Trung Trung Đỉnh – Người lạc ở phố
Yên Ba (thực hiện)
Trong ấn tượng của tôi, Trung Trung Đỉnh lúc nào cũng có cái vẻ ngơ ngác. Dường như sau bao năm chiến tranh ở vùng rừng núi Tây Nguyên về, nhà văn gốc Hải Phòng này vẫn còn bị ám ảnh bởi những lần chui rúc trong rừng…
GIẢI PHÓNG RỒI MÀ CHÚNG MÀY KHÔNG BIẾT À?
Yên Ba: Thưa anh Trung Trung Đỉnh! Trong giới nhà văn-chiến sỹ có lưu truyền một câu chuyện khá hy hữu rằng anh là nhà văn duy nhất không biết đất nước đã giải phóng trong khi đang ở chiến trường! Thực hư của chuyện đó ra sao?
Trung Trung Đỉnh: Chuyện đó có thật và cũng đơn giản thôi. Vào cuối năm 1974, mấy tháng trước khi bắt đầu chiến dịch Tây Nguyên, tôi đang là lính ở tỉnh đội, được gọi ra quân khu để học một khoá chiếu bóng. Địa điểm tập trung tại Trà My, vùng Nước Oa Nước Ồ tỉnh Quảng Nam. Anh em về tập trung trình độ không đều nhau lắm, lại có người về trước, người về sau, bao nhiêu khó khăn về nơi ăn chốn ở, phải mất hàng tháng mới khắc phục được. Tuy nhiên khoá học vẫn được tiến hành. Trước khi mãn khoá, một số ở xa như chúng tôi được lệnh chờ ở trạm để trên có thể trưng dụng đi phục vụ cho chiến trường. Thời gian chờ đợi lại không xác định được nên ăn không ngồi rồi mãi cũng chán, tôi bèn rủ anh RơMah Chuốt người GiaRai và một anh lính của Trạm, người HRê đi săn, cũng tính lấy ít thịt cho Trạm giao liên. Anh trạm trưởng đồng ý ngay và cấp cho ba anh em tôi mỗi người khoảng 20 cân gạo, 5 cân muối (đó là cả một tài sản lớn) và bảo, cứ săn được càng nhiều thịt càng tốt. Bao giờ có lệnh thì anh cho người vô rừng gọi về. Cả tốp đi sâu vào trong rừng. Khi đi anh Chuốt có cái đài bán dẫn, nhưng bắt sóng rất yếu, chúng tôi chọc ngoáy mấy bận thì hỏng luôn. Thế là mù tịt thông tin! Chính đó là thời điểm đánh Buôn Ma Thuột đầu tháng 3 năm 75. Đến cuối tháng 5, thấy thịt nhiều rồi, lại hết muối gạo, nên quyết định ra, đưa thịt về. Coi như là ở trong rừng suốt cả tháng 3, tháng 4 và tháng 5, đầu tháng 6 mới mò ra. Khi ra, vẫn nghĩ là còn địch, nên rất cẩn thận đề phòng biệt kích. Ba anh em mò vào một cái làng dân tộc ở Trà My thấy vắng tanh. Ba thằng bám ra rẫy thấy một ông già đang say rượu nằm ngủ ở đấy. Hỏi ông ấy thì ông ấy bảo: giải phóng lâu rồi mà chúng mày không biết à? Tụi mày ở đâu ra thế này! Lúc đó, cả ba thằng có bao nhiêu đạn, chĩa súng lên trời bắn sạch… Sướng quá mà! Bắn hết đạn rồi, mới rủ nhau về Trạm. Đi mất hai ngày liền, về đến nơi thì Trạm cũng chuyển đi đâu mất rồi. Mãi sau mới gặp xe tải quân mình lên chuyển đồ từ chiến khu về, thế là theo xe về Đà Nẵng. Lúc ấy Đà Nẵng cũng như tất cả miền Nam đều đã được giải phóng. Tôi tìm chỗ các anh văn nghệ của quân khu chơi, gặp mấy bố đang uống rượu ở 1B Ba Đình. Lúc đó nhà thơ Trần Vũ Mai mới từ Pleiku về đang kể chuyện hăng lắm. Nói thật là lúc đó, với tâm trạng của một thằng lính, tôi ngượng quá! Cả một thời gian dài, chiến dịch lớn thế mà không biết tý ty gì, ở mãi trong rừng! Sau đó tôi về Pleiku. Lúc đó tỉnh đội Kon Tum và tỉnh đội Gia Lai đang sáp nhập vào với nhau. Tôi về, được phân công làm đội trưởng đội chiếu bóng. Thế là bắt đầu công việc đi chiếu bóng cho các địa phương. Không khí sôi nổi hào hứng lắm…
Yên Ba: Điều gì sau đó khiến anh cầm bút viết văn?
Trung Trung Đỉnh: Hồi ấy, khi đang làm chiếu bóng, tôi đã quyết tâm ôn thi đại học. Tôi nghĩ: học gì cũng được, nhưng mà phải đi đại học. Đến giữa năm 1977 thì có Trường Đại học Văn hoá mở ở Đà Nẵng, cơ quan chọn tôi đi học về thư viện. Tôi mừng vô cùng! Hồi ấy tôi làm thơ nhiều, viết văn xuôi còn ít lắm! Tôi tiếc nhất là chuyện không giữ được sách. Lúc bấy giờ tôi khá thân với ông Thiệu phó ty văn hoá. Bên ấy truy thu các loại văn hoá phẩm của chế độ cũ, sách thu về xếp cả kho, tôi được đặc cách chọn sách quý khuân về, cho vào mấy cái tủ sắt cất kỹ. Đi chiếu bóng, hễ cứ rỗi tí nào là đọc sách. Toàn sách dịch thôi! Đọc nhiều, đọc liên tục. Đọc mờ cả mắt! Đọc sướng lắm! Đó chính là thời gian tôi đọc được nhiều sách nhất, đủ loại, từ văn học cho đến Kinh Thánh… Nhất là những nhà văn được giải Nobel. Hồi ấy ở miền Bắc làm gì có! Mấy hôm trước khi xuống Đà Nẵng nhập học, tranh thủ lúc tôi đi vắng, anh em ở nhà khuân hết mấy tủ sách của tôi ra sau vườn, kê đá lên rồi chất lửa đốt sạch. Mấy ông tướng ấy thương mình thôi, sợ mình đem đống sách ấy về Đà Nẵng thì bị kỷ luật, vì toàn là sách của địch! Thế là về Đà Nẵng chẳng còn gì cả! Lúc đó tôi đang viết một cái trường ca. Cũng không nghĩ là tham gia vào tầng lớp văn nghệ ở Đà Nẵng lúc ấy đâu, nhưng do quen biết nên tôi cũng hay đến chỗ các anh ấy chơi. Thực ra các anh Bùi Minh Quốc, Thu Bồn đã lên Giai Lai tìm tôi mấy lần mà không gặp. Sau giải phóng, mấy anh cũng chỉ biết tôi đang là lính ở trên đó. Thế rồi tôi đến gặp nhà văn Nguyễn Chí Trung, ông hỏi: “Bây giờ em đang ở đâu?”. Tôi trả lời: “Báo cáo thủ trưởng, em đang học thư viện.” Anh ấy bảo: “Bây giờ không học hành gì nữa hết, em mang ba lô về ngay trại sáng tác, học hành tính sau.”. Rồi anh ấy hỏi: “Có biết uống rượu không?”. Tôi sốt sắng: “Dạ có. Em với thủ trưởng đi làm vài li nhé?”. Không ngờ anh ấy gầm lên: "Ở đây không rượu chè gì hết, uống rượu là tôi trả về Gia Lai ngay! Ở đây chỉ có sáng tác thôi! Theo mấy ông Thái Bá Lợi, Thu Bồn, Thanh Thảo, là không được! ". Tôi sợ quá vâng dạ liên hồi. Thủ trưởng lại hỏi: “Thế em biết đi xe máy không?”. Tôi biết chứ, nhưng vừa bị quạt vì vụ rượu nên rút kinh nghiệm trả lời: “Không! Báo cáo thủ trưởng không ạ! ”. Anh Nguyễn Chí Trung lại gầm lên: “Giải phóng mấy năm rồi, thế anh làm cái gì mà không tập để biết đi xe máy?…”. Tôi đành thú thật là có biết đi. Anh dẫn tôi vào quân khu làm thủ tục, nhanh như ta nấu một bữa cơm vậy. Xong xuôi, anh ấy bảo: “Bây giờ em lên “cắm” ở Tây Nguyên thôi, địa bàn của em đấy! Phải “cắm” sâu mới viết được”. Thế là tôi lại khoác ba lô “ngược”! Tôi bám các đơn vị đang phá rừng làm kinh tế mới để viết. Rồi theo các đơn vị đánh Fulrô và lên chốt đánh Pôn Pốt. Mấy năm ròng nằm ở biên giới Tây Nam cùng anh em Trung đoàn 95, chẳng còn biết hoà bình nó ra làm sao nữa. Mãi đến khi giải phóng xong Campuchia tôi mới được về Gia Lai. Lúc đó coi như văn nghệ sĩ đi thực tế rồi, không phải là lính tráng như hồi trước nữa! Oách lắm! Và tôi bắt đầu viết các truyện ngắn…
TOÀN BỘ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA TÔI ĐỀU VIẾT BẰNG KÝ ỨC
Yên Ba: Vậy là toàn bộ ký ức của những năm tháng ở rừng ấy, có phải là chất liệu để anh viết cuốn Lạc Rừng không?
