Nguyễn Dậu

Thái Kế Toại

Nguyễn Dậu, tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Song, cũng có tên là Trương Mẫn Song vì mẹ ông họ Trương, sinh ngày 25-10-1934 tại xóm Cống Xuất, khu Xi măng Hải Phòng mất ngày 24-7-2002, có nguồn nói ông sinh 1930. Quê gốc ông ở huyện Hoài Đức, Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Sau khi học xong lớp Nhất trường Giăng Duypuy (Jean Dupuis) vừa lúc cách mạng tháng Tám nổ ra, Nguyễn Ngọc Song tham gia công tác tuyên truyền ở Hải Phòng.

Năm 1946 hoạt động trong đội võ trang tuyên truyền ở địch hậu Liên khu III sau đó gia nhập quân đội, học trường Thiếu sinh quân rồi phục vụ ở bộ binh, pháo binh, quân y. Sau cách mạng Trung Quốc thành công, năm 1950 ông được quân đội cử sang Trung Quốc học khóa đào tạo sĩ quan có thể là để làm phiên dịch vì có lần ông nói với tôi sau khi về nước ông đã làm phiên dịch cho các cố vấn Trung quốc về pháo binh, cao xạ pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi nhớ có một bài báo nói về mấy nhà văn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có đoạn về nhà văn Nguyễn Dậu.

Năm 1954 Nguyễn Dậu được điều chuyển về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị, rồi chuyển ngành. Lần lượt công tác ở Xưởng phim Việt Nam 1955, biên tập viên Nhà xuất bản phổ thông 1957, Tòa soạn báo Văn nghệ 1960.

1961 xuất bản tiểu thuyết Mở hầm tại NXB Thanh Niên, bị phê phán nặng nề.

1964 Về Sở Văn hóa Hà Nội. Ngừng viết.

1970 bị kỷ luật tại Sở Văn hóa Hà Nội. Ra làm nghề cắt tóc ở Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch.

1984 vào TPHCM, sang Nông pênh.

Cuối 1985 bị bắt ở Nông Pênh (Phnom Penh), di lý về Chí Hòa, ra Hà Nội.

12-1986 được Công an Hà Nội bảo lãnh ra khỏi tù.

1988 Công bố Ngựa phi trong bão tuyết trên Người Hà Nội, Con thú bị ruồng bỏ trên Văn nghệ quân đội.

3-1990 Kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam.

8-1993 in Chúa Trời ngủ gật ở NXBLĐ. Bị rút giấy phép xuất bản, bị nghiền thành giấy vụn.

1995 in tiểu thuyết Nhọc nhằn sông Luộc

1997 Nguyễn Dậu về Hải Phòng sống với một người cháu. Tiểu thuyết Nhọc nhằn sông Luộc được Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm của thành phố Hải Phòng.

2000 in Gió núi mây ngàn, NXB HN, Mầm sống vẫn xanh NXBHP.

Mất 2002 tại Hải Phòng.

nguyen-dau

Nhà văn Nguyễn Dậu (1930 – 2002)

Vốn thông thạo Pháp văn, Trung văn lại có năng khiếu văn nghệ nên trong thời gian phục vụ trong quân đội, Nguyễn Dậu đã sáng tác thơ ca, tấu hài, kịch, chèo. Nhưng sở trường của ông là truyện ngắn và tiểu thuyết, sách đã xuất bản gồm:

Truyện ngắn: Ánh đèn trong lò (1955); Những phút ngập ngừng (1956); Huệ Ngọc (1962); Trở lại đảo, Người ngoại ô (1963); Con thú bị ruồng bỏ (1988); Rùa Hồ Gươm (1990); Hương khói lòng ai (1994); Đôi hoa tai lóng lánh, Phật tại tâm (1995); Bảng lảng hoàng hôn (1997). Mầm sống vẫn xanh (2000). Gió núi mây ngàn NXB Hà Nội, 2000.

Tiểu thuyết: Nữ du kích Cam Lộ (1955); Đôi bờ (1957); Mở hầm, 2 tập (1959); Chân núi Phia Khao (1961); Vòm trời Tĩnh Túc (1963); Nàng Kiều Như (1989); Nhọc nhằn sông Luộc (1996).

Sách dịch: Tất cả hiến dâng Đảng (1954); Người bí thư xã (1956); Ngôi sao đỏ Đổng Tồn Thụy (1958); Anh hùng chiến đấu Triều Tiên (1958); Tống Nhạc Phi (1959); Niềm hy vọng hòa bình (1961); Cuốn sách thấy ở Thuận Xuyên (1962).

Nguyễn Dậu còn dịch một số truyện Việt Nam sang Trung văn như Má Năm (Nguyễn Văn Thông); Ông Năm Hạng (Nguyễn Quang Sáng); Huệ Ngọc (Nguyễn Dậu) đều do nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành năm 1963.

Dấu ấn Mở hầm

Nguyễn Dậu sáng tác từ 1954 nhưng đến khi xuất bản tiểu thuyết Mở hầm ông mới thực sự được chú ý trong nền văn học miền Bắc. Mặc dù đã có đến 5, 6 cuốn sách truyện, tiểu thuyết, truyện dịch được in nhưng ông không có mặt trong Đại hội nhà văn lần thứ nhất 4-1957. Do nhiều hệ lụy mãi đến 3-1990 Nguyễn Dậu mới trở thành Hội viên Hội Nhà văn. Một trong những trở ngại lớn nhất là tiểu thuyết Mở hầm bị phê phán có tư tưởng xét lại, ảnh hưởng tự nhiên chủ nghĩa.

