệt nhoài. Ông không nói cô gái ham chơi, hiếu thắng ấy là ai, nhưng cho biết trò chơi này có hai thủ đô là “Nghé” (Bến Nghé = Sài Gòn) và “Rồng” (Thăng Long = Hà Nội):

Nghé kêu, Rồng quẫy hai đô

Sỏi khan rồi, đá cũng khô tâm tình.

Vậy cô gái thơ dại ấy chính là cô gái Việt Nam. Rõ ràng là một bài thơ chỉ trích cuộc chiến huynh đệ tương tàn nhưng Vũ Hoàng Chương không buộc tội riêng phía nào. Ông chỉ ngỏ ý trách: Sao cả hai phía cùng hăng say đến như thế?:

Sỏi khan rồi, đá cũng khô tâm tình.

Khi chuyện “được” chỉ là cái bóng (hư danh), nhưng chuyện “thua” chính là hình hài (thân thể), ông hỏi xem cô bé ham chơi, hiếu thắng ấy “có thấy vui hay không”:

Được thua mình chỉ với mình

Hình thua, bóng được, cô mình buồn, vui?

Bài thơ này được in trong tập Tân thi (Sài Gòn: Nam Chi Tùng Thư, 1970), là bài thơ thứ tư trong tập thơ.

Đầu năm Nhâm Tý 1972, ông cho đăng trên báo Xuân bài thơ khai bút như sau:

Trường chinh mộng hậu tức phong yên

Thiên lý long câu, vạn lý thuyền

Hốt ngộ tiền thân: nhất yển thử

Ẩm hà mãn phúc, túy xuân thiên.

(Sau giấc mộng trường chinh, gió và khói đã tắt

Một con “thiên lý long câu” [ngựa hay, mỗi ngày đi ngàn dặm] và một chiếc “vạn lý thuyền” [thuyền tốt, có thể vượt vạn dặm]

Chợt nhận ra tiền thân của mình: vốn là một con chuột

Uống nước sông đầy một bụng [ngụ ý uống thỏa thích], say với trời xuân).

Vũ Hoàng Chương đưa ra một mơ ước: Sau “giấc mộng trường chinh” thì “thiên lý long câu” và “vạn lý thuyền” sẽ cùng nhận ra rằng dù được gọi bằng những từ hoa mỹ nhất thì mình cũng chỉ là “ngựa” và “thuyền” cho người ta ngồi lên, điều khiển. Ham danh tiếng hão (chẳng hạn “đạo quân tiên phong của thế giới vô sản,” hay “tiền đồn của thế giới tự do” …) chỉ khiến người ta trở nên dại dột, tự nguyện làm phương tiện cho kẻ khác cưỡi lên, lao vào một cuộc chiến mà nguyên nhân chính là quyền lợi của kẻ khác. Hậu quả là thân thể đầy thương tích. Trong năm Nhâm Tý (năm chuột), ông ước mong khi khói lửa đã tắt, cả “long câu” và “thuyền” sẽ cùng nhận ra tiền thân của mình, vốn là một con chuột (chắc ông muốn nói tới chuột đồng) trong hạnh phúc đơn giản, uống nước sông thỏa thích, vui với trời xuân. Bản tiếng Việt của ông như sau:

Giấc mộng trường chinh lửa ngút mây

Tỉnh ra, ngựa đấy với thuyền đây

nhìn nhau: Chuột nhỏ tung tăng dạo

vừa uống sông xuân một bụng đầy.

image

Bài thơ này sau được in lại trong tập Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (Paris: Rừng Trúc, 1974).

Tóm lại, sinh làm dân Việt sống qua những năm 1945-1975, chứng kiến bao thảm cảnh của cuộc chiến nồi da nấu thịt, nguồn cảm hứng của Vũ Hoàng Chương trong bài thơ này không khác nguồn cảm hứng của Giản Chi trong những câu:

Giật mình đợt súng xa đưa

Niềm quê hương chẳng gió mưa cũng buồn.

Hay của Đông Hồ trong những câu:

Giao thừa đâu nữa trầm phun xạ?

Nguyên đán về đây gió vẫn tanh!

Tóm lại, đó là nỗi buồn vì chiến tranh một cách “chung chung.” Tuy ý tưởng và ngôn từ của Vũ Hoàng Chương có phần mạnh hơn của Giản Chi và Đông Hồ, nhưng trước ngày 30-4-1975, Vũ Hoàng Chương không nêu riêng một phía nào để chỉ trích.

Điều ấy thay đổi hẳn sau ngày 30-4-1975. Trong bài “Đọc lại người xưa: Bành Ngọc Lân”, chúng ta thấy Vũ Hoàng Chương đã nói rõ: dân chúng miền Nam dửng dưng, không “hồ hởi” chút nào trước những huênh hoang “giải phóng” miền Nam của nhà cầm quyền miền Bắc. Trong bài “Đọc lại người xưa: Trần Đào” này, ông nói thêm: bao nhiêu đau thương cuộc chiến tranh gây ra là do chủ trương quyết chiếm miền Nam của những người cầm quyền miền Bắc, do khẩu hiệu “sinh Bắc tử Nam” họ đưa ra để dụ dỗ và thúc đẩy thanh niên miền Bắc lên đường. Con đường khiến máu và nước mắt đổ xuống là con đường vừa “Nam Bắc” nhưng cũng vừa “âm dương,” đường mòn Hồ Chí Minh. Nói cách khác, Vũ Hoàng Chương quy thẳng trách nhiệm cuộc chiến huynh đệ tương tàn trước năm 1975 lên những người cầm đầu chế độ cộng sản ở Hà Nội.

Tuy “đọc kỹ mới nhận thấy” nhưng khi thấy thì ý tưởng hiện ra rất rõ. Có lẽ vì thế sau khi từ nhà giam Chí Hòa về cuối tháng 8-1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương không dám để bài thơ này (cùng 11 bài thơ khác cùng loạt) ở nhà. Ông bà tin chắc nhà sẽ bị khám và thơ sẽ bị tịch thu hay thiêu hủy. Vì thế khi nhà thơ Hoàng Hương Trang đến thăm, ông bà Vũ Hoàng Chương đã giao cho Hoàng Hương Trang đem về cất giữ. Tuy những bài ấy được gửi ra quốc ngoại cho người viết những dòng này và nhà thơ Cao Tiêu năm 2007, nhà thơ Hoàng Hương Trang đợi thêm 5 năm nữa, đến 2012 mới cho in ra ở trong nước. Chúng ta thành thật cám ơn nhà thơ Hoàng Hương Trang đã không quản nguy hiểm tới bản thân, cố bảo vệ những thi phẩm mang ý nghĩa chứng nhân trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, nhờ thế chúng không bị mai một.

Comments are closed.