(Bài bạt cho tuyển tập THƠ BUỔI SÁNG, Nguyễn Đức Tùng, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2023)
Đỗ Quyên
“Đừng tưởng cứ đợi là chờ.
Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần.”
(Khuyết danh)
*
“Nhân vật chính yếu của lịch sử văn học là thể loại.”
(M. Bakhtin)
*
“Mỗi tác giả, tác phẩm phải là một chữ, một câu
trong bài-thơ-chung của nghệ thuật thi ca.”
(Đ.Q.)
MỤC LỤC
1. “Hoặc là xuất hiện bằng một kiệt tác, hoặc là tự vặn cổ mình!”
2. Một đại diện hải ngoại tạo ảnh hưởng đến sinh hoạt văn chương trong nước
3. Sơ lược về thể thơ văn-kể và thơ Nguyễn Đức Tùng
4. Một tác giả hàng đầu trong dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị
5. Các đặc điểm như là rào chắn thơ Nguyễn Đức Tùng tới bạn đọc
6. Quan hệ hiện đại và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Đức Tùng
7. Tương lai của các loại hình nghệ thuật như thơ Nguyễn Đức Tùng
8. Những lời tạm kết
Chú thích & trích dẫn
Phụ lục:
1. Bình luận của Lê Hồ Quang
2. Trích lược và diễn giải bài của Trần Văn Tích
3. Về văn chương Việt, nhân hai trường hợp khác nhau – thơ Nguyễn Đức Tùng và tiểu thuyết Thuận
1. “Hoặc là xuất hiện bằng một kiệt tác, hoặc là tự vặn cổ mình!”
Bằng vế đầu, Honoré de Balzac nói với các thiên tài khác, đó là tâm sự giữa những đấng bậc phi thường; vế sau hẳn vị thiên tài văn học Pháp ngụ ý với cánh văn nghệ sĩ “bất bình thường”.
Nguyễn Đức Tùng cũng như không hiếm các tay bút theo kiểu tác giả bất-bình-thường, theo nghĩa nghiêm trang, tử tế nhất của từ này. Kiệt tác cả trăm năm, dăm trăm năm mới xuất hiện. Còn những-cái-cổ-đang-vặn thì nhiều, nhiều lắm…
Thơ Việt đương đại[1] đã tạo thời vận cho những-cái-cổ-đang-vặn, nhất là vào thời kỳ hậu Đổi mới[2] ở Việt Nam tạm coi là khoảng thời gian 1995-2015. Nguyễn Đức Tùng là một trong số đó, kiên trì và sôi nổi. Hơn thế, anh thuộc vào số ít các nhà thơ nổi lên từ thời đó mà vẫn sôi nổi và kiên trì cho đến tận các năm 2020s này – khi mà thơ cũng như văn chương tiếng Việt, cả trong lẫn ngoài nước, lâm vào giai đoạn "nổ bong bóng".
Đấy là một người làm thơ; về cung cách từ truyền thống đến (hậu) hiện đại; về nhân thân có tuổi tác, trải nghiệm, hành trình cuộc đời neo lên đủ các thăng trầm từ đáy vực cho đến lầu cao của xã hội người Việt từ 1954 đến nay, trong đó có miền Nam Việt Nam và hải ngoại; và theo đuổi một đường hướng sáng tạo phải nói là “kỳ khôi” trong một thể thơ chưa ổn định của thi ca tiếng Việt mà chúng tôi, tại đây, đề nghị được định danh là thơ văn-kể[3].
2. Một đại diện hải ngoại tạo ảnh hưởng đến sinh hoạt văn chương trong nước
Đấy là một trong không nhiều người Việt hải ngoại thẩm thấu và đam mê nối kết văn thi hữu trong-ngoài nước, qua hàng loạt bài phỏng vấn, phê bình, biên tuyển… cũng như phổ biến tới độc giả Việt Nam thi ca Bắc Mỹ hiện đại. Nói một cách tương đối, giới văn chương tiếng Việt hải ngoại từ sau 1975 với chừng năm bảy vị đại diện đã có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn học trong nước: Khánh Trường và Phạm Thị Hoài (về tạp chí); Đặng Tiến và Thụy Khuê (phê bình, biên khảo); Nguyễn Hưng Quốc và Khế Iêm (nghiên cứu, lý luận); và Nguyễn Đức Tùng (bình luận, đối thoại thơ).[4]
Đấy là còn là một trong những người miền Nam giàu tâm ý với nền thi ca miền Bắc và biết từ đó rút ra cái hay, lọc đi cái dở cho thơ và hoạt động thi ca của mình. Người viết chưa được biết tay thơ thứ hai nào khác có chí có lòng vừa cao vừa khó như thế, ở hải ngoại? Thơ và bạn thơ miền Bắc ảnh hưởng lớn đến hành trình văn học của anh – người hiển nhiên luôn đặt thơ miền Nam trong lòng. Nói riêng trường hợp Nguyễn Đức Tùng, nếu như không có biến cố 1975, nếu như không ra hải ngoại, nếu như không trực tiếp sống cùng thơ Bắc Mỹ, và nhất là nếu như không còn gắn bó với thơ trong nước, chúng tôi cả nghĩ cây bút này sẽ không thể có thơ như đang là.
Nhân vật chính của chúng ta hôm nay, tự nội tâm cho tới sáng tác, là kẻ mê đắm và hiểu biết sinh hoạt văn học hiện đại và đương đại ở khắp cả Việt Nam cùng hải ngoại: khách quan để chính xác; khoa học nên hiệu quả; chủ đích trong tư thế. Số này thật ra không nhiều. Những người đi trước – ở các lĩnh vực văn nghệ khác nhau – phải kể Đặng Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ, Ngô Thế Vinh, Thụy Khuê, Hoàng Khởi Phong… Nhấn mạnh vậy, vì Nguyễn Đức Tùng thuộc loại tay bút rất, rất phụ thuộc ngoại cảnh: không có môi trường sáng tác, thiếu vắng bạn viết, hụt hẫng diễn đàn, vẻ như chàng chẳng thể viết nổi hoặc viết không đặng tâm ý.
Trước đây, in chung vài lần nhưng nhà thơ chưa hề xuất bản riêng tập thơ nào. Tạp chí Nghệ thuật mới số 11/2012 từng trở thành “thư viện Nguyễn Đức Tùng” đầu tiên, với khoảng 20 bài thơ cần và đủ nhận chân một tay viết chuyên nghiệp tài giỏi.
Cho phép chúng tôi tin rằng, với tuyển tập thơ đầu tay Thơ buổi sáng – chính thức và trọn vẹn – tác phẩm và dư luận rồi sẽ đánh dấu Nguyễn Đức Tùng như một nhà thơ độc đáo đáng kể trên nền thi ca Việt Nam đương đại từ sau 1954, và cũng như một cây bút góp phần mới lạ tích cực của mình cho văn học tiếng Việt ở các thập niên đầu thế kỷ 21.
Xin được phân chia, với mốc các năm là tương đối, 4 thời kỳ làm thơ của tác giả: Thời kỳ thứ 1: ở Việt Nam (không có nhiều thông tin, bài vở); Thời kỳ thứ 2: ra hải ngoại cho tới cuối thập niên 1990, đây là giai đoạn "truyền thống": các sáng tác đều là thơ vần điệu theo các thể loại truyền thống; Thời kỳ thứ 3: khoảng thời gian 2000-2015; Thời kỳ thứ 4: từ 2015 đến nay. Hai thời kỳ sau có thể gọi là giai đoạn "(hậu) hiện đại".
Thi tập Thơ buổi sáng với 3 phần sáng tác của nhà thơ: Thơ, Haiku, và Trường ca.
Phần chính yếu là Thơ bao gồm gần 140 bài[5], trong đó khoảng mươi bài cũ từ trước thời kỳ 3; chừng 80 bài mới của thời kỳ 4; còn lại tầm 40 bài thuộc về thời kỳ 3.
Trong làng văn chương – báo chí hải ngoại, về mặt hiệu quả ở phẩm lẫn lượng của các sáng tác, nhà thơ tham gia rất trễ, ngay cả so với những thi hữu lứa sau. Thiển ý chúng tôi, ở hai thời kỳ đầu, thơ của anh chưa thể coi là thành đạt; và trên thực tế tác giả không tạo dấu ấn giữa dư luận và văn giới chuyên nghiệp thời đó. Thời kỳ 3 thực sự là "mùa hoàng kim" cho thơ Nguyễn Đức Tùng nhờ thể tài thơ văn-kể. Và hiện đang thời kỳ 4 – không chỉ với thơ – tác giả tung hoành ngoạn mục, về số lượng sáng tác cùng thi hứng tràn trề, trên hầu hết các thể thơ tự do, từ haiku qua thơ trữ tình (kiểu bình thường) cho tới thơ dài/trường ca.
3. Sơ lược về thể thơ văn-kể và thơ Nguyễn Đức Tùng
Tạm gọi là thể thơ văn-kể, để khu biệt giữa những hình thức/dạng thơ “phi truyền thống” từ sau thời Thơ mới như các thể thơ đã được định danh: thơ tự do, thơ không vần, thơ văn xuôi, thơ hình họa, thơ khẩu ngữ, v.v. Đặc biệt để so với thơ-kể, một cách gọi khá quen thuộc của thể thơ Tân hình thức Việt.
