Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 202): Cung Tiến: Nguyệt Cầm

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2022)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

clip_image005

clip_image006

Nguyệt Cầm – Ý Thơ: Xuân Diệu; Nhạc: Cung Tiến

Trình bày: Quỳnh Giao

Nghe thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (50)- Cung Tiến 1

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (51)- Cung Tiến 2

Đọc thêm:

Cung Tiến Không Lời

Quỳnh Giao

Có những người thuộc phái nam nhi anh hùng đã chau mày phàn nàn: “Lòng cuồng điên vì nhớ…”, nghe sao yếu quá! Dưới con mắt của các đấng tu mi đó thì đàn ông không có quyền ủy mị như vậy! Huống hồ tác giả lời ca lại là người tuổi cọp.

Cung Tiến & Quỳnh Giao
Cung Tiến và Quỳnh Giao trong đêm nhạc Phạm Ðình Chương. (Hình: Quỳnh Giao cung cấp)

Chẳng biết rằng khi đó, tác giả bài Hoài Cảm có thấy hắt hơi giật mình không. Nếu có, thì Cung Tiến cũng khó động lòng hơn Ðinh Hùng, tác giả bài Kỳ Nữ bất hủ. Ở bên kia “chiến tuyến,” các cô lại thấy rằng đấy mới là lời ngợi ca xứng đáng và rất anh hùng với tình yêu. Phải chi Cung Tiến phổ nhạc bài thơ này của Ðinh Hùng, chắc là nam ca sĩ trình bày ca khúc sẽ phải gục trên sân khấu thì mới xứng!

Có lẽ, Cung Tiến là người viết nhạc sớm nhất của chúng ta. Ông sáng tác ca khúc đầu tay là Thu Vàng khi mới 15 tuổi, năm 1953. Mùa Thu ấy là Thu Hà Nội và chỉ Hà Nội mới có lá vàng để ông nhặt, chứ trong Nam không đủ lạnh để có lá vàng. Và ông đề tặng Hà Nội những ngày ấu thơ. Ca khúc trở thành Hà Nội tiêu biểu của lớp người di cư nhớ Bắc, rồi mới chinh phục mọi người nghe qua cách trình bày nhí nhảnh vui tươi của giọng ca Tâm Vấn thời đó.

Sau đấy, ông viết Hoài Cảm, và đề tặng Ðỗ Ðình Tuân. Dường như Cung Tiến sáng tác cho mình và cho bạn, vì phần lớn các ca khúc ông viết đều trân trọng ghi tặng từng người. Như Mùa Hoa Nở, Cung Tiến viết năm 1954 đánh dấu làn sóng di cư của cả triệu người miền Bắc vào Nam. Ðược viết theo dạng một bài hợp ca, nên ca khúc ít được trình bày. Thật đáng tiếc.

Sau đó Cung Tiến viết liên tiếp mỗi năm một bài: Hương Xưa năm 1955 đề tặng Khuất Duy Trác. Cũng chính Duy Trác đã đem Hương Xưa và tên tuổi Cung Tiến đến thính giả của đài phát thanh và trên sân khấu của các trường trung học và đại học Việt Nam. Năm kế tiếp 1956, ông viết Nguyệt Cầm trên ý thơ của Xuân Diệu, và trở thành người sáng tác loại âm hưởng bán cổ điển độc đáo và ngự trị cùng một cõi nhạc cao sang quý phái của Vũ Thành và Dương Thiệu Tước…

Dòng nhạc mở đầu của Nguyệt Cầm phảng phất tấu khúc Romance en Fa của Beethoven, nhưng ca khúc kén người hát và người nghe. Nhạc trưởng Vũ Thành thường trao cho Anh Ngọc vì chỉ danh ca này mới hát câu “trăng sầu riêng chiếc, trăng sầu riêng chiếc, sầu cho tới bao giờ...” crescendo da diết và dài hơi hơn mọi người! Năm sau đó 1957, ông viết Lệ Ðá Xanh theo ý thơ Thanh Tâm Tuyền và đề tặng Phạm Ðình Chương.

Từ đây là thời gian ông đi du học. Khi trở về, Cung Tiến sáng tác rất nhiều thơ phổ nhạc và họa hoằn mới soạn lời từ, như Mắt Biếc năm 1966 và hoàn chỉnh lại năm 1981. Hoặc bản Bản Tango Cuối, viết năm 1974, hoàn chỉnh năm 1980.

