Nhà thơ Nguyễn Duy với những “cuộc chơi” văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Duy trò chuyện với nhà báo Nguyễn Linh Giang

Không có mô tả.

Nhà thơ Nguyễn Duy

Cuối năm, gặp nhà thơ Nguyễn Duy không dễ. Anh bận công việc túi bụi: nào lo bài vở cho báo xuân trên tờ Văn Nghệ mà anh là trưởng văn phòng phía Nam, nào là lo phát hành lịch thơ. Mấy năm trở lại đây, nhà thơ Nguyễn Duy, sau cuộc “triển lãm… thơ” rất lạ và ấn tượng, lại “nhảy” sang làm lịch thơ. Lịch thơ xuân của anh ra đều đều hàng năm, một thứ lịch sang trọng, bên cạnh hình ảnh đẹp, độc đáo, còn có những vần thơ đề từ lao xao, được viết tay bằng nét chữ bay bướm của anh. Hẹn hò mãi, cuối cùng tôi cũng “chộp” được nhà thơ ở văn phòng phía Nam báo Văn Nghệ.

“TA VỀ CHƠI CUỘC THIÊN NHIÊN…”

Các năm qua, Nguyễn Duy đều đặn có lịch thơ; năm 1999: thơ trên rổ rá, thúng mủng, giần sàng; năm 2000: bộ lá; năm 2001: bộ rối; năm 2002: bộ Huế xưa, in trên giấy dó; năm 2003: bộ tố nữ (thời trang chị em đầu thế kỷ 20). Vậy năm Giáp Thân, lịch thơ Nguyễn Duy có gì mới? Vì sao lại có lịch thơ và cuộc chơi này của nhà thơ Nguyễn Duy sẽ kéo dài bao lâu?

+Nhà báo Nguyễn Linh Giang: Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, ý tưởng làm lịch thơ có từ đâu?

-Nhà thơ Nguyễn Duy: Tôi là người đầu tiên làm lịch thơ. Bây giờ nói chắc chẳng ai tin: làm lịch thơ không phải do Nguyễn Duy sáng tạo nghệ thuật gì. Do nợ.

Bao năm Nguyễn Duy làm thơ, chỉ biết thơ và rượu. Ngẫm lại để gia đình vợ con nhếch nhác quá. Năm 1997 liền mở quán. Quán mở hơn một năm, cũng tích lũy được chút tiền. Thế rồi, khám bệnh, phát hiện bị bệnh tiểu đường, phải kiêng rượu bia. Mà mở quán, anh em đến, chẳng lẽ lại không ngồi vui. Thôi thì đóng cửa quán. Năm 1998 tiến hành cải tạo, xây dựng nhà mới. Có một ít tiền tích lũy được khi mở quán, rồi anh em cho vay một ít, còn lại vay ngân hàng để làm nhà. Làm nhà xong, nợ ngập đầu. Lúc bí quá thì nghĩ ra cách làm lịch thơ.

Năm 1997 tôi đã làm cuộc triển lãm thơ với rổ rá, thúng mủng, giần sàng… Lôi chiếc máy ảnh cũ (của Dương Minh Long tặng), đem chụp rồi đề thơ lên. Lịch thơ đầu tiên, năm 1999, ra đời như thế.

+Thưa anh, vậy có thơ rồi đề lên lịch hay là có ảnh lịch rồi mới đề thơ?

-Thơ có sẵn, tôi chụp ảnh phù hợp với thơ rồi chép tay lên. Vấn đề là tổ chức lại những cái có sẵn thành nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt giữa chữ và hình ảnh. Cũng xin được nói, vài năm nay có người bắt chước Nguyễn Duy làm lịch thơ nhưng làm ra bị… ế dài. Quan trọng nhất trong lịch thơ là phải kết hợp được cái truyền thống và hiện đại. Nếu không thì trở thành “tân cổ giao duyên”.

+Lịch thơ Nguyễn Duy đã có các bộ rổ rá, thúng mủng; bộ lá; bộ rối; bộ Huế xưa; bộ tố nữ. Vậy năm nay là bộ gì?

-Năm nay là bộ Cỏ dại với những chuồn chuồn, châu chấu… “Ta về chơi cuộc thiên nhiên/ Quờ tay ngọ nguậy thảo nguyên tít mù”, “Bao nhiêu là bóng siêu nhân/ Khuất trong bóng cỏ giữa trần gian thôi”.

Ngoài bộ Cỏ dại với thơ Nguyễn Duy, năm nay tôi còn thử nghiệm bộ lịch thơ Hồ Xuân Hương, in tam ngữ (tử ngữ Nôm, Việt ngữ, Anh ngữ). Phần dịch thơ ra tiếng Anh do tác giả John Balaban dịch (theo bản của Nhà xuất bản Copper Canyon Press – Mỹ, năm 2000). Bản chữ Nôm cũng dùng theo bản in của nhà xuất bản này. Bản Nôm do nhóm chuyên gia ngôn ngữ người Việt tại Mỹ mã hóa đưa vào hệ chữ quốc tế. Thơ Hồ Xuân Hương có minh họa của Bùi Xuân Phái rất đẹp, nhưng tiếc là minh họa khỏa thân nên không in lên lịch được, đành thay bằng chim và bướm. Bộ lịch thơ Hồ Xuân Hương là một thể nghiệm mới của tôi.

+Nói vậy, chắc anh còn tiếp tục “cuộc chơi” này dài dài?

