Trần Tiến – Chàng du ca dọc đường âm thanh

Hồ Anh Thái

Không phải cái gì hay cũng đều có thể nghe lại được. Nhưng ca khúc Trần Tiến thuộc loại có thể nghe lại nhiều, nghe lại mãi.

Tôi mê bài Mưa bay tháp cổ. Trần Tiến, ông trùm ca khúc Việt Nam đương đại (The King of the Vietnamese Contemporary Songs), thì mỗi bài mỗi độc đáo. Nhưng Mưa bay tháp cổ là tổng hợp của các kiểu độc đáo. Thiền thâm thúy mà giản dị như không.

Người thích Trần Tiến thì gặp những bài như Mưa bay tháp cổ là thấy khoái cái tai nghe. Mắt nhìn nữa chứ, hình ảnh đẹp như một bức tranh hiện đại đôi ba nét chấm phá đơn sơ. Lời ca cũng là một thứ thơ hiện đại và sống động nhịp điệu.

 

Nhạc sĩ Trần Tiến trong một chuyến du ca. Ảnh: TLNV


Trần Tiến khỏe khoắn về cảm xúc, gu thẩm mỹ rất chịu khó cập thời, và chắc sẽ còn hợp thời lâu lâu. Không monotone đơn điệu mà biến hóa tài tình như một phù thủy âm nhạc, ở các vùng miền ông đều có bài hát hay vận dụng dân ca những nơi ấy, từ núi non vùng cao cho đến biển đảo, cho đến đồng ruộng sông ngòi châu thổ. Đề tài cũng muôn mặt, có những điều tưởng như khó thành nhạc mà rốt cuộc vừa lãng mạn vừa triết, chẳng hạn cái khoảnh khắc đi qua hải quan, hoặc tương quan nhanh chậm giữa những cái kim đồng hồ…

Tôi vẫn nghĩ rằng lời ca của Trần Tiến thì những nhà thơ hàng đầu cũng có khi phải lấy làm ghen tị. Thế mà, đôi khi cứ vương vấn, nhạc ấy, lời ca ấy đã đủ nói lên tất cả rồi, chẳng cần đâu những lời phi lộ như có lúc tác giả cứ đội thêm cho nó cái mũ sặc sỡ lúc trời không mưa không nắng.
Đây là lời ca Mưa bay tháp cổ, một bài thơ.

Mưa bay tháp cổ
Mưa bay trên đá
Trăm năm bước phù du

Hoang sơ tháp cổ 
Hoang sơ vũ điệu xưa
Cong cong năm ngón ngũ hành
Trăm năm bước mộng du

Nam mô nam mô nam mô nam mô But đa
Một vòng thôi miên Ap sa ra
Nhật nguyệt trên cao sáng tỏ
Em múa nghiêng ngả

Hoang sơ tháp cổ
Hoang sơ vũ điệu xưa
Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa
Nam mô nam mô A di đà

Hoang sơ tháp cổ
Cong cong năm ngón ngũ hành
Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa

Nam mô nam mô A di đà
Nam mô nam mô nam mô nam mô But đa
Trăm năm em múa ngả nghiêng, ngả nghiêng, ngả nghiêng

Mưa bay tháp cổ
Mưa bay trên đá
Trăm năm bước mộng du
Trăm năm bước phù du

Ma mị. Người nghe bị hút vào quay cuồng trong ấy, có đôi lúc mê man như nhập đồng. Nhưng rồi có lúc thoát ra thì nghĩ, tháp Chàm có bàn tay xây đắp của một cộng đồng theo đạo Hồi ngày xưa, sao lại có Apsara trong ấy?

Apsara là những vũ nữ trên thiên đường, theo thần thoại của đạo Bà La Môn (Brahminism). Bà La Môn là tiền thân của đạo Hindu sau này. Có phải những giáo sĩ Ấn Độ đầu tiên mang Bà La Môn giáo đến xứ Chăm đã mang theo nhóm tam thần Brahma, Shiva, Vishnu cùng các vũ nữ Apsara? Hay là trước tiên họ đã mang đến đạo Hồi, rồi cao hứng pha trộn thêm một chút thần thoại Bà La Môn có từ hàng nghìn năm trước?

