Để trái tim thương cảm của Nguyễn Đình Chiểu thấm sâu vào đời sống hiện tại

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Tham luận hội thảo khoa học “Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu – Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới" do Khoa Văn học và khoa Lịch sử (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM) phối hợp cùng khoa Ngữ văn (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tổ chức ngày 11/11/2022 tại TP. HCM.

Tóm tắt: Chủ nghĩa cảm thương trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là sản phẩm đặc biệt của một trái tim lớn trong thời “khổ nhục và vĩ đại”, trở thành giá trị quý báu nhất trong Di sản tinh thần của ông, đã được tìm hiểu, khai thác và đưa vào cuộc sống lâu nay ra sao? Cơ sở nào để xây dựng tác phẩm Điện ảnh về cuộc đời Đồ Chiểu và xây dựng Không gian văn hóa xứng đáng tầm quốc gia mang tên Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre?

Từ khóa: Nguyễn Đình Chiểu, lòng thương cảm, yêu nước, thương dân, tình yêu lớn.

I. Trong số những nhà thơ lớn Việt Nam các thời Cổ – Trung – Cận đại, tình cảm đặc biệt nhất của tôi với tư cách một người làm phim truyện, là dành cho Thi sĩ – Nhà giáo – Thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu. Bởi theo tôi, giá trị lớn nhất, sức hấp dẫn kỳ lạ nhất trong văn chương Nguyễn Đình Chiểu, chính là trái tim thương cảm của ông đối với Dân, đối với những nghĩa sĩ đã xả thân cho Tổ quốc, và đặc biệt với phụ nữ, trẻ em – những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội, nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, loạn lạc…

Cái tình cảm đặc biệt đó bắt đầu từ một giờ giảng văn Phổ thông Trung học, trong một lớp học giữa ngày đông sương muối Tây Bắc: khi giảng bài thơ Chạy Tây của Nguyễn Đình Chiểu, tới hai câu thực: Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dát bay, tôi đã hỏi các em: “Hai câu thơ này miêu tả âm thanh hay hình ảnh? Có điều gì đặc biệt ở đây?”. Sau một lúc khá lâu lặng đi bởi bất ngờ, xúc động, mấy cô cậu giơ tay hăng hái phát biểu; rồi tôi đã tổng kết lại trong trạng thái cảm xúc căng thẳng của thầy lẫn trò: đó là những hình ảnh của âm thanh, của tấm lòng và trí tưởng tượng của nhà thơ. Nhưng đó cũng là những hình ảnh cụ thể, có thực trong cuộc sống. Điều đặc biệt là: những hình ảnh chân thực và đau xót này lại do một nhà thơ mù miêu tả. Những âm thanh buồn thảm đã vang vọng trong tâm hồn ông; chính con người mang trong lòng bao nỗi đau thời đại và nhân thế cũng là con người biết lắng nghe cả những tiếng động nhỏ bé trong cuộc đời bằng tất cả trái tim thương cảm, giữa những tiếng động vỡ đất xé trời của cuộc xâm lược tàn bạo…

Tôi đã hình dung ra những lời đối thoại, những cảnh phim về Nguyễn Đình Chiểu, trăn trở với chúng suốt mấy chục năm qua, cho tới tận hôm nay khi được tin: Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành người Việt Nam thứ 6 được UNESCO kỷ niệm như một nhân vật văn hóa thế giới. Và như thế, có nghĩa là: lý tưởng, sứ mệnh của UNESCO cũng tương thông với Tình nghĩa như là căn cốt của tâm hồn, tính cách, văn hóa Việt Nam – cái giá trị mà Việt Nam có thể mang ra thế giới, mà Nguyễn Đình Chiểu với trái tim thương cảm lớn của ông là một trong những đại diện xứng đáng.

