Chủ nghĩa hiện thực lịch sử trong lịch sử phê bình của Trần Đình Sử

Lã Nguyên

Trần Đình Sử vừa cho ra mắt chuyên luận Phê bình văn học Việt Nam hiện đại: Lịch sử và chân dung[*]. Tôi tin sự ra đời của cuốn sách sẽ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống học thuật của chúng ta. Có hai điểm đột phá cốt lõi làm nên sức nặng khoa học của công trình nghiên cứu này.

image

Thứ nhất: tầm bao quát lịch sử theo cả chiều dài, lẫn bề rộng của nó. Ở thời điểm này, có thể dám chắc, chuyên luận của Trần Đình Sử là công trình đầu tiên và duy nhất dựng lại đầy đặn diện mạo của phê bình văn học Việt Nam xuyên suốt từ đầu thế kỉ XX cho tới tận bây giờ với một khối lượng tư liệu đồ sộ, bề bộn, bao gồm nhiều chuyên luận, tiểu luận, sách, bài báo, tuyển tập của hàng trăm nhà nghiên cứu, phê bình lớn nhỏ thuộc các thế hệ khác nhau. Những công trình xuất bản đã lâu, từ những năm 1980 trở về trước của một số tác gia nổi tiếng, ví như Nhà văn hiện đại (1942-1945) của Vũ Ngọc Phan, Phê bình văn học thế hệ 1932 (1966, 1972-1973) của Thanh Lãng, Lược khảo văn học, tập 3 (1968) của Nguyễn Văn Trung, dĩ nhiên, chưa thể làm được điều đó. Ngay cả những công trình mới công bố vào những năm gần đây cũng không có tầm bao quát như vậy. Tác giả của những công trình này thường chỉ chọn một phân khúc nào đó của phê bình văn học Việt Nam hiện đại làm đối tượng nghiên cứu. Cũng chính trong các công trình ấy, do tác giả của chúng chưa thoát khỏi cái nhìn phân cực tư tưởng hệ có nguồn cội từ thời chiến tranh lạnh, nên lịch sử phê bình văn học hiện đại thường bị thu hẹp tối đa, chỉ còn là lịch sử diễn ngôn theo quan điểm mĩ học Mác – Lênin. Những cuốn sách thu hẹp lịch sử tối đa như thế dĩ nhiên không có chỗ đứng cho các nhà phê bình dưới chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, hay phê bình văn học hải ngoại, thậm chí, có rất nhiều nhà nghiên cứu nổi danh cũng bị gạt ra ngoài. Trong chuyên luận của Trần Đình Sử, lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại là lịch sử gần như của tất cả các trào lưu, khuynh hướng và phương pháp luận phê bình hiện đại, từ phê bình mac-xit đến phê bình khai sáng, từ phê bình xã hội học chính thống đến phê bình cấu trúc luận ngoại biên, từ phê bình ấn tượng đến phê bình khoa học, từ phê bình thi pháp học đến phê bình phân tâm học, kí hiệu học… Ở đó không chỉ có chân dung các nhà phê bình phát ngôn cho cho tư tưởng văn nghệ cách mạng như Hải Triều, Hoài Thanh (giai đoạn sau 1945), Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phương Lựu, mà còn có chân dung của Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trương Tửu, Phan Ngọc, Đặng Tiến, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung và nhiều nhân vật khác thường bị bỏ quên. Phê bình văn học mac-xit chính thống, phê bình văn học thời Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1954-1975, phê bình hải ngoại hòa chung vào một dòng chảy thành tiến trình phê bình văn học Việt Nam hiện đại trong cuốn sách của Trần Đình Sử. Công trình nghiên cứu của ông đã mở rộng các biên độ giá trị, làm cho phê bình văn học hiện đại Việt Nam thành một hiện tượng, một bộ phận của tiến trình nghiên cứu, phê bình văn học thế giới.