Sau khi chuyển ngành ra Xưởng phim Hà Nội cùng với một số nhà văn quân đội như Trúc Lâm, Trần Công, Phù Thăng, Văn Dân… Nguyễn Dậu hăng hái hưởng ứng chủ trương đi thực tế để sáng tác.

Ông cũng là một trong số rất ít nhà văn trẻ thời ấy dám từ bỏ cuộc sống phố phường Hà Nội về tận vùng than Cẩm Phả để lao động và viết văn.

Những người thợ mỏ thấy Nguyễn Dậu là người lanh lợi liền bầu ông làm tổ trưởng tổ cuốc than trong hầm lò Thống Nhất. Ngoài thời gian đi lò về đến nhà Nguyễn Dậu lại ngồi vào bàn cặm cụi ghi lại những cảm xúc, góp nhặt những chi tiết đời sống để thai nghén nên tác phẩm của mình.

Hai năm lăn lộn ở vùng than, Nguyễn Dậu trở thành một thợ lò thực thụ. Rồi đến một ngày ông bị tai nạn lao động buộc phải bỏ nghề. Nhưng nhờ có thời gian làm thợ cuốc than ấy đã giúp Nguyễn Dậu viết nên bộ tiểu thuyết Mở hầm. Và dù là thiên tiểu thuyết ấy có lúc đã gặp phận cảnh chìm nổi lênh đênh, nhưng đến nay những người am tường văn học Việt mỗi khi nhớ lại thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc vẫn thấu hiểu và không quên nhắc đến những tác phẩm như Mở hầm của Nguyễn Dậu, Phá vây của Phù Thăng. Một bạn đọc của ông ở vùng mỏ, Trần Tâm, nhớ lại không khí thời ấy như sau:

“Mới vào tuổi thiếu niên, tôi đã nghe tên nhà văn Nguyễn Dậu. Thú thật, tôi cũng chưa nhìn thấy chứ không nói là đọc những sáng tác tiêu biểu của ông. Sau này nghe những người sống và làm việc cùng ông kể lại, tôi hình dung ông là một người tận tụy với nghề nhưng lại lận đận sau việc in ấn. Trong khi công nhân mỏ vẫn thường kể cho nhau nghe. Nhà văn Nguyễn Dậu, người trực tiếp cùng công nhân mở lò, khao than đã cho ra đời tập tiểu thuyết Mở hầm. Ông là người nhanh nhẹn, hoạt bát, khỏe, viết đều và nhanh. Bộ tiểu thuyết Mở hầm đã góp phần làm nên tên tuổi Nguyễn Dậu trên văn đàn rồi cũng gây cho ông đủ phiền toái với những lời chê bai, phán xét cực đoan.

Ban ngày làm việc, đến tối, nhiều cuộc họp được tổ chức để đánh giá tác phẩm viết về Người công nhân dưới chế độ mới. Phần đông, họ thật thà chất phác từ cu li than hôm qua, văn hóa chữ nhớ chữ không. Mẹ tôi ngày đó được nâng đỡ do thành tích lao động tốt mà chủ yếu là gia đình có tới bốn đời cần lao, nhà nước cử đi học văn hóa và công tác quản lý dài dài mỗi năm ba tháng. Gần chục năm mới nhận chứng chỉ đã học xong chương trình văn hóa lớp năm. Những thành phần như thế được tổ chức tham gia ý kiến trong những buổi hội họp, tranh luận trái chiều về cái gọi là chủ nghĩa tự nhiên mà chả hiểu nó mặt ngang mũi dọc ra sao. Ông Hoàng Tuấn Dương sau này làm Trưởng ban tuyên giáo Đảng bộ Công ty than Hòn Gai, người cùng làm lò với Nguyễn Dậu kể về cuộc góp ý chân thành và thẳng thắn tiểu thuyết Những người thợ mỏ (Tập 1 của Võ Huy Tâm). Cuộc họp căng thẳng đến mức nhà văn phải nức nở như một đứa trẻ nhỏ bị oan ức. Là công nhân trực tiếp, cán bộ nằm vùng bản địa, Võ Huy Tâm còn bị phê phán thế. Người ta căm ghét, lên án cái chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự nhiên khủng khiếp như vậy. Và dĩ nhiên, nhà văn Nguyễn Dậu tác giả của tiểu thuyết Mở hầm đã phải gánh đủ thứ rắc rối, khổ sở. Ông Hoàng Tuấn Dương còn kể Nguyễn Dậu vào làm thợ lò chưa biết cuốc lò khao than, chưa biết nói tục đã được công nhân giúp đỡ trở thành một người thợ như thế nào.

Cuốc than trong lò Thống Nhất, nhiều hôm nóng bức, ông trần truồng giữa những dòng than trôi qua háng. Hai năm lăn lộn với công việc, ông trở thành một thợ lò thực thụ, dám văng tục trong lúc công việc không chạy mà thời gian trước, ông nghe còn kinh hãi cho đến khi bị tai nạn lao động buộc phải bỏ nghề. Nhiều người còn khẳng định với tôi Mở hầm tập 1 ra đời năm 1961 do NXB Thanh niên ấn hành. Tác giả còn dự định viết tiếp tập 2 thì bị phê phán nên không ai thấy xuất hiện.

