TÁR, hiện thân của thiên tài và cám dỗ

Kalynh Ngô

Tár là một phim ma? Phim khắc hoạ nhân vật lịch sử? Phim về âm nhạc? Phim hiện thực xã hội? Phim tôn vinh phong trào Me Too? Không cái nào đúng. Vì Tár bao gồm tất cả. ‘All-in-one’

Đạo diễn Todd Field đã dành 80% thời gian của phim chỉ cho riêng Tár của Cate Blanchett: đối thoại, độc thoại, diễn xuất, chơi đàn, soạn nhạc, chỉ huy dàn nhạc… và ông không hối hận. Cate đã hoá thân xuất thần ở bất cứ phân cảnh nào trong phim, từ hình ảnh đầu tiên trên đỉnh vinh quang ở Lincoln Center cho đến phút cuối cùng, làm nhạc trưởng cho một đoạn nhạc video game, đối diện với khán giả trong trang phục cosplay.

Ngay cảnh đầu tiên của phim, Todd Field cho Tár xuất hiện trong một phong thái uy nghiêm, đĩnh đạc, toát lên quyền lực vô song của nữ nhạc trưởng đồng giới lừng danh trong giới âm nhạc cổ điển. Nhưng, Tár, với bộ áo vest cách điệu được đo chuẩn mực (phần này Todd dành hẳn gần năm phút để thấy yêu cầu hoàn hảo tột đỉnh và hình ảnh hàn lâm độc tôn của nữ nhạc trưởng), áo sơ mi trắng cao cổ đầy kiêu hãnh, gương mặt của Tár vô hồn như đang mang một chiếc mặt nạ. Peter Bradshaw của The Guardian không ngần ngại gọi đó là chiếc mặt nạ của Tutankhamun, xác ướp bằng vàng của Pharaon Tutankhamun thuộc Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại.

Thật sự là Tár đã mang gương mặt đó xuyên suốt cuốn phim. Gương mặt trắng bệch, hiếm khi cười, phong thái tự tin đến tự tôn, dáng đi nhanh nhẹn với góc mặt luôn hướng lên cao, hai tay bỏ vào túi quần, khi giảng bài cũng như khi giao tiếp. Tất cả hình ảnh đó khắc hoạ một Tár đầy tài năng và thừa kiêu ngạo.

Nếu chỉ như thế, Todd Field sẽ không cần Cate Blanchett. Cái ông cần những lần xuất thần gần như độc diễn của Cate như trong trường đoạn cô diễn thuyết cho học trò về âm nhạc và đạo đức nghệ thuật; hoặc chìm đắm trong những âm thanh phát ra từ trong một thế giới nào đó, chỉ có Tár biết.

Khi Tár bước lên bục, với cây baton trong tay, hô mưa gọi gió. Chỉ cần trong ban nhạc có một âm thanh hơi quá to, hay kéo dài chưa đủ, cũng làm cho Tár sực tỉnh. Tạo hình Todd Field dành cho Tár trong vai trò nhạc trưởng có thể hơi “over” với thực tế, nhưng chỉ như thế mới lột tả hết sự cháy bỏng và kiêu hãnh toàn vẹn trong Tár.

Tár đã mang sự kiêu hãnh đó đặt vào từng ngõ ngách trong đời thường. Phân đoạn cô chở con gái nuôi Johanna đến trường, với mục đích chính là gặp một nữ học sinh, người bạn học đã có lời nói không tốt với cô bé Johanna. Những lời nói của vị nữ nhạc trường quyền năng Lydia Tár làm run sợ cô bé nhỏ, đủ để cô sử dụng quyền lực của mình áp đặt cả những linh hồn bé nhỏ, thay vì cách xử lý mềm mỏng của một người mẹ. “I know what you was doing to her and if you ever do it again, do you know what I’ll do? I’ll get you. And if you tell any grown-up what I just said, they won’t believe you, because I am grown up, and I will get you,” Tár đã nói như thế.

Todd Field xây dựng một Tár có đôi tai thẩm âm thiên bẩm. Đôi khi chỉ là hai hoặc ba nốt nhạc lẻ loi, vô hồn (với người thường) nhưng Tár vẫn nghe thấy được cái gì cần huỷ bỏ hay giữ lại. Chính đôi tai này đã đưa Tár lên đỉnh vinh quang, nhưng cũng “chỉ điểm” tất cả cám dỗ tội lỗi trong cuộc sống của cô khi bước ra khỏi phòng hoà nhạc.

Một nhân vật chưa bao giờ xuất hiện trong phim nhưng lại chính là cánh cửa mở ra điểm cao trào của phim và ảnh hưởng tất cả diễn biến tâm lý của Tár. Đây là lý do vì sao có thể gọi Tár là một phim ma. Tiếng gõ cửa, âm thanh trong nhà vang lên giữa đêm khuya, tiếng người la hét trong khu rừng buổi sớm… Thật ra, nhân vật này đã xuất hiện ngay cảnh đầu tiên của phim. Tài năng tinh tế của Todd Field là ở đây.