Ngắm tháp Chăm thấy những điều lạ. Hồi giáo nghiêm cấm việc vẽ hình người. Đền thờ Hồi giáo chỉ có hình trang trí hoa lá, những hình kỷ hà hình học, không bao giờ vẽ người, dựng tượng người. Allah Chúa Trời và giáo chủ không phải là hữu hình mà mắt trần con người có thể nhìn thấy, càng không thể vẽ lại được. Con người cũng là không thể tư duy được, không thể họa lại. Ấy vậy, trong tháp Chàm đạo Hồi lại có hình các vị thần Bà La Môn, thậm chí là các vũ nữ Apsara khoe vẻ đẹp hình thể. Một sự hòa hợp văn hóa dẫn đến giao hòa tôn giáo, phải vậy không?

Lạ. Và thú vị.

Trong Mưa bay tháp cổ, lại còn thêm sự giao hòa “cong cong năm ngón ngũ hành” của phương Bắc, lại còn thêm “Bút đa” và “A di đà” Phật giáo. Đấy có phải là Trần Tiến cảm nhận ngộ nhận mà đặt thêm vào. Tháp Chàm cổ của đạo Hồi và đạo Bà La Môn có tượng Phật không nhỉ? Và cả cái ngũ hành kia nữa. Rồi cả cái không gian của nhật nguyệt của mưa của đá, đấy dường như là không khí của tín ngưỡng Bái vật giáo cổ xưa nhất của nhân loại. 
Lạ. Thú vị. Thêm cả một tiếng cười khe khẽ. Món thập cẩm nhạc và thơ lạ tai lạ miệng, khiến người ta nhớ dai.

Hậu thân của Bà La Môn giáo là Hindu giáo, mà Hindu lại coi Đức Phật Buddha là kiếp thứ chín của thần Bảo Vệ Vishnu đấy. Trên đất Ấn Độ, trong nhiều đền thờ Hindu có tượng Phật tranh Phật.

Có thể coi cái vĩ thanh này là lời đáp cho phản biện về việc Trần Tiến đặt Đức Phật Bút đa vào giữa không gian tháp Chàm đạo Hồi và Bà La Môn. Có nhà nghiên cứu cho rằng đạo Phật là tôn giáo đến sớm nhất với người Chăm.

Vậy chăng, người ta chỉ có thể nghe nhạc bằng tai, trong khi cái đầu cứ vương vấn về món thập cẩm hòa trộn nhiều gia vị. Và liệu người ta có nên bỏ công xét đoán hương vị nào với hương vị nào khi mà vị giác đang cảm nhận món thập cẩm ấy là ngon.

*

Bài tôi viết, Trần Tiến đọc, rồi cuối năm 2019 anh bay từ Vũng Tàu ra, hẹn gặp ở Hà Nội. Cuộc gặp hôm ấy có gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên và một cô phóng viên. Chỉ một mình Nguyên mặc áo pull đỏ, ba người còn lại áo đen tuyền, hợp thành ban nhạc đỏ – đen, không phải trắng – đen như nhạc của anh dạo nào. Sau ba mươi hai năm tôi mới gặp lại anh. Phút đầu, tôi phải tự xưng tên. Anh ngẩn ra một lúc rồi hỏi lại: Em đây à? Ngẩn ra vì không nhận ra. Ba mươi hai năm đủ biến một chàng thanh niên thành một người ở tuổi về hưu.

Anh chỉ tôi, nói với lão Nguyên: Anh phải ra Hà Nội gặp nó, nó chửi mình mà mình lại thích.

Đến lượt tôi lại hơi ngớ ra. Mình chê trách gì trong bài ấy nhỉ? Bóc tách ra thì không chỉ thứ nhạc đa phong cách đã dẫn dụ người nghe, mà chỉ riêng lời ca của Trần Tiến thì “những nhà thơ hàng đầu cũng có khi phải lấy làm ghen tị”. Và nghĩ đến việc Trần Tiến cứ hay nói những câu mào đầu trước mỗi bài hát, tôi đã viết thêm: “Nhạc ấy, lời ca ấy đã đủ nói lên tất cả rồi, chẳng cần đâu những lời phi lộ như có lúc tác giả cứ đội thêm cho nó cái mũ sặc sỡ lúc trời không mưa không nắng”.

Nói thế là đúng chứ nhỉ. Chỉ là cái kiểu vừa nói vừa tủm tỉm cười của đàn em trước một ông anh. Cười. Vui. Và thể tất.

Nhưng có lẽ anh bảo tôi “chửi” tức là hàm ý chỗ khác.