Khi đang học sơ tán cuối năm 1965. Nhân cái chết của người công nhân, một công nhân khác nói đến Nguyễn Dậu. Đâu như người này đã tố cáo nhà văn kể không đúng về một nhân vật trong gia đình ông. Với Mở hầm, Nguyễn Dậu đã cho bạn đọc hiểu về cuộc sống thời kỳ đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”.

Về mức độ phê phán Mở hầm theo thống kê xếp loại của nhà nghiên cứu Phong Lê thì ông xếp Mở hầm 2 dấu *, ngang với tiểu thuyết Vào đời của Hà Minh Tuân.

Sau vùng mỏ Nguyễn Dậu còn đi thực tế mỏ thiếc Tĩnh Túc, còn in được mấy cuốn nữa như Huệ Ngọc (1962); Trở lại đảo, Người ngoại ô (1963), Chân núi Phia Khao (1961); Vòm trời Tĩnh Túc (1963). Sau khi phải chuyển sang Sở Văn hóa Hà Nội thì ông mới ngừng sáng tác.

Người khóc rùa ở hồ Hoàn Kiếm

Khi công tác tại Nhà xuất bản Phổ thông, Nguyễn Dậu có mâu thuẫn căng thẳng với bà nữ Giám đốc, một chiến sỹ cách mạng nổi tiếng ở chiến khu Việt Bắc. Bà là nguyên mẫu trong một vài truyện ngắn của ông và tiểu thuyết Chúa Trời ngủ gật. Có lẽ ông làm việc không lâu tại Nhà xuất bản Phổ thông để chuyển sang Tạp chí Văn Nghệ thuộc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật. Không may cho ông đến tháng 4-1963 tạp chí Văn Nghệ giải thể sáp nhập vào báo Văn học thành tuần báo Văn nghệ, ông không thuộc diện được giữ lại và phải chuyển về Sở Văn hóa Hà Nội.

Bị buộc nghỉ hưu sớm ở Sở Văn hóa Hà Nội năm 40 tuổi với mức lương cán sự I, 65 đồng một tháng, để có tiền nuôi vợ con lúc đầu ông bán dép sau chọn nghề cắt tóc.

Có thời gian Nguyễn Dậu cắt tóc ở đường Thanh Niên nhưng ở đây gần nhà máy điện Yên Phụ, máy bay Mỹ đánh phá nhiều nên được một thời gian ông lại về Bờ hồ.

Khi làm việc tại Sở Văn hóa ông đã về ở trong đền Ngọc Sơn. Nhưng sau khi nghỉ hưu, ông làm thợ cắt tóc ở đền Bà Kiệu. Gần 10 năm dao kéo bên hồ Gươm đã cho ông nhiều hiểu biết về đàn rùa. Những năm kiếm sống bằng nghề cắt tóc dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, Nguyễn Dậu gắn bó với đàn rùa và yêu chúng như con mình. Ông xung đột với thói vô trách nhiệm của các quan chức văn hóa, với bọn trộm cắp, du thủ du thực để bảo vệ đàn rùa quý báu. Bút ký dài Rùa Hồ Gươm của ông như là một cuốn biên niên sử về số phận các con rùa cổ Hồ Gươm (chứ không phải là Cụ Rùa như ngày nay!). Nguyễn Dậu kể rằng, ông phân biệt và đếm được trong hồ Gươm tới 17 cá thể rùa thuộc nhiều thế hệ khác nhau.

Điều đặc biệt của Nguyễn Dậu so với mấy nhà văn khác cùng ở trong đền Ngọc Sơn là ông đã hòa mình vào cuộc sống bờ hồ trong thời chiến tranh, một cuộc sống vô cùng kỳ dị, vô cùng kỳ lạ mà nếu không có Nguyễn Dậu rất ít người biết được bí mật của nó. Đó là một xã hội gồm đủ các loại người nhưng đông đảo nhất vẫn là những người vật vờ kiếm sống ven bờ hồ như du thủ du thực, trộm cắp, đĩ điếm, cả những người lang thang cơ nhỡ bất đắc dĩ… Bằng nghề cắt tóc [nhưng] có thêm nghề chữa bệnh bằng đông y lại có vài mánh võ tự vệ ông mới tồn tại được giữa các toán cướp, đầu gấu, mới bảo vệ được những người hèn kém, cứu vớt nhiều người sa cơ lỡ vận, người đau ốm bệnh tật. Tất cả, những loại người ấy đều trở thành nguyên mẫu, thành nhân vật cho những truyện ngắn, tiểu thuyết đặc sắc của ông.

Về điều này nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình có những nhận định đánh giá đầy yêu mến và trân trọng về văn chương ông: “Bút lực của nhà văn có tuổi này là dường như còn rất dồi dào. Dồi dào không phải chỉ ở chỗ viết khỏe, in đều mà cái chính là ở văn phong, ở lối nhìn, cách nghĩ, ở cả phía khai thác đề tài, đối tượng miêu tả. Ông nói về con người với cả sự từng trải, chiêm nghiệm của ông. Đọc truyện ngắn Nguyễn Dậu chúng ta chẳng thấy những điều triết lý to tát mà dường như chúng ta luôn nhận được những bài học về cuộc sống lăn lóc đầy khổ đau của con người trong thế giới người. Và đọc ông, mỗi người thấy yêu thêm đồng loại, thấy tin tưởng ở sức mạnh tiềm ẩn cũng như sự trong sáng vốn có của chính mình để vượt qua thử thách, để hướng tới ánh sáng ngay cả khi ở trong những góc tối tăm nhất”.

