Bình cũ, rượu nhạt

Phùng Thị Hạ Nguyên

image

Mấy ngày nay, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đang tạo nên một không khí văn hóa thật sôi nổi trên mọi diễn đàn. Chưa bao giờ một bộ phim Việt lại được bàn luận nhiệt tình như thế, ngay từ những suất chiếu sớm, trước khi phim ra rạp chính thức. Không khí rộn ràng ấy khiến tôi có phần e ngại, vì sau khi rời rạp, cảm giác hụt hẫng khiến tôi không thực sự hứng thú với việc viết gì đó về bộ phim này. Lại thêm việc anh hùng võ lâm tụ hội, bao nhiêu tinh hoa phê bình đã tràn lan hết từ báo chí đến facebook, khiến nói thêm dễ thành nói thừa. Nhưng rồi tôi cũng viết, bởi từ trước đến nay, tôi viết trước hết là để cho mình…

1. Những thay đổi hợp thời của một bộ phim “hồi cố”

Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn là những chất liệu tuyệt vời để làm một bộ phim “hồi cố” – gợi bao nhớ thương của biết bao thế hệ khán giả. Nhưng với dung lượng của tiểu thuyết và phim truyền hình, hai tác phẩm trên đều ngồn ngộn nhân vật, tình tiết, xử lý như thế nào để chuyển thể thành phim điện ảnh thật sự là một bài toán khó. Vậy nên việc đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và biên kịch Trần Khánh Hoàng có nhiều thay đổi mạnh mẽ ở cốt truyện để tạo nên một kịch bản kịch tính, hấp dẫn là những sáng tạo hợp lí.

Thị hiếu của lứa khán giả gen Z hiện nay đã đổi khác nhiều so với thế hệ 7X, 8X, 9X bưng chén cơm mắt không rời tivi ngày trước. Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật phải thức thời mạnh mẽ nhất trong các loại hình nghệ thuật, nhất là trong thời buổi hậu đại dịch, các rạp phim phải cạnh tranh gắt gao với các ứng dụng xem phim trực tuyến, việc theo sát thị hiếu đại chúng gần như là tôn chỉ hàng đầu của các nhà làm phim thương mại. Vậy nên kịch bản của Đất rừng phương Nam đã lựa chọn “hy sinh” mạch truyện khám phá đất và rừng U Minh, hành trình khai hoang mở đất của người nông dân Nam bộ trong tiểu thuyết gốc để tập trung vào mạch truyện chạy giặc, đánh Tây vốn dễ mở nút, thắt nút cho những cao trào, kịch tính.

Với lựa chọn đó, An thay vì rong ruổi cùng Cò và tía nuôi đi “ăn ong”, bắt rắn, săn cá sấu trong rừng U Minh; khai hoang khẩn ấp làm ruộng cùng một miệt với gia đình chị Út Trong, chú Võ Tòng; thì trong bộ phim này, An được “dẫn dắt” bởi Út Lục Lâm – một tay giang hồ trộm vặt rồi “sang tay” ông Tiều – một người Hoa hành nghề sơn đông mãi võ, bán thuốc dạo nhưng thực chất là thành viên có máu mặt của Thiên Địa hội – Nghĩa Hòa đoàn. Hai nhân vật Út Lục Lâm và người đàn ông sơn đông mãi võ vốn là sáng tạo của bản phim truyền hình Đất phương Nam 1997, nhưng trong bản phim ấy, họ cũng chỉ là những nhân vật phụ có vai trò làm đầy đặn thêm những trải nghiệm của An về tình người Nam bộ và sự đa dạng bản sắc của vùng đất bao dung Nam kì lục tỉnh. Nhưng Nguyễn Quang Dũng và Trần Khánh Hoàng đã thấy ở hai nhân vật này những yếu tố có thể biến kịch bản của Đất rừng phương Nam thành một bữa tiệc giải trí đa màu sắc: tay thảo khấu Út Lục Lâm với những mảng miếng hài hước giang hồ từ từ đưa cậu bé công tử bột Sài thành nhập cuộc bụi đời; ông Tiều trượng nghĩa, giỏi võ nghệ mang đến những pha hành động mãn nhãn kháng Pháp phục Nam.

Với những quyết định mạnh bạo như vậy, Đất rừng phương Nam đã nhanh chóng trở thành một bộ phim hài hành động thức thời. Khán giả già, trẻ đến rạp thường không mong đợi gì hơn vừa được cười thỏa thuê, vừa thót tim, giật mình trước cảnh rượt đuổi bắn giết.