Trung Trung Đỉnh: Thực ra mà nói, toàn bộ những tác phẩm của tôi chủ yếu là viết bằng ký ức. Bịa bằng ký ức! Tôi có một cái may là sau giải phóng khoảng 3, 4 năm liên tục được đọc rất nhiều sách. Đọc một cách tương đối có hệ thống, có người hướng dẫn nên vỡ ra nhiều. Hồi ở trên rừng Tây Nguyên, cũng do ham mê văn chương nên tôi suy nghĩ nhiều và ghi nhớ mọi chuyện có thể viết lại sau này. Lúc ấy đã nghĩ là để một lúc nào đó viết lại… Hồi ở trong rừng tôi đã làm đến mấy trăm bài thơ! Còn truyện ngắn đầu tiên viết trong rừng là lúc đi đánh nhau. Đánh đồn địch vồ được một cái máy chữ, mấy ông trong đơn vị cứ tưởng mìn nên ôm cái máy chữ ra, ôm theo cả mấy cuộn giấy to như cái phích nước. Ra ngoài mới biết là cái máy chữ trong hộp. Thế là tôi kỳ cạch ngồi tập đánh. Tập đánh máy chữ riết hoá ra viết được cái truyện ngắn, cốt chuyện lấy ngay từ chuyện ở đơn vị, anh em bàn bạc nhau trước khi tổ chức một cuộc phục kích địch trên đường Hoàng Hoa Thám ở khu vực An Khê. Phục ở dưới đất mãi, đánh bụp xẹt mãi cũng ngán, có một người đề xuất ta trèo lên mấy cây khoọc bên đường phục. Phục từ trên cao, địch không cảnh giác. Nghe thấy hay, thấy khá táo bạo, cũng định làm một trận. Nhưng ra tới nơi, leo lên rồi chúng tôi lại tụt xuống vì lạnh lưng quá! Tôi viết và tả một trận đánh ngon lành kiểu ấy, diệt được xe tăng và khá nhiều địch, gửi ra quân khu theo đường giao liên hú hoạ, may mà đến được chỗ anh Nguyễn Chí Trung. Mấy anh đọc và cho in ngay trên Văn nghệ quân Giải phóng. Hình như đó là đầu năm 72 thì phải. Mấy anh văn nghệ Quân khu biết tôi từ đó, nghe nói cũng định rút tôi ra trại sáng tác mấy lần, nhưng điện về đến tỉnh đội là tắc! Mấy bố tỉnh đội đọc truyện ấy xong cho trợ lý tuyên huấn về điều tra, gọi tôi từ phía trước về, bảo: đây là việc nghiêm trọng về vấn đề tư tưởng. Nếu là chuyện có thật thì chúng tôi sẽ đề nghị cấp trên tặng thưởng cho anh em; còn nếu không có thì đồng chí phải hoàn toàn chịu trách nhiệm! Tôi khiếp quá kể lại đầu đuôi, anh ấy bảo để anh ấy về xin ý kiến thủ trưởng. Tôi cứ nghĩ mình không có duyên với văn chương, mới viết thế mà đã phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm” thì khó quá. Lại nữa, tên tôi là Phạm Trung Đỉnh, viết truyện đó, tập đánh máy, đánh thế nào lại thành ra Trung Trung Đỉnh. Có lẽ cũng là một cái điềm không hay rồi! Sau này thấy cái tên ấy nghe cũng giòn giã và cũng là một kỷ niệm nên tôi lấy luôn làm bút danh…
Yên Ba: Xin quay trở lại cuốn Lạc rừng của anh. Cùng với cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, cả hai đều viết dựa trên những ký ức của chiến tranh, đều được giải và có tiếng vang nhất định. Vậy theo anh có phải những cuốn sách viết về chiến tranh thì dễ đoạt giải hơn những cuốn sách viết về đời thường không?
Trung Trung Đỉnh: Theo tôi, những năm sau giải phóng và nhất là sau khi đổi mới, những cuốn sách đoạt giải được chọn lựa, đánh giá tương đối chính xác. Như cái đợt có giải thưởng của Bảo Ninh. Hồi ấy cuốn Tiễn biệt những ngày buồn của tôi cũng được xem là ứng cử viên cho giải. Hội nhà văn bảo tôi đưa qua 10 cuốn để đọc và xét giải, nhưng tôi lại không làm. Đến bây giờ tôi vẫn luôn xem đó là cuốn sách hay nhất của mình. Tôi cũng có đọc cuốn Thời xa vắng của Lê Lựu khi còn đang là bản thảo. Nghe lời ông Trần Vũ Mai hồi ấy làm biên tập khen nức nở nên tôi đọc. Thấy sướng lắm! Nói về đổi mới tiểu thuyết, theo tôi Lê Lựu là người đầu tiên. Đó là cuốn đầu tiên và đáng kể. Viết về thân phận con người thời kỳ hậu chiến tương đối cởi mở. Tôi rất phục ông Lê Lựu từ hồi đó. Tôi thấy rằng những người thuộc lớp như tôi, thực sự cầm bút viết sau 1975, viết về chiến tranh chủ yếu bằng ký ức. Cả một thế hệ! Thực ra khi viết không ai nghĩ đến giải thưởng đâu. Nhìn chung là hầu hết đều có viết về chiến tranh, về những điều mình chứng kiến, trải qua. Những người sống trong thời kỳ chiến tranh thì lại càng viết nhiều về nó. Cái hồi 75, ngay sau khi mới giải phóng có ba cuốn nổi bật lên ngay là của Khuất Quang Thuỵ (Trong cơn gió lốc), Chu Lai (Nắng đồng bằng) và Nguyễn Trí Huân (Năm 1975, họ đã sống như thế). Bây giờ đọc lại thì thấy đó không phải là những tiểu thuyết hoàn chỉnh (theo cái nghĩa cổ điển của thể loại này, và cũng là theo cách nhìn nhận của tôi). Đó mới chỉ là những trang ký sự chiến tranh, công nhận là rất không khí. Lúc ấy, những cuốn đó tạo nên ấn tượng khá mạnh.
Yên Ba: Nếu vào những năm 90, với các cuốn sách viết về thời bình, chắc chắn sẽ khó tạo nên thiện cảm đối với các Ban giám khảo…
Trung Trung Đỉnh: Đúng rồi! Ngay cái năm đoạt giải của Bảo Ninh, thì cả cuốn của Bảo Ninh và của Dương Hướng (Bến không chồng) đều nói về chiến tranh. Ngay cuốn của Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma) cũng có âm hưởng của chiến tranh. Tất nhiên là đều bằng ký ức. Theo tôi, cho đến bây giờ, cuốn của Bảo Ninh vẫn là cuốn hay nhất về chiến tranh. Hồi ấy tôi đọc là mê ngay và bị choáng bởi cuốn đó.
