“Kiến, chuột và ruồi” (trích, kỳ 3)

Nguyễn Quang Lập

10. Đám rước nhà tôi

Ba đã làm tổng cộng năm mươi chín cái điếu cày trong vòng ba năm phụng sự đồng chí Đội trưởng, từ ngày rước đồng chí về Thị trấn cho đến khi ông bị chính đồng chí xông vào nhà ấn mặt bắt phải quì, nghe đồng chí tuyên bố trọng tội làm gián điệp cho Quốc Dân Đảng.

Quốc Dân Đảng là gì? Tất nhiên đồng chí Đội trưởng không biết, đồng chí cũng chẳng cần biết, chỉ cần Thủ trưởng biết là quá đủ. Thủ trưởng đã khẳng định đây là một tổ chức rất ghê tởm. Một khi Thủ trưởng khẳng định là ghê tởm thì chúng phải ghê tởm. Đồng chí Đội trưởng tin tưởng chúng rất ghê tởm, chẳng cần biết chúng là những ai mà ghê tởm, làm những gì mà ghê tởm, ở đâu ra mà ghê tởm, vì sao mà ghê tởm và ghê tởm từ lúc nào, hiện có còn nữa không mà ghê tởm. Không cần phải nhiêu khê đến vậy, chỉ cần Thủ trưởng khẳng định chúng là một tổ chức ghê tởm, thế là quá đủ. Ai làm gián điệp cho chúng tất nhiên phải xử bắn kể cả Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ, người có thành tích làm năm mươi chín cái điếu cày cho Đội trưởng.

Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ là tên tiểu tư sản phản động, một tên gián điệp, trong xắc cốt của hắn có rất nhiều tài liệu của Quốc Dân Đảng. Dù hắn có làm năm mươi chín cái điếu cày hay năm ngàn chín trăm cái điếu cày thì cũng rứa thôi. Đó là kết luận đanh thép của đồng chí đội trưởng Đội cải cách sau mười sáu phút hội ý trong bữa thịt chó thâu đêm tại nhà chị Hiên, đêm trước buổi chiều tiết canh vịt ở đình thờ họ Phạm ba được đồng chí ban cho chín tiếng tuyệt vời.

Thịt chó vừa bày ra, tập tài liệu của Quốc Dân Đảng chưa có trong xắc cốt của Chủ tịch thị trấn Phạm Vũ. Chị Hiên vừa lên huyện xin về, vẫn còn nóng hổi dưới đít đồng chí Đội Trưởng. Không quan trọng, đồng chí vẫn kết luận đanh thép. Việc chuyển tập tài liệu từ dưới đít đồng chí Đội trưởng vào xắc cốt của ba chỉ là chuyện nhỏ, kết luận đanh thép mới là việc quan trọng. Phàm những gì lãnh đạo kết luận đều hoàn toàn đúng đắn, nếu chưa đúng đắn thì cấp dưới phải có trách nhiệm khẳng định cho nó đúng đắn. Ai không thấm nhuần được điều này đừng dại dột theo cách mạng.

Dị nhân Kiểm Hát nói đúng, ba đã quá dại dột. Chiều hôm sau, xong bữa rượu tiết canh vịt ba ngây ngất rời đình làng về nhà với vợ, mang theo luôn tập tài liệu ấy trong xắc cốt, ông đã mang theo “kết luận đúng đắn” của đồng chí Đội trưởng về nhà.

Năm giờ sáng ba bị điệu ra khỏi nhà. Sáu giờ ba mươi nhà tôi bị lục soát tứ tung. Bảy giờ mười có lệnh trục xuất gia đình tôi ra khỏi nhà tới “định cư” ở một chuồng bò bỏ hoang, không được mang theo bất cứ thứ gì ngoài một mớ áo quần rách và vài cái nồi đất.