Ở đây chỉ mới phác họa về thơ văn-kể; và cũng lần đầu tiên khái niệm này được dùng để khảo sát cho một trường hợp cụ thể Nguyễn Đức Tùng – người đã dự phần dài hơi và nhiều triển vọng trong sự phát triển “vô tổ chức” của thể thơ này.
Về đặc điểm, thơ văn-kể kiểu như Nguyễn Đức Tùng: hình thái căn bản là thơ tự do không âm vần; không tạo nhịp điệu qua từ ngữ, khó nhận biết khi nào kết thúc một câu thơ qua trật tự bên ngoài; tức là thường xuống dòng, ngắt câu theo nội dung câu thơ; ít dùng nghệ thuật tu từ; nhiều bài tựa như thơ dịch.
Các chỗ khuyết đó so với thơ bình thường khiến thể thơ văn-kể thường lâm vào thế gắng gượng, giả tạo; tức là dễ bị coi không-là-thơ. Nếu dùng định nghĩa của Phan Ngọc, “Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản” thì Nàng thơ văn-kể sẽ thưa thốt: “Em chã quái đản! Bình dị như nhời văn kể chuyện thôi mờ…”.
Và đây là một số tiêu chí để thơ Nguyễn Đức Tùng vẫn là “thơ”: Nhịp điệu bên trong được tạo qua ý tưởng; Tứ thơ chính xác, ám ảnh; Cảm xúc sinh ra bằng ý tưởng; Hình tượng đa tạp, đôi khi rất ấn tượng… Nhất là, chỉ cần dùng “lửa” thử thơ hiện đại của Roman Jakobson – “Thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” thì thơ Nguyễn Đức Tùng ổn. Hay dở tùy người đối diện! Có điều – nhấn mạnh – ngôn ngữ trong thơ văn-kể nói chung và thơ Nguyễn Đức Tùng nói riêng, là ngôn ngữ tư duy, không là ngôn ngữ hình tượng.
Điểm lại các tiêu chuẩn đến từ hình thức văn xuôi và phương thức kể nói chung: có đầu đuôi trình tự; tỏ ra chú ý, coi trọng điều gì đó; không chau chuốt về văn chương; có nội hàm của một thông tin, một câu chuyện nhỏ; hành văn chân phương giọng thư từ, báo cáo, hồ sơ; không coi trọng âm tiết, vần nhịp; trực tiếp, ngắn gọn; có ý đồ nhất định; lấy trật tự thời gian, không gian làm mốc.
Chúng ta thử so sánh thơ văn xuôi và thơ văn-kể.
Thơ văn xuôi: câu, ý quyện thành dòng chảy về cả hình thức (không xuống/ngắt dòng, có khi không biết hoa, không dùng các ký hiệu chấm phẩy) lẫn cú pháp (kết cấu chủ-vị-bổ ngữ thường bị vi phạm); nhiều câu/đoạn không có ý, nghĩa logic của văn xuôi mà tạo ấn tượng cảm xúc giống thơ bình thường; có nhịp điệu đến từ hình thức ngôn ngữ…
Trong khi đó, thơ văn-kể ngược lại những điều trên, xuống/ngắt dòng như thơ tự do bình thường; cố gắng giữ ngữ pháp chuẩn; các câu/đoạn có ý, nghĩa, toàn bài có đích và thường có câu kết tạo sốc.
Có thể ví thơ bình thường như chạy việt dã vài kilômét; thơ dài và trường ca: maratông; thơ văn xuôi: chạy trình diễn quanh sân vận động; còn thơ văn-kể là cuộc chạy 100 mét.
Hình dung nếu độc giả ngoại quốc đọc bản dịch thơ văn-kể của Nguyễn Đức Tùng thì sao? Dễ hiểu, vì gần như nội dung, ý tưởng được giao chuyển trọn vẹn. So với thơ Tân hình thức Việt, thơ văn-kể thuận lợi hơn khi chuyển dịch ra các ngôn ngữ quen thuộc nhờ sự tường minh của ý nghĩa, không có nhịp điệu chung và không bị ràng buộc bởi kỹ thuật vắt dòng.
Với chúng tôi, hình thể chung của thơ văn-kể như có đã lâu, bắt nguồn từ nhiều thể loại văn hóa truyền thống. Chính bài Tình già của Phan Khôi từng khởi động Thơ mới cũng có thể xem là một dạng như vậy, ở lối kể trực tiếp, có cốt truyện tình tiết, có điệu có nhịp mà không vần…
Trong dòng thơ kháng chiến và cách mạng đã có không ít sáng tác là thơ văn-kể hoặc mang ít nhiều biểu hiện. Sang thời hiện đại, nhiều tác giả đã dùng như thủ pháp, thậm chí làm nên một trong những bút pháp thành tựu như ở Chế Lan Viên.
Vào những năm 2010s khi các sáng tác hậu hiện đại xâm lấn, không ít tác giả hiện đại cũng nhận ảnh hưởng để có thơ văn-kể: Thanh Thảo, Thường Quán, Trần Tiến Dũng, Phan Cung Việt, Lưu Mêlan… Lối viết này thường rất thuận tay cho đa số tác giả hậu hiện đại, trong từng bài hoặc ẩn hiện từng câu, đoạn. Trần Khiêm có bài Trong số những lần không đáng nói[6], đấy là thơ văn-kể theo cách điệu hậu hiện đại quen thuộc của mình kéo liên tục hai năm. Dễ so về thi pháp: trong cùng một lần xuất hiện[7], hai tay viết hiện đại là Lưu Mêlan (bài TDCCC) và Lê Nguyên Tịnh (Đặt tên) đã đi theo lối văn-kể, trong hai tay viết hiện đại khác Phạm Mạnh Hiên (Vai diễn) và Trịnh Duy Kỳ (Ngày Vũ) thì theo lối thơ tự do thông thường. Nhãn tiền: lướt mạng trong khi hoàn thiện bài viết này gặp Kỉ vật của nhà văn đến từ Mai Thìn[8].
Thật lý thú: thơ Tân hình thức Việt đã dùng “kể” như một bút pháp chủ lực, tạo sự lôi cuốn kỳ dị nhưng với ngôn ngữ của “thơ” – tức là có nhịp điệu bằng các kỹ thuật nối dòng, lặp lại… Và, Thơ kể – Poetry Narrates chính là tên của một tuyển tập thơ Tân hình thức Việt[9].
Để góp phần nhận ra các điều trên, mạn phép so sánh hai loại văn bản từ hai bài tiêu biểu cho thể thơ văn-kể kiểu Nguyễn Đức Tùng. Chúng tôi thấy đây cũng là hai bài tương đối hay về nghệ thuật trên mặt bằng thơ Việt hiện nay.
Bản 1 là bài thơ gốc của tác giả. Bản 2 là bản “văn xuôi” do người viết chuyển toàn bộ các chữ từ Bản 1, có thêm bớt các dấu chấm phẩy.
Bản 1:
“Quê hương
Anh bỏ nhà đi năm mười bảy tuổi
Cầm tay em gái dặn dò
Săn sóc mẹ cha
Chăm lo vườn tược cửa nhà
Đừng quên con chó nhỏ
Anh đi một mạch ba mươi năm
Khi về mẹ cha đã mất
Em gái không còn
Con chó chôn ở góc vườn
Cà đang ra nụ, hoa khế rụng đầy sân
Anh ngạc nhiên
Thấy nhà sạch sẽ
Bàn thờ ngát thơm hương khói
Ngồi ở cửa sau
Một con khỉ lông vàng
Đang ăn chuối”
Bản 2:
“Quê hương
Anh bỏ nhà đi năm mười bảy tuổi. Cầm tay em gái dặn dò: Săn sóc mẹ cha, chăm lo vườn tược cửa nhà, đừng quên con chó nhỏ. Anh đi một mạch ba mươi năm. Khi về mẹ cha đã mất. Em gái không còn. Con chó chôn ở góc vườn. Cà đang ra nụ, hoa khế rụng đầy sân.
Anh ngạc nhiên, thấy nhà sạch sẽ. Bàn thờ ngát thơm hương khói. Ngồi ở cửa sau, một con khỉ lông vàng, đang ăn chuối.”
Có thể thấy Bản 2 không được là “thơ”, ngay khi đọc như thể thơ văn xuôi.
Tương tự với bài thơ cực ngắn sau:
Bản 1:
“Chiến thắng
Phá xong giặc Ân
Đông Ki Sốt
Phóng mình lên ngựa sắt
Dông tuốt
Không ở lại dự tiệc.”
Bản 2:
“Chiến thắng
Phá xong giặc Ân, Đông Ki Sốt phóng mình lên ngựa sắt, dông tuốt, không ở lại dự tiệc.”
Theo quan sát sơ bộ, dễ dàng “chuyển văn bản” cho chừng hai phần ba (2/3) số lượng bài thơ văn-kể của Nguyễn Đức Tùng.
Bởi vậy, nếu như tạo được "thi pháp thơ văn-kể" của văn học Việt thì Nguyễn Đức Tùng sẽ là tác giả đầu tiên thành công ở thể thơ chưa ổn cố này?