TÔI THẤY MÌNH LẠC LÕNG Ở PHỐ PHƯỜNG
Yên Ba: Vậy có phải những người như anh và Bảo Ninh, viết về chiến tranh thì viết hay, viết được, nhưng viết về cuộc sống, xã hội thời bình thì lại không? Liệu có một thế hệ như thế không? Có những người viết về chiến tranh thì rất hay, nhưng khi chuyển qua thời bình lại không chuyển mình kịp. Và mất tăm! Phải chăng đó là bi kịch của một thế hệ nhà văn Việt Nam?
Trung Trung Đỉnh: Chuyện đó có đấy! Nhưng không phải tất cả. Chỉ một vài trường hợp đơn lẻ thôi! Ví dụ như tôi, sau những năm 90, cuốn Ngõ lỗ thủng của tôi viết hoàn toàn về đời sống hiện đại. Cuốn Góc tăm tối cuối cùng của Khuất Quang Thuỵ cũng vậy. Tất nhiên nó vẫn có hơi hướng của chiến tranh. Bên cạnh đó vẫn có một số tác giả không thoát được cuộc chiến. Có thể họ vẫn viết được về thế hệ mới hôm nay, nhưng thế nào cũng có hơi hướng của chiến tranh trong đó. Sẽ là bi kịch khi viết những cái ngoài khả năng của mình. Đến bây giờ, tôi viết cái gì cũng xuất phát từ thực tế đời sống xã hội mà tôi được chứng kiến. Chiến tranh cũng vậy thôi! Như ông Lê Lựu, ông ấy gia nhập vào đời sống xã hội sau chiến tranh rất nhanh, nhưng tất cả những tác phẩm của ông ấy vẫn mang âm hưởng của cuộc chiến.
Yên Ba: Anh thử đánh giá một cách khái quát ba cuốn sách đã viết của mình trước cuốn Lạc rừng: Ngõ lỗ thủng, Ngược chiều cái chết; Tiễn biệt những ngày buồn?
Trung Trung Đỉnh: Ba cuốn đó viết theo ba kiểu bút pháp khác nhau. Ngược chiều cái chết mang âm hưởng của chiến tranh ở Tây Nguyên. Hai cuốn kia viết về đời sống đương đại những năm đó. Tôi ý thức được sự thay đổi bút pháp trong ba tác phẩm. Cuốn Tiễn biệt những ngày buồn là cuốn viết kỹ lưỡng, theo lối cổ điển. Các nhân vật có thân phận rõ ràng và đều được thể hiện một cách có chủ đích. Đến khi tôi viết cuốn Ngõ lỗ thủng là một sự bứt phá hoàn toàn, vượt qua sự ảnh hưởng của ha cuốn kia. Tôi đánh giá hai cuốn viết về đời sống đương đại của mình cao hơn hai cuốn viết về chiến tranh. Các tác phẩm luôn thể hiện cái tâm thế của mình. Kinh nghiệm cuộc sống rất đáng quý, nhưng đôi khi nó cũng rất có hại cho quá trình sáng tác. Với tôi, nếu viết hoàn toàn thời bình cũng không được, mà hoàn toàn về chiến tranh cũng không ổn.
Yên Ba: Anh đã viết Lạc rừng sau khi viết Ngõ lỗ thủng, Tiễn biệt những ngày buồn. Phải chăng khi đã quay về với cuộc sống phố phường rồi, anh vẫn còn bỡ ngỡ, thấy mình lạc lõng, nên anh lại quay về với rừng núi, trở về với địa hạt chiến tranh quen thuộc của mình?
Trung Trung Đỉnh: Đúng vậy! Đôi khi muốn thoát ra khỏi điều đó nhưng không được. Về phố rồi mà tôi vẫn cảm thấy mình bị lạc ở đâu đó, nhiều khi không hiểu ra làm sao cả. Cả một thế hệ chúng tôi, hầu hết đều như vậy. Cái ký ức đó sâu nặng quá, và nó luôn ám ảnh tất cả.
Yên Ba: Sau hai tác phẩm về đời sống đương đại là Ngõ lỗ thủng và Tiễn biệt những ngày buồn, anh đã quay lại địa hạt quen thuộc của mình và ngay lập tức thành công với Lạc rừng được trao giải thưởng. Trong khi hai cuốn kia anh đánh giá cao nhưng lại không gây tiếng vang được như Lạc rừng…
Trung Trung Đỉnh: Đúng như vậy. Có lẽ tôi thích hợp với ký ức và hồi tưởng. Thú thực là trong đời tôi cho đến nay, chủ yếu chỉ có hai giấc mơ. Thứ nhất là mơ về thời thơ ấu cực đẹp. Hồi nhỏ tôi sống ở quê. Đó là thời điểm sau 1954, hoà bình lập lại. Bố tôi là một ông đồ nho và vẽ tranh dân gian. Ngày đó tôi được sống trong một không gian trong lành vô cùng, và trong một môi trường rộng mở, tươi sáng. Tôi thường mơ thấy mình còn nhỏ đi chơi đánh đáo, đánh khăng, bơi lội, thả diều… Thứ hai là những giấc mơ về chiến tranh, về các trận đánh du kích, chạy tung hà-bằn (theo cách nói của chúng tôi, nghĩa là tung váy! ). Về việc chạy bom, chạy pháo và kinh khủng hơn là chạy máy bay quạt. (Đó là loại máy bay trực thăng nhỏ, cánh quạt của nó quạt xé rừng! )… Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh và một cuốn về tuổi thơ của mình. Đây là hai cuốn mà tôi đã “nhay” hàng chục năm nay rồi, vậy mà chưa biết đến bao giờ xong. Tôi viết chậm lắm. Thôi thì cứ “khoe” ra đây, có khi lại có thêm động lực để viết.
LỚP TRẺ BÂY GIỜ "PHÁT TIẾT" SỚM QUÁ
Yên Ba: Hình như anh vẫn luôn “ngơ ngác” trong đời sống văn học hiện nay? Anh có thể nói cách nhìn của Trung Trung Đỉnh đối với đời sống văn học hiện nay như thế nào?
Trung Trung Đỉnh: Nói về hiện trạng văn học Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ rằng phải nói về lớp trẻ. Mà nói về lớp trẻ hoàn toàn sau cuộc chiến thì phải nói thật là họ sớm “phát tiết” quá! Tôi đọc Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, rồi những người được xem là gối giữa lớp nhà văn chiến tranh và lớp nhà văn trẻ như Y Ban, Tạ Duy Anh… Họ xuất hiện lúc đầu rất hay. Như Vàng Anh chẳng hạn. Cô ấy xuất hiện với một giọng hết sức đặc biệt. Để duy trì được cái giọng văn đó thì quá tốt, nhưng rồi cô ấy sớm lao vào đời sống báo chí quá, nên cũng hơi uổng. Anh để ý mà xem, lớp trẻ sau này, một loạt viết theo kiểu văn của Vàng Anh cả. Không thoát được. Nhà văn mà có được cái trường ảnh hưởng đó là rất mạnh và đáng quý. Nguyễn Huy Thiệp cũng như vậy. Tức là rất nhiều nhà văn chịu ảnh hưởng của họ. Nhìn chung, lớp trẻ bây giờ rất nôn nóng trong việc thể hiện mình. Cái đó thì cũng không thể trách họ được. Vừa xuất hiện, được một giải thưởng nào đó, thế là có toà báo nhận ngay về làm việc. Cái đó cũng là cái may mắn, nhưng cũng là cái chưa chắc đã may mắn (đối với một nhà văn tương lai). Nói thế thôi nhưng có hôm ngồi với Bảo Ninh tôi đã từng nói: thế nào rồi cũng sẽ có những nhà văn tầm cỡ xuất hiện! Nhưng mà không phải từ trong đám được các giải thưởng đâu. Đoạt giải chỉ có tác dụng trước mắt là kiếm được công ăn việc làm ngay thôi, nhưng để tiếp tục theo đuổi phát triển nghề viết văn của mình thì không mấy người làm được. Đời sống báo chí, thực tế cuộc sống thị trường nó cuốn đi, không kịp cho anh đủ nhìn nhận mọi điều thì làm sao viết hay được. Nhưng xét cho cùng, nếu người đó có tài thực sự thì sẽ vượt qua, tiếp tục khẳng định mình…
Yên Ba: Tóm lại, theo anh lớp nhà văn trẻ bây giờ chưa đủ nội lực để vượt qua sự ảnh hưởng của các thế hệ trước; chưa vượt qua được những tác động nhiều phía của các phương tiện thông tin đại chúng; chưa khước từ được nhu cầu về công ăn việc làm… Chính vì vậy họ không tạo nên những dấu ấn sâu nặng trên văn đàn hiện nay…
Trung Trung Đỉnh: Đúng vậy! Chưa đâu. Nhưng mà sẽ có. Không thể nôn nóng được. Điểm xuất phat của lớp trẻ bây giờ hơn chúng tôi rất nhiều.