Mạ dắt đàn con đi về cái chuồng bò giữa hai hàng người rạo rực hô vang đả đảo và muôn năm, chủ yếu đả đảo đích danh tên tiểu tư sản phản động Phạm Vũ. Mạ đi xiêu vẹo như kẻ mất hồn, mặt bạc phếch, đôi đồng tử cứng đơ như hai hòn sỏi. Rất nhiều lần mạ ngã khụy giữa đường, mắt dí chặt lấy đầu ngón chân cái. Chị Cả, chị Hai phải xốc nách bà mới đứng lên được. Chân tay mạ run lẩy bẩy, lại thêm cái bụng chửa vượt mặt khiến bà lúc lúc lại bổ nhào về phía trước.

Tôi ngồi nghiêng ngửa trong cái bụng chửa, trạng thái không trọng lượng làm tôi khó chịu. Ở bên ngoài không phải đám rước của trẻ con. Chỉ có muôn năm và đả đảo, đám rước người lớn không ca hát không đấm đá cãi cọ nhau chí chóe, chỉ có muôn năm và đả đảo. Tiếng hô muôn năm và đả đảo của người lớn cũng khác hẳn trẻ con, nó cộng hưởng vang rền rung chuyển cả không gian. Tôi ở trong bụng mạ cũng bị rung chuyển dữ dội. Tiếng muôn năm làm tôi khi ngả sang phải khi ngả sang trái, tiếng đả đảo làm tôi khi chúc lộn xuống khi đảo ngược lên. Cùng với tiếng trống rền vang, tiếng thanh la nhói óc nhồi tôi phình ra bóp vào theo nhịp gõ. Ôi nếu chết được thì chết quách đi hơn là phải sống thế này.

Tôi cố tìm hiểu tại sao bỗng dưng cái bụng mạ lại đảo điên nghiêng ngả. Buồn thay bộ não sáu tháng tuổi của tôi đang là đám đậu phụ nhão nhoét mới thành hình, chỉ có yes or no yes or no, chừng đó không đủ để giúp tôi hiểu chuyện gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Nếu tôi đã ra đời không chắc tôi đã hiểu. Dân Thị trấn cũng không ai hiểu vì sao Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ bỗng nhiên thành tên tiểu tư sản phản động, gián điệp Quốc Dân Đảng. Một vạn hai ngàn dân Thị trấn nem nép nhìn nhau tự hỏi đến Chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ còn bị đem ra trường bắn thì thân phận họ rồi sẽ thế nào?

Đám rước rùng rùng chuyển động, rạo rực hướng theo tiếng hô muôn năm và đả đảo rung động Thị trấn. Trong tiếng hô rạo rực kia chen lẫn bao nhiêu câu hỏi. Không cần phải hỏi, càng cố tìm hiểu càng mang vạ vào thân. Đây là thời của phấn khởi tin tưởng, có phấn khởi tin tưởng sẽ có tự do. Phấn khởi tin tưởng quá dễ tại sao không theo, cứ đeo lấy tìm hiểu để làm gì?

Nhà tôi dắt díu nhau đi trong đám rước kinh khiếp này. Cả nhà chỉ thiếu mỗi anh Ba, anh không có mặt trong đám rước. Anh ở đội Cờ đỏ của huyện, suốt ngày đêm tham gia cuộc cách mạng long trời lở đất, rất ít khi ở nhà. Anh không biết ba bị bắt, hoàn toàn không. Sáng nay anh bất ngờ bị loại ra khỏi đội Cờ đỏ, đưa về giam lỏng ở cái nhà kho phía sau Ủy ban huyện. Lúc này đây anh đang đứng cửa sổ nhà kho trông ra chờ ai đó đi qua để hỏi vì sao anh bị tống giam.

Anh Ba vốn hồn hậu chất phác, hồn hậu chất phác từ lúc mới sinh ra cho đến già vẫn hồn hậu chất phác. Chưa khi nào anh nghĩ về đời xa hơn một bước chân. Mãi tới khi người ta kính cẩn đeo trước ngực vô số thực danh và hư danh dài đến nỗi phải đọc hai hơi mới hết, anh vẫn không nghĩ về đời xa hơn một bước chân. Toàn bộ óc não của anh chỉ để chứa các loại kiến thức về cơ lượng tử và trường lượng tử khiến anh trở nên nhà vật lý lượng tử danh tiếng.