Về chuyện cụ rùa bị thương, Nguyễn Dậu viết: Ngày 2.6.1967, một trận bão lớn tràn qua Hà Nội, mưa to làm nước hồ dâng lên mấp mé đường, một “cụ” rùa bị thương nổi lên gần số nhà 16 phố Lê Thái Tổ. Người ta đã dùng lưới đưa “cụ” lên bờ. Không biết ai báo tin nhưng lúc đó có mặt nhiều cán bộ của Sở Văn hóa, Sở Thủy sản, Công ty công viên. Tranh cãi nổ ra với 2 luồng ý kiến trái ngược, Công ty công viên muốn đưa về Bách Thảo để cứu chữa nhưng Xí nghiệp thủy sản lại muốn bán cho Công ty thực phẩm. Trong khi người ta bàn cãi và tranh luận đã để mặc “cụ” phơi nắng trên vỉa hè. Lúc thống nhất được ý kiến đưa cụ đi cấp cứu thì “cụ” đã tắt thở. Tiêu bản của cụ rùa này hiện được bảo quản trong đền Ngọc Sơn. Còn hai con khác bị bọn “rùa tặc” ngang nhiên bắt chở đi làm thịt.

Tôi đã viết tặng Nguyễn Dậu bài thơ Người khóc rùa ở hồ Hoàn Kiếm năm 1989:

Vắt cuộc đời nhàu nát của anh

Từng giọt nước mắt

Những giọt nước mắt hiếm hoi trong cõi đời

Cho một loài rùa.

Cũng như cho những sinh linh khốn nạn

Những ma cô, gái đĩ, gã buôn mật rắn giả…

Chỉ mong sao họ giữ lại chút người.

Anh đã hứng bao mũi tên mũi dao

Của lũ quan chức thù vặt, vụ lợi, kiếm ăn cả gốc cây, bia đá, hoa văn miếu cổ, ván lát cầu Kiều…

Cứ như bàn tay nào bóp tim tôi

Nó giãy giụa đau đớn như con Nhắng chết vì bầy ăn trộm.

Cả anh, cả tôi, cả những sinh linh khốn nạn

Cả lũ ma cô, quan chức thù vặt vụ lợi

Không còn tồn tại

Nếu như một ngày

Loài tảo xanh ngắt kia chết đi

Những con rùa của tổ tiên để lại chết đi

Hồ Gươm chết

Trước sự thờ ơ…

Vụ Chúa Trời ngủ gật

Có một đoạn báo viết:

“Nhớ về thời còn công tác tại NXB Lao Động (Ma Văn Kháng từng là Tổng biên tập, PGĐ NXB Lao Động- PV), nhà văn nhắc đến cuốn “Chúa trời ngủ gật” của Nguyễn Dậu: “Chúa trời ngủ gật bị thu hồi và bị đem nghiền làm giấy. Hồi đó có cả ô tô đến trước cửa NXB Lao Động để chở sách đi nghiền. Cuốn đó thực ra không có gì, động chạm chút xíu thôi”.

Nhà văn Ma Văn Kháng đã viết chuyện này trong cuốn hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in 2009. Năm 2019 Nhà xuất bản Văn học đã in lại. Trừ những chỗ bị kiểm duyệt cắt bỏ số trang còn lại khoảng 13 trang. Nhà văn Ma Văn Kháng cũng đã trích đăng lại trên báo Văn Nghệ điện tử ngày 25-10-2018:

Đó là những năm chín mươi của thế kỷ trước, công cuộc đổi mới khởi đầu từ Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986, đang trở thành cao trào sôi nổi trong văn học. Nguyễn Dậu đã viết trở lại và vẫn là phong cách ào ạt liên tục, không ngưng nghỉ, viết một lần là xong. Một hôm anh đến Nhà xuất bản Lao Động ở 75 Giảng Võ đưa cho tôi cuốn tiểu thuyết vừa mới hoàn thành. Cuốn này anh đã đưa Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Lê Minh Khuê biên tập cuốn này. Dậu cho tôi xem giám định của Khuê viết trên giấy khổ to, trong đó Khuê khen cuốn sách nhưng nói rất tiếc vì chưa tìm được đầu ra. Đầu ra, cái cửa ải khó vượt. Đó là một sự thật hay là một cách nói khéo để thoái thác? Trong trường hợp này tôi tin Khuê nói thật.

Người đọc nó đầu tiên là Xuân Du, sau này là Phó Giám đốc, lúc đó là Trưởng phòng sách Văn học đã có thâm niên, nhiều kinh nghiệm biên tập, ý thức chính trị sâu sắc, tính tình cẩn thận, chín chắn. Tiếp đó là tôi, lúc này là Phó Giám đốc, Tổng biên tập.

Chúng tôi đều thống nhất nhận định: Tiểu thuyết viết rất có nghề. Hấp dẫn. Nằm trong mạch cảm hứng đề cao lẽ phải và tôn trọng sự thật, trên cái nền của văn xuôi nhập cuộc. Tuy nhiên, cuốn sách cũng động chạm tới nhiều vấn đề khá phức tạp. Một, đối tượng nó miêu tả không phải là những tội phạm bình thường. Hai, đây là sự thật hay bịa tạc, và là sự thật thì viết thế nào đây, vấn đề không đơn giản, cuốn sách tố cáo cái hà khắc, cái phi lý, cái vô nhân tính của chế độ nhà tù của ta. Riêng tôi còn bị ám ảnh vì nhiều chi tiết. Chẳng hạn, khi vào tù, phạm nhân bị khám ma-rơ. Giám thị bắt phạm nhân chổng đít lên để xem có giấu gì ở hậu môn không? Đọc thấy kinh quá!