Suốt gần một thế kỷ nay, hầu như trong tất cả các công trình, bài nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu, điều tinh túy và quý giá nhất được coi trọng hàng đầu từ cuộc đời và thơ văn của cụ chính là một Lòng thương cảm lớn; bởi điều đó chắc chắn đã giúp cho “Đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu sáng rực trong lúc Việt Nam bị rơi vào cảnh trầm luân khổ nhục” và khiến một nhà thơ mù có “đủ can trường để luôn luôn ở tại mũi nhọn của cuộc chiến đấu cứu nước” [7, tr. 11]. Biết bao sự cảm thụ đầy rung động và lời đánh giá đẹp đẽ nhất về tâm hồn nhà thơ xuất phát từ Lòng Thương cảm lớn này, như nhà thơ Bùi Giáng: Lục Vân Tiên “luôn luôn cảm động lòng người trong cái phần trong sáng nhất của tâm tình đạo lý, dào dạt sâu thẳm nhất của tâm tình yêu thương, và của tâm tình người thiết tha theo lý tưởng” [6, tr. 171]; hoặc như nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương: “Con người tương thân tương ái, thấm đẫm tình cảm cộng đồng và hành động ân oán rách ròi ở Lục Vân Tiên” [16, tr. 287], “Nguyễn Đình Chiểu khóc những người nghĩa binh bằng tiếng khóc gan ruột của quan hệ máu chảy ruột mềm… tình cảm thắm thiết giữa những người đồng bào, mối cộng thông giữa người mất người còn vì nghĩa lớn… Những bản hòa thanh viết nên từ máu và nước mắt” [16, tr. 288]; v.v.

Có thể khẳng định, lòng thương cảm của Đồ Chiểu có gốc gác sâu xa từ nguồn “Thương người như thể thương thân” của một dân tộc trải qua hàng ngàn năm sinh tồn trong những hoàn cảnh khốc liệt, đã âm thầm chảy cho tới giai đoạn mà cá nhân được thức tỉnh trong chủ nghĩa nhân văn đạt tới đỉnh cao ở văn học thế kỷ XVIII – giữa XIX, và được kết tinh rõ nét trong chủ nghĩa cảm thương, như nhận định của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: “Từ Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Ai tư vãn đến Văn chiêu hồn, Sơ kính tân trang, Tự tình khúc… đều thể hiện một tinh thần cảm thương cho số phận con người, than tiếc những giá trị bị hủy hoại oan uổng” [13, tr. 210]. Từ đó, nhà nghiên cứu đã khái quát những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa cảm thương như sau: “Chủ nghĩa cảm thương là hiện tượng văn học có tính chất quốc tế. Nó xuất hiện ở Châu Âu vào nửa sau thế kỉ XVIII vào thời kỳ xã hội phong kiến khủng hoảng trầm trọng và chủ nghĩa tư bản phát triển rầm rộ làm cho đông đảo nông dân và thợ thủ công bị phá sản. Sự sụp đổ của xã hội cũ, sự lạnh lùng, tàn bạo của quan hệ đồng tiền đã làm huỷ diệt bao nhiêu giá trị và gợi lên tâm trạng xót thương bi lụy đồng cảm với những số phận bị hẩm hiu và lên án đồng tiền, lên án bọn ăn bám độc ác, tàn nhẫn. Chủ nghĩa tình cảm đề cao những giá trị của con người phổ biến, từ đó đề cao tư tưởng dân chủ và vì thế mà càng đau xót hơn cho số phận con người bất kể giàu nghèo. Họ thường miêu tả những tình yêu bất hạnh của những con người khác đẳng cấp để lên án bất công, chia rẽ xã hội và đề cao giá trị con người” [13, tr. 211].

Nhưng ở giai đoạn lịch sử mà Nguyễn Đình Chiểu sống – thời “khổ nhục và vĩ đại” (Phạm Văn Đồng) –, chủ nghĩa cảm thương như là sản phẩm văn hóa tất yếu và độc đáo của chủ nghĩa nhân văn đạt tới đỉnh cao ở thế kỷ trước giờ đã được chuyển hóa, đồng thời tích tụ thêm năng lượng và giá trị mới mẻ. Thực tế lịch sử và sáng tác của nhà thơ mù đã tạo cơ sở cho các nhà nghiên cứu đi tới khẳng định một chân lý nghệ thuật thời đại: con người nghệ sỹ và con người hiệp sỹ trong Nguyễn Đình Chiểu lớn hơn con người nho giáo mà ông đã/ đang mang trong thân thế mình cùng các lý tưởng nhân văn kế tục từ thế kỷ trước, rồi được cháy bùng thành lòng yêu nước thương nòi tới độ bi tráng, thống thiết trong trái tim của một nhà văn lớn.