Như Vũ Hoàng Chương, anh Ba cũng đầu thai nhầm thế kỉ. Đây là thế kỉ nghiên cứu bèo hoa dâu, sáng kiến hố xí hai ngăn và cấy giăng dây thẳng hàng, bộ não của anh chẳng biết dùng việc gì. Giống ba, anh chỉ biết đọc báo Nhân dân rồi đi họp, sáng họp viện A, chiều họp viện B, cuộc họp nào cũng lấy đồng thuận làm căn bản. Còn lại là xách cặp đi nước ngoài, vì chỉ nước ngoài mới thấy bộ não của anh là cần thiết.

Anh Ba đã không biết đi buôn lại rất khinh bỉ việc đi buôn, Hai mươi sáu năm bôn ba nước ngoài, mỗi năm ba, bốn chuyến, cộng lại đến nay hơn tám ngàn cuốn sách, ngoài ra chẳng có gì sất. Năm ngoái anh về trời, gia đình mất bốn tiếng đồng hồ hóa vàng tám ngàn cuốn sách cho anh ở xứ thần tiên có cái để đọc. Chỉ có anh Ba mới đọc được núi sách ấy, chẳng có ma nào đọc được, để lại chỉ tổ chật nhà.

Anh Ba tôi suốt đời sống trong sáu chữ: Phấn khởi- tin tưởng- tự hào. Tuồng như mọi đau thương không hề để lại dấu tích trong bộ não đáng nể kia, kể cả những kí ức cay đắng nhất. Nhiều lần bị người đời giáng cho vỡ mặt, tưởng có thể nhớ đời anh cũng quên luôn. Suốt đời anh chỉ có một niềm yêu, không yêu được thì phục, không phục không yêu thì thân thiện, anh quyết không ghét bỏ ai bao giờ. Từ thủa thiếu thời cho đến ngày về trời, anh Ba chỉ có một thần tượng. Không phải là Marx, Engels – họ là thần tượng độc quyền của ba tôi. Không phải là Pele, Maradona – họ là ai đến chết anh vẫn không biết. Không phải Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cần – anh luôn xa lạ với những ai làm ra một thứ phù phiếm gọi là văn. Không phải Bernouilli, Lomonosov – họ chẳng qua cũng là nhà khoa học như anh. Thần tượng duy nhất của anh Ba là Lôi Phong, một ông cha căng chú kiết nào đó chuyên tìm bàn chải đánh răng trong đống rác đem về dùng, được dân Trung Quốc tôn làm đại thánh thời thất bát cao lương dư thừa sĩ diện hão.

Ai nói thế nào mặc lòng, đến chết anh Ba vẫn đinh ninh cuộc sống sở dĩ ngày càng tươi tốt là vì người ta biết tằn tiện, chỉ cần biết tằn tiện thôi ta sẽ có những gì ta muốn. Anh Ba đã có những gì anh muốn có: Một bộ vét bốn mươi sáu năm từ ngày du học ở Trường đại học tổng hợp ở Bungaria, một đôi giày da cừu cao cổ hai mươi bảy năm mua với giá bốn lev bốn mươi stotinki từ một anh bạn nát rượu người Mông Cổ, một cái cặp da bò ba mươi chín năm, phần thưởng cho luận văn tốt nghiệp đại học xuất sắc của anh. Tất cả chỉ có thế, anh cũng không cần gì nhiều hơn thế, có chăng là thêm một bà vợ có cùng thần tượng Lôi Phong với anh và vô số niềm tự hào bằng giấy xanh đỏ, bằng sắt đồng nhôm mạ bạc mạ vàng… xếp chật cứng gầm giường.