Nhưng lúc này đã là năm 1992, bầu không xã hội và văn đàn đã có nhiều thông thoáng, cởi mở. Những vùng kiêng cấm, đã xóa bỏ nhiều. Truyện của Nguyễn Huy Thiệp chẳng những không thể phủ định, trái lại càng tỏa ảnh hưởng sâu rộng và nhận được sự tán thưởng của dư luận. Các cuốn khác như Chuyện làng Cuội của Lê Lựu, Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê gây ồn ào một thời rồi cũng qua, có gì là đáng quy kết, phê phán đâu. Nhưng vấn đề đặt ra vẫn phải là yêu cầu tác giả cùng biên tập nghiêm túc sửa chữa tích cực những chỗ thấy còn băn khoăn.

Cuối 1992, sau khi Nguyễn Dậu đã cắt bỏ sửa chữa khoảng gần 50 chỗ, kể cả những yếu tố phạm luật như lộ bí mật quốc gia, theo giám định của một đồng chí có trách nhiệm bên ngành chuyên môn, bản thảo với cái tên mới: Chúa Trời ngủ gật trở lại Nhà xuất bản chúng tôi.

Xuân Du bỏ ra một tuần đọc biên tập lại lần hai. Tôi đọc lại một lần, thấy ổn, đưa Xuân Cang. Xuân Cang lúc này đang là ủy viên Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động, được cử làm Giám đốc Nhà xuất bản. Xuân Cang là nhà văn nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Là người lãnh đạo quả quyết, dám chịu trách nhiệm vì trình độ vững vàng và kinh nghiệm công tác lâu năm, nhưng Xuân Cang lại là con người mềm mại, giàu chất nghệ sĩ, rất hồn nhiên chân thật trong cuộc sống.

Xuân Cang đọc Chúa Trời ngủ gật rất hào hứng. Giám định của anh ghi ở bìa bản thảo với chữ ký đẹp bay bướm đề ngày 13/3/1995 tôi còn lưu, như sau:

Những chỗ cần sửa chữa thêm:

– Tất cả những chỗ có ý ám chỉ không cần thiết cho ý nghĩa tác phẩm.

– Thay tên cái ông tên là Duyệt. Thay cái tên Trương Mẫn.

– Tôi đã ghi những chỗ cần sửa bằng mực màu nhưng đề nghị anh Xuân Du anh Kháng đọc lại một lần nữa, liên hệ với những chỗ mực màu.

Tác phẩm này giúp người đọc hướng về cái thiện, chua xót về cảnh đời nhưng bình tĩnh nhìn ra cái gì cần từ bỏ. Còn có những chỗ trần tục, nhưng không tránh hết được. Cũng phải ra một cuốn sách thế này để bạn đọc biết rằng trí thức nước ta đã trải qua bước đường oan nghiệt thế nào (nếu ai đã từng biết tác giả) và phải làm gì để liên minh công nông với trí thức, nếu muốn thi hành nghị quyết Đại hội Đảng ta cho tốt cho đúng.

Đầu tháng 4/1993, bản thảo Chúa Trời ngủ gật được đưa xuống Nhà in Thống Nhất 136 Hàng Bông. Máy in chạy. Giấy Tân Mai thấm mực, đẹp nhã nhặn. Hai tập xong cùng lúc, được đóng gáy ngay. Nhưng chưa vào bìa. Và chẳng có gì là phải lo ngại, hồi hộp cả. Sự trong sáng của chủ đề cuốn sách. Môi trường dân trí, xã hội trong đổi mới, đã vượt ra khỏi thói quen thường tình là suy luận cố chấp và hẹp hòi, thiển cận khi đánh giá.

Chúng tôi đã chủ quan! Sự tiến hóa bao giờ cũng nhọc nhằn.

Tôi ở cương vị Tổng biên tập đã nhiều lần phải trả lời cấp trên vì những cuốn sách có vấn đề. Ác mộng của Ngô Ngọc Bội viết về cải cách ruộng đất bị đắp chiếu nằm ở Quốc doanh phát hành sách ba tháng trời, không được phát hành. Chuyện làng ngày ấy của Võ Văn Trực, Người trong ống của Vi Hồng, Hòn đảo một mình của Lê Minh… bị phàn nàn. Nhưng lần này thì sự việc nghiêm trọng hơn rất nhiều. Cuốn sách viết về ngành chấp pháp và cơ quan chuyên trách về chuyện này đã vào cuộc.

Rắc rối được ngành chấp pháp báo cáo lên ông Nguyễn Văn Tư, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chủ quản. Ông chủ tịch ra chỉ thị: Phải tiếp tục sửa chữa theo yêu cầu của ngành chấp pháp.

Và thế là chúng tôi phải gồng người lên làm mọi cách để quyển sách được phát hành. Vì lúc này quan trọng với tôi còn là ở chỗ, nếu sách bị cấm thì Nhà xuất bản tôi mất toi 10 triệu đồng. Mười triệu đồng, lúc ấy đủ nuôi hơn hai chục cán bộ nhân viên cơ quan tôi 1 tháng trời! Kiếm sống bao giờ cũng là một công cuộc vô cùng nhọc nhằn, nếu không muốn là kẻ gian lận dối trá!