Và ngay cả khi đó, dù thể thơ văn-kể không thể ảnh hưởng mạnh đến thơ Việt, nhưng đó sẽ là một trong các nguồn trợ lực để thơ Việt thăng hoa, thêm nhiều thành tố ngõ hầu trở nên tài sản chung của nhân loại. Nhãn tiền, bằng cơ sở lý thuyết chặt chẽ, với thực hành sáng tác thành phong trào đủ rộng trong-ngoài Việt Nam, với “thủ lĩnh” – thi sĩ Khế Iêm – dấn thân toàn phần vì trường phái, hơn hai thập niên qua, thơ Tân hình thức Việt đã rất gắng công, dần dà đạt được điều như trên.
4. Một tác giả hàng đầu trong dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị
Nguyễn Đức Tùng còn là một trong vài cây bút đầu tiên khiến người viết, từ nhiều năm qua hình thành, tìm hiểu dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị như là một nhóm các tác giả thơ Việt cần phương pháp tiếp cận riêng.
Thêm lần nữa, chúng ta hãy lưu tâm về “dòng thơ cần giải thích giá trị” Việt Nam từ những nhà thơ:
a. Có lối viết mới-lạ khó nhận chân, đã/đang/tiềm năng đề xuất bút pháp/thi pháp thơ, góp phần đáng kể thay đổi hình thể và phẩm chất thi ca Việt hiện nay.
b. Chưa/ít được giới phê bình và dư luận nhìn nhận/đúng đắn/đầy đủ.
Nói nôm, đó là những tác-giả-khó.
Danh sách dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị bao gồm 32 tác giả đương đại (Cập nhật 18/10/2022):
Chân Phương, Đặng Huy Giang, Đinh Thị Như Thúy, Đoàn Huy Giao, Khế Iêm, Hoàng Xuân Sơn, Lê An Thế, Lê Đình Nhất Lang, Lưu Mêlan, Mai Quỳnh Nam, Mai Văn Phấn, Ngô Tự Lập, Ngu Yên, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thanh Hiện, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Phan Nhiên Hạo, Phạm Phú Hải, Trần Khiêm, Trần Thiên Thị, Thường Quán, Trần Nhuận Minh, Trần Tiến Dũng, Trương Đăng Dung, Tuyết Nga, Uyên Nguyên, Vũ Lập Nhật, và Vương Ngọc Minh[10].
Phương pháp tiếp cận là khảo sát trong hệ thống và định giá trong tương quan khi nương theo những tiêu chuẩn đối lập (hay-dở, đổi mới-nguyên cũ, hiện đại-truyền thống, cách tân-cổ điển, tiêu biểu-bình thường, nổi danh-chìm khuất).
Ở thập niên trước, các tìm hiểu với ba tác giả Tuyết Nga, Mai Văn Phấn và Nguyễn Quang Thiều[11] đã được công bố.
Cho tới nay, ngay cả với toàn tập Thơ buổi sáng (nhìn chung đã là không “khó” đọc lắm”) cũng thật khó thấy hết các lý do vì sao khó tìm hiểu thơ Nguyễn Đức Tùng hơn nhiều “tác giả khó” khác ở cùng cái “dòng thơ khó” này!?
Quan niệm rằng mỗi tác giả, tác phẩm là một chữ, một câu trong bài-thơ-chung của nghệ thuật thi ca, chúng tôi cố gắng bình giá từng nhà thơ của Dòng thơ cần giải thích giá trị như những liên-tác-giả. Bàn về tác giả này cũng có thể luận đến tác giả hay chuỗi tác giả khác, trong hoặc ngoài hệ hình. Không chỉ nghệ thuật thi ca, mà còn văn-hóa-của-thi-ca.
Liên tác giả cùng Nguyễn Đức Tùng gần như chẳng có ai, về lối viết. Rất nhiều bài thơ của anh không là sáng tác có vấn đề, vì chỉ hiểu/cảm sai lệch một chút, thậm chí không hiểu/cảm, là chẳng thấy vấn đề gì. Mọi thứ tưởng bình thường, có khi tầm thường. Thế cũng thành thơ. Cả hình thức lẫn nội dung. Nhưng đó lại là các tổ hợp ngôn tự ám ảnh âm ỉ. Vậy “ăn tiền” rồi! Con-mắt-thứ-ba chưa nhìn ra? Thì sau con-mắt-thứ-ba…
Với tác giả này ba đối tượng đọc là thơ-cho-người-đọc, thơ-cho-người-viết, và thơ-cho-nhà-phê-bình được đan quyện.
Theo bốn tiêu chí quyết định văn học, kiểu này ở thơ Nguyễn Đức Tùng chuyển hóa về thẩm mỹ thi ca (nếu như thành công!?) dù chưa rõ ràng về đặc trưng thể loại, còn về phương cách sáng tác và hình thức ngôn ngữ lại bình dị và căn bản, tưởng không là thơ. Đây là thứ văn-học-khó tự thân, như một sáng tạo đòi ly biệt hệ hình đang có về thực chất nhưng còn trong dáng vẻ ngập ngừng.
Đây còn là kết quả từ sự song hành hai dòng văn hóa Đông-Tây, cạnh tranh giữa hai nhân sinh quan của hai ý thức hệ, và bất ổn trong hai hình thức văn-thơ. Trên tam giác ấy, Nàng thơ chông chênh ở hai đỉnh sau; nói gọn, tác giả của những bài thơ văn-kể chưa tạo ra thi pháp mới; nhưng có thể?
Thử nhìn Nguyễn Đức Tùng từ tác giả khác ở thái cực bên kia, về nhiều mặt. Như chúng tôi từng phân tích, Nguyễn Quang Thiều có thơ không là loại văn-học-khó tự thân; chỉ “khó” tùy theo dư luận và bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố ngoài thơ, thậm chí phi/phản thơ; đáng kể: có thi pháp ổn cố đến gan góc trên cả bốn tiêu chí làm nên văn học. Nếu được ví trường thơ Nguyễn Quang Thiều là cánh rừng nguyên sinh Cúc Phương – đến đó và chỉ cần đến đó, đi hết chiều tây sang đông, sống qua đêm sang ngày… là có thể thấu hiểu về rừng; thì mỗi cụm thơ Nguyễn Đức Tùng khi là khóm sen Đại Nội thành Huế, lúc là nhành hoa sứ chùa Hoa Nghiêm – mà sen ấy nên ngắm ở Đại Nội, hoa sứ đó cần thưởng tại Hoa Nghiêm.
Xét đặc điểm thi ca Nguyễn Đức Tùng để so sánh trong Dòng thơ cần giải thích giá trị. Thơ văn-kể của anh có từ khoảng năm 2005 đến nay như một lối viết, với riêng chúng tôi, chưa từng thấy[12] trong thơ Việt!
Về trào lưu: đây là thơ hiện đại mang một số biểu hiện hậu hiện đại.
Về thể tài, dung hòa ba yếu tố: tính thời cuộc/luận đề, sự phân tâm, và giọng hài hước.
Về lý thuyết, các sáng tác như thế sẽ có hình thức đúng nội dung và nội dung hợp hình thức: với đề tài thời cuộc, chủ đề suy tưởng thì hình thức trần thuật, tự sự sẽ hợp hơn hình thức trữ tình trong giọng điệu ngân nga; phong cách biếm hài sẽ làm trí tuệ trở nên khách quan hơn; cảm giác phân tâm, phi lý lại làm tăng độ ẩn dụ lại làm tăng độ ẩn dụ, song le tính thơ bị yếu đi do kém tu từ, âm điệu. Việc còn lại là kết quả thực hành, là nghệ thuật thể hiện; nói nôm: thơ có hay không? Quan trọng hơn cả: bạn đọc tiếp nhận ra sao?
Tính lấp lửng, chia trí người đọc – qua đó tạo thi cảm – của thơ Nguyễn Đức Tùng được tạo bởi ý tưởng. Đôi khi bằng hình ảnh, chứ không bằng cảm xúc, tu từ ngôn ngữ. Đây là điểm khác căn bản giữa thơ phương Đông và phương Tây. Thơ Nguyễn Đức Tùng “Go West” trong mặt này. Chán vì không thấy vần điệu, lại không hiểu để cảm, những độc giả như thế của anh hoặc bỏ ngay (vì không thấy đó là thơ, không hiểu nói gì); hoặc bị ám ảnh, muốn hiểu, cảm bằng hết mà chưa biết cách. (Xem thêm Phụ lục 2)
Trong đại gia đình thơ tự do, lối thơ thơ văn-kể kiểu Nguyễn Đức Tùng gần giới hạn cuối cùng của sự tự do nhịp điệu. Đó cũng là nhịp điệu nội tại, phân biệt với những loại nhịp điệu bên ngoài qua âm vần, ngôn từ… Với tác giả này, nhịp điệu được hình thành từ ý tưởng của nội dung, ý định của chủ thể trữ tình, thậm chí ý muốn của chính nhà thơ. Với thơ tự do như ở Nguyễn Đình Thi, Quách Thoại nhịp điệu là hình tượng. Còn với thơ tự do của mình, Thanh Tâm Tuyền tự thấy: “Từ cái nhịp điệu của hình ảnh, rồi bằng vào kinh nghiệm riêng khi làm thơ cũng như khi đọc thơ, dần dần tôi tìm đến được thứ nhịp điệu của ý tưởng, cả hai thứ nhịp điệu trên chỉ là sự thể hiện của nhịp điệu của ý thức, hơn bao giờ hết người ta sẽ thấy các nhà thơ hôm nay là những ý thức muốn biểu diễn bằng thi ca.”[13]
Ngoài vài yếu tố không “quậy” như thơ hậu hiện đại (tới mức bị coi là phản nghệ thuật hay được xem là phản biện nghệ thuật), nhạc tính thơ Nguyễn Đức Tùng “quậy tới bến” khi thanh trừng “ca” khỏi “thi ca” – quốc hồn quốc túy, đặc sản Việt tính của văn chương tiếng Việt.