Yên Ba: Vậy anh đánh giá những nhà văn thế hệ của anh, những người đã giữ thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhiều chục năm nay như thế nào?
Trung Trung Đỉnh: Tôi nghĩ dứt khoát trong lớp chúng tôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều tác phẩm đáng kể đấy! Hạn chế nhất của lớp này là đã từng có những cái gọi là thành công. Thực ra bất cứ tác giả nào cũng có những bước thành công nhất định, có độc giả hay vài giải thưởng nào đó. Nhưng ở thế hệ tôi, tôi cho rằng, chỉ có Thời xa vắng của Lê Lựu và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là thành công hơn cả. Có thể gọi là đỉnh cao mỹ mãn trong những thời điểm ấy và còn sống được trong nhiều năm sau! Rõ ràng là như vậy. Vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua được hai cuốn đó. Tôi nghĩ, sự tiềm ẩn những tác phẩm tương tự ở thế hệ nhà văn chúng tôi vẫn còn. Còn bây giờ, thì cũng bình bình thôi.
Yên Ba: Liệu chúng ta có thể có những tác phẩm kiểu như Sông Đông êm đềm, Con đường đau khổ không?
Trung Trung Đỉnh: Không thể có được. Việt Nam chúng ta không có cái kiểu tư duy đồ sộ, hoành tráng như thế. Người Việt Nam chỉ tư duy tiểu nông thôi. Luôn suy nghĩ những điều vụn vặt, nho nhỏ, xinh xinh, thì làm sao có được những cái lớn. Nếu cứ kỳ vọng như thế là rất nguy hiểm. Cái đó không bao giờ có được. Đã có nhiều nhà văn cho ra đời nhiều bộ tiểu thuyết dày hàng nghìn trang, nhưng tuyền là kể với tả, chẳng có tư tưởng gì mới, thành thử, lấy độ dày mà tính thì có nhưng không có tác phẩm lớn. Con cháu mình cũng vậy. Điều đó nó thuộc vào tính cách văn hoá của dân tộc rồi!
Yên Ba: Nhưng dù sao cũng có những tác phẩm như Thời xa vắng và Nỗi buồn chiến tranh mà anh đánh giá là đỉnh cao trong một thời kỳ văn học ở nước ta. Anh có thể lý giải điều gì đã khiến những tác phẩm như thế có thể ra đời?
Trung Trung Đỉnh: Khi Lê Lựu viết Thời xa vắng, ông ấy đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Lê Lựu vốn là nhà văn viết không có sự chuẩn bị về đề cương hay là viết theo kế hoạch nào đó. Nhưng ở cuốn này ông đã làm việc kỹ lưỡng, bởi cuộc sống đã tạo nên như thế, chính cái số lam lũ nhuôm nhoam, cái tính cách quê mùa bẩm sinh của ông ấy đã chuẩn bị cho nhà văn Lê Lựu rất nhiều. Nếu không có sự chuẩn bị thì ông ta không viết được như vậy. Bảo Ninh cũng thế. Tôi chơi với cả hai người này nên tôi biết. Họ đã dồn hết tâm lực vào tác phẩm của mình, ngay từ khi mới bắt đầu viết. Cả hai đều có những bước ngoặt lớn về đời sống cá nhân sau thời kỳ chiến tranh. Cả hai đều viết trong một tâm thế nhìn nhận lại mọi điều, chứ họ không có ý viết để tranh giải thưởng gì cả. Bối cảnh xã hội bắt đầu đổi mới lúc đó cũng giúp cho việc ra đời hai cuốn sách ấy!
CHÚNG TA QUÁ LỆ THUỘC VÀO HIỆN THỰC
Yên Ba: Xét về con người văn học, hình như anh và rất nhiều người cùng trang lứa vẫn chưa thích hợp với cuộc sống thời bình lắm? Hiện thực thời bình các anh chưa nắm bắt được? …
Trung Trung Đỉnh: Tôi cho là thế này: chúng ta cứ ca ngợi chủ nghĩa hiện thực nhưng phải nói thực, tính sổ một cách rốt ráo thì đó lại là một cản trở lớn đối với nhà văn thuộc thế hệ chúng tôi. Tức là anh không thoát khỏi được đời sống hiện thực, mà nhu cầu của văn học không chỉ chừng đó; nó có những đòi hỏi cao hơn. Tức là lệ thuộc quá nhiều vào quá khứ và hiện tại, vào quan niệm cũ, cho rằng hiện thực phong phú, nhà văn chỉ cần chép trung thực là đủ hay rồi. Tuy nhiên, cũng có người ý thức được điều đó và bứt phá ra. Nhưng ít lắm. Hầu như ai cũng bị trói buộc bởi hiện thực. Ngay cả cái gọi là bút pháp và kỹ thuật viết cũng thế. Chúng ta không nói đến hình thức, bởi phương Tây nó đi trước chúng ta rất nhiều trong vấn đề thể hiện cũng như nghiên cứu các loại hình thức. Bây giờ mà còn đi tìm hình thức nữa thì chết! Nhưng mà cũng không thể theo đuôi. Ông Nguyễn Minh Châu có một câu rất hay mà tôi luôn nằm lòng: Đi đến tận cùng cái cá nhân của anh, anh sẽ gặp Nhân Loại! Mà Nhân Loại đây là Con Người! Nếu anh đi lạc ra khỏi bản thân anh, tức thì anh không còn là anh nữa, và sẽ chẳng ai thiết để ý đến anh! Anh mà bị lệ thuộc vào cái khung hiện thực đã có từ trước hoặc là đang có, thì cái tôi của anh chỉ là con ngựa thồ, thồ món hàng tư tưởng cũ mòn của người khác mà thôi. Cái tôi nói ở đây là chủ nghĩa hiện thực nói chung. Tôi ý thức rất sớm rằng: chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng là chủ nghĩa hiện thực và nó có giá trị thiết thực ở giai đoạn đó. Nó phù hợp với tình hình chiến tranh, tình hình chính trị lúc bấy giờ. Nó cũng có những tác giả lớn, M. Gorki chẳng hạn. Chủ nghĩa hiện sinh trong văn học phương Tây cũng vậy thôi. Nó có thời của nó, và nó đã hết thời rồi! Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ La-tinh cũng có sức hấp dẫn ghê gớm. Nó có những cây đại thụ như G. Máckét chẳng hạn. Nếu bây giờ anh theo một trường phái hay chủ nghĩa nào đó, thì anh sẽ bị lệ thuộc vào nó, và bị nó trói rồi lôi anh đi, để lại đằng sau anh là dân tộc và ngàn năm văn hiến! Tôi nghĩ, cần phải thoát ra khỏi những cái đó thì mới có thể có những thành công và đóng góp mới cho văn học nhân loại được.