Những bài thơ ông phổ nhạc giai đoạn này là Thuở Làm Thơ Yêu Em của Trần Dạ Từ, Ðêm của Thanh Tâm Tuyền, Ði Núi của Xuân Diệu, hay Ðôi Bờ của Quang Dũng… Chỉ tác giả mới biết vì sao ông thích phổ thơ hơn là viết lời riêng của mình. Phải chăng là càng hiểu biết nhiều thì cách viết càng bó làm ngôn ngữ thành khó hiểu?

Sau biến cố 1975, Cung Tiến và gia đình vượt thoát được sang Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang Minnesota. Từ hải ngoại ông tiếp tục phổ thơ Quang Dũng là bài Kẻ ỞÐường Hoa, thơ Phạm Thiên Thư là Vết Chim Bay, và bản cảm dịch của Vũ Hoàng Chương bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu… Hoàng Hạc Lâu là bài trác tuyệt nhất của ông với nét nhạc âm hưởng Á Ðông mang nét Debussy mới là lạ.

Ðặc biệt nhất có liên khúc Vang Vang Trời Vào Xuân là phổ thơ Trần Kha, bút hiệu ẩn của bạn ông, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, khi còn ở trại học tập lén gửi ra ngoài. Liên khúc được tác giả viết cả phần đệm piano. Lời thơ và ý nhạc quyện nhau thành lời kinh cầu trong sáng, một vầng trăng rực rỡ, một ban mai thắm tươi và dịu dàng của tâm hồn thanh thản trên những hành hạ khổ đau của thể xác… Dân ta vốn yêu thơ, trong tù cũng làm thơ và ý thơ vẫn phơi phới cùng nét nhạc Cung Tiến. Nhưng, như các ca khúc sáng tác sau thời du học bên Úc, liên khúc 10 bài ngắn này lại không dễ hát nên người yêu thơ và nhạc ít có dịp thưởng thức.

Năm 1988, Cung Tiến hoàn tất một tác phẩm độc đáo và đồ sộ, đó là một bản hợp tấu khúc viết cho dàn giao hưởng lấy cảm hứng từ Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Ðoàn Thị Ðiểm diễn thơ chữ Hán của Ðặng Trần Côn. Hợp tấu khúc có âm hưởng hoàn toàn Á Ðông với nhạc khí Tây phương. Khi diễn tả áng thơ tuyệt tác này, Cung Tiến quả là nhạc sĩ tài hoa và sâu sắc.

Có những lúc được nghe nói rằng ông còn muốn soạn nhạc để diễn tả thơ Ðường hay cả bài Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi… Nghe nói thôi chứ chưa nghe thấy nhạc. Ông còn cảm hứng hay không, chúng ta chưa biết được.

Cung Tiến là nhạc sĩ của những tác phẩm có âm hưởng bán cổ điển rất trang nhã, cầu kỳ và chuyển dần về nhạc Ðông phương. Nhưng nhớ lại thì hình như chúng ta có thể rút ra một kết luận rất nhuốm vẻ Thiền.

Ban đầu, ông viết nhạc rất hay trên lời từ óng chuốt của mình. Sau đó, ông hết soạn lời mà chỉ chú ý đến nhạc, để phổ lời của các thi sĩ ông quý trọng. Ðến một giai đoạn sau, lời ca cũng tan vào nhạc vì Cung Tiến soạn nhạc không lời. Dùng nhạc để người nghe cảm ra lời thơ Chinh Phụ Ngâm hay bản hùng văn đại cáo Bình Ngô là đi tới một đỉnh cao của nhạc. Như nhạc khúc viết cho dương cầm tên là Pictures at an Exhibition của Mussorgsky viết tả các bức tranh trong phòng triển lãm.

Nhưng ta cứ yên tâm, không lên tới cõi đó, mình vẫn còn nguyệt cầm để hoài cảm hương xưa thì cũng đủ vui rồi…

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com

*Nhạc sĩ Cung Tiến đã qua đời ngày 10 tháng 5 năm 2022 tại California, Hoa Kỳ (TV&BH)

Comments are closed.