Chúng ta từng biết nhịp điệu của thơ Nguyễn Quang Thiều như một thi pháp đơn điệu nhưng vẫn dáng dấp với rất nhiều nhịp điệu từ lớp người viết trước, cùng thời và sau: Nguyên Sa và Chế Lan Viên (trong thơ văn xuôi); Đặng Đình Hưng và Cao Đông Khánh; Trần Vàng Sao và Lưu Quang Vũ; Lê Vĩnh Tài và Đinh Thị Như Thúy… Họ đã văn-xuôi-hóa nhịp thơ tự do mà Nguyễn Đình Thi và Thanh Tâm Tuyền khai mở. Giờ đây Nguyễn Đức Tùng lại văn-kể-hóa nhịp thơ tự do ấy. Đề nghị lấy đó là chìa khóa mở (và đóng, với những ai muốn) cửa thơ này.
Cái thứ thơ như thế đọc lên sao cho hay đã là khó với chính tác giả!? Những người khác thì càng khó có thể đọc đúng. Diễn cảm hay ngâm nga: bất khả. Thông thường, bài thơ có tứ chưa cần hay chỉ cần chuẩn là thính giả sẽ đoán biết về thời hạn đưa tới câu chót. Tay thơ này giỏi tạo tứ, đâu ra đấy. Nhưng người nghe lần đầu khó có thể ngờ cái câu vừa được đọc xong ấy lại là câu kết. Ở những bài kết thúc bất ngờ, dễ nhận ra nhờ nội dung, nhưng nhịp thơ và âm vận vẫn không chịu kết[14].
Nguyễn Đức Tùng đang viết ở thời kỳ 4 (còn rất sung, chưa thể là chặng cuối), dù người thơ ấy vào độ tuổi mà với đa số tay bút khác không nhì nhằng thì cũng cầm cự cho tới bài thơ cuối cùng.
Như đã nói, sáng tác “truyền thống” ở hai thời kỳ đầu cũng bình thường trên mặt bằng thơ đương thời, có phần tụt hậu so với thơ hiện nay; và tầm thường (xin lỗi thi sĩ bạn ta cùng bạn đọc!) trong suốt dọc thi trình của bản thân tác giả. Đều là thơ tình ái nam nữ đượm nghĩa quê nhà ở các thể lục bát, vần luật, tứ tuyệt, và – với chúng tôi – quyết định ở chỗ nhìn chung chúng “chã” hay. Những là Hoa đào, Hẹn em, Xin, Liễu, Chiêm bao… Rồi cả Chia tay, Lục bát mùa thu, Ga cuối, v.v.[15] Nếu chọn vì lý do mô tả hành trình thơ thì cũng phải thôi!
Vào cái “thuở ban đầu xao xuyến ấy”, các sở trường sở đoản quen thuộc của thơ truyền thống Việt được thi sĩ của chúng ta ẵm chặt – như ngàn vạn thi hữu đương thời và còn lâu nữa về sau: giọng điệu luyến ái sên sến trong bổng trầm du dương; thi cảm tình tứ, chan chứa mà đơn điệu, mơ hồ; thi tứ vững chãi từ motif sáo mòn; thể tài tình trai nghĩa gái kiểu gì cũng giao hòa giữa khung cảnh quê nhà thân thương trong thiên nhiên cỏ cây hoa lá; và nhất là ngôn ngữ “hoành tráng” bởi mỹ từ, ẩn dụ nhưng không “ấn tượng”, khó bí ẩn, ít sâu sắc mà ngán nhất: chữ nghĩa tuyền là cầm đỡ của tiền bối; v.v. Hẳn vì tay nghề khi đó chưa thể cao sâu (mấy ai được Giời chỉ định làm thần đồng!) thành ra sở đoản cứ “bong ra ngoài” mặc sở trường “lặn vào trong”.
Nếu chỉ vầy vậy, một Nguyễn Đức Tùng đã chẳng hiện diện thi đàn trong-ngoài Việt như đang là.May thay, thiển cận chúng tôi cũng “nhòm ra” nét phá cách khi le lói lúc lấp lửng ở một số bài thời kỳ 1 & 2, báo hiệu một tay thơ có số má trong tương lai mà táo tợn hơn cả là vụ “thơ trong nách”!
Về cảm hứng chủ đạo, với thơ truyền thống thi sĩ viết sao cứ như “đánh Pắc” cho cái tôi trữ tình của tác giả; và đến hai thời kỳ sau, qua thơ hiện đại, nhà thơ đã để dấu ấn của tâm tư Nguyễn Đức Tùng, của nhân sinh quan Nguyễn Đức Tùng, và nhất là của ngôn ngữ Nguyễn Đức Tùng trên mỗi sáng tác lớn nhỏ, thậm chí ở mỗi câu thơ có tính quyết định.
Thành công ở nhân vật chính của nghiên cứu này là một trong cả ngàn ngàn minh chứng về điều tối cần thiết của thơ tự do giữa một thời đại mới lạ mỗi ngày hỗn độn từng đêm.
Cuối thời kỳ 2, khoảng năm 2000, sáng lên ở vài bài (Cha và con, Trong ký ức của chủ tịch xã, Ghé thăm bạn cũ nay làm xếp ga) để sau đó vài năm thi sĩ trung niên hăm hở và bền bỉ quẹo hẳn vô nẻo thơ thứ thiệt trong đời mình: thơ văn-kể!
Nguyễn Đức Tùng có lối viết rất hiện đại về thẩm mỹ, rất đương đại về thời cuộc. Chia sẻ cùng phong cách hậu hiện đại qua một vài kỹ thuật/thủ pháp nhưng không chạy sang dòng hậu hiện đại về thực chất/tâm thức. Ở anh, cảm quan gốc? Là hiện đại (hiện đại nữa, hiện đại mãi!). Là bảo vệ trung tâm lý tưởng – cái trung tâm đã và sẽ không bao giờ có trong đời thực (nên về cốt lõi tâm can là hậu lãng mạn!). Yếu tố này làm nở hoa các phong cách lãng mạn và hiện thực vốn là nền cũ của tác giả, cũng như của hầu hết các nhà thơ rời xa các khuynh hướng cội nguồn và truyền thống của văn chương.
Về tư tưởng chủ đạo, thơ này không có tính phản biện (theo kiểu cảm quan hậu hiện đại). Nó phản tư, đặt con-trâu-thơ trước cái-cày-có-tính-“cách mạng”. Nó đòi minh bạch về nhân sinh quan và nhân cách. Nói chung, giống với mọi tác giả khác, tính “cách mạng” dễ làm nên phong cách dù theo các dòng thơ truyền thống, hiện thực, hay thậm chí lãng mạn. Có điều kiểu “cách mạng” ở thơ Nguyễn Đức Tùng mang dáng trí thức, hài cợt; và – với chúng tôi – thống khoái nhất là sự lạ hóa nhòa đi bởi chất phân tâm khó tả. Nhìn ra vậy, ta sẽ thấy cái cốt xương cổ điển trong da thịt hiện đại hay trang phục hậu hiện đại ở đấy. Thủ pháp lạ hóa với tạng thơ này cũng thú vị đáo để: được thăng hoa với bài hay, bị rắm rối nơi bài dở.
Như thơ Mỹ-Canada đương đại, kết cấu thơ Nguyễn Đức Tùng trung thành với tính truyện của văn xuôi, từ thời cuộc, xã hội tới sinh hoạt thường nhật… Từ những bài xuất sắc nhất của anh đều có thể “kể” ra một nội dung lạ lẫm.
Đây là các thi phẩm tuyệt hay của riêng tác giả, và mong sao sớm trở thành những sáng tác đặc sắc trong thơ Việt đương đại: Chùa, Nếu, Nhịp đập, Đi dạo với một nhà văn dưới ánh trăng, Chùa Việt Nam…
Chất thời cuộc qua chủ đề chiến tranh là thân xác và cả linh hồn ở lối thơ này. Đa phần các bài như thế tạo ấn tượng tốt: Lịch sử làng tôi (Hay); Trường hợp bất ngờ, Sau chiến tranh (Khá); ngay cả khi nghệ thuật chưa cao (Ngọn lửa, Trong đêm dưới sao trời, Gặp bạn cũ ở Quảng Trị, Thăm Trung Hoa…)
Phân tâm, chia trí độc giả là một độc bút có thể nói “made in Nguyen Duc Tung”. Bài Hai vầng trăng chưa xuất sắc nhưng ở đó bút pháp phân tâm lại hiệu quả: nhẹ nhàng mà da diết đến ngàn cân những vầng trăng tuổi thơ neo trên đầu kẻ xa xứ. Nếu, Vô thức, Làng quê là các bài mà chúng tôi sẽ còn đọc trong cái nhớ nhiều lần, nhâm nhi sự bất định tâm trạng trong đó. Các bài đã lạm dụng bút pháp: Buổi chiều, Phố Tàu, Cánh đồng…
Hài hước trong thơ Nguyễn Đức Tùng là một thứ u mặc (humor), có lẽ chẳng thấy trong 36 kiểu cười Việt? Đây cũng là “Tây tính” trong lối thơ này.