Thực ra Lôi Phong là thần tượng trong cuộc sống hằng ngày của anh Ba mà thôi. Thần tượng vô song của anh chính là Cách mạng. Năm mười một tuổi, một ngày mùa thu đẹp trời, cách mạng kéo cờ đỏ trở về, chỉ trong ba ngày làm đảo lộn Thị trấn Kô Long. Cách mạng phá kho thóc chia cho dân nghèo, kéo mấy trăm xác chết đói rải rác khắp Thị trấn đem đi chôn, gô cô quan huyện quan tỉnh diễu đi mấy chục cây số đường tỉnh lộ, cho tới khi họ lăn ra chết nhăn răng. Một vạn hai ngàn dân Thị trấn được lên ngôi, được gọi là ông chủ và gọi nhau bằng đồng chí. Đó là cuộc đổi thay vĩ đại, với anh Ba nó là cuộc đổi thay thần kỳ, trên thần kỳ, trên trên thần kỳ, trên trên trên trên thần kỳ… Cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, chịu chui vào nhà điện táng, chịu để người ta chặt xương ra thành nhiều khúc nhét vào cho vừa cái tiểu nhỏ, anh ba tôi vẫn đinh ninh như vậy.

Dễ hiểu vì sao, chỉ một năm theo đội Cờ đỏ, bộ não trác tuyệt của anh Ba đã thấm nhuần lời dạy của Trần Ngô Đống Tiên Sinh với hai điều thật giản dị: Điều 1: Cách mạng luôn luôn đúng; Điều 2: Nếu Cách mạng sai hãy xem lại điều 1. Đó là chân lý vĩ đại mà sau này mấy ông chồng sợ vợ đã ăn cắp bản quyền chế tạo thành câu chuyện tiếu lâm. Anh Ba rất khó chịu chuyện tiếu lâm bậy bạ đó, với anh đó là chân lý, dù có tát cạn Biển Đông chân lý đó không hề thay đổi. Từ thuở trai tráng xông pha đội Cờ đỏ dưới sự lãnh đạo của Trần Ngô Đống Tiên Sinh tới khi già yếu oặt ẹo vì bệnh bại liệt không ra được khỏi giường, ngồi ôm cái đài nghe tin thời sự, chỉ nghe mỗi chương trình thời sự mà thôi, anh vẫn không mảy may nghi ngờ chân lý đó.

Anh Ba đang đứng trong nhà kho Ủy ban huyện. Từ trước tới giờ anh toàn được khen thưởng, chưa một lần bị chê trách, bỗng dưng bị bắt nhốt là chuyện quá lạ. Lạ chứ không phải sai, Trần Ngô Đống Tiên Sinh đã nói, Cách mạng luôn luôn đúng. Anh Ba bị bắt nhốt là vì anh sai nhưng sai cái gì thì anh Ba không nghĩ ra. Khoảng một giờ anh Ba được Trần Ngô Đống Tiên Sinh thông báo Phạm Vũ đã bị bắt vì tội làm gián điệp cho Quốc Dân Đảng. Anh bàng hoàng mồm há hốc cứng ngắc, hơn mười phút sau mồm không ngậm lại được. Anh không sao cắt nghĩa nổi, ba không thể là kẻ xấu, Cách mạng không thể sai, vậy thì lý do gì ba bị bắt?

Ba ơi răng rứa?… Răng rứa ba ơi!…Anh Ba khóc lóc kêu rên. Trời không nghe. Đất không nghe. Ba không nghe. Chỉ có một nhân viên đội Cờ đỏ đang nấp rình nghe rất rõ. Nhân viên Cờ đỏ báo lại cho Trần Ngô Đống Tiên Sinh, Tiên Sinh báo lại cho Chánh văn phòng Ủy ban huyện, Chánh văn phòng Ủy ban huyện báo lại cho Phó chủ tịch huyện, Phó chủ tịch huyện báo lại cho Chủ Tịch huyện, Chủ tịch huyện báo lại cho Trưởng ban cải cách huyện. Trưởng ban cải cách huyện nắn nót ghi vào sổ tay nhật ký công tác những gì ông theo dõi anh Ba. Hiếm có một cuốn nhật ký công tác nào ghi chép chu đáo kĩ lưỡng như thế.