Thế mạnh casting của Nguyễn Quang Dũng lại được phát huy khi vừa quy tụ được những khuôn mặt quen thuộc trên màn bạc từ Trung Dân, Công Ninh, Hồng Ánh, Kiều Trinh, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật; vừa lăng xê được lớp diễn viên trẻ diễn xuất rất thuyết phục Huỳnh Hạo Khang, Bùi Lý Bảo Ngọc, Băng Di, Tuấn Trần… Và tất nhiên, với một đạo diễn chắc tay như Nguyễn Quang Dũng, tính thẩm mĩ của hình ảnh cũng là điều khỏi bàn cãi. Bối cảnh được thiết kế khá công phu, những thước phim được trau chuốt lung linh như MV ca nhạc trong trẻo, tươi sáng cũng làm nao lòng nhiều khán giả trẻ.

Đó là những thế mạnh rất đáng ngợi khen cho một ekip thông minh và tâm huyết. Tuy nhiên…

2. Hồn cốt phương Nam ở đâu trong "Đất rừng phương Nam"?

Trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, đề tài thiên nhiên Nam bộ và đề tài yêu nước kháng Pháp song hành cùng nhau, nương tựa lẫn nhau. An từ một cậu bé thành phố “mọt sách”, lơ mơ về đời sống; sau những chuyến đi rừng cùng tía nuôi và Cò mà được bước ra khỏi trang sách, khám phá mảnh đất phương Nam đẹp mỡ màng, trù phú. Từ tình yêu thiên nhiên và con người Nam bộ, An từ từ nhận thức được những tội ác tàn bạo của giặc Pháp với đất và người nơi đây, cậu bé tự nguyện xin được vào du kích đánh Tây, bảo vệ quê hương. Nghĩa là chính vẻ đẹp hùng vĩ, trữ tình bạt ngàn của vùng đất phù sa đã bồi đắp nên niềm tự hào và tình yêu nước nơi cậu bé An.

Hãy cùng nhau đọc lại những trang văn tràn ngập vẻ đẹp sinh thái đi trước thời đại của nhà văn Đoàn Giỏi:

“Chúng tôi giở những nắm cơm vắt ra. Ăn xong, bấy giờ bóng nắng mới bắt đầu lên. Gió cũng bắt đầu thổi rao rao theo với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi nhè nhẹ tỏa lên phủ mờ những bụi cây cúc áo, rồi nhè nhẹ tan dần theo hơi ấm mặt trời. Phút yên tĩnh của rừng ban mai dần dần biến đi.

Chim hót líu lo. Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng. Mấy con kỳ nhông nằm vươn mình phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh… Con Luốc động đậy cánh mũi, rón rén mò tới. Nghe động tiếng chân con chó săn nguy hiểm, những con vật thuộc loại bò sát bốn chấn, to hơn ngón chân cái kia, liền quật chiếc đuôi dài chạy tứ tán. Con núp chỗ gốc cây thì biến thành màu xám vỏ cây. Con đeo trên tấm lá ngái thì biến ra màu xanh lá ngái.”

Nhưng trong bộ phim điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng, chính vì triệt để khai thác chất hài hành động trong hành trình của An, phim đã vô tình “đoạn tuyệt” với cội nguồn “đất rừng phương Nam” của mình. Dù ngồn ngộn những hình ảnh đẹp của rừng tràm Trà Sư, ao Bà Om; từ Sóc Trăng đến Đồng Tháp, An Giang nhưng cái đẹp của bối cảnh là cái đẹp “làm nền” của những thước phim quảng bá du lịch; thiên nhiên không hề được khai thác như một nhân vật, một linh hồn dữ dội mà bao dung với con người tứ xứ đổ về mưu sinh. Cảnh cánh cò bay lả bay la bằng công nghệ CGI thiệt trân; cảnh đom đóm tạo hình cả nhà thương nhau trong đêm trăng rằm như chiến dịch quảng cáo đèn đom đóm của Cô gái Hà Lan cuối thế kỉ trước. Những cảnh cưỡi trâu, bắt cá thòi lòi, bắt rắn, săn cá sấu trong phim chỉ được thêm vào để ekip chứng tỏ sự tâm huyết của mình chứ không hề có chút vai trò tự sự nào trong bộ phim đẹp đẽ mà vô hồn.

