Quỷ vương (tiểu thuyết – kỳ 6)

Vũ Ngọc Tiến

VU NGOC TIEN.QUY VUONG (1)

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

Hương đến rất sớm, vừa lúc Dân thức dậy đang còn đánh răng, rửa mặt. Hôm nay là chủ nhật, thằng Cún con nàng được bố nó xin phép đón về bên nội từ tối qua nên nàng có thời gian sắc thang thuốc bổ cho Dân. Nàng đến, mang theo chiếc cặp lồng đựng bát mì vằn thắn mua ở đầu phố còn nóng, giục Dân phải ăn ngay kẻo nguội. Chai nước thuốc theo lời dặn của ông Bình, nàng chia làm ba bát, một hâm nóng cho Dân uống sau bữa sáng, hai bát còn lại dành để uống sau bữa trưa và bữa tối. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, nàng thấy trên bàn làm việc ngổn ngang tài liệu. Chiếc gạt tàn đầy ặc mẩu thuốc lá. Hương nhăn mặt, lầu bầu trách:

– Thầy Hạnh đã dặn anh đừng thức đêm làm việc nữa, sao không chịu nghe, cứ làm tội cái thân mình mãi thế?

– Anh có làm việc đêm nữa đâu. Tại hôm qua ông Bình kể chuyện về Huy Hùng, người mới về tỉnh K làm anh bần thần cả ngày, chợt ảo giác hiện về, đưa anh sống kiếp nho sinh Bùi Trụ bên nàng Lệ Thanh ở chùa Tiên Thiên rồi gặp lại Mạc Đăng Doanh ở đó sau hai năm xa cách. Vì thế suốt đêm anh thao thức không ngủ, mở tài liệu ra cũng chẳng đọc thêm được chữ nào. Cảm giác lạ lắm…

– Ông Hùng là người thế nào, liên quan gì đến vua Mạc Đăng Doanh?

– Họ đều là những người trẻ có tài. Huy Hùng mới về tỉnh K, còn Đăng Doanh lúc gặp Lệ Thanh và Bùi Trụ cũng vừa chân ướt chân ráo quay về kinh thành ôm mộng đổi thay thời đại. Lịch sử đã chứng minh cho anh rõ về sự nghiệp của cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, còn với Huy Hùng mới về tỉnh K thì chưa rõ, Hương ạ!

– Đàn ông các anh thật phức tạp… Thôi, em đi chợ kiếm con cá nào tươi ngon về làm cơm để anh em mình ăn bữa trưa.

Hương đi rồi, Dân lại nôn nao nghĩ về tỉnh K, nơi anh đã sống cả tuổi thơ êm đềm bên thầy Hạnh và Dung khi còn là tỉnh lớn, chưa chia tách thành K và Y như bây giờ. Hôm qua ở đây về, chắc ông Bình đã kịp báo cáo kết quả làm việc dưới Hà Nội cho Huy Hùng nghe. Ông Bình dường như đặt nhiều hy vọng vào người mới, anh cũng vậy, sao trong lòng vẫn gờn gợn bất an?… Để rồi xem…

Huy Hùng tiếp chuyện với ông Bình xong thở phào nhẹ nhõm. Anh đi tắm và ăn cơm tối rồi nhểnh nhang dạo bước trong khuôn viên nhà đỏ, nhìn sang nhà xanh vẫn thấy phòng làm việc của Quyền đang sáng ánh đèn. Ai biết được tay Quyền đang nghĩ ra được mưu kế gì để chơi lại mình lúc này.

Từ ngày về tỉnh K, tiếng là phó bí thư, nhưng ông bí thư đang chờ sau đại hội sẽ nghỉ hưu nên mọi việc đổ hết lên đầu, lên vai mình gánh vác. Kể từ đó, nhà đỏ nhà xanh chỉ cách nhau bức tường rào bằng sắt, trồng hàng duối xén tỉa đẹp mắt, lại có cửa thông sang nhau, nhưng dường như cách xa vời vợi. Đôi bên bằng mặt không bằng lòng, gọi nhau hai tiếng đồng chí nghe rờn rợn, lạnh tanh.

Mình có kinh nghiệm vào thời buổi này, ở đâu người ta gọi nhau anh em hay cậu tớ thì nội bộ yên ả, còn khi đã gọi nhau đồng chí là y như rằng sắp đánh nhau to. Nhớ hôm rời miền Trung ra đây, anh em chiến hữu ra tận chân cầu thang đưa tiễn rất đông. Ai cũng dặn mình rằng đất tỉnh K dữ lắm, phải thật cảnh giác. Mình cũng biết vậy nên lúc ngồi trên máy bay đã phác qua trong đầu kế hoạch thu phục nhân tâm trước hết.

Vừa xuống sân bay Nội Bài, mình đã bảo lái xe lao thẳng một mạch về K, không vào nhà đỏ vội mà đi thẳng đến nhà Ông Cụ, mang biếu chút quà miền Trung và chuyện trò thân mật hàng tiếng đồng hồ mới xin phép cáo lui. Xe đưa mình về phòng riêng, ở tạm trong nhà đỏ cất vội hành lý, tắm táp qua loa là mình lại tất bật gọi xe đưa đến biệt thự Hoa phù dung thăm gia đình Quyền.

Hôm ấy, mình còn mang theo mấy hộp thuốc của Mỹ đặc trị bệnh viêm tuyến lệ cho cô Dung sử dụng. Nàng thật đẹp và hiền thục, nhưng hơi buồn. Nghĩ cũng lạ, dường như người đẹp càng buồn thì nét đẹp càng trở nên bí hiểm, hấp dẫn khiến mình mới gặp lần đầu đã lâng lâng, xao xuyến, thầm ghen tỵ với tay Quyền.

Hôm sau mình dành cả ngày đi thăm hỏi hết lượt các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Ở đâu mình cũng tạo cảm giác thân mật hòa đồng, không khí buổi gặp rất vui vẻ, nhất là ở cơ quan Mặt trận của ông Bình… Giờ thì Ông Cụ cũng đã xẹp như con gián, không còn đóng vai thái thượng hoàng truyền mật chỉ cho nhà đỏ nhà xanh nữa rồi.

Mình đã phải nhờ ông anh rất cao ở trên, dùng lời xa xôi bóng gió nhắc nhở nên Ông Cụ mới chịu nằm yên. Tuy thế, mình vẫn cần dè chừng vì người làm tổ chức lâu năm như Ông Cụ thường lắm mưu cao mẹo vặt, nhỡ đến phút 89 mới cho tay Quyền tung chiêu sút tung lưới thì khó đỡ lắm.

Bên nhà xanh, khối nội chính theo thông lệ ở nhiều nơi và chắc ở K cũng vậy; cấp trưởng công an, tòa án, viện kiểm sát đều là người của Quyền, nhưng cấp phó thì chưa chắc. Mình đã dò tìm và phát hiện ra cậu San bên công an, cô Phụng bên viện kiểm sát là những cấp phó trẻ, nghiệp vụ cao, khát khao thăng tiến. Họ nhanh chóng sà vào lòng mình như đứa em út vâng lời chị cả trong nhà. Nhờ thế các vụ án điểm đều được bí mật xới tung trở lại, mọi kế hoạch triển khai, thông tin mới nhất đều không cần báo cáo cấp trưởng mà trực tiếp làm việc với ban nội chính bên nhà đỏ.

Vụ án mạng xảy ra với bà Thơ, cái chết bí hiểm của nhà báo Quang Huy và nhiều vụ khác ngỡ sẽ rơi vào bế tắc, khó lần ra manh mối thì chiếc USB của anh nhà báo quá cố đã như chiếc phao cứu sinh cho San và Phụng. Thật ra, vụ ba tờ quyết định có chữ ký của Quyền liên quan đến mỏ sắt ở bản Chiềng, bên công an đã phát hiện từ lâu, nhưng họ lờ đi theo lệnh của giám đốc. Gần đây, theo đề xuất của Phó Giám đốc San, mình đã đồng ý cho bí mật điều tra, nhưng chưa ai có đủ kiên nhẫn và trình độ như nhà báo Quang Huy phân tích. Nay có thêm tài liệu từ USB của nhà báo, công việc chắc sẽ có nhiều tiến triển thuận lợi hơn.

Ông Bình đã kiến nghị lên trung ương rất đúng, cần chọn công ty khoáng sản làm điểm đột phá bí mật điều tra. Mình sẽ triệu tập ngay cậu San, cô Phụng chuẩn bị sẵn mọi điều kiện hỗ trợ đoàn kiểm tra của trung ương làm tốt và tuyệt đối bí mật vụ này…

Huy Hùng miên man suy nghĩ về kế hoạch quây lưới bắt cá sắp tới. Anh lững thững về phòng ngả lưng xuống giường, lim dim mắt nhớ lại một vụ việc động trời khác mà anh vẫn giữ kín bưng từ hơn tháng nay, chỉ có anh và cậu Du, thư ký riêng của mình biết thôi.

Anh em ở miền Trung đều thương và lo cho mình, tình nguyện đi theo về K rất đông, nhưng trung ương chỉ duyệt có mỗi cậu Du vì sợ sẽ hình thành phe phái mới ở K cũng là dễ hiểu. Du thông minh, được đào tạo có bài bản, lại rất trung thành. Chuyện xảy ra bất ngờ, nhưng lại hóa may, cho mình thêm một phương án đặc biệt hiệu quả trong cuộc chiến phức tạp ở tỉnh K.