Thứ hai, và đây mới là điểm mấu chốt, đột phá trong quan niệm về phê bình và lịch sử phê bình văn học. Nhìn lại từ nửa đầu thế kỉ XX trở về trước, nói chung, mọi quan niệm hiện đại về phê bình và lịch sử phê bình văn học đều là sản phẩm của loại hình tri thức làm nên cái được gọi là các đại tự sự. Chẳng hạn, thuyết “mô phỏng” (mimesis) có nguồn gốc từ mĩ học của Aristotle và sau này thành phản ánh luận của V.I. Lenin là một đại tự sự. Mỹ học Hegel cũng là một đại tự sự. Rất dễ nhận ra bóng dáng của các đại tự sự ấy trong quan niệm V.G. Belinski về nghệ thuật và phê bình văn học. V. Belinski gọi phê bình là “mĩ học vận động”. Trong Diễn văn phê bìnhBài thứ nhất, viết năm 1842, ông nói: “Không phải nghệ thuật đẻ ra phê bình và cũng chẳng phải phê bình đẻ ra nghệ thuật, mà cả nghệ thuật lẫn phê bình đều thoát thai từ một nguồn cội chung, ấy là tinh thần thời đại. Nghệ thuật và phê bình đều là sự nhận thức thời đại; nhưng phê bình là sự nhận thức triết học, còn nghệ thuật là sự nhận thức trực tiếp. Nghệ thuật và phê bình đều có chung một nội dung, sự khác nhau của chúng chỉ là ở hình thức”. Đặc điểm chung của loại hình tri thức hiện đại là tuyệt đối hóa tinh thần duy lí. Nó gạt cái phi lí ra ngoài, ảo tưởng về khả năng cập vật của tư duy và không tính tới bản chất kí hiệu của các hoạt động văn hóa như những ngôn ngữ tư tưởng hệ. Trong sự quan sát của tôi, nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam là một trong những nền khoa học đang lưu giữ bền vững các đại tự sự của loại hình tri thức này. Cho nên chúng ta ai cũng tuyên bố quan điểm lịch sử, đề cao nguyên tắc khoa học, nhưng rồi đa số học giả vẫn qui giá trị khoa học của lí luận, phê bình vào lợi ích gắn với nguồn gốc tư tưởng hệ: “của ta” thì có “lợi”, “của họ” thì “độc hại”. Không ít nhà nghiên cứu xác định bản chất và chức của phê bình bằng cách duy danh định nghĩa, ví như “phê bình văn học cũng là văn học”, văn nghệ là “con ngựa”, phê bình là “cây roi quất cho ngựa lồng lên”. Thậm chí người ta bằng lòng với kiểu chiết tự: phê bình là “bình” và “phê”… Cho nên phần lớn sách lịch sử phê bình hiện có ở ta thực chất là những công trình được viết ra để vinh danh công trạng của các chiến sĩ cầm bút trên trận chiến văn hóa. Theo cách mô tả ở đó, lịch sử phê bình là cái “rễ cộc”, chứ không phải “rễ chùm”, nó phát triển đơn tuyến từ thấp đến cao, không dọc ngang, hay thụt lùi, nó bao giờ cũng là nó, chứ không thể “vong thân”, biến thành một cái gì khác.

Tôi nghĩ, thời đại chúng ta là thời đại phê bình. Phê bình như một hình thức phản tư là tinh thần của thời đại chúng ta. Có phải Jean-François Lyotard đã nói tới sự đổ vỡ của các đại tự sự theo nghĩa như thế? Tinh thần thời đại đã truyền cảm hứng cho Trần Đình Sử, giúp ông vượt qua các đại tự sự của loại hình tri thức hiện đại để viết câu chuyện khác về lịch sử trên dưới một thế kỉ của phê bình văn học Việt Nam. Hạt nhân của câu chuyện ấy là một quan niệm mới về bản chất và chức năng của phê bình.

