Chủ nghĩa hậu hiện đại vs chủ nghĩa hiện đại

Howard Gardner

Hoàng Hưng dịch

(trích từ “Creating Minds”, Basic Books, NY 2011)

… Vì chúng ta đến rất gần chủ nghĩa hậu hiện đại (và không biết niên đại của nó!), việc mô tả nó một cách cô đúc và tự tin là khó khăn hơn. Một lối nêu đặc điểm cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ đơn giản là nâng cao chủ nghĩa hiện đại: nếu chủ nghĩa hiện đại là trớ trêu, thì chủ nghĩa hậu hiện đại còn trớ trêu hơn. Một lập trường khác nhìn chủ nghĩa hậu hiện đại như một phản ứng: nếu chủ nghĩa hiện đại bác bỏ truyền thống, thì chủ nghĩa hậu hiện đại hân hưởng nó. Cũng có những lối nêu đặc điểm tích cực hơn về chủ nghĩa hậu hiện đại – chẳng hạn, như một cố gắng đưa lại vào các sáng tạo của con người những đặc điểm cá nhân, văn hoá, lịch sử, chủ quan, và chính trị. Chắc chắn câu chuyện bên trong lĩnh vực và xuyên lĩnh vực có khác nhau: nhạc sĩ John Cage khác với nhạc sĩ John Adams; Italo Calvino là gương mặt văn chương hoàn toàn khác với Joseph Brodsky; và Andy Warhol, Robert Rauschenberg, Frank Stella, Anselm Kiefer, và Julian Schbabel ở trong năm vũ trụ tạo hình khác hẳn nhau.

Image result for andy warhol

Nhưng với tôi, đặc điểm xác định của cái gọi là kỷ nguyên hậu hiện đại là một sự cố tình làm nhoè các thể loại; một sự bỏ qua mang tính thách đố những tiền lệ và những sự sắp xếp thứ tự mang tính lịch sử; một sự thách thức bất kỳ cố gắng để nghiêm túc một cách chán ngắt nào; một sự sẵn sàng chuyển đổi phong cách, diện mạo hay căn cước; một sự từ bỏ nỗ lực tìm nghĩa hay cấu trúc bên dưới sự hỗn mang trên bề mặt; và một giấy phép cho “cái gì cũng được” [anything goes] trong các thế giới sáng tạo và diễn đạt. Không có sự neo buộc về đạo lý; và nếu như Đất hoang đạt đến cái kết luận ấy với sự nuối tiếc, thì phiên bản hậu hiện đại chấp nhận nó như cái dĩ nhiên, nếu không là một đức tính. Theo một cách nào đó, những nét này có thể được xem như sự tiếp tục chủ nghĩa hiện đại, vì chủ nghĩa hiện đại chắc chắn thách đố nhiều hình thức và thực hành đã thiết định. Nhưng sự thách thức của chủ nghĩa hiện đại được dựng lên từ bên trong một cộng đồng nơi mà những hình thức, thực hành và giá trị ấy được nhìn nhận rất nghiêm túc; và như vậy bất kỳ phản ứng nào cũng được xem như – và phải được xem như – một đối thoại tử tế với những thực hành trước đó.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng chiến thắng của bản thân chủ nghĩa hiện đại, ký ức của những kỷ nguyên trước đã mờ nhạt; và giờ đây một nỗ lực thách thức lịch sử, truyền thống, và những hình thức khuôn mẫu đã thiết định, lại được hưởng sự buông thả gần như tự do. Thay vì một sự thật thách thức một sự thật khác, toàn bộ ý niệm sự thật bị phớt lờ; thay vì cái đương đại thách thức cái truyền thống, thì bất kỳ tinh thần lịch sử nào cũng bị bỏ qua; thay vì nghệ thuật cao cấp hoà trộn với nghệ thuật thấp cấp một cách khiêu khích, thì không hề tồn tại một tinh thần phân cách các nghệ thuật, các văn hoá hay truyền thống. Có sự mất kiên nhẫn với ý tưởng thay đổi hay tiên phong: tất cả đã được thử; mọi người đều đã bị sốc đến kiệt sức; những cái mới của ngày hôm nay là những món hàng đóng gói của ngày mai. Mọi thẩm quyền đều bị chất vấn; không có những neo buộc đáng tin cậy; thực tế một khi ta giữ lập trường của nhà phê bình “giải cấu trúc”, thì mỗi vật hay mỗi văn bản đều chứa trong nó tiềm năng phá huỷ hay phá hoại chính nó.