Cuốn sách được tận lực sửa chữa. Nguyễn Dậu chua chát nói: “Giời không chịu đất, đất phải chịu giời chứ biết làm thế nào”. Cuối cùng cuốn sách được in lại 65 trang với 101 đoạn, câu chữ xóa bỏ. Riêng chương 31, tác giả viết lại hoàn toàn, đem lại vẻ tươi sáng, có hậu cho vở bi kịch. Ngày 25/7/1993 từ thành phố Hố Chí Minh, giám đốc Xuân Cang viết thư ra cho tôi và Xuân Du. Ngoài những ý kiến khẳng định lại, rằng cuốn sách có tác dụng tốt, có ích với mọi người trong công cuộc đổi mới hôm nay, nó khuyên chúng ta phải sống có pháp luật, càng người cầm quyền thì càng phải tôn trọng pháp luật, nó thuyết minh rằng cần phải nhanh chóng có luật tố tụng hình sự, bắt người phải đúng phép, không được dùng hình phạt trước khi có án…

Buồn thay, cuối cùng cuốn sách vẫn nhận được lệnh cấm phát hành

*

Tôi quen thân với Nguyễn Dậu từ năm 1964. Nguyễn Dậu có đời sống thực tế, có trí nhớ, có trí tưởng tượng hơn người, nên viết được nhiều. Nhận được lệnh cấm phát hành cuốn sách của mình, anh đã trực tiếp gặp Bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn để đối chất. Buổi gặp có cả tôi, ở 10 Đường Thành, trụ sở Cục xuất bản. Trong buổi đó, anh thẳng thắn cãi lý, anh đốp chát gay gắt và móc máy chua ngoa ông Bộ trưởng. Anh cũng đáo để không kém trong thư gửi Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Anh đòi gặp Tổng bí thư Đỗ Mười. Anh tin tưởng ở luật pháp và viện dẫn các điều luật làu làu:

Luật xuất bản do Chủ tịch Lê Đức Anh ký ngày 7/7/1993, Điều 2 lớn có ghi: “Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản, trừ trường hợp cần thiết do Thủ tướng quyết định”

Chương II, Điều 5 của Luật xuất bản ghi: “Công dân, tổ chức có quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua Nhà xuất bản, chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm của mình và được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả”.

Điều 7: “Công dân, tổ chức có quyền phê bình hoạt động xuất bản, khiếu nại tố cáo tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của luật này, chịu trách nhiệm về việc phê bình, khiếu nại của mình”.

Điều 8: “Không một tổ chức cá nhân nào được cản trở quyền phổ biến tác phẩm, quyền hoạt động xuất bản hợp pháp của các nhà xuất bản, hoặc lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm, quyền hoạt động xuất bản làm thiệt hại tới lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cộng đồng”.

Nhưng rồi có những lúc Nguyễn Dậu buồn rầu ghê gớm và đùng đùng nổi giận. Anh viết đơn đòi ra Hội Nhà văn Việt Nam. Sáng ngày 26 tháng 7 năm 1993, vợ anh đến gặp tôi ở trụ sở Nhà xuất bản Lao Động, đưa tôi một lá thư như một lời di chúc. Anh viết:

“Thân gửi Kháng

Tôi phải vào Viện điều trị. Nhờ Kháng và Xuân Du mấy việc, nếu tôi có mệnh hệ nào:

1. Sách in xong, mua thêm 20 cuốn cho em gái Thuý Nhi, 58 Ngô Quyền, điện thoại 8264023.

2. Tiền nhuận bút chia 3:- Vợ một phần. – Con gái một phần. – Bố một phần (do Nhi lĩnh)”.

*

Hy vọng của Nguyễn Dậu và của chúng tôi thật hão huyền! Thực hiện mệnh lệnh của thượng cấp, ngày 9 tháng 9 năm 1993, Nhà máy in Thống nhất kiểm kê toàn bộ số bìa, và ruột sách cuốn Chúa Trời ngủ gật, đã báo cáo rành rọt: số sách còn lại tất cả: 994 cuốn tập I, 984 cuốn tập II, 1017 bìa chính phẩm, 202 bìa phế phẩm (hợp đồng in số 128TN số lượng 1000 bộ). Ngày 28 tháng 9 năm 1993, Nhà máy in Thống nhất có công văn yêu cầu Nhà xuất bản chúng tôi thanh toán tiền công in, tiền giấy và tính thêm lãi suất 2,1% từ ngày 22/7/1993, tức ngày cuốn sách đáng lẽ xuất xưởng thì bị giữ lại. Đau này thật tê điếng cả cái cơ quan đang nghèo khổ của chúng tôi!

Số sách còn lại đã được cất vào kho niêm phong. Ngày 25 tháng 2 năm 1994, Bộ trưởng Trần Hoàn viết báo cáo gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nói rằng: Cuốn sách không được phát hành là đã được xử lý đúng luật!

23/11/1994, thực hiện công văn số 1067QĐ/TLĐ, Hội đồng xử lý cuốn sách kiểm kê số sách đã niêm phong trong kho được tất cả 402 kg. Biên bản cuộc họp ghi rõ: “Hội đồng xử lý đã kiểm từng cuốn, cân và bốc lên xe chở đi hủy (ngâm vào bể nghiền, thành bột giấy). Đảm bảo đã hủy hết, không cuốn nào còn sót lại. Địa điểm hủy: Cơ sở seo giấy ông Trưởng thôn Đào Xá, Yên Phong, tỉnh Hà Bắc.