Khi so sánh Nguyễn Đình Chiểu với thi hào Ý Dante, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn đã viết: “Nguyễn Đình Chiểu trở thành người phát ngôn cho tinh thần yêu nước, cho ý thức dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX” [8, tr. 149]. Đó cũng là thời kỳ lịch sử đặc biệt mà “Nguyễn Đình Chiểu đã gánh trọn, đã sống hết tấn bi kịch của dân tộc, của quê hương, trong đời sống cũng như trong thơ ca” [9, tr. 14]. Bối cảnh lịch sử đó, với sứ mệnh cao cả đã đến với Đồ Chiểu, trong mối quan hệ mật thiết của người trí thức với nhân dân – như nhận định chân xác của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh: “Rõ ràng quần chúng lao động và đạo sĩ đều là tôn sư, đều là nguồn sống, sức mạnh và ánh sáng của người trí thức…” [3, tr. 40] – “nhà thơ mù sáng suốt nhất trong những nhà thơ đương thời… ông đồ Chiểu giỏi nhất trong các ông đồ, ở trong tác phẩm của mình, đã phá vỡ bức tường ngăn cách xã hội và tạo ra không những một mối giao cảm đằm thắm mà còn là sự giao hòa rộng rãi giữa các hạng người, dưới ánh sáng của Đạo Người thực chất là lẽ sống của cộng đồng và hạnh phúc tập thể của nhân dân” [3, tr. 41], và điều đó diễn ra “trong thời kỳ phương Đông đang tự ý thức mạnh mẽ, đang tự phê phán sôi nổi trong cuộc “đối thoại ”quyết liệt” bằng súng đạn với kẻ thù xâm lược phương Tây” [3, tr. 43].

Nhà nghiên cứu Bùi Thanh Ba khi phân tích bản chất chữ Nhân trong sáng tác của nhà nho Nguyễn Đình Chiểu đã chỉ ra rằng, Thuyết ngũ hành mà Nguyễn Đình Chiểu áp dụng, làm kim chỉ nam cho sáng tác Ngư tiều vấn đáp y thuật không chỉ xuất phát từ kinh nghiệm quan sát của nhân dân, mà còn xuất phát từ trái tim của quảng đại quần chúng lao khổ – giới nhân sinh mà ông luôn cảm thương tận đáy lòng: “Ông cực lực lên án bọn dùng tà thuật mê hoặc lòng dân… Trong tư tưởng Nguyễn Đình Chiểu, nước với dân là một… Vì thương dân tha thiết, nên tình cảm của ông cũng dào dạt như sóng biển… Nguyễn Đình Chiểu thương dân và tự đặt cho mình nhiệm vụ cứu lấy dân trong cơn nguy biến” [1, tr. 162].

Chuyên gia hàng đầu về văn học trung – cận đại Nguyễn Đình Chú, từ giá trị bất hủ của Tình thương trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã liên hệ tới giá trị Tình thương trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu và khẳng định: “Thơ văn Đồ Chiểu đã khai thác khả năng cuộc sống và đáp ứng yêu cầu của cuộc sống ở mức độ xuất sắc nhất” – những yêu cầu cuộc sống đó, là “cần tố cáo kich động lòng căm thù đối với kẻ thù cướp nước và bán nước… cần nói lên cảnh ngộ đau thương tang tóc của quần chúng, của dân tộc… cần ca ngợi biểu dương những người hy sinh anh dũng cứu nước… cần nuôi dưỡng niềm tin cho quần chúng trong lúc khó khăn tạm thời… cần xây dựng “đạo người” [2, tr. 56]. Giáo sư đánh giá cao Đồ Chiểu ở “khả năng đón nhận tư tưởng nhân dân sâu sắc”, và vì vậy “trở thành nhà tư tưởng của nhân dân thực sự”, đồng thời kết tinh thành một tài năng nghệ thuật có sức mạnh phi thường của trái tim “đủ sức dựng tượng người nông dân nghĩa quân lên sừng sững” như nhân vật của thời đại, đã “thể hiện được mối quan hệ đẹp đẽ nhất giữa anh hùng và quần chúng” [2, tr. 60].

Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng nhận định: “Căn bản đạo lý và tình thương vẫn là trụ cột cho sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu” [14, tr. 184]; và với mảng văn tế – thơ điếu Nguyễn Đình Chiểu, ông gọi đó là “khí giới cuối cùng và duy nhất”, cũng đồng thời là sản phẩm của “một tâm hồn nồng cháy, ngọn bút sắc sảo… chao lộn trong tình cảm đau thương, bi hùng trước hận vong quốc” [14, tr. 177].