Nhạc sĩ Trần Tiến trên một giàn khoan dầu (chụp 17.7.2008). Ảnh: TLNV


Thẳng băng lý tính ra như thế, thì thấy bài thơ là cả một nồi thập cẩm, một món nộm món trộn dành cho tai nghe. Nghĩ đến thế thì tỉnh thức, nhưng thức rồi mà vẫn thích. Lại phải tự dặn mình: cũng như ẩm thực mà thôi, món ngon thì cứ biết thưởng thức cho ngon, đâu cần phải rạch ròi phân tích xem thành phần của nó gồm những nguyên liệu gì, gia vị gì.

Đấy, kể lại như thế để hiểu cái câu mắng mà như thương của Trần Tiến rằng tôi đã “chửi” anh như thế nào.

Hôm ấy Trần Tiến xuống máy bay rồi đi thẳng đến nơi hẹn, mang theo hành lý và chiếc đàn ghi ta. Lão Nguyên nói Thái nó thích bài Mưa bay tháp cổ thì anh hát bài ấy đi. Anh Tiến bảo, bài ấy giọng anh không hát được, để anh hát bài Ra ngõ tụng kinh. Suốt buổi lúc ngừng lúc hát, kể lai lịch từng bài, kể cái gia phả éo le người Sơn Tây gốc Chàm. Anh còn bảo nhà thơ Quang Dũng mà tôi rất mê hình như cũng là người Sơn Tây gốc Chàm.

Sau hôm ấy, tôi vào YouTube, lôi xuống tất cả những chương trình Trần Tiến có trên ấy, xem và nghe. Không phải cái gì hay cũng đều có thể nghe lại được. Nhưng ca khúc Trần Tiến thuộc loại có thể nghe lại nhiều, nghe lại mãi.

Trở lại Vũng Tàu rồi, thỉnh thoảng anh nhắn tin hỏi thăm ân cần. Anh bảo chuyến ấy về Vũng Tàu anh ốm lắm. Ít lâu sau lại nghe tin anh bị bệnh nan y. Hỏi thăm ngay thì anh cười khà khà. Anh qua rồi, lại khỏe rồi. Xong anh gửi qua email bài anh viết tiễn anh Phương (Phó Đức Phương). Nhạc sĩ có chữ nên bài đâu ra đấy. Xong anh gửi bản thu bài hát Không gục ngã. Trong ấy có nhiều câu tự nhắc mình: Đứng dậy, hãy vượt lên số phận trái tim còn yêu…

*

Bẵng đi vài năm dịch cúm Tàu, Trần Tiến có ra Hà Nội mấy lần, khi đi chơi khi làm đêm nhạc, nhưng tôi không đến các cuộc gặp gỡ của anh. Vây quanh anh toàn là người hâm mộ hoặc cánh nghệ sĩ tưng bừng, mà tôi chỉ quen ngồi chỗ khuất và bình lặng. Cứ ngồi chỗ khuất ấy mà ngắm anh từ xa cũng là tâm trạng thú vị.

Rồi không khuất mãi được, phải đến. Tháng 10.2022, anh nói có người yêu mến anh nêu ý tưởng làm một tập tuyển chọn 150 ca khúc. Anh viết gấp nhiều lần con số đó, nhưng tuyển chọn thì chỉ lấy bằng ấy thôi. Anh ngồi có phần e lệ và kiềm chế bên cạnh cô hiệu trưởng Bích Ngà, cô hiệu trưởng đi theo để giám sát học sinh cá biệt, đồng thời cô còn kiêm điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh Trần Tiến. Da dẻ hồng hào, sắc vóc như người không có bệnh, anh kể về việc tập luyện thu nạp lửa tam muội đã giúp anh củng cố sự phục hồi này.

Nhìn cái anh chàng học sinh cá biệt, tôi chợt nhớ đúng là đã viết những câu mà anh có thể coi là tôi đã “mắng” anh. Nhưng tôi chưa hề cho anh đọc bài ấy. Anh chẳng quan tâm những lời ong tiếng ve, cho nên cũng chẳng phiền lòng gì đâu.

Giờ thì có thể nhắc lại. Trong một bài tiểu luận điều chỉnh quan niệm về xuất khẩu lao động, tôi có viết: “Nhạc sĩ Trần Tiến trong bài hát Về đi em, có khuyên những cô gái quê hãy rời bỏ phố phường phồn hoa đầy rẫy dối lừa, hãy về với làng quê yêu dấu “tình quê mái lá đơn sơ vui câu hò”. Bài ca thật lãng mạn và xúc động thấm thía. Rất hiểu cái nỗi lòng đồng cảm thương cảm của nhạc sĩ, nhưng tôi vẫn muốn phản biện ông anh Trần Tiến. Về đi em, nhưng về làng quê ai cho em công ăn việc làm, về tức là em lại rơi vào một sự bế tắc khác.