Yên Ba: Vẫn có những tác giả, như Nguyễn Bình Phương chẳng hạn, đã cố gắng vượt qua cái rào cản hiện thực như anh nói đấy chứ…
Trung Trung Đỉnh: Tôi đánh giá cao sự tìm tòi cũng như cách đổi mới trong các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương. Đúng là anh Phương đã có những bước cố gắng vượt ra khỏi sự lệ thuộc vào cái khung hiện thực, nhưng có vẻ như nội lực của anh còn yếu nên những tác phẩm của anh chưa thật thoát ra khỏi xiềng xích của những tác phẩm và tác giả lớn. Kiểu như vượt qua được đối phương trên đường đua ở một khoảnh khắc nào đó rồi, nhưng vì tay cương còn non nên không điểu khiển nổi con ngựa như ý muốn được. Những tác phẩm của Nguyễn Bình Phương không tạo ra một dấu ấn rõ ràng trên văn đàn. Không như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Tôi xem đó là một kiệt tác của văn học Việt Nam đương đại. Bảo Ninh đã vượt qua được mọi rào cản và có một tác phẩm xuất sắc. Nếu như Nguyễn Bình Phương cố gắng để vượt qua những điều đó, ra sức phấn đấu để vươn lên như ta vẫn quen nói, thì ngược lại, Bảo Ninh không cố gắng chút nào. Tất cả như đã được nung nấu từ lâu và đến lúc đó, nó trào ra một cách tự nhiên. Để có được điều đó, cần có một bề dày về văn hoá. Đừng tưởng là tự nhiên trên trời rơi xuống cho. Và cũng không nên nghĩ cố gắng phấn đấu mà thành! Trường hợp Bảo Ninh rất đặc biệt là người khen, cũng như người chê rất nhiều, và khen chê luôn đối lập nhau. Hình như đều xuất phát từ quan điểm chính trị thì phải. Nhưng xét về khía cạnh tác phẩm văn học, nếu có một chút cởi mở thì anh nhận ra những giá trị to lớn của nó ngay. Bảo Ninh về tâm địa mà nói, anh ấy là người rất vô tư, hồn nhiên, cả tin, cả nể, nhưng lại rất thính nhạy. Anh ấy trong đời sống thấy cứ ù ờ thế thôi, nhưng chỉ cần thoáng qua một cái là không lọt qua con mắt tinh đời của Bảo Ninh ngay! Về kiến thức mà nói, anh ấy là người được chuẩn bị rất cơ bản, cả về văn hoá lẫn đời sống. Có lẽ vì thế mà anh ấy có nhiều ý tưởng rất sâu sắc. Theo tôi biết, hồi ấy nếu không phải ông Nguyên Ngọc làm Trưởng Ban giám khảo thì cuốn của Bảo Ninh cũng chưa chắc đã vào giải. Mà ông Nguyên Ngọc là người cực đoan, không phải vì thiên vị với Bảo Ninh mà chỉ thiên vị với… tài năng thôi!
Yên Ba: Anh có thấy buồn không, khi có một số tác phẩm có thể là hay nhưng vì nhiều lý do nào đó không đến được với bạn đọc?
Trung Trung Đỉnh: Tôi là người khá tỉnh táo khi nhìn nhận những vấn đề như vậy. Nếu tôi phát biểu không khéo lại cho tôi quan điểm lập trường không đúng. Trong văn học có những người viết về ánh sáng và ca ngợi, nhưng cũng có cả những người viết về mảng bóng tối và phê phán. Đã văn học là phải chấp nhận cả ánh sáng và bóng tối. Chứ nếu quy theo quan điểm lập trường thì rất khó nói chuyện với nhau. Có hiện tượng như thế và ta chấp nhận nó. Ở góc độ nào đó thì cũng buồn thật. Buồn chứ! Khi có một cuốn sách theo mình là hay, có giá trị mà lại không được phổ biến, độc giả không được tiếp cận, thì làm sao mà không buồn được. Giận nữa chứ! Tôi nhớ có lần, chính Lê Lựu phát biểu trên báo Thể thao & Văn hóa, đại ý: trong xã hội hiện nay, ông ấy sợ nhất là loại độc giả, đọc xong tác phẩm rồi cứ soi mói, quy chụp người khác. Sợ nhất là những người đó. Nó nguy hiểm lắm, nhưng theo tôi, biết là như vậy, nhưng nhà văn phải chấp nhận thôi. Bởi vì anh không thể làm gì khác được. Quan niệm văn học của tôi, trước sau gì cũng là nói về thân phận con người. Có cả những thân phận tốt, rồi thân phận xấu, có cả sự chuyển biến, thay đổi thế giới quan của các thân phận nữa. Cứ nói đến thân phận con người, nhiều người cứ sợ, cho là thế này thế khác. Nhưng mà ai chẳng có thân phận của mình.
Yên Ba: Tức là đời sống của từng cá nhân. Nó có nhiều mặt, cả trái lẫn phải, chứ không thể quy chụp anh phải thế này, phải thế khác…
Trung Trung Đỉnh: Cái quan trọng nhất và cuối cùng là quan điểm sống, cách nhìn của anh (nhà văn) về thân phận con người thế nào. Điều đó nó thể hiện rõ trong tác phẩm của anh ta, thông qua các nhân vật. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào “tâm địa” của nhà văn.
NHÀ VĂN CHỈ THỂ HIỆN MÌNH QUA TÁC PHẨM MÀ THÔI
Yên Ba: Theo tôi biết, anh tham gia khá đều các cuộc thảo luận bàn tròn trên báo chí về những vấn đề văn học. Qua những bàn tròn đó, anh có rút ra được điều gì bổ ích không?
Trung Trung Đỉnh: Sau một thời gian dài tham gia nhiều bàn tròn văn học trên một số tờ báo mà tôi cộng tác, tôi nhận thấy thực ra các nhà văn hoàn toàn thể hiện mình qua tác phẩm mà thôi. Chứ nếu qua phát biểu thì không thể hiện điều gì rõ ràng cả. Có tình trạng như thế này: nhiều nhà văn viết rất dở, nhưng lại trả lời phỏng vấn như một đại văn hào. Và ngược lại. Rút cục tất cả chỉ có thể kết luận qua văn bản tác phẩm mà thôi.
Yên Ba: Như vậy, sau những năm ở rừng về, anh có thấy mình vẫn đang bị lạc giữa đời sống văn chương không?
Trung Trung Đỉnh: Không! Tôi dám tự hào khẳng định tôi là loại nhà văn đi nhiều ở nước mình. Chỗ nào trên đất nước này cũng có dấu chân tôi cả. Ở đâu tôi cũng có bạn bè. Cả bạn văn chương lẫn không văn chương. Nói một cách hài hước thì nhiều năm qua, cuộc sống của tôi là du canh, du cư. Xét cho cùng thì cũng đúng là như vậy. Toàn bộ những cuộc đi ấy như một phần cuộc sống của tôi, là số phận của tôi. Thực ra mà nói, về bản tính, tôi không thích đăng đàn. Chuyện tham gia các bàn tròn trên báo chí chủ yếu để kiếm chút đỉnh “lấy ngắn nuôi ngắn”mà thôi. Chứ nói tâm huyết với những cái đó, tôi muốn làm theo ý thích của mình cũng không làm được, bởi đó là báo của người ta mà. Trước sau tôi vẫn không thoát được cuộc chiến tranh. Viết cái gì rồi cũng quay về cái đó! Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất trong đời tôi. Đó là toàn bộ tuổi trẻ của tôi! Kể ra như thế cũng thật đáng tiếc lắm thay. Nhưng có lẽ đó là số phận, không thể anh muốn thế nào cũng được.
Yên Ba: Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
**
Tôi vẫn mơ thấy rừng
(Tiếp tục cuộc trò chuyện với anh Đỉnh sau 18 năm.)