Lần ấy Du xin phép về miền Trung thăm gia đình. Hôm trả phép, Du dẫn theo một cậu rất trẻ, giới thiệu với mình đó là chuyên gia công nghệ thông tin có tiếng tăm ở thành phố biển Nha Trang. Mình hỏi:

– Có việc gì quan trọng mà phải cần đến chuyên gia công nghệ thông tin hở Du?

– Thưa anh, cậu ấy sẽ lắp đặt hệ thống camera theo dõi phòng làm việc của anh 24/24 giờ mỗi khi anh đi vắng.

– Có cần thiết không?

– Thưa anh, rất cần. Mọi người trong miền Trung rất lo anh ở ngoài này thân đơn thế cô, khó chống chọi lại với phe nhóm ông Quyền nên đã góp tiền mua bộ thiết bị đời mới nhất gửi em mang ra. Loại camera này có độ phân giải cực tốt và tự thay đổi sang chế độ quan sát trong đêm bằng tia hồng ngoại. Hình ảnh thu được sẽ kết nối với Internet nên dù ở xa mấy vẫn dùng điện thoại thông minh hay máy tính là có thể quan sát mọi động tĩnh. Đi kèm với camera còn có ổ cứng dung lượng lớn để lưu giữ hình ảnh trong ba tuần hay thậm chí một tháng để anh và em cùng xem lại, hoặc chuyển sang USB để lưu trữ. Ngoài ra, anh em miền Trung cũng đã mua thêm hai chiếc iPhone 6 cho anh và em sử dụng. Cả hai đều được chuyên gia cài đặt phần mềm chuyên dụng, sau khi lắp đặt xong là anh có thể sang phòng bên cạnh hay xuống sân quan sát thử ngay được…

– Cậu định lắp đặt thế nào cho kín đáo?

– Dạ thưa anh, em đã tính kỹ và mua sẵn về đây một bình gốm sành Phù Lãng dùng để treo tường, bề mặt in hình tranh dân gian Hứng dừa rất đẹp, cắm thêm vào đó mấy giò hoa phong lan giả thật điệu nghệ. Em cũng đã thuê khoan một lỗ kín đáo trên thành bình gốm, đủ cho tế bào quang điện của camera áp sát vào vừa khít. Đường dây truyền dẫn từ trần nhà xuống sẽ cho đi chìm vào trong tường…

– Tốt lắm, cám ơn cậu. Nhớ đãi ngộ cho chuyên gia hậu hĩnh và nhắc phải kín tiếng, không hở cho bất cứ ai biết việc này.

– Vâng, cũng vì muốn giữ kín nên em đã phải cất công đón chuyên gia từ Nha Trang ra chứ ngoài Hà Nội thiếu gì người…

Huy Hùng khẽ nhếch mép cười nhạt một mình. Anh không ngờ việc lắp camera lúc đầu chỉ để kiểm tra xem có kẻ nào lợi dụng mình đi vắng lẻn vào đánh cắp tài liệu, nhưng nó đã làm được hơn thế. Hôm ấy mình đang ở Hà Nội, cùng các cơ quan chức năng của trung ương nghe thông báo bước đầu về kết quả điều tra của tỉnh tại công ty khoáng sản tỉnh K. Vì lúc tỉnh điều tra chưa có tài liệu từ USB của nhà báo Quang Huy nên trước thái độ lỳ lợm của tay giám đốc, mọi người tranh luận với mình khá gay gắt, như có ý bênh vực Quyền.

Buổi họp đương lúc gay cấn thì Du nhắn tin cần gặp gấp. Mình ra hành lang được Du cho xem lại toàn bộ hình ảnh diễn ra trong phòng làm việc ở K, vừa được camera ghi lại. Cô tạp vụ nhà đỏ mở cửa phòng, theo sau là hai gã đàn ông ăn mặc lịch sự nom như công chức của tỉnh, lặc lè khiêng một thùng carton vuông vức cỡ chừng phần ba mét khối. Cô ta ra ngoài khép cửa canh phòng cho hai gã kia mở thùng carton, bên trong là một bình chì rất dày mà khi mở ra chỉ thấy đựng một vật lạ và nhỏ, nom như chiếc bật lửa ga. Nhanh như cắt, một gã cầm theo con dao nhọn, mang vật lạ chạy vào buồng ngủ cất giấu ở đâu đó, rồi họ lặc lè khiêng thùng carton có bình chì bên trong ra khỏi phòng.

Tan họp, Du nói nhỏ với mình:

– Anh Hùng ạ, em tính hôm nay ta không vội về K nên đã thuê phòng ở khách sạn cho anh ngủ lại một đêm ở Hà Nội.

– Sao phải phiền phức thế?

– Em đã xem đi xem lại hình ảnh ban nãy. Một vật thể bé nhỏ như vậy mà phải dùng bình chì nặng già nửa tạ để bảo vệ, chắc chắn nó có tính phóng xạ. Em có ông chú là giáo sư trường đại học Mỏ- Địa chất, chuyên về thăm dò phóng xạ. Tối nay ăn cơm xong, anh nghỉ lại khách sạn, còn em sẽ đến nhà mời ông chú mang theo máy thăm dò phóng xạ lên K kiểm tra buồng ngủ của anh xem thực hư thế nào…

Sớm hôm sau, ông giáo sư mang theo máy, cùng mình và Du lên K. Vừa tới cửa phòng, mình đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lép bép trong máy của ông. Càng vào sâu trong phòng, tiếng lép bép càng to, mật độ càng dày hơn. Ông giáo sư đi thẳng đến giường ngủ, chỉ tay ra hiệu cho Du lột tấm ga trải giường, mọi người cùng ồ lên, trợn mắt nhìn nhau. Ở giữa tấm đệm Kim Đan có vết dao rạch, trong đó nhét vật thể lạ. Du choáng váng, không tin nổi mắt mình, hét lên: “Đồ ác quỷ! Tội chúng mày nghìn lần đáng phải chết”.

Mình vội kéo tay Du và mời ông giáo sư sang phòng bên trò chuyện. Giáo sư nói:

– Đây là một thanh đồng vị Coban 60 có thuộc tính phóng xạ không quá lớn, nhưng đủ làm chết người nếu ai tiếp xúc với nó liên tục trong bảy đến mười ngày.

– Nó thường được dùng vào việc gì, thưa giáo sư?

– Nó là loại mẫu chuẩn, ai trong nghề Địa vật lý đều biết. Về nguyên tắc, trước mỗi lần mang máy đi thực địa, chúng tôi đều phải dùng nó để chuẩn lại thang đo cường độ bức xạ ga-ma trên máy.

– Như vậy, làm sao để tránh được nguy hiểm hở chú?- Du nhanh miệng hỏi.

– Tôi đã nói rồi, thanh mẫu chuẩn này phát ra bức xạ ga-ma không thật lớn, nếu biết cách phòng ngừa sẽ không sao cả. Ở trường, chúng tôi dạy sinh viên khi chuẩn máy nên chọn bãi đất trống, thoáng và rộng. Sau đó dùng hai chiếc sào tre căng một sợi dây theo hướng gió, có đánh dấu sẵn cự ly so với máy đo để treo mẫu chuẩn. Người và máy đặt ở đầu hướng gió, còn người tiếp xúc với mẫu chuẩn cũng xoay lưng về hướng gió, đi giật lùi để dịch chuyển mẫu. Mọi thao tác diễn ra nhanh gọn nên không có gì hại đến cơ thể người khi chuẩn máy.

– Như vậy vấn đề ô nhiễm phóng xạ trong phòng vừa đo ban nãy có cách nào xử lý không, thưa giáo sư?

– Trước mắt phải tìm ngay bình chì bảo vệ thanh Coban 60 này, cho nó vào trong rồi đem chôn xuống đất ở nơi khuất nẻo. Sau đó, ta thay toàn bộ chăn ga gối nệm trong buồng ngủ và mở toang cửa sổ, dùng quạt máy thổi bay hết không khí nhiễm phóng xạ ra ngoài khoảng vài ba ngày, sẽ hết.

– Nếu ta không kịp thời phát hiện, hậu quả sẽ ra sao, xin giáo sư cho biết kỹ?

– Thanh mẫu chuẩn này có cường độ bức xạ ga-ma không thật lớn là so với các nguồn bức xạ độc hại khác. Nhưng so với bức xạ của tự nhiên nó cũng lớn gấp vài ngàn lần. Vì vậy, nếu người không biết, nằm trên giường thì sẽ bị nhiễm xạ dần. Khoảng bảy đến mười ngày như thế, chất phóng xạ xâm nhập vào người, phá hủy mô tế bào, làm rối loạn các cơ quan chức năng trong cơ thể, tất bệnh phát tác, thiên biến vạn hóa, khó lòng thoát khỏi cái chết…

Huy Hùng không sao quên được cảm giác bàng hoàng kinh hãi, ghê sợ kẻ đã toan tính ám hại mình rất tàn độc. Tay chân anh bủn rủn, trán vã mồ hôi, lạnh toát sống lưng. Anh nắm chặt tay vị giáo sư già rưng rưng nói lời tri ân.

Du lựa lúc hai người mải mê trò chuyện đã nhét chiếc phong bì dày cộm tiền vào cặp ông chú, nhưng giáo sư vẫn phát hiện, kiên quyết trả lại. Thấy vậy, Hùng vội dàn hòa bằng cách sai lái xe của mình chất lên cốp xe một giỏ mây lớn chứa đầy quế chi và thảo quả, gọi là chút quà quê miền núi kính biếu ân nhân cứu mạng. Anh còn chạy về phòng mang mấy củ sâm Ngọc Linh hàng trăm năm tuổi, là quà kỷ niệm của Tây Nguyên, nơi anh từng công tác, khiến giáo sư không nỡ từ chối.

