Bản thảo (kỳ 8)

Nguyễn Đức Tùng

44. Thi cử:

Khoa thi cuối cùng của trường Hà, có một chuyện cảm động. Chặp tối, mà còn một lều. Đề điệu đến xem thì thấy thí sinh đã chết rồi, mà ống quyển còn treo vào cổ. Thầy khóa đã viết xong, định đi nộp thì chết. Quan trường quyết định cứ xếp quyển của anh ta vào hòm bài (đã rọc phách- TN). Sau khi chấm, bài ấy được xếp vào loại đỗ tú tài. Vinh dự muộn mằn đến với tang gia. Đó là nho sinh người họ Phạm, làng Lương Ngọc.

Tác giả: Hoàng Đạo Thúy

45. Ở bồn đi tiểu của nam giới, tôi nhìn thấy một miếng kẹo cao su đã nhai kỹ bị ném xuống làm tắc nghẽn dòng nước. Nó nằm đó, dẹt, xanh xám, thách thức, bám chặt, như sự tồi bại của một con người, một lớp người.

46. Ghi ở Quảng Trị mùa hè 2022: Đã chiến đấu một cách dũng cảm, đã ngã xuống vì cuộc chiến tranh sai lầm nhưng hoàn toàn trong danh dự, những người lính của cả hai bên tham chiến đã đi qua những con đường và ngõ hẻm của thành phố của tôi, một thành phố nay không còn nữa, đã dừng lại ở những khúc quanh của tuổi trẻ chúng tôi. Họ đã đứng đó, những người con trai mặt đẹp như ngọc, trên sân trường, ngắm tấm lưới, nơi tôi ném bóng vào rổ, nơi họ sẽ chết. Tôi nhìn thấy những người nhảy qua hàng rào, từ trong chỗ ngồi của lớp học, tôi có thể nhìn thấy họ. Tôi nhìn thấy những người lính vượt qua bến đò, những người lính vừa chạy vừa núp sau bức tường gạch, tôi nhìn thấy một người nằm xuống tránh đạn. Tôi nhìn thấy những bóng điện lắc lư vàng trong tòa nhà ám khói. Bây giờ tôi trở về, mùa hè đúng 50 năm từ cuộc chiến đẫm máu ấy, cuộc chiến lớn nhất, nguy nan nhất, tàn bạo nhất, không có một trận đánh nào hung hiểm đến vậy. Không có một lòng dũng cảm nào so sánh được với lòng dũng cảm của những người lính quyết tâm bảo vệ thành cổ, và lòng dũng cảm của những người lính dứt khoát muốn giành lại nó, họ đã làm thế với một giá đắt khủng khiếp và sau cùng chẳng để làm gì cả. Không có một quê hương nào đẹp như quê hương tôi, không có dòng sông nào đẹp như dòng sông chảy qua làng tôi. Đó là một đất nước của tự do, của những cơ hội, dù đó là đất nước của chết chóc, của những chính trị gia hèn nhát, của những lý thuyết ngu ngốc. Dù đó là đất nước của những xúi giục vô tội vạ và sự tráo trở khôn lường của chính sự thật. Bất chấp tất cả những điều ấy, tôi đã được sinh ra với tự do, dưới một gốc lựu hoa nở đỏ như máu, một ngày trước ngày rằm tháng tư, ngày mười bốn trước lễ Phật Đản. Không có một cuộc chiến tranh nào mà mọi thứ đều dang dở, không có gì đã được kết thúc, như nó. Vì không có gì kết thúc nên khi tôi trở về, đi trên những gạch đá, một nhành hoa leo tím đã mọc ra. Rất lâu về sau khi tiếng súng đã ngừng, dòng sông vẫn không thể chảy như cũ, nó không thể uốn lượn qua những cồn cát. Bị khai thác quá nhiều, mất hết cát, dòng sông giờ đây sâu thẳm, xoáy, trẻ con không dám bơi, người không biết bơi rơi xuống là chết ngay, bờ sông dựng đứng nguy hiểm, nước chảy từ rừng không còn cây chắn đỡ, một trận mưa đầu nguồn làm sông dâng lên thẳng đứng, ngày trước dù lũ lụt đến thế nào, nhà tôi chưa bao giờ ngập, bây giờ thì ngập quá bàn thờ. Không ai muốn nói thế, không ai muốn nghe điều ấy cả. Chúng không đem lại một điều gì. Văn học không làm thay đổi một điều gì, ngoại trừ nhận thức của chúng ta.

