2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 78)

Hoàng Hưng

781. Induction: (sự) Qui nạp, Cảm ứng

– Qui nạp: Một hình thức suy luận, cũng gọi là empirical induction (qui nạp quan nghiệm), trong đó một luật hay một nguyên lí tổng quát được suy ra từ những ví dụ riêng lẻ đã được quan sát. Nhiều người tin rằng hình thức suy luận này hữu hiệu trong thực hành, và có niềm tin rộng rãi rằng nó làm thành nền tảng của mọi khoa học quan nghiệm, nhưng triết gia người Scotland David Hume (1711-76) cho thấy rằng suy luận qui nạp là vô hiệu về mặt logic. Ông viết trong A Treatise of Human Nature (Luận về Bản chất Con người) năm 1739 rằng: từ tiên đề Tất cả các con thiên nga đã được quan sát đều màu trắng, ta không thể kết luận rằng Vì thế, mọi con thiên nga đều màu trắng. Có một tiên đề bị thiếu, đó là Tất cả các con thiên nga đều đã được quan sát, điều không đúng và không bao giờ có thể đúng đối với một mệnh đề phổ quát trong khoa học được coi là áp dụng xuyên suốt thời gian và không gian. Hume chỉ ra rằng sự đồng dạng của tự nhiên có thể biện minh cho sự qui nạp, dưới hình thức của tiên đề Các quan sát tương lai sẽ tương tự những quan sát đã qua, nhưng nó không thể được biện minh chỉ bởi một sự hấp dẫn đối với bản thân sự qui nạp, và trong bất cứ sự kiện nào cũng không đúng một cách tổng quát – chẳng hạn: có những con thiên nga đen ở Úc. Sự không nhất quán hiển hiện này được gọi là the problem of induction (vấn đề của sự qui nạp) hay Hume’s problem (vấn đề Hume), và được giải quyết bằng sự thấu hiểu rằng chứng cứ quan nghiệm được sử dụng để nguỵ chứng (chứng minh là sai) hơn là xác nhận các giả thuyết.

– Cảm ứng: Sự nảy sinh gián tiếp một trải nghiệm giác cảm (cảm giác) mà không có kích thích trực tiếp của những cơ quan thụ cảm, bởi sự kích thích của những diễn trình giác cảm phụ hoặc có liên quan.

– Cảm ứng: tên được đặt bởi nhà sinh lí học người Nga Ivan Petrovich Pavlov (1849-1936) cho positive induction (cảm ứng tích cực), trong đó đáp ứng với một kích thích kích động có điều kiện được gia tăng nếu nó được tiếp ngay sau một kích thích ức chế; và negative induction (cảm ứng tiêu cực) trong đó đáp ứng với một kích thích ức chế có điều kiện được gia tăng nếu nó được tiếp ngay sau một kích thích kích động.

782. Industrial/organizational psychology: Tâm lý học kĩ nghệ/tổ chức

Một lĩnh vực Tâm lý học ứng dụng trong đó các kết quả của nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng vào phúc lợi và hiệu năng của người lao động được áp dụng vào những vấn đề nổi lên trong kĩ nghệ và các tổ chức phi-kĩ nghệ khác. Công trình trong lĩnh vực này tập trung vào sự hướng nghiệp, các vấn đề động cơ làm việc và thoả mãn về công việc, tình trạng absenteeism (cố ý vắng mặt, lãn công) trong các tổ chức, việc cải thiện giao tiếp trong các tổ chức, thiết kế và thực hiện trong các khoá huấn luyện, dạy các kĩ năng xã hội và quan hệ người với người, cải thiện các cấu trúc vận động, đánh giá hiệu năng công việc, và các vấn đề về an toàn và phúc lợi. Các ngành chính bao gồm Personnel Psych. (Tâm lý học nhân sự), Ergonomics (công thái học) hay Tâm lý học về các nhân tố con người, và Tâm lý học tổ chức. Nó tương ứng đại khái với Occupational Psych. (Tâm lý học nghề nghiệp), thuật ngữ thường được ưa dùng ở Anh và châu Âu, dưới cái ô lớn của Work Psych. (Tâm lý học lao động).

783. Infantile amnesia: (sự) Mất trí nhớ về tuổi thơ

Tình trạng người trưởng thành không thể nhớ những kí ức đúng thật về những sự kiện xảy ra trước tuổi lên ba. Cũng gọi là Childhood amnesia. Đứng trước chứng cứ tràn ngập của hiện tượng này, ngay cả nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) cũng buộc phải chấp nhận nó trong cuốn sách Tree Essays of the Theory of Sexuality (Ba tiểu luận về Lí thuyết Tính dục) năm 1905.