Du muốn theo xe tiễn chú mình về Hà Nội, nhưng ông ngăn lại, khuyên cháu nên ở lại giúp thủ trưởng lo giải quyết tiếp vụ việc. Lúc chia tay, Huy Hùng mới ghé tai giáo sư nói nhỏ: “Sự việc hôm nay là bí mật nội bộ, tỉnh cần điều tra làm rõ, xin giáo sư làm ơn giữ kín”. Anh dặn dò lái xe đi đường phải cẩn thận, cơm nước chu đáo với người già…

Tiễn khách xong, anh cùng Du lên một căn phòng khác bàn việc. Du tỏ ra vô cùng phẫn nộ, đề nghị Trường triệu tập ngay San và Phụng để khởi tố vụ án, bắt giam cô tạp vụ nhằm truy tìm kẻ chủ mưu đưa ra xét xử. Huy Hùng im lặng chờ Du nói hết mới nhếch mép cười nhạt, đẩy chén trà còn nóng hổi về phía anh thư ký trẻ, thủng thẳng nói:

– Trà sen hảo hạng đấy. Chú hãy bình tĩnh uống hết đi, chờ hạ hỏa bớt rồi ta cùng xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc những ngày gần đây.

– Vâng, em xin nghe anh.

– Giờ tôi sẽ phân tích cho chú rõ nguồn cơn của vụ ám hại phó bí thư tỉnh K. Chú đã đủ bình tĩnh để nghe chưa?

– Thưa anh, em đang nghe đây.

– Trước hết, vụ này chứng tỏ tay Quyền đã đánh hơi thấy chiếc ghế của mình bị lung lay, nên muốn trừ khử tôi ngay một cách tàn độc và thâm hiểm. Vậy lỗ rò để Quyền đánh hơi thấy là ở đâu? Trên đường cùng giáo sư từ Hà Nội về K, tôi đã suy đi ngẫm lại chán chê vẫn chưa tìm ra, ngoài khả năng là Quyền nhận ra thái độ khác lạ của Ông Cụ nên hoang mang, quẫn chí làm liều. Hắn đã điên cuồng biến thành ác quỷ để ăn thịt mình thì mình cũng chẳng ngán gì không ra tay, đánh một đòn chết tươi bằng chính thủ đoạn tàn độc của hắn.

– Nghĩa là, anh muốn dùng thanh Coban 60 kia đầu độc lại Quyền? .

– Đúng, nhưng tôi và chú không trực tiếp làm mà phải để cho thằng Khang, cận thần của Quyền nhúng tay vào tội ác.

– Bằng cách nào, thưa anh?

– Trong hồ sơ của cô tạp vụ, cách đây ít lâu tôi đã nhờ người bên công an thẩm tra và biết rằng, vợ Khang là dì ruột của nó nên được Khang lo lót xin vào nhà đỏ làm tạp vụ vì văn hóa thấp. Nó còn ít tuổi, thật thà non nớt nên có thể đã bị thằng Khang sai làm mà không biết hậu quả việc làm. Nếu bắt giam, tra khảo nó cũng chỉ khai thằng Khang sai bảo là cùng. Thằng Khang không phải tay vừa, đưa nó vào tù dễ, nhưng bắt nó làm tay sai cho mình mới khó.

– Anh đã có cách nào khống chế lão Khang chưa?

Huy Hùng tự mình rót đầy hai chén trà, im lặng nhấm nháp rồi hạ giọng, nói đến một chuyện khác khiến Du ngỡ anh đang lạc đề:

– Anh đang nghĩ đến truyện ngắn vừa đăng trên tờ Văn Nghệ tỉnh K.

– Là truyện ngắn nào, thưa anh?

– Truyện ngắn có cái tên rất đểu Ông Vờ mới về huyện B. Anh cũng mới về tỉnh K, còn nhân vật “ông Vờ” ám chỉ mọi việc làm thu phục nhân tâm của anh đều vờ vịt tất. Riêng những chuyện tham nhũng hay ăn chơi trác táng của nhân vật Vờ trước khi về huyện B là sự hư cấu rất đểu để thiên hạ liên tưởng đến Huy Hùng. Chú em hiểu không?…

– Chuyện vặt này thì em hiểu, và cái bút danh Thào Chú hơi nữ tính, tiếng dân tộc Mông nghĩa là Đào Trúc, em cũng biết tỏng là của lão Khang. Nhưng nó liên quan gì đến dự định của anh?

– Sáng mai, sau khi thẩm vấn cô tạp vụ xong, chú đi gặp cậu San nhờ nó cử người bắt cóc Khang đem về đây. Nếu San hỏi lý do, chú cứ nói là vì cái truyện ngắn ám chỉ Sếp mới về nên anh muốn gặp tác giả hỏi chuyện cho vui thôi.

– Nếu em không lầm thì anh muốn giấu kín cả với anh San, chị Phụng, tự mình xử lý vụ đầu độc bằng phóng xạ, phải không anh?

– Chú hiểu được thế là tốt, còn diễn biến cụ thể ngày mai ra sao, chú hãy quan sát, ghi âm lại rồi nghiền ngẫm kỹ để tự biết sẽ phải làm gì tiếp theo.

– Vâng, em sẽ thực hiện đúng như lời chỉ dạy của anh…

………………………………

Khang mở cổng sắt biệt thự, dắt chiếc xe Spacy màu trắng sữa ra cửa nổ máy chạy êm ru trên con đường ven hồ, tới quán quen dùng bữa điểm tâm. Đến đoạn đường vắng, chợt một chiếc ô tô màu đen cùng chiều vượt lên, ép xe Spacy làm Khang ngã xuống vệ đường.

Hai người đàn ông nhảy xuống, một lôi tuột Khang lên ô tô, một ngồi trên chiếc Spacy chạy theo sau. Khang bị bịt mắt tối bưng, lòng bàng hoàng lo sợ.

Xe chở anh ta chạy lòng vòng rất lâu ra ngoại vi thành phố rồi mới quay về nhà đỏ, khiến đầu óc Khang thêm quay cuồng bấn loạn, không rõ kẻ bắt cóc mình là ai, nhằm mục đích gì.

Khi xe dừng bánh, hai người đàn ông xốc nách Khang dẫn vào thang máy rồi đưa vào một căn phòng, tháo băng bịt mắt cho anh ta và lẳng lặng ra ngoài, khóa cửa phòng.

Khang ngơ ngác nhìn quanh. Các cửa sổ đều đóng kín, buông rèm màu xanh rêu. Không gian ắng lặng, chỉ nghe tiếng xè xè của máy điều hòa đang chạy.

Bộ salon kê giữa phòng bày ấm chén và một lọ hoa. Ấm trà vừa mới pha, sờ tay còn nóng rẫy. Bàn làm việc của chủ nhân xếp cao ngất hồ sơ những vụ án có dán bí số và mật danh ở gáy mỗi cặp carton dầy cộm…

Khang đứng chết lặng giữa phòng, không thể hình dung đây là đâu, ở trong hay ngoài thành phố K?

Lát sau Huy Hùng xuất hiện, tay cầm số báo Văn nghệ của tỉnh K, có in truyện ngắn Ông Vờ mới về huyện B của nhà văn Thào Chú, ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh. Anh chỉ tay vào ghế mời khách ngồi. Sau giây phút choáng váng, khách lấy lại được tinh thần, mặt đanh lại, nói gằn từng tiếng:

– Tưởng ai, hóa ra là ông Huy Hùng. Ông làm quan, lại ngang nhiên bắt cóc dân giữa ban ngày là phạm luật. Xin phép ông tôi về.

– Chưa về được đâu, cửa đã khóa rồi, anh Khang… À quên, nhà văn Thào Chú ạ.

– Vậy ông muốn gì?

– Tôi chỉ muốn hỏi rằng, tên truyện và tên nhân vật in trong số báo kia tác giả Thào Chú định ám chỉ ai, đơn giản thế thôi.

– Vớ vẩn. Ông đừng tưởng mình làm quan rồi muốn chụp mũ, kết tội ai cũng được. Tôi là nhà văn, quyền sáng tạo là bất khả xâm phạm. Chống tiêu cực là lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút.

– Hạng người như anh mà cũng nhắc đến lương tâm trách nhiệm ư! Anh có biết trong chồng hồ sơ các vụ án điểm đặt trên bàn kia có rất nhiều tình tiết rõ mười mươi liên quan đến ai không?

– Hoang đường. Tôi ngần này tuổi, có sạn trong đầu, không ai hù dọa được đâu. Nếu quả thực tôi có tội, xin mời công an đến đây làm việc.

– Thôi được. Ta tạm gác đống hồ sơ tội lỗi kia chờ công an làm việc chính thức, còn bây giờ tôi đang có hai cờ-lip rất thú vị cho anh xem đây.

Hùng khoan thai đứng dậy, lấy chiếc laptop mở cho Khang xem hình ảnh ghi lại vụ đầu độc bằng phóng xạ và buổi thẩm vấn cô tạp vụ. Anh ta há hốc mồm, mặt tái nhợt, trân trối nhìn vào màn hình, run cầm cập.