-Đến nay, lịch thơ Nguyễn Duy đã làm được 6 bộ. Tôi dự định làm tiếp, cố gắng có 12 bộ, đủ một con giáp. Bây giờ đã chuẩn bị hình ảnh, ý tứ cho sang năm. Còn bộ lịch thơ các nhà thơ cổ điển, sau Hồ Xuân Hương, trong dự định của tôi sẽ làm các bộ: thơ thiền Lý-Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Ví như, với Nguyễn Du, làm bộ phong cảnh trong Truyện Kiều thì còn gì bằng: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”…

Tôi làm lịch thơ, có kinh doanh nhưng lấy chơi làm chính. Đây là một cuộc chơi mà có thu. Lịch thơ là một nghệ thuật hoàn toàn mới, do Nguyễn Duy khởi xướng. Lịch thơ còn là một hình thức đưa thơ tới với công chúng, một cuộc chơi đẹp. Về mặt gia đình thì lịch thơ đã tạo ra công việc, một nghề phụ của gia đình, cả nhà cùng làm (từ thiết kế, tạo mẫu, đến tổ chức in ấn, phát hành).

+Vậy, lịch thơ có “ngôn ngữ” riêng?

-Làm lịch thơ phải có sự hòa nhập giữa tâm linh và kỹ thuật. Lịch thơ không phải là hàng hóa thuần túy mà còn là tác phẩm nghệ thuật. Lịch thơ có tính chất triết luận ở trong đó.

RONG RUỔI ĐI DU KHẢO VĂN HÓA XUYÊN VIỆT

+Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, mục đích của chuyến đi bằng ô tô, đi xuyên Việt gần một tháng lần này là gì?

-Chuyến đi này, chúng tôi nhằm mục đích tiếp xúc, khảo sát, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, lễ hội ở khắp ba miền đất nước. Lượt đi, chúng tôi đi theo đường Quốc lộ 1A, trực chỉ Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn): “Con đường xuyên Việt thênh thang/ Sài Gòn- Hà Nội… lại càng Lạng Sơn” (bắt chước “Bút Tre tổ sư”). Lượt về, chúng tôi đi theo đường Trường Sơn công nghiệp hóa.

+Ấn tượng của anh, qua chuyến đi này thế nào?

-Thật tuyệt vời. Tôi đã nhiều lần đi từ Bắc vào Nam, cả đường bộ và đường không. Thế nhưng, làm tài xế lái ô tô xuyên Việt thì là lần đầu. Không thể tả được cái thú là muốn dừng lại ở đâu, muốn ghé chỗ nào tùy thích. Ấn tượng ư? Quá nhiều. Ví như, trước khi vượt đèo Cả, dừng chân bên bến cá vùng Đại Lãnh, từ chân đèo lởm chởm đá, nhìn sang vòng cung cát trắng xóa phía bên kia, bãi tắm đẹp không chê vào đâu được; rồi thắp hương tưởng nhớ trước bàn thờ đại thi hào Nguyễn Du; cuộc khám phá mini tìm về gốc rượu Làng Vân (Bắc Giang)…

+Hành trình xuyên Việt dài ngày, chắc anh còn khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, lý thú?

-Đối với tôi, đây là chuyến du khảo đầy ý nghĩa. Văn hóa, ẩm thực của đất nước mình thật phong phú, kỳ lạ. Ở Bình Định, có một quán nem rất nổi tiếng: nem Chợ Huyện; ở đây người làm nem còn sử dụng những bộ chày-cối xưa, cũ kỹ, lưu giữ từ lâu đời. Về nghêu, sò, ốc, hến tưởng như mình đã từng biết đủ cả, thế mà đến đầm Cù Mông có sò đá đầm Cù Mông ngon tuyệt mà mình chưa từng biết. Hay món cháo “vạc giường” ở Hải Lăng (Quảng Trị) – một nồi bánh canh có những cọng bánh mỏng mảnh, nấu với cá lóc, có tiêu, ném, ớt, vị thơm cay đến tê lưỡi… Tôi nghĩ, ẩm thực của dân tộc mình xứng đáng được đề xuất công nhận di sản văn hóa, nhưng không biết là xếp vào loại nào: vật thể hay phi vật thể, bởi vì cái ăn không chỉ thể hiện qua vật chất cụ thể mà còn thể hiện cái phong cách, “cái nết” của con người. Nếu không bảo tồn văn hóa ẩm thực thì với tác động của thời cuộc, văn hóa ẩm thực sẽ bị mai một dần bản sắc. Một điều rõ nhất, khi về Huế thì không còn tìm đâu ra một tô bún bò “gốc”…

+Chuyến du khảo của anh thật nhiều ý nghĩa. Nhưng chẳng lẽ, nhà thơ Nguyễn Duy chỉ trải nghiệm qua chuyến đi rồi bàn luận trong các cuộc “trà dư tửu hậu”?

-Không. Mục tiêu của chuyến đi là khi trở về sẽ ra cuốn sách biên khảo về văn hóa, ẩm thực ba miền. Cái đó, chúng tôi đang xúc tiến hoàn thành. Sắp tới, dự kiến sẽ có các chuyến khảo sát văn hóa hấp dẫn khác, ví như cuộc hội thảo về Nhà Nguyễn, dự trù sẽ được tổ chức tại Thanh Hóa.

Nhìn nhà thơ Nguyễn Duy, năm nay đã 60 tuổi, chân đi khập khiễng vì tai nạn giao thông, ai biết rằng Nguyễn Duy đã lái xe ô tô một vòng xuyên Việt. Nguyễn Duy với những “cuộc chơi”: triển lãm thơ trên thúng, mủng, dần, sàng; làm lịch thơ; làm du khảo về văn hóa, ẩm thực… Quả là những cuộc chơi mang thương hiệu Nguyễn Duy.*

clip_image001

Nhà báo Nguyễn Linh Giang và nhà thơ Nguyễn Duy.

*Bài đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 484, ngày 20/01/2004. Có bổ sung thêm vào năm 2006.

Comments are closed.