Tình yêu lớn với con người của Nguyễn Đình Chiểu bộc lộ trong nỗi xót thương, niềm thương cảm, lòng phẫn nộ, chỗ nào cũng chân thành, bi thiết, nồng hậu, thấm trực tiếp và lắng sâu trong lòng người, và đó cũng là đặc sắc nghệ thuật lớn nhất của thơ văn Đồ Chiểu. Trong tiểu luận “Triết lý giáo dục dân gian trong nói thơ Lục Vân Tiên”, nhà nghiên cứu Võ Quốc Việt có nhận xét chí lý: “Nói thơ Lục Vân Tiên… là sự gặp gỡ giữa sinh hoạt văn nghệ của người bình dân và tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu. Cũng có thể nói, đó là sự gặp gỡ giữa tư tưởng nhân bản Nguyễn Đình Chiểu với “Dân gian tính – minh triết Việt”… Khởi đi từ cuộc sống con người phương Nam, Nguyễn Đình Chiểu kết tinh thành ngôn từ nghệ thuật” [15].

Với trữ lượng tình thương bao la như thế, tác phẩm Lục Vân Tiên đã đi vào tục ngữ, ca dao dân ca, trở thành một loại hình diễn xướng đặc biệt như “Nói thơ Vân Tiên”, “Hát dặm (giặm) Vân Tiên”, “Thơ hậu Vân Tiên”, “Thơ nhại Vân Tiên”, từng được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật khác như: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống về Lục Vân Tiên, tuồng Lục Vân Tiên, phim Lục Vân Tiên, nhạc kịch về Lục Vân Tiên, v.v., nghĩa là một "trường văn hóa" về Lục Vân Tiên mà ngoài Truyện Kiều ra, ít tác phẩm nào có được [10]. Lục Vân Tiên còn là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng: tiếng Pháp (ít nhất 7 bản), tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Triều Tiên…

II. Song, việc đưa những giá trị của Di sản Nguyễn Đình Chiểu – đặc biệt là vẻ đẹp, sức mạnh của “trái tim thương cảm Đồ Chiểu” – thấm sâu vào đời sống, thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật & sinh hoạt văn hóa đại chúng trong hơn một thế kỷ qua đã diễn ra một cách đứt quãng, lẻ tẻ, hời hợt, mang tính hình thức lễ lạt, thậm chí không bằng cái thời kỳ mà dân Nam Bộ hát thơ, nói thơ Lục Vân Tiên trước mũi súng quân thù [5, tr. 78]. Truyện thơ Lục Vân Tiên đã lên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ vài lần, nhưng mới chỉ là sự thể nghiệm việc chuyển thể một tác phẩm văn học cổ điển lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của những thế hệ khán giả mới… Chưa hề có một vở diễn sân khấu hoặc một bộ phim ngắn nói về cuộc đời Đồ Chiểu – dù có rất nhiều nhà hát sáng đèn hàng đêm và có cả một Hãng phim mang tên ông trong nhiều năm! Trong hàng mấy thập niên của thời kỳ hòa bình, học sinh phổ thông đã không thẩm thấu nổi vẻ đẹp văn chương cùng vẻ đẹp tâm hồn Đồ Chiểu (như hiện tượng phản ứng tiêu cực của học sinh với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc một dạo khiến giới nhà giáo dạy văn và phần đông phụ huynh học sinh hết sức đau lòng). Nguyên cớ gì vậy?… Đã tới lúc xã hội đặt vấn đề: Sự cấp thiết phải có những tác phẩm nghệ thuật thực sự, xứng đáng, trong hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, v.v. về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, để những giá trị của Di sản tinh thần Đồ Chiểu có điều kiện ngày một thấm sâu trong lòng thế hệ trẻ.