Ông lẳng lặng tạo ra nhân vật Krista, người tình cũ của Tár như một hồn ma, một hồn ma về báo oán với Tár. Chỉ có Tár mới hiểu được, nghe được những âm thanh từ một đồng vọng âm tào địa phủ nào đó. Chỉ có Krista mới làm Tár giật mình thức giấc hàng đêm, hay điên loạn với những ám ảnh về kẻ bám theo sau lưng mình. Chỉ có Tár mới biết Krista muốn gì, và ngược lại.

Tár của Todd Field là một người nghiện. Cô nghiện âm thanh, nghiện vinh quang, nghiện quyền lực, nghiện tình yêu. Dù tài năng và quyền lực đến mấy, thì Tár cũng bị quyến rũ bởi cái mới lạ. Một lần nữa, Cate Blanchett đã chứng minh tài năng diễn xuất của ngôi sao đang giữ hai tượng vàng Oscar danh giá. Trái tim Tár tuy bị lung lay bởi sự trẻ trung, sôi nổi của cô gái chơi cello trẻ đang tìm cơ hội vào dàn nhạc, nhưng luôn cố giữ cứng rắn, kiêu ngạo. Cuối cùng, vẫn không bước qua cám dỗ ái tình. Lydia Tár tội nghiệp đã phải gượng gạo, nói với theo vài câu khi bị nữ nhạc công từ chối cùng đi ăn tối trong chuyến công tác hai người. Diễn xuất tâm lý này xảy ra rất nhanh nhưng đã cho thấy rất rõ đẳng cấp ngôi sao hàng đầu của Cate Blanchett.

Từ phần mở đầu đến kết thúc phim, là một chuỗi biến hoá tâm lý của Tár. Ở phần đầu, Todd Field dựng nên một Tár thiên tài, đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối, đánh đổi ái tình để nhận về sự quy phục quyền lực độc tôn. Thì càng về sau, Todd Field càng “nhả” Tár ra, mềm yếu, và đầy cám dỗ. Cho đến cuối cùng, Field hoàn toàn trả Tár về nguyên thuỷ của sự khởi đầu. Tár gột rửa (linh hồn) trong dòng suối mát ở một đất nước xa xôi, một vùng nghèo khổ, đi lại bằng thuyền chứ không phải chiếc Porsche sáng loáng ngày nào trên nước Đức. Tár bước lên bục nhạc trưởng, điều khiển dàn nhạc, nhưng không phải bản giao hưởng số 5 của Mahler, mà là một bản nhạc cho video game.

Lần đầu tiên khi Cate Blanchett đọc kịch bản của đạo diễn Todd Field, cô tự nhận mình đã hít một hơi thở rất dài. “Một trong những điều nguy hiểm và đáng báo động về bộ phim là nó không kêu gọi sự thương cảm hay đưa ra những giải pháp dễ dàng,” cô nói. “Không ai thập toàn thập mỹ, và cũng không ai hoàn toàn vô tội. Đó là một cuộc chất vấn về bản sắc thối nát của quyền lực thể chế, nhưng đây cũng là một bộ phim rất nhân văn bởi vì trong phim, bạn nhìn thấy hình ảnh khủng hoảng thực tế của một người nào đó trong xã hội này.”

Những cảnh Tár chơi piano, nói tiếng Đức, tất cả là diễn xuất thật của Cate Blanchett. Khi Cate 9 tuổi, cô học một lớp nhạc ở Melbourne, Australia. Giáo viên dạy nhạc, bà McCall là người đầu tiên đã nhận ra tài năng của Cate ở đâu. Cho đến một ngày khi Cate chơi piano, bà McCall đặt tay lên vai cô và nói, “Con đã không luyện tập phải không?” Cate oà khóc và thú nhận, “Không, con đã không.” Bà McCall đã nói: “Ta nghĩ rằng chúng ta nên dừng ở đây, bởi vì ta không nghĩ con muốn trở thành một người chơi piano, con muốn trở thành diễn viên.”

Cho dù lúc đó, bà McCall có chút thất vọng, nhưng chắc chắn giờ đây, nếu còn sống, bà sẽ tự hào vì mình đã sớm nhìn ra một tài năng điện ảnh của thế giới.

Đừng nói Tár là vai diễn “đo ni đóng giày” cho Cate Blanchett!

Cũng đừng nói “Chỉ có thể là Cate Blanchett!”

Tất cả đều vô nghĩa. Tất cả đều thừa.

Nhưng, hãy cẩn thận khi xem Tár nhé. Với thời lượng 2:37 phút, Tár không phải là một phim quá dài, nếu so với Avatar, hay Everythinng Everywhere All at Once, nhưng để xem hết Tár, tôi mất hai ngày. Cứ khoảng nửa tiếng, đôi khi chỉ 15 phút, lại ngưng. Ngưng đến khi nào tôi biết chắc lý trí của mình đã thật sự hiểu rõ cảm xúc của nhân vật trong lúc đó.

May be an image of 1 person and standing

May be an image of 3 people, people playing musical instruments and indoor

May be an image of 1 person and indoor

May be an image of 1 person and indoor

May be an image of 1 person

Ảnh trong bài: Focus Pictures

Comments are closed.