Trong bộ phim truyền hình Đất phương Nam năm 1997, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã khiêm nhường bỏ đi từ “rừng” trong tên phim vì điều kiện kinh phí không cho phép đoàn phim tái hiện được hết cái hùng vĩ bạt ngàn của rừng U Minh. Vì vậy, vị đạo diễn gạo cội này đã lựa chọn bù đắp những khiếm khuyết về bối cảnh bằng cách tập trung khắc họa tính cách con người Nam bộ chất phác, thẳng ngay, trượng nghĩa, chí tình. Nhiều nhân vật, tình tiết được thêm thắt để vừa tạo nên kịch tính cho phim; vừa tạo ấn tượng mạnh về lối sống nhân nghĩa, hào sảng của người phương Nam. An đi đến đâu cũng được cưu mang, đùm túm bởi ai cũng thương thằng nhỏ côi cút như con chim non lạc mẹ. Dần dần, An nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ bởi sống trong ăm ắp tình thương như cá tôm miệt này.

Bản phim điện ảnh Đất rừng phương Nam giữ nguyên nhan đề gốc của tiểu thuyết, có lẽ họ tự tin ở khả năng khai thác bối cảnh của mình (dù rừng U Minh hoang sơ, hung hiểm chẳng thấy đâu; chỉ thấy một thứ “rừng” hiền lành “hoa chăm cỏ xén lối phẳng cây trồng” của khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư). Phim điện ảnh cũng giữ lại gần như đầy đủ hệ thống các nhân vật của bản truyền hình, thậm chí còn thêm vào lực lượng hùng hậu của các bang hội Hoa kiều; nhưng cái hồn vía, cái tình người phương Nam chơn chớt nghĩa nhơn lại chẳng thấy đâu. Mạch phim nhanh và ôm đồm khiến khán giả chưa kịp thấm thía cảm động thì đã phải cười ngặt nghẽo vì những miếng hài khá vô nghĩa và giật mình bởi những tiếng súng, cú đấm, đá song phi như Tiểu lý phi đao Tuyệt đại song kiều.

Lời thoại của phim hiện đại và hầu như mất hút phương ngữ Nam bộ, yếu tố quan trọng làm nên tinh thần bộc tuệch ăn sóng nói gió của người dân xứ này (có lẽ nhà sản xuất muốn phim phủ sóng toàn quốc nên lời thoại phải là từ toàn dân như các bài tập làm văn trong nhà trường). Áo bà ba, khăn rằn, vài ba câu cải lương, câu hò, cảnh trên bến dưới thuyền, đá gà độ, cầu tõm… không đủ để tạo dựng được một phông nền văn hóa nếu người làm phim cạn cợt cội nguồn, hồn vía xứ sở.

Chỉ riêng việc chọn Trấn Thành vào vai bác Ba Phi đã là minh chứng rõ nét nhất cho sự cạn cợt vốn liếng văn hóa của ekip. Theo kịch bản của bộ phim này, vai Ba Phi là một nhân vật cực kì quan trọng, vì chính ông là người tạo nên không khí sử thi cho cảnh nhân dân nổi dậy khi đoàn hát của thầy giáo Bảy bị lính Pháp tấn công. Ông đã nói lên những lời phản tỉnh, hiệu triệu đầy sức nặng, thậm chí đủ sức cứu vãn cảm xúc nhạt nhòa của người xem suốt bộ phim. Người diễn viên đủ tầm vóc để tạo nên không khí bi tráng ấy nhất định phải là một ông già Nam bộ lẫm liệt, từng lời nói là lời gan ruột chắt chiu từ căm phẫn đau thương “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ. Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó!”; chứ nhất quyết không phải một diễn viên ngoài ba mươi râu dán chưa chắc và chưa phân biệt được thoại kịch với thoại phim.

Có lẽ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam sẽ không bị xét nét nhiều đến thế nếu không tựa lưng vào nhan đề, cốt truyện của hai tác phẩm lớn một thời vang bóng. Tôi đã phì cười trước bình luận hóm hỉnh của một tài khoản facebook: nên đổi tên phim thành “Rất đừng phương Nam”. Từ trường hợp của bộ phim này, điện ảnh Việt có thêm một bài học đắt giá: đừng phục cổ, hồi cố khi chưa thật sự thấm nhuần hồn cốt của tiền nhân.

Comments are closed.