Trong quan niệm của Trần Đinh Sử, phê bình văn học là hoạt động đa chức năng. Nó có nhiều thể loại. Nhưng hình thức tồn tại quan trọng nhất của nó vẫn là diễn ngôn khoa học về văn học. Cho nên, trong chuyên luận của ông, lịch sử diễn ngôn khoa học về văn học là xương sống của lịch sử phê bình văn học. Khái niệm diễn ngôn ở đây được hiểu như một sự kiện giao tiếp giữa nhà phê bình với công chúng độc giả qua tác phẩm văn học. Theo nghĩa rộng, sự kiện là cái đã xảy ra, nhưng không phải mọi cái đã xảy ra đều trở thành sự kiện. Bởi vì, nhiều chuyện xảy ra chỉ đơn thuần là sự lặp lại theo trình tự tự nhiên của một loại hiện tượng nào đó làm thành tiến trình trong thời gian. Lại có những cái xảy ra như là sự lặp lại của những thứ đã thành chuẩn mực tạo nên trạng thái tĩnh tại trong không gian. Khác với tiến trình và trạng thái, sự kiện là cái đột phá. Nó phá vỡ các chuẩn mực của trạng thái tĩnh tại, làm gián đoạn, đứt gẫy trình tự tự nhiên của tiến trình một cách có chủ ý, tạo ra một sự thực khác như một tổng thể hoàn toàn mới mẻ. Với ý nghĩa như thế, sự kiện nào cũng là sự phạm cấm (J. M. Lotman). Lại nữa, để trở thành sự kiện, sự thực về cái đã xảy ra như sự đột phá cần được kích hoạt từ điểm nhìn giá trị của một nhân chứng nào đó, mà nếu thiếu nó, không một sự thực nào có thể trở thành sự kiện. Khái quát lại, sự kiện là sự tương tác của nhiều tác tố (actant), mà số lượng tham gia không thể ít hơn 3. Thứ nhất, tác tố chủ động tạo nên sự đột phá có ý đồ. Thứ hai, tác tố thụ động, hay là phản hành động, tạo nên sự tĩnh tại của trạng thái và tiến trình. Thứ ba, tác tố tâm ý mang tính tạo nghĩa của nhân vật chứng kiến từ quan điểm của “người đứng ngoài” (M. M. Bakhtin).

Trần Đình Sử trình bày lịch sử phê bình văn học trong tính sự kiện theo ý nghĩa như vậy. Trong câu chuyện về lịch sử phê bình của ông, các nhà phê chính là tác tố tạo nên các sự kiện phê bình ở từng giai đoạn lịch sử, còn nhà khoa học, tác giả công trình nghiên cứu, người trần thuật lịch sử là tác tố kích hoạt, tạo nghĩa cho các sự kiện ấy. Đây là điểm mấu chốt làm nên sự độc đáo về mặt cấu trúc, sự thống nhất về mặt nội dung trong chuyên luận của Trần Đình Sử.

Như phụ đề ghi ngoài bìa sách đã chỉ rõ, công trình nghiên cứu có hai nội dung chính: lịch sửchân dung. Trần Đình Sử chia lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại thành 5 giai đoạn lớn theo trình tự biên niên: 1885-1931, 1932-1945, 1945-1975từ 1976 đến nay. Cơ sở để ông phân chia như thế không phải là các sự kiện chính trị – xã hội như nhiều tác giả khác vẫn làm, mà là sự vận động của các loại hình phê bình làm thành tiến trình lịch sử với quy luật nội tại của nó. Ứng với hình thái của văn học của thời kì chuyển đổi, phê bình ở giai đoạn 1885-1931 thuộc loại hình quá độ: một mặt, nó phát ngôn cho quan niệm văn học trung đại truyền thống, mặt khác, nó quảng bá các giá trị văn học Tây Âu nhằm mục đích khai sáng. Cùng với sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, loại hình phê bình hiện đại thực sự hình thành và phát triển trong vòng trên dưới mười lăm năm, từ 1932 đến1945. Phê bình giai đoạn 1945-1975 rẽ theo hai hướng, làm thành hai loại hình: loại chính luận trực chiến định hướng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và loại định hướng mĩ học Âu – Mĩ hiện đại ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam cộng hòa từ 1954 đến 1975. Từ năm 1976 đến nay, phê bình chính luận xã hội trực chiến từ sau màn trướng, nhường một phần không gian văn hóa cho sự phát triển của loại hình phê bình định hướng khoa học.