Là thiên đường cho tiếng khóc lời than, thơ trữ tình Việt từ truyền thống đến hiện đại thường thiếu nụ cười, nếu có thì ý vị vô cùng (Tổ quốc ta ơi!). Để toàn cầu sở hữu, nó cần phong cách hài trí tuệ, mà thơ Nguyễn Đức Tùng có thể làm một ví dụ dù không điển hình. Như là các nhà tiên phong, Đỗ Kh. và Nguyễn Đăng Thường cũng từng cho ra thơ mang chất hài cao độ. Và đó là cái hài phản biện xã hội, cái hài văn hóa sâu xa. Nhóm Mở miệng đã phát triển điều đó, không sâu mà cao quá ngọn tre làng. Nguyễn Đức Tùng làm hài văn học, khó đến với người Việt hơn.
Có thể coi tính giễu nhại (parody) của thơ đương đại dòng hậu hiện đại mang tính thời cuộc Việt khởi đầu là Nguyễn Hoàng Nam, song ngoạn mục phải tới Đỗ Kh. (phi luận đề, chuyện bếp núc văn chương pha thời cuộc); đến Nguyễn Đăng Thường, Vương Ngọc Minh và thơ Mở miệng đã tăng độ luận đề (mà thật ra là luận điểm), thiên về phản kháng xã hội. Dòng thơ ấy có cái hay là đậm chất dân gian, đạt sự kỳ cùng của giễu nhại với nghệ thuật liên văn bản, lặp, nhái nhại… Không thể quên Đinh Linh vầy vò đau đáu con chữ cái nghĩa Việt trong câu lời ngáo ngáo “Mỹ con”, rồi – dù không nhiều – Lê Đình Nhất-Lang xoắn ốc trên từng vấn nạn Việt Nam. Ở lối hài giễu khác hẳn – đời thường, trần tục, tự thân làm đối tượng – là những Nguyễn Hàn Chung rồi Lê Vĩnh Tài, Đặng Thân, Nguyễn Thế Hoàng Linh và một số cao thủ khác mà phần đông ở trong nước.
Hài ở Nguyễn Đức Tùng khác biệt với các bạn thơ nêu trên. Và dù không ác liệt như "hài hước đen" (l’humour noir/black humor) của nghệ thuật hiện đại dùng sự mai mỉa, khinh miệt tấn công xã hội, phản kháng chính trị, nhưng nó cũng “xuyên tạc hiện thực”, đẩy tới mức phi thực. Thuộc về dòng nối tiếp kiểu hài vui nhộn, tươi trẻ của chủ nghĩa Dada rồi chủ nghĩa siêu thực; nó khác nhiều – nếu không nói là khác hẳn – cái hài sinh ra từ trò giễu nhại của phong cách hậu hiện đại[16].
Tóm lại, tới Nguyễn Đức Tùng, lối hài biếm của thơ Việt hiện đại đã chuyển hóa phong cách, đậm vẻ Âu-Mỹ; nhờ yếu tố phi lý mà tư tưởng lan rộng; phong vị nhẹ mà sắc (khi cần cũng ác chiến đáo để), lãng đãng hiền triết Hy-La xa xưa, không độc địa vỗ mặt như kiểu Á Đông. “Đâu có ở không” như cánh hậu hiện đại, nó không phá phách để chơi. Nó hòng tái thiết cho lý tưởng mới hơn.
Có thể nhận ra, với khoảng 40 bài ở khuynh hướng này, Nguyễn Đức Tùng đã là tác giả nổi bật của thơ đương đại biếm hài Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng liều mà ngờ rằng, rất ít quý bạn đọc đủ kiên nhẫn về tâm trí để nhận ra. Cùng chất luận đề (thời cuộc), chất hài hước được dụng công rất tế vi, khó nhìn nhận nếu đọc mà chưa… nghĩ! Thì vẫn, nếu đọc thơ là để ngâm nga ca vịnh.
Những địa chỉ của cái hài giễu đáng ghi nhớ: Giã từ (nhoẻn một nụ cười rưỡi); Người mẹ (u mặc thoảng qua, đau); Chim lạ (cười nhẹ, rồi bật ra như bong bóng vỡ); Để giải thích một thói quen xấu, Chùa Việt Nam, Lịch sử làng tôi, Ở Paris (khó giải thích vì sao hài, thế mới là hài thứ thiệt!). Còn đây là nơi cái hài chưa tới dù cố gồng: Dưới bóng cây bàng, Thầy bói nói với mẹ tôi, Thăm Trung Hoa…
Thơ văn-kể Nguyễn Đức Tùng xuất hiện trễ và đã tạo ngay “ngã ba thơ” về loại hình thơ ngắn Việt.
Xin dẫn một số cây bút thơ ngắn không hẳn tiêu biểu nhưng đều có dấu ấn. Trong vòng 40 năm qua: Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Cung, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Tôn Nhan, Phạm Đình Ân, Chu Ngạn Thư, Nguyễn Hoa, Phạm Mạnh Hiên, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Hàn Chung… Khoảng 20 năm nay: Lê An Thế, Nguyễn Anh Nông, Phan Cung Việt, Nguyễn Lãm Thắng, Mai Văn Phấn, Nguyễn Thánh Ngã, Đinh Tấn Phước…
Thơ hiện đại thế giới có biết bao kiệt xuất ở loại hình cực đoan này: R. Tagore, R. Gamzatov, B. Brecht, T. Tranströmer, W. C. Williams, C. Simic…
Nhìn chung, thơ ngắn dễ bị cho là thơ cũng được, không thơ chẳng sao. Người Trung Hoa bảo, thơ ngắn quyến rũ lâu[17]. Nhưng nhiều nguy cơ thành thơ giáo huấn, ngụ ngôn, châm biếm về nội dung, chơi chữ về hình thức và chán nhất là sáo nhàm về cảm xúc. Dễ bị trở thành thứ thơ đọc-một-lần; phạm quy của trường thơ: thi ca cần ẩn mật, mỗi lần đọc một lần sống lại, một lần phát hiện.
Trong tập Thơ buổi sáng, phần Haiku giữ một phần ba phân mục thơ, chiếm dung lượng không nhỏ với 36 đơn vị bài.
Không khác nhiều với điều chúng tôi từng nhận định, Nguyễn Đức Tùng nay đã thành một “nhà thơ haiku Việt” với độ trí tuệ cao hàng đầu theo kiểu Tây phương – tốt; cũng có nghĩa cực kỳ ít chất thiền Đông phương – chưa tốt (hoặc phá nền tảng nguồn “haiku là thiền thi”). Anh, như đa số nhà thơ haiku Việt, hoặc tin vào nội công bản thân khi thể nghiệm cùng cái biểu tượng văn vần “nhỏ mà có võ” của văn học nhân loại; hoặc không thể theo nổi “kỷ luật thép” ở thể thơ này mà… liều![18].
Về thể loại, các thi sĩ Việt chúng ta cũng giống thi nhân xứ khác – như Ko Un ở Nam Hàn láng giềng đồng văn, như bao tay bút Đông phương – cùng muốn nhận haiku Nhật làm một nhánh thi ca của văn hóa mình. Với thử nghiệm khó kiểu “Ba cây (văn hóa) chụm lại”, liệu Nguyễn Đức Tùng có thể trình bày một thể tài mới, hay chỉ là một sắp đặt mới cho haiku Việt tựa haiku cổ điển?[19] Câu hỏi 15 năm, vẫn đó.
Nhiều vấn đề đặt ra. Như về niêm luật cơ bản của haiku truyền thống với haiku kiểu Nguyễn Đức Tùng khi tác giả kết hợp vừa kể vừa tả, và phá hình thức “cấu trúc âm tiết 5 + 7 + 5 trong 3 câu” ở số lượng từ/âm tiết không ổn định (bài Coi phim có 16 từ; Tết và Đêm mưa: 15 từ; Mùa xuân: 13; Trên xe Honda: 12; Giữa đường: 10; Sáng thứ hai: 9; và ở cấu trúc bài không khác lắm với thơ cực ngắn.
Song, điều nên lưu tâm hơn cả là “quan hệ anh em” giữa kiểu thơ văn-kể Nguyễn Đức Tùng và haiku Nguyễn Đức Tùng mà lúc này chúng tôi mới hình thành cách lý giải để có thể bàn lại trong một dịp khác.