Ngày đoàn xe chở cuốn Chúa Trời ngủ gật đi nghiền thành bột giấy, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn được biết, anh cùng một phóng viên ảnh báo Tiền phong đã tìm đến với ý định là “mật phục” để chụp hình chiếc xe tang nọ. Tiếc thay, sáng ấy, hơn 8 giờ các anh phóng xe đến trụ sở Nhà xuất bản Lao động 175 Giảng Võ thì nó đã cao chạy xa bay từ tinh mơ rồi. Lỡ mất một pô ảnh lịch sử!

Cùng với sự việc trên, theo lệnh Tổng liên đoàn, một đoàn cán bộ Nhà xuất bản Lao động được cử đi gặp Nguyễn Dậu để “uý lạo” ông 1 triệu 500 nghìn đồng và khuyến dụ ông chấp nhận việc huỷ sách. Gần đây, trò chuyện với nhau, Anh Chi cho tôi biết: Hôm đoàn xe ô tô chở cuốn Chúa Trời ngủ gật đi nghiền thành bột, Nguyễn Dậu đã đến khóc ở nhà Anh Chi”.

Nói thêm một chút về ý của Trần Hoàn: Ngày 25 tháng 2 năm 1994, Bộ trưởng Trần Hoàn viết báo cáo gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nói rằng: Cuốn sách không được phát hành là đã được xử lý đúng luật!

Từ ngữ của ông Trần Hoàn thì đúng nhưng nội dung sự việc lại khác hẳn. Bản thân Bộ Văn hóa, cơ quan cấp phép là Cục Xuất bản không rút giấy phép xuất bản Chúa trời ngủ gật. Anh Nguyễn Khoa Điềm Thứ trưởng còn đưa tôi xem công văn gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn đề nghị tiếp tục xuất bản cuốn sách. Anh nói thân mật Ông xem có góp ý gì không để tôi ký gửi đi. Đòn đánh Chúa Trời ngủ gật là một đòn cao tay, gạt Bộ Văn hóa ra ngoài. Các thế lực ép thường vụ Tổng liên đoàn, cơ quan chủ quản của NXBLĐ rút quyết định xuất bản, tức là NXB tự thôi không xuất bản cuốn sách nữa.

Nguyễn Dậu có nói với tôi ông và Trần Hoàn là bạn thân của nhau từ hồi Trần Hoàn còn làm tuyên huấn ở Hải Phòng.

Sau sự kiện này, vì ủng hộ Chúa Trời ngủ gật, Bộ chuyển tôi sang công tác nghệ thuật thuần túy phụ trách Điện ảnh Công an. Nhà văn Ma Văn Kháng cũng gặp vài trắc trở. Còn với nhà văn Nguyễn Dậu đấy là một cú sốc rất nặng nề. Ông viết truyện ngắn Trương Chi in trên báo Văn Nghệ số 12 ngày 19-3-1994, người đọc thấy những nhân vật cường quyền đàn áp Trương Chi như Tăng Khích, Tổng Tư, Tám Nu có bóng dáng như những Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tư, Vũ Tú Nam…

Những trang sách còn bỏ ngỏ

Sau cuối những năm 1970 Nguyễn Dậu được một cơ quan đặt dịch tài liệu Hán Nôm. Ông thôi nghề phó cạo.

Năm 1984 ông vào thành phố Hồ Chí Minh tìm cách sinh sống. Dạo ấy nhiều người ở hai thành phố lớn kéo nhau sang Cam-pu-chia làm ăn. Ông nhập vào dòng người ấy sang Nông-Pênh mở một phòng khám đông y. Nghề chữa bệnh đông y của ông, nhất là châm cứu rất được ưa chuộng với cả người Việt và người Cam-Pu-Chia. Nguyễn Dậu làm ăn phát đạt có một gia sản khá lớn nhưng lọt vào mắt một công an Hà Nội đang công tác tại Nông-Pênh. Anh kia tìm cách tống tiền ông không được liền bắt ông với tội vượt biên trái phép. Nói thật với nhau hồi ấy rất nhiều người Việt Nam sang Cam-Pu-Chia (Cambodia) làm ăn đều không có giấy tờ như Nguyễn Dậu. Cuối 1985 ông bị di lý về giam ở nhà lao Chí Hòa rồi chuyển ra nhà giam Hỏa Lò. Cuối 1986 ông được một người bạn thân có cương vị cao trong Công an Hà Nội bảo lãnh xin cho ra khỏi nhà tù.

Về quãng thời gian này ông đã viết và đăng in hai truyện ngắn trên báo Văn Nghệ. Một truyện về khám Chí Hòa, một truyện về chuyến chuyển tù từ Nam ra Bắc.

Ông còn viết một cuốn tiểu thuyết về Nông-Pênh sau ngày giải phóng, chuyện làm ăn của ông và quan hệ với một viên tư lệnh bộ đội Cam-Pu-Chia. Viên tư lệnh này đã cho ông xem trại giam bí mật một số cán bộ, bộ đội Việt Nam bị bắt cóc mà bên ta nghĩ rằng họ bị mất tích. Ông còn lấy được danh sách của những người này. Đó là phát hiện mặt sau của người Cam-Pu-Chia đối với ân nghĩa Việt Nam giải phóng đất nước họ khỏi họa diệt chủng Pôn-Pốt. Ông nói với tôi rằng ông có báo cáo danh sách này lên Bộ Quốc phòng nhưng không có trả lời.

Còn cuốn tiểu thuyết thì không nhà xuất bản nào dám in, hiện giờ không rõ ai giữ bản thảo.