Hùng liếc mắt nhìn Khang, nhếch mép cười khẩy. Anh châm điếu thuốc, đi lại trong phòng nhả khói, để mặc cho Khang ngồi chết lặng trên ghế, tuyệt vọng vì lo sợ. Mỗi tiếng đế giầy của anh gõ lên sàn nhà như nhát đinh đóng vào đầu Khang. Anh mở cửa, bước ra hành lang thì thầm vào tai Du: “Nó bị anh đánh gục rồi. Chú tới phòng đang tạm nhốt cô tạp vụ, dẫn nó đến đây là vừa”.

Nói rồi anh quay vào phòng, ngồi đối diện trừng mắt nhìn Khang như thôi miên. Anh ta cúi đầu câm lặng, tay chân đờ đẫn không biết để vào đâu. Chờ cho sự khiếp đảm của Khang lên tới đỉnh điểm, Huy Hùng nghiêm giọng nói:

– Tội của anh trong đống hồ sơ kia cộng với tội này đủ cho anh dựa cột, đúng không?

– Dạ… em… em biết tội rồi ạ!

– Anh hơn tuổi tôi, đừng xưng em như thế nó hèn người ra. Giờ anh hãy ngồi ngay ngắn lại, hít thở thật sâu cho hoàn hồn rồi dỏng tai nghe tôi nói đây.

– Vâng… Thưa anh!…

– Tôi không cho hỏi cung, ghi biên bản là vì tôi muốn mở cho anh con đường sống. Tôi cũng không thèm hỏi chủ nhân đích thực của thanh Coban 60 kia vì tôi biết tỏng nó là của ai rồi, anh có hiểu không?

– Dạ, tôi hiểu.

– Vậy hãy chọn một trong hai cách: hoặc dựa cột, hoặc đoái công chuộc tội. Hãy đem thanh Coban 60 trả lại cho chủ của nó, giống như các anh đã làm ở phòng tôi, anh có đồng ý không?

– Nhưng thưa anh, nếu thế… thì ông Quyền…

– Không nhưng nhẹo gì hết. Kẻ muốn giết tôi một cách tàn độc phải chết bằng đúng thủ đoạn tàn độc ấy. Ác giả ác báo, anh nhiều chữ nghĩa sao lại không hiểu cái luật đời đơn giản ấy, hở nhà văn Thào Chú? Xong việc, tôi sẽ cho anh đem vợ con ra nước ngoài sống, chẳng tốt lắm sao…

– Vâng… tôi… tôi sẽ làm…

– Tay Quyền vẫn thường nghỉ trưa tại buồng ngủ trong văn phòng bên nhà xanh, đúng không?

– Vâng, rất ít khi anh ấy về nhà hoặc nghỉ trưa bên nhà 9 tầng của Bil- Kel.

– Hôm nay là ngày thứ bảy đầu tháng, tay Quyền đang đưa vợ lên chùa Sùng Miên thăm nhạc phụ. Phòng của hắn bên nhà xanh đang trống. Cô tạp vụ cháu vợ anh sẽ mở khóa, còn anh theo cậu Du ra sau vườn đào bình chì lên, lấy lại thanh Coban 60. Tự tay anh phải mang nó đến phòng tay Quyền làm trong mươi lăm phút là xong… Hít thở thật sâu đi, lấy can đảm để đối lấy mạng sống của mình, Khang ạ!…

Huy Hùng nằm trên giường, hồi tưởng lại mọi diễn biến của sự việc, thở phào nhẹ nhõm.

Anh nhẩm tính chỉ còn ba hôm nữa là đủ mười ngày theo lời vị giáo sư. Tới ngày đó chắc Quyền sẽ đổ bệnh. Thằng Khang sẽ phải mang bình chì đựng thanh Coban 60 đi chôn thật xa trên núi Hoàng Liên, xóa sạch dấu tích. Lúc đó mình sẽ cho nó ra nước ngoài sinh sống ở đâu tùy nó.

Với thằng hèn hạ ấy trừ khử không khó, để nó sống trong nước không ổn, nhưng giết cũng bẩn tay, thậm chí sinh phiền phức. Cho nó sống mà như chết bởi nỗi ám ảnh phản thầy giết chủ, mà mình cũng sạch tay.

Quyền đã lãnh xong án tử, nhưng lúc chiều tiếp chuyện ông Bình, mình vẫn phải tỏ ra mừng rỡ về sự phát hiện ba tờ quyết định ở mỏ bản Chiềng, vẫn nhiệt thành ủng hộ ý kiến của ông ấy chọn công ty khoáng sản làm điểm đột phá bí mật điều tra. Đó là kế nghi binh cho vụ Coban 60, mặt khác cũng là phương án dự phòng, vì biết đâu mệnh của Quyền quá lớn, thoát được án tử này thì mình vẫn còn đủ lý do hạ bệ hắn trong đại hội sắp tới.

Màn đêm buông xuống trên sân nhà đỏ. Hùng vùng dậy khóa cửa phòng, xuống hoa viên tản bộ. Anh nhìn sang bên nhà xanh, căn phòng của Quyền đã tắt ánh đèn. Đêm nay chắc Quyền sẽ không nghỉ lại ở tòa nhà 9 tầng của Bil- Kel vì hình như mụ Xuân đã đi Mỹ thăm con gái được mấy tuần nay.

Tài sản lưu động của Bil- Kel theo San cho biết cũng đã không cánh mà bay, có lẽ đang nằm ở ngân hàng nào đó bên Thụy Sĩ hoặc Canada hay Mỹ, có trời biết được. Tập đoàn Bil- Kel chỉ còn xác nhà 9 tầng và mấy khu mỏ đang khai thác, hoạt động trên vốn vay ngân hàng, thế chấp bằng tài sản cố định.

Họ đã chuẩn bị sẵn đường lui, còn ta chờ lúc Quyền đổ bệnh nặng, phải ra nước ngoài chữa trị sẽ tùy cơ ứng biến để xử lý tài sản và con người ở tập đoàn cũng chưa muộn…

11. Mạc tộc cha và con

Thùy Dung đợi Quyền và Uy cùng về ăn tối nhưng đã rất muộn vẫn không thấy hai anh em họ trở về. Nàng gọi điện nhiều lần, nhưng cả hai đều tắt máy khiến lòng nàng như lửa đốt.

Ban trưa, nghe chồng bị đột quỵ trong lúc dự hội thảo về cải cách giáo dục dưới Hà Nội, nàng đã nhất quyết đòi đi, nhưng Uy ngăn lại. Chú ấy bảo, chị đừng lo, chắc anh Quyền thời gian gần đây làm việc quá sức nên mệt xoàng thôi, để mình em đi được rồi. Uy còn nói đùa, chị cứ cho người làm cơm sẵn, đợi tối nay tụi em đưa anh về uống rượu là vừa.

Vậy mà…

Dung nhớ lại, đã mấy hôm liền Quyền về nhà kém ăn ít ngủ, luôn miệng kêu đau nhức toàn thân, nhất là chỗ sống lưng. Nàng giục chồng đi khám, nhưng anh chỉ lắc đầu im lặng nên lại thôi. Lần hội thảo này, anh là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh duy nhất được đích thân ông bộ trưởng mời dự và đọc tham luận

“Từ thực tiễn tỉnh K, cần đổi mới sách giáo khoa và cách dạy môn Sử” là việc chưa từng có tiền lệ trong ngành giáo dục. Đêm trước, Quyền còn thức rất khuya nghiên cứu bản tham luận do Khang viết sẵn để khi vào họp sẽ chỉ nói vo, không cần cầm giấy đọc.

Hiếu Dân cũng được mời dự hội thảo nên anh là người đầu tiên báo tin cho Dung biết việc Quyền bị đột quỵ khi đang diễn thuyết rất hay, được cử tọa nhiều lần vỗ tay hưởng ứng. Từ lúc nhận điện thoại của Dân rồi lúc tiễn Uy lên xe về Hà Nội, Dung cứ đứng ngồi không yên, ngập tràn lo sợ.

Cơm canh đã nguội lạnh. Nàng thẫn thờ ngồi đợi đến nửa đêm vẫn chưa thấy người về, điện thoại cũng không. Chẳng thiết ăn uống gì, nàng uể oải đứng dậy vào phòng ngủ, gieo mình xuống giường. Căn bệnh viêm tuyến lệ dường như tái phát, nước mắt nhòe nhoẹt chảy không dứt, ướt đầm mặt gối, tròng mắt nàng cay xè nhức nhối. Không gian trong biệt thự ắng lặng, lạnh lẽo hoang vu như nhà xác nơi bệnh viện.

Dung mệt mỏi thiếp đi, mơ thấy toàn ác mộng. Nàng mơ thấy mình trở lại kiếp Lệ Thanh, cùng các cung nữ bị dồn vào góc tường, chứng kiến cảnh vua Uy Mục bị hành quyết dã man trên bãi cỏ, trước cổng Đoan Môn của hoàng thành… Và nàng lại mơ thấy lửa cháy ngút trời ở nhà Bắc Xứ, Lệ Thanh cùng Hoàng hậu Khâm Đức lao vào đám lửa, nhìn thấy thanh quá giang cháy dở đang rơi xuống, đè ngang người vua Tương Dực. Hoàng hậu đã ôm xác chồng chết trong đám lửa, còn Lệ Thanh được chàng Bùi Trụ cứu thoát, cõng về chùa Tiên Thiên cho ni sư chữa trị các vết bỏng…

Sáng. Thùy Dung tỉnh dậy từ rất sớm, người phờ phạc sau một đêm mất ngủ. Nàng định gọi điện cho lái xe đưa mình về Hà Nội thì Du gọi tới. Anh nói:

– Thưa chị! Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến sức khỏe đồng chí Quyền. Anh Huy Hùng muốn đưa xe đến đón chị cùng về Hà Nội. Nếu chị đồng ý, xin chuẩn bị để lát nữa xe tới đón và đi sớm cho đỡ nắng.