Các bài thơ ngắn mà cao giá của anh cũng không hiếm (Nếu là đỉnh cao; rồi Nhịp đập, Sau chiến tranh, Chiến thắng, Bảy năm…). Còn đây là các bài thơ ngắn chưa đạt: Tuổi thơ, Những con rệp, Một con đường ở Phnom Penh, Chiến tranh, Lên chùa ngày Tết, Vỉa hè Sài Gòn. Các bài khi hơi non dại (Mùa hè cuối cùng, Khi nằm trên ghế nhổ răng) khi lại “ngây thơ cụ” (Trang Tử, Dậy sớm uống trà một mình); hoặc dễ dãi (Sáng thứ hai, Thứ hai, Em không muốn về quê). Thân mật, cứ gọi thẳng: những nhát dao giết thơ. Oái oăm, sau 15-20 “nhát dao”, bạn tôi lại có một “kiệt tác”[20].
Liên tưởng thi ảnh trong thơ Nguyễn Đức Tùng sắc lẻm về tư duy, nhờn lụt về hình tượng. Các bài không đạt là nơi tụ vạ những phóng ảnh, chi tiết gợi hình “hồ hởi phấn khởi” tìm đến nhau một cách vô vọng: Phía khác (đạt); Ngày của em (tạm được); Đời là thế đó, Ký ức những năm 80, Ba mươi năm, Mưa rơi trong tình yêu (chưa đạt). Đây cũng là lỗi thường gặp của bao kẻ làm thơ mà chúng tôi thử đặt tên: bút pháp của sự rối rít. Tomas Tranströmer là bậc thầy trong bài học này. Bút pháp chắc, thi tứ sẽ ổn.
Điểm huyệt vài bài khác: Sau chuyến nghỉ hè ở New York, và Trên vỉa hè Sài Gòn: nhiều hình ảnh mà không rối rít; bài thơ ôkê nhờ hình ảnh chót làm hoang mang độc giả. Bức tượng: tôi thích, và có lẽ nhiều người thì không, coi như một bài văn viết/xuôi xuống theo chủ định. Đi dạo với một nhà văn dưới ánh trăng: hài phũ phàng, trực diện, Việt tính; xứng với nội dung. Dưới bóng cây bàng, và Trên đường: chưa ổn về tổng thể, trong đó vẻ uyển chuyển của thơ như bị thủ tiêu, chất trữ tình đi vắng. Bù lại nó chứa một đẳng thức của văn học Việt đương đại: Thơ Nguyễn Đức Tùng = Thời cuộc/Luận đề + Hài hước + Phân tâm.
Nhà thơ có nhiều bài bớt đi chất hài và tính phân tâm, tăng độ hư ảo. Đề tài luận đề cũng ít, đời thường hơn (Chiếc áo, Bức tường, Con mèo, Sestet 23). Tôi từng không chắc rằng chúng ổn định về bút pháp, và tác giả sắp chuyển qua giai đoạn sáng tác thứ 4? Quả nhiên! Thêm nữa, anh có vẻ trở về phong cách lãng mạn – hiện thực. Một trò chơi trẻ con có luật “Bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Nhiều người sáng tác đa phong cách bị luật này ngăn chặn, tôi thấy bạn mình trong số đó (Người bạn hàng xóm).
Thơ Nguyễn Đức Tùng – ngay cả với những bài thành công ở thời kỳ thứ 3 – vẫn nên coi là một thể nghiệm văn học. Nhiều lý do. Khách quan: tư duy mới về thơ chưa tạo ảnh hưởng vào quan niệm chung trong thơ Việt. Chủ quan: không ít bài còn như “chế tạo thơ”[21], những cái xác chữ cần hồn phả vào để thành thơ. Không hề chi! Đích thị công việc của những thi sĩ làm thơ theo trường phái, phương pháp.
Ở đời, thử nghiệm thường khó thành quả, dễ thành rác. Nhiều loại rác-văn-học được là những thứ quả mọc dưới đất; có loại quả-dưới-đất chờ tới lúc ngoi lên; có loại mọc mãi dưới đất, vĩnh viễn một đời quả-rác. Thơ Nguyễn Đức Tùng hiển nhiên không là thơ-rác, giống như không hiếm các thử nghiệm thi ca.
Cũng chính vào “thời hoàng kim” của thơ mình, lần đầu tiên tác giả đã làm một bộ sưu tập kha khá – 60 bài thơ của 20 năm. Đọc, chúng tôi đã đóng đinh vào tâm trí điều từng nâng lên hạ xuống: một tác giả đang phát triển, và sẽ thành tác gia nếu đi đúng hướng. Ôi, cái chữ Nếu!
Đến nay lại thấy "tác giả đang phát triển" của chúng ta tỏ ra xa lánh “thi pháp” từng dựng nên lối thơ kỳ khôi của mình trong dòng thơ văn-kể?[22] Một kiểu viết khác, hiện đại một cách “bình thường”, đã thành hình?
Sự thật là khi đọc thơ ở thời kỳ 4 này, chúng tôi hết còn khoái tỉ như ở thời kỳ 3. Ngoài do bởi cái gu thường tình chi phối cùng lý do sở trường, vấn vướng thi pháp cứ đè nặng toan tính làm phê bình cho thấu đáo. Đã đành phải tìm hiểu nhiều về điều quan trọng bất ý như thế nhưng lúc này người viết chưa thể. Nay chỉ mới dùng thị hiếu cá nhân để tiếp cận. Nếu lần theo thi pháp sẽ thấy hay-dở; còn vô pháp là của các sự thích.
Khi tác giả hình thành bản thảo tuyển tập thơ đầu lòng, khoảng 80 bài của thời kỳ này được chọn lựa mà chúng tôi cũng đã từng đọc đó đây. Rất ít những bài rất thích: Khăn quàng, Tên (Cả hai cùng mang đề tài chiến tranh, tử sĩ). Những bài thích: Mục đích của quần áo, Mưa rơi trong tình yêu, Bài thơ viết ở Văn Miếu, Thơ tình tháng Tư… Đông như quân Nguyên là các bài nửa thích nửa không thích (Tôi hỏi, Dù gánh nặng lớn bao nhiêu…) Tìm các bài không thích và rất không thích dễ như Quan Vân Trường lấy đầu Nhan Lương, Văn Xú. Này là những Em có nhớ về thăm Thạch Hãn, Có một mùa hoa, Trong ngày cuối cùng của thế giới, Chúng ta không cần phải đẹp lắm. Rồi tới những Sáng nay khi thức dậy…
Kết thúc mục 4, với tập Thơ buổi sáng, sẽ nói nhanh về dung lượng các bài thơ và một hướng mới: thơ dài có tính trường ca của Nguyễn Đức Tùng.
Hiện tại tác giả lại đang viết một cách bình thường như thời kỳ 1 & 2, không còn ngắn/quá ngắn như ở thời kỳ 3. Đến mức có độc giả vừa mới thổ lộ: “thơ anh (…) thường dài. Khi chưa quen mình ngại đọc. Đã quen rồi, mình không sợ nữa…”[23]
Vài ba năm nay, trên trang cá nhân FB của mình, nhà thơ giăng mục Thơ tình thứ bảy tương đối đều. Thi hữu thả tim búng còm khi vắng khi đông, lúc rôm rả tá lả lúc xìu xìu ển ển[24]. Giọng điệu rất Nguyễn Đức Tùng, các bài ấy, với chúng tôi chúng quả là thơ tình; có thể xem như “chủ lực quân” của “thi tướng” trong giai đoạn sáng tác hiện tại. Và không gia nhập vào hàng ngũ thơ văn-kể mà chúng ta coi là trọng tâm ở bài viết này!!! Tiếc, cũng chẳng được; với giới bình thơ sự làm khó như thế bởi các tác giả âu cũng thường. (Dưng mà cứ tiếc thì có chết bài thơ nào không nhỉ!?).
Mười năm trước, với sở trường là thơ ngắn, sở đoản thơ dài; về mặt dung lượng và cấu trúc, thơ Nguyễn Đức Tùng có “dạng tối thiểu”, giống với Trần Dần (thơ lảy), Phùng Cung, Thi Vũ, Phạm Đình Ân, Nguyễn Hoa… Kiệm lời ẩn ý, gần với Lê Đạt, Ý Nhi, Thường Quán, Đặng Huy Giang, Phan Huyền Thư, Lê An Thế…
Chúng đối cực với dòng “thơ nhiều lời”[25] nhiều thập niên qua ngày càng lan rộng, từ những đợt sóng ngầm Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Trần Vàng Sao… tới các bão tố Lưu Quang Vũ, Nh. Tay Ngàn, Dương Kiều Minh, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Quyến, Lê Thị Thấm Vân… rồi dạt dào Nguyễn Xuân Thiệp, Ngu Yên, Mai Văn Phấn, Thận Nhiên, Trần Quang Quý, Inrasara, Vi Thùy Linh… Và tiếp mãi ở Nguyễn Thanh Hiện, Nguyễn Viện, Đoàn Huy Giao, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Đinh Thị Như Thúy, Phan Hoàng, Trịnh Sơn, Vũ Lập Nhật… Đỉnh thác dòng thơ-nhiều-lời Việt, hôm nay và có lẽ rất lâu về sau[26], không thể ai khác: Nguyễn Linh Khiếu với đại giao hưởng trường ca Phồn Sinh!
Tin vui ngoài chờ đợi! Hành trình thơ Nguyễn Đức Tùng đang có một hướng mới toanh, về thể tài.