Trích nhật ký công tác của Trưởng ban cải cách huyện

12h ngày 21 tháng 12 năm 1955.

Bắt giam Phạm Ba, con trai thứ ba của Phạm Vũ. Bốn giờ liền y khóc lóc kêu rên: “Ba ơi răng rứa?… Răng rứa ba ơi!…” Phải chăng là ám hiệu?

Cần theo dõi tiếp.

…………………

18h 21 tháng 12 năm 1955.

Phạm Ba không chịu ăn, đứng ở cửa sổ nhìn ra. Hắn tiếp tục khóc thêm sáu giờ nữa. Công an xác định: “Ba ơi răng rứa?… Răng rứa ba ơi!…” không phải là ám hiệu. Tuy vậy không được mất cảnh giác.

Cần theo dõi hướng nhìn của Phạm Ba: Bụi tre…> Hai cây dừa…> Cái giếng Xóm Đá…> Đền thờ họ Phạm.

……………………….

21h ngày 21 tháng 12 năm 1955. Theo yêu cầu của Ban cải cách, Đội cờ đỏ huyện đã báo cáo gửi lên, khẳng định họ Phạm là họ yếu kém nhất Thị trấn.

Cụ thể:

+Thành phần nguy hiểm đông nhất: bao gồm 16 trí thức, 17 tiểu tư sản, 215 buôn bán nhỏ. Đặc biệt hai đại tư sản Phạm Vĩ và Phạm Phú Huệ. Bọn này dù có công với Cách mạng nhưng là mầm mống của Tư bản chủ nghĩa, cần phải tiêu diệt. Đáng tiếc cả hai tên này đã trốn khỏi Thị Trấn trước Cải cách.

Thành phần tiên tiến quá ít:

+Giai cấp nông dân: 12 gia đình có ruộng ở Xóm Trầu.

+ Giai cấp công nhân: hai hộ sửa xe đạp.

Đáng tiếc thành phần tiên tiến của họ Phạm lại không chịu khó tham gia các phong trào cách mạng cuả Thị trấn làm gương cho dòng họ Phạm noi theo. Đội cờ đỏ đã nhiều lần tới nhà động viên họ tham gia, họ nhất trí rất nhanh và cũng lủi về nhà rất nhanh.

Hồ Chủ tịch đã dạy: Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.” Tôi nguyện làm theo lời dạy Hồ Chủ Tịch để cải tạo Phạm Ba nói riêng, dòng họ Phạm nói chung trở thành con người có ích cho Cách mạng.

Hồ Chủ Tịch muôn năm!

*

Theo dõi anh Ba thật dễ, anh vẫn khóc lóc kêu rên trong nhà kho. Ba ơi răng rứa?… Răng rứa ba ơi!… Đội viên cờ đỏ liên tục báo lên cấp trên “không có gì mới.”. 9h15. “Không có gì mới. Phạm Ba vẫn khóc lóc.” 10h20. “ Không có gì mới. Phạm Ba vẫn khóc lóc”… May anh Ba chỉ khóc lóc trong nhà kho. Nếu đi giữa đám rước giữa hai hàng người trống dong cờ mở, rạo rực hô muôn năm đả đảo anh Ba vẫn một mực khóc lóc kêu rên nhất định có kẻ mắng cho, thằng anh mười tám tuổi đầu cũng ngu như hai thằng em bốn tuổi và sáu tuổi.

Thằng em bốn tuổi là anh Chín. Anh túm lấy áo mạ, ngó ngược ngước xuôi giữa hai hàng người đông nghịt. Trí tuệ non nớt của đứa bé bốn tuổi không giúp anh hiểu được rành rẽ vì sao ba mình bị trói vày vò như một con chó nhúng nước và người ta đang rạo rực lôi tên ông ra nguyền rủa. Cho dù trẻ con bốn tuổi có hiểu được chuyện này đi nữa thì anh Chín vẫn không hiểu. Anh thuộc dòng phi thực, sinh ra để làm thơ nhớ nhà, để thấy cuộc đời luôn chứa chan hạnh phúc. Những gì liên quan đến đả đảo đều làm anh kinh hãi.