Nàng hớt hải vơ vội vài thứ cho vào túi rồi ra cổng đợi. Lát sau xe tới, Huy Hùng xuống xe đỡ túi hành lý, ân cần mời Dung lên ngồi cùng mình ở hàng ghế sau, cho Du ngồi hàng ghế trên. Anh lựa lời động viên nàng và nói:

– Đêm qua chúng tôi đã triệu tập gấp cuộc họp của ban thường vụ, thống nhất nhận định anh nhà là người có công lớn cho sự nghiệp phát triển tỉnh K. Thường vụ quyết định cử người đặc trách theo dõi bệnh tình và sức khỏe của anh Quyền, tạo mọi điều kiện tốt nhất chữa trị cho anh ấy, xin chị đừng lo. Nếu cần, tỉnh sẵn sàng trích ngân sách để gia đình đưa anh đi điều trị ở bệnh viện tốt nhất ở bên “Sing” hoặc bên Mỹ.

– Vâng, gia đình rất cám ơn tấm thịnh tình của các anh!

– Chị đừng nói thế, đó là lương tâm, trách nhiệm của chúng tôi. Theo tôi được biết, bệnh của anh nhà chắc không đến nỗi trầm trọng lắm. Tỉnh chỉ họp bàn để phòng xa thôi, chị ạ.

Dọc đường, Huy Hùng còn hỏi thăm sức khỏe thầy giáo Hạnh, việc học hành của cu Bil, bé Kel và cả bệnh viêm tuyến lệ của Thùy Dung. Nàng lí nhí đáp lời, tiếng được tiếng mất, trong đầu vẫn bấn loạn.

Xe chạy êm ru trên đường cao tốc. Dung ngả người cố khép hờ đôi mắt, nhưng không sao ngủ được. Hùng thỉnh thoảng liếc sang khuôn mặt buồn và đẹp, thầm nghĩ, một tuyệt thế giai nhân mà đời toàn bất hạnh!…

Xe vừa tới bệnh viện, Dung tất tưởi đi tìm phòng bệnh, lao vào trong vừa khóc vừa hỏi tình hình và trách Uy sao không gọi điện về, cũng không nghe máy.

Quyền thấy Hùng vào vội ngồi dậy bắt tay, tươi cười nói:

– Tôi ổn rồi, có sao đâu. Làm mọi người vất vả, lo lắng khiến tôi khó nghĩ quá!

Uy cũng bắt tay Hùng rồi quay sang thanh minh với chị dâu:

– Hôm qua anh Quyền không cho em gọi điện, chờ anh ấy khỏe lại thì xuất viện, không ngờ họ hội chẩn rất lâu rồi giữ bệnh nhân lại để theo dõi. Sáng nay em gọi về nhà thì chị đã theo xe anh Hùng xuôi Hà Nội rồi nên cũng không gọi tiếp nữa.

Huy Hùng vui vẻ tiếp lời:

– Anh Quyền không sao là may cho gia đình và tỉnh K, tuy nhiên ta không nên chủ quan. Thường vụ tỉnh đã họp và cử tôi xuống động viên anh cố gắng nghỉ lại bệnh viện ít ngày cho họ kiểm tra thật kỹ, anh Quyền ạ! Nếu bệnh tình biến chuyển có dấu hiệu gì xấu, tỉnh sẽ phối hợp với gia đình chữa trị kịp thời cho anh bằng mọi giá…

Mọi người chuyện trò vui vẻ hồi lâu, Hùng cùng Du xin phép đi gặp ban giám đốc bệnh viện và bác sĩ điều trị để nắm rõ tình hình. Dung và Uy cố ngăn không được, Quyền nhất quyết xuống giường tiễn hai người ra tận hành lang mới chịu quay vào. Anh giơ hai tay nắm chặt vai Uy, trừng mắt nói:

– Quyền này còn khỏe chán, chưa quỵ sớm được đâu mà có kẻ đã vội mừng. Chú mau gọi thằng Giàng A Phú lái xe đưa chị về kẻo lũ nhỏ mong. Mình chú ở lại đây với anh chờ thằng Khang xuống bàn việc rồi cũng về nốt, anh còn khỏe, rất khỏe, chú hiểu chưa?…

Dung muốn ở lại với chồng đến hết ngày, nhưng Quyền khăng khăng bắt nàng phải về. Uy thấy vậy chỉ biết vâng dạ làm theo ý anh trai. Nàng đành tần ngần đứng dậy, vừa lúc Hương và Hiếu Dân đến thăm nên ngồi nán lại.

Biết họ đi taxi đến bệnh viện, Uy bảo lái xe tiện đường đưa cả ba người về vì sắp đến giờ bác sĩ khám. Dân bắt tay Quyền, nhìn sâu vào đôi mắt, lòng đầy ái ngại cảm thương. Lúc ở cửa phòng, anh đã nghe giọng Quyền sang sảng nói với em trai. Thật ra, anh cũng vừa gặp vị giáo sư già của Viện Ung bướu quen biết thầy Hạnh. Ông được họ mời đến tham gia hội chẩn. Theo giáo sư, bệnh nhân có nhiều triệu chứng rất lạ, ông chưa hề gặp. Hồ sơ tiền sử bệnh án từ trước tới nay không hề có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy cơ thể bệnh nhân này ủ bệnh ung thư. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của giáo sư thì hiện đang có sự phá hủy các mô tế bào của các điện tử linh động cùng một lúc ở nhiều bộ phận cơ thể và đáng quan ngại nhất là khu vực tủy sống từ đốt 5 đến đốt 7.

Qua hai lần hội chẩn, các giáo sư đều chưa ai dám đưa ra kết luận cuối cùng, cần chờ lấy sinh thiết gửi đi nước ngoài xét nghiệm và theo dõi diễn biến thêm vài ngày nữa mới thống nhất được phác đồ điều trị.

Dân đã gặng hỏi và giáo sư tiết lộ, sự sống của Quyền so với anh chưa biết ai ngắn hơn ai…

Dọc đường ngồi trên xe, anh nắm chặt tay Dung tê tái xót xa, nhưng không dám thổ lộ cho nàng những điều mới biết.

Nghe Hương muốn cả ba ghé café Chiều Tím hàn huyên trước lúc tiễn Dung về K, anh vội gạt đi, lấy cớ mình đang bận viết dở chương cuối về vua Mạc Đăng Dung.

Chia tay Hương và Dung, anh lảo đảo lê bước lên từng bậc cầu thang của chung cư cũ nát, đầu óc chếnh choáng như người say. Lâu nay cứ ngỡ trước khi lìa bỏ cõi đời, điều an ủi duy nhất với mình là thấy Dung được hạnh phúc bên chồng con, có điều kiện thay mình chăm sóc thầy Hạnh.

Tình hình tỉnh K rối ren thế, nếu Quyền chết, liệu họ có để yên cho mẹ con Dung.. Và thầy Hạnh , chắc thầy sẽ buồn khổ, giảm thọ mất thôi. Biệt thự Hoa phù Dung rồi đây chắc gì Dung giữ được.

Người hiền lành, ít va chạm như em sao sớm phải chịu cảnh mẹ góa con côi, biết làm gì để sống và nuôi con khôn lớn thành tài. Sao những người tử tế lại khó sống thế?!…

Mang nặng trong đầu bao suy nghĩ buồn lo, Dân mở khóa phòng đổ vật xuống giường, khúng khắng ho rồi thiếp đi mê man, khắp người nóng rực như hòn than. Anh tỉnh dậy trời đã tối mịt. Bụng đói, miệng đắng ngắt, anh chẳng thiết ăn gì, nhưng thức ăn Hương nấu đang còn chất đầy trong tủ lạnh từ sáng.

Nhớ lời Hương dặn, không nỡ phụ lòng nàng, anh lấy vài thứ ra hâm nóng, ăn vội cho xong bữa rồi ngồi vào bàn viết.

Hồi sáng ở sân bệnh viện, Dân lấy cớ đang bận viết chương về Mạc Đăng Dung để thoái thác, không muốn cùng Hương và Dung ghé café Chiều Tím là bởi anh sợ khi ngồi lâu bên Dung sẽ không kìm lòng được, hở ra bệnh tình của Quyền làm nàng thêm rối trí. Thật ra chương ấy anh đã viết xong, nhưng dự định đêm nay sẽ xóa đi viết lại. Ý tưởng này xuất hiện sau lần anh được đi thăm đền thờ tổ họ Mạc.

Lần ấy, Hữu Đông về nước lấy tài liệu dùng cho luận văn tiến sĩ của mình, cậu giữ lời hứa nên đã thuê xe lên đón Dân về quê làng Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Dân đã đi dọc bờ sông Văn Úc ra tận cửa biển, nơi thủơ hàn vi Đăng Dung đã từng quăng chài thả lưới. Anh cũng đi xem những cánh đồng khi xưa Đăng Doanh lập đồn điền để các dũng sĩ về tập võ nghệ, luyện cách bày binh bố trận.