Từ những luận cứ và động lực tình cảm đó, chúng tôi chính thức bắt tay vào xây dựng Kịch bản điện ảnh (Scenario) vốn đã ấp ủ từ mấy chục năm trước, với tên tạm đặt “Trái tim Đồ Chiểu”. Bộ phim sẽ cố gắng dựng lên hình tượng đầy xúc động của một nhân cách cao đẹp, một tâm hồn chan chứa tình thương, một nhà thơ lớn đã vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của lịch sử, đã bằng ngòi bút “Đâm mãi thằng gian bút chẳng tà”, bằng trái tim thương ghét rõ ràng, chính tà minh bạch theo chuẩn mực đạo lý Việt Nam. Bộ phim kể lại giai đoạn Đồ Chiểu sống ở Cần Giộc, sau đó về Ba Tri – Bến Tre, tiếp tục dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ văn phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân và sĩ phu chống Pháp xâm lược. Thời kỳ này, tác phẩm Lục Vân Tiên của Cụ đã được truyền bá khắp Nam Kỳ – Lục tỉnh, mà theo Tiến sĩ Pascal Bourdeaux, “quan hệ văn hóa đặc biệt được hình thành giữa nền văn học Pháp, nơi đón nhận những bản dịch của nhà thơ và di cảo của ông” [12].

Tóm tắt truyện phim

Truyện phim bắt đầu bằng cảnh viên võ quan Pháp yêu văn chương Gabriel Aubaret (Ôbarê) sau khi nghe người dân truyền miệng những câu thơ Lục Vân Tiên khắp vùng Lục tỉnh, đã thuyết phục cấp trên được thu thập các bản chép tay chữ Nôm Lục Vân Tiên từ các bản chép tay chữ Nôm để dịch sang tiếng Pháp. Từ chỗ Ôbarê chỉ muốn nhằm giúp bộ máy cai trị Pháp hiểu thêm về đời sống tinh thần của dân Việt mà định ra các phương sách đối phó và thống trị thích hợp, ông ta đã thầm lặng cảm phục nhà thơ mù, tìm mọi cách tiếp cận với Nguyễn Đình Chiểu.

Lúc này, Nguyễn Đình Chiểu đang sống ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Tại đây, ông kết bạn với thầy đồ Lê Tăng Quýnh, Quýnh vì khâm phục tài năng đức độ của bạn, đã vun đắp nhân duyên cho bạn: ông Quýnh ngỏ với cô em gái mình là cô Điền, đẹp người đẹp nết đang tìm chồng “chốn ba quân”. Cô Điền nghe anh, đóng giả nam sang nhà Đồ Chiểu xin thụ giáo. Tiếp xúc với một nhà thơ lỗi lạc, phong độ hào kiệt, cô Điền đã rung động trước tâm hồn yêu dân thương dân của Đồ Chiểu, tự nguyện trao cuộc đời cho ông. Cô Điền đã giúp ông sửa chữa, chép lại những câu thơ, truyện thơ do ông đọc cho, không nhờ tới học trò nữa, đồng thời phụ tá cho ông việc dạy học… Ông vẫn tham gia bàn bạc công việc cứu nước với các bạn hữu như Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa, liên hệ mật thiết với Đốc binh Là – người chỉ huy anh dũng trong trận Cần Giuộc, tích cực giúp đỡ nghĩa quân bằng cách huy động lương thực, bàn mưu tính kế diệt giặc. Lãnh binh Trương Định vẫn thường đến hỏi ý kiến và coi ông như người tham mưu cho mình.

Cũng chính Ôbarê là người nhận nhiệm vụ chỉ huy trận đánh tiêu diệt nghĩa quân Cần Giuộc, sau đó ông đã được đọc bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đầy bi tráng của một nhà thơ ông đang nóng lòng muốn gặp. Và cuộc gặp đó đã được thực hiện; Ôbarê và lính tráng tìm đến nhà Đồ Chiểu giữa khi ông đang bí mật bàn mưu tính kế với Trương Định. Trương Định lẩn vào nhà trong lắng nghe, chuẩn bị tuốt gươm bảo vệ Đồ Chiểu. Ôbarê đã thuyết phục Đồ Chiểu tiếp tục hoàn thiện, nhuận chính Lục Vân Tiên, rời bỏ việc chống lại nhà nước Bảo hộ, hứa sẽ liên hệ cho ông sang Paris để in tác phẩm và tiếp xúc với văn minh Pháp. Một cuộc đối đầu thú vị đầy trí tuệ đã diễn ra, và cuối cùng Ôbarê đành ngậm ngùi trở về, báo cáo lại kết quả; nhưng vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được Đồ Chiểu.