784. Inferiority complex: Phức cảm tự ti

(trong Tâm lý học cá nhân của nhà tâm thần học người Áo Alfred Adler (1870-1937) và các môn đồ) Phức cảm của những ý nghĩ có tính cảm xúc nổi lên từ nỗi sợ và oán trách bị dồn nén liên kết với tâm trạng tự ti có thật hay tưởng tượng, kết quả là sự bù trừ dưới hình thức gây gổ hay co mình lại. Adler đưa ra khái niệm vào năm 1907 trong cuốn sách Study of Organ Inferiority and its Psychical Compensation (Nghiên cứu về sự tự ti về cơ thể và sự bù trừ về mặt tâm thần).

785. Infinite regress: (sự) Truy hồi bất tận

Một lập luận chủ ở chỗ hay hàm ý một chuỗi bước đi bất tận. Chẳng hạn: việc nội quan không thể là một nguồn có hiệu lực và hoàn toàn cho sự tự biết mình, vì nó đòi hỏi khả năng thực hiện một hành động tâm trí (như nhớ lại sinh nhật gần nhất của mình) trong khi cùng lúc quan sát bản thân làm việc ấy; nhưng như vậy thì hành động nội quan là một phần của diễn trình tâm trí, và để có một sự hiểu hoàn toàn, cần phải quan sát hành động quan sát, và cứ thế, điều đó rõ ràng là không thể được trong trường hợp này. Đây là một ví dụ của sự truy hồi bất tận luẩn quẩn: một sự truy hồi bất tận chỉ là luẩn quẩn khi nó dẫn đến một kết luận phi lí, và trong những trường hợp khác nó thường là không có vấn đề.

786. Inflation of consciousness: (sự) Lạm phát ý thức

(trong Tâm lý học phân tích) Sự mở rộng ý thức của một người ra khỏi các giới hạn thông thường, xuất hiện thông qua sự tự đồng nhất với một điển mẫu, nhân vật hư cấu, hay, trong một số chứng loạn tâm, tự đồng nhất với một người nổi tiếng, kết quả là một ý thức quá lố về tầm quan trọng của bản thân thường được bù trừ bằng những cảm thức tự ti. Carl Gustav Jung (1875-1961) mô tả tâm thức này xuất hiện như thế nào khi nội dung của điển mẫu khống chế tâm lí bằng một kiểu lực sơ khai và buộc nó vượt quá những biên giới của nhân tính. Hậu quả là một thái độ khoa trương, mất ý chí tự do, hoang tưởng và nhiệt huyết cho cả cái tốt cũng như cái xấu.

787. Ingratiation: (sự) Lấy lòng

Một hình thức tự trình bày có tính toán nhằm gia tăng sự hấp dẫn trong con mắt người khác. Nó được khảo sát lần đầu tiên vào đầu thập kỉ 1990 bởi nhà Tâm lý học Mĩ Edward Ellsworth Jones (1926-93), ông quan sát ba hạng sách lược quan trọng nhất thường được sử dụng để chiếm được sự ưu ái của một ai đó: other-enhancement (khen tụng người khác); opinion conformity (thuận theo ý kiến); biased self-presentation (tự trình bày một cách thiên kiến). Thêm vào đó, nếu hoàn cảnh cho phép, một người lấy lòng thường đáp lại sự ưu ái cho người là mục tiêu lấy lòng. Nghiên cứu đã bộc lộ rằng những sách lược lấy lòng này thường thành công trong việc gợi sự yêu thích, và khi thành công, người lấy lòng thường tin rằng mình đã không sử dụng sách lược.

788. Inhibited orgasm: (sự) Cực khoái bị ức chế

Tên khác của female orgasmic disorder (rối loạn cực khoái nữ) và male orgasmic disorder (rối loạn cực khoái nam).

789. Inhibition: (sự) Ức chế

– Hành động hay diễn trình kìm hãm hay phòng ngừa điều gì đó, hay tình trạng bị kìm hãm hay phòng ngừa.

– Sự ngưng hay kiểm soát một diễn trình tâm lí, như khi hành động của một neuron, nội tạng hay hạch bị gián đoạn do hành động của một xung động thần kinh hay một hormone.

– Sự yếu đi của một đáp ứng có điều kiện do sự dập tắt hay do một đáp ứng vô điều kiện bởi thói quen, hay do xảy ra một kích thích làm lãng trí.

– Một trạng thái hoặc điều kiện tâm lí có đặc trưng là thiếu tự tin và dè dặt trong hành vi biểu hiện.

– (trong phân tâm học) Sự kìm hãm vô thức một sự thúc đẩy hay xung lực.

790. Inhibition of inhibition: (sự) Ức chế ức chế

Tên khác của disinhibition (giải ức chế).

Comments are closed.