Trong nhà thờ tổ họ Mạc có tượng vua Mạc Đăng Dung và thanh long đao ông vẫn dùng tung hoành trận mạc, được lưu giữ hơn 500 năm qua. Đông còn mang về tặng Dân nhiều tài liệu quý của các sử gia triều Minh viết về vương triều nhà Mạc đã được sao chụp lại ở thư viện Francois- Mitterrand bên Pháp.

Được tắm mình trong không gian lịch sử, có thêm nhiều tài liệu mới, Dân càng hiểu sâu thêm về một con người phức tạp sáng lập ra vương triều mới, nhưng phải chịu nhiều tiếng oan, bị các sử gia đời sau gọi là Ngụy triều bán nước. Đêm nay ngồi vào bàn viết, bỗng Dân chợt rùng mình ớn lạnh, từ trong ảo giác anh thấy mình trở lại kiếp luân sinh Bùi Trụ, tận mắt chứng kiến và viết lại sự thật mấy năm cuối cùng thời Lê sơ…

Mùa thu năm Mậu Dần (1518) tuân theo chiếu chỉ của vua Chiêu Tông, cha con Mạc Đăng Dung từ lộ Hải Dương dẫn quân về triều dẹp loạn lũ quỷ quan tranh bá. Sau buổi yết kiến Chiêu Tông và bá quan văn võ trong triều ở điện Kính Thiên, được vua giao toàn quyền ổn định kinh thành và đánh dẹp quân phản loạn, Mạc Đăng Dung chỉ giữ lại khoảng ba ngàn dũng sĩ giỏi võ, quê gốc ở huyện Nghi Dương và vùng biển hai bờ cửa sông Văn Úc ở lại trong thành để thay máu toàn bộ Ty đô quân cấm vệ.

Đại quân của ông chia làm hai, tản ra ngoại vi đóng trại ở các nơi hiểm yếu, trấn giữ mặt Đông- Nam và mặt Tây- Bắc của kinh thành. Việc quân vừa ổn định xong, ông gọi Đăng Doanh vào trong tướng phủ bàn bạc. Đăng Dung hài lòng nhìn con trai oai phong lẫm liệt trong bộ giáp trụ, mỉm cười hỏi:

– Mấy hôm nay việc quân bề bộn, con ăn ngủ có tốt không, sức khỏe thế nào?

– Trình cha, con không hề xao nhãng những việc được giao, càng làm càng thấy lòng phấn chấn, khỏe người và đầu óc cũng tỉnh ra nhiều điều, cha ạ!

– Cha con ta lần này về kinh ở một tư thế khác, muốn thay trời hành đạo, con có cao kiến gì không?

– Thưa cha, nay ta dẹp nội loạn ở kinh thành cũng giống như khi xưa Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, vậy nên việc đầu tiên là phải theo kế sách của tiên sinh Nguyễn Trãi, đánh vào lòng người sao cho dân mến dân tin và thu phục được đội ngũ sĩ phu trong cả nước.

– Đương nhiên là phải như vậy, nhưng những việc cần làm ngay bây giờ con có chủ kiến gì, hãy nói cho cha nghe.

– Con đã đi tìm hiểu, thấy kinh thành vô cùng nhếch nhác, điếm canh trễ nải, phố xá tiêu điều, các chợ và bến sông hàng hóa nghèo nàn, thưa thớt kẻ bán người mua… Tất cả đều do lâu nay quan quân của triều đình tư thông hoặc dung túng cho bọn lưu manh thường xuyên sách nhiễu các hiệu buôn trong phố, đặt ra nhiều thứ thuế vô lý ở chợ và bến sông lấy tiền bỏ túi riêng nên dân tình khốn khổ, chán nản đến cực độ. Cha nên sai ngay quan trưởng ty đô cấm vệ quân chọn những người liêm khiết và thạo việc, lập ra nhiều đội tuần tra lùng bắt bọn lưu manh, khuyến khích dân chúng buôn bán tấp nập trở lại. Các nhà quán dịch ở cửa Bắc, cửa Nam và nhà Thái học ở Quốc Tử Giám cũng cần cho tu sửa để bộ mặt kinh thành trở nên sáng sủa hơn. Vì vậy con thiết nghĩ nghĩ, từ nay đến qua tết Kỷ Mão cha chưa cần động binh dẹp loạn vội, dành thời gian và sức lực ổn định trật tự kinh thành cho thật tốt, thưa cha!

– Lời con nói rất hợp với ý cha. Vừa rồi điều động đại quân chia hai ngả tản ra ngoại vi chính là vì cha muốn dưỡng sức cho họ, chờ đến mùa xuân năm sau mới xuất binh dẹp loạn vẫn chưa muộn.

– Thưa cha, con lại nảy ra ý nghĩ mới về cách “ngụ binh ư nông” theo gương của các bậc tiên liệt nước Nam ta thời Trần.

– Tốt lắm, con nói tiếp đi.

– Thưa cha, giờ đã vào tiết cuối thu, lúa ngoài đồng đang chín rộ. Ở các làng quê quanh kinh thành trai tráng đều bị cả triều đình lẫn các phe phản loạn bắt lính gần hết. Nhà nhà chỉ toàn đàn bà, trẻ con và người già yếu, bệnh tật. Sức người đã cạn. Nên chăng ta cho hai vạn quân khỏe mạnh của mình thay phiên nhau giúp dân gặt lúa, sau đó cày ải để trồng khoai, trồng đỗ vụ đông. Nếu quân phản loạn đến cướp lúa của dân, ta cũng có sẵn người bảo vệ. Làm được việc này tất tiếng lành đồn xa, dân tình sẽ hướng về họ Mạc, thêm chán ghét triều Lê đang suy tàn, thối rữa.

– Hay quá! Con thật sự đã trưởng thành, không uổng công cha rèn cặp và hy vọng. Việc hệ trọng này cha giao cho con đến từng quân doanh ban lệnh và động viên tướng sĩ. Họ đều giàu lòng nghĩa hiệp, chắc chắn sẽ nhiệt thành nghe theo con, miễn sao việc phòng bị và thao luyện vẫn phải duy trì thật tốt, con nhớ đấy!

– Vâng, thưa cha con sẽ lưu ý.

– Thế còn kế hoạch dẹp loạn lũ quỷ quan tranh bá vào mùa xuân tới, con nói thử cha nghe về thế cục đôi bên và kế sách chinh phạt xem có hợp với chủ kiến của cha hay không.

– Từ khi còn đóng quân ở đất Hải Dương con đã vâng lệnh cha, sai người đi do thám khắp nơi. Đến nay con có thể bẩm trình lên cha rằng, bọn phản loạn chống lại triều đình kia có thể tạm phân thành ba loại với ba mức độ nguy hiểm và kế sách chinh phạt khác nhau: Trước tiên là đội quân “tam đóa” của Trần Cung, con của kẻ tội đồ Trần Cao ở mạn Đông Triều, tội lớn vì dám ngông cuồng xưng đế, lại còn dùng nhiều tà thuật mê tín dị đoan để mê hoặc dân chúng. Bọn này chỉ là đám quân ô hợp nên dễ đánh nhất, cần sớm bao vây tiêu diệt tận sào huyệt của chúng, xóa sạch mọi hang ổ để không bao giờ ngóc đầu dậy được nữa.

Thứ đến, cánh quân phản loạn của Trịnh Tuy đang chiếm cứ một vùng đất rộng từ phủ Trường Yên vào đến hai xứ Thanh- Nghệ, quân đông tướng giỏi, địa hình hiểm trở. Đây vốn là lực lượng tinh nhuệ của triều đình, có từ thời vua Lê Hiến Tông, bị Trịnh Tuy ép buộc nổi loạn chứ thâm tâm họ không muốn. Theo con biết, già nửa quân số có gia quyến ở Bắc Hà, còn chủ tướng Trịnh Tuy của họ đã nhiều tuổi, tính tình thô lỗ, nát rượu và gàn dở. Nếu ta đem quân chinh phạt, vừa vây đánh vừa cho người cầm loa kêu gọi binh lính đầu hàng, hứa sẽ tha bổng cho họ được về quê cày ruộng, sum họp với gia đình tất quân địch rối loạn từ bên trong. Khi ấy Trịnh Tuy chỉ còn đường tháo chạy, mang theo đám tàn quân cùng quê về xứ Thanh ẩn náu ở thành Tây Đô. Xét cho cùng họ đều là con dân nước Đại Việt nên ta sẽ mở lượng hiếu sinh không truy kích đến cùng, để mặc họ cố thủ ở thành Tây Đô, lâu dần thiếu lương cũng sẽ tự tan rã mà thôi.

Cuối cùng là nhóm các đội quân phản loạn của những tướng dưới trướng nhạc phụ Trần Chân của con như Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Áng… Họ lấy cớ trả thù cho chủ tướng đã dấy binh khởi loạn, nhưng trong bụng đều thèm khát một chức quan trong triều nên kèn cựa, nghi ngờ và chẳng ai chịu nghe ai, mỗi người đem quân bản bộ hùng cứ một nơi. Trong số họ, lực lượng của Nguyễn Kính hùng mạnh nhất, chiếm giữ cả một vùng rộng lớn, từ lộ Sơn Tây tràn sang cả đất Kinh Bắc. Người này vốn không lạ gì cha con mình, thậm chí khá thân thiết. Ta chỉ cần đem quân lên Kinh Bắc bầy trận pháp, đánh trống reo hò để ra oai rồi sai người giỏi thuyết phục gặp Nguyễn Kính, mang theo chiếu chỉ của vua Chiêu Tông dụ hàng, hứa hẹn sẽ ban thưởng quan tước tất việc sẽ êm xuôi, không hao tổn xương máu người Việt thêm nữa. Dụ hàng được Nguyễn Kính, con tin rằng các tướng khác dưới trướng của Trần Chân cũ cũng sẽ mau chóng quy thuận triều đình…

Mạc Đăng Dung ngồi nghe, lặng đi vì sung sướng, tự hào. Ông không ngờ con trai mình có thể nhìn nhận thế cục sáng rõ, vạch sẵn kế hoạch chinh phạt bọn phản loạn cẩn trọng và chu đáo đến từng chi tiết. Ông càng yên tâm bởi kế hoạch đó chứa đầy tinh thần bao dung kiêm ái, hạn chế tối đa tổn thất xương máu của con dân nước Đại Việt vốn đã quá đau khổ trong nhiều năm rên xiết dưới ách bọn quỷ vương và lũ quỷ quan điên cuồng tranh quyền đoạt vị, bất chấp nỗi thống khổ của bách tính và sự tồn vong của quốc gia dân tộc.