Vào giữa năm 2019, bản thảo chót cho bài tùy luận này vẫn còn câu: “VIP của chúng ta đã và sẽ không hiện diện trong đội ngũ trường ca gia!”. Thiện tai! Thiện tai! Một quả bói sai toàn tập ạ!
Trước, với nhà thơ một số ít bài được coi dài thường có 5-6 khổ với 250-300 từ. Mến mộ thơ anh và lại là kẻ lưu tâm đến thể thơ dài Việt Nam hiện đại, nhất là thơ dài có tính trường ca. Thế mà dạo ấy chưa thể thích bất kỳ một bài thơ dài nào. Ngay cả “bài tủ” được nhiều báo chí đăng lại, Hãy để chim chóc làm đầy bầu trời. Những bài đạt: Mẹ của chúng ta là một ngày, Tình yêu nước thời thổ tả, Trong đêm dưới sao trời, Gặp bạn cũ ở Quảng Trị… Ít, so với những bài thơ ngắn trong “tổng kho Long Bình” thơ Nguyễn Đức Tùng.
Hốt nhiên, tròn ba năm song hành với bấy nhiêu biến cố xã hội Việt Nam, rồi thiên địa dịch giã Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine… tác giả chuyên trị thơ ngắn đã liền tù tì sản sinh tới bảy bài thơ dài có chất trường ca. Khiến chúng tôi hoan hỉ bổ sung Nguyễn Đức Tùng và các thi phẩm mới vào chuyên luận từng được đề xuất, hoàn thiện 15 năm nay về hiện tượng trường ca hiện đại Việt Nam[27].
Ở phân nhánh trường ca thế sự – đời thường – tâm lý, một tiểu mục đang được phác thảo dành cho nhà trường ca “trẻ” Nguyễn Đức Tùng như là tay viết tương đối lạ về sự xông xáo ở đề tài cấp thiết và độ lôi cuốn từ cảm hứng thi ca, cùng vài khúc mắc về nghệ thuật cấu trúc và ngôn ngữ thơ trường ca.
Nay dẫn trước ý kiến sơ bộ (vừa trao đổi trực tiếp cùng tác giả về Bài thơ Ukraine[28].
Đọc như một sáng tác thơ trong tinh thần "phục vụ cách mạng": đó là thi phẩm tốt đẹp và kịp thời. Đọc như bài thơ dài có tính trường ca: so với ba bài đầu xuất sắc (Bài thơ tháng Tư, Bài tiễn biệt thi sĩ[29], Bài thơ Đồng Tâm), bài này ở mức bình thường. So với ba bài trước đó (Một bông hồng cho Phạm Đoan Trang, Bài thơ Vũ Hán, Bài thơ Afghanistan): toàn bài hiếm thấy chương, đoạn, câu nào dở, song rất ít chỗ sáng láng.
Đôi ba trường đoạn cũng có thể tạo ấn tượng, như:
“Khẩu súng săn treo đầy mạng nhện của tư tưởng
Hãy giả vờ đang có hòa bình
Hãy nằm trên cỏ nhìn lên những vì sao
Hãy tưởng tượng cuộc tình Budapest
Chủ nghĩa lãng mạn đã chết, hãy đắp mặt bằng một ngôi sao”.
Quan trọng: Nội hàm chiến tranh và vấn nạn Ukraine chưa được nổi bật cái riêng của mình một cách nghệ thuật và trọn vẹn; mà là các diễn ngôn văn vần – nhẹ về tu từ, về ngôn ngữ thơ (nặng về báo chí, tin tức, suy tưởng có phần tư biện…) theo cách riêng của tác giả. Ngoài các địa danh, nhân vật và vài số câu hỏi về bản chất cuộc chiến – “Putin là nước Nga hay không phải là nước Nga?” – nhưng vừa hỏi một phát rồi “bỏ chạy theo gái” (nhân vật trữ tình"em")!
Cụ thể: Bài thơ Ukraine cùng ba bài xuất sắc cho thấy nhịp điệu toàn bài mang chất trường ca cao độ, đấy là loại nhạc-tính-cảm-xúc mà tác giả cừ khôi. Nhờ nó toàn bộ "cây cầu" vẫn vững dù không hề có trụ (cấu tứ thơ trường ca hoặc cấu trúc chương hồi). Trong nghệ thuật trường ca nhịp-điệu-tư tưởng dễ đưa đến tác phẩm lớn hơn.
Đoạn mở và kết: có dáng dấp cấu trúc của trường ca chuẩn mực mà nhiều bài trước không đạt tới. Các chương thành công: 1, 6, 7, 8. Chương kết 9 và nhất là các câu kết, nếu nhuận sắc cũng sẽ thành công to.
Nói thêm hai điểm son-mờ. Son: Ở thi phẩm này tuyệt không thấy các cú “liếc xéo” (vô cớ vô duyên chánh trị thời thế) như thường có ở các sáng tác trước. (Âu cũng là phong vị hậm hực dễ thương của hầu hết các thi sĩ viết về thời cuộc). Mờ: Chẳng khó nhận ra tác giả không phải là dân miền Bắc XHCN cũ, khi mà ngót chục ngàn con tự chẳng hề có chi tiết, ý tưởng gì về các tâm tư kiểu "thiên đường Liên Xô”, “địa chỉ của tôi là CCCP”…[30] Viết về Ukraine lại thiếu vắng Liên bang CHXH Xô Viết phủ sóng, khác nào ném đá xem tăm!?
Qua chuỗi bảy sáng tác thơ dài, dễ thấy tác giả cao thủ ở lối viết riêng, không cần ý tưởng chủ đạo toàn bài như một tứ thơ lớn hay kiểu chương hồi của trường ca nói chung; mà thả lỏng cấu trúc/dàn bài. Lấy cảm xúc và tình tiết, quan điểm vụn lẻ, bất ngờ nhân lên như bão tố. Tạo dòng chảy trường ca, bằng thủ pháp song hành giữa chủ đề (cuộc chiến Nga – Ukraine) và "cuộc tình anh – em" nào đó. Motif không mới, nhưng trung thành và chắc chắn với những biến báo tài hoa trong thể tài thì chưa mấy ai vượt tay Nguyễn Đức Tùng giữa giang hồ trường ca gia Việt đương đại.
Nên ghi nhận đó như một đóng góp nhất định vào thi pháp trường ca Việt Nam hiện đại; và không nên lạm dụng nếu chưa tìm thêm các biến báo mới, sao cho sở-đoản-kỹ-thuật trở thành sở-trường-nghệ-thuật.
Theo bốn tiêu chí trường ca hiện đại thì thơ dài có tính trường ca của Nguyễn Đức Tùng lực lưỡng về thể tài và phóng túng ở cảm hứng; chưa thuyết phục bằng giọng điệu/tư duy, yếu về cấu trúc, thiếu hụt thủ pháp.
[1] Việc phân kỳ “văn học đương đại”/“contemporary literature” với Việt Nam và thế giới luôn luôn khó nhất quán; tùy theo đề tài cụ thể, quan niệm lịch sử văn học và nhãn quan thời cuộc. Ở bài này cùng vài nghiên cứu tương tự trước đây, chúng tôi chọn mốc “văn học đương đại Việt Nam” từ sau năm 1954 (Đất nước tạm thời bị phân chia làm hai miền Nam-Bắc) đến thời điểm hiện tại 2022.
Tham khảo/Tk: Tìm hiểu sơ bộ trên mạng cũng có thể thấy với ba nghiên cứu mới nhất đã cho ba mốc khác nhau: Chiến tranh thế giới II kết thúc – 1945 (Thpanoram; vi.thpanorama.com); Chiến tranh Việt Nam kết thúc – 1975 (Nguyễn Thanh Tâm; hanoimoi.com.vn 10/7/2022; và Đổi mới ở Việt Nam bắt đầu – 1986 (Nguyễn Thế Kỷ; tapchicongsan.org.vn 6/8/2020).
[2] Về mốc Hậu đổi mới, Tk: Đỗ Quyên; 200 tác giả, 8 thế hệ: Phê bình thơ Việt hậu Đổi mới, vanchuongviet.org/ 14.01.2016.
[3] Dường như chưa có các nghiên cứu, phê bình bài bản và đúng mức về thơ Nguyễn Đức Tùng. Tính đến giữa năm 2019: Nhận định ngắn của năm tác giả (Nghệ thuật mới 11/2012 – Đỗ Quyên / Thơ văn-kể của Nguyễn Đức Tùng như một thử nghiệm cải cách thơ Việt?); Thường Quán (Tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại, Nguyễn Đức Tùng tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Văn Việt – Người Việt Book 2017, vanviet.info 25/9/2016); Lê Hồ Quang (Thơ Nguyễn Đức Tùng, “nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác”, Sông Hương 330/08-2016, tapchisonghuong.com.vn 26/8/2016); Mai Văn Phấn (Thế giới “con rối” trong thơ Nguyễn Đức Tùng, vannghequandoi.com.vn 8/11/2017); Chu Văn Sơn (Chuỗi bình luận trên FB Tung Nguyen cuối 2018 – đầu 2019).