Cũng như một người bạn của ông, Bùi Ngọc Tấn, những năm tháng sống trong trại giam đã cho Nguyễn Dậu vốn sống quý giá về các loại tù nhân và cán bộ quản giáo. Một phần vốn sống ấy đã được tái hiện trong bộ tiểu thuyết Chúa Trời ngủ gật. Đó là những cuốn sách còn bỏ ngỏ trong cuộc đời chìm nổi của Nguyễn Dậu.

Một kỷ niệm cuối đời của nhà văn Nguyễn Khắc Phục với Nguyễn Dậu:

“Tôi lần đầu được gặp nhà văn Nguyễn Dậu khoảng 1958-1959, tại nhà anh rể tôi lúc đó là biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Vùng Mỏ, khi nhà văn vừa viết xong cuốn tiểu thuyết “Mở hầm” và bị phê phán khá nặng là viết theo lối “tự nhiên chủ nghĩa”. Lúc đó tôi còn là cậu học trò lớp 7, tất nhiên chả hiểu cái gọi là “chủ nghĩa tự nhiên” mặt ngang mũi dọc thế nào và vì sao người ta lại căm ghét, lên án cái chủ nghĩa ấy khủng khiếp như vậy. Và dĩ nhiên, nhà văn Nguyễn Dậu tác giả của cái cuốn sách mang hơi hướng của thằng “chủ nghĩa tự nhiên” phải gánh đủ thứ rắc rối, khổ sở. Bẵng đi nhiều năm, tôi không được gặp nhà văn Nguyễn Dậu, chỉ biết theo lời kể của nhà văn Vũ Bão (nhân vật thứ hai trong câu chuyện này), thì sau khi bị rầy rà vì cuốn “Mở hầm”, anh Nguyễn Dậu đi làm thợ cúp tóc ở gần đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm-Hà Nội). Cũng theo anh Vũ Bão, trong một lần tổng kết thành tích của tổ chức văn nghệ hồi ấy, người ta bảo rằng: Tổ chức ấy có công “biến một nhà văn (Nguyễn Dậu) thành một anh thợ cúp tóc” và ngược lại, “biến một anh thợ cúp tóc (ai?), thành một nhà văn”.

Chả rõ thực hư thế nào, chỉ biết là vào khoảng sau 1984-1985 gì đó, tôi được gặp lại nhà văn Nguyễn Dậu tại Sài Gòn. Hình như trước đó anh cũng vừa gặp rắc rối gì đó ở Nông-Pênh (Căm-pu-chia). Chưa kịp hàn huyên thì giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên lúc đó là anh Hoàng Phong (nếu tôi nhớ lầm, rất xin anh Hoàng Phong tha lỗi), mời nhà văn Nguyễn Dậu đi cùng xuống Vũng Tầu tìm hiểu thực tế sáng tác. Trên đường đi, anh Dậu hầu như không đả động đến những chuyện không vui, bất hạnh của mình, anh toàn say sưa nói với tôi về nghề nghiệp văn chương, những ý đồ sáng tác anh đang ấp ủ, chán rồi quay qua chuyện lý số, tử vi, y lý, thuốc men, cây cỏ dược thảo…

Lại bẵng đi, không được gặp anh nhiều, chỉ biết là nhà văn viết say sưa, nhiều cuốn sách, truyện ngắn của anh (tác phẩm cũ được in lại hoặc những cái mới viết và công bố) nhiều người đọc khen hay, đánh giá cao.

Lại bẵng đi, cho đến khi tôi trở lại Hải Phòng, được một bạn văn Hải Phòng đưa đến thăm nhà văn Nguyễn Dậu. Thấy anh bây giờ có tổ ấm mới, nhà cửa khang trang, vẫn hăm hở muốn viết, tôi mừng quá, ngỏ ý muốn biếu anh một món quà. Anh bảo:

– Cái máy chữ cũ của anh vừa nặng, vừa không có dấu. Giá có cái mới, có dấu diếc đàng hoàng thì tốt quá.

Tôi hớn hở cùng anh bạn văn Hải Phòng, lùng khắp các cửa hàng máy chữ trong thành phố, mua được một “con” Olympia mới cứng, dấu diếc đàng hoàng, hùng hổ mang xuống biếu ông anh, kèm theo 6 câu lục bát đề tặng:

Đố ai nhìn thấu ruột tằm

Để ta khuyên nó thôi đừng nhả tơ

Một bàn phím, một giấc mơ

Một đôi mắt chẳng bao giờ ngủ yên

Khóc cùng kẻ nọ oan khiên

Hãy ru ta ngủ trong duyên của Người…

Vậy mà mới chia tay nhau, tôi về Hà Nội rồi vào miền Tây Nam Bộ tìm chất liệu viết tiểu thuyết “Châu thổ”, chưa đầy hai tháng, bỗng nghe tin dữ qua điện thoại di động. Cô con gái riêng của vợ anh nghẹn ngào báo tin:

– Chú ơi, bố Dậu cháu đi rồi…

Lúc xuống thắp hương 49 ngày anh, tôi mới hay là anh chỉ kịp gõ vài chữ trên cái “con Olympia” dấu diếc đàng hoàng, đã ngã bệnh nặng. Và đi.

Tôi khấn anh:

– Anh Dậu ơi, tha lỗi cho em nhá, em về muộn quá…”

                                                                                                 Hà Nội, tháng 12-2023

                                                                                                              T. K. T

Comments are closed.