47. Phê bình mới

Phê bình mới (New criticism) được xem là khởi đầu từ I. A. Richards và T. S. Eliot. Trước đó, nhà thơ Coleridge đã đề cập đến khái niệm phê bình thực tiễn hay phê bình thực hành (practical criticism). Phương pháp chủ yếu của phê bình mới là đọc gần hay đọc kỹ với việc tập trung vào văn bản và loại trừ các quan tâm có tính xã hội, tiểu sử, tâm lý học. Sự phát triển về sau của phê bình mới phần nào xa rời khái niệm đọc gần và chú ý nhiều hơn đến sự diễn dịch (interpretation). Tuy nhiên nhìn tổng quát các công trình đương đại vẫn không thể bỏ qua đọc gần.

Nhà phê bình John Ransom tuyên bố về sự thành lập của trường phái vào năm 1938, thật ra là sự kết hợp giữa việc phân tích kĩ thuật thơ ca và các khuynh hướng xã hội. Ransom nêu lên bốn nguyên tắc phê bình mới:

a. Cốt tủy của phê bình mới là phương pháp đọc gần đối với văn bản. Đọc gần hay đọc kỹ trước hết là sự loại trừ những quan tâm có tính tiểu sử và lịch sử, xuất thân từ tác giả, loại trừ các phương pháp phê bình báo chí, sự viết lại một văn bản, tức là chuyển một bài thơ thành một bài văn xuôi. Nó nhấn mạnh tính khách quan.

b. Phê bình phải trở thành một phương pháp khoa học, có tính hệ thống, chính xác và khách quan. Điều đó được thể hiện bằng các công cụ kĩ thuật giúp người đọc phân tích một văn bản.

c. Phê bình mới có tham vọng biến công việc phê bình thành một thành công việc có tính chuyên nghiệp, chống lại tính nghiệp dư và tính cảm tính, vốn đầy rẫy mỗi khi nền văn học có nguy cơ đi xuống như hiện nay, trong đó vai trò của các nhà phê bình bị gạt ra ngoài lề nhường chỗ cho lối bình thơ tùy tiện trên báo chí, có tính quảng cáo

d. Anh ngữ, hiểu rộng ra là văn học, là một ngành học độc lập, không phải là một nhánh của lịch sử hay của ngành học về đạo đức. Văn và sử tách biệt.

Phê bình mới như vậy đã tạo ra một bước ngoặt trong ngành phê bình, đặt một bước đi vững chắc, có tính khoa học, chống lại những suy diễn cảm tính, chống lại cái gọi là các chủ nghĩa ý định (intentionalism). Gạt bỏ các ý định của tác giả ra khỏi văn bản. Văn học không phải là sự phản ánh thế giới bên ngoài cũng không phải là thế giới nội tâm của tác giả, tác giả đã chết, văn bản cũng chính là văn học của tác giả tồn tại một cách độc lập sau khi được sáng tạo. Văn bản là mục đích của việc đọc.

Theo sau Ransom, các nhà phê bình sau đó nhấn mạnh đến văn bản văn học như một sự vật hay một yếu tố ngôn ngữ. Trong thời kỳ cực thịnh của nó, các nhà phê bình mới còn gọi đó là ngành phê bình khách quan.