1862, khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre). Họ băng đồng, lội ruộng và dùng ghe xuồng mà di chuyển rất vất vả, vì ông không chịu đi trên trục lộ có bàn tay của người Tây xây đắp. Bà Điền lo bảo quản,vận chuyển sách vở cho chồng trong chuyến "thiên cư" này. Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân giữa ngày dịch bệnh tràn lan; đồng thời Cụ vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến. Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã mất.

Tỉnh trưởng Vĩnh Long Ponchon (Pông-sông) cũng là người yêu văn chương, được biết việc làm của Ôbarê trước đây, bèn cho mời Ôbarê tới bàn về tiếp tục mua chuộc, lôi kéo Đồ Chiểu, qua đó chinh phục được lòng dân chúng. Hai người đã tới nhà Đồ Chiểu, mang theo nhiều quà quý, cả thuốc men chữa bệnh và đồ nghề y tế cho Cụ, ngỏ ý trợ cấp tiền cho Cụ sáng tác, hứa trả lại đất cũ. Ôbarê còn mang tới khoe, tặng Đồ Chiểu tập “Kỷ yếu châu Á” trong đó có in Lục Vân Tiên do ông ta dịch sang tiếng Pháp. Nhưng Đồ Chiểu nhất quyết cự tuyệt. Pông-sông hỏi: “Thế Cụ muốn gì?”. Đồ Chiểu bảo: “Tôi muốn làm lễ tế các nghĩa sĩ”. Pông-sông gật đầu đồng ý, hứa định ngày tế và cử đại diện tới dự. Nhưng Đồ Chiểu không chờ đợi lời hứa, ông bảo vợ: “Sao lại để cho hắn ta làm chủ lễ cho buổi tế các nghĩa sĩ chống lại hắn, ngã xuống bởi hắn?” .Ông đã chủ động cùng vợ con, bè bạn, tổ chức buổi lễ này tại chợ Ba Tri. Bộ phim kết thúc bằng cảnh lễ tế xúc động, hàng trăm người rơi nước mắt trước lời “Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh” của cụ do chính cụ đọc, như một lời kêu gọi dân chúng tiếp tục đứng lên chống Pháp xâm lược sau những cuộc tàn sát đẫm máu của họ.

Bộ phim tương lai sẽ cố gắng tái hiện cái bối cảnh lịch sử góp phần tạo nên tâm hồn – nhân cách Đồ Chiểu, bối cảnh đặc biệt mà GS. Trần Ngọc Vương xác định: "Chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử Việt Nam mà mật độ những tấm gương hy sinh quên mình vì nghĩa lớn, vì sự tồn vong dân tộc lại dày đặc đến như vậy. Lục Vân Tiên trở thành chứng tích văn học tiêu biểu nhất để lý giải điều đó" [16, tr. 286].

Bộ phim “Trái tim Đồ Chiểu” sẽ là một trong những cố gắng của những người làm phim Việt Nam – con cháu Đồ Chiểu hôm nay –, minh chứng thêm cho cái sự thật lớn mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”[16]. Đây là phim thuộc loại phim chân dung danh nhân mà Điện ảnh thế giới đã thực hiện từ một thế kỷ nay, như phim “Găng-đi”, “Lin-côn”, "Diễn văn của nhà vua" (The King’s Speech, về vua Anh George VI), v.v. (Điện ảnh nước ta mới chỉ có phim truyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Tác phẩm Điện ảnh “Trái tim Đồ Chiểu” là một bộ phim lịch sử lớn, cần xây dựng một số bối cảnh Nội – Ngoại thất quan trọng của Studio Film để quay phim, như:

– Ngôi nhà của Đồ Chiểu ở Long An

– Nhà cô Điền, vợ tương lai của Đồ Chiểu

– Chùa Tôn Thạnh

– Ngôi nhà của Đồ Chiểu ở Bến Tre

– Doanh trại lính Pháp

– Dinh tỉnh trưởng Ponchon ở Bến Tre

– Một đoạn sông – Bến sông – Cầu tre qua sông

Và những bối cảnh này sẽ làm nhân lõi để phát triển thành một Công viên Văn hóa (hoặc Không gian văn hóa) mang tên Nguyễn Đình Chiểu – nơi tham quan Du lịch hấp dẫn tương lai của tỉnh Bến Tre, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước – theo hình mẫu các Công viên văn hóa nước ngoài tôn vinh các danh nhân như Servantes, Puskin, Gơt, v.v. [11, tr. 770]. Bộ phim và Công viên văn hóa này sẽ góp phần không nhỏ tôn vinh giá trị của Di sản Nguyễn Đình Chiểu, mà trong đó, Lòng Thương cảm với Đời, Tình yêu Nước yêu Dân của Cụ mãi mãi là hòn ngọc sáng trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt Nam…