Các loại hình phê bình nói trên không tồn tại biệt lập, vì mỗi loại hình như thế bao giờ cũng là kết quả tương tác diễn ngôn của hai loại hình nhà phê bình: một loại là tác tố thụ động làm nên trạng thái tĩnh tại của môi trường phê bình, loại kia là tác tố chủ động tạo nên sự đột phá nhằm thay đổi môi trường tĩnh tại ấy. Chẳng hạn, ở giai đoạn chuyển đổi hệ hình văn học hồi đầu thế kỉ XX, có thể xếp Phạm Quỳnh, nhà phê bình khai sáng, vào loại tác tố chủ động, đồng thời, có thể xếp một loạt tác giả thuộc phái cựu học như Phan Kế Bính, Phan Bội Châu, Lê Dư, Tản Đà, Dương Quảng Hàm, Ngô Đức Kế, Trương Vĩnh Kí, Bùi Kỉ, Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Thước, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Trung Viên… vào loại tác tố thụ động. Nhưng từ năm 1932 về sau, khi Hoài Thanh, Hải Triều và nhiều nhà phê bình quay xung quanh họ bước lên vũ đài văn học như những nhân vật đột phá, thì toàn bộ phê bình của giới cựu học, kể cả Phạm Quỳnh, trở thành các nhân vật của hoàn cảnh cần phải đột phá. Ta hiểu vì sao, trong câu chuyện về lịch sử phê bình của Trần Đình Sử, thời nào cũng thấy có tranh luận. Ở một khía cạnh nào đó, lịch sử phê bình là lịch sử tranh đấu giành thế ưu thắng của nhiều loại quyền lực lời nói, mà không phải bao giờ cũng vì văn học. Lắm khi tranh đấu học thuật bị chuyển thành chiến tranh văn học, trong chiến tranh, vấn đề quan trọng bậc nhất là “đánh đổ”, là thắng – thua, cơ sở quyết định thắng – thua không phải là chân lí, mà là mạnh – yếu. Nhiều nơi, nhiều lúc, tiếng nói của chân lí nghệ thuật bị dồn vào thế yếu ớt tới mức nó buộc phải khấu đầu trước sức mạnh của tiếng nói luân lí, hay tiếng nói chính trị, tư tưởng hệ.

Từ chỗ đứng của hệ hình tri thức hôm nay, Trần Đình Sử nhìn lại một thế kỉ của phê bình văn học Việt Nam với những bước đi thăng trầm như vậy. Trong câu chuyện lịch sử của ông không chỉ có những sự thực đã diễn ra theo cách này, mà còn bao gồm cả những cơ hội bị bỏ lỡ và những sự kiện đáng lẽ “xảy ra theo cách khác” (P. Ricoeur). Công trình nghiên cứu của ông không chỉ cung cấp tri thức lịch sử cho độc giả, mà còn khêu gợi để họ trăn trở, suy ngẫm về lịch sử.

Phần Chân dung tiếp nối phần Lịch sử một cách tự nhiên, nhất quán cao độ cả về cấu trúc, lẫn nội dung. Có 27 bức chân dung được khắc họa đầy dặn ở phần này. Nếu tính thêm 32 khuôn mặt được giới thiệu ở phần trước, thì tổng cộng, Trần Đình Sử đã kể cho bạn đọc nghe tới 59 câu chuyện về các nhà nghiên cứu, phê bình Việt Nam hiện đại. Với ông, viết về lịch sử phê bình là trình bày lịch sử các chân dung và, ngược lại, khắc họa chân dung nhà phê bình là vẽ ra diện mạo các chân dung lịch sử. Là tác giả của cuốn sách, ông không thể trực tiếp nói về hoạt động khoa học của bản thân mình. Cho nên ở đây vẫn thiếu một chân dung: chân dung tác giả. Với những công trình thi pháp học bề thế được công bố vào những năm tám mươi của thế kỉ trước, ở Việt Nam, Trần Đình Sử là người đầu tiên vạch ra cột mốc đánh dấu sự chuyển đổi của nghiên cứu văn học từ góc độ chính trị – xã hội sang hướng tiếp cận khoa học với văn bản nghệ thuật.