Yên Ba: Thưa anh Trung Trung Đỉnh! 18 năm trước, chúng ta đã có một cuộc trò chuyện dài. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện ấy, chỉ có điều là kể từ đó, anh đã trải qua nhiều vị trí công tác khác. Bây giờ, anh có còn mơ những giấc mơ thời chiến trận nữa không?
Trung Trung Đỉnh: Tôi vẫn không ngừng mơ những giấc mơ về thời trai trẻ nhọc nhằn như thế. Trong những giấc mơ của tôi, rừng xuất hiện nhiều nhất. Lúc nào cũng thấy… rừng. Rừng Tây Nguyên của tôi. Tôi từng viết tiểu thuyết Lạc rừng, nhưng bây giờ, nếu có ném tôi trở lại những vùng đất ấy thì tôi không thể lạc được nữa, bởi rừng có còn đâu mà lạc? Chắc rằng sẽ lạc theo lối khác. kiểu khác! Tôi mơ về những cánh rừng thời chiến, về đồng bào bà con dân tộc Bahnar, Jrai Tây Nguyên đã bao năm cưu mang, đùm bọc anh em chúng tôi trong chiến tranh. Ngay cả những lúc không ngủ, tôi cũng vẫn tiếp tục mơ tưởng về những cánh rừng thời ấy.
Trong 18 năm sau cuộc trò chuyện của chúng ta, tôi có một may mắn lớn là được gặp gỡ, học hỏi đọc sách của các nhà dân tộc học viết về rừng, làng rừng như Rừng, Đàn bà, Điên loạn của Jacques Dournes, một nhà dân tộc học người Pháp đã sống ở Tây Nguyên nhiều chục năm, gắn bó và hiểu biết sâu sắc về các dân tộc Tây Nguyên, có những công trình đặc sắc về họ, trong đó cuốn này viết rất kỹ về cuộc sống của người Jarai Tây Nguyên…
Tôi đọc Chúng tôi ăn rừng của Giáo sư Georges Condominas, Rừng người Thượng của Henry Maitre… Họ đều là những nhà dân tộc người Pháp có nhiều năm lăn lộn sống với đồng bào Tây Nguyên, thấu hiểu một cách sâu sắc vai trò của rừng, của văn hóa rừng đối với cuộc sống của người dân ở vùng này. Tôi mê cách nhìn nhận và ý tưởng về Tây Nguyên của nhà văn hóa, nhà văn Nguyên Ngọc. Ngoài việc sống, viết và đặc biệt dịch các sách về dân tộc học của các nhà nghiên cứu dân tộc học nước ngoài về đồng bào Tây Nguyên, ông là người có đóng góp lớn cho chúng ta để chúng ta tiếp cận đúng, hay, và thấu đáo về các làng rừng. Tôi cũng may mắn có một thời gian làm “đàn em” của “cụ Từ” và đã “đưa” cụ lên Gia Lai gặp ông Nguyễn Kim Sung, trưởng ty văn hóa Gia Lai và được theo cụ đi điền dã làng rừng cùng các lễ hội… Tôi được đọc cụ, hiểu biết phần nào về dân tộc học mà Giáo sư Từ Chi đã dạy bảo… Đóng góp về dịch thuật các công trình nghiên cứu dân tộc học về Tây Nguyên của nhà văn Nguyên Ngọc có thể so sánh với một viện dân tộc học lớn rất đáng được tôn vinh…
Có đọc những cuốn sách của các vị này, tôi mới thấy khoảng trống hiểu biết của mình về Tây Nguyên, về đời sống các dân tộc là quá lớn. Hồi học phổ thông, tôi có học tiếng Trung, đủ chữ để có thể viết thư cho bạn bằng tiếng Trung Quốc, nhưng lớn lên đi bộ đội, lao vào cuộc chiến, bao nhiêu tiếng Trung quên sạch sành sanh. Về cơ bản tôi là người mù ngoại ngữ. Bởi thế nên tôi vô cùng biết ơn những người đã dịch các cuốn sách về dân tộc học để tôi và nhiều người như tôi có thể mở mang, hiểu biết về cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Công sức của các vị này với văn hóa nước mình lớn lắm. Tôi đã ước là phải chi được đọc những cuốn sách về dân tộc học này từ sớm thì hẳn là tôi đã viết khác đi. Từ đó tôi nghiệm ra rằng, nhà văn trước khi viết mà không được chuẩn bị về văn hóa, không được học về địa lý, lịch sử, về dân tộc học thì quả là rất đáng tiếc.
Nhưng đấy là điều không thể đảo ngược được nữa. Cũng không thể đảo ngược được là quá trình phá rừng ở Tây Nguyên diễn ra với tốc độ kinh hoàng. Hồi bé tôi đã nghe câu “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”; bây giờ độc lập có rồi, chẳng cần đốt cháy mà rừng Trường Sơn bị phá tan hoang từng mảng lớn. Tôi vô cùng đau xót khi chứng kiến hàng đoàn xe theo đường 19 chở gỗ rầm rập từ Tây Nguyên về Quy Nhơn ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Họ thành lập hẳn những công ty chuyên khai thác lâm nghiệp để phá rừng. Đấy là một tội ác! Khi rừng bị tàn phá thì văn hóa của đồng bào dân tộc gắn liền với rừng cũng bị phá theo. Những cánh rừng hiện diện trong những giấc mơ của tôi bây giờ loang lổ, bị thương tích.
Yên Ba: Nhưng trong cuộc trò chuyện của chúng ta 18 năm trước, anh đã từng khẳng định rằng mọi tác phẩm của anh đều viết từ hồi ức. Vậy những hồi ức chiến trận đó, dẫu cho có bị loang lổ đi ít nhiều vì những cánh rừng bị phá, có giúp anh có thêm được những tác phẩm mới không?
Trung Trung Đỉnh: Tôi cũng nhúc nhắc viết được đôi cuốn: Sống khó hơn là chết, Lính trận, Ngược chiều cái chết, Những khoảnh khắc đời người, Lời chào quá khứ. Trong đó Lính trận được một số giải thưởng gì đó. Nhưng như trong cuộc nói chuyện lần trước với anh tôi đã đề cập, không có mấy nhà văn tài năng nhoi ra được từ đám có giải thưởng đâu! Hiếm lắm. Ở ta, tôi thấy cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nhận giải là tác giả thật sự có tài.
Năm sáu năm trở lại đây, kể từ khi thay thận, quanh năm đi bệnh viện, có năm thời gian nằm trong viện nhiều hơn ở nhà nên tôi viết ít, chủ yếu là tạp bút chân dung bạn bè, truyện ngắn. Mà cũng chỉ viết về những chuyện của ngày hôm nay. Bạn bè tôi trên Tây Nguyên, nhiều người trong số họ tôi biết từ thời cùng anh hùng Đinh Núp công tác ở huyện 10, giờ họ cũng khuất bóng dần dần. Nghĩ tới họ thì những hồi ức buồn nhiều hơn vui. Tôi vẫn thèm viết một cuốn về đời sống người dân tộc Tây Nguyên thời còn làng rừng, nhưng không biết ông trời có cho mình làm không…
Yên Ba: Điều không tránh khỏi là lớp nhà văn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các anh đã già đi, thay thế bởi một lớp các nhà văn trẻ hơn. Đón chờ họ vẫn có hai cuộc chiến tranh là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam, sau đó là những năm tháng miệt mài truy quét quân Khmer Đỏ ở Campuchia… Đã có nhiều nhà văn lớp này viết về chủ đề hai cuộc chiến đó như Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Đoàn Tuấn, Nguyễn Đình Tú, Trung Sĩ… Anh có đọc họ không?