Có thể hiển nhiên là tình cảm của riêng tôi gần gụi với kỷ nguyên hiện đại hơn là kỷ nguyên hậu hiện đại. Ngay cả mặc dù tôi đã sống trong kỷ nguyên hậu hiện đại, thì cảm năng [sensibility] của tôi vẫn được hình thành theo khuôn mẫu hiện đại chủ nghĩa, và tôi không hề dễ đi theo hoàn toàn những mô típ và tinh thần của thời đại hậu hiện đại. Có thể bởi vì tôi đã có những hoài nghi rằng liệu tinh thần hậu hiện đại có bao giờ được duy trì theo một nghĩa tích cực? Một sự nổi loạn chống lại truyền thống thì có nghĩa lý trong một thế giới vẫn còn bị thống trị bởi truyền thống; một sự chất vấn các phương thức diễn đạt điển hình là hợp lý nếu như các phương thức truyền thống đã không bị thẩm tra lại hay đã không bị thách thức; nhưng một khi ký ức về những hình thức cũ này trở thành mờ nhạt, thì sự phản kháng tiếp diễn trở nên khó hiểu. Thói kiểu cách, trình diễn, hiệu ứng trở thành tất cả.

Tất nhiên, lời phê bình này không áp dụng như nhau cho toàn bộ các hình thức được tạo nên sau khi kỷ nguyên Hiện đại khuôn mẫu đã đi qua: chẳng hạn, những hình thức nhắc lại một thời của đức tin, những hình thức tìm thấy đạo lý trong việc lặp lại những hình thức giản dị, những hình thức xử lý các đề tài chính trị, hay những hình thức nêu bật sự trêu chọc các khán giả am tường một cách có ý thức. Những “phiên bản” này có thể được coi như dễ chịu theo những thực hành và theo các tiêu chuẩn của những kỷ nguyên trước đó, bao gồm kỷ nguyên hiện đại.

Có thể nhìn chủ nghĩa hậu hiện đại với một tinh thần tích cực hơn tinh thần của tôi nhiều. Nhìn một cách bao quát, các nhà hiện đại chủ nghĩa được xem như vẫn bị kẹt trong sự ràng buộc truyền thống: mặc dù phê phán các phương thức duy tiến bộ hay duy vật hay duy lý hay tất định luận của diễn ngôn, họ không biết đến những phương thức khác, và như vậy cuối cùng họ phải nhập vào chúng, thậm chí đi ngược lại phán xét hay ho hơn của họ. Chỉ có các tinh thần hậu hiện đại là có thể vứt bỏ những cái vỏ cứng trí tuệ này và chiêm ngắm trải nghiệm với con mắt không đố kỵ. Nhìn một cách bao quát nữa, chủ nghĩa hậu hiện đại có thể được coi như mang tính giải phóng. Bởi vì có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử loài người, những thiên vị và thiên kiến khác nhau đã tuyên bố một cách độc đoán rằng ý thức có thể được coi là thế này hay thế khác; và có thể theo đuổi những thực hành và trau giồi một cảm năng theo đó không có con người hay tác phẩm nào được coi là có đặc quyền hơn con người hay tác phẩm khác, hay mỗi điểm nhìn bao quát được xem xét ngay lập tức coi nó nêu bật những gì và làm mờ những gì. Theo phiên bản xét lại của triết gia Stephen Toulmin, một cảm năng hậu hiện đại nhắc lại không khí nhân văn và bao dung của thời đầu Phục hưng: từ phối cảnh này, nhiều cái của kỷ nguyên hiện đại được xem như mang tính ngôi thứ, đặc tuyển, độc đoán, và chấp nhận những đối ngẫu không đứng vững được như giữa lý trí và cảm xúc hay giữa loài người và tự nhiên. Tuy nhiên, theo tôi thấy, thì đường lối của chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn hoàn toàn hỗn độn: với một số người, nó có vẻ khai phóng, dân chủ và đa văn hoá hơn; với một số người, nó đơn giản chỉ là thừa nhận những khía cạnh chính trị của mọi ý tưởng và tác phẩm; trong khi với một số người khác, nó dường như có khuynh hướng đi theo niềm tin và độc đoán hơn.