Công việc của nghệ sĩ là khơi gợi cảm xúc khơi gợi vấn đề. Còn việc tìm ra giải pháp lại là của các ngành nghề và các thực thể chính trị xã hội. Như quan điểm của ông tổng thống Indonesia kia, ông cảm thấy bị tổn thương quốc thể khi người dân nước ông ra nước ngoài làm thuê bị xâm hại thể xác và tinh thần, ông phấn đấu chấm dứt việc xuất khẩu lao động, và cho rằng chính quyền và các ngành nghề phải tạo ra công ăn việc làm cho người dân chính ngay trên quê hương của họ. Đi xa thì cũng được thôi, nhưng gửi người đi xa chớ nên coi là chiến lược lâu dài, chớ mừng vui khi gửi được người đi mà ngồi thở phào yên tâm, coi như đã lập thành tích, coi như vấn đề đã được xử lý vĩnh viễn.

Nhạc sĩ Trần Tiến dạo quanh Hà Nội trên một chiếc jeep. Ảnh: TLNV


Trở lại với sự “phát hiện vấn đề” của Trần Tiến. Nhạc sĩ bảo “về đi em” tức là đã thầm mong người ta tạo được công ăn việc làm ngay chính ở làng quê của em. Nếu không thế thì “về đi em” lại là một quan điểm phản lại sự vận động quy luật. Chiều thuận của sự phát triển là đi từ nông thôn ra thành thị, sao có thể khuyên người ta quay về làng quê. Vấn đề phải là phát triển ngành nghề, tạo ra môi trường lành mạnh an toàn ở ngay đô thị, bớt phù phiếm “xa hoa dối lừa”, để cho người ta ở lại. Khi đó thì tất nhiên không còn phải gợi ra vấn đề “về đi em” nữa”.

Đấy nhé, mê nhạc Trần Tiến thì cứ mê, nhưng mê trong tỉnh táo nên cứ liên tục phản biện. Lại còn nói ông “phản lại sự vận động quy luật”, tức là “phản động” rồi còn gì. Cái ông du ca bụi bặm ấy mà nhiều khi rất mềm yếu trong lòng. Cứ ngẩn ngơ một anh chàng “Em đi lấy chồng anh vẫn một mình”, hoặc “Về bên dòng sông thơ ấu/ Có anh trai quê vẫn chờ”… Có không nhỉ một anh chàng đâu đó, si tình mơ mộng mà lẩn thẩn leng keng “vẫn chờ” như vậy?

Cái tôi trữ tình của Trần Tiến rất nhiều khi là người ở vậy vò võ ngóng chờ một người tình không hiện hữu.

Trêu chọc anh một chút, rồi lại bàn chuyện nghiêm túc. Tuyển tập anh vừa nêu ý tưởng, tôi đã hình dung đấy là cuốn sách mang tên Du ca dọc đường âm thanh (The Wandering Songs Along the Road of Sound). Du ca thì đúng với anh chàng hát rong này rồi, nhưng dọc đường âm thanh chứ không phải là âm nhạc. Âm nhạc thuộc về âm thanh, nhưng âm thanh còn bao hàm rộng hơn âm nhạc. Đấy phải là chàng du ca trên con đường âm thanh.

Trần Tiến viết hàng trăm ca khúc, mọi phong cách, mọi thể loại, mọi thời gian không gian, mọi tâm trạng, mọi vùng miền. Thế mà anh chưa bao giờ chính thức cho in một tuyển tập nhạc. Các bản nhạc lưu lạc đâu đó trên mạng, chuyền tay, truyền khẩu, dẫn đến tình trạng nhiều người hát sai nhạc sai lời.

Có ca sĩ hát rất hay nhiều bài của Trần Tiến, nhưng lại sửa câu “Chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng” thành “Chiều hoang vắng chiếc xe đi thật vội vàng”. Có thể ca sĩ thay chữ “chiếc xe tang” để chiều lòng người nghe dễ dãi nhiều húy kỵ. Nhưng “chiếc xe tang” mới là chiều sâu triết học của một Trần Tiến tưởng như lãng tử. Bực mình với ca sĩ sửa chữ kia, nên tôi rất nhiệt thành ủng hộ ý tưởng làm tuyển tập chính thức của Trần Tiến.

Bây giờ thì tuyển tập ấy sắp đến với người yêu nhạc rồi đây.

Comments are closed.