Trung Trung Đỉnh: Vẫn còn ít người viết và viết thành công về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Tôi nhớ nhiều năm trước đã từng có dạo ầm ĩ lên về một cuốn tiểu thuyết xuất bản ở ta viết về cuộc chiến tranh này, nhưng tiếc thay đó lại là một cuốn sách của tác giả Trung Quốc, Mạc Ngôn. Cuốn Ma chiến hữu. Và những tranh cãi hình như cũng không phải về chất lượng cuốn sách, mà là về nguồn gốc của nó, vì nó là của một tác giả phía bên kia biên giới…
Về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam rồi sau đó giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi bọn diệt chủng Khmer Đỏ tôi đã từng có trải nghiệm bản thân, năm 1979 cùng với các nhà văn, nhà thơ Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh đi theo các cánh quân của ta sang Campuchia. Tôi bám theo đơn vị quân tình nguyện tham gia giải phóng tỉnh Ratanakiri. Đánh ác liệt lắm, may mà không chết. Sau đấy, anh Ngân Vịnh đi cánh khác, Thái Bá Lợi về nước cưới vợ, còn tôi ở lại, theo chân các đơn vị chiến đấu ở Campuchia suốt ba năm. Tôi cũng gặp Đoàn Tuấn, khi ấy vẫn còn là Đoàn Minh Tuấn, ở dưới đơn vị. Hồi đó, cái không khí chiến trận trong Phía Tây không có gì lạ của Remarque ám vào tôi dữ lắm. Tôi có viết truyện Những người không chịu thiệt thòi về những năm tháng ấy. Cuốn sách sát sạt với các trận đánh, sát sạt với sự xâm nhập của quân Trung Quốc mỗi khi thu chiến lợi phẩm thấy Mao tuyển và quân trang quân dụng Trung Hoa nhiều. Khi xét giải Mê Công nghe nói có ông ban giám khảo bảo có yếu tố đụng đến Trung Quốc!
Các tác giả viết về cuộc chiến này tôi đọc nhiều, nhưng ấn tượng nhất là Truyện lính Tây Nam của tác giả Trung Sĩ mới xuất hiện thời gian gần đây. Những tác phẩm viết về hai cuộc chiến này dường như mới chỉ giới hạn ở mức độ minh họa mà chưa bật hẳn lên, có thể vì chưa có tư tưởng cho thật rõ ràng chăng?!
Cánh đồng bất tận xuất hiện như thế nào?
Yên Ba: Đang là một biên tập viên ngon lành ở tạp chí Văn nghệ quân đội, viết đều đều, lương sĩ quan quân đội cao ngất, sao bỗng dưng anh lại sang báo Văn nghệ làm Phó Tổng biên tập, rồi tiếp đó lại chuyển sang làm Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn! Phải chăng anh chán làm nhà văn, thích làm quan chức, hay như nhiều người vẫn nói: tổ chức phân công thì tôi phục tùng, sẵn sàng làm ở bất cứ vị trí công tác nào, dù cao đến đâu!
Trung Trung Đỉnh: Thật ra là tôi chủ động chuyển! Lý do vì hồi đó, tôi ở tạp chí Văn nghệ quân đội thấy quá chậm rãi, nhàm chán. Lương theo quân hàm, như anh nói, rất cao, mà hầu như không làm gì! Tuần nào cũng họp giao ban, buổi nào cũng như buổi nào, đều có đoạn “các cụ” ở trên nhắc thế này, thế kia… Hồi ấy tôi để râu cằm, có buổi lãnh đạo tạp chí gọi điện cho tôi bảo hôm đó không phải đến cơ quan vì có “các cụ” ra thăm, tôi đến “các cụ” trông thấy lại ngứa mắt! Ở một cơ quan luôn “hướng thượng” như thế, tôi không thích chút nào. Mà mấy anh bên đó thỉnh thoảng thấy tôi say rượu ở đâu về, nói linh tinh, cũng không thích. Tôi mới nói với anh Thỉnh [Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam], anh cho em ra ngoài; anh ấy bảo, “Ừ thì ra đi, sang bên Hội Nhà văn! ”. Biết tôi thông thạo đời sống của bà con đồng bào dân tộc Tây Nguyên, lúc đầu anh ấy định đưa tôi sang nắm tờ Dân tộc và miền núi. Ông đang phụ trách tờ này thấy tôi, nhìn với đôi mắt hình viên đạn. Vậy là không sang được. Cuối cùng anh Thỉnh đưa tôi về làm Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, phụ trách nội dung hẳn hoi!
Yên Ba: Trong thời gian làm ở báo Văn nghệ, với cương vị là một trong những người phụ trách tờ báo, anh có đãi được hạt ngọc nào trong cả núi bản thảo gửi đến bàn làm việc của anh không, như ngày trước Nguyễn Huy Thiệp đã từng xuất hiện ở đây rồi làm rúng động cả văn đàn một thời?
Trung Trung Đỉnh: Tôi sang làm ở tờ Văn nghệ, một vài anh chị làm việc bên đó coi thường tôi ra mặt, coi như tôi không biết gì về làm báo. Tháng 9-2005, anh Thỉnh đi công tác nước ngoài, hình như đi Ba Lan thì phải, giao cho tôi Phó Tổng biên tập nội dung, phụ trách. Một buổi chiều, Trưởng ban phụ trách văn xuôi mang đến cho tôi một tập bản thảo dày, nói trong đó có một truyện của tác giả tên là Nguyễn Ngọc Tư. Tôi hỏi: “Có hay không?”; trưởng ban nói: “Hay gì! Dài dằng dặc!”. Tôi mang về, đọc suốt đêm, thấy hay không ngủ được, mới điện cho một nhà văn bạn tôi, sống ở Cà Mau, rất thông thuộc đời sống văn nghệ của Nam Bộ. Nghe tôi kể, ông ấy bảo tôi: “Dào ơi, Trưởng ban văn xuôi chỗ ông hễ thấy dân Nam Bộ tụi tôi viết văn là ghét rồi, ông đừng có tin!”. Sáng hôm sau, tôi gọi Lương Ngọc An, biên tập viên văn xuôi. Tôi thấy An lo phần Ký và cả truyện, tôi nói có cái truyện ngắn tương đối dài nhưng rất hay, cho đăng làm hai ba kỳ được không? Lương Ngọc An nói từ trước tới đó chưa có bất cứ tiền lệ nào một truyện ngắn lại đăng làm ba kỳ trên báo Văn nghệ! Nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định đăng hai kỳ. Truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã xuất hiện như vậy. Tôi gọi điện cho đám bạn bè như Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, nói có truyện hay lắm, đăng trên báo Văn nghệ, tìm đọc đi không nó phí. Ông Lập bảo: “Báo Văn nghệ làm quái gì có truyện hay!”. Không ông nào đọc cả. Đến khoảng tháng 11-2005, báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh trích đăng tới 6 kỳ truyện này, dư luận bắt đầu xôn xao, ý kiến bạn đọc gửi về khen nức nở. Đến cuối năm 2005, Nhà xuất bản Trẻ in tập truyện Cánh đồng bất tận, bán tới mấy chục nghìn bản. Dư luận càng xôn xao tợn. Người ta tìm đọc càng nhiều. Rồi bắt đầu có những ý kiến khen chê trái chiều. Đến tháng 4-2006 thì Tư bị Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đề nghị kiểm điểm vì viết Cánh đồng bất tận bôi nhọ địa phương, nói cái xấu nhiều quá! Các ông ấy nói viết truyện phải chia tốt xấu theo tỷ lệ thế nào đó, chứ nói xấu nhiều quá, thiếu tính giáo dục và định hướng. Trong truyện này Tư viết sau đợt dập dịch cúm gia cầm có chị phụ nữ buồn tiếc của quá uống thuốc tự vẫn, ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau nói thực tế trên toàn quốc khi đó không có trường hợp nào tự vẫn như thế, chỉ buồn chán thôi, sao lại viết bịa trong truyện như thế… Đại để như vậy. Trưởng ban văn xuôi báo Văn nghệ sau đó đi đâu cũng tuyên bố mình là người đã “phát hiện” ra Nguyễn Ngọc Tư!