Anh Chín đang sợ, nỗi sợ bị ăn thịt, sợ đến nỗi không dám khóc, nước mũi nước dãi chảy ướt dầm dề quệt mãi không hết. Gương mặt đẹp như chúa hài đồng giờ đây nhem nhuốc bẩn thỉu như vừa chui ra từ ống cống. Chỉ đôi mắt con gái vẫn sáng long lanh tròn xoe ngơ ngác. Dù đang rạo rực hô muôn năm và đả đảo, nhiều người nhìn anh đã bật khóc. Để không ai trông thấy mình khóc họ đã gào to như điên dại, nhói lên những tiếng thét thất thanh giữa rạo rực muôn năm và đả đảo, nghe như tiếng thét của người cuồng, anh Chín càng sợ hãi, anh ngậm miệng khóc ư ử, hai lỗ mũi liên tục phồng bông bống.

Dẫu sao anh Chín cũng còn biết sợ, còn mơ hồ cảm được cái chết gần kề của ba tôi. Anh Tám đã sáu tuổi đầu vẫn ngơ ngơ như bò đội nón. Chứng kiến cảnh bắt bớ ba tối hôm trước, trong khi cả nhà rúm ró sợ hãi anh Tám vẫn đứng toe toét cười. Bây giờ đi giữa đám đông anh Tám vẫn toe toét cười. Anh còn nhảy loi choi, vung chân vung tay hò hét theo mọi người. Trong trí tưởng tượng hoang đường của anh Tám – cơ sở để sau này anh trở thành viên chức hạng bét và thầy bói trứ danh – việc ba bị trói vày vò, bị Đội trưởng lôi đi xềnh xệch chẳng qua là trò chơi anh chưa từng biết bao giờ. Anh hình dung cả nhà đang đi giữa đám rước vĩ đại, vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa và đám tùy tùng đang diễu qua hai hàng thần dân háo hức hô “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”.

Anh Tám vênh vang đi giữa đám rước. Từ sáng đến giờ chưa có gì bỏ bụng, không quan trọng, được vào vai Thái tử vênh vang đi giữa đám rước quan trọng hơn nhiều. Người ta hô muôn năm, anh Tám nhảy cẫng lên hô muôn năm. Người ta hô đả đảo, anh Tám cũng nhảy cẫng lên hô đả đảo. Thấy anh đang đả đảo cha mình mọi người cười ầm. Anh cũng nhăn răng cười. Chị Cả cầm cổ áo anh giật trở lại, cho anh một cái tát nảy đom đóm. Anh khóc, xông đến đấm đá chị Cả tứ tung, mồm chửi cha chị Cả như hát tuồng, không hề nghĩ cha chị cũng là cha anh hiện đang diễu qua một ngàn hai trăm quần chúng hôm qua còn là thần dân của ông, răm rắp làm theo lệnh của ông, nay đang hân hoan tống tiễn ông đến chỗ hành hình.

Cậu Dư đứng rúm ró trong đám người hô muôn năm và đả đảo thấy những gì thằng cháu ruột của mình đang làm, uất lên quên cả sợ hãi cậu xông ra giáng cho anh Tám thêm một cái tát trời giáng. Răng mà ngu rứa con ơi! Cậu thét lên mấy tiếng xé ruột. Khi đó anh Tám mới chịu cúp mặt lủi thủi đi sau một quãng khá xa, ra cái điều không thèm chơi với mọi người nữa. Cũng có thể anh Tám ngây dại của tôi cho rằng tử hình là một cái chết lẫm liệt không phải ai muốn cũng có được, và người ta chết xong lại sống lại như thường. Giống ông cu Trí nhà bên, tối nào cũng lên sân khấu để bị chém ngang đầu, bao nhiêu người than khóc tiếc thương, tóm lại sáng mai đã thấy ông ngồi lù lù ở hàng cháo bánh canh mụ Đồ. Ba sẽ chết như thế, và cũng chỉ chết như thế thôi, giữa một ngàn quần chúng rạo rực hô muôn năm và đả đảo. Rõ là một cái chết không chê vào đâu được. Thế nên anh không thể hiểu vì sao anh bị giáng liền hai cái tát, suýt nữa bị cái tát thứ ba là của anh Bảy đang đi cạnh anh không đầy hai bước.