Về sau, khoảng năm 1973 nhà phê bình Canada nổi tiếng North Frye trong cuốn the Anatomy of criticism (giải phẫu của phê bình), mà bản tôi có trong tay là bản 1957, Princeton University press, kêu gọi các nhà phê bình nên đứng lùi lại và tách ra khỏi văn bản trong khuynh hướng đọc gần. Frye chỉ trích rằng các nhà phê bình mới quá quan tâm đến kỹ thuật, không chú ý tới toàn cảnh. Ông cho rằng phê bình mới, phê bình tiểu sử, đều là những cách tiếp cận có phần giới hạn.

Cho đến hôm nay kỹ thuật đọc gần của các nhà phê bình mới (1) và lời kêu gọi của Frye đối với những giới hạn của nó (2) vẫn là hai nguyên tắc có vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong giới phê bình. Các nhà phê bình mới về sau ngày một hướng đến lý thuyết diễn dịch. Việc đọc là một quá trình diễn dịch của người đọc, và như vậy nó cũng không hoàn toàn khách quan hay hoàn toàn chủ quan. Đọc một văn bản là một quá trình hỗn hợp. Công việc diễn dịch một văn bản góp phần tạo ra cái mà nhà phê bình Fish gọi là các cộng đồng diễn dịch.

Riêng tôi nghĩ, mỗi nhà phê bình cần tạo ra một cộng đồng diễn dịch của riêng mình. Trong các cộng đồng ấy, người đọc chia sẻ với nhau các quan tâm giống nhau về văn hoá và văn học.

48. Người Việt Nam không biết múa. Những phụ nữ mà tôi quen biết không có ai biết múa. Được cấu tạo bởi một cơ thể nhỏ nhắn, thanh mảnh, rắn rỏi, hoàn toàn đối xứng, lẽ ra người Việt Nam được sinh ra để múa, nhưng họ không làm thế.

Chủ nghĩa cấu trúc tuyên bố rằng cách thức phân phối các phần tử tạo nên một sự vật, và chính cấu trúc tạo ra ý nghĩa của một bài thơ. Phê bình thơ không phải đi tìm ý nghĩa mà là phát hiện cấu trúc bên trong của tác phẩm. Cơ thể của người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, hoàn toàn thích hợp cho nhảy múa. Sau khi đi xem một viện bảo tàng ở Ý, chúng tôi được mời đi ăn tối. Khi bước vào cửa hiệu ăn, nàng đứng dừng lại ngay trước mặt tôi, xòe tay ra, vươn vai, nhón chân, và bắt đầu xoay vòng. Trước đó trong suốt nhiều năm, tôi không bao giờ biết nàng có thể múa một điệu luân vũ đẹp đến thế, trong tiếng nhạc phát ra từ bên trong, rộn rã, hắt bóng hoàng hôn.

49. Thơ nên được viết thản nhiên trong phân vân nghi ngại. Một người làm thơ không thể quá tự tin mà viết được một câu ra hồn.

50. Một người bạn thân của mẹ tôi đã cho tôi ăn một cái bánh trong chợ trước khi ngôi chợ ấy bị bỏ lại và sau đó hoàn toàn biến mất. Đó là cái bánh mà nhân làm bằng chả lụa. Tôi muốn hỏi bà loại bánh tên gì nhưng tôi không bao giờ có cơ hội ấy. Tôi có gặp lại bà một lần nhiều năm sau, ở một nơi xa quê cũ, nhưng lúc ấy tôi không nhớ đến câu hỏi ấy, không biết rằng đó là câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Sự hy sinh của người khác dành cho bạn là đề tài có ý nghĩa nhất đối với con người. Đó là những đề tài bất tận cho một người để suy nghĩ trong im lặng, và anh ta sẽ không nhiễm phải thói viết những câu văn ẻo lả và thói nói năng lôi thôi ba hoa gì khác.

N.Đ.T

Comments are closed.