____________

Tài liệu tham khảo:

[1]. Bùi Thanh Ba (2007) “Qua ngư tiều y thuật vấn đáp tìm hiểu thế giới quan Nguyễn Đình Chiểu”, Tác giả trong nhà trường: Nguyễn Đình Chiểu, Nxb Văn học, Hà Nội.

[2]. Nguyễn Đình Chú (2007) “Từ lý tưởng nhân nghĩa đến chủ nghĩa yêu nước”, Tác giả trong nhà trường: Nguyễn Đình Chiểu, Sđd.

[3]. Cao Huy Đỉnh (2007) “Đồ Chiểu với sự chuyển mình của văn hóa dân tộc”, Tác giả trong nhà trường: Nguyễn Đình Chiểu, Sđd.

[4]. Phạm Văn Đồng, “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”, Tạp chí Văn học số 7 năm 1963.

[5]. Nguyễn Thạch Giang (2001) “Vấn đề hiệu đính văn bản”, Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vân Tiên, Nxb Văn hóa – Thông tin (“Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức ở Nam Kỳ không có một người đánh cá hay một người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo thuyền” – Lời nói đầu bản dịch truyện Lục Vân Tiên của Aubaret 1864).

[6]. Bùi Giáng (1999), “Lục Vân Tiên hay là tấm lòng Cụ Nguyễn Đình Chiểu”, Một vài nhận xét vể Truyện Kiều – Phan Trần – Thúy Vân – Lục Vân Tiên – Chinh Phụ Ngâm – Quan Âm Thị Kính Bà Huyện Thanh Quan, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[7]. Trần Văn Giàu (1984) “Nguyễn Đình Chiểu, đạo làm người”, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học về Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn hóa thông tin và Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre.

[8]. Nguyễn Văn Hoàn, “Từ Lục Vân Tiên đến Dương Từ – Hà Mậu”, Tác giả trong nhà trường: Nguyễn Đình Chiểu, Sđd.

[9]. Lê Đình Kỵ (2007) “Nguyễn Đình Chiểu”, Tác giả trong nhà trường: Nguyễn Đình Chiểu, Sđd.

[10]. Tham khảo thêm: Trần Văn Khê, “Tác phẩm Lục Vân Tiên trong nghệ thuật Việt Nam” (https://tranvankhe-tranquanghai.com/2020/11/26/le-quang-thanh-tam-tac-pham-luc-van-tien-trong-nghe-thuat-viet-nam/).

[11]. Tham khảo thêm: Lư Thị Thanh Lê (2015) “Kinh nghiệm thế giới và triển vọng xây dựng một công viên giải trí theo chủ đề dựa trên Truyện Kiều của Nguyễn Du”, Di sản văn chương Đại thi hào Nguyễn Du – 250 năm nhìn lại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội; và: Trần Nho Thìn, “Không gian văn hóa Nguyễn Du và du lịch văn hóa” (http://hatinh.edu.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-su-kien/trao-doi-khong-gian-van-hoa-nguyen-du-va-du-lich-van-hoa.html).

[12]. Tham khảo thêm: http://www.lethieunhon.vn/2022/06/danh-nhan-nguyen-inh-chieu-trong-mat.html.

[13] Trần Đình Sử (2002) Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[14]. Nguyễn Q. Thắng (1990) “Nguyễn Đình Chiểu và các bài văn tế”, Tiến trình văn nghệ miền Nam (Trong: Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, Nxb Tổng hợp An Giang).

[15]. Võ Quốc Việt, https://vanvn.vn/triet-ly-giao-duc-dan-gian-trong-noi-tho-luc-van-tien/

[16]. Trần Ngọc Vương (1998) “Những đặc điểm mang tính quy luật của sự vận động văn học – nhìn nhận qua sáng tác của một tác giả”, Văn học Việt Nam – Dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Hà Nội, 1/7/2022

Comments are closed.