Anh Bảy chín tuổi thừa sức hiểu ra mối nguy hiểm khủng khiếp khi người ta xông vào nhà bắt sống ba. Anh đứng góc nhà trừng trừng nhìn Đội trưởng. Anh biết chuyện gì xảy ra trên bốn bao tải cám lợn nhà chị Hiên, vì sao trên bụng chị Hiên lúc đầu là ba sau đó là Đội trưởng. Qua khe hở hẹp vách nứa anh đã nhìn thấy rất rõ. Khi cả nhà tôi đang dúm lại dưới chân Đội trưởng kêu khóc van xin, anh Bảy đứng tách ra, hai hàm răng nghiến chặt, đôi mắt rực lên một nỗi căm hờn.Và vẫn hàm răng nghiến chặt, đôi mắt rực lên một nỗi căm hờn như thế, phớt lờ mọi tiếng la hét chửi rủa bốn xung quanh, anh Bảy ngẩng cao đầu, mắt nhìn thẳng, hiên ngang đi giữa hai hàng người, cứ như chính anh là anh hùng sa cơ ra pháp trường giữa một ngàn hai trăm người đang rạo rực hô muôn năm và đả đảo.

Bỗng những hòn sỏi nhỏ ném trúng đầu anh cùng với tiếng thét giận dữ sặc mùi a dua của lũ trẻ. Chúng là những đứa bé chín mười tuổi, bạn bè của anh Bảy. Mới hôm qua anh là thủ lĩnh của chúng nó, cả lũ không đứa nào không thần phục anh. Anh Bảy luôn dẫn đầu trong các trận “huyết chiến” với tụi trẻ xóm Cống, chưa bao giờ anh chịu đầu hàng dù nhiều khi thất bại thảm hại. Nếu có đứa nào đó quân của anh bị bắt, anh xả thân cứu thoát cho kì được bất chấp hiểm nguy, đừng hòng anh bỏ bạn khi lâm trận. Nhiều lần cứu bạn anh bị tụi xóm Cống đánh cho tóe máu, nếu bạn chưa chạy thoát, có chết anh vẫn không lui. Đủ biết vì sao anh Bảy bé nhỏ hơn nhiều đứa khác anh vẫn được lũ trẻ tôn làm thủ lĩnh.

Anh Bảy sống với lũ trẻ nhiều hơn sống với anh em trong nhà. Ngày ngày lũ trẻ cùng anh ngụp lặn trong dòng hói tìm bắt những con cua nước lợ và thi nhau lặn một hơi tìm đến những người đàn bà tắm truồng, chui tọt vào giữa háng họ, làm các chị các bà rú lên vừa sợ hãi vừa thích thú. Rồi cả lũ kéo nhau đi đào hang chuột, đi bới khoai mầm đem về liên hoan cùng với tôm cá đơm bắt được. No rồi chơi ù muỗi, chơi đánh đáo, đánh khăng, đánh du kích… Tối cùng nhau nằm trong cái chòi canh nò cá bên bờ hói, kể cho nhau ba mạ chúng đã làm những gì trong đêm và cười rúc rích, chồm lên vọc chim nhau hoặc tuột quần ngồi đọ chim, cãi nhau hơn thua chí chóe. Nửa đêm ôm nhau ngủ say sưa cho tới sáng.