Ông nghĩ, ta chỉ là anh dân chài giỏi võ ở huyện biển Nghi Dương, giữa thời tao loạn lên kinh thành ôm mộng lớn làm cuộc đổi thay triều chính, độ dân cứu khổ. Ta có thể hơn con trai mình ở sự từng trải chính trường, kinh nghiệm trận mạc, nhưng lớp trẻ như Đăng Doanh có học có khác. Nó hơn hẳn ta về tầm nhìn chiến lược, phát kiến táo bạo và cả tinh thần dấn thân đến cùng cho sự nghiệp canh tân, chấn hưng đất nước sau này. Giang sơn gấm vóc của Đại Việt đang cần nhiều chàng trai trẻ như nó cùng chung tay góp sức làm cuộc đổi thay thời thế, quyết không thể cứ mãi đắm chìm trong sự trì trệ, mục mát của mấy triều vua Lê đốn mạt gần đây.

Cái đêm mới đặt chân lên bến Thái Cực trở lại kinh thành, Doanh có bẩm trình với ta về cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng chàng nho sinh Bùi Trụ. Hai đứa đều là học trò xuất sắc của tiên sinh Bùi Xương Trạch, có chung một hoài bão. Ta phải nhắc Doanh hối thúc Trụ tìm thêm thật nhiều người như thế mới có thể mau chóng hoàn thành đại nghiệp.

Đăng Dung chợt nhớ đến chàng trai văn võ song toàn Lương Hữu Khánh, con của tiên sinh Lương Đắc Bằng. Theo lời ca tụng của Đăng Doanh và Bùi Trụ thì đó là nhân tài hiếm có. Ông dự định sau khi dẹp loạn xong sẽ sai hai chàng vào xứ Thanh đón cha con họ về triều làm trụ cột cho xã tắc. Chẳng biết những nhân tài như vậy đã thức tỉnh hay vẫn còn mê muội ngu trung với họ Lê, ngấm ngần cản bước hoặc ra mặt chống đối họ Mạc của ta sau này?…

Hai cha con Mạc Đăng Dung bàn bạc rất lâu, người này hiểu hoặc nói trúng ý người kia vô cùng tâm đắc như hai người bạn. Có hầu chuyện lâu với cha mình, Đăng Doanh mới vỡ lẽ hóa ra ông sớm chia quân sĩ thành hai đạo binh hùng mạnh trấn giữ ở ngoại vi kinh thành là có thâm ý chờ đến mùa xuân năm sau giao đạo quân Đông Nam cho con trai thống lĩnh để chinh phạt bọn Trần Cung và Trịnh Tuy, còn tự mình thống lĩnh đạo quân Tây Bắc vừa ổn định triều chính vừa vây đánh gọi hàng Nguyễn Kính và các tướng cũ khác của Trần Chân.

Chàng hăm hở đến các quân doanh động viên tướng sĩ thực hành kế sách “ngụ binh ư nông”, kiểm tra việc thao luyện trận pháp, chuẩn bị đến mùa xuân năm sau thỏa sức tung hoành nơi trận mạc. Kế hoạch chinh phạt các đám quân phản loạn dự định trong ba năm, nhưng cha con chàng chỉ mất hai năm đã gọn ghẽ hoàn tất.

Mùa xuân năm Tân Tỵ – 1521, vua Chiêu Tông thiết triều ở điện Kính Thiên, bình công ban thưởng cho các tướng có công dẹp loạn; phong Mạc Đăng Dung làm Thái phó, tước Nhân Quốc Công; lại phong Mạc Đăng Doanh làm Thiên tướng quân, tước Dục Mỹ hầu, cai quản điện Kim Quang là nơi họp bàn của Hội đồng tướng lĩnh. Các tướng dưới quyền Mạc Đăng Dung như Phạm Gia Mô, Vũ Hộ, Mạc Đăng Quyết… đều được phong thưởng rất hậu. Quyền hành từ đây nằm hết trong tay cha con họ Mạc.

Năm Nhâm Ngọ – 1522, nội tình nước Đại Việt căn bản đã ổn định, dân chúng tạm thời thoát cảnh can qua ly loạn. Bộ mặt kinh thành đã hồi sinh trở lại. Phố phường tấp nập người đi, các tiệm buôn và những cao lâu, tửu quán ở phường Hòe Nhai mở cửa đến tận khuya, đèn treo hoa kết, đàn sáo vang lừng. Bến sông và các khu chợ lớn nhỏ đều ngập đầy hàng hóa.

Cha con Mạc Đăng Dung nắm quyền lớn trong triều đã thực thi nhiều sự cách tân. Về quan chế, triều đình quy định các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm đều chỉ được tại chức đến tuổi 55 dù còn khỏe mạnh vẫn phải nghỉ việc, nhường chỗ cho người trẻ thi thố tài năng, phụng sự đất nước. Sưu cao thuế nặng được giảm bớt và các khoản thu vô lý do đám nha lại ở địa phương tùy tiện đặt ra để móc túi dân lành phải lập tức bãi bỏ. Ở những nơi gặp thiên tai triều đình khuyến khích các phú hộ trong thôn xã phát chẩn cho dân nghèo…

Đăng Dung còn dâng biểu xin vua Chiêu Tông giảm bớt người trong hoàng cung; những phi tần, cung nữ lớn tuổi có nguyện vọng về quê đoàn tụ với gia quyến hay lấy chồng đều được chuẩn y; đám hoạn quan cũng bị thanh lọc bớt những kẻ sàm nịnh. Trật tự ở kinh thành và trong hoàng cung dưới sự giám sát của quan Trưởng ty Đô cấm vệ quân Mạc Đăng Quyết, em cùng cha khác mẹ của Đăng Dung đã được khôi phục. Ngoài phố hay chợ và bến sông đều vắng bóng kẻ lưu manh, du thủ du thực. Trong hậu cung bớt dần những chuyện thị phi của đám phi tần, cung nữ.

Mọi sự cách tân ấy đã đụng chạm đến quyền lợi của không ít quan lại trong lục bộ đương triều. Vua Chiêu Tông lúc lên ngôi mới mười một tuổi, nay đã mười bảy nên bắt đầu cảm thấy quyền của mình bị thu hẹp, lại nghe lời sàm tấu của bọn nịnh thần tham nhũng như Phạm Hiền, Phạm Thư càng thêm lo ngại họ Mạc lấn quyền.

Mùa thu năm Nhâm Ngọ, lợi dụng lúc Mạc Đăng Doanh cùng các tướng mang quân tinh nhuệ đi thị sát vùng biên ải phía Bắc, anh em Phạm Hiền, Phạm Thư khuyên vua viết chiếu thư gọi Trịnh Tuy ở Tây Đô và các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy ở lộ Sơn Tây đem quân về hạ sát Mạc Đăng Dung.

Kẻ đưa chiếu thư đi lộ Sơn Tây là người nhà của Phạm Hiền bị quân cấm vệ của Mạc Đăng Quyết bắt giữ, việc mưu sát bị bại lộ, ngay đêm ấy Đăng Quyết dẫn quân cấm vệ vào cung, nhưng vua và bọn nịnh thần đã kịp bỏ trốn đi Sơn Tây, Thái hậu và hoàng đệ Lê Xuân đều không hay biết.

Lục soát tư gia của anh em họ Phạm, quân lính tìm thấy tấu biểu của họ kể tội cha con họ Mạc lộng quyền lấn vua, ép quan đáng tội tru di cửu tộc. Đăng Dung bừng bừng tức giận, ngay đêm đó ép Thái hậu phế truất Chiêu Tông xuống làm Đà Dương vương, đưa Lê Xuân lên ngôi, đế hiệu là Lê Cung Hoàng, cải niên hiệu là Thống Nguyên năm thứ nhất.

Khi Trịnh Tuy từ Tây Đô ra gặp vua Chiêu Tông vừa lúc nghe tin Đăng Doanh cùng các tướng đang dẫn quân về triều, các tướng ở lộ Sơn Tây vô cùng hoảng sợ, mâu thuẫn gay gắt với Trịnh Tuy, không dám đối đầu với họ Mạc nữa. Gặp bước đường cùng, Chiêu Tông đành theo Trịnh Tuy chạy về Tây Đô. Đăng Doanh thấy binh tình không còn đáng ngại bèn chia nửa quân số, dặn các tướng tâm phúc chỉ đuổi theo truy kích Trịnh Tuy đến chân núi Tam Điệp thuộc lộ Trường Yên thì dừng lại, còn chàng mang nửa quân số quay về kinh thành cùng cha bàn bạc.