Quay lại với các chân dung được Trần Đình Sử khắc họa, tôi muốn nhấn mạnh mấy điểm này. Thứ nhất, khi khắc họa chân dung nhà phê bình, ông không quan tâm tới tác giả tiểu sử, hiểu theo nghĩa là con người cá nhân sống trong hiện thực ngoài văn bản. Đối tượng khắc họa chân dung của ông là hình tượng tác giả mà các công trình nghiên cứu, phê bình của họ là đại diện duy nhất. Cho nên, đọc cuốn sách của ông, độc giả sẽ có dịp làm quen với một danh mục khá chi tiết, ghi lại khối lượng khổng lồ tác phẩm của 59 tác giả làm nên lịch sử phê bình Việt Nam trong già một thế kỉ qua. Thứ hai, Trần Đình Sử chỉ dựng chân dung những tác giả tiêu biểu của các loại hình nhà phê bình trong tiến trình lịch sử. Chẳng hạn, có thể nhận ra diện mạo lịch sử của loại hình nhà phê bình cựu học có công khai sáng cho nền quốc văn ở thời kì chuyển đổi hình thái văn học qua chân dung Phạm Quỳnh. Hoặc chân dung Hoài Thanh, Hải Triều là những bức vẽ về loại hình nhà phê bình hiện đại. Ông khắc họa rất tài hai loại hình nhà phê bình: loại hành động và loại “phản hành động”, loại đột phá và loại tạo ra trạng thái tĩnh tại của môi trường phê bình. Thứ ba, đằng sau mỗi bức chân dung mang tính loại hình như thế, bao giờ cũng có một thân phận khoa học của nhà phê bình. Chẳng hạn Phạm Quỳnh là nhà phê bình khai sáng trong thân phận người nô lệ dưới chế độ thực dân – nửa phong kiến. Thân phận nhà phê bình nào cũng vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, vừa do cá nhân họ tạo ra. Tuy vậy, vẫn có những nhà phê bình, ví như Phan Ngọc, dũng cảm vượt lên trên nghịch cảnh, suốt đời hoạt động khoa học trong thân phận nhà nghiên cứu ngoại biên. Gần nửa đời người, Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu thuận theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng đến cuối đời, mỗi người đi một ngả, người này thì rẽ sang nghiên cứu kí hiệu học, người kia thành nhà phê bình thi pháp học. Cũng không ít nhà phê bình cho đến tận giờ vẫn là phiên bản của một khuôn mẫu xưa cũ. Thứ tư, cũng như ở phần mô tả lịch sử, Trần Đình Sử đặt các nhà phê bình vào điểm nhìn từ hệ hình tri thức hiện tại để khắc họa chân dung. Từ điểm nhìn ấy, khu vực gián cách giữa người trần thuật lịch sử với nhân vật lịch sử hoàn toàn bị xóa bỏ. Điều này giúp Trần Đình Sử biến việc khắc họa chân dung các nhà khoa học thành quá trình phân tích, xác định giới hạn lịch sử của từng loại hình nhà phê bình. Qua điểm nhìn giá trị của ông, nhà phê bình khai sáng Phạm Quỳnh vẫn chưa vượt ra ngoài giới hạn của thế hệ cựu học, hoặc Đặng Thai Mai là nhà lí luận của văn học tuyên truyền. Ông viết bài về Lê Đình Kỵ với tiêu đề “sáng tạo và giới hạn”. Ông phát hiện Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu ở nửa đời đầu thì chống mĩ học phương Tây, đến nửa đời sau, họ lại ngả theo lí thuyết Âu – Mĩ. Ông chứng minh Phan Ngọc lúc nào cũng đề cao “thao tác luận”, nhưng phương pháp mà Phan Ngọc bướng bỉnh theo đuổi suốt đời thực ra là “cấu trúc luận”. Ông nhận xét văn dịch của Trương Chính “đạt được sự Việt hóa sâu sắc, tinh tế do vốn từ ngữ phong phú, hành văn uyển chuyển”. Đồng thời ông chỉ ra hiểu biết chữ Hán của vị chuyên gia văn học cổ và văn học Trung Hoa rất cao ngạo này “có hạn chế”. Ông không ngại “bắt lỗi” cả những nhân vật đã thành biểu tượng văn hóa, không mấy ai dám động vào, ví như Hải Triều, Hoài Thanh, hay Đặng Thai Mai. Cho nên tôi cho rằng, phần xác định giới hạn lịch sử của các nhà phê bình qua chân dung học thuật của họ là nơi Trần Đình Sử có nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo, lí thú nhất.

Tư tưởng khoa học của nhà nghiên cứu không bao giờ là cái gì nhất thành bất biến. Cho nên Trần Đình Sử không dùng cách liệt kê giản đơn một số phẩm tính nào đấy để vẽ diện mạo trong trạng thái tĩnh tại của các nhà phê bình. Ông khắc họa chân dung từng người trong cuộc đời hoạt động khoa học sống động đầy thăng trầm của họ. Ông thấy Trần Thanh Mại chuyển “từ phê bình tiểu sử đến phê bình xã hội học”, Hoài Thanh chuyển “từ lập trường nghệ thuật đến lập trường cách mạng”. Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu chuyển “từ phê phán đến tiếp nhận” mĩ học Âu – Mĩ và Vương Trí Nhàn thì “dùng dằng giữa tản văn và phê bình văn học”. Qua cuốn sách của ông, tôi giật mình nhận ra rằng cuộc đời làm nghề phê bình của phần đông học giả ở nước ta hóa ra rất ngắn ngủi, vì họ bỏ phê bình để làm việc khác: Vũ Ngọc Phan chuyển từ phê bình qua nghiên cứu văn học dân gian từ hồi kháng chiến chống Pháp, thời trẻ, Trương Chính, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức đều viết phê bình, về sau thì chuyển dần sang dịch thuật và nghiên cứu, Nguyễn Văn Hạnh bỏ phê bình sang quản lí, Lại Nguyên Ân chuyển từ phê bình sang khảo cứu, ấy là chưa kể có những cây bút phải bỏ nghiệp phê bình vì gặp nghịch cảnh…