Với thi tập Thơ buổi sáng, ngoài bài bạt của người viết, được biết có bài vở mới của các tác giả khác, như Mai Văn Phấn, Lê Hồ Quang…
[4] Theo cách nhìn chung nhất, họ đều có thể thuộc về cả hai mô hình nghệ sĩ-trí thức và nghệ sĩ-chiến sĩ. Tk: Nhà lý luận phê bình Văn Giá: Người viết trẻ cần “link” với đời sống, vanvn.vn 21/7/2022.
[5] Số lượng các bài thơ, tên những bài thơ được nhắc đến trong bài bạt này là theo bản thảo chúng tôi nhận được từ tác giả; và chắc sẽ có thay đổi nào đấy so với bản in sách. Xin lỗi bạn đọc về các bất cập khó tránh khỏi. Với một số bài không có trong sách có thể đọc ở nguyenductung.org, Tung Nguyen FB, damau.org, vanviet.info, vanchuongviet.org…
[6] damau.org 2/11/2012.
[7] tienve.org 12/11/2012.
[8] vannghequandoi.com.vn 8/7/2022.
[9] Nxb Lao Động, Hà Nội, 2011 & Nxb Tân hình thức, California, 2009.
[10] Ba tác giả Lê An Thế, Vương Ngọc Minh và Hoàng Xuân Sơn, mới nhất trong một lần xuất bản, cùng có bài trên damau.org 9/7/2022. Và đều là các sáng tác ở tầm đón đợi của dòng thơ này. Giống thơ Nguyễn Đức Tùng, các bài ấy cũng là thơ văn-kể, thơ ngắn, thơ thế sự… Với độc giả nói chung, người viết tin đây là các bài thơ tương đối hay (Nứt / Lê An Thế; Kế tục / Hoàng Xuân Sơn).
[11] Đỗ Quyên; Về một dòng thơ cần giải thích giá trị – Trường hợp Tuyết Nga, Tạp chí Nhà Văn số 2/2009, vanchuongviet.org 9/2/2009; Thơ Mai Văn Phấn trong dòng thơ cần giải thích giá trị, Sách Kỷ yếu Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2011, maivanphan.vn 12/10/2013; và Thi pháp Nguyễn Quang Thiều: Nhìn từ dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị, vanvn.net 19/6/2012 (nguyentraik22.blogspot.com 30/6/2012, vanchuongplusvn.blogspot.com 23/6/2012.
[12] Trong danh sách 32 tác giả của dòng thơ này, định giá “chưa từng thấy” cũng dùng ở các trường hợp Đoàn Huy Giao, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Đình Chính, Vương Ngọc Minh.
[13] litviet.com 24 & 31/3/2012 – Đ.Q. nhấn mạnh.
[14] Bản thân người viết từng chứng kiến và luôn làm cái chuông báo hết cho thơ Nguyễn Đức Tùng. Còn nhớ mãi, giữa năm 2012, dịp nhà thơ Vũ Quần Phương thăm thú thành phố chúng tôi sinh sống, trong cuộc thơ thân tình, sau khi tác giả đọc các bài Đêm ngủ trong chùa, Người mẹ thì lại vẫn cả hàng chục giây “im lặng đáng sợ” cho đến khi “chuông” réo!
[15] Át chủ bài của thi sĩ trong giai đoạn đó – và chúng tôi không thể nào không ưng – ắt là thi phẩm Năm mươi. Bốn câu lục bát. Một câu mang vẻ xuất thần. Có lẽ tác giả và độc giả chúng ta đều cho rằng nhãn tự của bài là hai từ “trong nách”. Cho thơ tình chui vô… nách, quả là rất lạ. Chưa mấy ai làm vậy? Dù hầu hết “bộ phận nhạy cảm” khác đã hóa thành tuyệt thi qua các tay thần từ Hồ Xuân Hương tới Nguyễn Đức Sơn. Ừ thì phá phách, ừ thì phồn thực; vẫn phô phô sao ấy. Khí thơ và “đạo đức thi ca” ở đấy như cùng biểu quyết không kết nạp “nách”. Lại còn bị make-up bởi cặp mỹ từ “mùi thơm” và “vết son”. Nữa, “trong nách” đâu có tương phản cùng “trên người” ở câu tám! Thủ thuật thẩm mỹ của độ vênh? Thơ Âu-Mỹ thì từng có “ông lớn” Walt Whitman, nhưng là trong bản trường ca hùng tráng "Bài hát chính tôi"/Song of Myself”: “Mùi hương nách này thơm hơn kinh cầu nguyện, / Cái đầu này hơn các nhà thờ, kinh thánh, và mọi tín điều.” (Hoàng Hưng dịch; vanviet.info 17/5/2016).
Nào chúng ta thử lần mò ê đít qua các kịch bản sau:
Hoặc là thay nhãn tự quậy phá đó bằng hai từ khác, “nơi khuất” chăng? Vẫn phá (mà tận vùng sâu vùng xa hơn nhé!), vẫn thực phồn, lại thêm phần sang cả. Nay toàn bài ở phiên bản 1: “Năm mươi năm nữa em còn/ Mùi thơm nơi khuất vết son trên người/ Năm mươi năm nữa trời ơi/ Có còn đỏ vết răng người tay anh”.
Hoặc là chuyển hai chữ hiền lành “trên người” sang “trên”... đùi. Úi! Úi gì, đã sao. Còn xa cơ mà… Quyết định vậy đi! Đây, phiên bản 3: “Năm mươi năm nữa em còn/ Mùi thơm trong nách vết son trên đùi/ Năm mươi năm nữa trời ơi/ Có còn đỏ vết răng người tay anh”.
Thêm một kịch bản nữa, nhỏ thôi. Trong bản gốc, từ “người” ở câu cuối bị lặp. Phiên bản 3 đã tránh được. Cũng biết “răng người” hiện sinh đấy, nhưng hơi rối nghĩa. (Chả răng người thì răng mèo?) Thử thay “người” bằng “này” nhé; không phiếm chỉ nữa, âm vần lại ròn rã; và theo phiên bản 2. Đây phiên bản 4: “Năm mươi năm nữa em còn/ Mùi thơm nơi khuất vết son trên người/ Năm mươi năm nữa trời ơi/ Có còn đỏ vết răng này tay anh”.
Thưa, tín nữ thiện nam thấy sao, chứ bần tăng thả tim cho phiên bản 4 đấy.
Phàm đã là thơ có thể thô, thậm chí tục; nhưng ngặt bỉ. Có những cái thô cơ duyên mà thành lạ nên hay cùng thi đàn; còn cái bỉ chỉ biết bóp cổ tình tứ. Với trữ tình chính luận thi, cần cao thủ võ lâm; Bỉ thi thì Bertolt Brecht đầu bảng.
Văn, ngược lại. Văn dễ tới bỉ, để minh triết. Văn Thiệp không hề thô mà xuyên từ tục đến bỉ, thậm bỉ. Các công án thiền chủ tâm lao xuống đáy của vực bỉ; hóa thân rồi tỏa hương trên bề mặt trần đời. Thế mới mang danh Nàng thơ, Chàng văn chứ bộ. Người nữ thô mà hợp cạ, vẫn ngon lành cành đào với đối tác của thị; chớ đờn bà con gái bỉ thì thôi rồi Lượm ạ!
Xét tới cùng, thô/tục là lỗi lầm hành vi; bỉ là sai phạm tri thức. Thơ đến từ đâu; tri thức hay hành vi?
[16] Thanh Thu/ Artsper Magazine; Sự hài hước trong nghệ thuật hiện đại và đương đại, Văn Nghệ số 29/2022, baovannghe.com 16/7/2022; và xem tiếp mục 6.
[17] “Đoản thi tối hảo phá”.
[18] “Cũng liều nhắm mắt đưa tay/ Để xem hài cú phen này ra sao?!”
[19] Đỗ Quyên; Bình thơ Nguyễn Đức Tùng, talawas.org 10/3/2008.
[20] Những lúc đó, dù bên nhau với ly bia ngã năm Broadway hè Vancouver hay cách hai đại dương ngăn Canada – Úc, cả hai chỉ còn biết đồng thanh: “Làm thơ khó bỏ mẹ!” (Thơ Đỗ Kh.)
[21] Tên một tập thơ của Phan Nhiên Hạo.
[22] Thì đấy, Trung niên thi sĩ từng cảnh giới, như câu thơ trong lời đề từ: “Đừng tưởng cứ đợi là chờ”!
[23] LVan Le; FB Tung Nguyen 3/7/2022.
[24] Chợ Phây mà!
[25] Chữ của Lê Thành Nghị.
[26] Chỉ xét về hai phương diện là thi pháp loại hình và dung lượng thể loại, thử thơ thế vầy quá đáng chăng: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ trường ca vượt Khiếu Linh?!”
[27] Tk: Đỗ Quyên; Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm, vanviet.info 3 kỳ 28-30/4/2015, và Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt”, vanchuongviet 11/5/2016 & vannghethainguyen.vn 2 kỳ 6-9/6/2017. Cập nhật: tính đến 20/1/2021 là 484 tác giả của 1262 tác phẩm.
[28] Nguyễn Đức Tùng; Bài thơ Ukraine, vanviet.info 10/4/2022.
[29] Được giới thiệu toàn bộ trong tập Thơ buổi sáng, phần Trường ca. Tên cũ là Người tình / Bài thơ giã biệt Du Tử Lê.
[30] Vào tay Phấn hay Quyên thì phải biết!