Phủ Thái phó suốt mấy ngày liền im lặng khác thường. Quanh phủ, quân cấm vệ chia từng đội, luân phiên tuần phòng nghiêm ngặt. Trong phủ, hơn trăm dũng sĩ quê huyện Nghi Dương võ công thâm hậu, nai nịt gọn gàng ngồi túc trực ở hai dãy nhà ngang Đông và Tây.

Mạc Đăng Dung đang luyện đao pháp. Thường ngày ông chỉ tập đao vào giờ Mão buổi sáng, còn giờ Dậu buổi chiều ông tập nhẹ mấy bài quyền cước, chỉ những khi suy nghĩ căng thẳng việc triều chính hay việc quân cần kíp, ông mới phá lệ tập đao vào buổi chiều như hôm nay. Người đời đồn rằng, thanh long đao của ông rất nặng, chỉ kém long đao của Quan Vũ thời Tam quốc bên Tàu vài cân, chém sắt như chém cây chuối vậy. Trong tay ông, nó xoay tít, biến hóa khôn lường. Quyền cước của ông từ cuộc thi võ dưới triều vua Uy Mục đã từng nổi danh thiên hạ vô địch.

Đăng Dung ngừng tập, đưa thanh long đao cho hai lính hầu khiêng vào nhà cất giữ. Viên quản gia trung thành bưng chậu nước cho ông lau người, còn nàng hầu bưng khay đựng chiếc áo lụa màu lục, nhẹ nhàng khoác lên người ông. Đúng vào lúc đó Đăng Doanh bước vào cổng phủ. Nhác thấy con trai, ông quắc mắt hỏi gằn từng tiếng:

– Sao con không truy đuổi đến cùng tên hôn quân bội tín, giết quách nó đi cho khuất mắt cha mà về đây làm gì?

– Dạ thưa cha, con muốn ghé về nhà bẩm trình vài việc.

– Vậy con mau theo cha vào thư phòng.

Đăng Doanh theo gót cha vào nhà, hồi hộp và có phần run sợ đôi chút trước ánh mắt rực lửa của ông lóe lên lúc mới gặp. Chàng nhìn từng bước chân dứt khoát, nhịp nhún nhẩy của đôi vai, hiểu rằng cha mình đang rất nóng ruột chờ nghe những lời bẩm trình. Song thật lạ, vào đến thư phòng ông khoan thai ngồi xuống án thư, tay nhấc ấm trà người hầu vừa pha rót hai chén rồi ôn tồn bảo chàng cầm lấy một chén uống cho ấm giọng. Đợi con trai kéo ghế ngồi đối diện trước án thư, ông khẽ khàng ra lệnh:

– Nào… có việc gì cần bàn với cha, con nói đi.

– Thưa cha, con thấy ta chưa vội mang quân truy kích vua tôi họ vào tới Tây Đô, chỉ cần dừng lại ở Tam Điệp để ngăn chúng quay lại là được rồi ạ.

– Và con dám tùy tiện làm theo ý mình khi chưa hỏi ý cha?

– Xin cha tha tội. Con làm tướng ở bên ngoài phải sớm có quyết định dứt khoát nên đã mạo muội tiền trảm hậu tấu.

– Vì sao con phải làm vậy?

– Trịnh Tuy mang theo đám quân đói khát về gặp Chiêu Tông vẫn thói nào tật ấy, ngông cuồng gàn dở bắt nạt các tướng trẻ ở lộ Sơn Tây. Hắn ỷ thế mình là trọng thần cao tuổi, tùy tiện mang vua vào Tây Đô là tự làm yếu mình. Ngữ ấy con muốn bắt sống hay giết tại trận lúc nào chẳng được. Điều con e ngại là các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy đang nắm giữ đạo quân đông đúc, lương thảo đầy đủ lại rất gần kinh thành. Họ đã giết được tướng Hoàng Duy Nhạc do cha phái đi đuổi bắt Chiêu Tông chứng tỏ lực họ mạnh và là những tướng trẻ có tài. Nay họ mâu thuẫn với Trịnh Tuy, hoang mang không dám chống lại ta, trong tay lại không có chiếu chỉ kêu gọi cần vương cứu giá của vua vì người mang chiếu thư đã bị chú Mạc Đăng Quyết bắt giữ ở cửa ngõ kinh thành. Đây chính là cơ hội để con mang theo vài tùy tùng đường hoàng đến tận quân doanh dùng lời lẽ thuyết phục họ tỉnh ngộ, quay về với mình.

Nếu con kéo cả đại quân đi xa tận miền Tây xứ Thanh hiểm trở, chỉ e có kẻ trong bè cánh Phạm Hiền tìm đến kích động các tướng trẻ này tiến đánh kinh thành, cho dù chúng không thể đủ sức thắng ta, nhưng chiến sự nổ ra sẽ gây đau khổ cho dân chúng trong thành. Gần hai năm qua, cha con ta đã tốn bao công sức mới ổn định được đời sống an lành, làm ăn khởi sắc cho bách tính, nay bỗng chốc lâm vào cảnh ly loạn, của cải hao tán, nhà cửa hư nát sẽ vô cùng thống khổ.

– Những điều con nói không sai, nhưng cha đã lập Lê Xuân làm vua mới, nước không thể có hai vua nên Chiêu Tông phải chết. Vậy con định bao giờ khởi binh đánh vào Tây Đô?

– Theo thiển ý của con, thì nên đợi đến giữa năm Quý Mùi – 1523 đánh vào Tây Đô mới là thượng sách. Cái thành rỗng ở nơi xa heo hút ấy lâu nay Trịnh Tuy nuôi quân còn không đủ, giờ lại phải cung phụng cho vua Chiêu Tông và đám quần thần quen ăn sung mặc sướng tất chỉ một năm sẽ rối như canh hẹ. Mặt khác, qua vụ mưu sát cha không thành vừa rồi, con ngờ rằng vây cánh anh em Phạm Hiền, Phạm Thư trong triều vẫn còn, ta phải điều tra diệt hết cho chúng tiệt nọc. Khi đánh vào Tây Đô ta cũng chưa vội giết vua Chiêu Tông mà nên bắt sống giải về kinh thành, chờ một thời gian ta cho hắn uống chén thuốc độc rồi phao tin hắn chết vì bệnh sẽ đỡ mang tiếng giết vua, thưa cha.

– Ý này rất hay. Con nên thu xếp vào Tam Điệp bàn bạc thêm với các tướng đang đóng quân ở đó.

– Thưa cha, lần này đánh vào Tây Đô con muốn tiến cử chú Đăng Quyết chỉ huy, còn con sẽ ở lại giúp cha ổn định triều chính, vì vua Cung Hoàng mới lên ngôi rất cần đe nẹt ngay từ đầu cho biết thân phận, không để tái diễn trường hợp như vua Chiêu Tông lần nữa. Vả lại chú Đăng Quyết là một mãnh tướng, chỉ thích tung hoành nơi trận mạc chứ không muốn ở mãi kinh thành đâu cha ạ! Phần con, không vào Tây Đô cũng tránh được tiếng trả thù Chiêu Tông đã sát hại nhạc phụ Trần Chân của con, ông ngoại của cháu Mạc Phúc Hải, thưa cha…

Mạc Đăng Dung nghe xong ngả người, xoa tay cười lớn. Hiểu Đăng Quyết có lẽ không ai bằng Đăng Doanh của ta. Ông thầm khen con trai mình biết quan sát, hiểu được cá tính, tâm trạng của người xung quanh. Phẩm hạnh ấy rất cần cho người mưu nghiệp lớn.

Mùa hè năm Quý Mùi – 1523, Mạc Đăng Dung sai em là Đăng Quyết dẫn theo các tướng Vũ Hộ, Vũ Như Quế mang quân vây đánh thành Tây Đô. Trịnh Tuy hoảng sợ rút chạy vào rừng phía thượng nguồn sông Mã, đến đầu năm Giáp Thân – 1524 bị Đăng Quyết truy kích gắt gao nên đã chết trong đám loạn quân. Tháng 10 năm Ất Dậu – 1525 vua Chiêu Tông và anh em Phạm Hiền, Phạm Thư đều bị Đăng Quyết bắt sống ở châu Lang Chánh, miền Tây xứ Thanh, dẫn giải về kinh thành. Phạm Hiền, PhạmThư bị khép tội phản nghịch, triều đình lập pháp trường hành hình cả hai anh em và các con ngay trước cổng Đoan Môn làm gương cho các quan. Vua Chiêu Tông bị đem đi giam lỏng ở phường Đông Hà đến tháng chạp năm Bính Tuất – 1526 thì cho uống thuốc độc, đem xác chôn ở lăng Vĩnh Hưng, đất Thanh Đàm…

Sau khi vua Chiêu Tông chết, các thế lực chống đối họ Mạc ở triều đình và quanh kinh thành cũng hầu như tan rã hết. Đất nước Đại Việt thoát khỏi cảnh nội chiến liên miên, dân tình ly loạn và đói khổ cùng cực. Thế nhưng bài học về sự phản trắc của vua Chiêu Tông khiến Mạc Đăng Dung không khỏi suy nghĩ, lao tâm khổ tử. Ông giao mọi việc ở trong triều cho con trai Mạc Đăng Doanh giải quyết, còn mình ngoài giờ tập võ ra, suốt ngày đóng cửa thư phòng, trầm ngâm suy tính mọi việc xa gần.

(Còn tiếp)

Comments are closed.