Diễm và “Những đứa trẻ trong sương”

Ngô Ngọc Loan

 

Từ trong tấm màn sương khói lãng đãng của núi rừng Tây Bắc, câu chuyện của Di và Children of the Mist “Những đứa trẻ trong sương” hiện ra chầm chậm, chân thật, hồn nhiên, ngọt ngào, lo lắng và cả sợ hãi.

Hà Lệ Diễm đã chọn cách bắt đầu kể về Di và ‘Những đứa trẻ trong sương’ với tiếng cười trong vắt như pha lê. Bọn trẻ vô tư cười vang khắp đại ngàn khi chơi trò “kéo vợ” đưa cô dâu về nhà chồng – một phong tục của người H’Mông. Trò chơi kết thúc cũng chính là lúc tuổi thơ biến mất. Cuộc đời thật mở ra. Từng lớp sương mù hư ảo, mây núi hoàn lẫn được Diễm lần lượt kéo lên, trưng ra cho người xem qua những góc quay thông minh, đẹp tinh khôi.

Thời lượng 1 giờ 30 phút là những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất của Di, của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Sapa. Ở đó, từ nếp sinh hoạt, ngôn ngữ, công việc cho đến các mối quan hệ cộng đồng, vẫn còn đậm chất dân tộc miền núi. Đặc biệt là số phận mà những bé gái Mông phải đối mặt: tục kéo vợ.

Đối lập với chất truyền thống đó là những yếu tố cho thấy lối sống hiện đại của “miền xuôi” phần nào đang từng bước len lỏi vào Sapa. Những đứa trẻ mặc đồ dân tộc nhưng mang giày thể thao. Mỗi ngày, Di nhắn tin và nhận tin nhắn với “người yêu” rồi cười khúc khích. Di hồn nhiên thoa chút son, uốn cong làn mi trước khi đến lớp. Mẹ của Di dùng “smartphone” để gọi cho con khi vừa đi cấy lúa về. Chàng trai Thao Vang, người hai lần đến để xin “kéo” Di cầm cây gậy chụp ảnh “selfie” với bạn gái trong ngày hội Tết Nguyên Đán của bản làng.

Nhưng tất cả vẻ bề ngoài hiện đại, có vẻ văn minh đó không đủ để chôn đi những phong tục cổ hủ, nếu không muốn nói là một phung tục đã bị biến tướng trở thành hiện tượng bắt vợ, cướp vợ. Câu chuyện của Di “Những đứa trẻ trong sương” gọi là “kéo vợ”, nhưng cao trào của phim nằm ở những giây cuối cùng thì nó đã trở thành “bắt vợ.”

Mặc cho Di khóc, kêu gào “Con không muốn đi (theo Vang)”; “Tôi sẽ không đi với anh đâu”; “Tôi không muốn đi, không muốn đi”… ba người thanh niên và một người phụ nữ vẫn hợp sức lôi kéo cô. Di dùng hết sức mạnh của cô bé 14 tuổi ghì lại, hai chân bám chặt lấy đất. Họ lại dùng sức mạnh để khiêng bổng Di lên. Những gì diễn ra trước ống kính của Hà Lệ Diễm không còn là tục “kéo vợ” nữa, mà là “bắt vợ.”

Máy quay của Diễm bị chấn động. Lúc này, thật sự Diễm không còn khả năng giữ sự trung lập của người làm phim tài liệu. “Buông Di ra đi (Leave her alone)” – Diễm la lên. Có tiếng một người đáp lại: “Bỏ đi, Diễm.”

“Tôi không thích anh ta, như vậy có đủ không?”. Mặc cho Di nói thế, ba người đàn ông, trong đó có Thao Vang, vẫn mặc nhiên khiêng cô bé đi. Cơ thể Di oằn trên nền đất cát.

Di gào lên kêu cứu: “Chị Diễm cứu em.”

Một người phụ nữ an ủi Di: “Đừng sợ. Cuộc sống mới của con sẽ bắt đầu.”

Di đạp. Di đá tung hai chân chống trả. Đôi vớ cô bé rách tả tơi.

Đến lúc này, mẹ của Di mới lầm lũi bước đến. Bà chấp nhận “nhận” lại con.

Những người có mặt trong buổi sáng “kéo vợ” đồng ý để Di và Thao Vang uống ly rượu làm thủ tục chia tay.

Cảnh quay cuối cùng của “Những đứa trẻ trong sương” là hình ảnh Di ngồi thẫn thờ, nhỏ bé giữa mây núi bạt ngàn xung quanh. Cái buồn hiện rõ trên gương mặt của cô bé 14 tuổi suýt chút nữa phải thành cô dâu không mong muốn. Nhưng cái buồn ấy không đọng lại lâu. Rất nhanh Di có lại nụ cười hồn nhiên, vươn vai đứng lên và nói “ước gì mình nhỏ lại” rồi, Di nói với Diễm, “Đi về.”

“Những đứa trẻ trong sương” không mang chất liệu khô cứng hoặc mạch phim rỉ rả vốn là bản chất của phim tài liệu. Ngược lại, Hà Lệ Diễm đã chuyển tải đầy đủ cái đẹp nên thơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, cộng với những chuyển động đời thường phát ra những âm thanh nguyên bản. Những chi tiết rất “đời” được cô chọn lọc kỹ bằng góc máy thông minh, tạo ra nhiều khung hình rất điện ảnh.

Trong phim, người xem vẫn thỉnh thoảng nghe lời thoại giữa nhân vật và Diễm. Lời thoại ngắn, đúng hoàn cảnh, đủ để nhân vật bộc tả cảm xúc. Ví dụ như:

– “Di có chịu lấy (chồng) không?”