Đọc xong Phê bình văn học Việt Nam hiện đại: Lịch sử và chân dung của Trần Đình Sử, những người cả nghĩ khó tránh khỏi có chút cảm khái. Cảm khái vì thấy hóa ra lịch sử phê bình hiện đại Việt Nam không phải tiến trình “phát triển cách mạng” thẳng tuột “từ thấp đến cao”, hay “hết đỉnh cao đến đỉnh cao khác”, mà là tổng thể đầy phức tạp của cả những sự thực đã xảy ra, lẫn những cơ hội bị bỏ lỡ, những sự kiện “đáng lẽ xảy ra theo cách khác” với những bước đi thăng trầm của nó… Cảm khái còn bởi vì hóa ra nghề phê bình văn học chẳng phải là cái gì hấp dẫn đến mức buộc ai cũng mãn kiếp thủy chung với nó. Ở ta, những người dành trọn đời mình cho nghiệp phê bình như Hoài Thanh có thể tính được trên đầu ngón tay. Nhưng cuốn sách của ông, ở cả hai phần lịch sửchân dung, được khép lại bằng câu chuyện về loại hình phê bình theo định hướng khoa học của thời “đổi mới”, hòa nhập với thế giới. Đó là kết thúc có hậu, gợi dậy ở người đọc niềm tin vào kho kinh nghiệm mà lịch sử phê bình văn học hiện đại Việt Nam đã tích lũy được trong suốt chiều dài một thế kỉ qua.

Năm 1973, Hayden White, nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ, cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng Siêu lịch sử học: trí tưởng lịch sử ở châu Âu thế kỉ XIX (Metahistory: The Historical Imagination in Nineteenth-century Europe). Ông gọi thế kỉ XIX là thời đại của “chủ nghĩa hiện thực lịch sử”. Khảo sát công trình nghiên cứu của bốn sử gia lớn Jules Michelet (1798-1874), Leopold von Ranke (1795-1886), Alexis de Tocqueville (1805-1859) và Jacob Christoph Burckhardt (1818-1897), ông chia chủ nghĩa hiện thực lịch sử thành bốn dạng, mỗi dạng sử dụng một thể trần thuật y như trong sáng tác văn học: tiểu thuyết, hài kịch, bi kịchtrào phúng. Tôi nghĩ, với Phê bình văn học Việt Nam hiện đại: Lịch sử và chân dung, nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử cho thấy ông còn là sử gia của chủ nghĩa hiện thực lịch sử. Cái tạng của ông hình như đã không cho ông dùng thể trào phúng như Burckhardt, thể bi kịch như Tocqueville, hay thể hài kịch như Ranke để trần thuật lịch sử. Theo kiểu của Jules Michelet, câu chuyện về lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại được ông kể bằng thể tiểu thuyết. Thể tiểu thuyết là nhịp cầu giúp ông nối liền lịch sử phê bình với thực tiễn phê bình vẫn còn dở dang, đang tiếp diễn ở thời đương đại của chúng ta. Những công trình nghiên cứu lịch sử theo chủ nghĩa hiện thực lịch sử như thế tôi chưa hề thấy xuất hiện ở ta. Cho nên tôi tin, cuốn sách của Trần Đình Sử được xuất bản để đến với bạn đọc sẽ là một sự kiện hi hữu trong đời sống khoa học của chúng ta.

Đồng Bát, tháng 9, mùa Thu, 2023

LN


[*] Trần Đình Sử, Phê bình văn học Việt Nam hiện đại – Lịch sử và chân dung, Nxb Đại học Sư phạm, 2023.

Comments are closed.