Lũ trẻ yêu anh Bảy thần phục anh Bảy vì anh là thủ lĩnh can trường, cũng vì anh là con ông chủ tịch thị trấn nhưng chưa bao giờ anh lấy đó làm le; vì anh đi học luôn đứng đầu lớp và anh em trong nhà ai đi học cũng đứng đầu lớp, chẳng khi nào anh đem việc học ra khoe mẻ. Anh đã đọc trọn bộ Tam quốc diễn nghĩa như trí thức huyện Tuy, như trí thức huyện Tuy anh cũng biết Truyện kiều là của Nguyễn Du, anh còn biết bộ Tấn trò đời là của Balzac mà nhiều trí thức huyện Tuy không biết. Dầu vậy chưa bao giờ anh nói đến chữ nghĩa. Mặc cho ai đóng vai “Từ điển sống” ba hoa kể hết chuyện nọ sang chuyện kia, anh chỉ nằm yên gác tay nghe, thỉnh thoảng tủm tỉm cười, chỉ tủm tỉm cười thôi không bao giờ tranh cãi.

Ba cũng bất ngờ những gì anh Bảy tự học, hồi chín tuổi ông không thể được như con ông. Một lần tìm được cuốn sổ tay của anh Bảy ghi chép những lời dạy của Hồ Chủ Tịch, ba thất kinh. Ông cũng chưa bao giờ có cuốn sổ tay ghi chép lời dạy Hồ Chủ Tịch được như anh Bảy. Ba còn thần phục anh Bảy hà cớ gì lũ trẻ không thần phục.

Trích sổ tay anh Bảy

+Lời dạy thứ 112 của Hồ Chủ Tịch:

Dao có mài, mới sắc.
Vàng có thui, mới trong.
Nước có lọc, mới sạch.
Người có tự phê bình, mới tiến bộ.

Lời của người là chân lý. Con Phạm Bảy nguyện vâng theo lời dạy của Người.

Hồ Chủ Tịch muôn năm!

+Lời dạy thứ 113 của Hồ Chủ tịch:

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người.
Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.

Lời của người vô cùng sâu sắc. Con Phạm Bảy nguyện vâng theo lời dạy của Người.

Hồ Chủ Tịch muôn năm!

Ở trong đội Nhi đồng Tháng Tám, lũ trẻ được các anh chị phụ trách cho hay bọn tư sản phản động và gián điệp Quốc Dân Đảng là kẻ thù của nhân dân không thể không tiêu diệt. Kẻ thù của nhân dân không thể đội trời chung, bài học đầu tiên khi vào đội Nhi đồng Tháng Tám anh Bảy đã thấm nhuần. Đứa nào đó rơi vào trường hợp của anh, như lũ trẻ kia anh cũng chạy theo chửi rủa và ném đá. Thế mới là Nhi đồng Tháng Tám, dù hỉ chưa sạch mũi vẫn luôn luôn coi bọn tư sản phản động và gián điệp Quốc Dân Đảng là chó ghẻ, con cái của chúng cũng chó ghẻ. Nhất định thế rồi.

Chỉ qua một đêm anh Bảy trắng tay, anh mất sạch những gì anh tưởng là bất biến, mất hết cả với bạn bè là điều anh không thể tưởng tượng nổi. Mới hôm qua thôi lũ trẻ Kô Long hãy còn yêu anh thần phục anh, hôm nay hết thảy đã quay lưng lại với anh, coi anh chẳng khác gì con chó ghẻ. Thế là hết, mất hết. Sạch sành sanh. Anh Bảy đi trong nỗi cay đắng tột cùng. Lũ trẻ vẫn chạy theo anh, ném những hòn sỏi nhỏ trúng đầu anh và la hét, ê ê con thằng phản động!… Ê ê con thằng phản động!

Anh Bảy vẫn ngẩng cao đầu nhìn thẳng, hiên ngang bước, nhưng đôi mắt không còn rực lên một nỗi căm hờn nữa, đôi mắt ấy đang khóc.

Comments are closed.