Kỷ nguyên hậu hiện đại giữ lập trường nào đối với tuổi thơ của con người? Như tôi đã rút ra đặc điểm, chủ nghĩa hậu hiện đại mãn khai đặt ra một thách thức trực tiếp đối với tuổi thơ với tư cách một loạt giai đoạn khác biệt. Đúng hơn, dường như nó cho rằng, giống như ta có thể tự do đi thơ thẩn qua các kỷ nguyên và nền văn hoá, ta cũng có thể lơ đãng ngao du qua các lứa tuổi và giai đoạn của thời thơ ấu, đôi khi tắm mình trở lại trong thuở còn ẵm ngửa, đôi khi kiên trì giữ tuổi ấu nhi, đôi khi học theo tính cứng nhắc của đứa trẻ ở giữa tuổi thiếu nhi, hay sự cởi mở có suy nghĩ của cậu thiếu niên. Những phương tiện chuyên chở lai tạp của chủ nghĩa hậu hiện đại – MTV, các khu mua sắm “nhà thiết kế”, các công viên giải trí, văn hoá máy tính – thuộc về mọi nhóm và mọi lứa tuổi y như nhau. Trong một kỷ nguyên mà mọi nền văn hoá đụng chạm với nhau, và trẻ em được đối diện từ rất sớm với kiến thức, các bí mật, các sự kỳ diệu và hãi hùng của thế giới, có lẽ sự hồn nhiên vô tội ngây thơ phải bị hy sinh mãi mãi. Không lạ gì khi nhiều “học giả” đã buồn bã nói, hay báo động, về sự “biến mất của tuổi thơ”.

Và ở chỗ này, tôi nghĩ, chúng ta gặp cái cách mà kỷ nguyên hiện đại không hiện đại như các tông đồ của nó tin tưởng. Trong khi hy vọng một cách vô vọng lật đổ gánh nặng của quá khứ, thì bảy bậc thầy hiện đại thực tế lại dấn sâu vào quá khứ – dù nó mang tính tôn giáo, lịch sử, truyền thống, hàn lâm hay một sự kết hợp nào đó của những tính ấy. Họ bước tới bờ vực nhưng được gọi quay về: một phần bởi tuổi tác ngày càng cao, một phần bởi họ tiếp tục nhìn thấy một lý do của truyền thống – trong trường hợp Eliot hay Stravinsky, hoàn toàn như thế một cách mạnh mẽ; trong trường hợp Freud hay Picasso hay Graham hay Gandhi, có sự mâu thuẫn. Cũng theo cách ấy, họ giữ sự kính trọng đối với tuổi thơ của chính mình và tuổi thơ nói chung, từ đó họ tôn vinh quá khứ của chính mình. Theo một nghĩa nào đó, họ bắt rễ vào hai địa điểm: tuổi ấu thơ của họ (và của các bạn đồng đẳng) và sự làm chủ tinh khéo nhất của họ. Chủ nghĩa hiện đại là tự do hoá, nhưng chỉ khi sự tự do ấy được mua với cái giá là sự thừa nhận lịch sử và những sự ép buộc có trước. Một hậu quả của chủ nghĩa hậu hiện đại là chối bỏ quá khứ ấy và tuổi thơ ấy, chất vấn các lý do của bất kỳ hình thức ép buộc nào, xoá bỏ bất kỳ gốc rễ nào.

Chối bỏ tuổi thơ như thế, hay huỷ diệt quá khứ như thế, có thể cũng được việc; nhưng đã nổi lên những dấu hiệu cho thấy một phản- phản ứng còn độc địa hơn có thể sinh ra trong lĩnh vực mỹ học, và có lẽ cũng trong những lĩnh vực khác nữa. Thay vì tiến lên một cách vô định theo hướng cởi mở hơn, bao dung hơn, hay làm nhoè các thể loại, con người có thể bị kết án phải dao động tới lui giữa các thời kỳ cách tân và truyền thống, giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa lịch sử, giữa những đột phá sáng tạo và những thời kỳ ngưng đọng hay thụt lùi có thể đưa đến kết quả là sự tiêu huỷ cục bộ. Một tinh thần hiện đại à la (theo mốt) 1900 có thể vẫn còn chừng nào con người vẫn có năng lực mạo hiểm, và có lẽ họ chỉ có thể trụ ở cái vùng cường tráng này của tâm trí trong những khoảng ngắn của lịch sử.

Comments are closed.