Thật ra phải thừa nhận Cánh đồng bất tận khi tôi cho đăng trên Văn nghệ không mấy ai để ý, nhưng đến khi được in báo Tuổi trẻ và in thành sách, rồi tác giả bị Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị kỷ luật thì mới bùng lên dữ dội, trở thành một hiện tượng văn học thời ấy. Chuyện kỷ luật chỉ là cái cớ thôi, chứ bản thân truyện đó hay thật, có nội lực văn chương đủ mạnh khiến cho nó có một đời sống, một giá trị riêng mà không một bản án kỷ luật tác giả nào có thể vùi dập được.
Thời tôi làm Văn nghệ còn bắt gặp hai truyện ngắn khác hay lắm. Một truyện có tên là Những chiếc chuông gió của Ngô Khắc Tài, tôi rất thích, nhưng rồi không đăng được trên Văn nghệ; tôi thấy uổng quá, gọi điện cho Hà Đình Cẩn, Tổng biên tập tạp chí Nhà văn, nhờ đăng được bên ấy. Một truyện nữa đăng được trên Văn nghệ là Mười ba bến nước của Sương Nguyệt Minh. Đến bây giờ, theo tôi đây vẫn là truyện ngắn hay nhất của tác giả này…
Suốt thời kỳ tôi làm Văn nghệ chỉ có ba truyện đó là đáng chú ý. Trước đấy, hồi làm ở tạp chí Văn nghệ quân đội suốt bao năm, vậy mà tôi cũng chỉ có một lần đưa được chùm truyện ngắn của một cây bút nữ khi ấy còn lạ hoắc sống tận Hà Giang tham gia cuộc thi của tạp chí Văn nghệ quân đội. Ban giám khảo lúc ấy gần như đã thống nhất trao giải nhất cho một tác giả khác rồi, vậy nhưng khi ban văn chúng tôi đưa bản thảo chùm truyện này thì toàn bộ Ban giám khảo đều nhanh chóng nhất trí đấy mới là giải nhất xứng đáng năm đó. Đấy chính là tác giả Đỗ Bích Thúy, sau cũng về công tác ở Văn nghệ quân đội. Từ chuyện của Đỗ Bích Thúy rồi đến Nguyễn Ngọc Tư, tôi nghiệm ra rằng, để có được một truyện hay, một tác giả nổi bật cũng trần ai, chật vật lắm, không dễ chút nào.
Hễ cứ “nghiêm trọng hóa” thì hỏng cả!
Yên Ba: Rồi anh chuyển sang làm Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Từ cương vị của người nộp bản thảo để người ta xét duyệt chuyển sang cương vị xét duyệt bản thảo của người khác, anh thấy có gì khác biệt?
Trung Trung Đỉnh: Thêm nhiều trách nhiệm hơn. Gặp những bản thảo khó, có những ý kiến khác nhau, tôi thường đề xuất xin tổ chức hội thảo để có ý kiến nhiều chiều, giúp các cơ quan chức năng đưa ra được những quyết định hợp tình hợp lý, không để tác giả và bạn đọc bị thiệt thòi. Nhưng…
Yên Ba: Trong quãng thời gian làm lãnh đạo ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, có bản thảo nào mà anh cảm thấy tiếc vì đã không xuất bản được không?
Trung Trung Đỉnh: Không! Nhà xuất bản Hội Nhà văn luôn có trách nhiệm và bản lĩnh để bảo vệ, cho ra đời những tác phẩm xứng đáng đến với bạn đọc. Có những tiểu thuyết như Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh, vật vã suốt hơn 30 năm trời không ra được, vậy nhưng vẫn Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép in, phát hành. Chỉ hơi tiếc là ông Khánh không giữ được cái tên nguyên bản Trư cuồng hay thế mà lại đổi thành Chuyện ngõ nghèo! In được những truyện hay, truyện khó như truyện này vai trò biên tập viên rất quan trọng. Anh Tạ Duy Anh là người có đủ khả năng tin cậy để thục hiện những cuốn “gai góc” như vậy.
Làm công việc duyệt bản thảo một thời gian, tôi nhận thấy nhiều tác giả mình bây giờ tự kiểm duyệt ghê lắm, chứ không phải cơ quan cấp phép gây khó dễ gì đâu. Vẫn chỉ là bản lĩnh và tài năng của anh nhà văn mới là yếu tố quyết định tác phẩm có sống được với đời hay không thôi.
Yên Ba: 18 năm trước, trong cuộc trò chuyện với tôi, anh có đưa ra nhận định khá bi quan về lớp các nhà văn trẻ ở thời điểm đó. Bây giờ, sau 18 năm, anh có còn giữ thái độ bi quan đó nữa không?
Trung Trung Đỉnh: Thời gian qua, tôi ít đọc văn của lớp trẻ nên cũng khó có thể đưa ra một nhận định chắc chắn là nên bi quan hay lạc quan. Tôi chỉ nhận thấy rằng các nhà văn trẻ ngày nay có điều kiện thuận lợi hơn lớp chúng tôi nhiều lắm. Họ có học vấn cao, có công nghệ phụ trợ nên “đi tắt đón đầu” dễ dàng hơn. Môi trường xuất bản bây giờ cũng không khắt khe nghiệt ngã như vài ba chục năm trước. Cái lối suy diễn khi đọc duyệt thì… cũng rứa thôi!
Thời gian gần đây, tôi có đọc lại Tự lực văn đoàn, những thành viên chủ chốt của trào lưu này hầu hết cũng ở lứa tuổi mà bây giờ chúng ta gọi là “nhà văn trẻ”. Có điều tôi nhận thấy là cái không gian để lớp các nhà văn Tự lực văn đoàn cải tạo xã hội nó rộng lắm; còn lớp nhà văn trẻ hôm nay không có được cái không gian như vậy. Nhiều cây bút trẻ bây giờ viết khác nhưng lại không mới. Có lẽ đó là lý do dẫn tới thực trạng hiện nay có nhiều cây bút trẻ nhưng lại không có một “đội ngũ”, tạo thành trào lưu như Tự lực văn đoàn. Đấy không phải do “lớp trẻ” mà là là do không gian chung của xã hội thôi.
Yên Ba: Cũng trong cuộc nói chuyện 18 năm trước, anh có nói là văn chương chúng ta không thể có được những tác phẩm mang tính sử thi đồ sộ. Tôi thì cho rằng thời gian giãn cách với những sự kiện lớn trong lịch sử của dân tộc, của đất nước đã đủ dài để các nhà văn của chúng ta có thể chiêm nghiệm,ngẫm nghĩ, tích lũy tư liệu và cảm hứng để viết ra những tác phẩm đại tự sự. Anh có đồng ý với tôi không?
Trung Trung Đỉnh: Tôi vẫn cho rằng khó có khả năng đó. Cái gì nó cũng cần có cái nền, càng to nền càng cần vững. Văn hóa nền không phải bối cảnh nào cũng xuất hiện cho những tác gia đặc biệt xuất hiện. Ngoại trừ một tác giả cổ điển như Nguyễn Du. Chúng ta không (hoặc chưa) giới thiệu được một nhà văn lớn nào với thế giới đâu.
Yên Ba: Vì sao anh vẫn cương quyết giữ lại đánh giá mang tính bi quan như thế? Nói cách khác, anh có thể chỉ ra đâu là lý do chính cản trở văn chương Việt Nam đi ra với thế giới?
Trung Trung Đỉnh: Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì cứ hễ cái gì các ông “nghiêm trọng hóa” thì đều hỏng cả! Nhất là công việc viết văn, sáng tác, đòi hỏi sự sáng tạo là tự do vô biên. Truyện Kiều chỉ viết về cuộc đời truân chuyên của một cô gái bình thường nhưng nó lay động con người, đến được với nhân loại. Nói như ông Nguyễn Minh Châu có lần phát biểu, đại loại: “Nhà văn hãy đi hết cái tôi của mình thì anh sẽ gặp nhân loại”. Văn học cứ được tự do, viết một cách tự nhiên, không lệ thuộc vào bối cảnh riêng nào thì may ra một ngày nào đó chúng ta mới có được tác phẩm lớn. Khi còn đặt vấn đề, còn nghiêm trọng hóa thì văn chương tự nó không thể vươn ra bầu trời chung của nhân loại.
Yên Ba: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!