– “Không. Di bảo thằng nào kéo Di thằng đó là dở hơi.”

Hoặc khi mẹ của Di tâm sự:

– Di đi thì chị không có ai ở nhà, không ai trông lợn trông gà… Chị lại khóc đấy. Chắc là chị chưa cho đi đâu. Cho Di ‘rèm rèm’ tí.

– Mấy tuổi?

– 18 tuổi.

Có lẽ là người tốt nghiệp ngành báo chí nên Diễm đã không khó để tuân thủ đúng quy tắc trung lập của người cầm bút, cầm máy.

Diễm đủ tinh tế để giữ lại hoặc cắt bỏ những phân đoạn cô cảm thấy không đủ mạnh để diễn tả tâm lý nhân vật. Chẳng hạn, một cảnh quay Thao Vang “dí” Di vào tận phòng, đùa giỡn. Di quay sang lấy tay che ống kính máy quay. Diễm đã chủ ý giữ nguyên khoảnh khắc ấy trong phần hậu kỳ. Với cô, đó là khoảnh khắc “vàng” để lột tả tâm tư nhân vật.

Vào một buổi tối của những ngày đầu năm mới, khi bố mẹ Di trở về nhà, Di đã biến mất. Di đi chơi qua đêm với Thao Vang. Mẹ của Di khóc. Bà gọi điện thoại cho Di, dặn dò con gái cách tự bảo vệ mình. Sự việc diễn ra, Diễm đủ dũng cảm để “đứng ngoài” mặc dù lúc đó, cô cũng thương và giận Di vô cùng. Để rồi sáng hôm nay, trả lời câu hỏi của Di “Chị Diễm ghét em lắm phải không?”, Diễm xác nhận “Ừ! Vì nông cạn một chút mà Di đã làm mọi chuyện xấu đi.”

Những tiết chế khéo léo như thế đã làm cho câu chuyện “Những đứa trẻ trong sương” diễn ra rất thật và rất đời. Những âm thanh trung thực, nguyên bản của thiên nhiên, chuyển động của nhân vật làm cho người xem được tham gia vào cùng các hành động trong phim.

Di và những nhân vật trong phim là thật. Diễn xuất thật. Âm thanh thật. Cười thật. Khóc thật. Cãi nhau thật… Tất cả hoàn toàn là thật trước ống kính máy quay Diễm mượn của một người bạn. Máy quay đó theo cô suốt ba năm Diễm hoà vào cuộc sống trong gia đình Di và buôn làng Tây Bắc. Rồi hai năm chăm chút cho hậu kỳ phim. Cuối cùng, “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm ra đời sau năm năm thực hiện.

Năm đó, Di, nhân vật chính, 12 tuổi. Năm năm sau, khi phim ra mắt, Di đã là mẹ, đến tham dự với một đứa trẻ điệu trên lưng.

“Năm năm cho một phim tài liệu không phải là dài. Em biết có những phim đến tận mười mấy năm,” từ Paris, Diễm nói về cuốn phim lọt vào danh sách đề cử 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023 của mình.

Năm năm không phải là dài cho một dự án phim tài liệu, nhưng với một đạo diễn trẻ mới chưa có nhiều kinh nghiệm như Diễm thì nó thật sự lấy đi của cô rất nhiều năng lượng. Hai năm cho phần hậu kỳ là hai năm Diễm tự tìm cách “nuôi lớn” đứa con tinh thần của mình.

“Em hy vọng sẽ có thêm nhiều sự giúp đỡ để các bạn làm phim trẻ hơn em có nhiều điều kiện hơn, được học tập hoặc được hỗ trợ phần sản xuất phim và phát hành khi có dự án. Như phim này của em có chi phí phát hành rất cao. Vì em có công việc làm, rồi được thầy cô hỗ trợ, bạn bè cho mượn quáy may nên em đã thực hiện được trong 5 năm,” Diễm bày tỏ về ước mơ của cô đối với việc phim tài liệu trong nước.

Cuộc trò chuyện giữa Hà Lệ Diễm và tôi diễn ra khi cô đang ở Paris. Diễm đi cùng VARAN VIETNAM ADVENTURE để giới thiệu các phim tài liệu của điện ảnh Việt đến khán giả Paris. Cùng với “Những đứa trẻ trong sương” là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” và “Đi tìm Phong – Finding Phong Documentary film.”

Trước đó, phim giành nhiều giải thưởng quan trọng như Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại Liên hoan phim Balimakarya; Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Amsterdam; Phim quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế TEL AVIV (Israel)… và đặc biệt là nằm trong danh sách 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023.

Giữa lúc “Những đứa trẻ trong sương” được chào đón ở các giải liên hoan phim uy tín của thế giới thì rất ít nhà rạp trong nước nhận công chiếu. Giữa cỗ máy chiến lược truyền thông nặng ký của các phim tư nhân như “Nhà Bà Nữ”, “Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy”… thì “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm như hạt sương nhỏ bé giữa núi rừng Tây Bắc. Giữa hàng vạn lời tung hô của giới nghệ sĩ dành cho các phim Việt chiếu rạp thì chỉ nữ nghệ sĩ Tăng Thanh Hà và Hoa Hậu H’Hen Niê hết lòng kêu gọi ủng hộ. Riêng H’Hen Niê bật khóc, khi không thể "bao rạp" do phim không đủ suất chiếu (theo báo Zingnews.vn).

Images Copy right: Ha Le Diem

#childrenofthemist #filmmaking #documentary

For those who want to watch "Children of The Mist":

https://www.filmmovement.com/children-of-the-mist…

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

clip_image014

Comments are closed.